VỀ BÀI ‘CUỐN SÁCH ‘BẮT LỖI' GIÁO SƯ NGUYỄN LÂN MẮC NHIỀU SAI SÓT’ CỦA THANH HẰNG - Tác giả: Hoàng Tuấn Công (Thanh Hóa)

1 comment

VỀ BÀI CUỐN SÁCH ‘BẮT LỖI'
GIÁO SƯ NGUYỄN LÂN MẮC NHIỀU
SAI SÓT CỦA THANH HẰNG
*:
 (*) - Bài viết “CUỐN SÁCH ‘BẮT LỖI” GIÁO SƯ NGUYỄN LÂN MẮC NHIỀU SAI SÓT” của Thanh Hằng vốn trước đó đã được gửi cho GS Nguyễn Lân Dũng; GS Nguyễn Lân Dũng gửi cho nhiều người; nhiều người lại “chuyển tiếp” cho chúng tôi. Sau khi bài chính thức đăng trên INFONET, và trang cá nhân của Thanh Hằng (FB Hằng Thanh), bạn đọc lại tiếp tục dẫn link bài đề nghị chúng tôi có phản hồi. Bởi vậy, chúng tôi có bài viết này, mục đích thưa lại cho rõ.

(Tác giả Hoàng Tuấn Công)
Ngày 1/9/2017, báo điện tử INFONET (Bộ Thông tin vàTruyền thông) đăng bài “Cuốn sách ‘bắt lỗi’ giáo sư Nguyễn Lân mắc nhiều sai sót” của Thanh Hằng. Dựa vào ý kiến của các nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà thơ, các giáo sư, tiến sĩ chuyên ngành ngôn ngữ học, Thanh Hằng cho rằng, tác giả “Từ điển tiếng Việt của GS.Nguyễn Lân – Phê bình và khảo cứu”, đã “mắc nhiều sai sót”.
Ban đầu, chúng tôi chọn cách im lặng thay câu trả lời, bởi bài viết của Thanh Hằng đã không đảm bảo những nguyên tắc tối thiểu trong tranh luận học thuật (chúng tôi sẽ nói rõ ở đoạn cuối của phần II bài viết). Tuy nhiên, vì không muốn phụ lòng độc giả đã gửi link bài viết của Thanh Hằng và đề nghị phản hồi(*), nên chúng tôi xin có đôi lời thưa lại như sau:

1. Trong “Từ điển từ và ngữ Việt Nam”, mục “áo rách vẫn giữ lấy tràng”, GS. Nguyễn Lân chú giải “Tràng: cái vạt trước của áo dài”. Chúng tôi không đồng ý, và cho rằng: “Chính xác: “tràng” trong câu tục ngữ này là cái cổ áo chứ không phải vạt trước của áo dài. Nghĩa là, dù áo rách thế nào, cũng phải giữ lấy bộ phận quan trọng nhất của cái áo là cổ áo.
Tác giả bài báo Thanh Hằng khẳng định, “tràng” là “vạt áo”, chứ không có nghĩa nào là “cổ áo”, và dẫn chứng:
 “Nhà văn Ngô Văn Phú – người đã dịch số lượng lớn thơ Đường và văn xuôi Trung Quốc, trong đó có “Tể tướng Lưu Gù,” cho biết, GS. Nguyễn Lân đã không sai. “Lĩnh” mới là cổ áo, còn “tràng” là vạt chiếc áo dài. Trong “Từ điển Hán Nôm” trên thivien.net cũng giải nghĩa “lĩnh là cổ áo”, không thấy có mối liên quan nào giữa “lĩnh” với “tràng”!
Nhà thơ Đỗ Trung Lai, người đã dịch hàng trăm bài thơ Đường, cũng cho hay: Tràng là vạt trước của áo dài.
 “Từ điển tiếng Việt” của Viện Ngôn Ngữ học do Hoàng Phê chủ biên (tái bản 1992 và 2003) cũng định nghĩa: “Tràng: Vạt trước của áo dài”. Ví dụ: “Níu lấy tràng áo mẹ”.
Từ những “bằng chứng” trên đây, Thanh Hằng đi đến kết luận: “Như vậy, cho đến nay, chưa thấy từ điển nào định nghĩa “tràng” là cổ áo như Hoàng Tuấn Công giải thích”.
Theo chúng tôi, thành tích “đã dịch số lượng lớn thơ Đường và văn xuôi Trung Quốc” của Nhà văn Ngô Văn Phú, hay  “đã dịch hàng trăm bài thơ Đường”của Nhà thơ Đỗ Trung Lai (mà Thanh Hằng giới thiệu), hoàn toàn không phải là luận cứ khoa học cho kết luận “tràng” chỉ có một nghĩa duy nhất là “vạt trước của áo dài”. Và ngay cả khi có tới hai cuốn từ điển giảng “tràng” là “vạt trước của áo dài”, cũng không có nghĩa tất cả các cuốn từ điển còn lại, đều chỉ ghi nhận có vậy.   
Sau đây là một số minh chứng của chúng tôi:
- “Từ điển Annam – Lusitan – Latinh” (Dictionanrium Annamiticum – Lusitanum - Latinum (thường gọi là “Từ điển Việt - Bồ - La”) do A.de Rhodes biên soạn, xuất bản tại Roma (năm 1651; Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính phiên dịch-NXB Khoa học xã hội, 1991), giải nghĩa: “TLÀNG ÁO: Phần trên chiếc áo che cổ.” (“tlàng” là âm cổ của “tràng”, như chính A.de Rhodes ghi nhận trong các trường hợp khác: “TLÀNG HỘT: tràng hột, chuỗi hột”; “TLÀNG HOA: tràng hoa”…-HTC).
- “Đại Nam quấc âm tự vị” (1896), Huỳnh Tịnh Paulus Của ghi nhận: Lãnh : Tràng; (…) Áo viên lãnh: Áo cổ tròn, áo cổ trịt” (“lãnh” 領chính là âm khác của “lĩnh” 領 - Hán tự nghĩa là cái cổ áo (như chính Nhà văn Ngô Văn Phú đã thừa nhận).
- “Việt Nam tự điển” (1931) Hội Khai Trí Tiến Đức giảng: “領 - lĩnh. Tràng áo (không dùng một mình). Lĩnh tụ 領 袖 tràng áo và tay áo. Chỉ dùng nghĩa bóng để nói người đứng đầu một đảng-phái: Lĩnh-tụ đảng xã hội”.
 - “Việt ngữ tinh nghĩa từ điển” (1950) Long Điền Nguyễn Văn Minh giải thích “lãnh”  là tràng áo, như “lãnh tụ” là “tràng áo và ống tay áo, chỉ dùng với nghĩa bóng nói người đứng đầu một đảng phái”.
- “Tam thiên tự” (1969), soạn giả Đoàn Trung Còn thích nghĩa: “Y 衣 - Áo; Lãnh 領 - Tràng”.
- Trong “Ngũ thiên tự” (bản Hán - Việt - Pháp), Đoàn Trung Còn chú rõ hơn: “領- lãnh (lĩnh) - tràng (cổ áo) - Col”.
Như vậy, không phải “cho đến nay, chưa thấy từ điển nào định nghĩa “tràng” là cổ áo”, mà ngược lại (và ít nhất) từ 366 năm trước, “Từ điển Việt - Bồ -La” đã ghi nhận “tràng” là “cổ áo”; cũng không phải chỉ có một, mà (ít nhất đến thời điểm này) có tới 6 cuốn từ điển ghi nhận và giải nghĩa “tràng” là “cổ áo”. Thậm chí, chưa cần tới trình độ “dịch hàng trăm bài thơ đường”, mà chỉ cần đọc qua một lượt sách “Tam thiên tự” (Ba ngàn chữ Hán, dùng cho lớp đồng ấu) đã có thể biết, “tràng” (cổ áo) trong tiếng Việt, chính là “lĩnh” 領 trong Hán ngữ.
Theo đây, chúng tôi đâu dám làm một việc tày trời là tự bịa ra cho “tràng” một nghĩa không hề có trong tiếng Việt.

