MẤY DÒNG TIẾP NỐI - Tản văn Chử Văn Long (Hà Nội)

Leave a Comment

 

MẤY DÒNG TIẾP NỐI

*

Tôi vừa trao vào tay bạn “Ngàn câu thương nhớ” tôi đã viết trong những năm tháng lắm buồn thương day dứt của đời mình, với sự chia sẻ của người vợ thương chồng yêu con hết mực, sau nhiều năm gánh vác việc gia đình một mình cho chồng đi xa, nàng đã kiệt sức, ốm đau bệnh tật mấy năm liền, nhà cửa hết sức bần bách, nhưng chưa một lần trách chồng dù chỉ là một lời nặng nhẹ. Nhờ vậy, tôi mới hoàn thành được nhiệm vụ “sưu tầm tập ca dao” của mình… Chỉ tiếc đến nay tập sách được ra đời thì người vợ thương yêu của tôi đã không còn, để tôi được đặt vào tay em những câu từng thấm cùng nước mắt sẻ chia xa xót một thời. Tôi chỉ còn biết đặt bản sách đầu tiên lên bàn thờ cạnh tấm ảnh em trước khi trao tặng bạn bè, thắp nén nhang tưởng vọng với niềm ân hận cho những mơ mộng một đời cầm bút làm thơ, xuống biển lên rừng, đã trút lên vai em tất cả nhọc nhằn vất vả, mà chỉ đến khi đặt tấm quan tài em xuống lòng đất sâu, tôi mới thực sự nhận ra hết được điều này. Tôi đã viết hơn ba chục bài thơ khóc vợ in trong tập “Ngôi sao khóc”, có những câu:  

(Tác giả Chử Văn Long)

Thơ anh còn để làm gì

Mộng mơ thành đám mây chì trên không

Thôi em ở lại cánh đồng

Cỏ xanh xanh đến não nùng chiều quê…

Mà đến bây giờ lòng vẫn chẳng nguôi.

Giờ tập sách tôi đã nằm trong tay bạn. Bạn có thể phân định đây là ca dao, tục ngữ, là thơ hay là văn vần mà tôi dùng để chuyền tải niềm vui, nỗi buồn của đời mình trải gặp cùng tháng năm xa.

Gọi là thơ, thì bằng kinh nghiệm đời làm thơ của mình, tôi thấy mỗi câu trong tập tuy có gợi cảm rung động thơ nhưng ý tưởng nghệ thuật diễn đạt sao mà nó giống với ca dao truyền thống dân gian đến vậy. Từ tình cảm biểu thị, tâm lý cảm xúc, những phong tục tập quán, nếp sống, được nhắc đến như đã có tự bao đời.

Khác chăng, là những câu ca dao này lại ra đời vào những năm 1980. Khi tuyển tập “Tục ngữ ca dao dân ca Việt Nam” của nhà văn Vũ Ngọc Phan từ lâu dầy công chọn lựa, biên soạn, gần như đã khép lại việc nghiên cứu về văn học dân gian truyền miệng. Chả lẽ đây là ngoại lệ. Vẫn những câu ca dao diễn đạt tình cảm của con người lao động chân chất, lòng khao khát cuộc sống vị tha, gia đình, xã hội; tương tự như thế mà không phải ca dao tục ngữ truyền miệng, lại có tác giả đi kèm.

Hoàn cảnh ra đời những câu ca dao trên, tôi đã tâm sự cùng bạn đọc ở phần bài viết đầu sách.

Nhờ có mười năm đi thanh niên xung phong để lòng sớm nhận biết được những sống chết, khổ đau, những thao thức nhớ nhung chia biệt. Rồi phải khó khăn lắm mới trở về được lại chính quê mình, một làng quê ngoại thành còn nguyên nét đẹp thanh bình, với bến đò ngang trên khúc sông Hồng uốn lượn, kề sát ngôi đình cổ đứng chênh vênh, qua bao trận lũ lụt, lở bồi. Những cây me cổ thụ không biết đã bao nhiêu tuổi vẫn xanh rợp sân đình đợi tôi về ngồi dưới gốc cây, như thuở tung tăng cắp sách đến trường.

Trăng đêm vẫn còn nguyên ánh sáng lụa là của vầng trăng cổ tích.

Nhịp sống làm lụng, cần mẫn, âu lo, của một làng quê như còn phong nguyên nếp cũ. Những cô gái trên vai gánh nặng nhọc nhằn, khi đặt gánh xuống bến sông, tóc búi gọn lên, để nguyên quần áo chạy ào xuống sông tắm gội, tay té nước đuổi nhau làm nên những trận mưa rào, tiếng cười, tiếng nói ríu ran, đã xua tan biến đi hết nhọc nhằn… Thế là nửa phần đời vật vã nghĩ suy của tôi được hoà vào nửa phần đời sáng trong mơ mộng, làm nên những câu ca dao đằm thắm, thuỷ chung.

Tôi viết ca dao mà đâu có ý viết ca dao. Cho nên sau tập sách này và gần chục tập thơ đã xuất bản, dù vẫn có những dự định tiếp theo, tôi xin lại được “cầu may số phận” dẫn dắt tôi đi những chặng đường “không yên ghềnh, lặng bến”, cho con tim mệt mỏi không được biếng lười ngơi nghỉ, nó sẽ hối thúc tôi cầm bút trả tiếp món nợ văn chương. Nhưng trả cho ai và trả đến bao giờ, chính tôi cũng không biết nữa - như “Ngàn câu thương nhớ” tôi đã viết ra đây, biết gửi cùng thương nhớ tới ai!

*.

CHỬ VĂN LONG

Địa chỉ: Thôn 2, Vạn Phúc, Thanh Trì, Hà Nội.       

Điện thoại: 035.881.82.63

Email: haicv08@gmail.com       

 

 

 

 

 

 

   ...........................................................................................................

- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 10.12.2020.

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại. 

.

0 comments:

Đăng nhận xét