NGÀY XUÂN TẢN MẠN CHUYỆN ĐỒ CỔ - Tác giả: Võ Hương An (Hoa Kỳ)

Leave a Comment

NGÀY XUÂN
TẢN MẠN CHUYỆN ĐỒ CỔ
*
Tết năm đó, tôi về Huế ăn Tết. Ngồi nói chuyện với bà chị, tôi hỏi thăm về những người quen biết cũ trong xóm. Chị tôi nói: 
- Cậu biết không, năm nay con Hoa cũng về ăn Tết ở Huế chứ không ở Sàigòn như mọi năm. Chị hỏi thăm việc làm ăn, nó nói năm này nó trúng một cái mánh rất lớn. Vốn bỏ ra có năm đồng mà lời cả trăm ngàn.
(Tác giả Võ Hương An)
- Nó làm ăn kiểu chi mà tài rứa?
- Nó kể với chị là được tổ đãi. Bữa Hè, nó về Huế đi lùng mua đồ xưa.  Hôm đó nó về làng Thế Lại Thượng. Đi suốt buổi sáng, vô thăm nhiều nhà mà không mua được chi. Đến trưa, đi ngang đình làng, thấy bóng mát cây đa, nó ngồi nghỉ mệt. Tay quạt nón mà mắt thì ngó láo liên chung quanh, chợt nó thấy lẫn trong đống ông táo bình vôi dưới gốc cây đa có một tượng Phật bằng đá của Chàm. Biết ngay là của quí, nó liền kiếm cái quán tạp hóa gần đó, mua thẻ nhang năm đồng với hộp quẹt, rồi trở lại cây đa, nó thắp hương vái cái tượng Phật, vái bốn phía chung quanh rồi khấn rằng,”Lạy Ngài vạn lạy! Ngài ở đây mưa gió nắng nôi cực khổ. Con xin thỉnh Ngài về ở với con, có nhà cao cửa rộng, cho sướng cái thân.” Cắm hương xuống gốc đa xong là nó bồng ngay cái tượng về nhà, chùi rửa đất rêu sạch sẽ, mang vô Sàigòn, bày ở cửa tiệm, vài tháng sau có ông người Mỹ trả một trăm ngàn để mua. Đúng là tổ đãi, đã giàu lại giàu thêm.
Tôi cười:
- Em mà được cái tượng như con Hoa, chắc em không bán một trăm ngàn đâu. Chí ít cũng hai trăm trở lên.
Bà chị tôi háy một cái và nói:
- Cậu chỉ được cái nói trạng, hèn chi cả đời vẫn không giàu.
Bà chị tôi nghĩ là tôi nói dốc vì bà không biết chuyện “dân biểu tượng Chàm” được báo chí đăng tùm lum mấy năm trước. Ai đã ở Tam Kỳ (trước kia thuộc tỉnh Quảng Tín, nay thuộc Quảng Nam) đều biết ở đó cái tháp Chàm Kỳ Lý, nằm ngay trên Quốc lộ 1, đi trên đường cũng có thể thấy được.  Một ông quan to của Tỉnh, ra ứng cử, trúng dân biểu, biết tháp Chàm Kỳ Lý có mấy cái tượng bằng sa-thạch gắn trên tháp rất quí, có thể kiếm bộn bạc, bèn cho người gỡ trộm rồi đem vào Sàigòn bán cho người ngoại quốc, nửa triệu một cái, chẳng may bị phanh phui, thế là báo chí tặng cho ông ta cái biệt danh “dân biểu tượng Chàm”.      