2. Về câu “Áo rách vẫn giữ lấy tràng” (đúng ra là “Áo rách PHẢI giữ lấy tràng”, đồng nghĩa: “Giấy rách phải giữ lấy lề”-HTC), GS. Nguyễn Đức Tồn cho rằng: "Tràng là vạt phía trước của chiếc áo dài, có vai trò quan trọng cả về thẩm mỹ và chức năng che những bộ phận quan trọng nhất của người mặc nên mới có câu 'Áo rách vẫn giữ lấy tràng.' Còn cổ áo không liên quan gì ở đây".
Thực ra, “tràng” (đầy đủ là “tràng vạt”), cũng có một nghĩa là “vạt trước của áo dài” [trong câu “Sụt sùi giở nỗi đoạn trường, Giọt châu tầm tã đẫm tràng áo xanh.” (TKiều)]. Tuy nhiên, “tràng” trong câu “Áo rách phải giữ lấy tràng” (Áo dù rách ở đâu, nhưng phải giữ cho cái cổ áo được lành lặn); hay “Áo cứ tràng, làng cứ xã” (Áo cứ cổ áo mà cầm; làng cứ lý trưởng mà nắm) lại có nghĩa là “cổ áo”, chứ không phải “vạt áo”.
Tại sao vậy?
Về kết cấu, cổ áo là bộ phận mấu chốt, căn bản nhất của cái áo. Bởi vậy, để cầm nắm cho gọn gàng, giũ cho chiếc áo phẳng phiu, người ta đều phải cầm lấy cổ áo (thế nên “lĩnh tụ” 領袖 [lĩnh = cổ áo; tụ = tay áo] được dùng để chỉ nghĩa người đứng đầu một phong trào, một đảng phái là vậy. Về vấn đề này, chúng tôi đã có bài khảo cứu đăng trên báo “Người lao động” và Blog Tuấn Công Thư phòng-6/2017).
Cổ áo (và vai áo) là phần dễ rách nhất của chiếc áo (do cọ xát, thấm mồ hôi nhiều). Về mặt thẩm mỹ, cổ áo là bộ phận gắn liền với khuôn mặt, trực tiếp tôn vẻ đẹp của khuôn mặt. Điểm nhìn chủ yếu khi giao tiếp, là khuôn mặt, với cái nhìn từ ngực áo trở lên cổ áo, chứ không phải là phần vạt áo. Bởi vậy, một cái áo bị rách cổ, hỏng cổ, coi như bỏ đi, vì nếu mặc, sự rách rưới đó sẽ đập ngay vào mắt người đối diện. Thậm chí, cổ áo tuy lành, nhưng người mặc để xộc xệch, nửa gấp vào trong, nửa lận ra ngoài, sẽ bị coi là ăn mặc luộm thuộm, thiếu tề chỉnh, rất khó coi. Thế nên, áo rách chỗ nào thì rách, đừng để rách cổ. Áo rách cổ, hỏng cổ, kể như không còn là chiếc áo nữa. Nghĩa bóng là dù trong hoàn cảnh nào, sa sút, nghèo khó đến đâu, cũng phải giữ được nề nếp, gia phong, những giá trị cơ bản trong đạo làm người. Thế nên Dân gian còn nói: “Áo rách phải giữ lấy tràng, Đủ đóng đủ góp với làng thì thôi” (Áo dù rách ở đâu, cũng phải giữ được cái cổ áo cho lành lặn; cũng như gia cảnh dù nghèo hèn đến mấy, cũng phải tham gia, đóng góp đầy đủ với công việc chung của làng).
Có thể lấy thêm một ví dụ sinh động về tầm quan trọng của chiếc cổ áo. Với người Mường, các cô con gái thường may sẵn rất nhiều váy áo để dành đến khi lấy chồng. Tuy nhiên, lúc sắp đi làm dâu, thì áo mới được viền cổ, váy mới được tra cạp. Áo chưa làm cổ, coi như chưa thành áo; váy chưa tra cạp, coi như chưa thành váy (dẫu có lúc “bí”, muốn lấy ra mặc, cũng không mặc được). Bởi vậy, thành ngữ Mường “Ào lúa đà t’ra coỏc” (Áo lụa đã viền cổ) chỉ những người con gái đã đi lấy chồng, đã đem những chiếc áo quý, để dành lâu nay ra viền (may, tra) hoàn chỉnh cổ áo để sử dụng. (xem “Thành ngữ Mường” – Cao Sơn Hải – NXB Văn hoá thông tin-2013).
Trong khi đó, vạt áo là bộ phận không bao giờ bị rách trước cổ và vai (vì vạt áo không chịu sự cọ xát khi vận động, cũng không bị thấm mồ hôi mặn). Bởi vậy, nếu áo đã rách vai, rách cổ, thì dẫu không cần “GIỮ”, vạt áo vẫn lành lặn như thường. Mặt khác, xét về phương diện thẩm mỹ và kết cấu, thì vạt áo không phải là điểm nhấn quan trọng nhất của chiếc áo, càng không phải bộ phận mấu chốt của áo. GS Nguyễn Đức Tồn cho rằng vạt áo có “chức năng che những bộ phận quan trọng nhất của người mặc” là thiếu cơ sở. Vì vạt áo chỉ phủ ở phần ngoài từ cạp quần trở xuống. Theo đó, chức năng che “bộ phận quan trọng nhất của người mặc” chính là cái quần, chứ không phải vạt áo (trừ trường hợp người mặc áo cởi truồng).
 Tục ngữ cũng có câu “Áo dài chớ ngại quần thưa”. Trong trường hợp đặc biệt này, toàn bộ phần dưới của chiếc áo dài (chứ không phải mình “tràng” = vạt trước áo dài) sẽ che bớt cái sự “hở hang”, do khiếm khuyết của cái quần thưa, quần rách tạo ra. Dĩ nhiên, lúc này câu tục ngữ phải là “Quần rách (hoặc quần thưa), phải giữ lấy tràng”, chứ không phải “Áo rách phải giữ lấy tràng” nữa.

