BÚT KÝ CHÙA TÂY PHƯƠNG CỦA NGUYỄN LÂM CẨN - Tác giả: Nguyễn Xuân Dương (Bắc Ninh)

1 comment
(Nguồn ảnh: internet)
BÚT KÝ CHÙA TÂY PHƯƠNG
CỦA NGUYỄN LÂM CẨN
*
BÚT KÝ CHÙA TÂY PHƯƠNG

Ngồi đây đã ngàn năm trầm mặc suy tư
về con người, kiếp người
Thời thế đi qua chiêm nghiệm
Chân lí mãi là ẩn số quay theo bánh xe luân hồi
lặng lẽ, âm thầm
Mõ, chuông và kinh kệ vẫn chìm trong Mô Phật

Vua quan đến đây vái lạy rồi đi
Chúng sinh đến đây tụng niệm rồi đi
Ăn mày đến đây lê hoài bị gậy

Các vị thức giả ôm ngàn năm mối sầu nhân thế
Tư tưởng cao siêu cau mặt thời gian
Có mấy ai lên tới cõi niết bàn?

Bể dục ma mị đời người
Thiện và ác tranh nhau quyền lực
Kinh kệ dày lên bút mực
Nỗi niềm bào mỏng áo cà sa
Con sãi ở chùa quét mãi lá đa!
*
Chùa Tây Phương, 16.04.2016
NGUYỄN LÂM CẨN
LỜI BÌNH:
(Tác giả Nguyễn Xuân Dương)
Nửa đêm thức giấc tìm thơ thấy lòng trống trải đến vô biên. Biết tìm nơi đâu trên cõi ảo này? Vào nhà ư? Trăm vạn nhà khoá cửa. Nhưng thật may lại gặp được điều mình đang ước mơ và khát vọng. BÚT KÍ CHÙA TÂY PHƯƠNG của Nguyễn Lâm Cẩn đã dỗi mạnh vào lòng tôi không phải là niềm vui mà là nỗi buồn đau nhân thế. Thơ ông vẫn vậy. Muôn đời vẫn vậy nỗi buồn đau nhân thế cứ vò xé đời ông, vò xé trái tim nhân hậu ấy và rồi nó cứ thế vò xé từng chữ từng câu thơ viết bằng nước mắt và có khi là máu của căm hờn. Căm hờn bọn vua quan vô lại của mọi thời. Căm hờn nỗi bất công đầy rẫy thế gian này.
Tôi đã đọc “Các vị La Hán chùa Tây Phương” mà nhà thơ Huy Cận đã viết nó trong gần 20 năm. Nỗi đau trong thơ vẫn còn nhỏ máu cho đến hôm nay. Thế nhưng để bài thơ tồn tại được ở thế kỷ trước Huy Cận đã phải viết một cái kết không phải của mình mà của nền chuyên chính vô sản.
“Các vị La Hán chùa Tây Phương!
Hôm nay xã hội đã lên đường
Tôi nhìn mặt tượng dường tươi lại
Xua bóng hoàng hôn, tản khói sương.