Hoa là con gái đầu của chú Lộc, cùng tuổi với tôi, nối nghiệp cha, buôn đồ cổ. Chú Lộc và anh em con cháu của chú đều sống bằng nghề buôn đồ cổ. Huế là cựu kinh đô, nên không một nơi nào tập trung nhiều quan lại cho bằng Huế. Trong cái bối cảnh xã hội Việt Nam thời xưa thì chỉ có giới quan lại và  nhà giàu mới sính chơi đồ cổ, nên Huế trở thành cái mõ đồ cổ cho đại gia đình chú khai thác năm này qua năm khác. Nơi nào có phủ đệ của các ông Hoàng bà Chúa cũ, nơi nào có nhà của các quan lại xưa, làng nào có nhà nổi tiếng giàu có v.v. đều là những mục tiêu thăm viếng của đại gia đình này. Có thể họ biết rõ những món đồ cổ trong những gia đình đó hơn con cháu trong gia đình. Khi  đã xác định được mục tiêu thì trước sau gì món đồ họ đã nhắm cũng về tay họ bởi họ bám dai như đĩa, và nói rất khéo. Gặp lúc gia chủ cần tiền thì việc thuyết phục lại dễ dàng hơn nhiều. Nhà cô ruột tôi ở gần chùa Linh Mụ. Trước hàng hiên nhà vỏ cua tôi thường thấy để ba cái bình vôi xưa, bằng sành tráng men, có cái vẽ men màu, cái nào cũng to bằng cái đầu người ta với cái miệng chù vù những vôi.  Đó là những bình vôi đã bị phế thải nhưng không hiểu sao cô tôi không cho ra nằm gốc cây đa cây đề. Một bữa đến thăm cô, tôi thấy cả ba bình vôi không còn đó nữa.  Hỏi, thì được biết “cô đã bán cho thằng cha  Viên rồi. Mình không dùng, để chật nhà, nó hỏi mua, cô bán ngay, khỏi mất công đi vất”. Viên là em chú Lộc, chuyên di lùng đồ cổ cho anh. Cuối năm 1974, Ngân Hàng Việt Nam Thương Tín tặng khách hàng một cuốn lịch 1975 rất độc đáo. Lịch không có tranh phong cảnh hay người đẹp như thường thấy, mà toàn là hình chụp những bình vôi xưa, nằm trong bộ sưu tập độc đáo của một nhà sưu tập đổ cổ ở Sàigòn, trong đó, tôi nhận ra một ông bình vôi quen thuộc, không biết có phải  là bình vôi cũ của cô tôi hay không.
 Người trong Phường trong xóm gọi chú là ông Giám không phải vì chú là một cựu thái giám của triều đình, mà vì chú đã từng giữ chức Giám thủ trong ban hội tề của Phường. Ở địa phương, mọi người chỉ biết chú Giám Lộc là chú Giám Lộc, nhà giàu có, theo Tiên Thiên Thánh Giáo, có cái điện lên đồng rất lớn, cùng với các anh em khác trong đại gia đình sống bằng nghề buôn bán đồ cổ. Đa số người trong phường trong xóm không biết rằng ở Sàigòn chú là nhà sưu tập đồ cổ  Huỳnh Cẩn, cũng có một chút tiếng tăm, chủ một cửa hiệu lớn ở đường Đinh Tiên Hoàng. Nhờ đọc báo Sàigòn mà tôi biết rằng chú đã từng đứng ra bảo trợ những cuộc triển lãm đồ cổ trong cái thành  phố thủ đô của Miền Nam này. Thời còn Tổng Thống Ngô Đình Diệm, chú cũng đã nhiều lần cung cấp đồ cổ cho Dinh Độc Lập.  Cứ mỗi lần được lệnh mang hàng vào vào Dinh, chú lại nhờ thầy tôi chọn ngày giờ tốt để việc làm ăn được hanh thông. Cứ sau mỗi lần như thế, từ Sàigòn trở về Huế, thế nào chú cũng đến nhà thăm thầy tôi và tặng quà trả ơn, khi thì cái dù đen Hồng Kông, khi thì đôi giày, khi thì mấy hộp trà Tàu, vì thầy tôi chỉ coi giúp mà không lấy tiền ai bao giờ. 
