BÀI
THƠ “HƯƠNG QUÊ” CỦA ĐẶNG XUÂN XUYẾN
VÀ NHỮNG CẢM NHẬN
*
HƯƠNG
QUÊ
Hương cốm nhà bên duyềnh sang nhà hàng xóm
Cô bé thậm thò vắt ngang dải yếm
Níu bờ sông
Ơi ời “ra ngõ mà trông”
Vi vút gió đồng...
.
Ngẩn ngơ
giấc mơ
Níu đôi bờ bằng dải yếm
Chuốt tóc mềm làm gối chăn êm
Áo tứ thân trải lá lót nằm
Gom gió lại để chiều bớt rộng...
.
Thẩn thơ
Tiếng mơ thầm thĩ
“Người ơi...
Người ơi...”
Dan díu lời thề
Ngõ quê líu quíu.
*.
Hà Nội, chiều 31.08.2017
ĐẶNG XUÂN XUYẾN
VÀI CẢM NHẬN KHI ĐỌC “HƯƠNG QUÊ”
CỦA ĐẶNG XUÂN XUYẾN(Tác giả Châu Thạch)
Thơ Đặng Xuân Xuyến thường chơi cái trò ỡm ờ. Lời ít, thấy nhiều, hiểu
rộng, suy diễn sâu xa tùy người. Do đó thơ Đặng Xuân Xuyến thường gặp phải hai
dòng cảm ứng khác nhau: người cho dở kẻ khen hay.
Đọc bài thơ này thấy ngắn quá, có cái gì cụt cụt,
thiếu thiếu làm cho ta ấm ức trong lòng. Nhưng chính cái thiếu thiếu, cụt cụt
đó làm ta cứ thòm thèm như mới ăn nửa cái bánh thì bánh có dở cũng thành ngon
mà bánh ngon cũng chưa biết hết mùi vị chính xác thế nào. Cái đó thương thì nói
nghệ thuật mà ghét thì nói xảo thuật. Nghệ thuật hay xảo thuật thì cũng là một
thành công của sự kết cấu bài thơ, của ý đồ tác giả.
Đọc bài thơ ta thấy cái dải yếm nó lớn thật, nó vắt ngang níu bờ sông, rồi
nó làm náo động cả xóm làng: Ơi ời "ra
ngõ mà trông". Sự náo động đó thật ra không phải của xóm làng đâu mà
là của chàng trai kia đến tuổi động yêu mà thôi. Cái "Hương cốm" cũng chưa chắc của nhà ai đâu. Cái hương đó có thể
tỏa ra từ dải yếm phơi bên bờ sông thơm đến độ nhà ai cũng ngửi được mà cứ
tưởng rằng của nhà bên cạnh duyềnh sang.
Cái thằng con trai cũng chết mê chết mệt. Nó ngẩn ngơ mơ giữa ban ngày thấy
sông, thấy nước, thấy gió, thấy cả trời chiều nằm trong yếm, trong tóc, trong
áo cô gái kia.
Nó ở bên này sông mà cô gái phơi yếm ở bên kia sông. Vậy mà con mắt lãng
mạn của nó thấy "níu đôi bờ bằng dải
yếm".
Rồi thì thằng con trai yêu đến độ tâm thần đi lang thang và thì thầm trong
miệng "Người ơi...Người ơi...."
Nó "dan díu" thế thì chẳng
khác chi Bùi Giáng dan díu với nàng Kim Cương xưa vậy.
Người chơi ngọc có khi chưa mang chiếc kính nhìn
ngọc thi chưa thấy hết giá trị của nó đâu. Người đọc thơ cũng vậy, nên chịu khó
nhìn thơ qua con mắt lãng mạn của mình như mang chiếc kính kia thì sẽ khám phá
được thơ hay vậy./.
*
Đà Nãng, 01 tháng 09.2017
CHÂU THẠCH
Địa
chỉ: 75 Phan Kế Bính, Đà Nẵng.
Email: truongvantran@hotmail.com
ĐẶNG XUÂN XUYẾN NÍU DẢI YẾM
ĐI VỀ CÕI YÊU (Tác giả Bùi Cửu Trường)
Tôi mới biết và còn chưa kịp quen nhà thơ có lối viết rất riêng này...
Tôi với nhà thơ cách nhau khá xa về tuổi tác, nên đọc "Cưỡng
Xuân" và một số tác phẩm khác của anh, tôi cứ phải né né... nín
nhịn từ xa mà vẫn chưa sao "thấu cảm" được với anh.
Rồi hôm nay tôi lục được bài này trong blog của anh. Tôi thích nó. Tôi thích cái lối tưng tửng này. Cái già dặn
hơi buông tuồng, nửa "đồ nho" nửa "Tây bồi" như gói, như
mở, như kín, như hở ... rất lạ, khiến người đọc vừa đỏ mặt tý, vừa tò mò
tý, vừa lại như bừng bực, vừa khó chịu để rồi bị cuốn thụt lút trong mê đắm của
mênh mang tâm tưởng và men nồng như say như tỉnh của một loại rượu chả cần phải
nhắp môi cũng tự lâng lâng.
Tưng tửng "hắt" thiên hạ sang một bên ngay từ câu đầu: "Hương
cốm nhà bên duyềnh sang nhà hàng xóm".
Giọng điệu gì mà dửng dưng, vênh vênh, ngạo mạn một
cách khó chịu của một kẻ trai tự biết mình cao giá. Cái kiểu "Các người cứ
làm hàng cho các người tự ngắm đi, còn trai đây thì”... thì ba hồn bảy vía còn
để ở "cái dải yếm vắt ngang" của "cô bé thậm thò..." kia. Rõ là đa tình đến độ và tinh ranh đến
độ... đến độ ngoa dụ cho nàng "níu
bờ sông" bằng cái dải yếm... rồi trầm trồ "Ơi ời “ra ngõ mà trông"
...
Trông cái gì đây? chắc không phải chỉ trông cái dải yếm, dù cái “dải yếm" đang phất phơ "vi vút gió đồng" ... Không cần giầu
tưởng tượng lắm ta cũng thấy một tấm lưng thon thon nuột nà con gái của dải yếm
đã buông lơi, thấy thấp thoáng cặp tuyết lê kín hở khi cái yếm bung dây bị gió
đồng ren rén bồng lên phập phồng đùa giỡn…
Cái yếm thắm bung dải ngang phơ phất mặt sông, cái
lưng mịn nâu màu mật, cái cổ ngấn ba, cườm tay săn nhỏ như giữ, như cởi, như
thắt, như buông, như tung, như hứng theo nhịp dập dềnh phóng khoáng của gió
lộng chiều quê thanh vắng nên thơ... trên bên sông xanh nước in mây, trên bãi
cỏ non cạnh cánh đồng lúa ngô mướt mắt màu nõn biếc.
Một nét chấm phá cho một bức tranh. Một cuộc đòng
đưa cho cuộc tình mơ nồng nàn như mâm cỗ đầy có ngọn thịnh soạn, thơm tho...
hình như ai đó đã cất công và tỉ mẩn chuẩn bị, bày đặt... và ai đó cũng chỉ chờ
có thế. Họ chờ, cùng chờ... "Chuốt
tóc mềm làm gối chăn êm, Áo tứ thân trải lá lót nằm..."
Thơ chả nói đến ai, chả nhắc đến ai... mà ai cũng rõ là AI "Gom gió
lại để chiều bớt rộng " ...
Mà rồi chiều chẳng có rộng đi nữa thì họ vẫn gom
gió lại. Họ cần gì rộng hay chật vì bão giông đã nổi lên cuốn tình chìm nghỉm
... chỉ còn dập dềnh dải yếm “nối
đôi bờ".
Đôi bờ nào? Cần gì phải nói. Dải yếm đâu? Cần gì phải hỏi? ... Cứ thả ra mà suy, cứ nhắm mắt lại mà tưởng...
Tình bồng bềnh, gió bồng bềnh, dải yếm bồng bềnh... trong "Ngẩn ngơ giấc mơ..."...
