LỤC BÁT LÃNG ĐÃNG “LẠ ĐỜI” MÀ “RẤT ĐỜI” CỦA LÊ THIÊN MINH KHOA - Tác giả: Châu Thạch (Đà Nẵng) và Phạm Sáu (Vũng Tàu)

Leave a Comment
(Nguồn ảnh: internet)
LỤC BÁT LÃNG ĐÃNG
LẠ ĐỜIRẤT ĐỜI
 CỦA LÊ THIÊN MINH KHOA 
*
(Nhà thơ Lê Thiên Minh Khoa qua ký họa
                 của họa sĩ Nguyễn Hoàng)
Mấy năm gần đây, trên các trang mạng, các phương tiện thông tin đại chúng đăng thơ lục bát ngắn của Lê Thiên Minh Khoa thành chùm gồm nhiều bài được rút “tít” như một thương hiệu: LỤC BÁT LÃNG ĐÃNG LÊ THIÊN MINH KHOA. Bài viết nầy chỉ xin điểm qua vài bài lục bát ngắn đó để lướt qua những nét lãng đãng “Lạ Đời” mà “Rất Đời” trong thơ lục bát của Khoa.
Bài đầu tiên là:
CÒN LẠI…
Tặng Nguyễn Trọng Tạo.
Rồi Tiên cũng bỏ Ta bà
Phòng văn còn một Ta và Ma thôi
Đầu hè một Quỉ lơi bơi
Phật vỗ vai Chúa trốn đời chơi hoang.
Mỗi bài thơ dường như đánh dấu một thời điểm nhất định. Ta cứ ngỡ thời gian qua đi là ít thời cơ trở lại. Nhưng đời người vốn dĩ nhiều “son phấn”. Thế nên những gì trong dĩ vãng hẳn còn một chút dư âm. Với ai thì tôi không rõ chứ với Lê Thiên Minh Khoa chắc sẽ mãi mãi “còn lại...”
 “Còn lại...”. Một bài thơ ngay tự thưở được nghe tác giả đọc (với giọng ngập ngừng vốn có), tôi đã nghe chừng có cảm giác hơi “rờn rợn”.
(Tác giả Châu Thạch)
Câu đầu tiên: Rồi Tiên cũng bỏ Ta bà. Lạ quá! Tiên ở cõi Ta bà ư? Chưa hề nghe! Thôi cứ tạm hiểu Ta bà = Đại tam thiên thế giới = cõi trần. Thế sao Tiên lại bỏ ra đi? Ôi thôi người đã đi rồi! Có níu kéo chăng cũng chỉ trong tay là hư vô. Vậy thì đã sao? Bên cạnh ta còn nhiều lắm.
Câu nầy đã có “vấn đề”: Khi bài thơ được đăng, có thi hữu chỉ hiểu nghĩa tường minh, chưa cảm được nghĩa hàm ngôn của câu thơ, nên comment: “Tiên sao lại ở trên đời - Nhà thơ say rượu buông lời bâng quơ”. Lê Thiên Minh Khoa trả lời bạn đọc bằng một cách nhẹ nhàng, sau nầy trở thành một bài thơ “độc lập” lại được nhiều người thích và thuộc lòng, in trong tập thơ LẶNG LẼ TÔI (Nhà xuất bản Hội Nhà Văn) của Lê Thiên Minh Khoa sắp xuất bản trong quý II, năm 2018:
CÒN LẠI  2
Khi xưa Tiên ở trên trời
Yêu người trần thế nên dời xuống đây
Người trần khi tỉnh khi say
Nên tiên chán ngán lại bay về trời!  
Hãy nghe: Phòng văn còn một Ta và Ma thôi. Đúng quá! Hình và Bóng. Hình là? Bóng là? Hình mà không có Bóng thì là gì? Bóng không có Hình, Bóng có tồn tại không? Ta và em là một thể thống nhất như Bóng với Hình (Phải chăng Ta và Ma chỉ là một).
