ĐỌC
‘VỀ THU XẾP LẠI’
CỦA
ĐỖ HỒNG NGỌC
*
Cảm
giác đầu tiên khi đọc tác phẩm mới này của Đỗ Hồng Ngọc, có thể thấy rằng đây
là những dòng chữ từ một người sắp ra đi… Chẳng phải sao, ngay trên tựa sách đã
ghi là “Về thu xếp lại..”. (Tác giả Nguyên Giác)
Đúng
là trong các tản văn có nói về tuổi già, về bệnh, về những người bạn đã ra đi –
trong đó, ngay ở Lời Ngỏ là ghi lại hình ảnh tới thăm người bạn thân, nhạc sĩ
Trịnh Công Sơn, tại phòng Săn sóc đặc biệt Bệnh viện Chợ Rẫy.
Tác
giả Đỗ Hồng Ngọc, một bác sĩ về hưu và đang giữ thói quen Thiền tập hàng ngày,
tự ghi lại hình ảnh của mình, trích:
“…Thấy những bạn trẻ... trên dưới bảy mươi mà
“gato”! Mới vài năm thôi mà mọi thứ đảo ngược cả rồi. Bây giờ có vẻ như tôi
đang lùi dần về lại tuổi ấu thơ, tuổi chập chững, tuổi nằm nôi...” (Lời
Ngỏ, Về thu xếp lại..)
Cần
ghi nhận rằng chữ “gato” trong đoạn trên là tiếng lóng trong nước, có nghĩa
“ghen ăn tức ở” dùng trong giới trẻ. Như thế, hình ảnh tuổi già dưới mắt ĐHN
rất mực độc đáo: phải cao niên tới một tuổi nào đó, mới thấy mình như tuổi ấu
thơ (vì trí nhớ lãng đãng rồi), thấy mình ở tuổi chập chững (vì đi lụm khụm
rồi), thấy mình như tuổi nằm nôi (vì phần nhiều là nằm bệnh)…
Tuy
nhiên, giọng văn không hề bi quan tí nào. Từng trang sách là những dòng chữ rất
mực yêu thương trần gian này. Ông nói về già và bệnh, đồng thời đưa ra kinh
nghiệm lạc quan của bản thân về Thiền tập, về quán niệm hơi thở, về trải nghiệm
những dòng chảy thời gian trên cơ thể, trên trí nhớ…
Đỗ
Hồng Ngọc nói về khổ đau, nhưng chỉ xem như là chuyện hoa nở hoa tàn, như ở
Chương cuối trong “Về thu xếp lại..”: “…tại
vì có cái ta mà phát sanh phiền não, khổ đau. Pháp vận hành theo pháp, chẳng vì
ta. Chẳng vì ta mà hoa nở hoa tàn. Nếu không can thiệp thì nó vậy là nó vậy. Sự
phân biệt chính là can thiệp, dính mắc.”
Đỗ
Hồng Ngọc nói về cái chết, nhưng chỉ xem như một quà tặng từ cõi trần gian, trong
cùng chương vừa dẫn: “Thuốc đã sẵn có.
Phật giáo nhìn cái chết là sự vận hành của pháp. Chết là sự chấm dứt tạm thời
của một hiện tượng tạm thời, cái sống. Cho nên chết không phải là hết. Cái
sống, một hiện tượng tạm thời và vận động không ngừng, vô thường thú vị, một
bonus, nên cái chết cũng là vô thường, một bonus khác.”
Không
phải là mượn lời của ai, hay dẫn lại từ sách, mà tất cả là từ kinh nghiệm của
nhà văn Đỗ Hồng Ngọc, cùng chương vừa dẫn: “Không
phải là lý thuyết suông, mà là sự thực nghiệm, thể nghiệm ngay trên bản thân
mình. Hãy đến và nếm thử. Mô tả không được!”
