HỒN THƠ TỪ ĐÂU ĐẾN? và QUÊN GỌI HỒN THƠ? - Tác giả: Phạm Đức Nhì (Hoa Kỳ)

Leave a Comment
(Nguồn ảnh: internet)
HỒN THƠ TỪ ĐÂU ĐẾN -
QUÊN GỌI HỒN THƠ
*
1. HỒN THƠ TỪ ĐÂU ĐẾN?
Cảm Xúc Trong Thơ
(Tác giả Phạm Đức Nhì)
Thơ là trò chơi của con chữ, vần điệu và cảm xúc. Có lẽ thấy được điều đó nên Nguyễn Hưng Quốc đã đưa ra định nghĩa “Thơ là cảm xúc đi tìm một đồng cảm”. Khác với thơ, mục đích chính của văn là chuyển tải thông điệp. Cũng có khi có cảm xúc nhưng thông điệp là chính, cảm xúc chỉ là sản phẩm phụ. Với thơ, cảm xúc gần như là tất cả. Thông điệp cũng có đấy nhưng nhiều khi chỉ là con kênh để cảm xúc có chỗ lưu chuyển.
Đọc thơ là tìm cái cảm giác khoan khoái, thích thú tỏa ra từ bài thơ. Nếu để ý kỹ sẽ nhận ra cảm xúc trong thơ có nhiều tầng bậc. Theo tôi, có 3 tầng bậc.
Có người sợi dây thần kinh sướng rung lên khi gặp một chữ, một từ hay, một hình ảnh đẹp. Đó là tầng bậc 1. Có người cũng sướng cái sướng ở tầng bậc 1 nhưng khi thấy bài thơ nhất quán, liền lạc, thế trận kín kẽ, hiệu quả thì cảm giác sướng mạnh hơn nữa. Đó là cảm xúc ở tầng 2.
Nếu bài thơ lại có thêm cái hơi nóng cảm xúc tỏa ra, không phải từ các con chữ, câu thơ mà hình như từ đâu đó giữa những hàng kẻ để những người thưởng thức thơ sành điệu cảm nhận được và thấy vô cùng sảng khoái. Đó là cảm xúc ở tầng 3, thứ cảm xúc cao cấp ở trong thơ.  Khi cảm xúc tầng 3 lên tới đỉnh điểm đúng lúc bài thơ kết thúc (cao trào), ta có hồn thơ.
Cho nên khả năng thấy được, cảm được cái hồn của bài thơ là rất quan trọng, đặc biệt với những người làm công việc bình thơ. Tại sao? Vì hồn thơ là dấu hiệu chứng tỏ bài thơ đã đến được Bến Bờ Thi Ca, phần thưởng cao quý nhất cho công việc làm thơ. Bài thơ chỉ có thể có hồn khi đó là tiếng lòng chân thật vì thi sĩ viết ra nó với tâm thế của “cái tôi đích thực”. Viết được bài thơ có hồn thi sĩ đã ban cho những người đọc bài thơ ấy một ân huệ lớn, được đối thoại với mình (thi sĩ) bằng Tiếng Người Chân Thật và có những giây phút được trở lại làm Con Người (viết hoa). Còn phần còn lại của nhân loại cũng là người nhưng tim đã khô cứng bởi những quy luật, cung cách ứng xử của xã hội văn minh; họ rất hòa nhã, lễ phép, lịch sự nhưng rất “lạnh”, đang dần dà biến thành những người máy vô cảm.

