SỐ PHẬN BÀI THƠ ‘KHÓC KẺ THÙ’ CỦA HẢI BẰNG - Tác giả: Ngô Minh (Quảng Bình)

Leave a Comment

 

SỐ PHẬN BÀI THƠ ‘KHÓC KẺ THÙ’

CỦA HẢI BẰNG

*

Nhà thơ Hải Bằng đi vào cõi vĩnh hằng đã nhiều năm rồi (1999), nhưng độc giả yêu thơ Miền Trung, nhất là ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế vẫn không ai quên “người nô bộc tận tụy” của thơ ca, một thi sĩ lính đa cảm và bộc trực này. Nhiều bài thơ của ông vẫn được mọi người thuộc lòng. Hải Bằng tên thật là Nguyễn Phước Vĩnh Tôn là chắt nội của vua Hiệp Hòa. Ông là nhà thơ duy nhất ở Huế có 2 tấm thẻ hội viên trong hành trang của mình. Thẻ Hội Viên Hội Văn Nghệ Việt Nam năm cấp 1957 do nhà văn Nguyễn Tuân ký. Năm 1958, do ông có mấy cái ký họa đăng trên báo Trăm hoa , nên bị kỷ luật vì quan hệ với Nhân văn- Giai phẩm, phải “phát vãng” về Quảng Bình, mấy năm ròng đi câu cá ở làng Cảnh Dương dưới chân Đèo Ngang. Sau một thời gian mới được gọi đi làm ở Sở Văn hoá tỉnh, làm nghề bán sách. Sau đó ông làm thơ, được giải thưởng thơ Báo Văn Nghệ với bài thơ Cồn Cỏ, năm 1985, ông được cấp lại thẻ Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam do nhà văn Nguyễn Đình Thi ký. 

(Tác giả Ngô Minh)

Năm mười bốn tuổi, Hải Bằng đã từ bỏ cuộc sống nhung lụa giàu sang của gia đình Hoàng tộc để đi theoVệ Quốc Đoàn, trở thành chiến sĩ trung đoàn 101 nổi tiếng của Vệ quốc đoàn vùng Trị Thiên - Huế từ năm 1945.Từ năm 1948, ông ở trong đoàn văn nghệ Liên khu IV vào chi viện cho chiến trường Bình Trị Thiên. Thời kỳ nay, Hải Bằng lấy tên là Văn Tôn, làm thơ, rồi đọc cho bộ đội nghe. Những bài thơ của ông liên tục xuất hiện tại chiến khu Dương Hòa, Ba Lòng, Do Linh ,Cam Lộ từ đó. Trong đó có bài thơ nổi tiếng “Em nữ cứu thương người Pháp”.

Khi còn sống nhà thơ kể rằng, mùa hè năm 1952, ông theo bộ đội Trung đoàn 95 ra trận phục kích đoàn quân Pháp tiếp tế cho đồn Nam Đông vùng Cam Lộ, Quảng Trị trên đường 73, 74. Trong trận đánh quân ta bắt được một số tù binh Pháp, trong đó có một nữ cứu thương Pháp còn rất trẻ. Bọn Pháp đã bắn ca-nông vào trận địa ta, làm cho người nữ cứu thương người Pháp bị tử trận. Người ta tìm thấy trong túi cô cứu thương Pháp có bức thư của người mẹ từ Pháp gửi qua, nhắn con gái hãy trở về với mẹ. Xúc động trước thân phận người con gái nước ngoài bị bọn thực dân ném vào cuộc chiến tranh phi nghĩa ở Việt Nam, nhà thơ trẻ Văn Tôn lúc đó mới 22 tuổi, xúc động thức suốt đêm, đốt đèn dầu lạc, làm bài thơ dài 14 khổ (56 câu), như một nén nhang thắp cho người con gái xấu số:

Chiều nay tiếng súng anh ngừng nổ

Thấy xác em nằm giữa cỏ tranh

Anh đắp cho em mền trấn thủ

Còn đâu nhìn thấy mắt xanh xanh

Bên xác còn nguyên tờ giấy mỏng

Nhậm ngùi anh nhặt đọc dòng thư

Thư buồn mẹ nhắn con về nước

Anh biết nhà em cũng xác xơ...

