THỰC ẢO ĐAN XEN TRONG “RỪNG XANH MƯA” - Tác giả: Nguyễn Thiết (Hà Nội)

Leave a Comment
(Nguồn ảnh: internet)
THỰC ẢO ĐAN XEN
TRONGRỪNG XANH MƯA
*
(Tác giả Nguyễn Thiết)
Nếu tập thơ “Siêu thoát trong rừng tùng” năm 2016, Nguyễn Thanh Lâm dùng tư tưởng của thiền làm mạch chính tạo nên thi pháp riêng của ông thì “Rừng xanh mưa” (NXB Hội Nhà văn 2018) nhà thơ đã tự làm mới mình bằng thủ pháp khác. Đó là trầm tĩnh lắng nghe ở hồn mình, lòng mình trước cuộc sống con người đương đại, mà ngân nga với lời thơ trẻ trung, hồn nhiên và tung phá. Dữ dội mà đằm thắm, lắng sâu.
 “ngất ngư thơm vị đất trời/niềm vui, nỗi buồn ngấm vào nhau/cho ta biết chắt chiu từng giọt say/chân trọng những giọt sương- nước măt/chân trọng ánh mai- nụ cười” (Hoàng hoa tửu, trang 47).
Đọc những bài thơ viết về biển, ta như đứng trước biển bao la và cùng nhà thơ nói chuyện tâm tình cùng biển, và nghe biển xôn xao vỗ sóng ở lòng mình. Rồi bỗng nhiên thơ đưa ta bay lên bầu trời xanh mênh mông xa xăm - huyền vi mà rất đời, rất mặn cõi người “tôi nhìn vào lòng mình thấy biển /nước mắt chăỷ vào trong mặn cõi người” (Nước mắt biển, trang 20). Biên độ thơ “lang thang trong không gian vô tận”, lang thang trong tâm tưởng để rồi “mắt ai là khói/ vẩn vơ trên mái rạ chiều lam” và “mắt em nhấp nháy trên trời cao/rì rầm những ngữ ngôn cổ tích” (Đã gặp nhau đâu, trang 36).
Có lẽ nhà thơ buồn - nỗi buồn thanh cao, nên hồn thơ thanh cao và sâu thẳm, anh một mình đi chơi, lãng du trong tâm tưởng “hồn ta gió hiu hiu ru nghiêng”, “dẫn ta vào cuộc chơi màu trắng nước non ngàn” (Đi chơi trong tâm tưởng, trang 61) để rồi “chân trời trong ta khao khát một chân chân trời” (linh cảm-trang 56).
Tâm hồn nhà thơ không đậu lại ở nơi nào, điểm dừng chân do cảm xúc thơ - linh cảm thơ thường trực mách bảo. đứng yên mà như đi, như bay lên “bay đi muôn nơi và đậu ở tâm mình”, trong những cuộc đi xa và trở về tâm hồn nhà thơ giàu có những không gian thơ “lòng nhởn nhơ như chim, như ong bay rồi đậu/ bay đến thế giới xa xôi và đậu ở tâm mình/ biết mình là ai trong cuộc đời xôn xao trắc ẩn/ biết thơ minh ở cõi trời riêng” . Đi xa và trở về… những đêm âm thầm trò chuyện cùng trăng “trăng ở trên trời một mình buồn hiu quạnh/làm bạn cùng tôi trong những giấc mơ xanh” (Ở nhà, trang 64).
Nguyễn Thanh Lâm dấn thân, quan sát, anh đứng ở ngoài mình quan sát và lắng nghe hồn mình. Đắm chìm trong cảm xúc và tư duy. Lấy tâm - hồn thơ để giải biện hiện tượng, bản chất sự việc, hiện tượng cuộc sống và con người. ở đây có điều ông bất bình, có cái ông lượng thứ, ông nhìn cuộc sống bằng đôi mắt thơ - trân trọng tình người, trên tất cả là tình yêu trong; “cuộc đời đam mê và bão tố/ mỗi lần tĩnh tâm hồn tôi lặng gió”, ông tin tình yêu có phép thần kì (Ngày valentin-trang 43).
Có những bài thơ như triết lí và chiêm nghiệm, thể hiện tính công dân và trách nhiệm của nhà thơ đối với con người và xã hội mà ông đang sống. Ở đây thơ vừa trầm lắng vừa tung phá “rượu cần vít cong hồn ta một vòng cung vừa đủ/ vừa đủ dể yêu, cùng nhịp thở với trăng huyền” (Nhật kí du lịch, trang 70), nhà thơ mong muốn “người sống với người không còn thù hận/ ngôi nhà thế giới sẽ yên tĩnh thanh bình” (Đứa trẻ trong tôi, trang 80) và “tiền sinh ra từ tâm/ tâm lưu hành cần sáng trong tươi mới” (Tiền giấy và tri thức, trang 121).
Ông xác định mình là công dân thế giới, ông đau cùng nỗi dau vớí những trẻ em ở Biển Hồ (Campuchia) “trong tâm hồn các em/ tôi gặp bàn tay quyền lực, số phận/ làm tâm hồn các em mụ mị vì đói/ chưa kịp xanh non mà đã già”, ông nhập hồn vào những chiếc đầu lâu trong thời diệt chủng ở Campuchia “những hốc mắt sâu hun hút nhìn vào mắt tôi/ hút hồn tôi vào đáy mắt/ tôi rơi vào đáy vực nỗi đau loài người/ những hốc mắt như những hố đen/ chứa đựng sự dã man của người với người/ khắp hành tinh chỉ nơi này mới có” (Chùa đầu lâu - Siêm Riệp - Campuchia, trang 98).
