VỀ BÀI THƠ NÓI DẠI - Tạp văn Chử Văn Long (Hà Nội)

Leave a Comment


VỀ BÀI THƠ NÓI DẠI
*
(Tác giả Chử Văn Long)
Tôi còn nhớ, ngày vừa biết đọc thông mặt chữ, dân quê tôi có tục bói Kiều, khi thì các cô gái tuổi cập kê lấy chồng, khi thì bà già, có lúc đàn ông trai tráng… Nhiều người không biết chữ thường đem nhờ tôi đọc. Chẳng biết những câu Kiều ấy có linh ứng gì với sự rủi may hay không.
Vào đời cầm bút đến giờ nghiệm lại đời mình, tôi đã có những lần tự nhiên viết những câu thơ mang nỗi ám ảnh quái gở lạ thường. Đó là lần anh bạn, nhà thơ Hồ Minh Hà gọi điện cho tôi: “Mai ông đi với mình đến Hữu Thỉnh (lúc đó là Phó Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam) nói thêm cho mình về việc vào Hội, mình nộp đơn đã sáu năm chưa được kết nạp, tháng sau mình lấy sổ hưu…”. Tôi nhận lời, thu xếp đi ngủ sớm để mai tới kịp hẹn. Bất ngờ trời đổ mưa tầm tã, nghĩ đến quãng đường hơn hai chục cây số ngày mai phải vượt bùn đất mưa chan thế này bỗng tôi giận lây - con người ta trăm thứ áo cơm đời sống đã đành, đằng này làm thơ tưởng đã thoát tục, ai ngờ cũng khổ… Buồn nghĩ lan man thế nào tôi vục dậy cầm bút ghi sổ tay những câu:
Sống không yên được bao giờ
Thì xin ru bạn dưới mồ ngủ yên
Từ đây thôi hết buồn phiền
Từ đây hết chịu đảo điên lọc lừa
Từ đây yên ngủ dưới mồ
Cỏ xanh đắp tấm chăn mơ bạn nằm!
Không ngờ những câu thơ ấy lại vận vào đời. Hôm sau Hữu Thỉnh rất hồ hởi hứa: “Kỳ này anh Hà rất xứng đáng kết nạp…”. Ba hôm sau nghe tin Hồ Minh Hà cấp cứu vào viện, chưa đầy tuần lễ anh qua đời. Tôi phải viết lời tạ lỗi trước vong linh anh, in kèm theo bài thơ lên báo.
Nỗi ám ảnh về những câu thơ “gở” ấy thỉnh thoảng lại day trở trong lòng vậy mà vẫn không tránh được. Gần đây cùng đoàn nhà văn Việt Nam sang làm việc ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Thâm Quyến, Quảng Châu về tôi viết được chùm thơ năm bài mang khoe với vợ tôi: “Mình xem, tôi không phải mượn Cố Cung, Trường Thành, Cô Tô… gì mà người đọc vẫn thấy được nét điển hình Trung Hoa không lẫn vào đâu được. Vợ tôi đọc xong mấy bài thơ tủm tỉm cười: “Vâng, viết cho người thì rất hay, còn thì…”. Chuyện thoáng qua vậy, bỗng gợi lại tôi nghĩ về những năm xa nhà đằng đẵng, bao vất vả gian truân một vai vợ tôi gồng gánh và tuổi xuân vụt qua bao giờ… Cảm xúc dâng dâng đã thành bài thơ:
NÓI DẠI

Nói dại nếu ngày mai anh chết
Thì xin em đừng khóc lóc ngậm ngùi
Bởi anh muốn nụ cười em đằm thắm
Mãi bên anh qua cả kiếp luân hồi

Tháng ngày sống bao buồn thương vật vã
Ta đã dắt dìu nhau qua giông gió dập vùi
Nếu em khóc anh làm sao nhắm mắt
Khi biết mình em còn lại ở trên đời!

Nếu em khóc hồn anh rồi lạc lõng
Bên chấm sao le lói góc trời đêm
Biết lấy gì cho anh sưởi ấm
Tìm đâu thấy nữa nụ cười em…

Đùa vậy - chứ anh chưa chết được
Còn em đây, còn sự sống thiết tha
Chưa sống trọn làm sao mà nhắm mắt
Anh chỉ khuất đi sau giọt lệ em nhoà!
Tôi chỉ định diễn tả nỗi lòng tôi thương yêu vợ biết nhường nào… Thương em đến mức nếu số phận phải chết đi chắc không chết nổi vì còn em sống cô lẻ trên đời. Tôi giấu kín bài thơ trong sổ nháp. Vợ tôi đã yếu đau từ mấy năm trước, nàng vẫn phải cùng tôi chống chèo cả một gia đình, nay bệnh nặng dần, chỉ mấy tháng sau qua đời. “Điềm gở” không ứng vào tôi mà lại ứng vào người vợ thương yêu của tôi! In lại bài thơ với những dòng này, mong tâm sự cùng bạn đọc rằng: Trong thơ xưa nay những câu thơ, bài thơ xúc động lòng người thường chứa đựng ẩn giấu điều gì đấy linh ứng, linh cảm như thể điềm báo trước cho những may rủi buồn thương…
*.
CHỬ VĂN LONG
Địa chỉ: Thôn 2, Vạn Phúc, Thanh Trì, Hà Nội.       
Điện thoại: 035.881.82.63
Email: haicv08@gmail.com       






   ...........................................................................................................
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 10.08.2020.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại. 
.

0 comments:

Đăng nhận xét