NGÔN NGỮ THƠ
*
Đã có nhiều chuyên luận bàn về ngôn
ngữ thơ được xuất bản thành sách. Sau đây là sự hiểu của tôi được trình bày
ngắn gọn, xin chia sẻ cùng các bạn.(Tác giả Phạm Quốc Ca)
Ngôn ngữ thơ
có đặc trưng riêng: đó là ngôn ngữ có tính song trùng, vừa là phương tiện, vừa
là mục đích. Các nhà hình thức luận Nga cho rằng: “Thơ là ngôn ngữ tự lấy mình làm cứu cánh”… “Thơ là một phát ngôn nhắm vào cách phát biểu” (R.Jacobson).Thơ hay
do nhiều nguyên nhân nhưng thể hiện rõ nhất ở tài năng sử dụng ngôn ngữ của nhà
thơ. Nó là kết tinh của lao động sáng tạo:
Phải phí tốn ngàn cân quặng chữ
Để thu về một chữ mà thôi
Nhưng chữ ấy làm cho rung động
Triệu trái tim trong hàng triệu năm dài
(Maiakovski)
Đỗ Phủ có
một châm ngôn mà mọi người làm thơ đều tâm đắc: “Ngữ bất kinh nhân, tử bất hưu” (Lời thơ chưa làm cho người đọc kinh
ngạc, thán phục, đến chết chưa thôi lao động sáng tạo).
Tựu trung
ngôn ngữ thơ có một số đặc điểm chính sau đây:
1. Tính hàm súc
Hàm súc là
súc tích, hàm chứa. Ngôn ngữ thơ phải thật cô đọng, ít lời mà nói được nhiều ý,
ý ở ngoài lời, gợi nhiều liên tưởng. Có thể ví công việc làm thơ với việc giải
một bài toán tối ưu ,sao cho ít lời mà giá trị biểu hiện được nhiều nhất. Thơ
Trung đại phương Đông là mẫu mực cho tính chất hàm súc. Các thể thơ haikư 17 âm
tiết, tanka 31 âm tiết (Nhật Bản), tứ tuyệt 20 hoặc 28 âm tiết (Trung Hoa), Ả
Rập, Ba Tư cũng có thơ 4 câu. Đó là thể thơ rubai. Thể thơ sijo của Triều Tiên
chỉ 3 câu. Thơ dân gian Việt Nam có khi chỉ 2 câu: “Ai về Giồng Dứa qua truông/ Gió đưa bông sậy bỏ buồn cho em”. Nhà
thơ Dương Tường từng viết bài thơ một câu: “Tôi
đứng về phe nước mắt”. Đó là những thí dụ tiêu biểu cho tính hàm súc của
thơ. Thơ hiện đại đã giải phóng cho nhà thơ khỏi những ràng buộc quá chặt chẽ
về câu chữ ,niêm luật nhưng mặt trái của nó là dễ sa vào dàn trải, thiếu chắt
lọc. Có người nhận xét rằng trong một số bài thơ của Lưu Trọng Lư thời kỳ Thơ
mới 1932-1945 có thể bỏ đi một vài khổ thơ mà cũng không ảnh hưởng gì.
Các nhà thơ
rất chú ý đến tính hàm ngôn của lời thơ. Lê Đạt đã viết:
Thu nở bầy chim mây vỡ tổ.
Câu thơ này
có thể đọc với nhiều phương án ngắt nhịp khác nhau và cho ta những cách hiểu
khác nhau.
