‘NUỐT DAO PHAY’ VIẾT TRUYỆN LỊCH SỬ - Tác giả: Kiều Mai Sơn (Hà Nội)

1 comment

 

NUỐT DAO PHAY

VIẾT TRUYỆN LỊCH SỬ

*

(Tác giả Kiều Mai Sơn)

1. Người dân xã Diễn Kim, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An thường dùng câu cửa miệng "nuốt dao phay" để chỉ những anh ba hoa nói phét, bán trời không văn tự.

1- Khi nhà văn Sơn Tùng còn khoẻ mạnh, ông trăn trở với việc khôi phục lại những thiết chế thờ tự trong làng cổ Hoa Lũy xưa - xã Diễn Kim ngày nay. Ngôi làng cổ truyền thống khi Cải cách ruộng đất diễn ra đã phá sạch những tàn tích phong kiến. Đêm giao thừa năm Canh Thìn (2000), nhớ quê, nhà văn viết mấy câu thơ bày tỏ nỗi niềm: "Giếng thơi lấp, cổ thụ tàn/ Đại danh thần với thành hoàng bơ vơ".

Hơn 20 sắc phong dân làng trao gửi, khi đến tay ông chỉ còn 18 chiếc nguyên vẹn, không bị rách nát. Ông bà mua hộp gỗ, mua giấy bản và xin cả thuốc chống ẩm, chống mối (từ con gái một vị tướng to trong quân đội làm việc ở thư viện). Ông bà để trên đỉnh tủ sách trong nhà. Cá nhân tôi cũng có 1 lần được nhà văn Sơn Tùng cho xem tận mắt, cho sờ tận tay 18 bản sắc phong này. Hiện nay, 18 sắc phong được ông bà trao gửi về lãnh đạo Đảng ủy - Ủy ban Nhân dân xã Diễn Kim quê nhà.

Sang tuổi 80, là người thông thạo tử vi, trạch cát, nhà văn Sơn Tùng tự lượng thời gian làm việc của mình không còn nhiều, vì thế, ông gửi gắm tâm nguyện khôi phục lại ngôi đền thờ ở quê nhà cho các cháu trẻ, là con em dân làng, đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội là nhà báo Thiên Sơn (Nguyễn Xuân Hoàng) - năm đó chưa được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam...

Tự tay nhà văn Sơn Tùng soạn tập tài liệu gồm: tập foto 18 sắc phong chữ Hán, bản chép lại theo nguyên gốc rồi dịch và phân tích 18 sắc phong này của cụ Đỗ Đình Đắc (cán bộ hưu trí trường Đại học Sư phạm Hà Nội); nhà văn đã trao gửi anh Thiên Sơn để nghiên cứu, tiếp tục làm theo mong muốn của ông. (Tháng 3-2013, bà Phan Hồng Mai, vợ nhà văn Sơn Tùng đã xuống lấy lại tập tài liệu này sau khi thấy rằng người được trao gửi đã làm sai lệch lịch sử của làng).

Biết rằng "cháu Hoàng" (tức Thiên Sơn) từ bé đã ly hương theo gia đình di cư vào Đông Nam Bộ xây dựng kinh tế mới, ít biết về quê cha đất tổ, khi viết Lời bạt cho tập thơ Ngọn lửa đầu tiên và sau này là tập thơ Lá thay mùa, nhà văn Sơn Tùng còn cẩn thận viết vào Lời bạt lịch sử làng Hoa Lũy từ khởi thủy đến tiếng trống Xô viết Nghệ Tĩnh 1930-1931. Thời đó, thân sinh nhà văn Sơn Tùng - cụ Bùi Phú là sáng lập viên chi bộ Đảng vùng bắc Diễn Châu. Còn ông nội anh Thiên Sơn là cụ Nguyễn Xuân Phương, thường gọi là Phơng, làm lý trưởng nên dân làng vẫn gọi ông Lý Phơng. Cụ có con trai đầu tên Nguyễn Xuân Luyện nên dân làng cũng gọi theo tên con là ông Lý Luyện.

Về chuyện cụ Lý Luyện/ Lý Phơng hồi Xô viết 1930-1931, tôi là người đánh máy lại một số bài viết của nhà văn Sơn Tùng trên báo từ năm 1960 nên được biết cụ thể nhưng không tiện nói ra.