Cách Hành Xử Của CON NGƯỜI (Viết Hoa)
Mới đây, Larry Nassar - một bác sĩ từng là thành viên trong trong ban lãnh đạo đội tuyển thể dục dụng cụ (Gymnastics) Olympics Mỹ - đã bị kết án từ 40 đến 175 năm tù vì tội lợi dụng cương vị bác sĩ của mình, trong khoảng thời gian 2 thập kỷ, tấn công tình dục ít nhất 265 nữ bệnh nhân trong đó có 3 con gái của ông Mark Margraves. Người cha đau khổ - trong phiên tòa mới nhất - đã bất chấp lề luật nghiêm ngặt của toà án - xông về hướng bị cáo Larry Nassar với tất cả sức mạnh và sự giận dữ của mình để tấn công lão bác sĩ đốn mạt này nhưng ông đã bị rất đông nhân viên an ninh tòa án kịp thời vật ngã và còng tay trước khi gây hại cho lão ta.
Lòng thương con và sự giận dữ lên tới đỉnh điểm đã khiến người cha nổi cơn điên, không nghĩ gì đến hình phạt mà pháp luật Mỹ sẽ dành cho ông sau đó, đã “quên” cách hành xử lịch sự, văn minh trước công đường. Lúc ấy “cái tôi đích thực” đã vùng dậy, đẩy “cái tôi văn hóa” qua một bên để giành quyền làm chủ thân xác của ông. Mặc người đời bàn tán sai đúng, daị khôn, tôi vẫn cho cách hành xử của người cha lúc ấy mới thật là cách hành xử của Con Người (viết hoa) mà vì mải mê tuân theo những nguyên tắc của nếp sống văn hóa trong xã hội văn minh, ông đã quên mất từ lâu.
Thử tưởng tượng một lúc 3 đứa con gái xinh đẹp, mơn mởn như những đóa hoa xuân bị con quỷ dâm đãng làm hoen ố sự trinh trắng thì có người cha nào đứng đối mặt với nó mà không căm giận, nổi điên cho được. Khi tôi viết những dòng chữ này ông Mark Margraves đã xuất hiện trên truyền hình xin lỗi những người hiện diện trong phiên toà (và người Mỹ) về hành động nóng nảy, “thiếu văn hóa” của mình. Một điểm đặc biệt là bà Chánh Án của phiên tòa đã “lờ đi” không truy cứu trách nhiệm hình sự người cha đáng thương. Sau đó trên các phương tiện truyền thông, nhất là các trang mạng xã hội, nhiều người còn tôn vinh ông Mark Margraves là “Anh Hùng” (Hero).

Vì Thơ Là Tiếng Lòng Chân Thật
Với thơ cũng vậy. Thi sĩ rất cần cái trạng thái nổi điên như người cha đau khổ kia, tạm thời giã từ “cái tôi văn hóa” trở về với “cái tôi đích thực” để giải bày tiếng lòng chân thật của mình với độc giả. Nguyễn Thị Hoàng Bắc trong Thơ Đến Từ Đâu (Nguyễn Đức Tùng) đã phán rất thẳng thừng nhưng, theo tôi, rất chính xác:
 “Lúc nào tôi nói thật, nói thẳng được, nổi điên lên mà nói, nói mặc kệ thiên hạ sự, nói cóc sợ ai, không ‘quan trên ngó xuống người ta trông vào’ thì tôi viết được mấy lời kha khá.”
Lúc ấy lý trí sẽ trở thành bất khiển dụng vì đã bị đẩy lùi vào một góc. Đây là điều kiện tối cần thiết để tạo hồn thơ. Nhưng những người ý thức được sự cần thiết đó rất ít, mà dù có ý thức được điều đó đi nữa, cái trạng thái nổi điên ấy đâu phải cứ muốn là sẽ có, cứ gọi là sẽ đến; phải biết cách thai nghén và kiên nhẫn đợi chờ. Vậy mà như thế vẫn chưa đủ. Kỹ thuật thơ của thi sĩ phải vươn tới một trình độ khả dĩ chuyển tải được tứ thơ và những nét đẹp của bài thơ một cách vững vàng để cảm xúc có thể nương theo đó phát triển thành hồn thơ. Tâm hồn phấn khích, cao hứng hay ngay cả nổi cơn điên mà kỹ thuật thơ yếu kém thì cảm xúc có gom được tý nào cũng theo nhưng lỗ hổng yếu kém đó mà xì ra hết.
Xin giới thiệu với độc giả bài thơ của một cháu gái con người bạn học cùng trường hồi trung học, tôi tình cờ đọc được khoảng hơn 10 năm trước:
          ĐÙA VỚI NẮNG

