ĐỌC “ẢO ẢNH THỜI GIAN” - thơ Liên Hưng - Tác giả: Châu Thạch (Đà Nẵng)

Leave a Comment
(Nguồn ảnh: internet)
ĐỌC ẢO ẢNH THỜI GIAN
- thơ Liên Hưng
*
ẢO ẢNH THỜI GIAN

Em mười bảy tuổi nhiều năm trước .
Sao đến bây giờ lại mười ba? 
Ngu ngơ trong gió chiều thổi ngược
Hoàng hoa mấy cánh vướng hiên nhà
 
Đêm hoa soan rụng anh mười chín 
Bao năm gặp lại bỗng mười lăm
Sao băng qua trời còn bịn rịn
Quỳnh hương lấp loáng ánh trăng rằm

Tương phùng một thoáng hồn bé lại
Dẫu đường thiên lý lắm xa xăm
Dẫu vó ngựa hồng còn đi mãi
Hương tình phảng phất đến ngàn năm...

Mười bảy tuổi em nhiều năm trước
Đến bây giờ sao lại mười ba?
Ngu ngơ đón gió chiều thổi ngược
Hoàng hoa mấy cánh sáng hiên nhà

Anh mười chín bên thềm hoa soan rụng
Thời gian lui bỗng gặp tuổi mười lăm
Sao băng qua trời ai nhớ tháng năm?
Quỳnh hương ngát dưới trăng rằm mười sáu

Một thoáng tương phùng cho hồn em bé lại
Đường xa xăm thiên lý chạnh lòng ai?
Vó ngựa hồng dong ruổi một sớm mai
Tình đơm nụ ngàn năm tươi đẹp mãi.
*.
Mùa xuân 2008
LIÊN HƯNG
LỜI BÌNH:
(Tác giả Châu Thạch)
Thời gian vốn đã ảo rồi. Thời gian cũng không có ảnh bao giờ. Vậy mà nhà thơ Liên Hưng lại đặt đề tựa là “Ảo Ảnh Thời Gian” cho bài thơ của mình. Nghe có vẽ vô lý nhưng khi đọc trọn bài thơ thì ta mới khám phá ra cái lý của nó. Cũng như khi đọc khổ đầu và khổ thứ hai của bài thơ ai mà không khỏi phân vân, khó hiểu với những câu thơ sau đây:
Em mười bảy tuổi nhiều năm trước .
Sao đến bây giờ lại mười ba? 
Ngu ngơ trong gió chiều thổi ngược
Hoàng hoa mấy cánh vướng hiên nhà

