CƯỚI HỎI và NHỮNG KIÊNG KỴ NÊN BIẾT - Tác giả: Đặng Xuân Xuyến

Leave a Comment
(Nguồn ảnh: internet)
CƯỚI HỎI và
NHỮNG KIÊNG KỴ NÊN BIẾT
*
(Tác giả Đặng Xuân Xuyến)
Hôn nhân là việc trọng đại của đời người, ảnh hưởng đến sự hưng thịnh của gia đình và gia tộc, vì thể người Việt Nam ta rất cẩn trọng trong việc chọn thời gian (tuổi tác, ngày tháng năm...) tổ chức hôn lễ cho con cháu để tránh những rủi ro như hôn nhân tan vỡ, hiếm muộn con cái, sự nghiệp của vợ chồng bế tắc… 
Kiêng kỵ trong dân gian thì rất nhiều và có những kiêng kỵ chúng tôi thấy thật sự không cần thiết vì không phù hợp với lối sống hiện đại, vì thế, khi soạn bài CƯỚI HỎI VÀ NHỮNG KIÊNG KỴ NÊN BIẾT, chúng tôi chỉ giữ lại những kiêng kỵ mà theo thiển nghĩ của chúng tôi là “hợp lý”, phù hợp với niềm tin “có thờ có thiêng, có kiêng có lành” của ông cha ta.
Hy vọng bài viết sẽ hữu ích với bạn đọc.
*
Cách tính tuổi Kim Lâu
Dân gian có câu:
“Một, ba, sáu, tám Kim Lâu
Dính vào sạt nghiệp vỡ đầu còn may”
Vì thế, nhiều người vẫn nghĩ tuổi Kim Lâu là tuổi âm lịch có con số đuôi là 1, 3, 6, 8. Ví như: 21, 23, 26, 28, 31, 33, 36, 38... nên cứ vào những năm đó là cấm tiệt những chuyện liên quan tới hỷ sự. Đó là cách hiểu không đúng về cách tính tuổi Kim Lâu.
Cách tính tuổi Kim Lâu được tính như sau:
Lấy tuổi nữ (tuổi âm lịch) trừ đi 9, hoặc chia cho 9, số dư cuối cùng nhỏ hơn 9, chẳng hạn: là 1; 3; 6; 8 thì những năm đó là năm Kim Lâu.

Hóa giải vận xấu khi buộc phải cưới hỏi vào năm Kim Lâu
Nếu vì lý do nào đó buộc phải cưới vào năm Kim Lâu thì dân gian có cách hóa giải vận xấu của tuổi Kim Lâu như sau:
1. Tổ chức cưới hỏi sau ngày Đông Chí:
Không chỉ riêng ngày cưới mà cả các ngày dạm ngõ, ăn hỏi... đều tiến hành sau ngày Đông Chí. Đây là cách hóa giải tốt nhất cho việc cưới hỏi phạm vào tuổi Kim Lâu. 
2. Tổ chức cưới hỏi sau ngày sinh nhật của cô dâu
Cách hóa giải này ít được dùng nhưng trong một số trường hợp đặc biệt, không thể đợi đến ngày Đông Chí thì có thể tiến hành các việc dạm ngõ, ăn hỏi, cử hành hôn lễ sau ngày sinh nhật (tính theo ngày âm lịch) của cô dâu.

Năm tuổi của cưới xin là những năm nào?
Theo tín ngưỡng dân gian thì mỗi người sinh ra đều cầm tinh một con vật trong 12 con giáp. Và cứ sau 12 năm sẽ lại đến năm tuổi của mỗi người, ví dụ: Người tuổi Ngọ thì cứ đến năm Ngọ là năm tuổi; người tuổi Thân thì cứ đến năm Thân là năm tuổi... Tuy nhiên, trong lĩnh vực hôn nhân thì cách tính năm tuổi lại khác với thông lệ.
Cụ thể theo bảng sau:

Muốn có cuộc sống hôn nhân hạnh phúc, thuận lợi thì nên tránh kết hôn vào những năm “tuổi” đã liệt kê ở trên.

