TẢN MẠN NGÀY TẾT ĐOAN DƯƠNG - Tản văn Mạc Phong Tuyền (Thanh Hóa)

Leave a Comment
(Nguồn ảnh: internet)
TẢN MẠN NGÀY TẾT
ĐOAN DƯƠNG
*
(Tác giả Mạc Phong Tuyền)
Năm nào cũng vậy, cứ vào ngày tết Đoan Dương 05/05 này, mẹ tôi thường dậy từ rất sớm. Mẹ cặm cụi dưới bếp thổi xôi và xào nấu mấy món ăn quê kiểng để Bố tôi biện lễ thắp hương lên gia tiên
Tôi thì muộn hơn, thường thức dậy khi mặt trời đã xiên những tia nắng mỏng manh ngang chiếc bẹ cau đương trổ từng nhánh hoa trắng rụng trước sân nhà. Tôi sẽ chạy ngay xuống phía bếp để ngó nghiêng xem mẹ đang làm gì, còn mẹ thì không khỏi quên nhắc: Rượu cái và vải thiều mẹ để ở trên bàn, ăn đi để còn "chiết" sâu bọ!
Vì là nhà trưởng chi trưởng tộc nên những ngày lễ chạp tôi thường hay thay bố mang mấy bó nhang đi viếng mộ tổ tông. Cũng mang kèm cả con dao cái liềm để chặt cây vạt cỏ cho khu mộ phần quang đãng. Mấy đứa cháu nội cứ nhao nhao đòi theo, tôi làm bộ nghiêm sắc mặt không bằng lòng, nhưng đã định bụng từ trước kiểu gì thì kiểu cũng phải "ẵm" chúng đi. Kỳ thực đó cũng là cách ngầm để truyền cho tụi nhỏ - thế hệ kế cận biết trân quý tổ tiên tiền liệt mà làm tròn bổn phận kế tục phụng sự sau này. Nước Việt ta tự bao đời vẫn thế!
Trên đường đi bộ tới nơi an nghỉ của các cụ. Thằng cu lớn con ông anh trai cả hỏi tôi: Chú Tiềng ơi, chú Tiềng! (Nó nói ngọng hồi bé, sau này chữa được thì cứ quen nhại tên tôi như vậy để lấy làm thích chí) sao người ta lại gọi ngày này là tết Đoan Dương?
Tôi bảo với nó rằng: Người Việt cổ ta xưa thì ít tục, phần lớn tục ta là do học người Tàu mà thành. Tết Đoan Dương hay Đoan Ngọ có tích từ nước Sở thời Chiến Quốc. Hồi đó Hoài Vương là vị hôn quân, cai trị tàn ác, tin dùng nghịch thần, nhân dân đói khổ lầm than. Khuất Nguyên là vị quan trung thần do can ngăn vua không được nên đã uất ức nhằm ngày 05/05 gieo mình tự vẫn ở dòng sông sông Mịch La. Người dân lấy làm thương xót cứ đến ngày đó mỗi năm lại làm bánh quấn chỉ ngũ sắc thả xuống sông cúng Khuất Nguyên, từ đó thành lệ. Trải qua ngàn năm bắc thuộc, tục đó lan sang nước ta, nhưng đã được Việt hóa, ta chỉ thường làm cơm cúng gia tiên chứ chẳng phải tưởng nhớ gì đến vị Khuất Nguyên người Tàu. Ngoài ra theo truyền thuyết của người Lạc Việt thì ngày 05/05 là ngày giỗ mẹ Âu Cơ nên còn được gọi là ngày vía Bà. Nhiều nơi cũng tổ chức cúng kiếng, các cháu phải nhớ cho rõ.
Tụi nhỏ - vâng, dạ
Thằng cu lớn lại hỏi: Nhưng mà cháu đang hỏi vì sao gọi là tết Đoan Ngọ, Đoan Dương kia mà chú ?
- À, Đoan là chữ Hán có nghĩa là bắt đầu, Ngọ là giờ ngọ vào giữa trưa, phương Đông ta tính một năm có 24 khí tiết, ứng với mỗi tháng 2 khí tiết, theo quan niệm của người xưa, ngày 05/05 vào thời điểm giờ Ngọ thì mặt trời ở gần trái đất nhất nên vạn vật cỏ cây mang nhiều khí dương nhất, vì vậy người ta đặt tên là Đoan Dương hay Đoan Ngọ. Cũng là điều hữu ý lý giải cho sự khởi đầu cái nắng nóng chính nhất trong năm - tiết hạ chí. Do là ngày thịnh khí dương nên ông bà ta đồ rằng có thể nhân cơ hội này xua đuổi âm khí, tà ma, dịch bệnh, sâu bọ phá hại mùa màng nên sinh ra tục Chiết sâu bọ. Lại có nơi nhằm ngày này người ta leo núi leo non hái cỏ cây bất kỳ mang về phơi khô rồi cất giữ dùng dần, nấu nước uống như trà, xem tưởng có thể chữa bách bệnh. Lá đó thường gọi LÁ THÁNG NĂM. Xem ra thì hữu lý, nhưng kỳ thực hái xằng hái bậy như vậy rồi sắc nước uống thì không khéo sinh ho sinh hen vong thân mà thành cái tục xàm.
Tụi nhỏ nghe đến đây thì xem chừng thích thú mà cười hí há.
Đến đoạn ngoằn ngoèo đường núi, đã thoáng loáng mấy ngôi mộ đá cổ từ lâu đời trầm tích nửa phần trong cỏ dại. Thằng ku Dương Lợn con ông anh thứ nghó nghiêng phía lăng mộ mới được tôn tạo rồi ngơ ngơ hỏi:
Chú ơi, ở trên bia người ta ghi chữ Danh, Tự, Hiệu là cái gì vậy mà cháu không hiểu?
Tôi rít một khói thuốc thật sâu rồi bậm con dao xuống đất, chốc chốc bảo tụi nhỏ ngồi xuống rồi thong thả chỉ vào tấm bia:
- À, Danh có nghĩa là tên, Danh chia làm hai loại, loại đầu tiên là Nhũ Danh- tức là tên khi còn bú mẹ, ta cũng thường gọi nôm na là tên Mụ. Tên ấy là tên ông bà cha mẹ đặt cho với ý gọi thân thương và cũng để dễ nuôi như thằng cu, con tít, cái ốc, thằng cò.... Loại danh thứ hai là Chính Danh, còn gọi là tên húy, tên kỵ. Đấy là tên đặt chính thức, tên đó trước được biên tục vào sổ họ của dòng tộc, sau được tích vào sổ bạ của làng. Ngày nay thì ta gọi là tên khai sinh.
- Còn tên Tự hả chú?
- Tự ư? Ừ, Tự thì bên ta cũng noi theo người Hán Hoa Hạ của Tàu, xứ đó, khi người đến tuổi 20 sẽ được làm lễ sang mũ. Đấy là lễ ông bà cha mẹ hay người có phúc đức tôn nghiêm đội cho cái mũ cánh chuồn. Kế đến mới đặt cho 1 cái tên với ý rằng chứng thực người đó từ nay đã trưởng thành. Tên tự thì do người bề trên đặt hoặc do chính người đó tự đặt cho mình cũng hợp lệ. Nhưng người xưa nho gia uyên bác, nên đặt tên tự thường có liên hệ mật thiết hoặc bổ trợ cho tên chính danh. Ví như tên là Trí Tâm thì đặt tự Viễn Đức lấy cái ý là Tâm và Đức hỗn dung trong 1 con người. Hoặc người tên Khởi Minh thì đặt tự Trường Quang. Minh là sáng mà Quang cũng sáng, Khởi là bắt đầu còn Trường là dài cũng hữu ý nhiều lắm. 
Ngay gần đây ở xã Hà Ngọc huyện Hà Trung ta có đền thờ cụ Ngô Tuấn tự là Thường Kiệt, bổn quan triều Lý, vì có công hưng triều trị nước nên được ban Quốc tánh họ Lý, sử gọi là Lý Thường Kiệt. Vậy thì chữ Tuấn biểu thị cho sự khôi ngô mà chữ Kiệt thì toát lên cái nghĩa khí tài năng của con người. Thực là hay lắm thay.
Thằng cu lớn hồ hởi: Thì ra là vậy, thế còn tên Hiệu hả chú?
- Hiệu à? Cái này cũng xuất xứ bên tàu, đời xưa chỉ dòng dõi danh gia vọng tộc người ta mới đặt hiệu, sau này lan truyền cả sang giới thương gia, văn nho trí sĩ. Hiệu là tên tự xưng, tự đặt của một ai đó thành danh, ví như cụ Nguyễn Trãi tự đặt cho mình hiệu là Ức Trai, cái tên hiệu này đơn thuần chỉ là cái tên mà người đó thích hoặc ngầm thông qua tên hiệu ấy mà biểu đạt thêm chí hướng cá nhân. Đó cũng là lẽ thường tình mà thôi.
Chú cũng nói thêm rằng, người xưa lễ nghĩa cẩn tắc trong giao tiếp thì chỉ người bề trên mới được gọi người dưới bằng tên chính danh. Còn người dưới theo tôn ti gia đình, thứ bậc xã hội phẩm hàm triều chế chỉ được gọi người bề trên theo tên tự tên hiệu. Nếu mà gọi người chính danh như dân gọi tên húy vua thì gọi là đại nghịch, con cháu gọi chính tên ông bà thì gọi là nghịch tử, nghịch tôn ... quy vào tội bất hiếu. Nên mới có câu rằng "Nhập gia vấn húy" tức là vào nhà người khác thì phải hỏi tên hỏi tuổi chủ nhà để cái đạo xưng hô được phải phép cũng có nguyên ý đẹp là vì vậy......
Tụi nhỏ cứ dạ dạ vâng vâng, nhưng tôi biết rồi một ngày chúng sẽ hiểu.
Hôm nọ hay tin mẹ ốm. Tôi có gọi điện về hỏi thăm mẹ. Mẹ phàn nàn bệnh tình thì ít mà phàn nàn về việc tôi cưới vợ đi cho mẹ "được nhờ" thì nhiều. Với cả chuyện thằng cu nội lớn dạo này nó sinh hư nhiều lắm. Nghe tiếng mẹ mà mắt thì rưng rưng!


     
Mời thư giãn với nhạc phẩm BA KỂ CON NGHE
của Nguyễn Hải Phong, qua tiếng hát nhóm Bập Bênh Team:
          
*
MẠC PHONG TUYỀN
Địa chỉ: Hà Lâm, Hà Trung, Thanh Hóa
Email: macphongtuyen@gmail.com 
Điện thoại: 096.480.78.95






.............................................................................................................
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 20.06.2018.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến. 
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

0 comments:

Đăng nhận xét