MỘT SỐ HIỆN TƯỢNG THƠ ‘HIỆN ĐẠI’ - Thơ Phạm Quốc Ca (Lâm Đồng)

Leave a Comment

 

MỘT SỐ HIỆN TƯỢNG

THƠ ‘HIỆN ĐẠI’

*

(Tác giả Pham Quốc Ca)

Đặng Đình Hưng với các tập thơ "Bến lạ" (1991), "Ô Mai" (1992) là một hiện tượng thơ lạ và đơn độc.Ông tham gia nhóm "Nhân văn- Giai phẩm"(1956-1959) rồi âm thầm sống và sáng tác bên lề đời sống văn học cách mạng.

Thơ ông là lời độc thoại nội tâm khó lòng chia sẻ, là cái gì đó rời rã, rối bời, bấn loạn, rất khó nhập cảm. "Bến lạ" và "Ô Mai" được viết dưới hình thức thơ văn xuôi, phi logic, về chính tả thì viết d thành z, gi thành j… một cách lập dị. Người đọc thông thường dễ bỏ qua thơ ông như gặp một con người lẩn thẩn đang nói những lời dấp dính, lưng chừng, ngây dại:

"Tôi lại đi

Zưới cái nong hình záng lưng tôi, một bảng đen trước mặt, một vòng phần zưới chân, zính zính những con số 8 lộn zọc nhẵn thín nam châm gói trong hạt jống của không biết".

(Bến lạ)

Sẽ có rất nhiều cách hiểu khác nhau về đoạn thơ này. Phải chăng đây là ẩn dụ về trạng thái tù túng, giam hãm, cô đơn và bất lực đến cùng cực.

Cô đơn một cách tuyệt đối giữa cuộc sống xô bồ là trạng thái thường gặp trong thơ Đặng Đình Hưng:

"Chui lên khỏi hầm, ngồi đối diện với người đời sống động, mà anh vẫn thấy cách ly như thể ngồi trong một cái lồng trong suốt bằng không khí, việc người người làm, việc mình mình làm. Người đời thấy buồn cười - không chấp - người ta quen dần đi, rồi quên".

(Ô Mai)

Thơ Đặng Đình Hưng thường sử dụng yếu tố cảm giác nhưng đó là cảm giác giống như của một người trong trạng thái ốm nặng:

"Vắng. Anh thường ngồi jờ zài chẳng nghĩ. Chỉ cảm. Cảm bằng za. Za của mắt - bàn tay - chủ yếu là lưng - tới mức toàn thân gắn hẳn vào không khí, đồ vật, tường, buồng. Rì rầm một cái chợ không lời ở zưới chân, anh rì rầm vỗ theo".

(Ô Mai)

Cảm giác trong thơ Đặng Đình Hưng khá đa dạng: Từ cảm giác bản năng thường tình “ăn - gắp - xin tí tương zấm”, “thèm bé - bé một mùi hương tóc”, đến những cảm giác khá nên thơ:

"Gạo có khuôn mặt. Đố thấy một mảy may ác ý. Nói riêng về nếp, với cái mùa chớm sương, chỉ nom hình một hạt nếp đã thấy sữa và hương trời".

(Ô Mai)

Một người làm thơ khác giống trường hợp Đặng Đình Hưng là Lê Đạt.Thơ Lê Đạt nổi bật ở khía cạnh kĩ thuật ngôn từ. Ông tư duy thơ theo hướng “làm chữ”. Với quan niệm “chữ bầu lên nhà thơ” (E. Gabex) và nhà thơ “phu chữ”, ông quan tâm đến khâu luyện chữ sao cho nó có tính chất đa nghĩa và thú vị ở mặt ngữ âm. Lê Đạt quan niệm: “Câu thơ mang nặng lịch sử chữ” theo nguyên lý liên văn bản. Ở phần thành công ,thơ ông có vẻ độc đáo, vừa cổ điển vừa hiện đại:

"Anh đến thu nhà em

Nắng cúc lăm răm vũng nhỏ

Mà cho đấy rửa lồng mày

Nên nỗi heo may từ đó"

(Thu nhà em)

Một đàn ngày trắng phau phau

Bì bạch bờ xoan nước mát

(Thủy lợi)

