HÉ MỞ CÁNH CỬA
BẾN ĐỖ CỦA TỨ THƠ
Được Mời
Đọc Bài Thơ
Tôi kết bạn facebook
với Hà Ngọc đã khá lâu, biết cháu còn độc thân, làm việc ở Hà Nội, gia đình ở
Yên Bái.
(Tác giả Phạm Đức Nhì) |
Cách đây vài tuần
tôi đọc một bài thơ khá hay của cháu và có trao đổi góp ý với cháu qua hộp nhắn
tin, đại ý tin nhắn là: Vần liên tiếp là ưu điểm lớn nhưng số chữ trong câu nên
thay đổi với biên độ rộng hơn, sẽ dẫn đến sự thay đổi nhịp điệu của bài thơ, độ
ngọt sẽ ở mức thoang thoảng, vừa phải, bài thơ đọc lên nghe “đã” hơn.
Hà Ngọc lắng nghe
và vui vẻ chấp nhận ý kiến của tôi.
Nhân tiện nói về sự
thay đổi biên độ của số chữ trong câu của bài thơ, cháu mời tôi đọc bài thơ Thơ
Không - Không Thơ cháu vừa viết
khuya hôm trước.
Xin được trích dẫn
trọn vẹn bài thơ tại đây:
THƠ KHÔNG - KHÔNG THƠ
Hà Nội đổi trời.
Lá lạnh
Gió bay
Yên Bái mưa, cả tuần chưa tạnh
Đường nằm trên cổ đồi,
Xe máy muốn đi phải cài số một
Cổng nhà ai, đón dâu, trấu phải
rắc dày
Hà Nội căm căm
Cuồng thổi
Người bay
Phố quanh co, phố đầy mưa bụi
Nhiệt độ giảm sâu.
Quê mình đêm nay rét xói
Lưỡi giá khùa vào gậm sàn, khùa
qua vách liếp
Vật chết trâu, dê.
Hà Nội
Khuya
Đèn màu
Ai co ro mái hiên,
Ai lụi cụi vỉa hè
Yên Bái
Tinh mơ
Người thay trâu phì phò kéo bễ
Bắc mạ
Có một vì sao vừa ngã
vì day dứt hôm xưa
Những biệt phủ đèn giăng trong
mưa
Như những con mắt mù màu
Chớp
Chớp.
*
Hà Nội, 08.01.2018
HÀ NGỌC
Đi Tìm
“Cái Gì Đó” Của Bài Thơ
THƠ KHÔNG- KHÔNG
THƠ của Hà Ngọc có vóc dáng dễ thương, sáng sủa mạch lạc, số chữ trong câu đổi
thay tùy tiện, chứng tỏ tác giả rất ung dung thoải mái bày tỏ ý nghĩ, tâm trạng
của mình. Vần liên tiếp, gieo không theo một lề luật nào nhưng vị ngọt của thơ
rất “vừa miệng”, câu thơ, đoạn thơ liền mạch, tứ thơ và cảm xúc chảy thành
dòng.
Đọc xong đoạn cuối
của bài thơ, tôi đoán tác giả sử dụng thủ pháp Show, Not Tell để ám chỉ “cái gì
đó” nhưng đã không cung cấp (Show) đủ dữ kiện và người đọc đã không thể men
theo đó để tới “cái gì đó” được.
Tôi nhắn tin hỏi
thì được cháu trả lời:
“Có một
vì sao vừa ngã
vì day dứt hôm xưa
là cháu nói đến một
quan chức vừa phạm tội. Đã phạm tội, thì phàm là quan chức hay dân thường đều
phải chịu tội trước pháp luật, nhưng nhờ vị quan chức này mà Yên Bái cháu mới
có đường cao tốc, cháu mới được đi về với mẹ thường xuyên, người dân đỡ khổ,
nên cháu xót.”
Có câu trả lời này
tôi quay lại bài thơ và thấy quả thật tác giả đã chuẩn bị thế trận để giới
thiệu “đường cao tốc” Hà Nội - Yên Bái, dĩ nhiên
có bóng hình của vị quan chức đó ẩn hiện ở phía sau con đường. Bài thơ có 5
đoạn thì ngoại trừ đoạn kết, 4 đoạn đầu cứ liên tục “chạy” Hà Nội - Yên Bái - Hà Nội - Yên Bái. Rất tiếc
sự nối kết ấy còn quá mờ nhạt để dẫn người đọc đến chỗ tác giả mong muốn.
