BÓ HOA ĐẸP NHẤT - Truyện ngắn Nguyễn Bàng (Sài Gòn)

Leave a Comment

 

BÓ HOA ĐẸP NHẤT

*

(Tác giả Nguyễn Bàng)

 Đang giờ Văn của thầy Nguyễn, thằng Minh bỗng thấy bụng ngâm ngẩm đau, vội đặt chiếc bút ghi bài xuống mặt bàn, đưa tay xuống xoa bụng và thấy cơn đau dịu dần. Nó lại cầm bút, dỏng lên nghe, ghi đúng từng lời giảng của thầy vào vở.

Ba năm học qua, từ lớp 6 đến lớp 8,cả lớp nó tịnh không một đứa thích học môn Văn. Cô giáo Duyên dạy lớp 6 thì mang cái bụng lùm lùm vào giờ day với những câu nói lúc nào cũng hụt hơi Chẳng đứa nào buồn nghe nhưng cũng chẳng đứa nào làm cô phiền lòng bằng cách ngồi im rồi len lén giải những bài toán học thêm của cô chủ nhiệm  Lên lớp 7, cô Hương dạy thì chuyên đời kéo dài thời gian kiểm tra bài cũ và cho tập đọc bài mới . Ai đời một tiết dạy có 50 phút, cô gọi tới 4 đứa lên bảng, hết học thuộc lòng đến phát biểu cảm nghĩ ngốn toi 15 phút. Sang bài mới thì đọc to, đọc diễn cảm rồi đọc phân vai, thêm 15 phút nữa.  Còn 20 phút giảng bài mới, cô gọi mấy đứa đúng lên trả lời câu hỏi trong sách giáo khoa là vừa vặn trống  điểm hết tiết. Cô Hồng dạy lớp 8. Nghe nhà trường giới thiệu cô là hội viên Hội Văn học nghệ thuật của Thành  phố những tưởng học Văn cô thích lắm. Ai dè đang giảng bài, cô lại quay sang say sưa khoe thơ mình đã in và sẽ in trên tờ Văn nghệ của địa phương khi 3 tháng, khi nửa năm mới ra một số  Có đứa nói, “Cô lại lên đồng chập cheng rồi”, có đứa mỉm cười “Cô đang tự sướng đấy!”. Suốt ba năm, không có học sinh nào  được điểm Văn trên 6 phẩy khiến bố mẹ mấy đứa muốn con mình là học sinh giỏi phải đôn đáo chạy mấy cửa mới xin cho chúng lên được 6,5.  Vậy mà không ngờ năm nay lên lớp 9, giò Văn của thầy Nguyên lại sống động  như nàng công chúa bừng thức dậy sau giấc ngủ trăm năm trong rừng.  Mọi người vẫn gọi đùa thầy Nguyễn  là người đàn ông còn sót lại của khu rừng nhà trường vì thầy là giáo viên nam duy nhất trong cả hơn  một trăm thầy cô. Thầy đã ngoài 50, trông xú xì như một bác nông dân nghiện thuốc lào, thế mà khi giảng bài, đôi mắt của thầy lấp lánh như hai vì sao và giọng nói của thầy vô cùng truyền cảm. Ngay từ tiết đầu tiên học thầy, cả lớp trầm trồ ca tụng thầy, vừa tiếc nuối  ba năm học cũ.  Trời ơi! Văn hay như thế mà sao bây giờ mới được học?

Thằng Minh lại thấy bụng ngâm ngẩm đau, Nó lại ngừng bút để xoa  Nhưng lần này, bàn tay nó không còn mầu nhiệm nữa mà hình như có một bàn tay vô hình đang thọc ngoáy trong gan ruột nó khiến nó đau chảy cả nước mắt  Lạ thật, sáng nay mình có ăn gì đâu ngoài nắm xôi trắng còn nóng hổi rắc tí muối vừng trên đường đi học. Nó luôn nhớ lời mẹ dặn, đang thời dịch tiêu hoá nên không dám ăn phở, bát canh bánh đa cua hay bún cá cay, sợ nước dùng  chưa chín hoặc bát đĩa rửa qua quít  hàng trăm cái chỉ trong cái xô nước  xám đen quánh vàng mỡ, cọng hành. Ngay cả món bánh mì ba tê khoái khẩu, nó cũng sọ ba tê ôi. Chả nhẽ cái nắm xôi trắng muối vừng đựng trong túi nylon mỏng như giấy bóng kính mà nó đưa lên miệng ngọam  từng miếng  chứ đâu có bốc tay cũng lắm vi khuẩn sao?

Thằng Ninh ngồi cạnh, thấy thằng Minh như khóc, khẽ hỏi:

- Mày sao thế?