Nhà chú Lộc và nhà tôi quay mặt ra hai con đường vuông góc với nhau nên mặt tiền ngó thì xa nhưng vườn sau lại có đoạn chung hàng rào. Ngày tôi còn học Tiểu học (nay là Cấp 1) thì chú đã buôn bán đồ cổ rồi. Ngoài việc mua đi bán lại đồ cổ chú còn sản xuất các sản phẩm mỹ thuật chạm trỗ trên ngà và gỗ. Những đồ cổ có chút khuyết điểm, chú mua với giá rẻ, rồi cho thợ khéo phục chế, trở thành đồ tốt ngay. Chú cất một cái nhà nhỏ nằm cạnh nhà lớn, thuê năm sáu người thợ chạm Quảng Trị vào ăn ở tại chỗ để làm đồ cho chú. Suốt ngày, từ căn nhà nhỏ đó vang lên tiếng  cóc cách của dùi đục gõ vào nhau. Nhiều lúc rảnh rổi, tôi lại thả bộ qua cái nhà nhỏ đó, lân la chuyện trò với mấy người thợ chạm và thích thú xem họ làm việc. Phải công nhận đó là những người thợ cực kỳ lành nghề và tài hoa. Một mẫu gỗ, một đoạn ngà, sau một thời gian ngắn qua tay họ liền trở thành một món đồ cổ rất mỹ thuật. Phải thành thật mà nói, sau khi đã được nhìn ngắm sờ mó đồ chạm trong Đại Nội, đã được xem những sản phẩm của những người thợ chạm làm thuê cho chú Lộc, thì tôi thấy rõ ràng là thợ chạm ngày nay  có tay nghề kém xa. Có lẽ họ chạy theo năng suất và không nắm được mẫu mã truyền thống.
Từ những cái ngà voi lớn nhỏ mang về, có khi những người thợ để nguyên như thế để chạm thành một đàn voi nối đuôi nhau đi trong rừng chuối, có khi lại cưa ra thành những đoạn ngắn để chạm thành hình cô tiên, hình ông Phật, hình Phước, Lộc, Thọ, ống đựng bút v.v. Tôi đoán là tùy theo tình trạng của cái ngà mà họ làm thế, hoặc do lệnh chú Lộc biểu làm gì thì làm nấy. Sản phẩm bằng ngà dù bất cứ dưới dạng nào cũng phải được trình bày trên một cái đế chạm trỗ rồng mây hoa lá thì mới tăng vẻ đẹp và tăng giá trị. Đế làm bằng gỗ trắc, được đánh bóng lên nước đen thui, làm nổi bật cái sắc trắng của ngà. Ấy vậy mà có khi  làm xong một sản phẩm, tôi thấy người thợ đem nhuộm thành màu vàng nhạt bằng nước vắt từ củ nghệ. Tò mò, tôi hỏi sao không để ngà trắng cho đẹp mà lại nhuộm cho xấu đi. Ông thợ trả lời, “Đây là mình giả đồ xưa để bán cho Tây.  Có thằng một hai đòi đồ xưa mà mình làm chi có đồ xưa hoài để bán, nên phải giả.  Đã xưa thì phải vàng xỉn đi chớ, mô có trắng được.  Mình nói rứa, tụi nó cũng tin.”
Hồi đó, trước 1954, quân đội Pháp vẫn đang còn có mặt ở Việt Nam. Thỉnh thoảng tôi lại thấy xe Jeep đậu trước nhà chú Lộc để cho mấy sĩ quan người Pháp vào xem và mua đồ cổ. Ngà voi thực chất là cái răng của con voi nên bên trong, có phần rổng (là đoạn trước kia chứa tủy răng). Một lần tôi thấy người thợ  lật ngược một cái tượng bằng ngà voi vừa mới làm xong và đổ chì vào phần rổng bên trong, xong dùng một miếng ngà khác gọt giũa cẩn thận, làm thành cái nút vừa vặn trám khít  mặt đáy. Tôi hỏi làm thế để làm gì? “Thì để bán cho Tây chứ để làm chi. Tây nó ngu lắm (!), mua đồ ngà mà có thằng đòi tính bằng kí-lô chớ không kể cái công người ta làm cực khổ tới mức mô mới thành một món đồ. Muốn tính kí-lô thì ta cho thêm kí-lô, sợ chi. Anh Lộc biểu làm mấy cái ni để bán cho mấy thằng Tây ngu đó.”        