Mẹo hóa giải khi buộc phải cưới hỏi vào năm tuổi
Vì lý do nào đấy mà buộc phải kết hôn vào những năm tuổi thì dân gian có những cách hóa giải như sau:
1. Bán con cho Thần Thánh:
Khi hai vợ chồng sinh đứa con đầu lòng thì làm nghi lễ “bán con”, còn gọi là “bán cửa”, “bán khoán”, ra đình, chùa, miếu, phủ.
Thường thì người ta hay làm lễ “bán khoán” đứa trẻ cho Đức Ông, Mẫu hoặc Đức Thánh Trần vì dân gian tín các vị thần ấy không những bảo vệ cho đứa trẻ mà còn ban phước cho đứa trẻ và cho cả bố mẹ đứa trẻ được may mắn, an lành.
2. Cho con làm con nuôi người khác:
Khi đứa con mới sinh ra thì cho đi làm con nuôi (tất nhiên là đứa trẻ vẫn ở với cha mẹ để. Thủ tục cho làm con nuôi chỉ là hình thức) hoặc là làm theo cách “bỏ đường bỏ chợ”.
Thường thì người ta chọn những gia đình đông con, nhiều cháu, phúc đức nhiều đời, gửi làm con nuôi để đứa trẻ được hưởng “hồng phúc” của cha mẹ nuôi, đồng thời cũng hóa giải cho những vận hạn mà cha mẹ đứa trẻ có thể gặp phải.
.
Tìm tháng tốt - xấu cho con gái xuất giá
Tháng xuất giá cho con gái có 2 điều tốt là tháng Đại lợi hoặc tháng Tiểu lợi và có 4 điều xấu cần phải tránh là:
Phòng Phu chủ  - Kỵ với người chồng
Phòng Thê chủ  - Kỵ với người vợ
Phòng Công cô  - Kỵ với cha mẹ chồng
Phòng Nhạc thân- Kỵ với cha mẹ vợ


Theo bảng trên thì đẹp nhất là cưới vào tháng Đại Lợi, sau đến tháng Tiểu Lợi (là tháng Phòng Mai nhân) nhưng muốn dùng tháng Tiểu Lợi thì mối lương duyên đó phải không có do mai mối. Nếu trai, gái mồ côi thì có thể cưới hỏi vào các tháng Phòng Công cô hoặc Phòng Nhạc thân. Còn các tháng thuộc Phòng Phu chủ (người chồng), Phòng Thê chủ (người vợ) thì tuyệt đối không tiến hành các việc liên quan tới hỉ sự.

Cưới xin cần tránh những ngày nào?
Cưới xin kỵ tổ chức vào những ngày xấu như Nguyệt Kỵ, Vãng Vong, Hoang Vu, Không Phòng, Nguyệt Đối, Nguyệt Yểm, Tu La, Tam Nương... Cưới hỏi vào những ngày này, chủ việc cô đơn, hạnh phúc không bền, hôn nhân dễ gãy đổ.... 
Ngày Nguyệt Kỵ là những ngày: 05, 14 và 23.
Ngày Tam Nương là những ngày: 03, 07, 13, 18, 22, và 27 
Các ngày xấu khác được liệt kê theo các bảng sau:




Trong những ngày xấu được liệt kê ở bảng 1, thì những ngày Tu La Cướp Giá có thể tiến hành hôn lễ được, tuy nhiên nên thật cẩn thận trên đường khi rước dâu về nhà trai.

Chọn ngày giờ Hoàng Đạo cho cưới xin như thế nào?
Cưới xin là việc trọng đại của đời người, ảnh hưởng tới sự hưng thịnh của gia đình, dòng tộc nên người Việt ta rất cẩn trọng trong việc chọn ngày, kén giờ cho các việc hỷ sự. Đó là những ngày Hoàng Đạo, giờ Hoàng Đạo, là khung thời gian (ngày, giờ) được các vị thần (các sao) tốt, thiện tâm chủ trực, thường ban phước lành, may mắn nên dân gian tín dùng cho các việc trọng đại, để cầu may, rước phúc.
Ngày Hoàng Đạo là các ngày Trực Trừ, Nguy, Định, Chấp, Thành, Khai, gồm các sao: Thanh Long, Minh Đường, Kim Đường, Ngọc Đường, Tư Mệnh, Kim Quỹ, Thiên Đức, Nguyệt Đức. Trong đó, các sao: Thanh Long, Minh Đường, Kim Quỹ, Thiên Đức là những sao tốt, rất lợi cho hỷ sự.
Cách chọn ngày, giờ đẹp (Hoàng Đạo) cho cưới hỏi được tiến hành theo trình tự: Sau khi đã tìm được tháng tốt cho việc xuất giá, người ta sẽ căn cứ vào tháng dự định tổ chức lễ cưới để chọn các ngày Hoàng Đạo (bảng 3).


