VỀ TRANG THƠ CỦA ‘BÁO VĂN NGHỆ ĐỔI MỚI SỐ MỘT’, TUY CÓ THỂ MỚI NHƯNG .... - Tác giả: Trần Mạnh Hảo (Sài Gòn)

Leave a Comment

 

VỀ TRANG THƠ CỦA ‘BÁO VĂN NGHỆ ĐỔI MỚI SỐ MỘT’,

TUY CÓ THỂ MỚI NHƯNG CHƯA HAY:

THƠ KHÔNG LỤY VÀO MỚI HAY CŨ,

MÀ LỤY VÀO HAY HOẶC DỞ

*

 “Báo Văn Nghệ đổi mới số 1" đã bộc lộ sự yếu kém,thơ thấy 2 xu hương; thơ câu lạc bộ phường xã và thơ vô lối. Như đã hứa hen từ trước,thi sĩ Trần Mạnh Hảo "dạy cho những kẻ dốt nát và trí trá ấy một bài học.” (Ý kiến của nhà thơ Nguyễn Tùng Linh gửi cho Trần Mạnh Hảo qua messenger)

(Tác giả Trần Mạnh Hảo)

Nhân nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, người biên tập, chọn lựa chùm thơ dưới đây, vừa in trên báo “Văn nghệ đổi mới số 1”; đồng thời anh Nguyễn Việt Chiến cũng quảng cáo quá nồng nhiệt cho chùm thơ này là hay, là mới. Tuy nhiên, khi chúng tôi vào đọc, thì thấy thơ không giống với sự khen ngợi của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến. Trong chùm thơ dưới đây, chúng tôi chỉ thấy chùm thơ ba bài của Lâm Huy Nhuận và một bài thơ “Mùa thi đỏ lửa” của Văn Giá là thơ, còn các bài khác chỉ là những câu văn xuôi năng xuống dòng, không thể gọi là thơ được. Thơ nói cho cùng, chỉ có thơ hay và thơ dở, không có thơ cũ và thơ mới. Nhà thơ Trúc Thông làm thơ rất tân thời, nhưng người ta chỉ nhớ nổi một câu lục bát của ông “bờ sông vẫn gió người không thấy về”. Xuân Diệu ông hoàng thơ tình, thơ mới rất tây nhưng bài hay nhất của ông xưa là bài “Nguyệt Cầm” làm theo kiểu thơ thất ngôn. Huy Cận thơ hay nhất của ông trước 1945 là thơ lục bát…

Mong các nhà phê bình và các nhà thơ từng tán dương dòng thơ “tân con cóc” hãy lên tiếng tranh luận với chúng tôi xem chùm thơ này hay ra sao, mới như thế nào. Chúng tôi sẽ tranh luận lại vào một bài sau .,.

Ly Hoàng Ly

HỒ

Em chủ động

Mạnh mẽ

Như mặt hồ nước.

Vứt đá cuội xuống hồ nước

Mặt hồ khẽ xao động

Đá cuội chìm xuống đáy

Mặt hồ lại phẳng lặng.

Vứt đá tảng xuống hồ nước

Mặt hồ tóe sóng

Đá tảng chìm xuống đáy

Mặt hồ lại phẳng lặng

Vứt bao nhiêu đá cuội đá tảng xuống

Lòng hồ đón nhận hết

Nước mở lối

Không ai thấy nước rách

Không ai thấy nước chảy máu

Mưa bão cỡ nào

Xáo trộn đến đâu

Lại tĩnh như gương

Rạng rỡ, mịn màng

Soi bóng cây là đà

In bóng mây bềnh bồng

Sắc trời long lanh long lanh

Làn trong vắt véo von chim

Ngân nga lâng lâng gió

Em thụ động

Yếu đuối

Như mặt hồ

Mọi đá nhỏ đá to vứt xuống

Nước nằm im – không chống cự

Cho đến khi đá ngập

Cho đến khi đá lấp

Mặt hồ không bao giờ kêu than

Mặt hồ bao giờ cũng đón - nhận

Từng sợi nước

lặng lẽ

rút kiệt vào đá, sỏi

không màng thân xác

không màng hiện hữu

Người ta kể

Bãi đá rộng lớn này

khi xưa

hình như

từng có mảnh gương con soi đất trời

trong suốt

lung linh

Gương đã tan

Hồ đã chìm…

Nhìn kìa,

Bãi đá đẹp quá,

phải không…

 

KÝ ỨC

Khi viết tới đâu đốt hết những gì vừa viết tới đó,

là khi chạm đến tận cùng của sự buông bỏ.