Không
phải nếm thử cái chết, tuy rằng Đức Phật có dạy pháp niệm tử. Nơi đây, nhà văn
họ Đỗ nói rằng những thể nghiệm trong cõi trần gian tuyệt vời đó là từ bản thân
ông khi sống với Kinh Phật, trích cùng chương vừa dẫn:
“Mà thấy Pháp tức là thấy Phật. Pháp nó tự
vận hành. Không có người vận hành. Không có ta. Cho nên Phật dạy cách khác đơn
giản hơn: Cái thấy chỉ là cái thấy. Cái nghe chỉ là cái nghe. Chỉ vậy. Khi có
cái “ta” xen vào: Ta thấy, ta nghe... thì đã sinh sự. Có ta hay không có ta thì
pháp nó cũng cứ vận hành như vậy. Nhưng bằng cách nào để sống được “cái thấy
chỉ là cái thấy”? Vì ta không phải là gỗ đá, vô tri. Vấn đề chỉ ở chỗ không
dính mắc. Cô hoa hậu xinh đẹp thì thấy là xinh đẹp, nhưng dính vào thì tiêu!”
Chỉ
trong vòng mấy câu trên, chưa hết một đoạn văn, Đỗ Hồng Ngọc đã ghi lại “sự
thực nghiệm, thể nghiệm ngay trên bản thân mình. Hãy đến và nếm thử” một số bản
kinh nhà Phật.
“Thấy Pháp tức là thấy Phật” là từ Kinh Tương
Ưng SN 22.87, khi Đức Phật thăm ngài Vakkali đang bệnh, và nói: “Vakkali, hễ ai
thấy Pháp là thấy ta; ai thấy ta là thấy Pháp.”
“Pháp nó tự vận hành. Không có người vận
hành. Không có ta” là từ Luật duyên khởi, không hề có cái gì gọi là ta hay
người. Trong Kinh Trung Bộ MN 115, Đức Phật nói: “Nếu cái này có, cái kia có; do cái này sanh, cái kia sanh. Nếu cái này
không có, cái kia không có; do cái này diệt, cái kia diệt…” Không hề có bất
kỳ ai vận hành, và cũng chẳng có cái ta nào.
Đỗ
Hồng Ngọc lại tiếp rằng lời Phật dạy hãy giữ cái thấy nghe chỉ là cái thấy nghe…
chính là từ Kinh Bahiya.
Họ
Đỗ lại thêm rằng chỉ là ở chỗ không dính mắc… câu này là từ Kinh Kim Cương và
rất nhiều kinh khác.
Đỗ
Hồng Ngọc dẫn ra cội nguồn khổ là từ tham ái bằng hình ảnh cô hoa hậu xinh đẹp…
cũng từ rất nhiều kinh.
Tuyệt
vời cho nhà văn Đỗ Hồng Ngọc và cho bất kỳ ai đã có thể sống được như ông, khi
đã “thể nghiệm ngay trên bản thân mình” những bản kinh Phật như thế.
Nhưng
không khô khan hay trịnh trọng chút nào. Văn của Đỗ Hồng Ngọc không hề khô khan
như các lớp toán hay vật lý chúng ta đã trải qua.
Trước
tiên là cách đặt nhan đề, sách và chương sách – tất cả đều từ ngôn ngữ thơ mộng
của Trịnh Công Sơn, người bạn thân của tác giả. Nhưng chính cách kể chuyện của
Đỗ Hồng Ngọc mới là độc đáo, tuyệt vời, luôn luôn gây giật mình cho độc giả.
Thí
dụ, tuổi đẹp nhất của đời người? Như dường là hầu hết mọi người đều đoán sai…
vì câu trả lời của Đỗ Hồng Ngọc là tuổi 65-75:
“Tôi nay ở tuổi 80. Thực lòng... đang tiếc
mãi tuổi 75… Cái tuổi đẹp nhất của đời người theo tôi có lẽ ở vào lứa 65-75. Đó
là lứa tuổi tuyệt vời nhất, sôi nổi nhất, hào hứng nhất... Tuổi vừa đủ chín
tới, có thể rửa tay gác kiếm, tuyệt tích giang hồ…” (Lời ngỏ)
Tuổi
75 đẹp nhất? Bạn nhiều phần là sẽ đồng ý với tác giả Đỗ Hồng Ngọc, nếu bạn đọc
xong tuyển tập tản văn này.