2. Tính đa nghĩa
Tính đa
nghĩa của thơ không chỉ do yếu tố chủ quan của người tiếp nhận theo nguyên lý:
tác phẩm văn học = văn bản + người đọc. Tính đa nghĩa còn do đặc trưng của ngôn
ngữ thơ.Quan điểm của nhà thơ càng kín đáo bao nhiêu càng có lợi cho tác phẩm
bấy nhiêu. Đặc trưng của tư tưởng nghệ thuật là toát ra từ hình tượng, tình
huống, chi tiết. Chúng kích thích, khêu gợi người đọc để họ tự rút ra một tư
tưởng nào đó. Tính mơ hồ, đa nghĩa của ngôn ngữ thơ tạo điều kiện cho người đọc
đồng sáng tạo. Tạ Trăn (đời Minh) từng phát biểu: “Thơ có chỗ có thể giải thích, có chỗ không thể giải thích, có chỗ không
cần giải thích như hoa dưới nuớc, trăng trong gương. Một nhà thi học đồng thời
là nhà thơ là Vương Sĩ Trinh cũng nói: “Thơ khó ở chỗ không giải thích được thì
vô vị, giải thích được thì hết vị”. Các nhà thơ trong nhóm Xuân Thu nhã tập
quan niệm: “Thơ không phải lúc nào cũng
rõ nghĩa vì nó không chủ động trong địa hạt ý nghĩa; không phải lúc nào cũng
sáng sủa vì nó không vụ cái phần sáng sủa của tâm linh, nó giữ phần sâu kín, nó
giữ phần sâu sắc”. Tính đa nghĩa không phải là dấu hiệu non kém về nghệ
thuật mà phải được xem là đặc trưng của ngôn ngữ thơ. Một số hiện tượng thơ đã
phải tốn rất nhiều giấy mực để tìm hiểu như "Thề non nước" (Tản Đà), "Tống biệt hành"(Thâm Tâm),"Đây thôn Vĩ Dạ"(Hàn
Mặc Từ). Ví dụ khổ thơ cuối trong bài "Tống biệt hành":
Người đi, ừ nhỉ, người đi thực
Mẹ thà xem như chiếc lá bay
Chị thà xem như là hạt bụi
Em thà xem như hơi rượu say
Có nhà
nghiên cứu hiểu người ra đi xem mẹ như chiếc lá bay, chị như là hạt bụi, em như
hơi rượu say. Phải hiểu ngược lại mới đúng bởi Nguyễn Bính cũng đã từng viết:
Thầy đừng nhớ, mẹ đừng thương
Coi như đồng kẽm ngang đường đánh rơi
3. Tính biểu cảm
Tính biểu
cảm của ngôn ngữ thơ nằm trong bản chất thể loại. Thơ là một hình thức giao
tiếp đặc biệt: Từ trái tim đến trái tim. Có nhiều hình thức biểu cảm:
- Biểu cảm
trực tiếp (thường đi với thán từ):
Hôm nay lạnh mặt trời đi ngủ sớm
Anh nhớ em, em hỡi, anh nhớ em!
(Xuân Diệu)
- Biểu cảm
gián tiếp:
Nhà thơ dùng
hình ảnh, hình tượng vẽ nên một bức tranh về đời sống để khơi gợi ở người đọc
cảm xúc tương đồng. Gợi ý, gợi cảm là bí quyết của thơ phương Đông:
- Xuân triều, đới vũ vãn lai cấp
Dã độ vô nhân chu tự hoành
(Mưa dịp
chiều xuân, trời sập tối
Chiếc đò quạnh vắng tự quay ngang)
(Trừ Châu
tây giản- Vi Ứng Vật)
-Đình thụ bất tri nhân khứ tận
Xuân lai hoàn phát cựu thời hoa
(Cây trước sân không biết người đi hết
Xuân về vẫn nở hoa như mùa trước)
(Sơn phòng
xuân sự- Sầm Tham)
Nguyễn Bính
đã có những câu thơ truyền cảm gián tiếp thật tuyệt bút:
- Giếng thơi, mưa ngập, nước tràn
Ba gian đầy cả ba gian nắng chiều
4. Tính hình tượng
Trong thực
tế, có những bài thơ hay mà ngôn ngữ như lời nói thẳng (ví dụ như bài thơ
"Tôi yêu em" của
Puskin) nhưng ngôn ngữ thơ thường có tính hình tượng. Đó là khả năng tái hiện
những hiện tượng cuộc sống một cách sinh động bằng những bức tranh gợi hình,
gợi cảm. Ngôn ngữ có hình tượng là ngôn ngữ giàu hình ảnh, tạo hình, âm thanh,
màu sắc, có khả năng gây ấn tượng mạnh mẽ vào trí tưởng tượng và cảm nhận của
người đọc. Nổi bật trong thơ là hình tượng thị giác:
- Gió thổi rừng tre phấp phới
(Đất nước –
Nguyễn Đình Thi)
- Mặt trời bơi trên mặt hồ như một con thiên nga đỏ
(S. Esenin)
- Ôi sông Lô nước xanh
tròng trành mảnh nguyệt
Bình Ca sương xuống
lạc con đò
(Trần Dần)
- Dưới trăng quyên đã gọi hè
Đầu tường lửa lựu lập lòe đâm bông
(Kiều –
Nguyễn Du)
Hình tượng
thị giác phổ biến nhất trong thơ. Trong một số trường hợp nhất định hình tượng
thơ có thể trở thành biểu tượng thơ như "đầu súng trăng treo"(Chính Hữu).
Có thể nói
đến hình tượng thính giác trong thơ:
Chập chùng thác Lửa, thác Chông
Thác Dài, thác Khó, thác Ông, thác Bà
Thác, bao nhiêu thác cũng qua
Thênh thênh là chiếc thuyền ta trên đời
(Nước non
nghìn dặm- Tố Hữu)
Với cách nói
hình tượng nhiều lúc thơ có sức diễn tả thật đặc biệt:
Họ đã yêu em đến sờn mòn
Họ đã chiều em đến nhàu nát!