Trong “Rừng xanh mưa” tình yêu đôi lứa cũng tạo sức âm vang đáng kể. Đó là tình yêu của người hiểu biết và từng trải, thơ tình của Nguyễn Thanh Lâm là thơ của tuổi mùa thu đời người và vẫn nồng nàn đắm say như “Thu là rượu cất từ nắng, trăng, hương hoa, mưa gió/ ta say như mưa gió nắng, trăng say” và nhà thơ nguyện ở lại vói mùa thu “ta là ai ở đâu không cần biết/ chỉ biết hôm nay thu và ta đang ở với nhau thôi”.
Tình yêu vừa là khát vọng, bản năng, dữ dội vừa da diết và trẻ trung “Muốn trôi dạt về miền yêu/ nghe lòng nổi loạn/ nghe hồn lâng lâng sáng tạo/ sáng tạo - nổi loạn với tình yêu…” thì ra nhà thơ yêu để làm thơ - sáng tạo đáng quí biết bao. Khi yêu tất cả chúng ta thành thi sĩ, và khi “Trái tim bản năng lại khát yêu/ anh lại lang thang tìm mình” (trang45) gặp thể hình em; “thì thầm vẻ đẹp cổ xưa và hiện đại/ nồng nàn hương nữ giới/ đánh thức khiếu giác và vị giác trong tôi” (Giây khắc, trang 102) nhà thơ yêu vì thơ - yêu hồn nhiên, không vì bất cứ lí do gì. Bởi tình yêu cho đôi mắt sáng (trang 46) tấm lòng người thơ rộng mở “ước tình yêu trên đời không còn đắng cay, oan trái/ những người đàn bà trong đêm có đôi” (Người đàn bà trong đêm, trang113).
Biên độ không gian thơ mở rộng tạo ra những giá trị nhân văn, tư tưởng sâu sắc “trái đất ôm biển trong vòng tay lớn/ ta mong con người điệp trùng nối những vòng tay” (trang 9), có lẽ nhờ hồn thơ mở rộng nhà thơ nghe rõ “tiếng ru trăng từ mặt đất bay lên trời” (Trăng ngày, trang132), nhà thơ nghe và thấu hiểu cái giá của nụ cười - ánh sáng, trái đất chiến tranh liên miên và biết bao giông bão, sóng thần, đói nghèo, vẫn mênh mông âm vang trong cõi người nụ cười Di Lặc - âm vang nỗi đau nhân thế (Cái giá của nụ cười, trang142)/
Thơ trong “Rừng xanh mưa” đa phần viết bằng thể thơ tự do. Nhịp điệu và tiết tấu đan xen, nhịp điệu mang hồn phóng khoángvà sâu sắc làm nền cho phần ảo để hồn thơ cất cánh, tiết tấu có vai trò chuyển ý linh hoạt. Ngôn ngữ trong thơ kết hợp truyền thống thiền và hiện đại, trong sáng và giàu màu sắc, nhạc điệu, hình ảnh chuyển tải những vui, buồn và những vẻ đẹp lấp lánh của con người và cuộc sống, đưa ta vào thế giới chân - thiện - mĩ. Đó là sức mạnh chức năng của thơ, cảm hóa của thơ.
Là nhà thơ Nguyễn thanh Lâm luôn quan niệm sáng tạo vốn đã khó, làm mới mình- mới thơ càng khó hơn. Trong bài thơ “Không mới sẽ bị khuất chìm” nhà thơ đã tuyên ngôn “tất cả chúng ta làm mới mình rất khó/ không mới sẽ bị khuất chìm”.
Rừng xanh mưa” là sự thành công nữa của nhà thơ Nguyễn Thanh Lâm, ông đã làm mới chính mình, không chỉ ở nội dung, thủ pháp, mà còn giàu chất thơ, vừa ảo vừa thực - vẻ đẹp trẻ trung tươi mới hồn nhiên.
Thơ trong “Rừng xanh mưa” là sư đan quyện, khăng khít, uyển chuyển giữa cái thật thô nhám, trần trụi với vẻ đẹp như mơ - ảo mờ sương khói, điều này vốn khó viết với nhà thơ nhưng cũng khó cho người đọc, không có trái tim thơ - mắt thơ sẽ không dễ nhận ra hết giá trị của câu thơ “Như cuộc tình đã qua còn ngân vọng lại/ trong veo từng giọt đàn trời”. Ông mới vì ông “Không thiền mà thiền/ không vô vi mà vô vi/ tùy duyên ngộ đạo/ siêu thoát trong hồn đạo thơ” như ông đã tự họa chân dung của mình.


           
Mời thư giãn với nhạc phẩm MƯA RỪNG
của Huỳnh Anh, qua tiếng hát Lệ Quyên:
             
*
NGUYỄN THIẾT
Địa chỉ: 10 Nguyễn Khắc Nhu, phường Trúc Bạch
quận Ba Đình, thành phố Hà Nội.
Điện thoại: 097.607.64.17
.

.


.
…………………………………………………………………………
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 19.04.2018
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến. 
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

0 comments:

Đăng nhận xét