2/ Vì sao nhà văn Sơn Tùng lại nhờ cụ Đỗ Đình Đắc mà không phải những chuyên gia Hán Nôm khác như Phó Giáo sư Ngô Đức Thọ - một người kính trọng và sẵn sàng hỗ trợ ông về việc dịch thuật tư liệu Hán Nôm? Cụ Đắc không phải giáo sư, tiến sĩ nhưng cụ là con nhà Nho ở Nam Định, học chữ từ nhỏ, lại tham gia Ban liên lạc họ Đỗ, am hiểu về các vị thần được thờ tự trong các làng quê Việt Nam từ Bắc trải tới Hoành Sơn (Đèo Ngang).

Thế nhưng, những tài liệu này hầu như không được anh Thiên Sơn xem tới. Nhà văn Sơn Tùng bị tai biến mạch máu não (26-6-2010), cuối năm 2010, sang năm 2011, nhà văn Thiên Sơn đã cùng tiến sĩ Chu Xuân Giao đèo về cho dân Diễn Kim một ông thần có tên Đào Văn Lôi ở tít ngoài làng Vân Tra, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng. Các vị lập am thờ, cúng lễ rình rang rồi phán rằng quê nội của Đô thái úy Thành quốc công Đào Văn Lôi là ở Nghệ An, được thờ ở Diễn Kim.

Nhà văn Thiên Sơn viết truyện dài Hoa ưu đàm nở muộn (2016), lại viết trên báo Nghệ An đề nghị xứ Nghệ đặt tên đường Đào Văn Lôi.

(Xem tại đây: https://m.baonghean.vn/dao-van-loi-nhan-vat-lich-su-cua...)

Những người có hiểu biết trong quê khi tìm hiểu thấy rằng điều này không đúng. Diễn Kim chẳng có dây mơ rễ má gì với vị thần mang tên Đào Văn Lôi kia cả.

Thấy không đúng, không phải thần được thờ ở Diễn Kim là Đào Văn Lôi thì nhà văn Thiên Sơn lại đi tìm tiếp vị thần khác về cho làng thờ. Vị thần kế tiếp ấy, được Sở Văn hoá Thể thao & Du lịch tỉnh Nghệ An ra quyết định công nhận có tên Phạm Tử Nghi.

Họ còn mở cả sổ mục kê bản khai di tích từ năm 1964 được cho là cụ Trương Đức Đại cung cấp thông tin vị thần được thờ là Phạm Tử Nghi triều Mạc.

Tôi đã xem bản kê năm 1964 ấy. Tôi thấy lạ một điều, có lẽ những người làm cán bộ văn hoá và những người đi tìm thần để về thờ, người 2 mắt, người 4 mắt, không ai thong manh và tất nhiên cũng không ai mù chữ hay tái mù chữ Quốc ngữ, mà đều không nhìn thấy trong sổ ghi tên thần là: TRẦN Tử Nghi. Và ở chỗ triều Mạc, người ghi còn đánh cái dấu hỏi (?) rành rành.

Thế mới thấy, để viết về lịch sử, dù là tiểu thuyết hay truyện dài, dù là đi tìm thần hay đi buôn thần, cũng không dễ vải thưa che mắt thánh. Làm gì cũng nên thận trọng từ chi tiết nhỏ nhất, nếu không, dân làng họ cười chê, đàm tiếu truyền đời nọ đến đời kia: Cái thằng đấy nuốt cả dao phay để viết truyện lịch sử./.

 

2. Nói chuyện trước nhân dân xã Diễn Kim trong sự kiện đạt chuẩn Nông thôn mới năm trước, nhà văn Thiên Sơn dõng dạc cho biết: Phu nhân Tổng Bí thư Đỗ Mười - bà Tạ Thị Thanh - là con gái Diễn Kim. Bà rất đẹp.

Nói bà Tạ Thị Thanh là con gái Diễn Kim là nhận vơ vào. Bởi vì bà Thanh đâu phải con gái Diễn Kim. Mẹ bà Thanh, cụ Hoàng Thị Tuyến mới là con gái Diễn Kim. Còn bà Thanh là cháu ngoại, quê ngoại ở Diễn Kim.

Bản thân nhà văn Thiên Sơn ở trong Ban liên lạc Hội đồng hương Diễn Châu - Nghệ An tại Hà Nội, đã vài dịp gặp ông Đỗ Mười, nhiều lần gặp chị Thủy con gái ông bà, mà còn không biết rõ nguồn gốc xuất thân của bà Thanh. Việc một người mới gần đây, anh còn gà mờ, ú a ú ớ, trông gà hoá cuốc, thì chuyện anh đeo về cho Diễn Kim hôm nay ông lôi, mai ông kéo, ngày kia ông đẩy, chẳng có gì lạ. Thậm chí, nay bảo ông nghi, ít nữa lại bảo không phải, rồi đi tìm ông ngờ... Cứ tít mù rồi lại vòng quanh. Thần thánh cũng chóng mặt vì nhà văn.