Cứ tưởng cuộc đời thế là viên mãn. Nhưng có được đâu vì còn Quỉ nữa cơ mà! Ta đã thống nhất, đoàn viên mà sao Ta vẫn cứ còn bị trêu ghẹo mãi! Quỉ: ai mà thích, ai không bảo là xấu xa? Cái Thiện và cái Ác cứ song song với nhau trêu chọc kiếp người. Ai thắng ai thua xin hãy đợi đấy(!).
 “Đầu hè một Quỉ lơi bơi”. “Đầu hè” thì rất gần, đáng sợ. Tôi thích chữ “lơi bơi”. Theo tôi, Quỉ (dường như không cuống quýt) vẫn loay hoay, lơ lửng nhưng vẫn bám theo người sẵn sàng ngả theo bất cứ bên nào. Thế mới biết lòng người khó đoán. Nó cứ đánh vào bản lãnh, vào tâm thức của ta.
Nhưng may quá, câu kết của bài thơ “Phật vỗ vai Chúa trốn đời chơi hoang”  như cảnh tỉnh mọi người: Chớ có thấy đêm đen lan tỏa mà vội thất vọng vì bình minh chậm đến. Cái Thiện (Chúa và Phật) vẫn còn hiện diện, lan tỏa.
Câu kết bài thơ lại có “vấn đề”. Tết năm 2008, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo (Hà Nội) cùng các nhà thơ: Lê Huy  Mậu, Tùng Bách, Vũ Thanh Hoa (Vũng Tàu)… về nhà Lê Thiên Minh Khoa ở Bà Rịa thăm, Lê Thiên Minh Khoa đọc bài thơ nầy tặng Nguyễn Trọng Tạo. Anh Tạo nói: “Đi khắp nơi gặp nhiều nhà thơ minh họa chính sách, tới Bà Rịa, mới gặp một thi sĩ…”. Sau đó, khi đăng trên nguyentrongtao.org, vì lý do nhạy cảm và tế nhị, 2 câu cuối được biên tập lại thành:
Đầu hè Quỉ vắng bóng người
Vỗ vai Chúa, Phật trốn đời đi hoang.
Bốn câu lục bát, bốn cảnh đời (hay chỉ một). Thoạt nghe cứ tưởng rằng tác giả báng bổ Thánh Thần. Nhưng, nhà thơ đã đưa tay ra kéo xuống và thò tay xuống kéo lên tất cả để hiệp nhất trong một điều vĩnh hằng: Thế mới chính là Đời. Bởi đời là thế! Rất nhân sinh. Rất đời.
Hai chữ  “Rất đời” là mượn chữ của Linh mục Đặng Duy Linh (chánh xứ Đất Đỏ) khi cùng chúng tôi nghe nhà thơ lần đầu đọc bài thơ này. Cha nói: “Chúa và Phật bỏ đi rồi, chỉ còn lại một mình  nhà thơ thôi. Nhà thơ không báng bổ tôn giáo mà chỉ nói lên nỗi cô đơn của kiếp người. Rất đời!”…
Và, đã mấy năm nay, mới bắt gặp lại một “mẫu” tôn giáo. Có lẽ cũng là duyên kiếp chăng?! Trong cõi đời này, khắp cõi nhân gian, mấy ai là chưa gặp cảnh sinh ly tử biệt. Đời là thế (C’est la vie) và thế chứ là đời. Hai thái cực trong cõi thiên hạ phong trần: Đúng - Sai, Hay - Dở, Tốt - Xấu, Được - Thua, Còn - Mất, Thị - Phi, Sắc  - Không… Là lẽ thường tình, ai thuộc thái cực nào thì sẽ được tận hưởng thức mà mình vốn dĩ “có được”! Nhưng có một điều sẽ xảy ra ở cả hai đầu: Mâu-Thuẫn. Đó là Đi và Về. Hãy nghe Lê Thiên Minh Khoa diễn đạt:                          
ĐI VỀ
Tặng Mặc Phương Tử
Người đi, am bặt kệ kinh
Nhẵn lồng chín rụng lặng thinh hương chờ
Người về bồ tát làm thơ
Khói tỏa sen nhập nhoà bờ sắc không
Đi ư? Ai lại không đi? Không muốn đi? Không đi thì sẽ không bao giờ đến đích- Cái mà mỗi người đều vọng tưởng. Đi… Có nhiều lí do, có nhiều cách. Nhưng, với Lê Thiên Minh Khoa, đi ở đây là chia lìa, chia ly (sinh ly). Đã chấp nhận đi- không những thế mà còn phải đi - Thì luôn có sự giày vò bứt rứt, thậm chí kiệt vọng. Mệt mỏi vô cùng! Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã từng do dự “Đi đâu lanh quanh cho đời mỏi mệt”. Nhưng dẫu sao cũng còn “một cõi đi về”. Khi đi chắc ai cũng từng ưu tư khắc khoải. Vì đi là:
Người đi, am bặt kệ kinh.