Đọc
văn Đỗ Hồng Ngọc cũng cần có thái độ rất bình tĩnh… bởi vì khi kể về già và
chết, ông đã gọi đó là diễn biến tuyệt vời. Như ông viết ở Chương Cát bụi tuyệt
vời, trích:
“Có sinh ắt có tử, có tử ắt có sinh. Hơi vào
có hơi ra và ngược lại. Cho nên người đạt đạo họ tỉnh queo, nôm na là họ...
giác ngộ. Họ chẳng cần phải bối rối. Họ biết nó phải vậy. Như Thị.
Chu trình “khép kín” đó bắt đầu tăng tốc ở lứa 65-75
tuổi. Tăng tốc khô héo, tăng tốc nhăn nheo. Sự tăng tốc của lứa tuổi này cũng
làm ta há hốc, muốn kêu lên kinh ngạc… như ở tuổi dậy thì, tuổi mới lớn. Cái
vòng đời nó diễn biến tuyệt vời đến vậy, liên tục đổi thay đến vậy thì có gì
đáng phàn nàn đâu! Nhiều bạn cùng lứa than với tôi sao thế này sao thế khác,
tôi thường chỉ nói “Ai biểu già chi?” rồi cười xòa với nhau mà không khỏi có chút
… ngậm ngùi.”
Dĩ
nhiên, Đỗ Hồng Ngọc khác rất nhiều với người đời thường (như tôi, chẳng hạn,
một nhà văn không biết gì về y khoa). Đỗ Hồng Ngọc kể về thời sinh viên, chuyện
xương người với đầu lâu là những thứ phải học kỹ, phải nhớ tên gọi và chức năng
của từng hốc xương, khớp xương… Nhưng chuyện tu học thì, hiển nhiên là ai cũng
có thể cảm nhận được những ghi nhận của họ Đỗ về Kinh Phật. Khi ông kể về trải
nghiệm ngay trên cơ thể của ông.
Trong
Chương Tôi chợt nhìn ra tôi của sách “Về thu xếp lại..”, tác giả kể về “tôi thấy tôi” – tức là thấy cái vô ngã,
cái vô thường, và do vậy là cái thật tướng vô tướng, trích:
“…không phải bất ngờ vì tôi thấy tôi. Mà bất
ngờ vì tôi chợt “nhìn ra” tôi. “Nhìn ra” khác với thấy. Nhìn ra là “quán”. Quán
Tự Tại Bồ-tát hành thâm Bát Nhã chiếu kiến ngũ uẩn giai không... . Quán là thấy
rõ (chiếu kiến). Tôi bấy giờ không còn là tôi bây giờ. Tôi bấy giờ là tứ đại,
là ngũ uẩn. Và nếu quán một cách sâu sắc hơn, có thể thảng thốt kêu lên: “Bổn
lai vô nhất vật”! (Lục tổ Huệ Năng)…
Có
lần Phật hỏi Duy-ma-cật: Ông quán Như Lai thế nào? Duy-ma-cật đáp: Thì như quán
pháp thân của Phật và của chính tôi thôi. Có gì khác nhau đâu!
Nhìn
thì có thể thấy khác. Bởi nhìn thì qua mắt, nhãn căn. Quán thì không nhìn bằng
mắt. Mà nhìn bằng cả năm thứ con mắt (ngũ nhãn) gồm nhục nhãn (mắt thịt), thiên
nhãn, tuệ nhãn, pháp nhãn và Phật nhãn. Thú vị, khi quán thì cả Như Lai, Phật
và Tôi... đều là một, không khác. Đó là đã thấy pháp thân, thật tướng vô
tướng.”
