NHÀN ĐÀM VỀ CHUYỆN VIẾT, CHUYỆN ĐỌC - Tác giả: Đỗ Ngọc Thống (Thanh Hóa)

Leave a Comment
(Nguồn tranh: internet)
NHÀN ĐÀM VỀ
CHUYỆN VIẾT, CHUYỆN ĐỌC
*
(Giáo sư Đỗ Ngọc Thống)
ĐỌC VÀ HIỂU
(Đọc hiểu thật quan trọng)

Hôm vừa rồi, sau khi đăng LẠC, LÚA, LỢN, LANG, LUỒNG, tôi nhận được một cú điện thoại, xưng tên Sơ, không họ. Tôi chào và hỏi anh ở đâu. Trả lời: bạn đọc. Tôi hỏi: anh gọi tôi có việc gì? Đầu kia giọng rất nghiêm trọng: tại sao ông viết nói xấu lãnh đạo?
Tôi hỏi: nói xấu chỗ nào? Anh ta dẫn chứng: ông viết “cứ mỗi lần nhìn thấy lãnh đạo cười là tôi lại cho rằng họ đang nghĩ đến lúa, lợn, lạc, lang, luồng...” rồi lại còn chú thích chỉ nhớ 5 cái L, thiếu cái thứ 6, gợi cho người đọc nghĩ tới cái mất dạy của phụ nữ.
Ban đầu tôi định đùa hỏi xem “cái mất dạy" của phụ nữ là cái gì, nhưng sau thấy không nên đùa với loại này, đành nghiêm túc:
- Anh nói thế trước hết là xúc phạm "cái mất dạy" của phụ nữ. Thứ nữa, anh cho cái thứ 6 là “cái mất dạy”. Đó là anh hiểu thế, tôi không nghĩ như anh. Bây giờ tôi mới nhớ ra: cái thứ 6 của quê tôi là lươn (lạc, lúa, lợn, lang, luồng, lươn).
         Đầu bên kia vẫn quy kết: “nhưng rút cuộc vẫn là nói xấu lãnh đạo, vì cho rằng lãnh đạo nước ta chỉ nghĩ đến cái vụn vặt, thấp bé; không nghĩ được gì lớn lao, to tát, mang tầm quốc tế…”. Anh ta làm một thôi như thi hùng biện.
Tôi xẵng giọng: 
- Này ông: nghĩ về lạc, lúa, lợn, lang, luồng là nghĩ về nông dân. Người lãnh đạo ngồi trên cao tít mà luôn nghĩ về nông dân thì đó là xấu hay tốt? Viết về lãnh đạo như thế là ca ngợi hay bôi xấu???
Tút…tút….tút… Máy tắt. Không thấy bên kia nói lại gì. 
Chào cũng không.
*
Hà Nội, 14-06-2017