Nhãn lồng chín rụng lặng thinh hương chờ.
Trong mỗi con người đều có một cái AM rất riêng tư. (tôi thường gọi đó là “góc lập dị”) chính vì vậy mà trên đời này có ai giống ai hoàn toàn đâu! Nếu là người đơn thân lẻ bóng thì khi đi rồi còn đâu tiếng kệ tiếng kinh? Như vậy còn đâu là cõi nhân gian? Hơn nữa, ở đây còn hương nhãn đợi chờ nữa cơ mà. Vậy ắt là đúng cảnh kẻ ở người đi. Vậy thì sẽ có ai đó thốt lên “Người đi, ừ nhỉ, người đi thật” (Tống biệt hành - Thâm Tâm).
Phải cất bước ra đi, nào ai muốn thế! Cuộc đời xoay chuyển đổi dời, mấy người cưỡng lại được đâu! Thôi đành “cũng liều nhắm mắt đưa chân - Thử xem con tạo xoay vần đến đâu” (Truyện Kiều - Nguyễn Du). Chỉ xin nhắn nhủ một điều: Dẫu có cách xa nghìn trùng diệu vợi, người hãy chắt chiu từng giọt mật hiếm hoi giữa đời, đẻ khi hội ngộ ta có đủ tư thế để niềm vui vỡ òa, thắm đượm bao ngọt ngào tích tụ, quên đi những phiền não ưu tư. Ngày tái ngộ, nếu được như thế hẳn là chẳng có niềm vui nào có thể sánh bằng.
Có những người tự nhủ “một đi không trở lại (Nhất khứ bất phục phản). Thế thì đau đớn quá! Đau vì vô vọng, vì thất vọng đến đỗi tuyệt vọng. Nhưng người đi trong bài thơ này đâu phải thế. Vì sao đi? Chưa rõ! Nhưng chắc hẳn trong sâu kín tâm tư đã có dấu vết sự quay về. Đó mới là tuyệt hảo. Mà về thì:
Người về bồ tát làm thơ
Khói tỏa sen nhập nhòa bờ sắc không
Như đã nói ở trên, ở đây có “hương chờ” nên người đi sẽ về. Nếu là người chấp nhận cảnh đơn chiếc thì ít ra trong thời gian đi cũng lĩnh hội được ít nhiều bổi bổ ích. Người đi là đơn thân hay có người chờ đợi đều có “thu nhập” qua suốt quãng hành trình. Sẽ có “khói tỏa sen”. Đã nhắc đến cõi Phật thì không thể không nhắc đến “Sắc - Không”thực tế hay hư vô? “nhập nhòa bờ sắc không” ư? Lại “nhập nhòa” nữa chứ, nếu “khói tỏa sen đến (hay tỏa) đôi bờ sắc không” thì dứt khoát rồi. E rằng ở đây có sự bối rối suy tư dằn vặt. Nhưng người đã từng trải thì ắt có sự dứt khoát lựa chọn. Thiên về “sắc”? Quá tốt. Vì đã qua thời gian thử lửa, lẽ nào lại sa vào những lỗi lầm? Còn đã ngộ về “không”? Càng tuyệt vời hơn. Bởi lẽ khi con người đã rũ bỏ được mọi bụi bậm chốn trần ai, bước vào cảnh giới cao nhất, lòng không động, còn gì vướng bận đâu! Mọi hỷ, lạc, ái, ố, dục, nộ, bi chỉ cần một cơn gió thoảng là tiêu biến vào hư không.
Ngày về dẫu có thế nào cũng là ngày vô cùng đáng nhớ. Đau buồn ư? Ngỡ ngàng ư? Hạnh phúc tuôn trào ư? Ai biết được! Mà ai cũng mong đó là ngày tuôn tràn những nhớ nhung mong mỏi. Tất cả tâm tư tình cảm dồn nén bấy nay bật trào thành niềm hứng khởi vô biên. Có lẽ so sánh với sự thức dậy của hỏa diện sơn sau ngàn năm ngủ yên cũng còn khập khiễng. Tôi chợt nhớ đến bài kệ của Thiền sư Quảng Nghiêm đòi Lý “Hưu hướng Như Lai hành xứ hành”. Cần gì phải đi khắp chốn? Lặn lội trong bể khổ trầm luân nhân thế này cũng quá đủ rồi. Qua rồi. Ta hạnh phúc lắm thay vì “người về bồ - tát làm thơ” cơ mà và mỗi người cũng đã phải đang hoặc sẽ thành một “Như Lai” đấy thôi.
Người ta nói Bùi Giáng là nhà thơ điên, không biết ông có điên hay không, hay tại vì ông quá trổi hơn đời nên đời nói ông điên. Mỗi khi đọc thơ Bùi Giáng, thì lại nhớ đến những bài thơ lục bát ngắn của một nhà thơ hiện nay: Nhà thơ Lê Thiên Minh Khoa.
Lê Thiên Minh Khoa là nhà thơ lạ đời. Khoa lạ đời ở chổ có mái tóc bồng bềnh trên khuôn mặt toàn xương mà nhìn vào thấy ngay mình rất dễ làm thân, lại có giọng nói ngập ngừng… mà nghe thấy hay như những bài thơ.
Những cảm nghĩ về Khoa có lẽ chủ quan nhiều vì do yêu thơ Khoa cũng như một thời chúng tôi yêu thơ điên Bùi Giáng. Lê Thiên Minh Khoa có nhiều bài thơ hay, có bài đã được đưa vào làm giảng văn trong nhà trường, nhưng những cái đó thì cũng như những nhà thơ thành danh khác. Cái lạ đời khác của Lê Thiên Minh Khoa đối với chúng tôi là những bài thơ ngắn, nhất là những bài lục bát. Những bài thơ ngắn của Khoa không rắc rối ngữ từ như thơ Bùi Giáng, không “tối nghĩa” như thơ Bùi Giáng, nó như vọt miệng nói ra mà sao đọc rồi cứ nghe nhưng nhức trong người như có một vết thương chẳng chịu lành, cứ nghe khang khác trong lòng giống như có điều chi mắc mứu mà không thể nào giải được. 
Và Lê Thiên Minh Khoa cũng có lúc lên cơn vì tình, không như Bùi Giáng nhưng cũng có thể gọi là điên, cái điên của những kẻ lạ đời:
Từ trong góc núi lên cơn
Về góc phố hỏi em còn đó chăng
Ngó lên ngó xuống ngó quanh
Uống ly đen nóng lại băng về rừng.

Hôm sau thèm được lên cơn
Về góc phố hỏi còn không cô nàng …
                                 (Lên Cơn)                                                     
 “Lên cơn” là triệu chứng của sự co giật. Minh Khoa không “lên cơn” ở cơ thể nhưng “lên cơn” ở  tâm hồn. Anh biết phương thức làm hạ không cho co giật. Đó là về góc phố thăm em. Cái lạ của bài thơ là chỉ nơi nàng ở đã chửa được bệnh lên cơn của chàng. Câu thơ “Ngó lên ngó xuống ngó quanh” chứng tỏ là không có nàng ở đó nên đành phải “uống một ly đen nóng lại băng về rừng”. Thế mà hôm sau lại thèm “lên cơn” nữa. Bài thơ không cần giải thích thì ai cũng biết đây là anh chàng yêu dại yêu khờ, yêu như ma đuổi. Phải hiểu rằng tác giả đã biết không có nàng ở đó nhưng cơn động kinh thôi thúc phải đi. Còn nếu đến đó rồi mới biết vắng nàng thì bài thơ thường tình và sự lên cơn cũng bình thường như bao người yêu khác. Nhà thơ lặp đi lặp lại các chữ “em còn đó chăng”, “còn không có nàng” thể hiện về sự ảo tưởng nàng vẫn chưa đi, nàng còn quanh quất đâu đây nơi góc phố. Câu thơ “Hôm sau lại thèm được lên cơn” thể hiện bệnh đã thành mãn tính đến cử lại lên. Đọc bài thơ ta thấy hiện lên một anh chàng cuồng si chạy đi rồi chạy về giữa rừng và phố, giữa phố và rừng, theo đuổi một tình yêu không tưởng, nhưng trong đó cũng hiện nguyên hình chính ta, có điều cường độ yêu trong ta chỉ bằng góc nhỏ của Minh Khoa. Đọc bài thơ ta thấy chất nghệ sĩ khùng khùng thật đáng yêu, và trong ta biết bao xao xuyến trong lòng  khi liên tưởng cuốn phim quay cảnh đi, về của anh người rừng làm thi sĩ đang yêu.
Trong thơ lục bát  ngắn của Minh Khoa, có những từ ngữ “quen mặt” mà được dùng rất “lạ đời” nên rất đắc địa và bất ngờ, gây khoái cảm và đồng điệu ở người đọc. Chính chúng nâng văn bản tưởng như văn vần lên thành THƠ. Chẳng hạn,  trong bài “Chân dung tự  họa (III)”, nhà thơ viết:
sáng mai thấy ta vẫn còn
buồn năm phút tại Diêm Vương nuốt lời
ta không là kẻ chán đời
là ta chán ngán làm người
như ta
Nếu như nhà thơ viết “làm người trần gian” hay “nhân gian, dương gian” thì là văn vần, ước lệ, lặp lại, là hơi… “sến”. Rất may là anh đã viết như thế, “như ta”. Chỉ một từ ngữ đã biến bốn câu tự sự, tự họa thành thơ, mà là thơ hay.
Cảm ơn nhà thơ đã cho chúng tôi những dòng thơ đẹp
Cảm ơn nhà thơ đã truyền vào hồn chúng tôi nỗi nhớ khôn nguôi và rất ngọt ngào.  
Thơ ngắn Lê Thiên Minh Khoa, nói chung và lục bát ngắn Lê Thiên Minh Khoa, nói riêng còn nhiều, nếu viết hết thì sẽ rất dài trang giấy. Hy vọng giới thiệu một vài bài thơ lục bát ngắn của Khoa để mở cửa cho ai đó đi vào vườn thơ, ngắm hoa đơn sơ mà hương thơm` đậm đà thi vị và lạ lẫm biết bao! .                                                                      
-------------
(Trích từ phần PHỤ LỤC của tập sách LẠI NGHĨ VỀ THƠ (phê bình- tiểu luận_ Lê Thiên Minh Khoa, sắp XB, 2018)


  
Mời thư giãn với nhạc phẩm CHẢY ĐI SÔNG ƠI
của Phó Đức Phương, qua tiếng hát Ngọc Tân:

   
*.
CHÂU THẠCH 
(Tên thật: Trương Văn Trạn)
Địa chỉ: 75 Phan Kế Bính, Đà Nẵng.
ĐT: 0929128967 - 05113894610
Email: truongvantran@hotmail.com
.
PHẠM SÁU
Địa chỉ: QL 51, khu phố Nam Dinh, phường Kim Dinh
thành phố Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Email: phamvansautdnkd@gmail.com
Điện thoại: 0984204700 







…………………………………………………………………………
- Cập nhật từ email lethienminhkhoabr@gmail.com gửi ngày 29.04.2018.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

0 comments:

Đăng nhận xét