ĐỜI TƯ CÁC VỊ HOÀNG ĐẾ TRUNG HOA: BẮC TỀ VĂN TUYÊN ĐẾ CAO DƯƠNG - Trần Đình Hiến chuyển ngữ

Leave a Comment

 

BẮC TỀ VĂN TUYÊN ĐẾ CAO DƯƠNG:

Mắc bệnh tâm thần, một kẻ “hippi”

*

Lời ca:

Người đẹp gieo mình Ô Giang,

Lửa thiêu Xích Bích

Tướng quân vật vờ ải Ngọc Môn.

Cảm thương Tần Hán, lê dân điêu tàn,

Kẻ đọc sách cất một tiếng than!

Trên đây là bài “Hoài cổ” của Trương Khả Cửu đời Nguyên.

Thực ra, quạ ở đâu cũng đen, đảy lê dân vào cảnh lầm than không chỉ triều Tần, triều Hán, chẳng  qua họ Trương cũng muốn mượn chén rượu người xưa để tưới nấm mồ trong lòng mình.

(Tác giả Trần Đình Hiến)

Những chuyện khiến co “kẻ đọc sách cất một tiếng than” có nhiều lắm!

Thí dụ như trên kia ta đã kể ra rất nhiều hôn quân bạo chúa, hay như trong bài này nói về Bắc Tề Văn Tuyên Đế Cao Dương. Hành trang của họ đáng để người đời chỉ tên vạch mặt.

Bắc Tề vốn là một đế quốc do người Hán dựng nên, nhưng trên thực tế, người sáng lập là Cao Hoan, người Hán có gốc tộc Tiên Ty trăm phần trăm. Cao Dương là con trai Cao Hoan, nhưng về mặt tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ, thì không bằng cha.

 

1. CHA NHƯ RỒNG, ANH NHƯ HỔ, BẢN THÂN KHÔNG BẰNG CON KHUYỂN. VỢ CŨNG GIẾT, EM CŨNG GIẾT, NGÀY NÀO CŨNG PHẢI GIẾT NGƯỜI.

Giống như vương triều Tây Tấn giành lấy chính quyền  từ vương triều Tào Nguỵ. Vương triều Bắc Tề của Cao Dương là do cố gắng của hai đời gồm ba người, cuối cùng bằng phương thức nhường ngôi mà đoạt lấy chính quyền từ tay Nguyên Nguỵ. Mọi người có lời bình như sau về người sáng lập vương triều Tây Tấn Tư Mã Viêm: Thờ tổ họ xa. Còn Cao Dương thì kém xa Tư Mã Viêm.

Tháng ba năm 550, Cao Dương vừa mới được phong là Thừa tướng, Đô Đốc Trung Ngoại Chư Quân Sự, đã được đằng chân lân đằng đầu, cùng các thủ hạ là Cao Đức Chính, Từ Chi Tài, Tống Cảnh Nghiệp bàn nhau cướp ngôi Nguỵ. Chuyện đến tai mẹ đẻ Cao Dương là Lâu Thái Phi. Lâu Thái Phi gọi Cao Dương đến mà răn rằng: “Cha ngươi (Cao Hoàn) như rồng, anh người (Cao Trừng) như hổ, bởi ngôi trời không thể  tuỳ tiện ngồi lên, nên suốt đời ngoảnh mặt về phương Bắc. Ngươi là người như thế nào mà dám làm công việc của vua Nghiêu, vua Vũ? Cao Dương khi đó vẫn chưa đến nỗi cao ngạo, bị mắng như tát nước vào mặt mà vẫn phải chịu.

Lâu Thái Phi mắng như vậy có đúng không/

Về sau, sự thực đã chứng minh là đúng. Cao Dương đã không được như rồng, lại không được như hổ, thậm chí ngay con khuyển cũng không bằng.

Một nhà sử học khi nghiên cứu về lịch sử Bắc Tề cho rằng: Cao Dương có hai cách thích đủ để dẫn đến toi mạng: một là thích rượu, hai là thích giết người.

Cao Dương thích rượu, đã uống là uống thật say, đã say là giết người.