3. Thanh Hằng viết: “Bàn về thành ngữ: “Chó già, gà non,” Hoàng Tuấn Công cho rằng, GS. Nguyễn Lân giải thích “thịt chó già không tanh, thịt gà non mới mềm” là sai, vì theo anh “câu này không có ý khen 2 món ăn đều ngon như cách hiểu của GS. Nguyễn Lân, mà là 2 thứ không ngon. Thịt chó già thì dai nhách, còn gà non thì chỉ để nấu cháo”.
Ở mục này, Thanh Hằng đã trích dẫn không trung thực. Nguyên văn, chúng tôi viết: “Câu này không có ý khen hai món ăn đều ngon như cách hiểu của GS Nguyễn Lân. Ngược lại, chó già, gà non đều là hai thứ không ngon. Chỉ cần xem các quán thịt chó trương tấm biển Cầy tơ bảy món cũng đủ hiểu. Cầy tơ chính là thịt con chó tơ. Thịt chó già dai nhách, ăn làm sao ngon được? Còn gà non chỉ phù hợp để nấu cháo”.
Theo đó, Thanh Hằng đã tự ý chỉnh sửa từ ngữ, nội dung đoạn trích (được đưa vào ngoặc kép), đồng thời bỏ hẳn đi hai câu rất quan trọng trong lập luận của chúng tôi. Nghĩa là để phản biện ý cho rằng, “chó già” mới ngon, chúng tôi đã dẫn chứng lời chào mời hấp dẫn của các nhà hàng Cầy tơ bảy món. Đây là cứ liệu rất quan trọng, vì nó cho thấy kinh nghiệm ẩm thực này đã được số đông thừa nhận; thịt “chó già” không bao giờ được ưa chuộng. Có nghĩa, nếu GS Nguyễn Lân đúng, thì tất cả các nhà hàng thịt chó phải đổi tấm biển “Cầy tơ bảy món”, thành “Chó già bảy món” mới phải. Tuy nhiên, khi trích dẫn, Thanh Hằng đã bỏ ý này đi, khiến lý lẽ của chúng tôi thiếu sức thuyết phục.
Câu “Ngược lại, chó già, gà non đều là hai thứ không ngon” của chúng tôi, bị Thanh Hằng diễn đạt lại thành “MÀ LÀ 2 thứ không ngon”. Tiếp đến, hai câu “Thịt chó già dai nhách, ăn làm sao ngon được? Còn gà non chỉ PHÙ HỢP để nấu cháo”, của chúng tôi, bị Thanh Hằng sửa thành “Thịt chó già THÌ dai nhách, còn gà non THÌ chỉ để nấu cháo”. Chúng tôi đâu có viết “MÀ LÀ”, đâu có dùng hai chữ “THÌ” trong cùng một câu, lủng củng như Thanh Hằng trích dẫn? Mấy chữ “CHỈ PHÙ HỢP” cẩn trọng của chúng tôi, qua ngòi bút của Thanh Hằng, bỗng trở thành “chỉ để”. Mặt khác, "Chó già, gà non" chúng tôi xếp vào loại "tục ngữ", chứ không phải "thành ngữ", như Thanh Hằng viết.