Từ kết quả đã chọn ở bảng 3, đối chiếu với bảng 1 và bảng 2 để loại bỏ những ngày không tốt cho cưới hỏi, rồi tra Lịch Vạn Niên xem đó là ngày Trực gì? có sao đẹp nào? Nếu là ngày Trực Định, Khai, Thành, có sao Thanh Long, Minh Đường, Kim Quỹ thì đó là những ngày đẹp, rất tốt cho việc cưới hỏi. Ngày đã ấn định chọn làm ngày cưới hỏi, nếu thêm được sao Thiên Đức thì đẹp càng thêm đẹp. Cách tính ngày có sao Thiên Đức như sau: Bắt đầu là tháng Giêng, xuôi đến tháng Chạp là cuối cùng, theo thứ tự: Tỵ, Mùi, Dậu, Hợi, Sửu, Mão, Tỵ, Mùi, Dậu, Hợi, Sửu, Mão.
Sau khi đã ấn định ngày cưới hỏi, người ta sẽ chọn giờ lành để tiến hành hỷ sự theo bảng 4: Các giờ Hoàng Đạo trong ngày, như sau:
12 GIỜ
NGÀY THEO ĐỊA CHI
TÝ - NGỌ
SỬU - MÙI
DẦN - THÂN
MÃO - DẬU
THÌN - TUẤT
TỴ - HỢI
Giờ Tý
(23-01)
KIM QUỸ
Thiên Hình
THANH LONG
TƯ MỆNH
Thiên Lao
Bạch Hổ
Giờ Sửu
 (01-03)
KIM ĐƯỜNG
Chu Tước
MINH ĐƯỜNG
Câu Trần
Nguyên Vũ
NGỌC ĐƯỜNG
Giờ Dần 
(03-05)
Bạch Hổ
KIM QUỸ
Thiên Hình
THANH LONG
TƯ MỆNH
Thiên Lao
Giờ Mão 
(05-07)
NGỌC ĐƯỜNG
KIM ĐƯỜNG
Chu Tước
MINH ĐƯỜNG
Câu Trần
Nguyên Vũ
Giờ Thìn
(07-09)
Thiên Lao
Bạch Hổ
KIM QUỸ
Thiên Hình
THANH LONG
TƯ MỆNH
Giờ Tỵ    
(09-11)
Nguyên Vũ
NGỌC ĐƯỜNG
KIM ĐƯỜNG
Chu Tước
MINH ĐƯỜNG
Câu Trần
Giờ Ngọ
(11-13)
TƯ MỆNH
Thiên Lao
Bạch Hổ
KIM QUỸ
Thiên Hình
THANH LONG
Giờ Mùi
(13-15)
Câu Trần
Nguyên Vũ
NGỌC ĐƯỜNG
KIM ĐƯỜNG
Chu Tước
MINH ĐƯỜNG
Giờ Thân
(15-17)
THANH LONG
TƯ MỆNH
Thiên Lao
Bạch Hổ
KIM QUỸ
Thiên Hình
Giờ Dậu
(17-19)
MINH ĐƯỜNG
Câu Trần
Nguyên Vũ
NGỌC ĐƯỜNG
KIM ĐƯỜNG
Chu Tước
Giờ Tuất
(19-21)
Thiên Hình
THANH LONG
TƯ MỆNH
Thiên Lao
Bạch Hổ
KIM QUỸ
Giờ Hợi
(21-23)
Chu Tước
MINH ĐƯỜNG
Câu Trần
Nguyên Vũ
NGỌC ĐƯỜNG
KIM ĐƯỜNG

(Lư­u ý: Những chữ in hoa là giờ Hoàng ðạo (TƯ­ MỆNH, THANH LONG...); những chữ in thư­ờng là giờ Hắc ðạo (Nguyên Vũ, Bạch Hổ, Câu Trần....).