Sáng nay gọi nắng ra sân
Nắng theo em đến khắp trần gian vui
Nhìn em ngơ ngác nắng cười
Hôn lên đôi má hồng tươi màu vàng
Em nhìn nắng chiếu miên man
Bỗng dưng lòng thấy chứa chan yêu đời.
Vâng! Hơn 10 năm qua tôi vẫn thuộc lòng bài thơ để có dịp bàn về hồn thơ là sẽ đem ra dẫn chứng. Cháu gái lúc ấy tuổi khoảng 15, 16 gì đó, buổi sáng ra sân chơi đùa với nắng; nói là chơi đùa nhưng theo tứ thơ thì cháu gái chỉ đứng giữa sân phơi nắng sáng, nhìn mình rồi ngơ ngác nhìn cảnh vật xung quanh đẹp như tranh dưới ánh mặt trời, lòng bỗng rộn ràng vui và cảm thấy yêu đời chan chứa.
Tâm trạng của cháu gái, dĩ nhiên, chưa đến mức “Thiên Địa Nhân quy nhất” (1) như của những thiền sư đạt đạo nhưng rất ngây thơ, trong sáng và tươi mát vì không trĩu nặng tư ý, tư dục như những thi sĩ đã vào đời. Cảm xúc ở tầng 3 - thứ cảm xúc có được do thi sĩ đang ở trạng thái phấn khích, cao hứng - nhẹ nhàng lan tỏa, cho người đọc cái cảm giác sảng khoái thật dễ thương.
Rất tiếc, cháu gái còn non tay, bài thơ có mấy chỗ dùng từ không đúng, không hợp nên cái cảm xúc ấy đến rồi lặng lẽ ra đi. Mấy chỗ dùng từ không đúng, không hợp là:
1/ “Nắng theo em đến khắp trần gian vui
Em chỉ quanh quẩn trong sân thì làm sao “Nắng theo em đến khắp trần gian vui” được?
2/ “Hôn lên đôi má hồng tươi màu vàng
Chữ “Hôn” hay nhưng không đúng. Chữ “Phủ” mới đúng (nhưng không hay)
3/ Từ “miên man” không hợp với tâm trạng “chứa chan yêu đời

Kết Luận
Đọc thơ, ai cũng thích gặp bài thơ chan chứa chất tình, hồn thơ lai láng. Mỗi thi sĩ, đều có cách riêng của mình, réo gọi hồn thơ. Nhưng xin đừng quên kỹ thuật thơ ca - chữ, câu, các biện pháp tu từ và thế trận chữ nghĩa – cũng rất quan trọng. Không có nó thì dù có cao hứng, có “cái gì nhập” đi nữa cũng không thể có bài thơ hay. Tầng 3 chỉ có thể yên tâm phát sinh và phát triển khi nền móng của nó là tầng 1 và tầng 2 vững vàng. Nếu chuyên cần học hỏi, rèn luyện kỹ thuật thơ ca, chú ý lắng nghe tiếng xao động trong tim mình, biết kiên nhẫn đợi chờ, thì một lúc nào đó thật bất ngờ, hồn thơ sẽ ập đến.
----------
Chú Thích:
1/ Trời, Đất và Người hợp nhất.

2. QUÊN MỜI GỌI HỒN THƠ
Nhắc Lại Chuyện Xưa
Cách đây mấy tháng tôi đã có hân hạnh viết lời bình cho bài thơ Con Về Ngõ Nhỏ của Ngọc Mai, một thi sĩ tỉnh Bắc Giang. Bài thơ Lục Bát của chị trong sáng mượt mà, có những câu đẹp như một bức tranh:
Con về ngõ nhỏ thoảng hương
Lối vào vẫn lát vàng ươm nắng chiều
Theo tôi, Con Về Ngõ Nhỏ tròn trịa, không sai sót, có thể nói là bài thơ hay nhưng khi đọc lên vẫn không thấy cái gì đó thật đặc biệt. Nó như một viên đá quý, không tì vết nhưng lại không có nét riêng để hấp dẫn những tay chơi ngọc sành sõi. Nói rõ ra, Con Về Ngõ Nhỏ là bài thơ thiếu cá tính nên không gây ấn tượng mạnh mẽ cho người đọc. (1)
 “Hoa đẹp nằm khuất trên giàn
Em xinh đứng lẫn trong hàng, ai hay?” (PĐN)
Sau đó, những câu thơ Lục Bát dễ thương ấy lại rủ rê tôi vào FB để đọc thêm thơ của chị. Cũng giống như Con Về Ngõ Nhỏ, một số bài thơ khác của Ngọc Mai cũng có những nét đẹp chung như: ngôn ngữ bình dị, trong sáng, hình tượng đẹp, nên thơ, tâm tình nhẹ nhàng, rất dễ cảm, dễ thương. Nhưng tại sao thơ đẹp như vậy mà lại thiếu cái hơi nóng cảm xúc để hấp dẫn người đọc?