LÃNH ĐẠO LÀ BIẾT TUỐT

Sáng nay họp, đúng lúc giải lao, tôi đang đứng uống trà thì một anh chạy tới. Tay cầm vài cuốn gì đấy, dáng khúm núm, giọng dè dặt: “Chào anh ạ!”; “Vâng, chào anh”. Tôi đáp. Thấy anh ấy vẫn tần ngần, tôi hỏi: “Có việc gì không anh?”. Qua vài phút giới thiệu, biết anh là chánh văn phòng một sở GD, ra họp và có ý muốn tặng tôi cuốn văn thơ gì đó mới in.
Ban đầu tôi hơi ái ngại, vì chẳng quen biết gì và cũng ngại đọc, nhưng thấy anh ấy có vẻ rất tha thiết nên định hỏi sách gì. Chưa kịp thì anh bảo: “Em muốn anh đọc để cho ý kiến chỉ đạo”. Nghe chữ “chỉ đạo” tôi đã buồn cười và nghĩ anh này “có vấn đề”. Để tìm cách lảng, tôi bảo: “Anh ạ, năm nay tôi hết tuổi quản lý nên đã chuyển về một Viện khoa học rồi”. Vừa nghe xong, anh tỉnh như sáo: “Thế à! Thế anh không làm lãnh đạo nữa à?”. Tôi bảo “Đúng thế”. Mặt anh bỗng dãn ra, không còn nghiêm trọng như mấy phút trước, tư thế có vẻ không khúm núm nữa… Và thật bất ngờ anh bảo: “Thế thì thôi vậy, anh thông cảm nhé, em chỉ mang có ít quyển; lần sau mang nhiều, em sẽ cố gắng tặng anh”. Tôi cười và nói “Không sao đâu, anh không phải cố gắng đâu. Kia, ông Vụ trưởng đang đứng ở chỗ kia kìa”. Vừa nghe nói, anh đã sấp ngửa chạy về hướng tôi chỉ…
Không biết trà hôm nay ai pha sao tự nhiên thấy miệng đắng chát. Nghĩ mà thương cái anh chánh văn phòng ấy. Thơ văn rút ruột viết ra lại đem đi tặng cho những người cả đời chẳng đụng gì đến thơ văn,… chỉ vì người ấy có chức, có quyền. Rồi lại còn xin ý kiến “chỉ đạo” là thế nào nhỉ? Chỉ đạo cái gì? Chỉ đạo ai? Hay là muốn chỉ đạo các nhà trường mua thơ văn cho mình?... Chịu, tôi không hiểu được.
Chiều về, nhận được hồ sơ nghiệm thu đề tài khoa học cấp Bộ. Đọc quyết định thấy Chủ tịch hội đồng là một ông không hiểu gì về lĩnh vực này. Tôi gọi điện thắc mắc. Họ trả lời ngắn gọn: "Nhưng Ông ấy là lãnh đạo”. Thế thì chịu rồi.
Cứ nghĩ, ngay cả GS.TS "xịn" đi nữa cũng chỉ hiểu những vấn đề thuộc lĩnh vực của mình thôi chứ; “làm thần nơi nọ đứng xó nơi kia”, ai mà hiểu hết, biết tuốt mọi chuyện được. Vì thế, Hiệu trưởng, Viện trưởng, Vụ trưởng, Cục trưởng, Thứ trưởng… trưởng gì cũng thế thôi, đã ăn xuất quản lí thì lo mà làm quản lý cho tốt chứ. Có tên trong hàng chục ban bệ, suốt ngày họp hành, chạy sô hết chỗ này, chỗ khác, ngày 5-7 cuộc; lại trăm thứ việc phải “chỉ đạo”, “giải quyết”; rồi nơi này mời, nơi kia rước… Khuya về con vợ lại bắt hầu nữa, hỏi lấy đâu ra thời gian và hơi sức mà đọc quyển, nói gì đến nghiên cứu với tìm hiểu? Thế mà lạ, ối ông vẫn cứ ngồi làm chủ tịch ngon lành. Vẫn phán quyết, kết luận xanh rờn hàng loạt vấn đề khoa học- những vấn đề, những lĩnh vực mà ông ta hiểu rất lơ mơ, thậm chí chẳng hiểu gì. Thế có tài không?
Kết luận: Ở xứ ta, cứ làm lãnh đạo là biết tuốt, từ nghệ thuật đến khoa học; chức càng to càng được cho là biết nhiều, biết tuốt. 
Không biết kết luận thế có khoa học không?
*
Hà Nội, 27.04.2017


NHỮNG ÁNH HỒI QUANG

Không hiểu sao khi gặp một số giáo sư cao tuổi, tôi cứ nghĩ các thầy giống những ngôi sao. Mỗi ngôi tỏa sáng một vùng, theo nhiều cách, nhiều kiểu sắc màu. Nhưng rồi đều giống nhau: cứ dần lặn vào bóng đêm của thế giới bên kia. Chỉ khác ở chỗ: sau khi lặn, một số ngôi sao vẫn hắt lại những ánh hồi quang, còn đại bộ phận là mất hút, “vô tăm tích” trong thăm thẳm cõi trời.
Ánh hồi quang mạnh yếu cũng khác nhau, phụ thuộc nhiều vào những sản phẩm mỗi người để lại. Trước là những công trình mới lạ, những bài viết hay, những luận điểm nổi tiếng, những ý tưởng độc đáo mà hậu thế không thể không nhắc tới; sau là những hành động, những ứng xử “khác thường”, những “tuyên ngôn” sắc sảo một thời.
Cũng không cứ là phải viết nhiều, nói lắm. Có ông sách viết hàng mét mà vẫn không gợn một chút dư âm; lại có người chỉ viết vài bài mà để dấu ấn cả đời. Có ông nói rất nhiều, hết khen mình lại khoe vợ, phô con; tua đi tua lại, chướng vô cùng. Có ông “tuần chay nào cũng có nước mắt”, nói rất to nhưng chỉ như “thùng rỗng”; phát biểu ầm ào nhưng nhạt thoét, chẳng ai để ý; lại có người chỉ nói vài câu mà thiên hạ nhớ mãi, nhắc mãi, kiểu “Cái nước mình nó thế”…
Gần đây, thi thoảng tôi đến thăm GS Nguyễn Đăng Mạnh. Lần nào cũng thế, suốt buổi hầu như chẳng thấy thầy nói câu gì. Ông cứ ngồi im như một ngôi sao lặng lẽ giữa trời. Chợt nghĩ, ngôi sao ấy nếu mai này có lặn, chắc sẽ để lại hồi quang rất MẠNH. Ánh hồi quang ấy trước hết hắt lên từ những bài viết tuyệt hay, những ý tưởng độc đáo, những nhận xét, bình luận tinh tế, sắc sảo của ông. Hậu thế còn tiếp tục đọc, tiếp tục nghĩ về Nguyễn Tuân, Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Xuân Diệu, Nguyên Hồng… thì người ta sẽ còn nhắc đến Nguyễn Đăng Mạnh.
Rồi nhớ những lời truyền khẩu, khi ông khuyên các thầy cô giáo “ở ta muốn dạy văn giỏi, tốt nhất là không nên học giáo học pháp”. Lại có lần ai đó phàn nàn về sách giáo khoa tiếng Việt, ông cười bảo: “Muốn tiếng Việt trong sáng, chỉ có cách là thủ tiêu mấy tay viết sách giáo khoa tiếng Việt đi”. Một lần khác khi biết tin GS nọ vừa có cuốn sách mới, ông nói: “Sách của tay ấy, mỗi cuốn in ra là một dấu trừ”…
Những câu cửa miệng ấy nghe như giai thoại và đã làm nhiều người mất lòng, khó chịu… nhưng thiếu nó hình như chân dung Nguyễn Đăng Mạnh không hoàn chỉnh.
Thiếu nó dường như ngôi sao Nguyễn Đăng Mạnh sẽ bớt đi những ánh hồi quang.
*
Thứ bảy,18-03-2017


TỘI NGHIỆP

Tôi có quen một giáo viên tự nhiên dạy trường chuyên của tỉnh đã về hưu được dăm ba năm. Từ khi nghỉ anh mê mẩn viết văn, làm thơ, xem ra đắm đuối hơn nhiều món dạy học. Ban đầu tôi thấy cũng bình thường, vì hiện tượng khi lên làm to hoặc về già bỗng trở thành nhà thơ, nhà văn ở ta nhiều lắm. Hóa ra ai đó nói tài năng phải có từ rất sớm là sai toét hết cả.
Một hôm tôi nói nhận xét đó với bạn mình, hắn bảo: “Mày ngu. Cứ để ý mà xem, ai vốn đang bình thường tự nhiên lại thích làm thơ thì chỉ có thể hoặc là hấp hoặc là già rồi đổ đốn ra thôi”. Với hắn những người như thế rất tội nghiệp, đáng thương. “Nhất là có tay lại còn muốn in ra, đi gạ hết chỗ này mua, chỗ khác bán mới chết chứ”, hắn vừa nói vừa cười mếu máo. Có lần tôi cùng hắn đến một cuộc tập huấn gì đó, tối tập trung đánh chén, rượu vào lời ra, nhiều tay ngứa ngáy râm ran bốc lên đòi đọc thơ. Hắn lớn tiếng: 
- Được thôi, thế này nhé, thằng nào đọc thơ người khác thì nộp hộ mỗi bài 50 ngàn, còn nếu đọc thơ của mình thì nộp 500 ngàn/bài để trả công người nghe và mua thêm thức nhắm. Cứ thế, đọc bao nhiêu cũng được.
Tôi tưởng nói cho vui, hóa ra hắn làm thật. Nhưng mà lạ, ối người xung phong đọc, nộp tiền hẳn hoi. Thế mới biết tiền chẳng là cái quái gì cả; so với thơ văn thế đếch nào được…
Lại nói chuyện anh giáo viên kia. Vào dịp tết vừa rồi, tôi nhận được mấy cuộc điện thoại. Chỉ vì anh muốn hẹn hò để tặng thơ văn. Không chờ được, anh ấy gửi qua bưu điện, lại còn post lên cả trang fb của tôi. Thế mà hôm gặp, anh còn hồ hởi dúi vào tay tôi tờ Văn nghệ số tết có in cái truyện đã đưa lên fây và gửi qua bưu điện rồi. Mặt anh vốn gầy gò, xanh xám tự nhiên bừng lên, thấy hồng hào và tràn trề hạnh phúc. Rồi hăm hở hỏi: “Ông đọc chưa? Báo văn nghệ của Hội nhà văn hẳn hoi đấy”. Tôi giật thót người, trộm nghĩ “chết thật dễ đến mấy năm nay mình không đọc tờ Văn nghệ”. Chả biết có tụt hậu không, chứ hồi bác Nguyên Ngọc còn làm báo này, 1 tuần không đọc đã lạc hậu rồi. Nay chỉ đọc fb đã thiếu thời gian. Mà trên đó cũng đủ thơ văn. Mà văn thơ trên fb còn hay hơn nhiều mấy tờ báo giấy kia…
Tôi chủ động lảng sang chuyện khác. Hỏi: con cái đã cưới xin gì chưa? Anh lại nói: “Mình sắp vào Hội nhà văn rồi”. Tôi cười, lại hỏi: vợ anh sức khỏe thế nào? Anh lại bảo: “Chờ in thêm tập thơ nữa rồi nộp đơn xin vào Hội”. Đến đây, quả thật tôi không biết nói gì nữa. Cứ như hầu chuyện thằng điếc...
Giờ thì tôi thấy hình như thằng bạn mình nói đúng. Tội nghiệp!
*
Hà Nội, 11-03-2017
*
ĐỖ NGỌC THỐNG
Địa chỉ: Vụ Giáo dục Trung học
Bộ Giáo dục và Đào tạo
Số 35 Đại Cồ Việt - Hà Nội
.







…………………………………………………………………………
- Cập nhật từ email quanboyman1992@yahoo.com.vn gửi ngày 01.07.2017.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang blog Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại. .

0 comments:

Đăng nhận xét