Có nên cưới hỏi vào những ngày Bất Tương?
Một số trang web chuyên về văn hóa tâm linh cho rằng ngày Bất Tương là ngày đại kiết, dựng vợ gả chồng vào những ngày này thì thật tuyệt vời, sẽ chẳng phải lo lắng bất cứ điều gì. Các trang web trên đưa ra luận cứ rất trừu tượng, khiên cưỡng: “Âm Dương bất tương: Can Dương (+) hòa hợp với Chi Âm (-) thì tốt cho cả nam lẫn nữ.”, để khẳng định: Ngày Bất Tương là ngày đại kiết, tuyệt đẹp cho muôn việc, nhất là việc cưới hỏi.
Nếu đã dùng Âm Dương của Can Chi để lý giải thế nào là ngày Bất Tương thì phải căn cứ vào nguyên lý của Âm Dương là cùng dấu thì đẩy, trái dấu thì hút, để lý giải căn nguyên nào dẫn đến sự khác biệt giữa “Can Dương (+) hòa hợp với Chi Âm (-)” với “Can Âm (-) phối hợp Chi Dương (+)”, mà lại cho kết quả đối lập: tương hợp > < cụ tương (kỵ - khắc)? Và ngay trong nhiều trường hợp, ngày cũng thuộc “Can Dương (+) hòa hợp với Chi Âm (-)” nhưng tại sao những ngày như thế lại không xếp vào ngày Bất Tương như các trang web đã liệt kê? Các trang web đó không lý giải (được) điều đó, và cũng không chỉ ra: Phải căn cứ vào đặc tính và lý tính (Âm Dương Ngũ Hành) của ngày (Bất Tương) để xem ngày đó có phạm vào ngày kỵ cưới hỏi? có đẹp cho hỷ sự? có hợp với tuổi của cô dâu, chú rể?. Và nữa, sự bất nhất, sai lệch về các ngày Bất Tương giữa các trang web, giữa các bài ngay trong cùng một trang web thì độ “tin cậy” của những bài viết đó là con số không.
Chúng tôi tán đồng quan điểm của nhà ứng dụng kinh dịch Nguyễn Thanh Lâm, khi ông giải thích về ngày Bất Tương: “Bất Tương là không hợp nhau, không hội kiến được với nhau, Trời nói đằng Trời, Đất nói đằng Đất, chả bao giờ gặp nhau cả. Bất Tương về dịch thì trên dịch Càn dưới dịch Cấn của Độn là trốn, không thể hợp nhau được nên ngày này không thể tiến hành các việc trọng đại như làm nhà, cưới hỏi, khai trương.”.
Chúng tôi thì cho rằng: ngày Bất Tương có ngày đẹp, ngày xấu nên không thể tín ngày Bất Tương như một số trang web chuyên về văn hóa tâm linh đã khuyến cáo để tránh những xui xẻo, không may đến với đôi vợ chồng mới. Theo quan điểm của chúng tôi, khi chọn ngày cưới hỏi, cần gạt bỏ những ngày Bất Tương ra khỏi danh sách lựa chọn để việc chọn ngày được chuẩn tín hơn.

Kiêng cưới hỏi vào tháng 7 âm lịch
Theo tín ngưỡng của dân gian thì tháng 7 (âm lịch) gọi là tháng cô hồn vì tháng này Diêm Vương ra lệnh mở Quỷ Môn Quan cho các cô hồn, ma quỷ được thoát về dương thế và các cô hồn, ma quỷ đó buộc phải trở lại địa ngục trước 12 giờ đêm của ngày Rằm tháng 7. Vì thế, tháng 7 âm lịch, nhất là những ngày nửa đầu của tháng, âm khí rất mạnh, nếu tiến hành các việc lớn, hỷ sự như tậu nhà, khai trương, cưới hỏi... sẽ thu hút các vong hồn đến phá phách, gây bất lợi cho gia chủ.
Hơn nữa, theo truyền thuyết dân gian thì tháng 7 âm lịch là tháng Ngưu Lang - Chức Nữ (vợ chồng Ngâu), gắn với chuyện tình duyên trắc trở, bi ai của Ngưu Lang - Chức Nữ, khiến trời đất cảm thương, cũng âm u, mưa dầm rả rích suốt tháng. Cưới hỏi vào những ngày này không thuận về thời tiết còn e vận tình duyên bi ai của vợ chồng Ngâu vào Tân Lang - Tân Nương nên việc hỷ sự cần tránh tiến hành vào tháng “Ngâu” này.
Người ta kiêng cưới hỏi hoặc làm các việc hệ trọng vào tháng 7 âm lịch là vì những lý do như thế.

