DU TỬ LÊ HAY LÀ NHỮNG VÌ SAO CHƯA BIẾT NGỦ MỘT MÌNH - Tác giả: Trần Mạnh Hảo (Sài Gòn)

Leave a Comment

 

(Nhà thơ Du Tử Lê)

DU TỬ LÊ HAY LÀ NHỮNG VÌ SAO

CHƯA BIẾT NGỦ MỘT MÌNH

*

Chừng như phiến linh hồn điên dại chìm đắm trong yêu thương của chàng lãng tử Du Tử Lê dẫu từng vần vũ chân trời góc bể, dẫu đã lăn lộn từ thiên đường đến địa ngục, có lúc lập lòe như đom đóm, như lân tinh, lại có khi chớp giật như ma trơi, như đuốc hoả diệm sơn… ấy vậy, mà hồn chàng thi sĩ liêu trai này chúa là ghét ngủ một mình trên câu chữ, càng không bao giờ có gan ngủ một mình trên trần gian này; hay co ro như con nhộng cuốn chiếc sâu kèn mây trắng ngủ một mình trên chiếc giường trời xanh. 

(Tác giả Trần Mạnh Hảo)

Cái căn bệnh không dám ngủ một mình trên thế giới này của Du Tử Lê chính là do chàng từng đã nằm kinh niên một mình trên đời sống côi cút, ngước mắt lên chín tầng giời mà suy niệm cùng trời sao, mới khám phá ra rằng, các vì tinh tú kia mới chính là những vị thần tình yêu: rằng kẻ cô đơn phải ngủ một mình thì không thể phát sáng, không thể thành tinh cầu tinh tú tinh khôi tinh thể tinh thần tinh tướng tinh vân tinh tuý... Đây, chính là mối tình của thiên hà với ngân hà đã xui Du Tử Lê viết ra câu thơ tình của sao trời:

“…Những vì sao chưa biết ngủ một mình

Những chiếc lá quen gối đầu to nhỏ…”

(Trả lại)

Chàng thi sĩ này biết muợn nỗi cô đơn sao trời mà ngỏ cùng thế giới niềm khao khát lứa đôi của mình; rằng linh hồn chàng trong mỗi câu thơ không dám ngủ một mình trên trang giấy, cần có hồn tri âm “ngủ chung” kiểu : chữ ấp vào nghĩa, vần ôm lấy điệu, tình xoắn lấy tứ, thanh xiết lấy âm, mắt hòa trong mắt… thì chàng, hay thơ chàng mới có cơ sống nổi, mới thì thầm rung động, mới hổn hển quằn quại khiến hồn người đọc cũng vã mồ hôi, hệt như trang giấy cũng có thể run lên nỗi rung động gối chăn. Từng câu thơ của Du Tử Lê cũng không dám đi một mình trên trang giấy; chúng phải có đôi có lứa mới hay được. Một câu thơ như “chàng” phải đi sóng đôi cùng câu “nàng” mới làm nên câu thơ Du Tử Lê; ví dụ như 2 câu thơ ngũ ngôn trong bài “Chết đuối” :

"đêm vuốt mãi mắt mình

sáng ngày ra vẫn mở”

Cái nghĩa đen của cặp “vợ chồng câu thơ” trên chỉ thuần một sự tả việc mất ngủ của kẻ sốt rét lưu niên. Nhưng nhà thơ đưa chuyện “mình tự vuốt mắt mình” liên tù tì suốt đêm, vuốt mắt mình liên tục mà mắt vẫn trừng trừng mở ra tới sáng để nâng lên chuyện sống chết, chuyện đôi mắt mở ra tự trong hồn kia mới là đôi mắt đích thực thi ca. Cái sự “vuốt mắt” thường chỉ dành cho người chết. Vuốt mắt cho em (cho anh) lần cuối cùng, hãy nhắm lại đến muôn đời mà vĩnh biệt cõi nhìn cõi ngắm rồi đi vào đêm tối vĩnh cửụ Nhưng cái trạng huống mình tự vuốt mắt mình không phải để chết mà để sống, không phải để ngủ mà để thức, thì câu “đêm vuốt mãi mắt mình” nó thoát khỏi nghĩa đen mà đi vào vô cùng nghĩa bóng. Nhà thơ ơi, chính anh đã dạy tôi phải học cách “vuốt mắt” cho mình để hồn mình thành bất tử trong thơ, “vuốt mắt” cho câu chữ chết đi, ngủ đi để hồn thơ thao thức mãi cùng người đọc mà bất tử, để nỗi xúc động không bao giờ nhắm nổi mắt dẫu thức qua ngàn vạn đêm đen.