Làm xong bài thơ, Văn Tôn đọc cho các chiến sĩ trong đơn vị mình nghe. Bài thơ tự sự ,dân dã, ngôn ngữ cấu tứ không cầu kỳ, nhưng lại da diết nỗi niềm, nên lay động lòng người. Bài thơ lập tức được chép tay, được học thuộc và lan truyền nhanh chóng trong các đơn vị bộ đội và nhân dân trên chiến trường Trị Thiên lúc đó và gây nên sự xúc động sâu sắc. Một số lính ngụy ở lô cốt Giăng-phạc-ngân cũng chép và thuộc bài thơ. Đây là lần đầu tiên trong văn chương cách mạng Việt Nam có một tác phẩm viết về “kẻ thù”, nhưng không ở góc độ phản kháng, chống đối, mà ở sự “thương xót” cho số phận con người và lên án chiến tranh. Vì thế bài thơ có tầm nhìn quốc tế lớn bởi cách nhìn chiến tranh rất nhân văn và nhân đạo: “Em chết, chiều nay chết ở đây / Mẹ đâu thấy bóng buổi sau này / Quê hương bên ấy chiều xanh khói / Sẽ thấy bà con nước mắt đầy”... Bài thơ cũng nói rất rõ là cô cứu thương người Pháp bị Vệ Quốc đoàn bắt, nhưng rồi cô bị giết bởi đạn ca-nông của chính bọn Pháp, nên sự căm hờn càng nhân lên, sức tố cáo chiến tranh càng nhân lên bởi chính bọn xâm lược cũng chẳng thiết gì mạng sống của đồng đội mình: “Bắt em, súng anh ngừng không bắn / Nhưng súng quân thù lại giết em / Chúng bắn ca-nông vào giữa trận / Mắt xanh nhắm lại xác nằm im”... Sau trận đánh, các chiến sĩ Việt Minh đã đắp cho cô gái Pháp nấm mộ đàng hoàng nơi chiến khu: “Rằng các anh là Vệ quốc đoàn / Chiều nay thắng trận tiếng hò vang / Em được đắp dày ngôi mộ mới / Anh ngừng tay cuốc: giận... buồn...thương...”. Đó là tình cảm quốc tế rộng lớn của người chiến sĩ Vệ Quốc đoàn! Bài thơ đã được nhà văn Nguyễn Khắc Thứ (người nổi tiếng với ký sự Trận Thanh Hương) dịch ra tiếng Pháp gửi cho những người lính hàng binh com-măng-do đọc trong thời gian đó. Không khí bài thơ trầm lắng, buồn thương nhờ sự xoáy sâu, khai thác những hình ảnh của người con gái trẻ bị chết trên chiến trường Việt Nam với người mẹ, người yêu, em thơ ... đang buồn đau ở làng quê nước Pháp xa xôi: “Con mẹ từ nay lấp bụi đường..”.; “Em thơ ngơ ngác ngùi thương chị / Chim ở quanh vườn thôi hát ca...”.

Bài thơ làm cho Văn Tôn nổi tiếng trong làng văn nghệ kháng chiến Liên khu IV lúc đó, đồng thời cũng gây nên rắc rối cho ông. Dù không được in sách báo nào, nhưng một số vị lãnh đạo cực đoan lúc đó cho rằng “quan điểm địch, ta trong bài thơ không rõ ràng”! Bài thơ bị “đua lên bàn mổ“, phê phán gay gắt trong các cuộc chỉnh quân, đặc biệt tại Hội nghị ba tỉnh Bình Trị Thiên ở Cùa theo chỉ thị “Nâng cao lập trường giap cấp, xác định rõ bạn thù, tăng cường tính chiến đấu trong sáng tác”. Tác giả bị kiểm thảo vì đã “thương xót kẻ thù”. Sinh thời, nhà thơ Hải Bằng kể: ”Trong những ngày chỉnh quân, bài thơ “Em nữ cứu thương người Pháp bị quy kết là “không biết căm thù giặc” và “thương vay khóc mướn”.v.v.. Có ý kiến phản đối kịch liệt, nhưng cũng có ý kiến bênh vực. Những rồi người ta vẫn đọc và vẫn ngâm cho nhau nghe...“. Vì thế bài thơ hay nổi tiếng ấy đã không được vào các tuyển tập thơ kháng chiến, nên các thế hệ trẻ sau này không được đọc. Sau năm 1975, đất nước thống nhất, trở về Huế, những năm cuối đời nhà thơ Hải Bằng in tới thơ 13 tập thơ, nhưng không hiểu sao ông không đưa bài thơ ấy vào tập thơ nào cả! Có lẽ ông sợ lại bị “kiểm điểm“ lần nữa chăng? Hay ông tin chẳng cần in bài thơ vẫn sống trong lòng người chiến sĩ?