Cha ông yêu mến thời xưa cũ
Trần trụi đau thương bỗng hoá gần!
Những bước mất đi trong thớ gỗ
Về đây, tươi vạn dặm đường xuân.”
Có cần phải bàn luận gì về đoạn kết này không các bạn. Đúng là phải viết chứ không muốn viết. Sự dằng xé trong nhà thơ không hiện rõ trên nét mặt ông mà hiện rõ trên từng thớ gỗ. Có thật thế không các Vị La Hán chùa Tây Phương đã có cuộc đời mới?
Vâng dù đã đọc Các Vị La Hán chùa Tây Phương Tôi vẫn bàng hoàng trước cách cảm cách nghĩ của Nguyễn Lâm Cẩn, ông đã tránh dẫm vào dấu chân của người đi trước. Vâng như tên bài thơ: Bút kí… Một ghi chép thuộc về hiện thực trần trũi của ngày hôm nay.
“Ngồi đây đã ngàn năm trầm mặc suy tư
về con người, kiếp người
Thời thế đi qua chiêm nghiệm
Chân lí mãi là ẩn số quay theo bánh xe luân hồi
lặng lẽ, âm thầm
Mõ, chuông và kinh kệ vẫn chìm trong Mô Phật”
Trong chùa vẫn vậy. Các vị ngồi đây đã nghìn năm rồi và thế gian này vẫn vậy. Vẫn là nỗi buồn đau hằn in mãi mãi không chỉ trên gương mặt của các vị La Hán mà hằn in trên gương mặt cuộc đời. Kiếp người lầm than thì vẫn cứ lầm than có khác chăng đó là sự vô cảm trong con người sự tráo trở của con người đã khác xưa lắm lắm. Chân lí ư hình như hai từ thiêng liêng ấy đã trở thành thứ xa xỉ. Không ai tìm ra cái ẩn số ấy trong cõi nhân gian này, nó cứ thế theo vòng quay luân hồi của thế sự. Những tiếng mõ, tiếng chuông, những lời kinh, câu kệ chẳng giúp gì được cho cuộc đời này cứ hàng ngày ngân vang rồi chìm khuất vào trong hai từ Mô Phật … Tất cả cứ thế âm thầm, âm thầm như muôn thuở. Đó là cảnh trong chùa. Còn bên ngoài thì sao:
“Vua quan đến đây vái lạy rồi đi
Chúng sinh đến đây tụng niệm rồi đi
Ăn mày đến đây lê hoài bị gậy”
Vua quan đến đây tụng kinh niệm Phật đầu môi chót lưỡi còn trong bụng một bồ dao găm lúc nào cũng chầu chực cổ dân mà cứa mà giết. Vua quan thì vái lạy vẫn mong các vị La Hán từ bi hỉ xả tha cho họ những tội đồ. Bọn vua quan đã không hiểu được những nỗi đau của các vị cũng chính là từ bọn vua qua vô lại gây nên. Chỉ vái lạy rồi đi bỏ mặc những đa đoan dâu bể đang hiện hữu trên từng thớ gỗ. Còn chúng sinh cũng thế vì họ cũng là con người muốn đến đây để cầu xin ân đức. Nhưng các vị La Hán cũng đang trầm luân trong bể khổ thì cứu vớt được ai khi không thể tự cứu vớt chính mình?
Còn ăn mày đã đến đây rồi thì lê la mãi cứ lê la ăn mày lộc rơi, lộc vãi của chúng sinh. Chỉ đói khổ luôn hiện hữu trước cửa Phật từ bi…Có mỉa mai quá không. Chỉ một câu thơ mà Nguyễn Lâm Cẩn đã xoá sổ cái khẩu hiệu cứ dăng dăng như thành như luỹ trên các đại lộ, phố phường, trên các đường cao tốc và trên mọi nẻo đường làng: Công bằng Dân chủ Văn minh.
“Các vị thức giả ôm ngàn năm mối sầu nhân thế
Tư tưởng cao siêu cau mặt thời gian
Có mấy ai lên tới cõi niết bàn”
Dù đã ngàn năm và có lẽ còn thêm hàng ngàn năm nữa các vị thức giả đã cau mặt với thời gian và đã đau nỗi đau nhân thế thì thế gian này chẳng thể đổi thay. Các vị làm sao có thể rời khỏi mảnh đất buồn đau này để lên cõi niết bàn hưởng lạc một mình. Có lẽ là như thế nhà thơ Nguyễn Lâm Cẩn ạ. Họ tu luyện đủ rồi họ chịu nạn đủ rồi nhưng vì họ thương ông, thương tôi và thương chúng sinh đang lầm than đang vật vã trong sự tranh dành thiện ác như thơ ông đã viết nên cứ ở lại mãi chốn dân gian buồn này.
“Bể dục ma mị đời người
Thiện và ác tranh nhau quyền lực
Kinh kệ dày lên bút mực
Nỗi niềm bào mỏng áo cà sa
Con sãi ở chùa quét mãi lá đa!”
Con người cứ chìm sâu vào dục vọng. Tôi nghĩ ông và tôi và cả cõi nhân sinh này chẳng ai muốn chìm sâu vào dục vọng. Ai chẳng muốn lòng mình thanh thản bởi vì “Nhân chi sơ vốn bản thiện”. Con người sinh ra đều mang bản chất thiện từ trong bào thai. Nhưng rồi xã hội đã bắt họ từ bỏ điều thiện để tranh dành sự sống. Rất may trong cuộc đấu tranh sinh tồn giữa điều thiện và cái ác điều thiện luôn thắng thế. Thắng thế thôi chứ không phải là chiến thắng tuyệt đối và chinh điều thiện thắng thế đã bảo đảm cho xã hội tồn tại.
Dù đã bao nhiêu kinh kệ được viết ra được truyền bá để hướng thiện diệt dục, dù bao tấm áo cà sa đã cũ mòn trên những kiếp tu hành. Nhưng tất cả vẫn vẹn nguyên những bất công tàn ác, những dâu bể đa đoan và những triết lí cổ xưa vẫn thuộc về chân lí “Con sãi ở chùa quét mãi lá đa

  
Mời thư giãn với bài thơ CÁC VỊ LA HÁN CHÙA TÂY PHƯƠNG
của Huy Cận, qua diền ngâm của Nghệ sĩ Ưu tú Trần Thị Tuyết:
         
*
NGUYỄN XUÂN DƯƠNG
Địa chỉ: Nhà số 7 Đường Thành Cổ,
Phường Vệ An - Thành phố Bắc Ninh
Email: nguyenxuanduong1940@gmail.com
Điện thoại: 037.224.23.92
.                                         


.
…………………………………………………………………………
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 12.04.2019.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại. 
.

1 nhận xét:

  1. Cám ơn tác giả Nguyễn Xuân Dương đã chắp cánh cho bài thơ bay cao hơn qua ngòi bút sắc sảo của ông

    Trả lờiXóa