Kiêng cưới vào ngày Mùng 1 hoặc ngày Rằm
Theo tín ngưỡng dân gian thì ngày Mồng Một và ngày Rằm là ngày lễ của Phật, là ngày linh thiêng nên cần tránh mọi sự “uế tạp”. Nếu cưới vào những ngày này sẽ đem đến những xui xẻo về đường con cái, thậm chí giảm tuổi thọ của Tân Lang - Tân Nương vì đã phạm vào đại kỵ là làm “chuyện ấy” (tân hôn) vào những ngày cần phải giữ gìn sự thanh tịnh cả thể xác lẫn tâm hồn.
Một lý do nữa là theo sự đúc kết kinh nghiệm của cổ nhân thì vào những ngày trăng tròn (ngày Rằm), tâm sinh lý của con người có nhiều ức chế, xáo trộn, dễ dẫn đến những hành vi tiêu cực như trộm cắp, đánh nhau, tự tử… khiến cổ nhân phải than rằng: “Nguyệt viên nhân khuyết” (Trăng tròn người khuyết - khi trăng tròn thì con người rất dễ mất mạng). Vì thế mà tín ngưỡng dân gian đã đưa ra kiêng kỵ việc cưới hỏi vào những ngày này.

Kiêng kỵ với mẹ chồng
Theo nghi lễ cưới hỏi dân gian thì mẹ chồng chỉ được tới nhà cô dâu làm lễ xin dâu. Còn lúc đón dâu, mẹ chồng phải tránh mặt để mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu sau này không bị mâu thuẫn.
Khi đám rước dâu về đến đầu ngõ, mẹ chồng sẽ cầm bình vôi hoặc chùm chìa khóa lánh mặt đi chỗ khác. Dân gian tín rằng, bình vôi hoặc chùm chìa khóa là biểu tượng của tài sản trong nhà nên việc nắm bình vôi hoặc chùm chìa khóa là biểu tượng mẹ chồng tiếp tục nắm giữ tài sản, để tài lộc gia đình được sinh sôi nảy nở. Khi con dâu làm lễ gia tiên nhà chồng xong, hai họ đã yên vị thì mẹ chồng mới xuất hiện để đi chào và cảm ơn hai họ.
Người ta kiêng như thế để tránh mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu sau này bị mâu thuẫn.

Kiêng kỵ với cô dâu
Vào ngày cưới, cô dâu phải ngồi trong phòng kín, tuyệt đối không để họ hàng nhà trai thấy mặt trước khi chú rể vào đón. Khi theo chú rể về nhà chồng, cô dâu cũng tuyệt đối không được quay đầu lại hoặc tỏ ra quyến luyến, khóc lóc với mẹ đẻ. Người ta kiêng như vậy để tránh việc duyên lành bị gãy đổ, cô dâu không chu toàn với chồng, với gia đình nhà chồng.
Trong trường hợp, cô dâu đang mang bầu thì khi về đến nhà chồng phải đi vòng ra cửa sau để vào nhà, nếu nhà chồng không có cửa sau thì cô dâu phải trèo tường hoặc bước qua một chiếc chậu bồ kết nướng với than hồng, để xua đuổi điều xui xẻo, tuyệt đối không được đi vào từ cửa chính vì sẽ làm cho tài lộc nhà chồng bị ảnh hưởng.

Kiêng kỵ với mẹ cô dâu
Trong ngày cưới, người ta kiêng để mẹ cô dâu xuất hiện khi đoàn rước dâu chuẩn bị đưa dâu về nhà chồng vì sợ tình mẫu tử làm quyến luyến cô dâu, nước mắt của cô dâu hay của người mẹ trong ngày cưới cũng đều không tốt cho hạnh phúc đôi lứa nên khi đó, mẹ cô dâu phải lánh mặt.
Cũng có nơi kiêng cả việc bố cô dâu đưa con gái về nhà chồng vì quan niệm, con gái đã gả bán cho nhà chồng thì phúc phận của người con gái phục thuộc vào hồng phúc nhà chồng nên người bố tránh đưa con gái về nhà chồng để giữ cho hạnh phúc con cái không bị vía của gia đình bố mẹ đẻ ảnh hưởng.  