Thấp thoáng phía sau là ca dao, tục ngữ, câu đố, thơ cổ điển…

Lê Đạt chơi chữ một mình một kiểu. Có khi ông chơi ngữ âm:

Mimoza chiều khép cánh mi môi xa

Khi nội dung trữ tình hòa nhập với nghệ thuật ngôn từ, Lê Đạt có những bài thơ vừa có vẻ đẹp hiện đại, vừa tự nhiên, giàu sức gợi:

Chia xa rồi anh mới thấy em

Như một thời thơ thiếu nhỏ

Em về trắng đầy cong khung nhớ

Mưa mấy mùa

mây mấy độ thu

Vườn thức một mùi hoa đi vắng

Em vẫn đây mà em ở đâu

Chiều Âu lâu

bóng chữ động chân cầu.

(Bóng chữ)

Ông có những câu thơ mang màu sắc thẩm mỹ khác với thơ truyền thống:

Tóc trắng tầm xanh qua cầu với gió

Đùi bãi ngô non ngo ngó sông đầy

Cây gạo già

lời tình

lên hiệu đỏ

La lả cành

cởi thắm để hoa bay

(Quan họ)

Nhưng khi Lê Đạt lộ rõ dấu vết đẽo gọt ngôn từ của người “phu chữ” thì thơ ông thường sa vào gò ép, cầu kỳ.

Trong xu hướng thơ hiện đại người có tiềm năng sáng tạo hơn cả trong các tác giả trẻ là Nguyễn Quang Thiều. Ở anh tư duy liên tưởng rất mạnh mẽ và phóng khoáng. Thơ Nguyễn Quang Thiều sử dụng nhiều ẩn dụ có sức biểu đạt, gây ấn tượng mạnh:

Bầy chó gầy bẩn thỉu ốm đau

Ngày lùng sục kiếm ăn

Liếm cả vào lưỡi dao sắc nhọn

Con đến sau lại liếm máu bầy mình

(Bầy chó của tôi)

Đôi khi hình tượng thơ Nguyễn Quang Thiều được xây dựng từ một liên tưởng thị giác, vượt khỏi cái nhìn quen thuộc. Nhà thơ nhìn thấy ở những người đàn bà gánh nước sông một hình tượng kỳ vĩ:

Một bàn tay họ bám vào đòn gánh bé bỏng chơi vơi

Bàn tay kia bấu vào mây trắng

(Những người đàn bà gánh nước sông)

Cũng là thủ pháp nhân hóa nhưng Nguyễn Quang Thiều có những hình ảnh thơ lạ:

Những trái cây chín mê ngủ tuột khỏi cành rơi xuống

Những cánh buồm khổ đau tự xé, tự vá lại mình

Sông gục vào bờ đất lần đi

Nhưng phổ biến hơn cả trong thơ Nguyễn Quang Thiều là cái lạ của tư duy thơ siêu thực. Trong thơ anh, lạ hóa trở thành hình thức biểu đạt chính:

Tôi bay qua những cánh đồng mùa xuân còn ngái ngủ

Qua những ngôi sao mở mắt nhưng lưỡi còn chưa mọc

Tôi gặp dơi của bình minh, sơn ca của bóng tối

Những ngôi mộ của tổ tiên hắt sáng gọi tôi về.

Thơ Nguyễn Quang Thiều mang cảm xúc của con người hiện đại, dị ứng với mặt trái của văn minh đô thị:

Họ chạy trốn những khách sạn cửa đóng mở không lý do

Vừa chạy họ vừa ngước lên những chòm cây chật vật đâm chồi

Ngước lên bầy chim cánh chập choạng hát bài ca kiên nhẫn

Ngước lên những đám mây trĩu ngực vì bụi cố bò qua cơn dị ứng

của thời tiết vô luân

(Lời cầu nguyện)

Làng quê trở thành miền thiêng trong thơ Nguyễn Quang Thiều. Nơi đó có khả năng tái sinh đời sống tinh thần của con người. Chính vì vậy làng quê trong thơ anh như được nhìn qua cảm giác tôn giáo hóa. Đồng thời làng quê cũng là nơi con người còn phải sống trong đói nghèo, lạc hậu, vất vả, khổ đau. Ám ảnh người đọc là hình ảnh bàn chân biến dạng của những người phụ nữ thôn quê:

Những bàn chân xương xẩu ngón dài

Và đen tỏa ra như ngón chân gà mái

Đã mười lăm năm và nửa đời tôi nhìn thấy

Những người đàn bà gánh nước sông

(Những người đàn bà gánh nước sông)

Đọc thơ Nguyễn Quang Thiều nhiều lúc có cảm giác như đứng trước một dòng suối ngôn từ đang tuôn chảy. Khi ấy thơ anh ồn ào, rườm rà chi tiết, thiếu sự cô đọng cần thiết của ngôn ngữ thơ. Có người nói thơ anh giống thơ Beat (Mỹ), lại có người bảo giống thơ J. Brodsky (nhà thơ Mỹ gốc Nga). Nhưng nhìn chung Nguyễn Quang Thiều là một nhà thơ trẻ giàu tiềm năng sáng tạo theo hướng hiện đại hóa.

Cần chỉ ra một sự thật là trong đa số trường hợp những bài thơ, câu thơ hay của các tác giả theo xu hướng “thơ hiện đại” đều có thể hiểu, chỉ sử dụng những yếu tố của chủ nghĩa hiện đại. Nhưng khi họ sáng tác theo chủ nghĩa hiện đại thì thơ lại chưa đủ sức thuyết phục. Đây là một đoạn trong tập thơ "Bến lạ" của Đặng Đình Hưng được Hoàng Hưng xem là “đúng với thơ hiện đại đang đến”: “Tôi khắc biết mênh mông của cái bẹn Epicure ngập chìa truồng bốn phía cơn mưa tú lơ khơ xanh đỏ con sập sành - bọ ngựa bám vào nhảy lung tung - cõng đi chơi trên lưng ni lông - các tông của định mệnh”. Thậm chí Hoàng Hưng còn cho rằng những câu thơ kiểu này mang bản sắc dân tộc:

Bản sắc Việt Nam của Bến lạ ở cú pháp không duy lý, nhưng kết hợp trong đó chức năng các chữ lẫn vào nhau tạo thành một trường đa tương tác gây nên tính đa nghĩa của câu thơ:

Một nong nghiêng cơn mưa trên lưng Alfa cõng tôi

Bản sắc việt Nam ở những kết cấu đặc biệt của tiếng Việt dùng sáng tạo bất ngờ: “tôi quên là tôi quên hết” “mỗi ăn xong lại một rửa mồm”(1).

Thực chất đây là “nói lấy được”, lý luận thì lớn lao, to tát nhưng cách quá xa thực tiễn sáng tác. Trong bài viết "Từ Thơ mới đến thơ hiện đại" cổ vũ cho thơ hiện đại, Phạm Xuân Nguyên trích hai bài thơ của một tác giả (giấu tên), “đã sáng tác dư nghìn bài chưa công bố” và cũng cho đó là “đúng với thơ hiện đại đang đến”:

- Thơ là cái thơ của nó

Dắt có tìm không

Biến không thành có

Lên chưa xuống đã

- Thơ nằm dài ngoài trí tuệ

Thơ nằm dài ngoài vũ trụ

Gối đầu lên trái đất

Ta nằm dài ngoài thơ

Gối đầu lên tất tật làm thơ

Hiện đại hóa là khát vọng của các nhà thơ và bạn đọc đang chờ đợi nhưng thật khó chấp nhận những bài trên đây là thơ mà nền thơ Việt Nam Đổi mới đang cần phải vươn tới.

Một số tác giả thơ theo xu hướng hiện đại chủ nghĩa cả trong lý luận lẫn sáng tác đều lấy điểm tựa ở lý thuyết phân tâm học. Điều đáng nói là đôi khi những người này đã hiểu sai S. Freud khi cho rằng thơ là sản phẩm “vụt hiện” từ bản năng. Nhiều bài thơ nói về tính dục một cách thô thiển:

Nghe lênh láng trời trăng hỏa tinh

Mùi gạch non, một mùi nách đàn bà

(Dương Tường)

Thơ Hoàng Hưng nói đến “đờn dãi”, “thịt da”, “tinh khí”, “giao hợp”... một cách tự nhiên chủ nghĩa:

- Khăn trải giường nhạt nhẽo, buồn nôn

- Người đàn bà hồi xuân trong căn phòng yếm khí

Làm sao tới Niết bàn trên cái bụng nhà nghề?