Vạch Lằn Ranh Và Cắm Cột Mốc
Sau khi viết lời bình cho bài thơ của Ngọc Mai, tôi và chị thỉnh thoảng có trao đổi thêm về thơ qua hộp nhắn tin Facebook. Tôi nhớ hình như có đề nghị chị mở rộng hơn nữa về đề tài để thơ chị đa dạng, mới lạ hơn. Và chị đã trả lời:
 “Em không to lớn vĩ đại để làm việc lớn; em chỉ muốn giữ những gì là truyền thống, gia đình bé nhỏ của mình”.
Tôi biết chị là người phụ nữ có tâm hồn “Chân Quê” của Nguyễn Bính - yêu gia đình, làng xóm, quê hương, gìn giữ nếp sống đạo đức theo truyền thống lễ giáo của cha ông. Tôi hoàn toàn tôn trọng ý muốn của chị.
Nhưng tôi tiếc cho vườn thơ của chị, vì tôi nghĩ:
Truyền thống, gia đình, làng xóm, quê hương có những cái hay, những nét đẹp riêng của nó. Nếu thích, chị cứ quay về để gợi lại, sống lại những kỷ niệm khó quên, làm phong phú hơn nữa tâm hồn mình, làm đẹp hơn nữa vườn thơ của mình. Nhưng chịkhông nhận ra rằng suy nghĩ như thế là chị đã tự vạch lằn ranh giới hạn óc tưởng tượng, tự cắm cột mốc giới hạn tầm nhìn.
Và việc “vạch lằn ranh, cắm cột mốc” đó đã dẫn đến mấy hậu quả sau đây:

Vừa Viết Vừa Run
Trên đầu bài thơ  Trái Tim Điên trên Faceboob Ngọc Mai có  viết câu - để trong ngoặc đơn – sau đây:

(Cũng biết rằng Ngoc Mai viết không tới, không dám đốt cháy mình. Bài này NM tập viết liều mạng một chút).
Tôi đưa cả bài thơ vào phần Phụ Lục để bạn đọc nếu muốn, có thể tìm hiểu xem chị liều mạng đến mức nào. Ở đây chỉ xin trích mấy câu tôi nghĩ là “ghê gớm” nhất:
Giờ tình mình
xác tan tác
có bình yên
Em đâu biết
Hỡi đời kia có biết ..?
...
Bia liệt sỹ khắc tên anh xứ biệt
Bỏ ôm em
Anh ôm đất trọn đời
...
Em ..!
Trái tim điên
Rên xiết chẳng thành lời!
Mấy câu (ý) bình thường như thế mà đã phải “liều mạng” mới dám viết ra thì không biết chị đã  “vạch lằn ranh, cắm cột mốc” để bó hẹp “vùng hoạt động” của thơ mình đến mức nào? Làm thơ mà “vừa viết vừa run” thì làm sao cảm xúc có thể dâng trào, lấn át lý trí để tạo hồn thơ?

Hai Bài Thơ Trùng Ý Tứ
Đọc lại thơ của chị trên FB tôi gặp một bài có tựa khác nhưng ý tứ thì rất giống Con Về Ngõ Nhỏ.
                 VỀ THĂM NHÀ CŨ

Vắng mẹ nắng ngủ trong mây
Ngập bao lá rụng ấp đầy sân rêu
Cây bòng nhớ mẹ bóng xiêu
Cành xoan lặng đứng hoa chiều tím rơi

Bông bưởi trắng đến chơi vơi
Trong hương con thấy nghẹn rời khúc ru
Mỏng xuân, dày lá vàng thu
Trời say mộng, đâu chim gù bình minh