Người em gái còn lại duy nhất trong gia đình bà Tạ Thị Thanh hiện nay vẫn sống ở trung tâm Hà Nội - khu tập thể Viện Khoa học Xã hội (26 Lý Thường Kiệt - Hà Nội). Tôi đã đến nhà riêng của bà từ năm 2006. Năm đó, tôi hỏi ông về chuyến Vượt Trường Sơn đi làm ngoại giao (1948). Ông là Nguyễn Văn Hướng (còn có tên khác là Trần Vĩnh Uy) là Vụ trưởng Vụ Quốc tế - Uỷ ban Khoa học Nhà nước (nay là Bộ Khoa học và Công nghệ). Căn phòng của ông bà ở trên tầng 2, cùng tầng với Gs Vũ Khiêu, bên dưới là nhà ông Hoàng Minh Chính.

Năm 2012, khi bà Tạ Tuyết Mai, em gái út của bà Tạ Thị Thanh, sang tuổi 85, tôi được nghe bà kể chuyện về gia đình. Tôi ghi trong nhật ký như sau:

"Ngày 19-3-2012, 15h00, bà Tạ Tuyết Mai (bà Nguyễn Văn Hướng), 85 tuổi,

Ngõ 26 Lý Thường Kiệt - Hà Nội

1/ Bố tôi là Tạ Đình Kính, thường gọi là ông Hàn Kính, trước làm thư ký cho chính quyền Pháp. Cụ làm cho Pháp nhưng tốt lắm, hay thương người. Khi có vụ Xô viết Nghệ Tĩnh thì người ta che chở cho cụ. Còn có những người bị bắt, bị đánh nhưng cụ thì không sao cả.

Cụ bà cũng tốt lắm. Mẹ tôi tên là Hoàng Thị Tuyến. Chả nhẽ khen bố mẹ chứ nói thật thành ra để phúc cho con, con cái học hành đến nơi đến chốn cả.

Quê bố tôi ở Chương Mỹ - Hà Đông, còn quê mẹ tôi ở Diễn Châu, Nghệ An. Khoảng năm 1938-1939 thì ra Hà Nội ở. Có một bà chị tôi ở Lạng Sơn, một anh trai làm lâm nghiệp thì ở Hà Bắc, còn lại mấy chị em ở Hà Nội, kháng chiến đi tất xong rồi thì về đầy đủ.

2/ Bố tôi ở Chương Mỹ rồi vào làm việc cho Pháp ở tòa sứ Phủ Diễn, lấy mẹ tôi và sinh ra sáu anh chị em tôi.

Anh trai cả là Tạ Bính Thìn, làm kiểm soát viên ngành lâm nghiệp.

Chị thứ hai là Tạ Thị Tỵ lấy chồng về Lạng Sơn.

Chị thứ ba là Tạ Thị Thanh, lấy anh Đỗ Mười.

Chị thứ tư là Tạ Thị Bạch, lấy anh Vũ Thiện Bảo, nguyên Trưởng ban Thanh tra Bộ Công nghiệp luyện kim.

Chị thứ năm là Tạ Thị Trinh, lấy anh Phan Mỹ, nguyên Chánh Văn phòng Phủ Chủ tịch, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp.

Còn tôi là út nhất, tên thật của tôi là Tạ Thị Tuyết, sau này đi hoạt động tôi có bí danh là Mai, sau này tôi lấy tên Tạ Tuyết Mai.

Sáu anh chị em, bây giờ chỉ còn mỗi mình tôi".

Người đương thời, còn sống giữa Thủ đô, khoẻ mạnh, minh mẫn, mà nhà văn Thiên Sơn còn không biết đến. Song, anh rất thích "nuốt dao phay" để viết và kể về lịch sử. Thời gian anh Thiên Sơn và anh Chu Xuân Giao (Viện Văn hoá Dân gian) đưa vị thần Đào Văn Lôi về thờ trong am, rồi vận động quyên góp xây dựng thành ngôi đền mới (trong ảnh) đã khiến dân làng phản ứng. Năm 2017, báo điện tử Dân Sinh đã đăng bài phản ánh về ngôi đền xây xong không biết thờ ai.

(Xem tại đây: https://baodansinh.vn/dien-chau-nghe-an--den-xay-xong...)./.


3. Nhà văn Thiên Sơn cho rằng: "Thường các sử gia chỉ ghi lại cái sườn của diễn tiến các sự kiện thì nhà văn bằng khả năng sáng tạo và tưởng tượng có thể bồi đắp để lịch sử hiện lên sống động, hấp dẫn với tất cả nghịch lý và đột biến của nó".