Liên tục có những cung nữ, hoạn quan, thủ hạ thân tín chết dưới lưỡi gươm của Cao Dương. Để thoả mãn sở thích giết người của nhà vua, bộ môn Tư Pháp bèn đưa những kẻ kết án tử hình vào cung, cung cấp cho nhà vua những khi cần. Về sau, Cao Dương ngày ngày uống nhiều lên, tử tù không đủ, phải lấy những kẻ phạm pháp chưa xét để bù vào, loại phạm này có tên là “cung ngự từ” (phạm nhân cung cấp cho nhà vua). Với những kẻ “cung ngự tù”, quy định như sau: Vua đi đến đâu thì theo đến đó, nếu quá ba tháng mà không bị chết, thì coi như vô tội, được tha.

Cao Dương giết người là để đạt tới cái khoái giết người. Lý do và phương thức giết người cũng ly kỳ, không lần nào giống lần nào.

Bộc Xạ Thôi Xiêm là trọng thần của ba triều, từng là tâm phúc của cha Cao Dương là Cao Hoan. Khi ông này chết, Cao Dương đến phúng viếng.

Thấy nhà vua ngự giá giáng lâm, vợ Thôi Xiêm là Lý Thị cố nén đau xót trong lòng, miệng kêu “nghênh giá” rồi quỳ xụp xuống. Lý Thị có nhan sắc, Cao Dương trông thấy bèn nổi lòng dục, bất chấp mọi người đang có mặt ở đấy, ôm lấy Lý Thị mà ve vuốt, trông rất là ố. Lý Thị kiên quyết không chịu, Cao Dương thẹn quá hoá hận, sai bê một chiếc ghế đến, ngồi vắt vẻo trên ghế, rồi như biến thành một người khác hẳn, nghiêm giọng hỏi Lý Thị:

- Vậy là nhà ngươi rất nhớ người chồng đã qúa cố phải không?

- Tâu Bệ hạ - Lý thị sửa lại xống áo cho chỉnh tề, đáp – Ai mà không nhớ! Tục ngữ có câu “vợ chồng một ngày nên nghĩa...”

Không đợi Lý Thị nói hết câu, Cao Dương tiếp lời:

- Được, nhà ngươi đã  trung trinh đến như vậy, Trẫm rất phục. Nay Trẫm cử người làm sứ giả xuống đại phủ, thay mặt Trẫm hỏi chồng ngươi - ái khanh Thôi Xiêm, có anh lành không? – Nói xong, không đợi Lý Thị kịp suy ngẫm về câu nói, lệnh cho thủ hạ ra tay giết chết Lý Thị, một phụ nữ như hoa như ngọc, rồi nhà vua tự tay xách đầu Lý Thị quẳng ra ngoài tường.

Ái phi của Cao Dương là Tiết Quý Tần, vốn xuất thân ca kỹ, Cao Dương yêu Tiết thị. Một hôm, Cao Dương đến nhà chị uống rượu, vì không bằng lòng về việc chị này xin cho cha làm quan, giết luôn chị ta. Giận cá chém thớt, Cao Dương lại nhớ đến một chuyện. Đó là khi Tiết Quý Tần chưa trở thành Quý Tần. Thanh Hà  Vương Cao Nhạc khoe rằng ông ta gian díu với một kỹ nữ, cô này đẹp từ trong ra ngoài, thuật trên giường thì không chê vào đâu được. Chính do Cao Nhạc giới thiệu mà Cao Dương vì ái mộ mà tuyển Tiết Thị. Nay nhớ lại mà lợm giọng về con giặc cái này, đường đường là một bậc chí tôn mà lại sài ‘sái nhị’ của Thanh Hà Vương! Thế là, Cao Dương ra lệnh giết chết Tiết Quý Tần.

Giết Tiết Quý Tần, Cao Dương sai chặt chân tay thân xác, dóc hết thịt, lấy xương đùi làm cây đàn tì bà, và trong một buổi yến hội, vừa gảy “cây đàn tự chế thân yêu, vừa hát khúc ca ai oán “Giai nhân khó mà gặp lại!”

Về những hành động ngang ngược của Cao Dương, có rất nhiều người dâng thư, can gián vì đại cục của nền thống trị Bắc Tề.