Những việc “chế biến” đồ cổ như thế thường thực hiện ở  sân sau, khu vực tiếp giáp với vườn nhà tôi, vì vậy, có khi vạch hàng rào cũng thấy. Có hôm thấy một người thợ và một chú nhỏ trạc tuổi tôi đang ngồi xổm mài vành đáy mấy cái tô xưa trên mặt phẳng của một tảng đá nhám. Họ làm một cách chăm chỉ và thận trọng. Tôi hỏi:  mài vậy để làm chi ? “Thì để làm cho nó xưa hơn. Cái chén cái đọi nào có cái khu chén khu đọi mòn vẹt đi thì chứng tỏ nó đã lâu đời lắm, dùng nhiều nên mới mòn. Phải mài bớt đi để khi mình nói vậy thì khách mới tin.” Cái trò khôn vặt này có lẽ chỉ bịp được những người ngây thơ như tôi chứ gặp cụ Vương Hồng Sển hay các chuyên viên của mấy nhà bán đấu giá lừng danh thế giới như Butterfields hay Sothebys, Christie,  thì coi như hết đường tán hươu tán vượn.
Sau năm 1965, quân Mỹ đổ vào Việt Nam ngày một nhiều. Việc bán đồ kỷ niệm trở thành một ngành làm ăn kiếm ra tiền. Ngoài đồ thêu, đồ đan, đồ chạm trỗ, người ta thấy bày bán nhiều đồng tiền xưa gắn trên giấy bìa và ép trong bao nylon. Những đồng tiền Gia Long, Minh Mạng . . ., lớn có nhỏ có, nổi rỉ màu xanh, trông xưa thiệt là xưa. Loại tiền nhỏ với đường kính khoảng 2,5cm thì không nói làm gì, vì dễ gặp;  riêng loại tiền lớn với đường kính cở 5cm mà cũng nhan nhản thì mới thật là lạ, vì chúng thuộc loại hiếm. Vào một dịp tình cờ, tôi biết được một trong các lò sản xuất tiền cổ đó không đâu xa, sát ngay hàng rào vườn nhà tôi! Chỉ là một cái lò đúc nho nhỏ mà thôi và hẳn số lượng làm ra không lớn lắm. Khi tôi thắc mắc không biết làm sao mà tiền mới đúc lại trở thành tiền xưa, nhìn giống như thật, thì một người trong bọn họ trả lời: khó chi, tiền đúc ra đang còn nóng, lấy nước mắm đổ lên thì nó xỉn màu, nó nổi teng, thành ra tiền xưa ngay. 
Tôi phải kêu chú Lộc bằng chú vì ngang tuổi với con gái đầu của ổng, nhưng ông anh rể tôi lớn tuổi hơn tôi nhiều nên đã anh anh tôi tôi với chú Lộc từ khi chưa vào làm rể trong nhà.  Do cái thân tình đó mà qua những lần chuyện trò được chú phun ra vài mánh lới làm ăn, nghe cũng vui, nhưng nghĩ lại, phải công nhận chú là người rất sành tâm lý của giới chơi đồ cổ.