Đêm hoa soan rụng anh mười chín 
Bao năm gặp lại bỗng mười lăm
Sao băng qua trời ai nhớ tháng năm?
Quỳnh hương ngát dưới trăng rằm mười sáu
Ta sẽ vỡ òa thích thú khi nghe tác giả giải thích như sau:
Nhiều năm trước - thời mới lớn em là thiếu nữ (17 tuổi), cái tuổi bước vào mơ mộng, bắt đầu chớm yêu.
Nhưng bây giờ khi đã vào tuổi "tri thiên mệnh" (sao đến bây giờ) gặp anh, em lại thấy mình bé hơn nữa, trở về thuở 13 tuổi, cái tuổi chưa thành thiếu nữ, còn ngu ngơ nhưng cũng khiến chàng xao lòng như bài thơ Tuổi 13 của Nguyên Sa (Tuổi của nàng tôi nhớ chỉ 13. Tôi phải van lơn ngoan nhé đừng ngờ...)
Còn chàng cũng thế: "Đêm hoa soan rụng anh 19" cũng có nghĩa là nhiều năm trước, 19 tuổi là cái tuổi đã biết yêu của chàng trai (vì chàng đã có người yêu vào năm 18 tuổi).
"Bao năm gặp lại bỗng 15". À! Cái ngây thơ, hồn nhiên của nàng khiến chàng sau bao năm gặp lại bỗng thấy mình trở về cái tuổi 15 để vui đùa cùng cô bé tuổi 13. (Theo ý thơ của Xuân Diệu nói về chàng trai thời mới lớn, chưa dám yêu mà chỉ "đứng ngẩn trông vời áo tiểu thư" (Gió thổi sân trường chiều chủ nhật. Ôi thời thơ bé tuổi 15...).
Ý khổ thơ muốn nói khi hai người đồng điệu gặp nhau thì dù tóc trên đầu đã chớm bạc thì tâm hồn họ vẫn trở về cái thời ngây thơ, hồn nhiên và e ấp như thuở ban đầu.
Còn hoàng hoa mấy cánh vướng hiên nhà là có thật, vì bên góc sân nhỏ nhà Liên Hưng luôn có hoa vàng nở quanh năm, nên khi nhìn hoa ai đó dễ sinh lòng mơ mộng dù ở lứa tuổi nào. Chữ "vướng" ở đây là Liên Hưng cố ý dùng, vì hoa không chỉ trên cành hay rụng xuống sân mà "vướng hiên nhà" - như mối tình e ấp nấp đâu đó ngoài hiên mà thôi.
Bởi thế mới có chuyện Quỳnh hương lấp loáng ánh trăng rắm. Hoa Quỳnh tượng trưng cho sự e ấp, tinh khiết của mối tình dấu kín, không lời.
Và đó chính là Ảo Ảnh Thời Gian.”
Vâng đúng vậy, tôi đã biết những mối tình học trò nay ở tuổi thất thập gặp nhau lại còn e ấp hơn cái thời mới lớn. Hai về thơ khám phá cho ta một hiện tượng tâm lý mà ai cũng dễ xảy ra trong lòng mình nhưng mấy ai định nghĩa được nó là gì. Nó là “Ảo ảnh thời gian
Và ý thơ trong khổ tiếp theo, tác giả dùng để giải thích hai khổ thơ đầu:
Tương phùng một thoáng hồn bé lại
Dẫu đường thiên lý lắm xa xăm
Dẫu vó ngựa hồng còn đi mãi
Hương tình phảng phất đến ngàn năm...
Cả ba khổ thơ trên đây thật là thiết tha. Tất nhiên cô gái quay lại ở tuổi mười ba khi đối diện người yêu cũ nhưng lời cô thốt ra trong thơ không phải ở tuổi mười ba, lại không phải ở tuổi “tri thiên mệnh” như cô đã nói ở trên. Lời thơ quyến luyến đến vô biên, lảng mạn đến vô bến, phả vào hồn ta mùi hương của Hoàng Hoa, của hoa Quỳnh là thứ hương tình ngây ngất. Lời thơ Chuyển động hồn ta với tiếng vó ngựa ngàn năm mang theo hương tình đến cùng trời cuối đất. Vó ngựa nầy không buồn thê thiết như “Mỏi Mòn” của Thanh Tịnh: “Ngựa hồng đã đến bên hiên/ Chị ơi trên ngựa chiếc yên vắng người”. Vó ngựa nầy còn có ngày chở chàng quay lại gặp nhau và mối tình họ có lẻ cao thượng hơn, thắm thiết hơn thuở trước!
Ba khổ thơ sau như một bài thơ họa lại ba khổ thơ trước, với những ý thơ lặp lại nhưng lời thơ càng thêm mượt mà, càng thêm thắm thiết, không đem đến sự nhàm chán mà đưa ta quay lại một khung trời yêu thương thắm thiết, thấm vào lòng ta cái hương vị cúa tình yêu xưa và nay, cho ta chiêm ngưỡng sắc màu cúa khung trời khác biệt của hai thuở yêu nhau:
Mười bảy tuổi em nhiều năm trước
Đến bây giờ sao lại mười ba?
Ngu ngơ đón gió chiều thổi ngược
Hoàng hoa mấy cánh sáng hiên nhà

Anh mười chín bên thềm hoa soan rụng
Thời gian lui bỗng gặp tuổi mười lăm
Sao băng qua trời ai nhớ tháng năm?
Quỳnh hương ngát dưới trăng rằm mười sáu

Một thoáng tương phùng cho hồn em bé lại
Đường xa xăm thiên lý chạnh lòng ai?
Vó ngựa hồng dong ruổi một sớm mai
Tình đơm nụ ngàn năm tươi đẹp mãi.
Đến bây giờ có lẽ người đọc hiểu “Ảo Ảnh Thời Gian” là gì. Đó là thời gian tâm lý xảy ra trong lòng tác giả. Tình yêu làm cho trẻ lại ở bất cứ độ tuổi nào, tình yêu làm cho ngu ngơ ở bất cứ độ tuổi nào và tình yêu khiến cho thời gian thổi ngược lại, làm bùng  lên sự say đắm, kết nụ đơm hoa cho cuộc đời.
Bài thơ cho ta một cuộc tương phùng hội ngộ đẹp nhất trần gian, khiến hồn ta trẻ lại và trôi trên dòng thời gian với những câu thơ có âm thanh róc rách như dòng nước chảy.
Với những bài thơ như thế nầy không thể nói nhiều, vì nó đẹp như vẻ đẹp mà Xuân Diệu đã phải “Im Lìm không dám nói năng chi” bởi nói ra sẽ làm cho lay động “sai lỡ nhịp trăng đang”. Vậy cho nên người viết chỉ giới thiệu bài thơ, khơi gợi một vài ý tứ và chúng ta hảy để hồn trẻ lại tuổi mười lăm hay tuổi mười ba, quay về một thời đèn sách với tình yêu của “Thuở ban đầu lưu luyến ấy/ Ngàn năm chưa dễ mấy ai quên” để thưởng thức bài thơ đến tận cùng cái hay của nó./.

Mời thư giãn với nhạc phẩm ANH BIẾT EM ĐI CHẲNG TRƠ VỀ
của Lê Minh Bằng qua tiếng hát Tuấn Vũ:
*
CHÂU THẠCH 
(Tên thật: Trương Văn Trạn)
Địa chỉ: 75 Phan Kế Bính, Đà Nẵng.
ĐT: 0929128967 - 05113894610
Email: truongvantran@hotmail.com






…………………………………………………………………………
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 02.03.2018.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang blog Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

.    

0 comments:

Đăng nhận xét