MẤY ĐIỀU BÀN LUẬN VỚI CHÂU MINH HÙNG VỀ CHỮ ‘THẤU CẢM’ - Tác giả: Nguyễn Thúy Hông (Nam Định)

1 comment
(Nguồn ảnh: internet)
MẤY ĐIỀU BÀN LUẬN VỚI CHÂU MINH HÙNG
VỀ CHỮ ‘THẤU CẢM’
* 
(Tác giả Nguyễn Thúy Hồng)
Trên mạng xã hội, có bài viết của Blogger Chu Mộng Long (Châu Minh Hùng) phản biện về việc dùng từ "thấu cảm" của nhà tâm lý học - đạo đức Đặng Hoàng Giang ở trích đoạn phần "Đọc hiểu" của Đề thi Ngữ văn THPT QG 2017. Bài viết có tựa đề "Thấu cảm là gì? Đặng Hoàng Giang viết bậy". 
Blog cũng như Facabook là trang cá nhân, nó thể hiện chính kiến, quan điểm riêng của mỗi người, lẽ ra tôi không tranh luận về bài viết này; nhưng nó lại liên quan đến một việc hết sức quan trọng, nghiêm túc là ĐỀ THI QUỐC GIA; liên quan đến số phận của hàng vạn thí sinh đang trong kỳ thi. Mà bài viết của Chu Mộng Long lại mang tính gay gắt, công kích, châm biếm, hoàn toàn mang tín chủ quan của cá nhân. Chẳng hạn Chu Mộng Long cho rằng "các ví dụ Đặng Hoàng Giang đưa ra minh họa không mang nghĩa nào là “hiểu thấu đáo” cả, nó chỉ có phần đúng với nghĩa đơn giản và hời hợt nhất của trực giác hay thấu cảm. Nhưng cách giải nghĩa, định nghĩa của anh ta thật ngô nghê, buồn cười, lẫn lộn giữa trực giác và tư duy lí tính. Nhận xét về hành vi của các nhân vật được nhắc tới trong văn bản". 
Cá nhân tôi và rất nhiều bạn đồng nghiệp đánh giá cao ý tứ và cách hành văn của Đặng Hoàng Giang trong đoạn trích đưa vào đề thi; dù rằng, một vài chữ cần bàn thêm (không phải lỗi của tác giả). Nếu tách riêng từ "thấu cảm" ra thì có thể khó đối với học sinh; vì đây là từ ghép phiên âm Hán Việt, gồm thấu và cảm, nghĩa là thấu hiểu và cảm nhận (hay xúc cảm, đồng cảm). Nhưng tác giả đã đặt nó trong một chỉnh thể văn bản, có những dẫn giải khá rõ ràng (xin hãy đọc kỹ ở đề trích dẫn kèm theo. Việc tác giả đưa ra các ví dụ minh họa cho "thấu cảm" cũng rất tiêu biểu và đậm chất nhân văn: "Đứa bé ba tuổi sẵn sàng chìa con gấu bông của mình cho em bé sơ sinh để dỗ em bé đang khóc; Cô gái nhăn mặt cảm nhận được cái đắng ngắt của vị thuốc mà bạn mình đang phải uống. Cậu bé Bồ Đào Nha an ủi một cổ động viên người Pháp sau trận chung kết EURO 2016".
Mọi người đều thấy được, đây là những hành động đẹp, thể hiện sự thấu cảm và lòng trắc ẩn. Các hành động ấy, ở nhiều lứa tuổi khác nhau, nhiều nền văn hoá khác nhau, trong những hoàn cảnh không giống nhau nhưng đều thể hiện sự cảm thông, sẻ chia với những buồn đau, mất mát, những khó khăn của người khác Những hành động đẹp làm nên vẻ đẹp nhân cách của con người, vẻ đẹp văn hoá của xã hội. Thế nhưng, Blogger Chu Mộng Long lại cho rằng: "đó là đạo đức giả, là thứ vi trùng lây lan rất mạnh, nhất là trong học đường, ở chính cái môn Ngữ văn". 
Người ta chọn một đoạn trích hết sức nhân văn để đưa vào đề thi lại bảo là đạo đức giả. Vậy ra đề thi như thế nào mới là đạo đức thật? Chọn đoạn văn mang ngôn ngữ chợ búa, chửi bới dung tục thói xấu trong học đường để học sinh luận bàn thì mới là đạo đức thật hay sao? 
Tôi không quan tâm đến việc 'múa chữ" khi đưa ra khái niệm về "thấu cảm" của Chu Mộng Long cũng như việc Blogger này dẫn phát ngôn của vị này, vị kia. Tôi chỉ xin nói rõ hơn, “thấu cảm” (empathy) không phải là phát minh riêng của Đặng Hoàng Giang, mà nó đã rất quen thuộc với những chuyên gia giáo dục, những nhà hoạt động chính trị và các nhà khoa học. Sự thấu cảm là gì? Đó là khả năng bạn nhập vai vào người khác nhằm hiểu được cảm xúc và quan điểm của họ và sử dụng sự thấu hiểu đó để định hướng hành động của họ. Sự thấu cảm khác với lòng tốt hay sự thương hại. Theo các nghiên cứu mới nhất, Sự thấu hiểu là một thói quen mà chúng ta có thể phát triển được không chỉ là cách giúp bồi dưỡng nhân cách mà còn nâng cao cuộc sống. 
Thiết nghĩ, phản biện là một việc làm hữu ích cần thiết để thúc đẩy sự phát triển, nhưng hãy trên tinh thần vì cái chung, nhất là với một vấn đề liên quan đến lợi ích của cộng đồng; đừng chỉ vì đề cao cái tôi, đánh bóng cá nhân mình mà mạt sát người khác như bài viết của Chu Mộng Long.

Mời thư giãn với nhạc phẩm THẬT BẤT NGỜ
của MewAmazing, qua tiếng hát Trúc Nhân:
             
*
NGUYỄN THÚY HỒNG 
Địa chỉ: VPTT Báo Giáo dục và Thời đại
265B Hoàng Diệu, Hải Châu, Đà Nẵng.





  ........................................................................................
- Cập nhật từ email: quanboyman1992@yahoo.com.vn gửi ngày 21.01.2019
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến. 
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại. 
.  

1 nhận xét:

  1. Họ Nguyễn không phải là đối thủ của họ Châu kể cả trình độ và bản năng.

    Trả lờiXóa