Tro tàn là sách.

Khi dựng xong tác phẩm nào quăng sọt rác tác phẩm đó,

là khi chạm đến tận cùng của sự buông bỏ.

Sọt rác là bảo tàng.

Khi sống tới đâu chết tới đó,

chết tới đâu sống tới đó,

là khi chạm đến tận cùng của buông bỏ.

Tử sinh là hơi thở.

Khi nhớ tới đâu quên tới đó,

là khi chạm đến tận cùng của sự buông bỏ.

Ký ức là không khí.

Chẳng nhớ cũng chẳng quên không khí.

Ký ức là không khí

Ký ức là không khí

Ký ức là không khí.

 

MỘT KHI CỎ ĐÃ TIN

Người âu yếm nhìn cọng cỏ

bảo Người yêu nó

cọng cỏ tin

Người vươn tay ngắt cọng cỏ

bảo Người muốn nó

cọng cỏ tin

Người nhấm sương và vị ngái

bảo đây là cọng cỏ Người mơ ước

cọng cỏ tin

Người lạnh lùng nhìn cọng cỏ

bảo Người không còn thích nó

cọng cỏ tin

Người thả tay vứt cọng cỏ xuống bên đường

bảo Người đã chán nó

cọng cỏ tin

nằm bên lề đường

cọng cỏ tin

rằng mình xanh và ngái

mình đẫm sương

cọng cỏ tin

rằng mình xanh và ngái

mình đẫm sương

cọng cỏ tin

và ngủ thiếp đi

trong giấc ngủ

cọng cỏ mơ thấy mình không tin

không tin mình là cọng cỏ

được yêu

được muốn

được mơ ước

được không còn thích

được chán

nhưng cọng cỏ mơ thấy mình tin

tin mình

tin Người.

cọng cỏ không thức dậy nữa.

 

BUỒN

Sau một đêm khóc nhoè đêm

Hoa nhài trắng ướp sương nồng

May mà nhài vẫn có thể buồn

dù nỗi đau chất chồng có khiến thế gian trở nên vô cảm

Nhài buồn

buồn lắm

buồn đêm nhoè sương tan thành nắng

buồn ủ nắng

nắng hương

Lẩn thẩn ngắm giọt nước

Rơi ra từ mắt

Giọt nước trong mọng tình yêu

Đọng nương cánh trắng

Thân thể thơm ngát

nỗi buồn cánh nhài cánh thương trắng thương

May mà em vẫn có thể buồn.

 

BÓNG

Tri kỷ của mình là bóng mình

Mấy khi mình nhìn thấy bóng mình

nhưng người khác thấy

Người khác nhìn thấy tri kỷ của mình

Sao mình không thấy

Có phải vì mình cứ vừa đi vừa ngước lên trời

Có phải vì mình cứ lo nhìn về phía trước

Nếu nhìn xuống

Mình sẽ vấp vào một hạt bụi

Ngã sóng xoài

Rồi đất dưới thân mình lún xuống

Chiếc thuyền hình người

Bơi giữa sa mạc không mặt trời

Khi mình và tri kỷ nhập một

Mình sẽ không còn một mình đi trên đường

Mình không còn phải đi đâu nữa cả

Không ngước lên trời không nhìn về phía trước không ngoái lại phía sau

Sẽ không ai nhìn thấy tri kỷ của mình khi ấy

Mình cũng không thấy

tiếng tim đập như ánh sao nhấp nháy

Giữa sa mạc không mặt trời

Không ai thấy bóng nhịp tim

Mình cũng không thấy bóng nhịp tim

Nhập một rồi tắt.

Giữa sa mạc không mặt trời

Cát là những vì sao đã chết.

 

THỞ DÀI

Thở dài

Chẳng để làm vui

Thở ra từng gang sầu

Thở dài

Chẳng để làm duyên

Thở ra từng khúc ruột

Thở dài

Chẳng để làm sang

Thở ra từng vốc bùn

Thở dài

Chẳng để thanh thản

Thở ra từng nắm kim

Thở dài

Chẳng để thở dài

Để ước

Thở

thở dài

ước

cho mây quắn lại

ước

ngồi trên mây quắn

thở một tiếng

dài một kiếp

xác thịt tan

 

Lâm Huy Nhuận

VƯỜN XƯA

Mây vẩy cá lá thuỷ tinh

Góc vườn nơi ấy thấy mình bên nhau

Bây giờ trăng đã bã trầu

Mắt chân chim quệt mệt nhàu môi xưa

Bây giờ đom đóm nhóm mưa

Lom đom mấy hạt hắt bừa lên đêm.

 

RƯỢU KHUÂY

Né nhau vài cơn bão,

Đỡ hả men rượu xưa.

Đã qua mùa dứt áo,

Bầm dập bóng người đưa.

Rượu khuây còn mấy chén,

Tự mình chuốc cho mình.

Đốt hương mời người đến,

Thơm mãi mùi lặng thinh!

 

MÙI MƯA

Mùi mưa - bạn chỉ cho tôi

Đã chết đâu đó ngoài trời xa xa

Thời gian nay cũng đã già

Nhón bàn tay héo rờ qua mỗi ngày

Tìm về những phút ngất ngây

Hoà cùng lũ trẻ vui vầy nếm mưa

Mùi mưa - giờ quá xa xưa

Thơm trang cổ tích cợt đùa thế nhân.

 

Văn Giá

VỀ HẢI PHÒNG GẶP VĂN CAO

Suốt dọc đường nghe nhạc Văn Cao

Chạm Hải Phòng khi nào chẳng rõ

Hỏi thăm lối về nhà bạn

Bỗng nhận ra mình đang trên phố Văn Cao

Một con đường rất lặng

Ngoại ô

Cũng may mà còn được ngoại ô

Giữa nội ô làm sao còn tĩnh lặng

Làm sao còn Suối mơ, Thiên Thai

Đàn chim Việt cũng tránh xa đường bay qua đỉnh Nhà hát

Chọn một đường bay thanh sạch cánh đồng

Văn Cao Văn Cao

Con đường này có còn phong dấu

Bàn chân ông ngang dọc một thời

Hải Phòng nghiêng về phía biển

Phượng bây giờ đang xanh

Văn Cao Văn Cao

Ông đang nghĩ gì

Ly rượu xoay trên tay

Sinh mệnh Tổ quốc

Vâng, sinh mệnh Tổ quốc

Văn Cao không quen những ý nghĩ tầm thường

Những ý nghĩ tầm thường không chạm được Văn Cao

Ông đang nghĩ gì

Hàng vạn ngoại nhân đang khai thác thuộc địa

Hữu nghị quan mở toang cửa

Biển đông đang thoi thóp

Chiến hạm đang khạc đạn vào cơ thể Tổ quốc

Ông đang nghĩ gì

Em bé đến trường ba lô gù lưng

Dân mất đất chợ người nháo nhác

Ai ai cũng biết nói dối

Nói dối công khai trước diễn đàn

Nói dối trên giảng đường

Nói dối núp bóng nghệ thuật

Ông ạ

Kẻ hậu sinh này định một chuyến ngược về sông Lô

“Sóng ngàn Việt Bắc bãi dài lau ngô…”

May chăng còn lại chút gì

Sống ở đồng bằng chết ngạt

Một mình

Với nhạc Văn Cao

Trên phố Văn Cao

Văn Cao…

Hải Phòng, ngày 6.4.2009

 

MÙA THI ĐỔ LỬA

Ở Quảng Trị cái gì cũng thiếu

Chỉ có gió Lào và cát trắng thừa thôi

Ở Quảng Trị cái gì cũng héo

Chỉ có phượng hồng và hoa giấy thắm tươi

Ở Quảng Trị tất thảy đều hiền lắm

Chỉ Quốc lộ là hung dữ nhất thôi

Cô giáo coi thi xe máy về phố thị

Xe tải tông ngang.

Nấm mộ chân đồi...

Ở Quảng Trị cái gì cũng ít

Chỉ có mộ người chi chít mà thôi

Qua cuộc chiến lính hai bên bỏ mạng

Hương khói đêm đêm cháy đỏ mặt người

Ước mai này không còn thi cử nữa

Các con ta chỉ thi với chính mình

Từng nấc thang đời, con thong dong bước

Được làm người tự do

Ở Quảng Trị tất cả đều cháy xém

Chỉ có làn da em gái trắng ngời

Cả Quảng Trị trong héo ngoài héo

Chỉ có em trong tươi ngoài tươi...