Chỉ có giới nhà giàu dư tiền lắm bạc mới chơi đồ cổ, chứ nghèo kiếm không đủ tiền mua gạo thì lấy gì mà chơi. Đã chơi thì phải có bạn cùng sở thích, cùng có chút hiểu biết về đồ cổ thì khoe của, khoe hiểu biết với nhau  mới thú, chứ đem của quí khoe với người không biết gì thì có khác chi đem đàn  gảy tai trâu. Đó là chưa kể giữa những người cùng chơi đồ cổ còn có một sự ganh đua ngấm ngầm với nhau, người nào cũng cố săn tìm cho được món đồ hiếm quí mà các người khác không có để chứng tỏ ta đây “nội lực thâm hậu” hơn, cả về tiền bạc cũng như công sức và vốn liếng hiểu biết. Dựa trên tâm lý đó, chú Lộc đưa ra nhiều chiêu thức êm ái nhưng hiệu quả, nghĩa là bao giờ người hưởng lợi nhất vẫn là chú.
Một buổi chiều nọ, ông bác sĩ H. - vốn là khách sộp lâu năm của chú Lộc - nhận được điện thoại báo cho biết là chú sẽ đem đến cho ông ta coi trước một món đồ cổ quí hiếm vừa mới sưu tầm được, mà chỉ có người sành điệu như bác sĩ H. mới biết  giá trị đích thực của nó. “Nếu bác sĩ coi mà không thích thì tôi mới đem bán cho người khác”, chú nói như thế. Nghe vậy, bác sĩ H. đã thấy khoan khoái cả mình mẫy rồi. Đến chiều, vừa thấy cái ché đời Khang Hy vẽ men xanh do chú Lộc mang lại là ông ta ưng ý ngay, đúng là “quí vật tìm quí nhơn” như chú nói. Cái giá chú Lộc để cho ông cũng dễ chịu, vậy là ông bằng lòng mua nhưng nói thêm, “ráng kiếm giùm cho tôi một cái nữa thì tốt lắm. Chơi ché hay độc bình thì phải đủ đôi đủ cặp mới đúng điệu, trình bày mới đẹp”. Chú Lộc khen ngay, “Thiệt bác sĩ biết chơi hơn người khác là ở chỗ đó. Thế nào tui cũng ráng tìm cho bác sĩ, nhưng có lẽ không phải dễ kiếm đâu.”  Mấy người bạn chơi đồ cổ khi được bác sĩ H. khoe chiếc ché cũng không ngớt lời tán dương, vì vậy thỉnh thoảng ông ta lại nhấc điện thoại nhắc chừng chú Lộc về việc tìm kiếm. Sự thực thì cái ché thứ hai đã có sẵn trong nhà chú rồi.  Khi mua của người ta, chú đã mua đủ cả cặp nhưng khi bán lại chú không bán theo kiểu thông thường như người ta, vì bán như thế thì không được giá. Chừng sáu, bảy tháng sau chú báo cho bác sĩ H, biết là đã tìm ra cái ché thứ hai rồi nhưng người ta đòi giá cao lắm, vì người chủ thuộc loại không ngặt nghèo tiền bạc nên khó thuyết phục.  Bác sĩ H. hỏi giá chừng bao nhiêu thì được. Chú cho biết họ đòi gấp ba giá cái trước. Cuối cùng thì bác sĩ H. vì muốn có một bộ sưu tập toàn bích cho xứng danh người sành điệu nên bằng lòng với cái giá gấp ba đó mà trong lòng lại rất vui và mối cảm tình với chú Lộc càng thêm đậm đà.