Chỉ còn cây chổi lặng thinh
Nằm queo mặc lá rữa mình mục đau
Mẹ xưa lam lũ đồng sâu
Cái tôm cái tép rầu rầu niêu dưa

Sóng ngầm dưới mái chèo khua
Trên đầu nắng ít, gió mưa lại nhiều
....
Đời mẹ như một cánh diều
Càng thẳng đứng, càng gió xiêu giữa trời
Đã có Con Về Ngõ Nhỏ (Phụ Lục) rồi mà còn viết được Về Thăm Nhà Cũ đẹp như thế, dễ thương như thế tài thơ của Ngọc Mai quả thật đáng nể. Cũng căn nhà ấy, khung cảnh ấy, cũng cây chổi, cây bòng, sân nhà vắng lặng và cũng tâm trạng nhớ thương bóng mẹ liêu xiêu, bằng ngôn ngữ thơ tượng hình, bằng kỹ thuật thơ điêu luyện, Ngọc Mai đã quyền biến chuyển đổi ngôn ngữ, làm mới câu thơ, tạo được bài thơ sau không giống hệt mà vẫn có cái gì đó “khang khác” bài thơ trước. Tôi phục chị ở chỗ đó.
Nhưng “ép” cảm xúc của mình như thế thì rất tội nghiệp cho những câu thơ và ít nhiều đã làm giảm giá trị của cả 2 bài thơ. Theo tôi, có lẽ khu đất “ương thơ” của chị hơi hẹp (giống thành phố Pleiku) nên “đi dăm phút đã về chốn cũ” (2) - chị phải ương rồi trồng 2 cây thơ vào chung một “hố”.

Cân Nhắc Ưu Khuyết Điểm
Cái gọi là khuyết điểm của thơ Ngọc Mai - tôi đã phải dàn trải trên 2 trang giấy để chị và người đọc nhận thấy dễ dàng hơn -  thật ra, chỉ cần một phút bốc đồng, một lần nổi cơn điên hoặc một quãng thời gian tĩnh lặng thả hồn đi hoang là nó tự biến mất. Còn tài thơ, khả năng đưa cái đẹp vào thơ như chị có thể chỉ cần viết vài hàng nhưng để thủ đắc dân chơi thơ có khi phải vật vã cả đời người.
Mời bạn đọc nghe tâm tình của Ngọc Mai qua 4 câu trong bài Sông Đời:
Trông gì về phía dại khôn
Ban mai rờn mỏng, hoàng hôn xơ dày 
Mưa dài đâu vắt kiệt mây
Trời còn bận ngủ, vòm đầy bóng đen
Bằng 3 câu cuối của đoạn thơ Ngọc Mai đã kéo cả những chuyển động của đất trời (ban mai, hoàng hôn, mây mưa, bóng đêm) xuống hòa nhập với dòng Sông Đời mình để tạo thành một bức tranh thê lương của một cảnh đời bất hạnh, theo tôi, thật tuyệt vời.
Đáng mừng cho người yêu thơ là vườn thơ của chị còn khá nhiều những đoạn thơ hay như thế.
Tóm lại, Ngọc Mai có tâm hồn nhạy cảm, kỹ thuật thơ điêu luyện, rất nhanh nhẹn quyền biến trong sử dụng ngôn ngữ, hình tượng thơ ca. Thơ Lục Bát của chị, nếu tuyển chọn nhũng bài thành công, có thể liệt chị vào hạng cao thủ. Chị còn thử nghiệm thêm Thơ Mới, Thơ Mới Biến Thể và kết quả đáng khích lệ. Theo tôi, chị đã có tất cả điều kiện cần thiết để viết bài thơ để đời của mình. Thơ của chị hiện tại đã có sắc hương để chị không phải thẹn thùng khi đứng cạnh những thi sĩ khác, nhưng vẫn còn thiếu loại cảm xúc cao cấp nhất là hồn thơ. Lý do: Chị còn cho phép lý trí điều tiết cảm xúc của mình khi các con chữ từ ngòi bút tung mình nhảy xuống trang giấy.