Tháng 7/2019

 

SÁNG CUỐI NĂM

Sáng cuối năm đi thăm ba người bệnh

người thứ nhất bước tới ôm tôi

người thứ hai đang nằm thiêm thiếp

người thứ ba khe khẽ thở oxy

Người thứ nhất vào tủ lấy rượu

người thứ hai bừng tỉnh gọi tên

người thứ ba mấp máy muốn nói

Người thứ nhất bảo: "Uống chén rượu mừng anh giã bệnh"

người thứ hai gắng nhận biết từng khuôn mặt

người thứ ba chẳng rõ nghĩ gì...

Giữa những hình hài người bệnh hôm nay

với những quyển sách của các ông tôi từng đọc

tôi cố gắng tìm một liên hệ

Trở về

nhắp chén một mình

bỗng những quyển sách của các ông nhổm dậy...

Ngày 3/2/2018

 

Hoàng Thụy Oanh

ĐỐI THOẠI VỚI BÓNG

người kiếm gì trên ngọn đồi lá vàng

những cái hố run lên thèm đêm trăng thổ huyết

có người ngồi bên cửa sổ

quá khứ chẹn ngang

chỉ vết xước

sâu kín đôi mắt người đàn bà

vết sẹo nào dài hơn đau hơn

người đi tận cùng im lặng

người chờ tận cùng hoang vắng

những mầm cây trồi lên nằm xuống

vịn cỏ mà xanh

người vịn vào đâu

những cái hố lơ lửng

như đôi nạng gỗ suốt đời mang phận

gắn lại linh hồn

thùng thình vạt áo cô đơn.

 

TÌNH YÊU

mười rễ cây

bám vào lồng ngực

anh bơi về phía mình

giữ chặt bài thơ non dại

anh sẽ hái ánh nhìn của em

tưới lên đôi cánh thời gian

khoảng cách thơm tho

em giấu gì trong đôi mắt

thiêu đốt buổi chiều hôm ấy

chiếc ghế bao dung

một chỗ ngồi.

 

KHI NỖI CÔ ĐƠN ĐỨNG BÓNG

ném cô đơn vào xó tường

như giây phút cuối của hơi thở cuối

nó hực lên

rồi nhanh chóng rỗng rượi

không nhai đi nhai lại một cảm thức

không gặm nhấm một dáng hình

cô đơn là thực thể vô thức

bùng lên ngọn lửa khác

trên đôi cánh tự do

vượt qua những thứ phù phiếm

đối diện với vết loang tù mù

bạn sẽ thấu suốt và đánh thức nỗi cô đơn

một cách quyết liệt

chạm vào năm lồng ngực của đại dương

bạn sẽ được sinh ra thêm lần nữa

chạm vào thân thể bài thơ

chỉ vết chàm cô đơn là thật nhất

hiện thực là bằng chứng khêu gợi

và làm sinh động

khi nỗi cô đơn đứng bóng.

Tôi không tin vào sự đổi mới của “Báo Văn Nghệ”, vì trên đầu báo vẫn đề “VÌ TỔ QUỐC, VÌ CHỦ NGHĨA XÃ HỘI”, là một câu văn viết không đúng. Ngay cả báo Nhân Dân và báo Quân đội nhân dân cũng không in khẩu hiệu này trên bìa, vì CHỦ NGHĨA XÃ HỘI là một khái niệm chưa có, không có thật. Liên Xô đi tìm chủ nghĩa xã hội 74 năm vẫn chưa thấy, không thấy. Ngay cả ông Nguyễn Phú Trọng cũng tuyên bố cần đi tìm chủ nghĩa xã hội trong một vài trăm năm nữa, may ra mới có thể gặp. Vậy “chủ nghĩa xã hội” đồng nghĩa với điều chưa có thật. Báo Văn Nghệ đổi mới thì phải ghi như thế này trên bìa mới đúng: “Vì tổ quốc, vì điều không có thật”.,.

*.

Sài Gòn ngày 2-7-2021

TRẦN MẠNH HẢO

Địa chỉ: Số nhà 220/22 phố Hồ Văn Huê,

quận Phú Nhuận, thành phố Sài Gòn

Email: hungdimy@yahoo.com

 

 

 

 

 

.............................................................................................................

- Cập nhật từ messenger facebook Nguyễn Ngọc Tân ngày 02.07.2021.

- Ảnh dùng minh họa cho bài viết được sưu tầm từ nguồn: internet.

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại. 

..  


0 comments:

Đăng nhận xét