- Tao đau bụng!  .

- Xin phép thầy đi vệ sinh đi!

- Tao sợ phải vào nhà vệ sinh lắm!

- Ừ vào đấy bẩn thật. Cả tháng nay tao toàn nhịn về nhà đi đái thôi.

- Tao cũng vậy.  Mẹ tao bảo cứ thế sớm muộn gì cũng  sẽ bị sỏi thận.

- Mà sao cái nhà vệ sinh cũ phá ra làm lai mãi vẫn chưa xong nhỉ? Thằng Minh toan trả lời thì cái bàn tay quỷ quái lai vò xoắn ruột nó. Nó nín chặt hậụ môn cho bụng ép  dẹp lai nhưng cái bàn tay vô hình tỏ ra độc ác hơn lại vò xoắn liền mấy cái. Hai tai không còn nghe thấy tiếng thầy Nguyễn, nhưng cái đầu vẫn ý thức được là phải mau ra khỏi lớp. Nó vội quệt ngang nước mắt, lâp cập đứng lên xin phép thầy đi vệ sinh.

Nhưng thật lạ! Vừa ôm cái bụng đến trước cửa nhà vệ sinh, thằng Minh bỗng thấy cơn đau biến mất. Không hiểu vì bản thân nó sợ nhà vệ sinh hay con  quỷ quái ác sợ đã  bỏ chạy. Đúng vây, thà bị phạt đứng góc lớp còn hơn phải vào trong đó, dù chỉ một phút. Vào đấy, đứng đái còn rùng mình huống hồ lại phải ngồi xổm trên cái hố xí.

Đây là cái nhà vệ sinh làm tạm để đập  phá xây dựng  lại khu  nhà vệ sinh cũ của ngôi trường lớn nhất thành  phố này do người Pháp xây dựng cho con em họ từ đầu thế kỷ trước. Chả hiểu sao, trường mỗi buổi  học có cả gần nghìn học sinh mà người ta chỉ làm tạm có một dãy nhà thấp lụp xụp, mái lợp bằng  những tấm tôn cũ lôi về tù các rào chắn các công trình đã hoàn thành, có tấm rạn nứt, có tấm lỗ chỗ thủng nhìn thấy cả trời cao. Dãy nhà chia làm hai gian, một cho nữ, một cho nam. Mỗi gian  có cái mang hẹp đi tiểu và ba ngăn hố  xí  xổm chật như ôm bó lấy người ngồi. Cửa ngăn bằng gỗ của các thùng hàng cũ ghép lại , cái thì mất bản lề, cái thì long một hai mảnh khiến những ai  còn biết xấu hổ cảm thấy như bị thách đố khi phải  ngồi sau cái  cửa che đậy ấy. Đã thế, bồn chứa nước luôn cạn kiệt vì người ta cũng chỉ treo tạm trên cả hai gian một cái bồn nhựa  500 lít.

Hai tháng trước, thằng Minh cũng đa một lần mót ị. Nhưng khi vừa đẩy  một cánh cửa gô ọp ẹp, nó rùng mình vì thấy trước mắt lúc nhúc lũ giòi trắng mầm  trong  lớp phân bê bết  quanh miệng hố xí. Nó oẹ khan mấy tiếng và tịt ngay cơn buồn. Về nhà đang bữa trưa, lũ  giòi bọ lại hiên lên trong trí  nó, khiến nó nôn thốc nôn tháo, làm rơi vỡ cả bát cơm. Từ đấy nó  tự rèn luyên có thói quen ỉa đái ở nhà cho bằng hết trước khi đi học.

- Cháu đi vệ sinh à?

Thằng Minh quay lại  phía  tiếng nói và nhận ra bác Mùi, lao công mới xin vào làm việc cho trường vài ngày nay thay cô lao công cũ xin thôi hợp đồng  vì không chịu nổi việc quét dọn nhà vê sinh tạm này. Nó ngượng ngập chưa kịp chào  thì  bác Mùi đã tươi cười nói:

- Cháu sợ bẩn hả? Không bẩn đâu cháu ạ , bác mới quét dọn đó!  Vào đi, xong thì nhớ giội nước nhé!

Dứt lời , bác tong tả bước về phía phòng bảo vệ. Thằng Minh cảm thấy có chuyện lạ  Vừa lúc bụng  nó ngâm ngẩm đau trở lại nên nó mạnh dạn bước vào nhà vệ sinh  Quả đúng như lời bác Mùi, từ cái máng đái đến ba cái hố xí xổm đều đã sạch bong, không thấy mùi khai thối mà còn nực lên mùi nước tẩy rửa Vim siêu sạch. Nó vững tâm ngồi xuống một ngăn.