(2 cuốn Từ điển của Giáo sư Nguyễn Lân)
4. Thanh Hằng viết: “Các nhà văn Hà Phạm Phú, Ngô Văn Phú và Văn Chinh đều cho rằng “Chó già, gà non” là thành ngữ nói về ẩm thực. Việc Hoàng Tuấn Công áp đặt thêm vào từ “thiến”, thành câu “Chó thiến già, gà thiến non” thật khó thuyết phục!”
Thực ra, “Hoàng Tuấn Công” đâu dám tự tiện “áp đặt thêm” cho câu tục ngữ dân gian “từ thiến”! Bằng cứ, nếu các vị chịu khó gõ câu tục ngữ “Chó thiến già, gà thiến non” vào google, thì sẽ ra hàng loạt kết quả trùng khớp văn bản tục ngữ và nghĩa mà chúng tôi đã giải thích. Ngoài ra, “Từ điển tục ngữ Việt” (Nguyễn Đức Dương-NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh-2010) cũng thu thập dị bản “Chó già, gà non”, sau đó hướng dẫn độc giả xem cách giải thích dị bản đồng nghĩa “Chó hoạn già, gà hoạn non: chó thì nên hoạn khi đã già; gà thì nên hoạn khi còn non (mới mong khỏi bị lại giống)”.

5. Thanh Hằng viết: “Theo GS. Nguyễn Đức Tồn, “Chó già, gà non” là câu khá mơ hồ nếu tách khỏi ngữ cảnh. Nếu nói về ích lợi thì có thể hiểu là nên chọn chó già vì có kinh nghiệm trông giữ nhà, còn gà non để nuôi sẽ thu hoạch tốt hơn. Nếu nói về ẩm thực, chó già (nhưng không phải là già “khú đế”) sẽ dai, có độ ngậy và ngon; gà tơ ăn mới ngon. Như vậy, tùy theo ngữ cảnh mà vận dụng”.
Tuy nhiên, “Chó già, gà non” chỉ “mơ hồ” đối với người không hiểu kinh nghiệm sản xuất của nông dân, chứ không hề mơ hồ đối với chính người nông dân, hoặc với những ai đã từng am hiểu thực tế.
Đối với chó, thông thường người ta chỉ thiến khi nó đã ở độ tuổi thành thục (đã biết giao phối tốt). Vì theo kinh nghiệm dân gian, lúc này, bộ phận tinh hoàn và mào tinh hoàn của chó đã phát triển đầy đủ, rõ ràng, dễ bóc gọn, lấy hết. Trong khi, nếu chó thiến non, lúc này tinh hoàn chưa phát triển đầy đủ, mào tinh hoàn (còn gọi "tinh hoàn phụ") chưa có (vì nó phát triển chậm hơn tinh hoàn). Thế nên, dẫu bóc được tinh hoàn non rồi (điều này rất khó), thì mào tinh hoàn (sẽ hình thành sau này), vẫn kích thích tính hăng và ham muốn giao phối của con chó đực (cho dù chó không còn khả năng truyền giống). Bởi vậy, với chó thì phải “thiến già” mới tốt.
Với gà, dân gian thường thiến non (cụ thể lúc mào gà bắt đầu có màu đỏ tía, cất tiếng gáy te te, muốn “đạp mái”). Lúc này, “dái gà” đã hình thành đầy đủ, nhưng hệ thống mạch máu và các dây chằng chưa nhiều; khoảng cách từ vết mổ đến vị trí “trứng dái” hãy còn đủ ngắn để với ngón tay đến mà moi nó ra một cách trọn vẹn, ít gây đau và mất máu cho gà.
Ngược lại, nếu để gà già rồi mới thiến, lúc này các tổ chức như dây chằng, mạch máu ở cuống “dái gà” đã phát triển, rất dai và chắc. Gà già (đã to lớn), nên khoảng cách từ vết mổ đến buồng “trứng dái” cũng đã xa, ngón tay với vào rất khó chạm đến nơi (khi thiến gà, người ta thực hiện theo phương pháp “nội soi”, tức thò ngón tay vào moi “dái gà” bên trong, chứ không thực hiện “mổ phanh” bên ngoài như thiến chó).
Bởi vậy, nếu thiến gà già (“trứng dái” to, cuống dai), khi “cấu” được hai hòn “dái gà” ra, thì hay bị sứt, bị sót. Thậm chí có những con gà thiến già, bị chảy máu trong nhiều, bỏ ăn, rồi chết. Trong khi đối với chó, kể cả những con chó đã “đi đực” nhiều năm, lang thang khắp làng trên xóm dưới, người ta sợ mất, mới đem thiến, vẫn rất an toàn.
Mặt khác, đối với gà, nếu xác định không để làm giống, thì người ta phải thiến sớm để vỗ béo, chứ không ai để gà già, đi đạp mái khắp xóm, rồi mới thiến. Với những con trống già loại thải, thì người ta thịt luôn, chứ không ai còn đem thiến để vỗ béo nữa.
“Chó già, gà non” (“Chó thiến già, gà thiến non”) là vậy.
Do đã thuộc “nằm lòng”  ý nghĩa câu tục ngữ, nên dân gian tạo ra dị bản rút gọn, chỉ còn mang tính quy ước “Chó già, gà non”, thay vì “Chó thiến già, gà thiến non”. Giống như câu “Khôn chi khôn trẻ, khoẻ chi khoẻ già”, được rút gọn thành “Khôn trẻ, khoẻ già”. Những câu này chỉ “mơ hồ” đối với người không hiểu mà thôi!
Tục ngữ nói về kinh nghiệm sản xuất được đúc kết từ thực tế sản xuất của nhân dân. Bởi vậy, để hiểu được nó, phải dùng chính kinh nghiệm thực tế ấy để soi sáng, chứ không thể ngồi mà đoán già, đoán non được. Theo đó, chính cách gán cho tục ngữ “Chó già, gà non” một số nghĩa như: “nên chọn chó già vì có kinh nghiệm trông giữ nhà, còn gà non để nuôi sẽ thu hoạch tốt hơn”; hay “nói về ẩm thực, chó già (nhưng không phải là già “khú đế”) sẽ dai, có độ ngậy và ngon”của GS Nguyễn Đức Tồn mới là “mơ hồ”.
Vì sao vậy?
Vì trông giữ nhà là bản năng của con chó nhà. Hễ thấy người lạ, từ chó con đến chó lớn, chó tơ đến chó già đều sủa vang; vừa sủa vừa xông vào cắn dữ dội, “đẩy lùi” sự “xâm nhập” của kẻ lạ mặt. Bởi vậy, đâu cần phải đợi đến lúc già, con chó mới “tích luỹ” được “kinh nghiệm trông giữ nhà”? Mặt khác, giống “chó ta” đa phần đều chỉ luyến chủ, quen nhà, khi được chủ nuôi từ nhỏ. Không ai đi chọn mua con chó già nhà khác về để nuôi giữ nhà, với mục đich khai thác "kinh nghiệm trông giữ nhà" của nó, như cách tưởng tượng của GS Nguyễn Đức Tồn.
Với nuôi gà cũng tuỳ. Nếu ấp nuôi từ gà con lên, sẽ giảm tiền mua giống, nhưng tỉ lệ hao hụt đầu con lớn (vì gia súc, gia cầm non dễ chết); trong khi nếu mua loại gà nhỡ, hay đã mọc đuôi tôm về nuôi, thì tỉ lệ chết sẽ ít, nhưng tiền đầu tư giống lại cao. Bởi vậy, không có căn cứ để nói “gà non để nuôi sẽ thu hoạch tốt hơn”.
Tóm lại, nếu quý vị đem câu tục ngữ “Chó già, gà non” (“Chó thiến già, gà thiến non”)-một kinh nghiệm thiến chó, thiến gà-để áp dụng cho “văn hoá ẩm thực”, chúng tôi không  phản đối. Vì đó là sở thích ăn uống riêng của quý vị. Nhưng nếu nói rằng, dân gian đã truyền dạy kinh nghiệm ăn uống như vậy, thì trước sau chúng tôi vẫn bảo lưu ý kiến: dân gian không dại dột như thế. Những món khoái khẩu từ ngàn đời mà dân gian đã tổng kết, chính là “Cầy tơ bảy món”, “Cơm chín tới, cải ngồng non, gái một con, gà nhảy ổ đẻ”. Còn “Chó già, gà non” đơn giản chỉ là kinh nghiệm lựa chọn thời điểm thiến chó, thiến gà mà thôi!