Đỗ
Hồng Ngọc còn dùng những hình ảnh để độc giả dễ hình dung xem thật tướng vô tướng
đã héo đi thế nào, trích:
“…Trước hết tôi bây giờ già hơn tôi xưa, già
thấy rõ, già tốc hành chớ không phải già lai rai như trước.
Nhiều hôm nhìn vào gương soi, tôi thấy mình như một quả
táo để lâu ngày, héo dần, teo tóp, nhăn nheo. Nhưng có cái gì đó như cứng cỏi
hơn, tuy quắt queo mà chỉ bay hơi nước, bay cái láng mượt, nuột nà của quả táo
căng phồng, ngây thơ, tràn đầy thuở nào. Bây giờ thì co cụm lại, co rúm lại,
gom tụ lại vào trong cái hột, cái lõi.”
Hình
ảnh đi từ trừu tượng “cái tôi trong thật
tướng vô tướng” trở về cái trước mắt, cái trên bàn của “cái tôi như quả táo héo mòn, nhăn nheo”…
hình như chưa từng có nhà văn nào viết như thế. Nhưng đó cũng chính là sự thật
của cõi này, khi Đức Phật tuyên thuyết về Tứ diệu đế.
Trong
khi phần lớn đều lo sợ già, lo sợ nhăn nheo, Đỗ Hồng Ngọc gọi đó là diễn biến
tuyệt vời, và ông quan sát hằng ngày với thái độ xem chuyện lão hóa là “cũng dễ
thương quá”… Họ Đỗ viết trong chương vừa dẫn:
“…Rồi đến cái tuổi gió heo may, dìu dịu, nhạt
nhòa nhưng vẫn là tuổi năng nổ, hoạt động mạnh mẽ và hiệu quả nhất để rồi
chuyển sang tuổi già, tạm coi là sau tuổi 65, một chu trình “khép kín” đã lại
bắt đầu: tăng tốc khô héo, tăng tốc nhăn nheo, tăng tốc ngược chiều đủ làm hết
hồn, làm há hốc, muốn kêu lên kinh ngạc…
Nó diễn biến tuyệt vời đến vậy, liên tục đổi thay đến vậy
thì có gì đáng phàn nàn đâu, có gì mà không thể tủm tỉm cười một mình đâu. Cho
nên nếu tôi có gì khác tôi xưa thì chính ở chỗ tôi có phần... khoái cái sự già
nua tăng tốc đó của mình, tôi hồi hộp dõi theo nó, tôi cảm thấy nó…hợp lý, nói
chung là… cũng dễ thương quá đó chớ!
Ở tuổi 70 chưa thấy già đâu. Thậm chí đến 72, 73 vẫn còn
thấy trẻ chán.”
(ngưng trích)
Đỗ
Hồng Ngọc kể chuyện đời thường của ông, qua đó cho thấy ông quán sát thân tâm
liên tục, xem các diễn biến như xem hoa bay gió thổi, không hề khởi tâm kinh
hãi với vô thường, trích cùng chương dẫn trên:
“…Nhiều khi, sáng dậy, nhìn vào gương soi tôi
lại thấy tức cười. Tôi đó sao? Nhăn dần từng nét ngộ nghĩnh trên mắt trên da.
Đôi khi muốn lấy viết vẽ nguệch ngoạc gương mặt thay đổi từng ngày của mình,
từng ngày nhưng rất nhanh, thấy rõ chứ không như ngày xưa, nhiều năm mới nhận
ra nét đổi thay. Tôi tức cười nhìn mình. Nó nhìn tôi cũng cười. Ngộ nghĩnh.