- Bạn ơi giao hợp nơi đâu

Về đây gác tối sắc màu đu đưa.

Nếu tác giả này áp dụng thuyết phục dục vọng thăng hoa của Freud thì nó đã bị hiểu một cách thô thiển. Theo Freud dục vọng tính dục đã thăng hoa, cải biến thành những tình cảm, tư tưởng cao đẹp trong văn học chứ không phải “vụt hiện” trực tiếp như vậy.

Lý luận và sáng tác của các nhà thơ "hiện đại" thông báo sự tìm tòi của họ là theo hướng tượng trưng, siêu thực, hiện sinh và hậu hiện đại. Mọi khuynh hướng tìm tòi cần phải được tôn trọng. Nhưng cũng nên thấy rằng mỗi phương pháp chỉ có những tiềm năng thẩm mỹ nhất định. Một khía cạnh khác là vấn đề tài năng. Xu hướng nào cũng cần tài năng. Thành tựu của xu hướng thơ này còn ít ỏi là do tài năng chưa kịp khát vọng chăng?

Gần đây trong lý luận và nghiên cứu văn học xuất hiện khái niệm hậu hiện đại.Về nội hàm khái niệm này nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Dân cho rằng:

“Chủ nghĩa hậu hiện đại trong nghệ thuật là một thuật ngữ bao quát được nhiều người dùng để chỉ các xu hướng văn học nghệ thuật khác nhau về đặc tính nghệ thuật nhưng giống nhau về cách tính thời gian tức là được dùng để chỉ các xu hướng văn học nghệ thuật xuất hiện ở nửa sau thế kỷ XX, sau thời kỳ của chủ nghĩa hiện đại và chúng cũng có xu hướng tìm tòi đổi mới, thậm chí đổi mới đến mức cực đoan, đến mức siêu hiện đại… Cho nên có thể nói chủ nghĩa hậu hiện đại là giai đoạn kịch phát của chủ nghĩa hiện đại là có vẻ xác đáng và bao quát hơn cả”.

Một số nhà nghiên cứu văn học người Việt ở nước ngoài như Đặng Tiến, Nguyễn Hưng Quốc… đã hình dung văn học Việt Nam phải phát triển theo mô hình phương Tây, tiến tới hậu hiện đại. Với nhãn quan đó họ chỉ thấy thơ Việt Nam đương đại như một sa mạc “thỉnh thoảng nổi lên mấy ốc đảo” như Lê Đạt, Đặng Đình Hưng, Hoàng Hưng… là những nhà thơ hiện đại và hậu hiện đại. Nếu ở phương Tây trường phái thơ hậu hiện đại đang ngự trị thật thì cũng không nên đổ xô tất cả vào trường phái này vì bản chất của một nền thơ phát triển là đan xen, song song tồn tại nhiều xu hướng làm nên sự phong phú, đa sắc. Chỗ nhầm lẫn hoặc cố tình lặp lờ, không minh bạch của nhiều người theo xu hướng sáng tác này là đồng nhất chủ nghĩa hiện đại và hậu hiện đại với bước tiến bộ cao nhất của văn học thế giới ngày nay. Nếu không cố tình thì đó cũng là ngộ nhận. Chủ nghĩa hiện đại và hậu hiện đại có đem đến những đổi mới trong văn học, nhưng không thể chối cãi rằng chúng cũng đem đến cả sự suy đồi. Ngay ở phương Tây các trí thức lớn đã và đang nghi ngờ ý đồ tư tưởng hệ của chủ nghĩa hậu hiện đại nhất là của Jean Francois Lyotard và Baudrillard. Nhà phê bình Mỹ Fredric Jameson đã gọi lý thuyết về hậu hiện đại là “logic văn hóa của chủ nghĩa tư bản muộn” và coi đó là “kẻ thông đồng với giới cầm quyền để giúp giới này duy trì hiện trạng chính trị… làm cho con người thờ ơ trước cảnh hỗn loạn chính trị và trước sự mất mát đau buồn của nhân loại”.