Hai em trai Cao Dương; Vĩnh An Giản Bình Vương Cao Tuấn, Thượng Đảng Cương Túc Vương Cao Hoán, nghĩ tình anh em trong nhà nên không sợ búa rìu, nhiều lần dâng thư khuyên can. Trong cơn giận, Cao Dương sai người bắt Cao Tuấn, Cao Hoán nhốt vào cũi sắt rồi giam dưới hầm ngầm, “ăn ỉa tại chỗ”. Thời gian sau, Cao Dương đến thăm hai người, nhưng chỉ đứng ngoài mà hát, và ra lệnh cho hai người hát theo. Hai người vừa giận vừa uất (Cao Tuấn là em trai thứ ba, Cao Hoán là em trai thứ bẩy của Cao Dương) nên tiếng hát run rẩy. Cao Dương bỗng oà khóc, hai người lầm tưởng  anh hai rủ lòng thương mà xá tội cho mình. Ai ngờ tiếng khóc vừa dứt, Cao Dương giật lấy cây xà mâu dài trong tay vệ sĩ, nhằm vào hai người mà đâm. Về vũ công, Cao Dương kém hai em, nên lệnh cho tên gia nô đâm tiếp. Cao  Tuấn và Cao Hoán vẫn chưa chết. Thú tính nổi lên, Cao Dương lệnh đem củi đến thiêu sống Cao Tuấn và Cao Hoán.

 

2. KHINH RẺ MẠNG NGƯỜI, DÙ ĐÓ LÀ MẸ ĐẺ, MẸ VỢ GƯƠNG TRONG TAY, ĐẦU THIÊN HẠ, OÁN HẬN CÓ KỂ GÌ!

Cao Dương là con người nhỏ nhen, bình thường thì tỏ ra nhu nhược, nhưng khi nắm đại quyền trong tay thì bắt đầu trả thù, mà về khoản trả thù thì Cao Dương là vô địch trên đời.

Trên kia ta đã kể chuyện Cao Dương thiêu chết hai em trai. Nguyên nhân trực tiếp là hai người dâng thư can gián, gây trở ngại cho Cao Dương hoành hành ngang ngược. Nhưng đằng sau còn có một nguyên nhân khác. Một nguyên nhân mà nói ra thật tức cười.

Thì ra, hồi nhỏ Cao Dương rất bẩn, mặt bé choắt lúc nào cũng nhem nhuốc, mũi thì lòng thòng, thường thì ‘mũi dài hơn người”. Cao Tuấn ít tuổi hơn Cao Dương thường nửa trách, nửa giễu Cao Dương bằng câu: “Các anh sao lười quá, không chùi mũi cho anh hai?” Chỉ là câu nói đùa, nhưng Cao Dương thì ghi xương khắc cốt, dẫn đến chuyện giết em sau này.

Về sau, khi làm vua, với tư tưởng “Ta đây nhất thiên hạ’, Cao Dương không từ một ai, kể cả mẹ đẻ, khi nổi máu là Cao Dương giở trò du côn.

Vợ Cao Dương, Hoàng hậu Lý Tố Nga là con gái Lý Hy Tông ở Triệu quận. Sử chép rằng, nàng “dung đức thậm mỹ” (được người được nết). Cao Dương thường tỏ ra bằng lòng về Hoàng hậu. Tháng 10 nưm 553, một hôm Cao Dương đột nhiên đến nhà mẹ vợ – Lý Phủ. Mọi người trong phủ lý hành lễ xong lần lượt rút lui, chỉ còn lại Lý phu nhân, mẹ đẻ của Hoàng hậu. Không hiểu Lý phu nhân đã xúc phạm đến dây thần kinh nào của Cao Dương, mà Cao Dương giật lấy cung tên từ  tay một vệ sĩ, bắn một phát trúng mặt Lý phu nhân, rồi quát tháo ầm ĩ; “Trẫm  mà say thì bất kể cả mẹ đẻ, mụ là cái thá gì? Tiếp đó, tiếp đó lệnh cho thủ hạ đánh Lý phu nhân một trăm roi da ngay trước mặt Hoàng hậu.

Khi Cao Dương nổi cơn điên thì tả hữu đều câm như hến, không ai dám can ngăn, vì Trẫm mà say thì bất kể cả mẹ đẻ, đâu phải câu nói suông!

Trước đó ít lâu, mẹ đẻ Cao Dương là Lâu Thái hậu thấy Cao Dương uống rượu như hũ chìm, đã từng nghĩ cách răn dạy, bèn gọi Cao Dương đến, vừa giơ gâỵ doạ đánh thì Cao Dương buột miệng chửi:

- Đồ chết dẫm! Định đánh Trẫm hả? Ít hôm nữa sẽ gả ngươi cho bọn rợ Hồ, xem ngươi còn hung hăng nữa thôi!

Thái hậu uất quá, hôn mê bất tỉnh.