6. GS Nguyễn Lân giảng: “rau muống tháng chín nàng dâu nhịn cho mẹ chồng ăn (Tháng chín thì rau muống tàn lụi, rất hiếm) Có ý nói: Thức ăn hiếm, nàng dâu tốt dành cho mẹ chồng. Song cũng có người cắt nghĩa trái lại, cho rằng: Rau muống tháng chín cứng, nàng dâu chẳng ưa mẹ chồng dọn cho mẹ chồng ăn”.
Chúng tôi đã đưa ra ý kiến “Có thể loại trừ cách lý giải thứ nhất, lựa chọn cách thứ hai”, bởi cách hiểu thứ nhất không có cơ sở thực tế. Vì “rau muống tháng chín” không ngon, mà cũng chẳng lành (đây cũng là đặc điểm của nhiều loại rau quả “trái tiết” khác). Từ xa xưa, dân gian ý thức rất rõ điều đó, nên rau quả trái mùa không bao giờ được ưa chuộng, thậm chí bị coi là độc[2]. 
Bởi vậy, trong sách “Từ điển tiếng Việt của GS. Nguyễn Lân-Phê bình và khảo cứu”, chúng tôi đã phân tích: “rau muống là rau mùa hè, ưa nước mát (mùa hè nắng nóng, mưa rào xen kẽ, có lượng đạm trời dồi dào, rau muống mới tươi non, ngon ngọt). Tháng chín trời trở lạnh, bắt đầu mùa khô hanh, rau muống già có hoa, ăn vừa cứng vừa chát, hiếm mà không quý”.
Mùa nào thức ấy, rau muống đã “tàn lụi” theo mùa, dẫu có sót lại ít cọng rau già,  ăn không thể ngon được! Trong khi, chính GS. Nguyễn Lân cũng thừa nhận “tháng chín thì rau muống tàn lụi, rất hiếm”.
Thế nên, chúng tôi đưa ra quan điểm: “Cùng một thành ngữ, tục ngữ nhưng có nhiều cách hiểu, đưa ra nhiều cách giải thích là chuyện bình thường, thậm chí là rất cần thiết, nếu như những cách hiểu ấy có lý. Tuy nhiên, với cách hiểu sai thì không nên đưa vào xem như một cách hiểu tồn tại song song. Ví dụ trường hợp câu tục ngữ đang xét, bằng kiến văn, người biên soạn có thể định hướng cho bạn đọc loại trừ cách hiểu sai. Tuy nhiên, GS Nguyễn Lân lại lựa chọn cách hiểu sai (thứ nhất) là chính, còn cách hiểu đúng (thứ hai) chỉ là tham khảo”. [lưu ý, nhiều cách hiểu, nhưng phải là cách hiểu có lý].
Tuy nhiên, Thanh Hằng dẫn lời GS. Nguyễn Đức Tồn, cho rằng “không phải lúc nào rau muống khan hiếm cũng là rau già”. Nhưng GS Nguyễn Đức Tồn cần lưu ý, thời điểm cụ thể dân gian nói đến là “rau muống tháng chín”, đâu phải “lúc nào” chung chung?
Theo đây, để bác bỏ quan điểm của chúng tôi, GS Nguyễn Đức Tồn phải chứng minh được rằng, “rau muống tháng chín” vừa khan hiếm vừa ngon, thậm chí ngon hơn mọi thời điểm khác trong năm, nên nàng dâu hiền mới nhịn thèm để nhường cho mẹ chồng ăn (theo như cách hiểu của GS Nguyễn Lân mà GS Nguyễn Đức Tồn đánh giá là “tích cực”). 
Mặt khác, dù trong thực tế vẫn có những mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu tốt đẹp, nhưng phản ánh tình cảm yêu thương chân thật giữa mẹ chồng nàng dâu, chưa bao giờ trở thành chủ đề trong thành ngữ, tục ngữ. Ngược lại, mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu luôn hiện lên trong thành ngữ, tục ngữ như là sự “xung đột” dai dẳng “truyền kiếp”, tới mức thành bản chất: Thật thà cũng thể lái trâu, yêu nhau cũng thể nàng dâu mẹ chồng; Mẹ chồng không ai nói tốt nàng dâu, nàng dâu đâu có nói tốt cho mẹ chồng; Mẹ chồng nàng dâu, chủ nhà người ở ưa nhau bao giờ; Bố chồng là lông con phượng, mẹ chồng là tượng mới tô, nàng dâu là bồ nghe chửi; Bố chồng là lông lợn hạch, mẹ chồng là đách lợn lang, nàng dâu mới về là bà hoàng hậu; Dâu vô nhà, mụ gia ra ngõ; Muốn nói không làm mẹ chồng mà nói; Bắt chấy cho mẹ chồng, thấy bồ nông dưới bể…
Tóm lại, khi giải nghĩa câu “rau muống tháng chín nàng dâu nhịn cho mẹ chồng ăn”, mà lấy cách hiểu “thức ăn hiếm, nàng dâu tốt dành cho mẹ chồng” làm cách hiểu chính thức như GS. Nguyễn Lân là hoàn toàn thiếu cơ sở.