Một bữa, ông anh rễ tôi nói, “Anh Giám Lộc vừa ở Sàigòn về. Hỏi chuyện làm ăn, anh nói năm này bị Thuế vụ chơi một vố nặng quá, muốn xỉu luôn. Anh bị phạt gần hai triệu bạc.” Đầu đuôi câu chuyện cũng do ở chỗ quá khôn nên dồn đến dại.  Giới kinh doanh thường có hai loại sổ,  sổ giả với thành tích doanh thu khiêm tốn dùng xuất trình cho Thuế vụ để trốn thuế, và sổ thật, thường được cất kỷ, giữ kín, để nắm vững hoạt động của mình. Chú Lộc cũng không ra ngoài cái lệ đó. Bên cạnh hai loại sổ thông dụng ấy, chú còn có sáng kiến lập ra một cuốn Sổ Danh dự, rất trang trọng, dùng ghi tên những khách hàng tương đối có máu mặt. Giả thử ông A vừa mua xong một cái độc bình trị giá ba ngàn. Chú hoặc nhân viên cửa hiệu sẽ lật Sổ Danh dự ra, xin phép khách được ghi phương danh, chức vụ, nghề nghiệp, địa chỉ, tên món đồ, giá cả, ngày mua, và xin chữ ký kỷ niệm vì đó là một vinh dự cho cửa hiệu. Điều đặc biệt là cái giá tiền ghi trong đó. Ông A mua cái độc bình với giá ba ngàn nhưng trong sổ chủ hiệu hay thư ký xin được phép ghi là ba ngàn rưỡi hay bốn ngàn, nghĩa là bao giờ cũng với cái giá cao hơn, “vì đó là giá thật của nó. Cái giá ba ngàn là để làm quen với khách lần đầu. Nếu cứ để cái giá đó thì cửa hiệu sẽ bị lỗ vốn.” Nghe trình bày hợp lý như thế, khách nào lại không bằng lòng, huống chi mua đồ cổ giá càng đắt càng quí (!). Lần sau, nếu có bà B nào đó đến mua cùng món đồ ấy, thì giá bán nhất định cũng phải hơn ba ngàn, “Thưa, cách đây mấy tháng ông A cũng đã đến đây mua món đồ này với giá ba ngàn rưỡi, chúng tôi không dám nói sai.” Bà B có nghe tiếng ông A, thấy sổ sách thì tin ngay.
 Hồi đó, quãng 1971, 1972, Bộ Tài Chánh có một Tổng Giám đốc Thuế Vụ mới, trẻ trung và hăng say với công vụ.  Biết tỏng ông bà nào kinh doanh cũng ít nhiều tìm cách trốn thuế; nếu muốn tận thu thuế cho Nhà Nước thì phải chộp cho được sổ sách thật thì mới truy thu được. Thế là ông tân Tổng Giám đốc cho thành lập những tổ thanh tra thuế vụ theo kiểu biệt kích,  khi thì bất ngờ đột kích một cơ sở kinh doanh đáng nghi nào đó để xét sổ sách, khi thì giả dạng khách hàng giao thiệp để bất chợt chộp lấy những sổ sách bị cất giấu. Lần đó cũng mấy ông biệt kích thuế vụ giả làm khách vào  mua đồ cổ. Khi thương lượng giá cả món đồ, chú Lộc quen đường cũ, đem Sổ Danh dự ra chứng minh cho khách thấy là cái giá đó vốn đã có khách trước kia chấp nhận mua rồi, không có gì là hớ hay quá đáng cả.  Thế là mấy ông biệt kích thuế vụ xuất trình công vụ lệnh, tịch thu cuốn  Sổ Danh dự cùng những sổ sách khác đem về kiểm tra. Cái lệnh phạt non hai triệu bạc là do  những giá cả thổi phồng trong cuốn Sổ Danh dự mang lại. Thiệt là kêu trời không thấu! Nghề nào cũng có cái nghiệp đi theo!
*
Mời thư giãn với nhạc phẩm TẾT QUÊ HƯƠNG
của Minh Vỹ qua tiếng hát Cẩm Ly:
---------------------- 
- Cựu Thanh tra Giám Sát Viện Quân Khu I (VNCH)
- Cựu Tù nhân Chính trị Quảng Nam-Đà Nẵng
*
VÕ HƯƠNG AN
(tên thật: Võ Văn Dật)
Quê quán: Thành Nội Huế (Kinh thành Huế).
Cư trú tại: San Jose, Hoa Kỳ.
Email: huonganvo@yahoo.com
.





…………………………………………………………………………
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 23.11.2016.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang blog Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

0 comments:

Đăng nhận xét