Ra khỏi nhà tiêu với cái bụng nhẹ tênh êm ả, thằng Minh thở phào khoan khoái. Nó thấy bác lao công và ông bảo vệ đang đứng bên cây phượng gần đó.  Ông bảo vệ chỉ tay về phía nhà vệ sinh cũ đã bị phá dỡ ngổn ngang:

- Cái nhà vệ sinh kia gần 100 tuổi rồi đó. Không hiểu sao, ngày xưa trường  có 10 phòng hoc mà có tới 14 cái hố xí. Thật là thoải mái. Các ông ấy bảo nó xuống cấp, phá đi xây lại nhưng  tôi ăn ngủ ở cái trường này hơn mười năm nay, tôi thấy nó còn tốt chán. Có chăng  chỉ nên lại nền, ốp lại tường và sửa lai hệ thống nước rửa. Vây mà chả hiểu ai giải quyết, ban xây dựng quận ầm ầm kéo quân về xây dựng qua quýt cái nhà vệ sinh tạm này rôi đùng đùng phá tanh banh khu nhà vệ sinh cũ đi.

- Sao cát gạch ngổn ngang thế kia mà không thấy thợ làm ?

- Nghe đâu trên bắt dừng lại vì có đơn tố cáo ông giám đốc tham ô

- Làm cái nhà vệ sinh thì có gì mà tham ô.

- Bà nhầm! Khối thứ ăn được đấy sắt thép thanh nào tốt mang đi, các mẩu vụn thì gọi chè chai bán cân. Tiếc nhất là những tấm đan bê tông lót đậỵ các bể  phốt. Cách đây trăm năm  mà sao người ta tài thế, tấm nào tấm ấy dài rộng chằn chặn với hàng trăm lỗ tròn đều tăm tắp Chắc là của hiếm nên tôi thấy ông giám đốc cho hết lên ô tô chở đi đâu không biết. Sau này còn sắt thép xi măng và đủ các vật liệu mới, tha hồ mà ăn ấy chứ !

- Liệu ông ta có sao không?

- Chả sao cả. Báo An ninh thành hố có hẳn bài phóng sự điều tra đấy nhưng làm gì được nhau. Ông ta là em ruột ông Chủ tich quận. Không kiện thì còn làm chứ đã kiện và điều tra thì nghỉ chơi, cho thầy trò chúng mày ỉa đái lênh láng ra đấy!

- Chỉ khổ bọn trẻ con thôi!- Bác Mùi chép miệng – Thôi, tôi đi  chuẩn bị nước uống cho lũ trẻ sắp ra chơi đây!

Nói rồi bác đi về phía nhà bếp.

Thằng Minh cũng vội chạy về lớp, nhưng vừa đến cửa thì trống ra chơi đã điểm. Gặp thằng Ninh, nó khoe ngay:

- Nhà vệ sinh hôm nay sạch lắm. Mày thử vào mà  xem

- Thật không?  - Thằng Ninh nghi ngờ hỏi.

- Thật đấy!

- Thế thì tao phải đái một phát cho nó sướng!

Hai đứa kéo nhau đến nhà vệ sinh và thấy hàng chục đứa đang xúm quanh bác lao công ngoài cửa.

- Các cháu đừng chen lấn xô đẩy nhau, nhé. Rồi cũng tới lượt mà! – Bác Mùi ôn tồn nói – Hãy giúp bác, vệ sinh xong xối ngay nước rửa cho sạch. Bồn nước nhỏ nhưng bà đã nhờ ông bảo vệ liên tục bơm  đủ cho các cháu dùng.

Bây giờ, gần chục đứa con gái từ gian nữ bước ra cũng túm ngay lại bên bác Mùi. Một cái miệng nhỏ xinh nói:

- Nhà vệ sinh hôm nay sạch quá! Chúng cháu cảm ơn bác.

- Nhiệm vụ của bác chứ ơn huệ gì? – Bác lao công hồn hậu đáp – Nhưng sức bác có hạn, sạch hay không là nhờ ỏ các cháu cả. Chỉ cần chúng ta bảo nhau giữ gìn vệ sinh chung thật tốt  thì không sợ nhà vệ sinh bị bẩn. Các cháu có đồng ý không?

- Có ạ! – Hàng chục cái miệng  vang lên đáp lại khiến những cành phượng vĩ cũng rung rinh như hưởng ứng theo. Một thằng đầu đinh gạt nhe bọn con gái ra, xấn lên trước mặt bác lao công:

- Bu ơi!Trước kia bu làm gì? 