7. Mục từ “vịt xiêm” GS Nguyễn Lân giảng: “vịt xiêm dt GIỐNG VỊT TO, người ta nói nhập từ Thái Lan. Trong sân nhà có đôi vịt xiêm rất lớn”. (HTC nhấn mạnh).
Chúng tôi cho rằng, cách giảng của GS Nguyễn Lân, biến hai con (vịt và ngan) thành một như vậy không đúng, vì “vịt xiêm” là cách gọi tên con ngan của người miền Nam”, chứ không phải nó chính là “con vịt”, nhưng là “giống vịt to”, và “nhập từ Thái Lan” (Xiêm), nên được gọi là “vịt xiêm”. Cũng như con “ngan pháp” mà giải nghĩa là “GIỐNG VỊT TO, nhập từ Pháp”, thì làm sao chấp nhận được.
Thế nhưng, Thanh Hằng lại cho rằng: “Ở đây, Hoàng Tuấn Công đã tự mâu thuẫn với mình khi khẳng định “sao biến hai con thành một được”, nhưng ví dụ của anh thì lại chứng minh ngan và vịt xiêm là một”!
Theo đây, Thanh Hằng đã không đọc kỹ những gì chúng tôi viết, hoặc đọc mà không hiểu vấn đề. Vì chúng tôi không đồng ý với cách giảng “GIỐNG VỊT TO” nhập từ Thái Lan, thì gọi là vịt xiêm (ngan); chúng tôi đâu có phản đối cách hiểu con ngan chính là con “vịt xiêm”? 
Để “bác bỏ” chúng tôi ở mục “vịt xiêm”, Thanh Hằng tiếp tục dẫn lời GS. Nguyễn Đức Tồn, cho rằng “GS. Nguyễn Lân đúng, bởi vịt xiêm có gốc từ Thái Lan (từng gọi là Xiêm). Người miền Bắc gọi con vịt gốc Thái Lan là ngan, còn người miền Nam gọi là vịt xiêm –cách gọi theo nguồn trong tiếng Việt”. Theo đây, GS Nguyễn Đức Tồn cũng không hề đọc những gì chúng tôi trao đổi trong mục “vịt xiêm”, nên mới giảng giải như vậy. 
Đáng chú ý, trong “Từ điển từ và ngữ Việt Nam”, mục “vịt xiêm”, GS Nguyễn Lân giảng là “GIỐNG VỊT TO, người ta nói nhập từ Thái Lan”; nhưng ở mục “ngan”, GS Nguyễn Lân lại giải thích: “ngan • dt. (động) Loài chim thuộc loại (sic) vịt, đầu có mào, thịt đỏ <> Mua con ngan về làm phở”. 
Như vậy, nếu như ở mục “vịt xiêm”, soạn giả đã đồng nghĩa “GIỐNG VỊT TO” với con “NGAN” (“vịt xiêm”), thì khi so sánh cách giải nghĩa giữa “vịt xiêm” với “ngan”, bạn đọc lại thấy, dường như “ngan” với “vịt xiêm” là hai con khác nhau (vì cách mô tả, nhận diện khác nhau). 
Trong khi đó, Từ điển Vietlex giải nghĩa “vịt xiêm” và “ngan” như sau: “vịt xiêm d [ph] xem ngan”; mục “ngan” giải thích:  “ngan • d. chim nuôi CÙNG HỌ với vịt, nhưng lớn hơn, đầu có mào thịt đỏ”. (“[ph] là viết tắt “phương ngữ” của Từ điển Vietlex).
Như vậy, chỉ qua mục “vịt xiêm” và “ngan”, so sánh với “Từ điển tiếng Việt” của Trung tâm từ điển học Vietlex, bạn đọc đã thấy GS Nguyễn Lân thiếu hẳn kiến thức cần thiết về từ điển học (đơn giản như là các sắp xếp, giải nghĩa những từ đồng nghĩa).