Tôi cho rằng, muốn bồi đắp cho lịch sử thì cần phải hiểu biết sâu rộng về lịch sử. Hiểu rộng về bối cảnh lịch sử và hiểu sâu về nhân vật lịch sử. Một sự kiện, một chi tiết khi được viết lên trang giấy phải đúng với những ghi chép quan phương hoặc biên niên, để từ đó nhà văn bồi đắp hình hài và thổi hồn vào đó cả chiều sâu tâm tưởng. Còn một nhà văn mà về kiến thức lịch sử chữ i chưa biết chữ tờ cũng chưa như Thiên Sơn thì phải gọi là xuyên tạc lịch sử.

1- Trong tiểu thuyết lịch sử Gió bụi đầy trời của nhà văn Thiên Sơn, tôi đánh giá 4 lớp dốt lịch sử nhưng lại chúng khẩu đồng từ cùng nhau.

Một là nhà văn dốt lịch sử và cẩu thả. Ở bản in lần thứ nhất (2020), lỗi chính tả, lỗi kiến thức sơ đẳng chềnh ềnh trên sách. Khi tôi chấm phẩy vài dòng như cụ Đào Duy Kỳ không phải Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ, hay ở Huế làm gì có nạn đói mà tác giả viết đàn quạ rỉa xác người chết đói ở cánh đồng ngoài kinh đô. Khi tái bản ở bản in của Nhã Nam (2021), nhà văn Thiên Sơn lẳng lặng sửa. Nhưng mà đã sửa thì phải sửa cả quyển và muốn sửa được cả quyển thì tác giả vừa phải học lại lịch sử, địa lý, sinh học, hoá học bậc phổ thông đã, rồi hãy viết. Chi tiết cụ thể, tôi sẽ nói ở phần sau.

Hai là nhà xuất bản dốt cả lịch sử lẫn địa lý. Dốt từ người biên tập cho đến giám đốc vì thế mà cấp phép cho Gió bụi đầy trời. Phải gọi là gió bụi đầy sách mới đúng.

Ba là nhà phê bình nhắm mắt viết liều. Có 2 cây bút viết phê bình được chọn để in ở tay gấp bìa 4 của cuốn sách tái bản này là nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên và Phó Giáo sư Phạm Xuân Thạch. Hôm đi viếng đám tang Học giả Phan Ngọc ở 125 Phùng Hưng, đọc bài của Phạm Xuân Nguyên, nhà phê bình Ngô Thảo có nói đùa:

- Thằng Nguyên, mày cướp cơm chim của tao.

Việc các nhà báo viết giới thiệu sách này tôi không chấp vì nhiều người chẳng đọc sách, chỉ nghe lỏm mà viết. Còn nhà phê bình phải đọc sách rồi mới viết giới thiệu. Tôi có hỏi nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên:

- Chú chưa đọc sách mà đã viết giới thiệu à?

Ông Nguyên trả lời: - Chú đọc kỹ từ trang đầu đến trang cuối.

Tôi cười: - Nếu chú đọc kỹ như thế thì chỉ riêng lỗi chính tả, lỗi morat trong sách, người phê bình nghiêm túc sẽ không bao giờ viết giới thiệu cuốn sách này. Điều đó cho thấy sự cẩu thả của tác giả. Nam Cao đã viết rồi, cẩu thả trong nghề viết văn là bất lương.

Phó Giáo sư Phạm Xuân Thạch khen Gió bụi đầy trời. Song chính anh cũng phát hiện ra Thiên Sơn cho Boudarel đi máy bay gặp Phạm Quỳnh là phi lịch sử. Vì năm 1947 Boudarel mới sang Việt Nam. Lúc đó Phạm Quỳnh đã thành người cõi âm thì gặp nhau kiểu gì? Chắc Thiên Sơn cũng ghi nhận góp ý này của Phạm Xuân Thạch cho nên đã sửa và thay bằng cái tên khác. Ở đây cho thấy, dù anh có hư cấu thì cũng không thể tùy tiện cho các nhân vật lịch sử khác thời gian gặp nhau được. Và tôi nói vậy cũng là muốn anh Thạch sau này ở vị trí người viết phê bình và giới thiệu văn chương dù là tư thế Trưởng khoa Văn học trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội hay Uỷ viên Hội đồng Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương cũng hết sức thận trọng khi đặt bút viết.