 

3. ĂN MẶC HỞ HANG, LÊ LA ĐẦU ĐƯỜNG XÓ CHỢ, ĐÁNG MẶT MỘT “HIPPI” CỔ ĐẠI. GỬI TRỨNG ÁC “XIN ĐỪNG GIẾT CON TA”, KHI CHẾT VẪN KHÙNG ĐIÊN.

Tháng 7 năm 556, một buổi sáng, gia đình  họ Lý ở kế cận Hoàng cung, ngủ dậy đã thấy rất nhiều người lố nhố ngoài hiên. Bọn người này ăn mặc hở hang, thậm chí có tên gần như không mặc quần áo. Chúng là ai vậy? Họ Lý vội đi báo quan. Khi quan địa phương tới nơi, bọn chúng vẫn ở đấy. Viên huyện lệnh từ xa đã thấy bọn này có vẻ đồi phong bại tục thì cả giận định ra lệnh bắt nhưng khi đến gần thì hoảng hốt vội quỳ xuống lạy van “thần tội đáng chết!”

Té ra, tên cầm đầu  bọn người không phải ai khác, mà chính là Cao Dương, đương kim Hoàng đế.

Đây là một chuyện có thực ghi trong lịch sử Bắc Tề:

Theo “Bắc Tề thư. Văn Tuyên Đế kỷ: “Sau sáu bảy năm làm vua, Cao Dương trở lên kiêu ngạo và bắt đầu xa đoạ, gian dâm bạo ngược, hoặc ca hát thâu đêm suốt sáng, hoặc ăn mặc hở hang, trang điểm loè loẹt, đầu bù tóc rối, tay đao tay cung, ngông nghênh kẻ chợ”. Đúng là một “Hippi” thời cổ đại, nếu như thời ấy đã có hippi!

Ông vua “Hippi” này, ngoài việc uống rượu và giết người, còn nhiều tiết mục khác như cưỡi lừa, cưỡi ngựa không dùng roi, ở chuồng không mảnh vải che thân, nằm ườn dưới nắng, rồi thì phân thối một số kỹ nữ  cho tả hữu, để rồi sau dó “sớm tối đến chơi”. Những trò như vậy không kể xiết.

Do một thời gian dài hoang dâm vô độ, Cao Dương bị bệnh đau dạ dày. Một năm trước khi chết đã không ăn được cơm, nhưng rượu thì ngày nào cũng uống.

Ngày Giáp Ngọ tháng 10 năm 559, biết mình không thể sống, Cao Dương cho gọi Hoàng hậu Lý Tố Nga và em trai thứ sáu là Trung Đơn Vương Cao Diễn và ngoạ thất.

Ông vua tâm thần này, trước khi chết còn lên cơn. Ông ta thờ dài, nói:

- Người ta ai cũng chết, Trẫm chết cũng không có gi phải tiếc, chỉ e Thái tử còn nhỏ quá, sợ rằng không giữ được ngôi báu – Nói đến đây nhà vua quay sang nói với Cao Diễn – Trẫm biết nhà ngươi có tài và có ý cướp ngôi. Trẫm sắp đi rồi, chuyện ấy tuỳ nhà ngươi, chỉ đề nghị sau khi cướp ngôi, đừng giết đứa con đáng thương của Trẫm!

Giả dụ có người không hiểu câu: “Gửi trứng cho ác”, thì chỉ cần nghe lời nói của Cao Dương trước khi chết và hành động của Cao Diễn sau đó, thì sẽ hiểu. Khi Cao Dương còn sống, mỗi khi nổi cơn điên, duy chỉ có Cao Diễn là có mặt, những người khác lẩn đi cả. Khi đó, Cao Dương đã có ý nghi ngờ Cao Diễn. Sau khi Cao Dương chết, nhân dịp yến hội, Cao Diễn giết phăng các cố mệnh đại thần Dương Âm, Yên Từ Hiếm, Khả Chu Hỗn Thiên Hòa. Chu Khánh Đạo,  tiếp đó phế truất con trai Cao Dương là Cao An rồi tự lập làm vua, ít lâu sau, giết chết Cao An.

Đó là vào tháng 9 năm 561, sau cái chết của Cao Dương hơn một năm.

*

TRẦN ĐÌNH HIẾN

Địa chỉ: số nhà 45 phố Phan Bội Châu,

Quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.

 

 

 

 

.............................................................................................................

- Công ty TNHH Văn Hóa Bảo Thắng giữ bản quyền. 

- Cập nhật theo bản lưu trữ tại tại Công ty TNHH Văn Hóa Bảo Thắng.

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

.

0 comments:

Đăng nhận xét