Tôi góp ý: (Câu
nhát gừng kiểu nhắn tin Facebook):
Không có dữ kiện để người đọc
liên tưởng
Cho họ một chút manh mối
Đó là bổn phận của tác
giả.
Hà Ngọc trả lời:
Cháu chỉ cần sửa cho rõ ý hơn
chỗ “vì sao rơi” thôi chú ạ.
Nhưng sau đó không
thấy cháu sửa; bài thơ trên trang facebook của cháu vẫn còn nguyên hình hài cũ.
Và với cái hình hài ấy thì những người đọc khác dù có giỏi đoán cũng khó mà
biết được tác giả đề cập đến ai và về vấn đề gì.
Ở đây tôi không
bình thơ mà chỉ bàn đến quan hệ giữa thi sĩ và người đọc. Thi sĩ trước tiên có
bổn phận phải hoàn thành chức năng truyền thông của bài thơ, phải dẫn người đọc
đến tứ thơ. Trong trường hợp Thơ Không - Không Thơ chức năng truyền
thông của bài thơ đã thất bại.
Với thế trận ấy nếu
cánh cửa đến với tứ thơ được hé mở thêm tý nữa để người viết và người đọc có sự
giao cảm, tôi tin bài thơ của Hà Ngọc sẽ được nhiều người yêu thích, đặc biệt
là cư dân Yên Bái.
Đi Thẳng
Hay Đi Vòng?
Làm thơ có 2 đường:
Đi thẳng và đi vòng. Đi thẳng là nói thẳng vào điều muốn nói, có nghĩa là Tứ
với Ý là một. Đi vòng có 2 cách:
1/ Ẩn dụ: Nói cái
này mà ngụ ý cái kia - Tứ là cái này, Ý là cái kia.
2/ Show, Not Tell:
Không nói thẳng mà cung cấp thông tin để người đọc dựa vào đó, nương theo đó
hiểu được ý mình muốn nói.
Dĩ nhiên, đi thẳng
dễ hơn đi vòng. Đi thẳng giống như đánh bài cào, ngửa mặt nút lớn, nút nhỏ là
biết ăn thua. Đi vòng - giống như chơi xì phé, phải để ý, theo dõi con bài tẩy
và phải chờ khi lật con bài tẩy lên thì mới biết kết quả. Đi vòng có cái lợi là
làm cho người đọc khoái hơn, đọc hứng thú hơn nên thi sĩ có tay nghề kha khá
thường chọn cách này.
Kết Luận
Người thưởng thức
thơ sành điệu đều biết ẩn dụ càng kín bài thơ càng hay; với Show, Not Tell dữ
kiện cung cấp càng ít lúc hiểu ra niềm sảng khoái càng cao. Nhưng coi chừng
“già néo đứt dây”. Ẩn dụ kín quá đến mức người đọc lắc đầu là bài thơ thất bại.
Thi sĩ áp dụng Show, Not Tell mà Show “kẹo” quá khiến người đọc giơ tay đầu
hàng vì không thể Tell được thì bài thơ cũng vứt đi.
Làm thơ, tâm trạng
là của mình, chỉ cần biết đến mình. Nhưng bày tỏ tâm trạng để người đọc hiểu
mình, (có thể) đồng cảm với mình thi sĩ phải hé mở cánh cửa đến bến đỗ của tứ
thơ. Đó là chức năng truyền thông của thơ. Không có nó bài thơ sẽ chết.
*
Mời thư giãn với nhạc phẩm PHIÊN GÁC ĐÊM XUÂN
của Nguyễn Văn Đông qua tiếng hát Tuấn Vũ:
*
PHẠM ĐỨC NHÌ
Địa chỉ: League
City , Hoa Kỳ.
Email: nhidpham@gmail.com
.
.
…………………………………………………………………………
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 24.01.2018.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang blog Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng
lại.
0 comments:
Đăng nhận xét