- À, bác là lao công quét rác đường phố, cháu ạ! Giờ được nghỉ hưu, bác xin làm thêm cho trường để vừa đỡ buồn tay vừa có thêm tiền nuôi con gái bác đang học Đại học trên Hà Nội!

- Thế thì bu cực giỏi mà con gái bu cũng  cực giỏi - Một thằng đeo kính cận từ phía sau nói chen vào - Nhưng sao bu không kiếm việc gì khác cho nhàn nhã mà lại dính vào cái công việc quét dọn bẩn thỉu này?

- Cả đời bác chỉ quen vói công việc làm sạch đường phố thôi. Vả lại bác cũng yêu cái nghề quét dọn này.

- Thật thế hả bác? - Thằng Minh ngạc nhiên hỏi!

- Thật đấy! Hồi nhỏ bác được nghe nhiều lần, Bác Hồ đi thăm đâu, trước tiên cũng  xem nơi ăn chốn ở nhà vệ sinh của mọi người ở đó chứ không quan tâm tới cờ hoa biểu ngữ, điểm binh tưng bừng đón bác! Thế là lớn lên, bác  xin làm lao công quét rác. Các cháu thử nghĩ xem, một con đường không có người quét dọn, một trường học không có nhà xí sẽ ra sao. Đừng bảo bác nói tục, chứ chuyện ỉa đái là không thể thiếu được. Chuyện ỉa đái không có gì là bẩn nhưng  để nơi ỉa đái mất vệ sinh mới là bẩn thỉu.

- Bác nói hay quá! - Thằng Ninh từ trong nhà vệ sinh ra cũng  góp luôn lời – Hôm nay nhà vệ sinh tạm sạch lắm.  Cháu cám ơn bác!

- Lại cám ơn rồi! - Bác lao công mắt ngời niềm vui, Bác cũng sẽ cám ơn các cháu nếu các cháu cùng nhau giữ vệ sinh chung!

­- Vâng ạ! - Tiếng reo hưởng ứng của lũ trẻ vang lên hoà nhịp cùng tiếng trống báo hết giờ chơi. Thằng Ninh kéo tay thằng Minh vùa vào lớp vừa nói:

- Suốt chín năm đi học, tao chưa thấy ai chăm và tốt như bác lao công này. Hôm nay tao được đái thoải mái, khoái thật! Mai kia xong nhà vệ sinh mới, chắc còn khoái hơn nhiều!

*                *

*

Rồi  nhà vệ sinh mới cũng xây xong. Thằng Minh nhẩm tính, từ đầu hè năm ngoái đến tháng tư năm nay là gần một năm. Người ta xây hơi bị lâu? Cái nhà 4 tầng của cô nó chỉ xây có hơn  5 tháng. Nhưng lạ thật, công trình xây xong đã hai tuần, thợ thuyền đã chuyển  đi hết mà vẫn cửa đóng then cài, chưa sử dụng. Nó đem điều thắc mắc đó hỏi ông bảo vệ.

- Đợi làm lễ khánh thành xong, cháu ạ! - Ông bảo vệ cười nửa miệng trả lời.

- Có cái nhà vệ sinh mà cũng phải làm lễ khánh thành hả bác? - Thằng Minh càng thêm thắc mắc

- Ông Đai, giám đốc công ty xây dựng của quận bảo, bất kỳ công trình nào cũng phải có khởi công và mừng công.

- Thế bao giờ thì mừng công cái nhà vệ sinh này ạ?.

- Nghe đâu tuần sau đấy!

Quả nhiên thứ bẩy tuần sau, có thông báo của  nhà trường đến từng lớp học: Ngày mai chủ nhật, khánh thành công trình phụ. Mỗi lớp ngoài lớp trưởng, lớp  phó được cử thêm 10 em đi dự.

Thằng Minh là lớp phó phụ trách Văn thê mỹ nên được cô giáo Nhi chủ nhiệm lớp giao cùng cái Hằng lớp trưởng mua một lẵng hoa đem mừng lễ khánh thành. Hai đứa tập hợp 10 đứa  được đi dự lai, Thằng Ninh cũng được cử đi. Nó thích thú  nhìn mấy đứa không được đi buồn ra mặt, đứng ngoài hành lang nhìn bọn  nó họp.

Sáng chủ nhật, từ cổng trường vào trong sân đỏ rực một màu đỏ. Khẩu hiệu đỏ. Cờ trang trí đỏ. Các lẵng hoa chúc mừng đỏ. Có  trên năm chục bó hoa cả thẩy; Hoa của công ty xây dựng 7 quận nội thành, Hoa của phường sở tại, Hoa của Sở giáo dục và đào tạo Thành phố. Hoa của Phòng giáo dục  và đào tạo quân nhà. Hoa của Ban giám hiệu và các lớp. Lẵng nào cũng na ná như nhau. Không có hoa quý và đẹp nhưng nhờ khéo cài cắm nên trông cũng bắt mắt.