Cười mà ráng. Không ráng thì nó trĩu nặng. Mấy tế bào của cơ mặt hình như sinh
tật làm biếng, xệ xuống cho khỏe…
…Ghi tiếp “Nhật ký rời”: Chỉ còn mấy ngày nữa, đã đầy tám
chục (tuổi ta). Phải nhanh chóng ghi lại vài điều kẻo quên.Thứ nhất, ở tuổi này
tôi thấy tay mình ngày càng run. Làm cái gì mà cẩn thận thì đổ vỡ. Làm cái gì
không tính trước thì được. Tùy cơ ứng biến thì tốt. Tay run đến nỗi viết cũng
khó mà vẽ chơi cũng khó. Tôi phải vẽ kiểu “tốc họa”, vẽ như chớp, theo một cảm
xúc bất chợt, không toan tính thì tốt. Ai bắt chước được cái run?” (ngưng trích)
Trong
khi tác giả Đỗ Hồng Ngọc viết để kể về những trải nghiệm riêng, độc giả hiển
nhiên là không mong đợi những chuyện ly kỳ như phim 007 hay truyện Z 28. Tất cả
lời kể trong “Về thu xếp lại..” chỉ là những chi tiết đời thường, dưới mắt
quan sát của người có thói quen thiền tập như Đỗ Hồng Ngọc đều đột nhiên trở
thành đáng chú ý.
Thí
dụ, tác giả Đỗ Hồng Ngọc kể về chuyện ngủ, chuyện thức dậy, chuyện ghi trên
giấy từ đêm trước về những gì cần làm, chuyện xem trận banh, chuyện đọc tin
trên báo chỉ cần liếc qua cái tựa… nghĩa là chuyện đời thường soi rọi dưới mắt
ông. Phải chăng đó là từ thói quen quán sát thân tâm?
Hay
là khi tác giả tự soi gương, nhận ra tóc bạc, da nhăn… rồi chuyện ngồi thiền,
quán niệm hơi thở, rồi niệm từ bi, niệm hỷ xả… rồi tự pha ly cà phê, rồi ngồi
vào máy tính.
Cứ
tà tà kể chuyện như thế, cuốn sách cũng hoàn tất. Tuy là chuyện đời thường, là
chuyện của người già, nhưng thực sự không đời thường tí nào, cũng không già cỗi
tí nào. Vì nơi đây, từng khoảnh khắc được quan sát và kể lại, đã hiển lộ lên
một thế giới rất mực lạc quan. Nói về già nhưng vẫn là thơ mộng rất mực, như
đùa như giỡn… Nói về cái chết nhưng vẫn dịu dàng như nói với người bạn thân sắp
gặp lại.
Như
cách Đỗ Hồng Ngọc viết về bệnh:
“…Nhưng bệnh cũng có cái hay của nó chứ. Nó
làm cho ta nhớ lại mình. Đã đành biết bệnh tật gắn vào mình từ trong trứng
nước, thậm chí trước đó nữa, ở nơi ông bà cha mẹ mình từ ngàn xưa qua các gene
di truyền nhiều thế hệ, nhưng cứ mỗi lần bệnh tật, với tôi, trở thành một cái
giật mình. Mà cũng lạ, đường đường là một người thầy thuốc, học hành đàng
hoàng, ra trường hơn nửa thế kỷ, nghề nghiệp chín chắn, nổi tiếng là người thầy
thuốc “mát tay”, luôn quan tâm chăm lo giúp đỡ cho người khác khi có ai nhờ
đến, cả bệnh thân lẫn bệnh tâm, vậy mà, với mình, tôi quên tôi tuốt. May thay,
nhờ có bệnh nhắc. Mà không phải là bệnh nhẹ. Bệnh nhẹ không đủ nhắc tôi đâu…”
Hay
như khi Đỗ Hồng Ngọc viết về cái chết, về cách luôn nhớ về cái chết:
“…Có cách nào để người ta luôn nhớ đến cái
chết để được sống hạnh phúc hơn không?
Có đó. Cứ ngồi yên đó. Lắng nghe hơi thở của mình. Thở
vào... thở ra. Một hơi thở là một cuộc sống. Thở ra rồi thở vào. Lại một cuộc
sống mới. Thì ra.... sống và chết là một chu kỳ hình sin. Cái gọi là sống, cái
gọi là chết. Gọi vậy thôi chớ không phải vậy. Có thể đảo ngược lại. Nhìn kỹ thì
thấy cái chết mới là cái sống. Thở vào như sóng. Thở ra như nước. Sóng là nước.