Cái dải yếm thắt cho tình hai bờ khít lại, cái dải yếm cởi cho "tòa
thiên nhiên" (chữ trong Truyện Kiều) lồ lộ, cho hương ai quyện vào gió
ngát, và vị cỏ dịu ngọt, và ướt át sông nước mịn dòng quấy đạp tùy nghi...
Một cuộc tình nên thơ với những câu từ trong cuộc nghe như vô nghĩa, cứ nói
để mà nói, nói không để nghe. .."Người ơi…
Người ơi..." ngôn từ được tác giả gọi bằng "tiếng
mơ thầm thĩ". Rõ là chả có lời yêu, rõ là chả có lời mê đắm mà chỉ có
một cuộc tình như nó vốn đã là như thế, không cần lời, không cần xoa xuýt âu
yếm... mà chỉ với vô nghĩa từ, câm lặng bốc ngùn ngụt như hỏa diệm sơn... mà lại vẫn có cái gì vụng trộm dấu diếm khi
ta đọc đến "Dan díu lời thề /
Ngõ quê líu quíu" thì mới thấy tình yêu này bất chấp ước lệ của
xã hội, của phong tục làng quê.
Cuộc tình đó chất phác như hạt lúa củ khoai. Cuộc tình đó là vô ngôn tình
lại có cái gì đó như vội vàng dấu diếm, như trao gửi vụng về, lại trong
trẻo chân thành... vì từ ngữ là thừa, là tạp âm, là xáo trộn nguồn yêu.
Nhưng trong những đắm say, những “thẩn
thơ” với tình yêu "tiếng mơ thầm
thĩ" vẫn còn thốt ra những: "Dan díu lời thề" khiến "Ngõ quê líu quíu"... thì mới thấy tình yêu này bất chấp ước lệ
của xã hội, của phong tục làng quê. Tình yêu ấy bản năng trong trẻo và mộc mạc, không tính
toán, không ngoa ngôn kiểu cách, tự nhiên chân chất như con sông, như bờ cỏ.
Một bài thơ ngắn, khá ngắn với từ ngữ mộc mạc, nói về cái dải yếm, neo
sông, cách tả hình không có hình, cách tả tình không có tình.
"Hương Quê" là bài thơ nói về
yêu mà không dùng một chữ yêu. Một bài thơ tả tình lồ
lộ mà không có một ngôn từ nào chỉ tình ấy, mà khi gặp nó, người đọc vẫn
thấy ngồn ngộn cảnh, ngồn ngộn tình, ngồn ngộn bão giông mây mưa ào ạt, thấy
lớp lang của sự dâng hiến, trao gửi cuộn trào.
Đó là cái tài tình và già dặn của một cây bút, mà khi ra đời đã không còn
nhìn thấy yếm áo lỏng lẻo gợi cảm của thiếu nữ nông thôn hay thành thị lững lờ
sau vuông yếm mỏng manh nửa kín nửa hở... mà viết như vậy thì:
Nếu không có vốn kiến thức về xưa cũ, khó có thể viết ra điều ấy. Nếu không hòa mình trong mê đắm cuộc tình
cũng không thể nào viết gợi thế được.
Với tôi, đây là bài thơ gợi tình thật đáng đọc. Đọc để
thấy Đặng Xuân Xuyến đang níu dải yếm đi về cõi yêu theo kiểu
độc đáo riêng mình.
*.
Hà Nội, 14 tháng 10.2017
BÙI CỬU TRƯỜNG
Địa chỉ: phố Trần Quang Diệu, phường Ô Chợ Dừa,
quận Đống Đa, thành phố Hà Nội.
ĐÔI LỜI CÀN RỠ VỀ BÀI THƠ
‘HƯƠNG QUÊ’ CỦA ĐẶNG XUÂN XUYẾN
Tôi ít đọc thơ và không biết làm thơ,
tuy nhiên không hiểu vì sao có cái duyên được anh bạn nhà thơ Đặng Xuân Xuyến
chiếu cố gửi lời mời kết bạn với một bà vừa dốt, lại vừa ngu!!! (Là tôi nói
thật chứ không nói lấy vui làm quà.). Nên cũng mạo muội vì cái ngu, cái dốt ấy
mà xem như “điếc”, lấy cái sự Điếc làm chữ: “Dũng”.
