DU HỌC SINH VÀ NHỮNG CHUYỆN THÁC LOẠN - Tác giả: Vũ Thị Hương Mai (Hà Nội)

Leave a Comment
(Nguồn ảnh: internet)
DU HỌC SINH
VÀ NHỮNG CHUYỆN THÁC LOẠN
*
Những năm gần đây, du học nước ngoài đã trở thành "cơn sốt" của các "cậu ấm cô chiêu" con nhà giàu. Các gia đình vung tiền ra cho con đi du học nhiều khi không cần nghĩ đến việc con mình có học được không, có hơn gì việc học ở trong nước. Nhiều khi họ nghĩ rằng cứ đi du học thì con mình sẽ giỏi và "oai" hơn người.
Thực tế thì bên cạnh những du học sinh chăm ngoan, đi du học bằng học bổng, theo thực lực của bản thân mình, có không ít những công tử, tiểu thư người Việt đi du học chỉ để vung tiền và thể hiện đẳng cấp sành điệu. Và có lẽ du học sinh Việt Nam sang Singapore đang nổi tiếng như cồn về máu ăn chơi của mình.
Khu phố Boat Quay & Clake Quay là nơi dân du học sành điệu Việt Nam ở Singapore thích mò đến tụ tập nhất. Đây là trung tâm KTV (dạng karaoke có tiếp viên) do một vài người chủ là người Việt Nam điều hành.
Trong những ngày nghỉ cuối tuần nếu đi ở ngoài cửa đã có thể nghe thấy những bài hát Việt vọng ra từ các quán karaoke. Điều đó chứng tỏ khách ở đây chiếm một lượng lớn là người Việt Nam. Ở bên trong các phòng hát, cũng như ở Việt Nam, cũng biến tướng thành các động lắc, động ma túy, mại dâm. Và cứ thế suốt đêm đến sáng khi đã không còn một xu dính túi, ngất ngưởng trong men rượu, thuốc lắc, chúng dìu nhau gọi taxi về nhà. Sáng ra đến lớp suốt đêm đôi mắt thâm quầng, cơ thể mệt mỏi vì suốt đêm lắc lư rồi lại chỉ có nước ngủ gật trong giờ học.
Bình thường, chi phí tối thiểu một tháng của một du học sinh tại đay không dưới 800 đô, đấy là chưa kể tiền học và các loại phí phát sinh ăn chơi khác. Thế nên, mò vào Boat Quay & Clarke chỉ là các cậu ấm cô chiêu con nhà có "máu mặt" thôi.
Có một chuyện khá nóng hổi trong đề tài ăn chơi của dân du  học sành điệu ở Singapore, ấy là chuyện một thiếu gia tên C, nhà ở TP. HCM, được "rước" sang đây để học tiếng Anh, nhưng tháng nào chàng cũng phải mò về thăm người yêu. Và mỗi lần như thế C đều không quên "gặt" của phụ huynh vài nghìn đô. Đến lần thứ 4, gia đình C đã chấp nhận cho cả cô bồ cùng "đi du học" cho yên tâm. Lần này bố mẹ cũng không quên lận lưng cho cậu ấm hơn 10.000 đô chi phí sinh hoạt đủ hết khóa học 3 tháng cùng "bản hợp đồng" một chiếc BMW 325i khi C lấy được chứng chỉ tiếng Anh.
Bố mẹ H cũng như rất nhiều những ông bố bà mẹ khác, đều thương con và muốn dành cho con tất cả. Họ giàu có, thậm chí tiền của thừa thãi thì cần gì phải tiếc con. Hơn  nữa, con cái sống xa gia đình, lại lo chúng thiếu thốn, khổ sở nên 10.000 đô chứ 100.000 đô thì cũng đáng phải làm.
Trung bình mỗi năm học ở đây, mỗi du học sinh dạng tự túc được gia đình chu cấp tối thiểu là 150 triệu đồng Việt Nam, đấy là với những người chỉ biết đến ăn và học. Còn với những dạng ăn chơi thì con số chi tiêu không biết đâu mà kể, có thể gấp 3, gấp 5 lần ngần ấy.
Theo một điều tra của một tờ tạp chí Singapore cho thấy, du học sinh Việt Nam thuộc loại ăn chơi bậc nhất, dùng điện thoại hạng "xịn" nhất trong số các du học sinh nước ngoài đến đây học tập.