Nhưng rất nhiều cựu chiến binh và nhân dân thời chống Pháp ở chiến trường Bình Trị Thiên, đặc biệt là vùng Cam Lộ, Do Linh đến nay vẫn thuộc bài thơ. Sinh thời nhà thơ Hải Bằng thường nhắc lại một kỷ niệm, năm 1975 khi miền Nam giải phóng, ông trở lại vùng Cam Lộ thăm lại nơi chiến đấu xưa, thì gặp chị Nậy, một cô thiếu xữ trẻ xưa kia nay đã già và bị mù do bom đạn Mỹ. Nhà thơ cầm tay chị và khi nói mình tên và Văn Tôn, thì chị Nậy òa khóc, rồi sau đó đọc thuộc lòng bài thơ “Em nữ cứu thương người Pháp”! Trong một đặc san kỷ niệm ngày thành lập ngày cựu chiến binh Việt Nam của Hội Cựu chiến binh Quảng Trị gần đây, đã chép trong trí nhớ để in lại bài thơ đó, nhờ đó chúng ta mới được đọc trọn vẹn bài thơ này.

Mới hay, khi thơ ca đã vào lòng người, thì không cần giấy trắng mực đen, nó vẫn sống mãi với thời gian!

EM NỮ CỨU THƯƠNG NGƯỜI PHÁP

 

Chiều nay tiếng súng anh ngừng nổ

Thấy xác em nằm giữa cỏ tranh

Anh đắp cho em mền trấn thủ

Còn đâu nhìn thấy mắt xanh xanh

 

Bên xác còn nguyên tờ giấy mỏng

Ngậm ngùi anh nhặt đọc dòng thư

Thư buồn, mẹ nhắn con về nước

Anh biết nhà em cũng xác xơ

 

Chúng bắt em đi xa đất nước

Bỏ nhà, lìa mẹ, cách em thơ

Qua đây giày xéo quê hương bạn

Nhà cửa tan tành ngọn cỏ khô !

 

Qua đây em nhớ nhà không nhỉ ?

Thao thức đêm dài mẹ nhớ con

Thôi chiều nay hết - em đi biệt

Tiếc nuối thương đời nữ cứu thương !

 

Em ở mấy mùa trên đất Việt

Những ngày hôm trước biết gì không ?

Tin rằng độ ấy em không biết

Nếu biết giờ đây đỡ lạnh lùng...

 

Bắt em, súng anh ngừng không bắn

Nhưng súng quân thù lại giết em

Chúng bắn ca-nông vào giữa trận

Mắt xanh nhắm lại, xác nắm im...

 

Anh giận đời em đi lạc hướng

Tội em theo bước bọn thù chung

Băng bó vết thương cho lũ giặc

Bạn em còn sống biết hay không ?

 

Em chết, chiều nay chết ở đây

Mẹ đâu thấy bóng buổi sau này

Quê hương bên ấy chiều xanh khói

Sẽ thấy bà con nước mắt đầy

 

Em chết, bàn tay vây máu đỏ

Tin về bên ấy lạnh lùng chưa !

Buổi mai tuyết phủ dồn trên mái

Có bóng người yêu lỡ hẹn hò

 

Mẹ bước vào sâu trong phòng lạnh

Bàn tay ôm lấy một vòng hoa

Em thơ ngơ ngác ngùi thương chị

Chim ở quanh vuờn thôi hát ca...

 

Từ độ em đi cho đến nay

Pa-ri vùng dậy biết bao ngày

Biểu tình chống giặc bắt đi lính

Đỡ khổ làng anh máu nhuộm đầy

 

Rằng các anh là Vệ quốc đoàn

Chiều nay thắng trận tiếng hò vang

Em được đắp dày ngôi mộ mới

Anh ngừng tay cuốc : giận... buồn... thương...

 

Thôi em nằm đó anh đi trận

Giết kẻ thù chung cướp nước anh

Đem lại ngày mai hai dân tộc

Tình thương hứa hẹn một bình minh.

 

1952

****

VĂN TÔN (HẢI BẰNG)

*.

NGÔ MINH

Quê quán: Làng Thượng Luật, xã Ngư Thủy,.

huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.

Thường trú (và mất): thành phố Huế.

 

 

 

 

.............................................................................................................

- Cập nhật từ email: tranchicuong27@yahoo.com.vn gửi ngày 15.12.2020.

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến. 

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

.

0 comments:

Đăng nhận xét