Tôi đọc lời bình của bác Châu Thạch
trước rồi mới đọc bài thơ và vì nể cái lời bình rất hay và rất khéo ấy mà đọc
thơ và cũng cố bon chen để làm vài lời bình vì sợ người đời cho mình là dốt.
“Thơ
Đặng Xuân Xuyến thường chơi cái trò ỡm ờ” - trích lời bác Châu Thạch.
Đúng là ỡm ờ!
Tôi không thích các từ: "duyềnh" trong “Hương cốm nhà bên duyềnh sang nhà hàng xóm”, "thậm" trong “Cô bé thậm thò vắt ngang dải yếm”. Trông như miếng bánh mì hơi bị ố
vàng, hơi có mùi men bột bánh (vì tôi hay làm bánh, nên liên tưởng vậy)
Bác Chu Mến nhận xét rất đúng: "Câu cú sắc và táo bạo". Cái táo bạo
của người trí thức Xã hội Chủ nghĩa!!!!
Rất sắc: “Chuốt”. Ôi trời ơi, có cô gái nào mà nghĩ rằng đem tóc mình ra
chuốt? Một sự đánh lận hai từ đồng âm. Trau chuốt, hay là chuốt như chuốt chông
tre. Tức, nghẹn, thèm thuồng, nên dường như cái chông ấy mọc ở trong mắt hay
trong tâm kẻ trai si tình?
"Tiếng mơ thầm thĩ."
Làm tôi nhớ một câu nói của Goya danh
họa người Tây ban Nha! Ôi! Đàn ông!
Khéo tưởng tượng, cái dung tục nhưng
không bị thô:
“Áo tứ thân trải lá lót nằm”... ?????
"Gom gió lại để chiều bớt rộng..." như tựa vào tay áo? níu lấy!
"Dan díu lời thề "!!!
Nuốt nước bọt đánh ực, ấm ức? Làm tôi
nhớ đến câu ở đầu môi các bà, các cô bán quà vặt: “Tình chỉ đẹp khi tình dang dở”?
Bác CHÂU THẠCH nói rất đúng:
“ ...có
cái gì cụt cụt, thiếu thiếu làm cho ta ấm ức trong lòng. Nhưng chính cái thiếu
thiếu, cụt cụt đó làm ta cứ thòm thèm như mới ăn nửa cái bánh thì bánh có dở
cũng thành ngon”.
Cảm ơn ai đã đọc những lời càn rỡ này.
*.
Ngày 02 tháng 04-2018
NGUYỄN BÍCH THỦY
faecbook: Nguyen Bich Thuy
NGÕ QUÊ ĐỘC ĐÁO TRONG
“HƯƠNG QUÊ” CỦA ĐẶNG XUÂN XUYẾN (Tác giả Nguyễn Xuân Dương)
Bài thơ viết về cái ngõ
quê với rất nhiều bảng lảng khói sương. Thật khó để bình luận vì tất cả thi ảnh
ở đây đều ẩn chứa cái phi lí tận cùng của phi lí. Cái hư ảo tận cùng của hư ảo.