Trong bài thơ “Lúc người chết” Du Tử Lê “phó linh hồn mình” cho “ai đó” mang đi, cũng là dịp để chàng trút linh hồn mình lên trang giấy, trút vào thơ linh hồn chàng ở khắp mọi nơị Đây, linh hồn chàng Lê lãng tử chừng như không tồn tại trong thân xác chàng, mà hiện hữu ở trong hồn tạo vật, cư trú ở muôn hồn kẻ khác? “Hồn ấy” mai phục trong “môi người”, trong“tay siết”, phơi trên sa trường “ngực thơm”, “tóc rối”…Vâng, chính là Du Tử Lê gọi hồn về để thơ, để yêu và để chết :

“…hãy mang đi hồn tôi

một hồn đầy môi người

một hồn đầy tóc rối

một hồn đầy máu tươi

một hồn đầy tay siết

một hồn đầy ngực thơm

hãy mang đi hồn tôi

một hồn đầy côn trùng

một hồn đầy tháp chuông

ngân nga lời báo tử…”

Kẻ viết bài này tự nhiên thấy mê “một hồn đầy tháp chuông” của nhà thơ quê gốc Hà Nam đang cư trú tại chân mây cuối trời; chỉ cần người đọc ngó vào bằng tình thương mến là thơ của chàng Du Tử Lê sẽ ngân nga “chuông nguyện hồn ai”, nguyện lời kinh cầu đôi lứa: xin đừng bắt ngay cả niềm hư vô phải ngủ một mình ngoài nỗi chết, cầu xin từng vì cô đơn mọc lên cùng một vì cô đơn khác mà sóng đôi từng cặp tinh cầu… Cái hồn thi sĩ “đầy tháp chuông” kể cũng đã là lạ; nhưng Du Tử Lê vốn thích vượt qua những giới hạn mà lạ lùng hơn nữa khi trưng bày thơ mình với “một hồn đầy côn trùng” rỉ rả tiếng giun dế thê lương; hẳn là nhà thơ còn chất chứa trong thân xác mình một hồn hoang vu, vắng ngắt, chưa có ánh lửa tình yêu khai khẩn. Nghĩa là một phía hồn ngân nga chuông mõ, một phía hồn ếch nhái ễnh ương : một hồn thiên đường và một hồn địa phủ cùng toòng teng trên đôi gánh thi ca của chàng thi sĩ đang qua cầu Ô Thước đi tìm nàng thơ của mưa phùn tháng bảy ngàn xưa…

Cái hồn Du Tử Lê hay hồn câu chữ như ma xó rình trong mỗi góc giấy âm u kia lúc thì là tháp chuông, lúc lại rên rỉ lời giun dế, lúc lại khôn như tinh, như quái :

“ hồn tôi ngủ sớm trong tay áo

tay áo người bay hương ngất ngây”

(Khi người về)

Xin những nàng mê thơ Du Tử Lê, những nàng mới đọc thơ Du Tử Lê, hãy coi chừng mùi hương lạ “ngủ sớm trong tay áo” mình; biết đâu mùi hương ấy chính là hồn thi sĩ đang nghẹn ngào níu bám ký sinh đâu đó trên “toà thiên nhiên” diễm lệ mình mà giũ chẳng ra, đuổi chẳng đi như ma ám, quỷ ám chăng ? Xin những nàng tay thon búp gió đang mở tờ thơ chàng Du Tử họ Lê hãy cảnh giác với những nhành câu chữ như dây tơ hồng, như dây trầu cuốn quýt đang từ trang giấy leo dần vào hồn ai niềm thi hứng nồng nàn dấu yêu, làm nàng thơ không còn có thể hờ hững, khiến đôi “tay áo người” sẽ phất lên thành cánh vạc bay, y như lời “dụ” của Trịnh Công Sơn năm nào ta còn trăng mười sáu: “Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ”! Còn nếu hồn thơ, hồn thi sĩ kia chưa biết cách “ngủ sớm trong tay áo” nàng - người đọc thơ, nàng đã vút bay lên thành chim, thì hồn anh đây, thơ anh đây xin nguyện làm vôi vữa :

“người kiêu sa thế tôi đành ước

vôi vữa cho người lát tuổi xuân”

(Khi người về)

Thì ra, qua Du Tử Lê, tôi mới biết thêm một khả năng rất vật chất của thi ca, là thơ, hay hồn thơ của anh có thể biến thành vôi vữa cho bao nàng lát tuổi xuân thì. Chao ôi, khi tuổi xuân như thi ca, như hoa cỏ kia được vôi vữa níu lại mà dính kết với nhau thành lối vào đời, thành con đường son trẻ, ngoái lại mà rưng rưng, mà thương lắm hồn người còn dính kết gấp ngàn lần vôi vữa xưa, gạch đá xưa, dấu chân xưa, em xưa, nay dường như chỉ còn “đỉnh gió hú” ngoài không gian -trang giấy :