Ngoài ra, các du học sinh nữ Việt Nam còn có người đi vào con đường hoạt động mại dâm. Tại khu phố mại dâm Geylang, có điều đặc biệt là rất nhiều cô gái Việt Nam hành nghề. Vì thế mà những khách hàng quen thuộc nói rằng du học sinh Việt Nam là những người lắm tài nhiều tật. Họ đưa nhau về nhà thuê để hoạt động mại dâm và thậm chí tổ chức lắc tại nhà, có gái nhảy sexy với những dàn âm thanh vi tính hiện đại  khi mà họ đã hết tiền chơi ở các hộp đêm. Nhưng thông thường khoảng 4 - 5 du học sinh thuê một căn hộ trong chung cư cao cấp, giá từ 1000 - 2000 USD/tháng để sống chung và nếu có muốn chơi thì cũng tiện.
Sống ở gia đình ai cũng thuộc hàng "công tử", "tiểu thư" nên đừng hòng có chuyện rửa bát, giặt quần áo. Dùng xong tất cả cứ chất đống đấy, bát đĩa bẩn cả tháng bỏ mốc meo, bốc mùi xếp cao như núi, quần áo quay vòng 2 - 3 lần rồi vứt hoặc ai thích thì cho.
Việc nam nữ sống chung cũng rất thoải mái, vì thế mà tất yếu là dẫn đến những "hậu quả" ngoài ý muốn. Thế nên thỉnh thoảng họ lại có những tour du lịch đột xuất về TP. HCM để "giải quyết" vì ở Singapore bị pháp luật nghiêm cấm.
Với nhiều người, học hành chỉ là cái cớ. Đã có những học sinh lợi dụng việc học để buôn "hàng trắng”. Nhất là trong số những đối tượng bị bắt tại các động lắc ở Hà Nội mới đây, cơ quan điều tra thấy có một vài gương mặt đã từng đi du học tại Singapore. Những ngày trở về sống tại Việt Nam họ vẫn giữ lối ăn chơi ấy, thậm chí còn có vẻ kinh nghiệm, sáng tạo và sành điệu hơn nhiều.
Nói như vậy để thấy rằng không phải lắm tiền nhiều của cho con đi du học là con cái sẽ trở thành "rồng", không mắc phải những thói hư tật xấu. Trái lại, ở đất khách quê người, không có người dìu dắt, kèm cặp, sống độc lập tự do thì lại càng có điều kiện để hư hỏng. Ở nhà có thể chúng còn sợ gia đình, bố mẹ, nhưng ở bên đó chỉ có mình và những người xa lạ. Nhiều khi muốn thể hiện mình, muốn khẳng định bản lĩnh "dân tộc" nên cũng thể hiện "xài sang", chơi tới bến không thiếu thứ gì. Muốn chứng tỏ mình không thua kém bất cứ ai trên thế giới này, nhưng không phải ở lực học mà ở khả năng chịu chơi.
Chính cái quá chịu chơi ấy mà nhiều ông bố bà mẹ đã phải sợ mà mau chóng đưa con về, cho dù đã từng rất háo hức, kỳ vọng vào con. Dù là du học bên Tây hay bên Tàu gì thì lúc đó họ cũng thấy sợ, thấy lo lắng về cái mà các "cậu ấm cô chiêu" của mình học được.
Đi du học là một việc hệ trọng, nó quyết định rất nhiều cho tương lai. Nó là cơ hội lớn với ai biết ý thức được bản thân mình và lo cho tương lai của mình; nhưng cũng có thể là tiền đề phát sinh những cái xấu đối với những ai thiếu đi cái "bản lĩnh" làm người chân chính. Cha mẹ cũng nên cân nhắc kỹ trước khi đưa ra những quyết định với con cái mình.
*
Mời thư giãn với nhạc phẩm KIẾP ĐỎ ĐEN
của Duy Mạnh qua tiếng hát Duy Mạnh:
*
VŨ THỊ HƯƠNG MAI
Địa chỉ: Khu tập thể Tổng công ty 319
Long Biên - Hà Nội.      
Email: huongmai8081@yahoo.com.vn
                                            .
        





…………………………………………………………………………
- © Tác giả giữ bản quyền.
- Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gửi qua email ngày 21.10.2017
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại. 

0 comments:

Đăng nhận xét