8. GS.Nguyễn Lân giảng: “chim trời cá nước ng Nói người ở nay đây mai đó, khó lòng gặp được: Anh ấy có tính lãng du, chim trời cá nước, biết đâu mà tìm”. 
Chúng tôi cho rằng “thiếu nghĩa: của ở đời, không thuộc quyền sở hữu của riêng ai”. 
Tuy nhiên, Thanh Hằng dẫn lời GS. Nguyễn Đức Tồn cho rằng: “ông chưa nghe thấy nghĩa “của ở đời, không thuộc quyền sở hữu của riêng ai” cho câu này bao giờ, mà “Chim trời cá nước” nói về con người tự do, nay đây mai đó, ngược với “Cá chậu chim lồng” chỉ sự tù túng, bị giam cầm”. 
Dĩ nhiên, GS. Nguyễn Đức Tồn “chưa nghe thấy”, không có nghĩa là thực tế không có thêm cách hiểu ấy. Chúng tôi xin đưa nhanh hai ví dụ chứng minh:
- “Từ điển Việt Nam phổ thông” (Đào Văn Tập – Nhà sách Vĩnh Bảo, Sài Gòn-1951) thu thập và giải nghia thành ngữ “chim trời cá nước [chim giời cá nước] • Chim ở trên trời và cá ở dưới nước. • ngb. Của ở đời, không thuộc quyền sở hữu của riêng ai”.
-“Từ điển tục ngữ Việt” (Nguyễn Đức Dương-sách đã dẫn) thu thập câu “Chim trời các nước, ai được thì ăn”. Tục ngữ thể hiện đầy đủ ý dân gian muốn nhắn gửi, mà ở dạng thành ngữ “chim trời cá nước” mới chỉ là cách nói mập mờ, “nước đôi: “Chim trời cá nước, ai được thì ăn • Chim trên trời cũng như cá dưới nước ấy mà (đâu phải của riêng ai mà cứ đòi giữ lấy, bởi thế) ai giỏi thì cứ việc bắt lấy mà ăn”. 
“Chim trời, cá nước”, hoặc “Chim trời, cá nước, ai được thì ăn” thường được dùng trong một số tình huống, như:
-Câu trả lời đối với ai đó ngăn cản việc bắt bẫy cá nước, chim trời, muông thú vô chủ (ví dụ: “Chim trời cá nước, ông lấy quyền gì mà ngăn cấm tôi?”)
-Lời tự nhủ, hoặc khuyến khích ai đó, thấy chim trời, cá nước, nhưng còn e ngại, không dám săn bắt (ví dụ: “Ôi dào, sợ gì, chim trời cá nước, ai được thì ăn, mình có ăn cắp, ăn trộm của ai đâu mà sợ!”)
Thế nên, trong “Hương rừng Cà Mau”, Nhà văn Sơn Nam mới viết: “Đằng này rắn ri voi thuộc loại chim trời cá nước, ai bắt được nấy hưởng, khỏi đóng thuế cho sở kiểm lâm” [tập 1, tr.298]; hay, trong “Đất rừng Phương Nam”, Đoàn Giỏi viết: “Bộ họ nuôi nó sao, chim trời cá nước, ai bắt được nấy ăn chứ”. [tr.227] (dẫn theo “Từ điển thành ngữ, tục ngữ Việt Nam trong hành chức”-Đỗ Thị Kim Liên chủ biên-NXB Khoa học xã hội, 2015).
Mặt khác, chính “Từ điển thành ngữ, tục ngữ Việt Nam trong hành chức”, đã ghi nhận một trong số nhiều nghĩa của “chim trời cá nước” là: “không thuộc quyền quản lý hoặc tài sản của ai cả”.
Theo đây, chúng tôi đâu có bịa thêm nghĩa cho thành ngữ “chim trời cá nước”, thưa GS Nguyễn Đức Tồn?

9. Thanh Hằng viết: “Danh từ “Nội các” được GS. Nguyễn Lân giải thích là “Hội đồng Chính phủ của một số nước, gồm thủ tướng và các bộ trưởng”,nhưng Hoàng Tuấn Công \ cho rằng phải chọn theo nghĩa 2 của từ điển Thiều Chửu là “tên bộ quan-nội các gọi tắt là các” và Trần Văn Chánh là “Nội các (nói tắt): tổ các, nội các, tổ chức nội các.” 
Sau đó, Thanh Hằng dẫn ý kiến “không đồng tình” của “TS. Lã Trọng Long - nguyên Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT Hải Phòng”. 
 Tuy nhiên, xin lưu ý Thanh Hằng và TS. Lã Trọng Long, ở mục “nội các”chúng tôi hoàn toàn không có ý kiến gì về phần giải nghĩa từ vựng. Chúng tôi chỉ nói phần giải nghĩa yếu tố Hán Việt “các” 閣 (trong từ “nội các” 內閣). Cụ thể, chúng tôi viết: “Dù cùng có tự hình là 閣, nhưng “các” 閣 trong “nội các” 內閣, lại là“tên bộ quan”, chứ không phải “lầu gác” (như GS Nguyễn Lân giảng). 
Thế nhưng, TS. Lã Trọng Long lại bàn sang chuyện giải nghĩa từ vựng “nội các” và nhận xét: “Nếu giải thích như Hoàng Tuấn Công sẽ làm người đọc hiểu nhầm “nội các” là một quan nhỏ trong triều đình nhà Nguyễn”.
Tương tự như ở mục “lâm bồn”, chúng tôi chỉ bàn đến nghĩa của 2 yếu tố Hán Việt “lâm” 臨, và “bồn” 盆 (trong “lâm bồn” 臨盆), hoàn toàn không nói gì đến nghĩa từ vựng của “lâm bồn” mà GS Nguyễn Lân giảng. Không lẽ cả TS. Lã Trọng Long và Thanh Hằng đều không làm được điều tối thiểu là đọc kỹ xem chúng tôi viết những gì, để “trao đổi” lại cho đúng vấn đề cần trao đổi?