Những tìm tòi đổi mới đang đặt lại vấn đề bản chất thơ là gì và hướng phát triển của thơ Việt Nam đương đại.Bản chất thơ đã được xem xét từ nhiều mặt. Trên bình diện mục đích sáng tạo “Thơ là giải thoát” (Geothe). Nó thỏa mãn nhu cầu chia sẻ tư tưởng, tình cảm, cảm xúc thẩm mỹ. Trên bình diện xã hội thơ là một hình thức giao tiếp, là công cụ nhận thức đặc biệt. Trên bình diện văn bản, thơ là nghệ thuật ngôn từ mà nổi bật là cấu trúc ngôn ngữ theo nguyên tắc lạ hóa. Từ góc độ sinh thành của thơ có vai trò nhất định của vô thức, tiềm thức, bản năng. Thơ là sáng tạo, không ngừng mở rộng, khám phá chân trời mới. “Có những nhà thơ làm thơ. Có những nhà thơ vừa làm thơ vừa đẩy lịch sử thơ ca duy tân thêm một bước” (Chế Lan Viên). Mọi khuynh hướng tìm tòi đều đáng được quan tâm, cổ vũ nếu thực sự vì thơ. Cũng cần thấy rằng xu hướng thơ hiện đại chủ nghĩa hôm nay còn mang nặng những biểu hiện hình thức, cực đoan, dung tục. Đa số các nhà nghiên cứu nghiêng về ý nên xem nó là một trong những hướng mở của thơ Việt Nam hôm nay.

Vấn đề trở nên phức tạp khi nhiều nhà thơ theo xu hướng này nhất quyết rằng đó là hướng đổi mới duy nhất hợp quy luật phát triển của thơ ca nhân loại và biểu dương một cách thiếu thuyết phục những bài thơ, câu thơ khó chấp nhận về mặt thẩm mỹ. Thậm chí có người còn mang tham vọng “đổi gác” cho cả nền thơ. Thường thì cực đoan này sẽ gặp cực đoan khác. Những ý kiến phủ nhận, chế giễu cay độc có thể gặp ở đây đó cũng là điều dẽ hiểu. Cần thấy xu hướng thơ này không còn mới nữa về mặt lịch sử, tiềm năng thẩm mỹ của nó cũng có những nhạn chế, nếu đẩy đến cực đoan sẽ gặp nguy cơ phi giao tiếp.

Xuất phát từ chỗ xem dân chủ xã hội và tự do sáng tác là điều kiện tiên quyết để có một nền thơ phát triển phong phú, đa dạng, chúng tôi thừa nhận quyền tồn tại bình đẳng của các xu hướng sáng tác khác nhau trên thi đàn. Mặc dù vậy theo quan điểm cá nhân, chúng tôi đánh giá cao những bài thơ sâu sắc về nội dung trong một hình thức đẹp và đầy tính sáng tạo về nghệ thuật ngôn từ. Khó có thể gọi là tuyệt tác một bài thơ chỉ thể hiện sự tài khéo về hình thức còn nội dung thì trống rỗng, vô vị. Nhà thơ lớn xưa nay bên cạnh phẩm chất thiên tài bao giờ cũng là người có trái tim lớn đạp cùng một nhịp với nhân dân mình trước những vấn đề của thời đại. Chúng tôi đồng ý với quan điểm của nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Hạnh: “Có nhiều con đường để thể hiện đại hóa thơ, phát triển thơ. Nhưng con đường có triển vọng nhất là phát huy được bản chất và chức năng đặc thù của thơ, thể hiện được tinh thần của thời đại và luôn giữ được mối dây đồng cảm giữa người viết và người đọc”.

------------

(1) Hoàng Hưng, Về bản sắc dân tộc và thơ hôm nay - Sông Hương (11), Huế, 1994.

*

PHẠM QUỐC CA

Địa chỉ: Đường Lý Nam Đế,

thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng.

 

 

 

.............................................................................................................

- Cập nhật từ email: huongmai8081@yahoo.com.vn ngày 07.04.2020

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến. 

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

.

0 comments:

Đăng nhận xét