Nước là sóng. Tùy duyên. Bày đặt vui thôi mà!”
Trong
tuyển tập “Về thu xếp lại..”, nhà văn Đỗ Hồng Ngọc còn viết nhiều về ăn,
ăn mặn hay ăn chay, về thỉnh thoảng nấu ăn, về bốn loại thức ăn theo quan điểm
nhà Phật, về thuốc đông tây nam bắc, về thời đi học mỗi sáng ăn xôi, về dạo
cảnh chùa, về những buổi đi uống cà phê cùng bạn, về những người bạn vắng dần,
về Internet mang theo nước mắt nụ cười…
Nói
về đời thường, và rồi nói về mật nghĩa cõi này. Tới những đoạn văn như thế,
chúng ta tự nhiên đọc chậm lại, và có thể phải đọc đi đọc lại rất nhiều lần, vì
văn nơi đây nghe như thơ, như kệ, như nhạc, như thần chú, như mật nghĩa của
pháp.
Thí
dụ, như đoạn văn sau, khi Đỗ Hồng Ngọc viết:
“Phật có đến có đi. Có từ bi có hỷ xả. Có nói
năng có im lặng. Có thể dùng âm thanh dùng ánh sáng dùng chuông mõ, tiếng tụng
niệm mà thấy Phật. Nhưng Như Lai thì không. Không thể dùng âm thanh, ánh sáng
mà thấy Như Lai. Kinh nói Như Lai thọ lượng mà không nói Phật thọ lượng vì Phật
thọ lượng chỉ có hơn 80 năm! Kinh nói Như Lai thần lực mà không nói Phật thần
lực vì Phật chẳng ưa chuyện thần thông. Kinh nói vào nhà Như Lai, mặc áo Như
Lai, ngồi tòa Như Lai mà không nói vào nhà Phật, mặc áo Phật, ngồi tòa Phật…
Cho nên, Phật là Như Lai, mà Như Lai không phải Phật. Như Lai là Như Lai. Nó
vậy đó…”
Đọc
thấy Đỗ Hồng Ngọc viết chữ “vậy đó” rất mực dịu dàng, nhưng từng chữ một vẫn
nặng rất mực, kiên cố rất mực.
Trong
sách, chúng ta đọc thấy Đỗ Hồng Ngọc còn viết nhiều nữa, như về Trần Nhân Tông,
về Tuệ Trung Thượng Sĩ… Tác phẩm “Về thu xếp lại..” của Đỗ Hồng Ngọc không chỉ
để đọc một lần. Sách này có thể nên đưa vào túi xách, nên mang theo bên người
để thỉnh thoảng đọc lại. Để không sợ già, không sợ chết, để biết cách đùa giỡn
với bệnh, và cũng để biết cách Thiền tập trong những cách tự quan sát thân tâm
mình không rời.
Tuy
rằng Đỗ Hồng Ngọc có cẩn trọng ghi rằng sách này là “góp nhặt từ những trang
nhật kỳ rời, từ những ghi chép lang thang không ngày tháng, rải rác nơi nọ nơi
kia… Rất riêng tư, và rất chủ quan...” nhưng các chuyện kể trong sách cũng là
chung cho mọi phận người, nơi những dòng chữ của ông có thể giúp độc giả sống
bình an giữa những bất an cõi này, sống yêu thương giữa những hoang mang cõi
này.
Có
thể tin rằng tác phẩm “Về thu xếp lại..” sẽ có một vị trí
độc đáo trong văn học Việt Nam, và cũng rất đặc biệt sẽ là một cẩm nang sống
cho nhiều người học Phật tương lai.
*
Cư sĩ NGUYÊN GIÁC
(tên thật: Phan Tấn Hải)
Địa chỉ: California, Hoa Kỳ.
Emai: nguyengiac@gmail.com
...............................................................................................................
- Cập nhật từ email: thaiquocmuu1@aol.com ngày 23.10.2020
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng
Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ
nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại..
.
0 comments:
Đăng nhận xét