10. Thanh Hằng viết: “Nhà văn Ngô Văn Phú cho biết, thời điểm cuốn từ điển của GS. Nguyễn Lân ra đời, vốn từ tiếng Việt chưa phong phú như bây giờ, Việt Nam cũng chưa giao lưu quốc tế rộng như hiện nay. Vì thế, sai sót hay cách hiểu nghĩa khác với hôm nay là bình thường”.
Chúng tôi không rõ, Nhà văn Ngô Văn Phú nói “thời điểm cuốn từ điển GS. Nguyễn Lân ra đời” là thời điểm nào? Không lẽ chỉ mới từ năm 2000 đến nay, mà tiếng Việt đã có sự thay đổi đến mức khiến cho những từ ngữ mà GS Nguyễn Lân giảng vốn đúng, nay trở nên sai như vậy sao? Nhà văn Ngô Văn Phú có thế lấy một vài ví dụ về những từ, ngữ, thành ngữ, tục ngữ, vào thời điểm năm 1989, hay năm 2000 (khi GS Nguyễn Lân biên soạn và xuất bản sách) được người Việt hiểu theo một nghĩa, đến nay lại hiểu theo nghĩa khác, được chăng?
Mặt khác, trong sách “Từ điển tiếng Việt của GS. Nguyễn Lân - Phê bình và khảo cứu”, chúng tôi đâu có phê phán GS. Nguyễn Lân về việc “vốn từ tiếng Việt chưa phong phú”, cũng không hề có ý đòi hỏi tác giả từ điển phải cập nhật những từ mới sinh ra trong quá trình Việt Nam “giao lưu quốc tế” gần đây. 
Hơn nữa, “vốn từ tiếng Việt”, hay “giao lưu quốc tế” đâu ảnh hưởng gì đến việc GS Nguyễn Lân giải thích sai hàng loạt từ, ngữ, thành ngữ, tục ngữ? Phải chăng ý Nhà văn Ngô Văn Phú, vì “vốn từ tiếng Việt chưa phong phú”, “chưa giao lưu quốc tế rộng”, nên khiến GS. Nguyễn Lân khó diễn đạt, giải nghĩa từ ngữ?
Về nguyên tắc tối thiếu trong trao đổi, tranh luận học thuật, theo chúng tôi, bản thân người viết cần phải có nền kiến thức cần thiết, để đưa ra những sở cứ, lập luận của CHÍNH MÌNH (và CỦA MÌNH LÀ CHÍNH), chứ KHÔNG THỂ DỰA HOÀN TOÀN vào sự “trợ giúp”, “hỏi ý kiến” người khác, đặt hết niềm tin vào sự tư vấn kiến thức của người khác. 
Bản thân những người ‘trợ giúp” đã thiếu cẩn trọng, đưa ra nhận xét, kết luận đầy cảm tính, chủ quan; đến người được “trợ giúp” lại cũng không đủ khả năng thẩm định đúng sai. Trường hợp, Hằng Thanh xác định, mình chỉ là người làm báo, phỏng vấn ý kiến các chuyên gia một cách khách quan, mục đích truyền tải thông tin tới bạn đọc, hãy để các chuyên gia tự chịu trách nhiệm về những phát ngôn của mình. Thế nhưng Thanh Hằng không dừng ở chỗ cần dừng, mà dựa hoàn toàn vào những nhận xét ấy, rồi tự mình đưa ra kết luận “Cuốn sách ‘bắt lỗi’ nhà giáo Nguyễn Lân cũng mắc nhiều sai sót”, hay khẳng định đầy tự tin “Trên đây chỉ là một vài, chưa phải tất cả, sai sót trong cuốn “Từ điển tiếng Việt của GS. Nguyễn Lân – phê bình và khảo cứu”.
Khi tranh luận, đã trích dẫn ý kiến của người khác, thì dù ngắn hay dài, cũng phải đảm bảo trung thực. Tuy nhiên, tác giả Thanh Hằng đã tự ý chính sửa, thêm bớt, diễn đạt lại ý tứ của chúng tôi theo hướng có lợi cho mình. Đây chính là điều tối kỵ trong tranh luận học thuật.
 Cuối cùng (nhưng là quan trọng nhất), để đưa ra góp ý, tranh luận, thì điều tối thiểu là bản thân người viết phải đọc kỹ xem người ta viết gì, sai gì, sau đó tra cứu tài liệu để trao đổi. Tuy nhiên, trong số 7 điều mà Thanh Hằng và các vị giáo sư, tiến sĩ cho là chúng tôi “sai sót”, thì  4 điều chúng tôi hoàn toàn không sai (như đã chứng minh trong phần I bài viết); 3 điều còn lại (“vịt xiêm”; “nội các”; “lâm bồn”) là do Thanh Hằng và các vị nhầm lẫn, tức chúng tôi viết một đường, các vị lại trao đổi một nẻo; theo kiểu “Ông nói gà, bà nói vịt”, “Vậu phuối gẳn nà hây loà kha cáy” (Người ta đang nói chuyện bờ ruộng, mình lại nói chuyện vụt chân con gà)[3].

Chú thích:
[1]-Nếu độc giả cần tra cứu, tìm hiểu câu “rau muống tháng chín nàng dâu nhịn cho mẹ chồng ăn”, với cách giảng nước đôi của GS Nguyễn Lân, thì độc giả sẽ không biết sai đúng ra sao, nên tin theo các hiểu nào.
[2]-Sách “Luận ngữ” dành hẳn một chương (“Hương đảng”) ghi chép về thói quen sinh hoạt, ăn uống khoa học, cách đây hàng ngàn năm của Khổng Tử như sau: “…Đồ nấu chẳng vừa: chưa chín hay là rục quá, thì ngài chẳng ăn. Và ngài CHẲNG ĐỂ VÀO MIỆNG NHỮNG VẬT TRÁI MÙA…”. 
Dịch giả Đoàn Trung Còn chú giải: “…Đồ nấu chưa chín, nếu ăn vào thì sình ruột; còn nấu rục quá thì mất chất bổ, ăn chẳng ngon. VẬT TRÁI THỜI TIẾT, ĂN VÀO HAY SINH BỆNH…”
[3] “Từ điển thành ngữ, tục ngữ Tày” (Triều Ân-Hoàng Quyết-NXB Văn hoá dân tộc, 1996)
*.
HOÀNG TUẤN CÔNG
Địa chỉ: Số 6 Hạc Thành, phường Tân Sơn,
thành phố Thanh Hoá, tỉnh Thanh Hoá.
Email: tuancongthuphong@gmail.com.





…………………………………………………………………………
- Cập nhật từ email: tahongtruong@yahoo.com.vn gửi: 19.04.2019.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến. 
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
         .

1 nhận xét: