(Nguồn ảnh: tác giả cung cấp) |
TẦN HOÀI DẠ VŨ,
MỘT MÌNH
BƯỚC ĐI, BƯỚC ĐI MỘT MÌNH
(Tác giả Châu Thạch) |
Tần Hoài Dạ Vũ, một nhà thơ mà tôi mến mộ gần 60 năm
trước. Anh nhỏ hơn tôi ba tuổi, nhưng khi tôi còn viết báo tường trong lớp học
thì tên tuổi anh đã có trên văn đàn miền Nam Việt Nam. Thời đó thơ anh thường
được đăng trên những tờ báo văn học có giá trị như Văn, Bách Khoa, Văn học v...v...
Sáu mươi năm sau, ở tuổi quá thất thập, tôi mới hân hạnh
gặp được Tàn Hoài Dạ Vũ; ngồi uống cà phê cùng anh và nghe anh tâm sự về cuộc
đời mình.
Anh cũng như tôi, đều đồng ý rằng, đời chẳng phải lúc nào
mình cũng chọn đúng và cũng chẳng phải lúc nào đời cũng hiểu đúng mình.
Tôi tôn trọng anh bởi tình yêu văn chương và tình yêu quê
hương nồng cháy trong con tim nóng hổi của anh.
Về nhà nằm đọc thơ Tần Hoài Dạ Vũ, tôi cảm động biết bao
bởi tiếng thơ đã quên đi từ dạo ấy trong tháng ngày lận đận, bây giờ nó lại đến
như một mối tình thiết tha quay lại với mình.
Tần Hoài Dạ Vũ có những bài thơ như bài thơ “Cuồng Ca”, là những bài ca đam mê của
con tim dại khờ trước thần tượng hay ảo ảnh, trước mơ hồ hay chân lý. Tuổi trẻ
nào đâu biết được nhiều, chỉ lao vào, lao tới để muốn bắt cả “trời xanh trong kẽ tay”.
Đọc những bài thơ ấy, tôi như nghe được con tim mình nhói
đau vì định mệnh của đời:
Ta xẻ buồng tim hát
tự do
chờ khi trăng loạn
xuống ngang mày
níu trăng ta múa
cùng hư ảnh
mai bắt trời xanh
trong kẽ tay!
(Cuồng ca)
Tôi đã khóc vì tôi đồng cảm với thơ. Ai trong chúng ta ở
tuổi dại khờ không từng xé con tim cho tự do, không từng muốn đưa tay với bắt
trời xanh(?). Thế nhưng, một ngày quay nhìn lại, ta thấy ta “níu trăng” mà “múa cùng hư ảnh”.
Đau xót biết bao khi con đò đưa ta qua bến bờ chân lý
bỗng nhiên trở thành ảo ảnh. Hụt hẫng biết bao khi ta qua chưa hết chuyến đò mà
đã thấy sự chết ở bờ bên kía:
...Trên đò ngọn gió
tịch liêu
Lạnh lùng thổi lại
hồn chiều bơ vơ
Ta qua chưa hết
chuyến đò
Thấy trăng đứng đợi
bên bờ tử sinh
Thấy sông trôi lại
bóng mình
Biết ta là bóng hay
hình rong chơi
Tình xưa đã chết
bên trời
Chiều nay sông nước
đọc lời điếu tang
Hỏi quê nào biết
đâu làng
Lòng không, còn lại
mấy hàng mây trôi.
(Đò Chiều)
“Tình xưa đã chết bên trời” nhưng “chiều nay sông nước” mới “đọc lời điếu tang”. Nhà thơ đâu dễ gì
quên được cái tình xưa đó, nhưng chiều nay, khi nhìn sông nhìn nước u buồn thì
mới ngộ ra mình phải dứt khoát với mối tình tan vỡ kia. Có lẽ thế hệ chúng tôi,
bởi hệ lụy của chiến tranh, đã có biết bao nhiêu mối tình đau xót như Tàn Hoài
Dạ Vũ. Nếu gặp nhau nên ôm nhau mà khóc, đừng trách chi nhau, vì có khi đời ta
đâu phải do ta định đoạt.
Nhà thơ Tần Hoài Dạ Vũ chỉ sáng tác một bài thơ “Cuồng Ca” nhưng đọc thơ anh ta thấy loại
thơ như Cuồng Ca nhiều lắm. Tiếng lòng của nhà thơ tha thiết, nỗi ân hận vì
những đổ vỡ trong đời dày vò, và tiếng thơ của nó reo như dòng suối buồn triền
miên chảy qua những đại ngàn. Suối đó không bao giờ thành một dòng sông, vì nó
chỉ chảy trong con tim của đại ngàn có tên Tần Hoài Dạ Vũ. Suối âm thầm róc
rách chỉ để suối nghe. Ai muốn nghe thì hãy đến với đại ngàn có con suối kia,
để ngồi lại nhìn phong lan rủ xuống bên bờ suối và thấy nó đẹp. Ai không muốn
nghe thì cứ quay lưng đi về chân trời
lửa cháy của mình.
Thơ tình Tần Hoài Dạ Vũ không cuồng loạn, nhưng vẫn đam
mê đến suốt một đời, kéo dài niềm luyến ái và nỗi đau như câu thơ của ai đó“Nhớ nhà châm điếu thuốc/Khói huyền bay lên
mây” nhưng khác một chút, có thể gọi là, nhớ tình châm điếu thuốc/ khói
huyền loan trên tay:
Hồn thôi bỏ mặc cho
sương xuống
thương nhớ không
vàng giọt nắng hanh
Dừng chân dưới cột
đèn châm thuốc
không gió mà tay
lạnh rất đầy
(Chiều Mưa Uống Rượu)
Người ta thích nói “thương
nhớ làm vàng nắng chiều”, mấy ai nói
“Thương nhớ không vàng giọt nắng hanh”
như Tần Hoài Dạ Vũ?. Giọt nắng hanh mà không vàng được, bởi thương nhớ đã làm
cho mòn mỏi tâm hồn. Giọt nắng không vàng được, bởi sinh khí của tình yêu đã
hết. Nó không hết bởi không còn yêu nữa, mà hết bởi niềm đau cùng tận khiến cho
con tim yêu chỉ còn thoi thóp thở. “Tay lạnh đầy”
không phải vì gió lạnh mà vì châm điếu thuốc. Khói của thuốc làm tay lạnh, vì
khói ấy quyện trong và với kỷ niệm một thời. Đốt thuốc không phải vì thèm
thuốc, đốt thuốc để nhớ ngày xưa. Nhớ ngày xưa nên đốt thuốc dưới cây cột điện
cô đơn, với tâm hồn đã sương xuống lâu rồi. Thơ như thế không phải thơ diễn ý
mà là thơ nhập hồn. Nó là loại thơ lên đồng mà con đồng vẫn tỉnh táo. Nó thăng
hoa trong nỗi đau và nó thành thi ca như con nhộng rúc vào trong chiếc kén của
mình. Nhộng sẽ chết trong kén và người kéo tơ để nhìn tơ đẹp chính là ta, là
bạn đọc bài thơ.
Thơ tình của Tần Hoài Dạ Vũ là thứ “thơ tình không có
tuổi” như thi sĩ đã tâm tình:
Qua năm tháng dầu
tuổi có già đi
nhưng tâm hồn tôi
vẫn vậy
Vẫn đắm say cuộc
đời như lúc thanh niên
Quả vậy, thơ tình của Tần Hoài Dạ Vũ có dòng thơ “Giọng buồn của tượng”, Nó như ngọn gió
đưa tình sử bay vèo. Rồi tình sử đó hóa thành tượng trong hồn. Tượng đứng cô
đơn thương tiếc cho một thời vụng dại. Bài thơ có 16 câu, xin vui lòng cho tôi
rút ngắn:
...“Công viên buồn
tượng hồn tôi dựng đó
Khi vàng bay lá nhớ
chớm sang mùa”
...“Tôi sẽ khóc
bằng con tim của đá
Ru êm đềm theo
những bước đêm trôi
...“Trên bệ cao
trọn kiếp này đứng rũ
Từng đêm nghe gió
lạnh thổi trong hồn”
(Giọng buồn của tượng)
Tượng ở ngoài đời đặt nơi công viên thì lạnh. Tượng đặt ở
trong hồn tưởng ấm mà lại lạnh hơn!. Đá không có con tim nên đá khóc chỉ vì sự
tưởng tượng của người. Người có con tim máu đỏ nhưng lại khóc bằng con tim của
đá. Khóc bằng con tim của đá vì nỗi đau cô đọng, quắn lại, khô cứng, thê thiết
biết bao! Ở đây, thơ đã làm tình yêu thành tượng và thơ đã làm cho tượng chảy
thành tình yêu. Đó là phép biến hóa của thơ, hay nói đúng hơn là thiên tài của
người thi sĩ!