Kết Luận
Trong “Con Về Ngõ Nhỏ - Bài Thơ Mới Quen” tôi đã viết:
Tôi chọn bình Con Về Ngõ Nhỏ vì quý một tài thơ chưa phát huy hết sức mạnh của mình
Hôm nay, cũng vì quý tài thơ của chị, tôi quay lại vườn thơ dạo khắp một vòng và có một mong ước nhỏ bé là một ngày nào đó Ngọc Mai sẽ thay đổi nếp suy nghĩ về thơ. Bởi, là thi sĩ:
Cái khoảng trời ở đàng sau cái lằn ranh hay cột mốc đó, có thể bây giờ chị chưa nghĩ đến, chưa dùng đến, nhưng một ngày nào đó, một lúc nào đó, khi ngòi bút cựa quậy mạnh hơn, chị sẽ cần đến nó. Nếu muốn đi đến Bến Bờ Thi Ca chị nên để tâm hồn thoát cũi sổ lồng, bay đến vùng trời tự do rộng mở, mênh mông … bất tận.
Cái vùng trời tự do đàng sau lằn ranh và cột mốc đó không những giúp tứ thơ sáng hơn, tươi hơn mà còn là lời mời rất khéo để hồn thơ bước vào.
CHÚ THÍCH:
1/ Con Về Ngõ Nhỏ-Bài Thơ Mới Quen, Phạm Đức Nhì, phamnhibinhtho.blogspot.com  
2/ Còn Chút Gì Để Nhớ, thơ Vũ Hữu Định, nhạc Phạm Duy
*
PHẠM ĐỨC NHÌ
Địa chỉ: League City, Hoa Kỳ.
Email: nhidpham@gmail.com
.






…………………………………………………………………………
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 07.02.2018 và 17.02.2018.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang blog Đặng Xuân Xuyến. 
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

                                         PHỤ LỤC:
CON VỀ NGÕ NHỎ

Con về ngõ nhỏ thoảng hương
lối vào vẫn lát vàng ươm nắng chiều
đâu rồi bóng mẹ liêu xiêu
đâu rồi dải yếm rất nhiều gió hong

còn đâu chổi quét lá bòng
còn đâu bông bưởi trắng trong rụng đầy
chẳng còn hoa khế tím cây
chẳng còn vai mẹ hao gầy gió sương

mơ màng khói bếp còn vương                       
thoáng hơi nước vối tỏa hương ngọt ngào
gạo khuya ai giã đêm sao
thèm nghe tiếng mẹ ho bào canh thâu

Trăng non (*) khóc đẫm lá trầu
kìa như tay mẹ chải đầu cho trăng!
                    &
          (NGỌC MAI)
 (*) Tác giả ví mình như vầng trăng non, lúc còn bé thơ thường đứng bên giàn trầu của mẹ mà khóc dỗi hờn để được mẹ dỗ dành và chải đầu cho.

        TRÁI TIM ĐIÊN
 (Cũng biết rằng Ngoc Mai viết không tới, không dám đốt cháy mình. Bài này NM tập viết liều mạng một chút. .... Hj hj)

Trái tim điên ấp mối tình xứ biệt
Khúc nhạc đầu mươn mướt nụ xuân sang
Ủ tia nắng ươm hồn mây ngũ sắc
Mà sóng gầm bão tố thét tàn hoang

Tim điên viết ngàn lời yêu thầm nhắc
Loạn nhịp hồng bóp tím nghẹt máu tươi
Vọt thành tia loang lổ mặt người
Ai từng điên, ai từng đau rền rĩ..?
...
Mối tình em vượt biên ngoài chiến lũy
Nụ hôn yêu môi gắn đến không cùng
Biển nhỏ bé trước vòng ôm ghì xiết
Lời yêu đầu sóng sánh cõi thần tiên

Giờ tình mình
xác tan tác
có bình yên
Em đâu biết
Hỡi đời kia có biết ..?
...
Bia liệt sỹ khắc tên anh xứ biệt
Bỏ ôm em
Anh ôm đất trọn đời
...
Em ..!
Trái tim điên
Rên xiết chẳng thành lời!
                    &

          (NGỌC MAI)

0 comments:

Đăng nhận xét