(Esenin)
5. Tính mới lạ
Một trong
những đặc điểm quan trọng nhất của ngôn ngữ thơ hiện đại là tính mới lạ. Điều
này nằm trong bản chất sáng tạo của thơ. Dưới thời Trung đại, người làm thơ
thường mô phỏng tiền nhân. Trong thơ hiện đại tính mới lạ phải trở thành phẩm
chất bắt buộc. Xuân Diệu từng tuyên ngôn:
- Lòng rộng
quá chẳng chịu khung nào hết
- Khinh rẻ
khuôn mòn, bỏ lối quen
Trong giai
đoạn Thơ mới 1932-1945 ngôn ngữ thơ ông đầy tính sáng tạo. Có thể dẫn ra một số
thí dụ như:
- Trăng rất
trăng là trăng của tình duyên
- Chiều goá
không em lạnh lẽo sao!
- Này lắng
nghe em khúc nhạc thơm
- Mùi tháng
năm đều rớm vị chia phôi
Từ Thơ mới
trở đi, thơ Việt Nam có những kết hợp từ thật mới lạ: xuân không mùa, biển pha lê, đêm thủy tinh, lệ ngân (Xuân Diệu), hương phản trắc (Đinh Hùng), Lẵng xuân/ bờ giũ trái xuân sa/ Đáy đĩa mùa đi
nhịp hải hà (Nguyễn Xuân Sanh). Cần lưu ý rằng cái lạ chưa bao hàm cái mới.
Đôi khi người ta đã nhầm cái lạ với cái mới, đánh giá cao cả những câu thơ được
viết khi tác giả bị bệnh thần kinh:
Một hôm gầu guốc gầm ghì
Hai hôm gần gũi cũng vì ba hôm
Bom ha, đạn hả bao gồm
Bồm gao gạo đỏ bỏ gồm gạo đen
(Bùi Giáng)
6. Tính nhạc
Tính nhạc
làm cho bài thơ trở thành một sinh thể nghệ thuật đồng thời làm nên tính độc
đáo của ngôn ngữ thơ. Tính nhạc của ngôn ngữ thơ đã được ý thức từ xa xưa nhưng
đó là thứ nhạc khuôn mẫu trong các thể thơ đã được luật hóa. Vào thời kỳ hiện
đại, các nhà thơ lãng mạn và đặc biệt là các nhà thơ tượng trưng đã hết sức đề
cao nhạc tính. P.Verlaine cho rằng trong thơ “nhạc đi trước mọi sự”. E.Poe cho
rằng: “Trong sự kết hợp thơ với nhạc,
trong ý nghĩa phổ biến, chúng ta có thể tìm thấy phạm vi rộng rãi nhất cho sự
phát triển của thơ”. Bài thơ "Những
tiếng chuông" (The bells) của ông rất độc đáo về tính nhạc:
Hear the sledges with the bell
Silver bells
What a world of meriment their melody foretells!
How they tinkle, tinkle, tinkle,
In the icy air of night!
While the star that oversprinkle
All the heavens seem to twinkle
With a crystalline delight…
(Vọng lại
tiếng những chiếc xe trượt tuyết và những tiếng chuông/ Những tiếng chuông bạc/
Giai điệu của chuông báo tin một thế giới hân hoan/ Những tiếng kêu leng keng
không dứt trong màn đêm lạnh giá/ Trong khi cả bầu trời sao chi chít lấp lánh
niềm vui pha lê…)
Theo E.Poe,
“làm thơ là sáng tạo nhịp điệu của cái
đẹp”. Trong thơ Việt Nam không ít thí dụ về những câu thơ có tính nhạc độc
đáo:
- Đùng đùng gió dục mây vần
Một xe trong cõi hồng trần như bay
(Kiều –
Nguyễn Du)
- Tài cao phận thấp chí khí uất
(Tản Đà)
- Sương nương theo trang ngừng lưng trời
Tương tư nâng lòng lên chơi vơi
(Xuân Diệu)
Cần lưu ý
rằng làm nên tính nhạc không chỉ do vần mà còn do nhịp và thanh điệu. Không
hiểu rõ điều này, trong cuộc tranh luận nghệ thuật ở Việt Bắc năm 1949 nhiều
người đã phê phán bất công các bài thơ tự do không vần của Nguyễn Đình Thi.
Thực ra phải ghi nhận đây là một nỗ lực hiện đại hóa thơ.
*
PHẠM QUỐC CA
Địa chỉ: Đường Lý Nam Đế,
thành phố Đà
Lạt, Lâm Đồng.
.............................................................................................................
-
Cập nhật từ email: huongmai8081@yahoo.com.vn ngày 07.04.2020.
-
Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
-
Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
0 comments:
Đăng nhận xét