Tần Hoài Dạ Vũ thích đá, anh khóc bằng con tim của đá và
anh yêu cũng bằng con tim của đá:
Có một buổi ta nằm
say trong đá
Hồn theo em mây
trắng phía chân trời
Rồi ngàn buổi giấc
mơ đầy bướm lạ
Đá không lời mà lệ
hóa sao rơi…
(Lệ Đá)
Ai đã một lần nằm cô đơn, nhìn bầu trời rất thấp, với
trăng sáng, với mây bay, với sao rơi thì sẽ cảm nhận hết cái vô cùng lãng mạn
của bài thơ. Nhà thơ đã hóa thành đá. Đá bị chôn chân một chỗ để nhìn tình yêu
thơ mộng, bao la bát ngát vây quanh mình, rồi sau đó bay đi, đến tận chân trời
nào xa thẳm. Rồi bỗng nhiên đá khóc, lệ lại thành những áng sao rơi. Nghịch lý
chăng? Không, hư cấu trên cả hư cấu. Hãy hình dung từng giọt nước mắt lăn tròn
trên đá, rồi từng giọt nước mắt nầy phản chiếu những ánh sao rơi. Ánh sao rơi
sáng trên bầu trời sẽ long lanh trong nước mắt. Đẹp biết bao và tha thiết biết
bao!. Chúa Jesus phán rằng: “Nếu loài
người không tôn vinh ta, ta sẽ làm cho đá cũng biết nói để tôn vinh ta”.
Vậy đá mà yêu, đá mà khóc thì cao quý hơn người!! Đá yêu, đá khóc, đó là con
tim của nhà thơ Tần Hoài Dạ Vũ.
Tần Hoài Dạ Vũ yêu Huế. Anh là dân Quảng Nam nhưng tuổi
thanh xuân ở Huế. Anh học Quốc Học, Đại học Huế, rồi vào đời lập nghiệp ở Huế.
Anh từ giã Huê trong biến động của tâm hồn, để lặn lội 30 năm sau ngày xa Huế,
viết về văn học dân gian Quảng Nam -
Đà Nẵng. Trong lận đận hai phần đời người, nhà thơ vẫn giữ Huế trong lòng để
nhớ khôn nguôi:
Và nhớ giữ lại cho
ta
Những buổi sáng mù
sương trắng áo
Vai cầu nghiêng một
nét xuống trang thơ
Dòng sông xa sương
trải lụa đôi bờ
Giọng hò đỡ tôi lên
từ những ngày niên thiếu
( Từ Biệt
Huế)
Nhớ để rồi hẹn quay về:
Anh sẽ về một sáng
mùa thu
sông Hương còn
trắng những sương mù
áo em trắng nhịp
cầu thương nhớ
bóng ngã lòng anh
câu hát ru
Anh sẽ giong thuyền
trên nước xanh
chở trăng Gia Hội
vào Nội thành
soi nghiêng mái tóc
thề Tôn nữ
thiếp giữa một vùng
hương mỏng manh
( Hẹn Về Với
Huế)
Huế của Tần Hoài Dạ Vũ một màu trắng: sương trắng, cầu
trắng, áo trắng, và không chỉ có vai cầu, mà tất cả “nghiêng xuống” trang thơ của anh, đỡ anh đứng dậy, và cho anh thiếp
vào một “vùng hương mỏng manh” mỗi
khi nhớ đến nó. Đọc Huế trong thơ Tần Hoài Dạ Vũ và nhìn Huế ngày nay, tôi muốn
bật khóc. Bởi vì "dấu xưa xe ngựa"
không phải "hồn thu thảo"
mà hồn nó đã tân thời quá lứa, "nền
cũ lâu đài" không phải "bóng
tịch dương", mà nền cũ lâu đài có nơi thì bệ rạc, có nơi sơn quết mới
một màu phồn hoa lòe loẹt và hợm hĩnh...
Tần Hoài Dạ Vũ còn có dòng thơ “Đi tìm sự thanh bình”.
Một đời anh ao ước thanh bình, dấn thân cho thanh bình,
để phải mang nhiều hệ lụy, đến nỗi anh phải viết Di ngôn. Bài thơ có 20 câu,
tôi xin rút ngắn:
...“Rồi anh sẽ gối
đầu lên giấc mộng
Ngủ quên đời trong
giường mộ bình yên”
...“Xin em hãy liệm
anh bằng tiếng hát
đắp mặt anh bằng
mái tóc em buồn”
...“Em có nhớ, thắp
hương bằng nước mắt
Ngọt vô cùng anh sẽ
uống no say”
...“Và em hãy viết
thư bằng cổ tích
Đừng nhắc chuyện
quê hương chinh chiến hận thù
Anh sẽ tưởng hồn
anh không xiềng xích
Bay tìm em dù gió
cát, sương mù”
(Di
Ngôn)
"Di ngôn"
cho ta thấy linh hồn nhà thơ bị xiềng xích. Xiềng xích khi còn sống và có lẽ cả
khi đã qua đời. Nhà thơ phải nhờ em “liệm
anh bằng tiếng hát”, “đắp mặt anh
bằng mái tóc em buồn”, “thắp hương
bằng nước mắt”, vì như vậy thì họa
may anh mới “tưởng rằng” linh hồn anh
không còn xiềng xích nữa. Điều đó cho thấy anh “đi tìm sự thanh bình” suốt một đời không có được.
Thơ Tần Hoài Dạ Vũ còn thể hiện một tâm hồn thánh thiện
với lòng bao dung vô bờ bến. Anh có dòng thơ “Thơ Tặng Lòng Bao Dung” trong đó có những bài thơ như “Thư gửi một người lỗi lầm” kết tủa lệ
của anh thành từng chuổi hạt vị tha, vừa long lanh nhưng cũng vừa giá buốt:
"Đừng nghĩ tới
những nỗi đau buồn phải gánh chịu. Bằng sự gội rửa tâm hồn em sẽ trở nên giá
trị hơn với chính em.
...Đừng chán nản vì ngày vui ngắn ngủi còn nỗi buồn thì
muôn trùng, em thân yêu."
(Thư gửi một người lỗi lầm)
Đọc thơ Tần Hoài Dạ Vũ, tôi có cảm tưởng anh đi một mình
suốt cả cuộc đời. Bước đi một mình, một mình bước đi. Thơ anh qua sa mạc, qua
rừng, qua phố, qua cả một đời trong chiếc bóng lẻ loi của mình. Hạnh phúc anh
có được không phải là sự đoàn tụ; niềm vui anh có được không phải là sự đoàn
viên, mà là những gì sót lại, rơi ra, nhà thơ nhận nó cho riêng mình:
Cái nắm tay bên cửa
sổ toa tàu
như nốt nhạc rơi
bên ngoài nỗi nhớ
như thời gian rơi
bên ngoài đổ vỡ
kỷ niệm đầy vị ngọt
của tương lai
Những dòng sông
trôi đi, cuộc sống vẫn còn dài
cơn gió cũ qua rồi
đời vẫn mát
một góc phố một
khoảng trời xanh ngát
lại đưa ta về trong
mắt của tình yêu.
( Những cuộc chia tay và trở lại)
Vâng, nhà thơ lượm cái rơi bên ngoài nỗi nhớ, lượm cái
rơi bên ngoài đổ vỡ, để cho cơn gió cũ qua rồi lại làm mát lòng khi nhớ về một
góc phố, hay một khoảng trời đã mất. Đó là Tần Hoài Dạ Vũ. Tôi đọc và hình như
tôi thấy anh chỉ có hai bàn tay trắng với nỗi cô đơn trùm lên cuộc đời. Cuộc
đời Tần Hoài Dạ Vũ là một cuộc dấn thân vào chốn bụi mù, đi tìm thanh bình cho
đời và đi tìm văn học cho quê hương.
Thơ Tần Hoài Dạ Vũ như một vườn hoa có quá nhiều bông hoa
đẹp. Tôi nhắm mắt để bốc đại, được bông nào thì ngắm nhìn bông đó, viết về bông
đó. Để nói về nhà thơ nầy, phải có hàng trăm trang giấy, chưa nói đến phải có
hàng ngàn trang viết.
Hy vọng tôi sẽ còn
nhiều cơ hội để viết nữa về anh./.
Mời thư giãn với nhạc phẩm SON
của Đức Nghĩa, qua tiếng hát Quốc Thiên:
*.
CHÂU THẠCH
(Tên thật: Trương Văn Trạn)
Địa chỉ: 75 Phan Kế Bính, Đà Nẵng.
ĐT: 0929128967 - 05113894610
Email: truongvantran@hotmail.com
.
…………………………………………………………………………
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 16.04.2018.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân
Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ
nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
.
0 comments:
Đăng nhận xét