Câu đầu tiên hiểu thế nào là nhà bên và hiểu thế nào là nhà hàng xóm mà hương
cốm đầu mùa đã duyềnh sang nhau. Sao cứ phải ợm ờ? Cái ợm ờ như các cụ vẫn bảo
trăm nhát cuốc bổ vào lòng cả trăm. Một câu thơ đã cho ta cảm nhận được mùi
hương cốm ở đây vừa quấn quýt, lan tỏa và quyện hòa, vừa thân thương ràng buộc
hai ngôi nhà và trong hai ngôi nhà đó có một chàng trai si tình và cô gái vắt
ngang dải yếm. Dải yếm là thứ để buộc chặt và che đậy sao ở đây nó lại vắt
ngang và vì sao nó lại vắt ngang thì may ra ông trời và Đặng Xuân Xuyến hiểu
được mà thôi. Còn chúng ta những kẻ trần tục làm sao có thể hiểu được? Phải
chăng cái dải yếm ấy vắt ngang để níu dòng sông để bắc cái cầu đón nhà thơ sang
chơi. Tất nhiên khi cái dải yếm được cởi ra để vắt ngang thì chắc chắn nhà thơ
đã nhìn thấy một bầu ngực căng đầy khát vọng. Vui quá nhà thơ cứ ời ợi gọi cả
làng ra mà trông chúng tôi đang làm cái việc mà chỉ có sức mạnh tình yêu mới có
thể làm được. Thật kì diệu cái dải yếm chỉ tày gang thôi mà sao ở đây cứ dài
mãi ra đến vô cùng có thể níu đôi bờ sông xích lại gần nhau cho những lứa đôi
xum họp thay cho con đò nhỏ mong manh. Để không còn tiếng gọi đó thảm khắc
trong đêm.
Đến đây thì chất phồn
thực đã lấp đầy từng câu thơ, từng chữ thơ rồi. Họ đã làm được cái việc phi
phàm nhất: "Chuốt tóc mềm làm gối
chăn êm". Bộ tóc được bao lăm mà có thể chuốt làm chăn làm gối. Ở đây
qua câu thơ chở đầy khát vọng đó ta chỉ thấy được cái đầu hầm hập nóng của nhà
thơ đang được gối lên và vùi lấp trong mái tóc dài sóng sả của em thôi. Cái dải
yếm thì bỏ ra làm cầu còn áo tứ thân cũng được cởi nốt để trải lá lót nằm! Bạo
liệt quá họ chẳng cần phải dấu diếm làm gì vì đó là đích đến cuối cùng của tình
yêu và sự sinh tồn nhân loại. Thế vẫn là chưa đủ đối với hai người đang khao
khát thì chiều ở đây như càng rộng thêm ra lấy gì để khỏa lấp chắn che? Đôi
trai gái ấy lại làm thêm một việc phi phàm nữa, họ đã níu được cả gió để buộc
cho chiều bớt rộng để đêm chóng về...và chỉ còn bóng đêm nhốt chặt hai con
người đang khao khát. Có phải thế không thi nhân?
Nhưng…Vẫn luôn tồn tại một chữ nhưng oan nghiệt
vì đây chỉ là:
"Thẩn thơ
Tiếng mơ thầm thĩ
“Người ơi...
Người ơi...”
Dan díu lời thề
Ngõ quê líu quíu.”
Chỉ là một tiếng mơ thầm thĩ, gian díu một lời
thề trong cái ngõ quê líu quíu. Cái ngõ quê rất đặc trưng của nhà thơ Đặng Xuân
Xuyến.
Trong đời chỉ có tình yêu trong mơ là đẹp. Hay
nói khác đi tình yêu chỉ là tiếng gọi thầm thĩ của những giấc mơ chứ không bao
giờ có thật.
Từ trong tiếng gọi mơ thầm thĩ ấy bằng ngôn ngữ
thi ca Đặng Xuân Xuyến đã sáng tạo ra một ngõ quê độc đáo nhất trong đời… Tôi
nghĩ thi ca luôn là như thế, luôn là sự vụt hiện lóe sáng của cảm xúc, của tài
năng!
Tôi rất mến yêu và trân trọng những bài thơ đã
đến được với sự tối giản của ngôn ngữ, nhưng lại chứa đựng tối đa những thông
điệp mà nhà thơ muốn gửi gắm cho chúng ta để cùng thăng hoa và suy ngẫm./.
*
Bắc Ninh, 04 tháng 11.2018
NGUYỄN XUÂN DƯƠNG
Địa chỉ: Nhà số 7 Đường Thành Cổ,
Phường Vệ An - Thành phố Bắc Ninh
.
Mời thư giãn với
nhạc phẩm VỀ QUÊ
của Phó Đức Phương, qua tiếng hát Minh Phương:
0 comments:
Đăng nhận xét