Kiêng kỵ với phòng tân hôn
Phòng tân hôn là phòng ngủ của đôi vợ chồng, là nơi quan trọng để hai vợ chồng bắt đầu một cuộc sống mới, vì vậy tránh trang trí các vật dụng sắc nhọn, các cây có gai dễ tạo ra “âm khí” làm hòa khí vợ chồng bị ảnh hưởng. Tuyệt đối không cho người “vía nặng” như: góa chồng, hôn nhân trục trặc, hiếm muộn con cái, đang có tang hoặc đang mang thai... bước vào phòng tân hôn, để giữ may mắn về tình yêu, về đường con cái cho đôi vợ chồng trẻ.
Giường cưới phải là giường mới, không dùng giường cũ, không cho người khác ngồi trên giường tân hôn để giữ lộc, giữ may mắn cho vợ chồng mới.
Người được chọn trải giường tân hôn phải là người phụ nữ đã có gia đình, con cái đuề huề, có “cả nếp, cả tẻ”, làm ăn phát đạt. Nếu mẹ chồng có đủ những tiêu chuẩn trên thì có thể trải giường cưới.
Trang trí xong giường cưới, người ta sẽ khép cửa phòng lại và không cho bất kỳ ai vào trong đó. Khi đoàn rước dâu về tới nhà, cô dâu chú rể sẽ là người đầu tiên vào phòng tân hôn, sau đó mới đến họ hàng, bè bạn.

Hình thức cưới chạy tang trong dân gian
Vận áo xám là vận rất xấu nên người ta kiêng kỵ rất kỹ trong nhiều việc, nhất là những việc hỷ sự như cưới hỏi, về nhà mới, khai trương cửa hàng... Thời gian cư tang là 3 năm nếu là con cái chịu tang bố mẹ, 1 năm nếu là cháu chịu tang ông bà,... Trong thời gian cư tang, người ta tránh mọi việc hỷ sự, nhất là việc cưới hỏi.
Hình thức cưới chạy tang xuất phát từ tục kiêng kỵ này: Khi nhà có người ốm sắp mất mà hai gia đình đã có cơi trầu dạm ngõ, hoặc đã có sự “qua lại thăm hỏi” thì nhà trai mang lễ vật sang nhà gái xin cưới. Đám cưới được tiến hành nhanh chóng, khách dự là người ruột thịt và bạn bè thật thân thiết của cô dâu chú rể.
Trường hợp ngày cưới đã được ấn định nhưng đột ngột có người nhà mất thì cũng dùng hình thức cưới chạy tang: gia đình không phát tang mà tiến hành gấp lễ xin dâu, rồi cưới nhanh. Cưới xong, mới được phát tang.
*
Như trên chúng tôi đã viết: Kiêng kỵ trong dân gian thì rất nhiều và có những kiêng kỵ chúng tôi thấy thật sự không cần thiết vì không phù hợp với lối sống hiện đại, vì thế, khi soạn bài CƯỚI HỎI VÀ NHỮNG KIÊNG KỴ NÊN BIẾT, chúng tôi chỉ giữ lại những kiêng kỵ mà theo thiển nghĩ của chúng tôi là “hợp lý”, phù hợp với niềm tin “có thờ có thiêng, có kiêng có lành” của ông cha ta.
Nếu quý bạn đọc chưa “an tâm”, cần cẩn trọng hơn, có thể gõ google để tra tìm thêm những kiêng kỵ mà bài viết của chúng tôi không (chưa) đề cập đến.

Mời nghe nhạc phẩm ĐÁM CƯỚI TRÊN ĐƯỜNG QUÊ của
Hoàng Thị Thơ qua tiếng hát Như Quỳnh và Tường Nguyên:

 *.
Hà Nội, 27 tháng 08 năm 2017
ĐẶNG XUÂN XUYẾN
.





…………………………………………………………………………
- © Tác giả giữ bản quyền.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

0 comments:

Đăng nhận xét