Các nhà phê bình khi giới thiệu quá lời, tung hô cho một cuốn sách sai, sẽ không khác gì tự thích chữ vào mặt mình, khó mà tẩy được dù ngày nay phẫu thuật thẩm mỹ rất phát triển.

Bốn là hội đồng chấm giải của Hội Nhà văn Việt Nam cũng không đọc sách cho nên nhắm mắt bỏ phiếu bừa để trao giải. Tôi mong rằng các ông Nguyễn Hữu Thỉnh, Nguyễn Quang Thiều, Trần Đăng Khoa sẽ mạnh dạn công bố phiếu đánh giá cuốn sách Gió bụi đầy trời của từng thành viên chấm giải.

Dưới đây, tôi chấm phá vài điểm ở vài chục trang đầu cuốn tiểu thuyết lịch sử Gió bụi đầy trời để thấy tác giả Thiên Sơn - nói nôm na thì là dốt lịch sử, dốt địa lý - mà nói chữ thì là thiếu kiến thức như thế nào.

2- Trang 21 Thiên Sơn viết về Hồ Chí Minh ở lán Nà Lừa có câu: "Nơi đây, ông đã sống và làm việc suốt mấy năm trời".

Cái dốt ở đây là Thiên Sơn nghĩ lán Nà Lừa sát với Pác Bó, kiểu rẽ rào mà sang cho nên Hồ Chí Minh mới sống và làm việc ở đây "suốt mấy năm trời". Ngay cả Pác Bó và Cốc Bó thì Hồ Chí Minh cũng không ở đến mấy năm. Đối với nhà văn Thiên Sơn, nếu hỏi Pác Bó và Cốc Bó phân biệt thế nào chắc anh cũng chịu.

Còn Hồ Chí Minh ở Tân Trào chỉ 92 ngày (ở lán Nà Lừa còn ít hơn), từ 21-5-1945 khi các ông Chu Văn Tấn, Song Hào đón về Tân Trào, đến ngày 22-8-1945 thì rời Tân Trào để về Hà Nội. 92 ngày thì chỉ là 3 tháng, bồi đắp đâu ra những mấy năm hả nhà văn đại tài?

Trang 59 nhà văn Thiên Sơn viết sự kiện Hồ Chí Minh từ làng Gạ về 48 Hàng Ngang. Dọc đường đi, ông cụ hỏi lái xe:

- Còn bao xa nữa thì đến nơi?

Người lái xe đáp: - Thưa Bác, khoảng ba mươi cây số nữa thôi ạ.

Ở đây lòi ra cái dốt địa lý của tác giả. Từ làng Gạ (Phú Thượng, Tây Hồ) về 48 Hàng Ngang đo đường chim bay hay đường chuột chạy cũng không thể tới 30 cây số chứ đừng nói là đường ô tô. Huống hồ xe đã đi trên đường rồi mà lái xe còn nói khoảng 30 cây số nữa thì hoặc là Hồ Chí Minh gặp taxi dù lừa cụ (có khi, qua tác phẩm Gió bụi đầy trời, tài xế Việt Nam sẽ ghi vào lịch sử đây là vụ taxi dù đầu tiên lừa đảo khách hàng, mà nạn nhân bị lừa đảo lại là Chủ tịch nước); hoặc là thầy trò Cụ Hồ ngồi trên ô tô bò lùi ra Nhổn rồi mới tiến vào 48 Hàng Ngang.

Những sai sót về lịch sử kiểu này đầy rẫy trong Gió bụi đầy trời, kê ra chi tiết thì bằng in cả cuốn sách dày cũng vài trăm trang. Kỳ sau, tôi sẽ viết về nghệ thuật xây dựng nhân vật đập đầu lấy nước mắt chan cơm trong Gió bụi đầy trời./.

*

KIỀU MAI SƠN (tên thật Kiều Văn Khải)

Địa chỉ: Tòa soạn Báo Nông nghiệp Việt Nam

14 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

 

 

 

 

…………………………………………………………………………

- Cập nhật từ messenger facebook Vũ Thị Hương Mai ngày 03.12.2021.

- Ảnh dùng minh họa cho bài viết được sưu tầm từ nguồn: internet.

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến. 

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

.

1 nhận xét:

  1. Chủ web Trang Đặng Xuân Xuyến chắc sẽ bị nhiều người căm ghét vì đã cho đăng những bài "bêu rếu" họ trong các bài viết như thế này nhưng bạn đọc thì lại rất cám ơn chủ trang web vì đã công tâm cho đăng để bạn đọc tiếp nhận góc nhìn đa chiều về các nhân vật "đình đám" trong đời sống văn học đương đại

    Trả lờiXóa