“ cầm bằng bãi gió mây qua

đôi chân nhỏ dại lỡ sa vào đời

cầm bằng nước mắt trôi xuôi

tiếng đâu thê thảm hú ngoài không gian”

(cầm bằng)

Nhưng thi sĩ là loài ngay ở trong tuyệt vọng vẫn tìm thấy hi vọng, dưới vực sâu vẫn thích cứu kẻ chết đuối trên bờ. Tay cầm cơn gió hú, ngoài vạn dặm tinh cầu mà thi sĩ vẫn dìu được người tình đi vào cơn mê dại thuở yêu xong rồi chết, hôn xong rồi tắt thở cũng đành như trong bài: “dỗ giấc người bất hạnh”:

“chân bước chậm sao đường về vẫn ngắn

hôn nát nhàu cả mặt vẫn chưa buông”

Yêu và hôn nhau “nát nhàu cả mặt vẫn chưa buông” này kiểu Du Tử Lê thì Xuân Diệu cũng đành chào thuạ Bởi Xuân Diệu yêu “kinh khiếp” bằng cả răng: “Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi” nhưng chỉ “dọa” cắn vào cái trừu tượng, cắn vào cái “xuân hồng”- cắn cái biểu trưng, thì cắn bao nhiêu cũng chẳng làm ai quằn quại, mê lỵ Còn Du Tử Lê yêu khác hẳn, hôn khác hẳn Xuân Diệu, hôn cấp tập như dàn pháo binh Tân Tây lan chiến trường xưa, hôn liên tù tì như chim gõ kiến, như con bổ củi điên lên muốn bổ vỡ đầu mình, hôn như gấu hôn đõ mật ong, hôn như đêm hạ tuần hôn khuyết cả mặt trăng, như cửa sông hôn nát nhàu mặt biển mới là cái hôn của tình yêu núi lửa chết ngườị Và thơ ca anh đã hôn nát nhàu bao nhiêu hồn thiếu nữ?

Tôi ngờ rằng những cái hôn điên cuồng thi sĩ ấy của Du Tử Lê từng làm vỗ cánh bao hạc vàng hư tưởng. Yêu như có quỷ sứ ẩn trong người, yêu như Lưu Linh mang quan tài đến cuộc uống rượu ấy là cách yêu của sông bể, của thác nguồn, làm cho cả chữ nghĩa cũng khiếp hãi toan bỏ chạy, để hồn Du Tử Lê hoá cơn giông mà đuổi bắt câu thơ, cũng là đuổi bắt những “huyền châu” vút cánh:

“cánh vàng đã vỗ muôn xa

vó thu ngựa ngủ đời ta lưng gù

giữa vùng hư tưởng đêm lu

tay xưa mắt nọ kỳ khu hồn người”

(và huyền châu)

Du Tử Lê đã vắt mình thành gió khi yêụ Chừng như đêm đêm chàng vẫn ngủ chung giường với gió, có khi ôm cả cơn mưa mà ngủ trên đờị Du Tử Lê một đời yêu đã luyện trái tim, luyện thi ca thành tinh, thành ma xó hay sao mà viết được câu thơ lạ lùng như thế này hở giời:

“Khi ta đến núi bảo nhau đứng dậy

ngả mũ chào – ta ngọn gió điên mê”

(khi ngang qua pleime)

Ờ nhỉ, khi ta chưa đến thì núi dẫu cao mấy cũng chìm xuống đất sâụ Ngó lại chân trời dẫu là núi cũng bị hư vô nuốt sống. Và chỉ khi nào anh- chàng thi sĩ có bùa yêu bước đến, núi như các em ta, các nàng ta đã yêu (và chưa kịp yêu) mới “bảo nhau đứng dậy”, chào ta! Với Du Tử Lê, núi kia thực ra cũng chính là người đấỵ Không hiểu bằng cách nào, Du Tử Lê - đệ tử của các vì sao không bao giờ biết ngủ một mình trên trời và trên đời, lại học được phép cưới núi làm vợ để suốt đời hoá “ngọn gió điên mê”?

*.

TRẦN MẠNH HẢO

Địa chỉ: Số nhà 220/22 phố Hồ Văn Huê,

quận Phú Nhuận, thành phố Sài Gòn

Email: hungdimy@yahoo.com

.

 

.  

 

 

.............................................................................................................

- Cập nhật từ email: datinh_1974@yahoo.com, ngày 14.11.2020.

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại. 

.  

0 comments:

Đăng nhận xét