Cô giáo Nhi lướt nhìn các giải băng của các lẵng hoa, nhận ra chưa có hoa của lớp mình chủ nhiệm, vội cho gọi thằng Minh đến hỏi:

- Lớp mình không có hoa à?

- Thưa cô, có chứ ạ!

- Sao không đem lên đặt cùng các lẵng hoa kia?

- Thưa cô, chúng em không mua hoa lẵng mà mua hoa bó!

- Sao lại thế?

- Dạ! Lẵng hoa đắt tiền, không đẹp lại cồng kềnh không tiện trao tặng người nhận ạ!

- Trao tặng ai? Chỉ cần có lẵng hoa mang tên lớp mình đặt lên kia cho đủ thủ tục thôi mà!

- Dạ! Em chưa kịp báo cáo cô, chúng em đã xin phép và được ban tổ chức cho đem hoa lên lễ đài tặng và phat biểu cảm tưởng rồi a!

- Gớm, các cô các cậu nhiễu sự qúa! Có mỗi chuyện mở cửa nhà vệ sinh mới chứ công trình to tát gì mà bầy vẽ tặng hoa tặng hoét. Nhưng thôi, nhà trường đã cho phép thì làm sao cho tốt thì làm, đừng để ảnh hưởng đến lớp đấy!

Thằng Minh hiểu, cô giáo Nhi cũng chẳng ưa gì cái lễ khánh thành này. Nó “dạ” một tiếng ròn tan rồi chạy nhanh về khu vực ngồi của lớp ở sân trường vừa lúc một hồi trống vang lên báo hiệu giờ khai mạc Nó vội bảo cái Hằng:

- Mày bảo chúng nó chuẩn bị  kỹ chưa? Sau khai mạc nửa giờ là chúng mình lên đấy!

- Yên tâm đi! Chỉ sợ mày nói không ra hồn thôi còn mọi việc đâu vào đấy cả rồi - Cái Hằng tự tin đáp.

Sân trường đã bật lên mấy tiếng “cộc, cộc, cộc...”, xen lẫn tiếng rú rít của chiếc micrô. Cô hiệu phó phụ trách cơ sở vật chất nhà trường trong vai trưởng ban tổ chức đóng khung trong bộ áo dài màu thiên thanh, mồ hôi vã giọt trên trán thôi gõ tay vào chiếc máy nói rồi trịnh trọng tuyên bố lý do và giới thiệu đại biểu. Trên hai tầng ghế tựa danh dự, có ông phó chủ tịch quận nhà, ông chủ tịch phường sở tại, bẩy ông  giám đốc công ty xây dựng bẩy quận nội thành, ông trưởng ban  kiến thiết cơ bản  của Sở giáo dục và đào tạo thành phố, ông trưởng phòng giáo dục và đào tạo quận nhà, mười thầy cô hiệu trưởng mười trường bạn trong quận. Tiếp sau là sáu hàng ghế băng  dành cho Ban giám hiệu và các thầy cô giáo của trường, cuối cùng là hơn 4 trăm cái ghế  đẩu bằng nhựa cho đại diện của bốn chục lớp.

Đợi cho tràng vỗ tay vang dội chào mừng các quan khách ngớt hẳn, cô trưởng ban tổ chức trân trọng giới thiệu ông Trần Đại, giám đốc công ty xây dựng Vì Dân của quận nhà  lên báo cáo việc hoàn thành công trình.

Ông Đại không com lê mà áo phông trắng bó gọn trong chiếc quần bò màu xanh rêu phô bày trước mắt mọi người một thân hình  đẫy đà trẻ trung sung mãn. Sau khi dài dòng về  những khó khăn và thành tích  của công ty, giọng ông như gằn lại, vừa có ý thanh minh cho sự kéo dài thời gian xây dựng vừa vẻ thách thức và nhạo báng những kẻ đã vạch lá tìm sâu kiện cáo bên thi công rồi mới chuyển sang giọng hân hoan trao lại công trình cho nhà trường phục vụ việc dạy tốt, học tốt của thầy cô và các cháu học sinh. Báo cáo xong, ông Đại cười rạng rỡ và tự tán thưởng bằng mấy tiếng vỗ tay rất to khiến mọi người giật mình vỗ  tay theo.

Lễ đài đón cô hiệu trưởng lên bày tỏ lời cám ơn các cấp lãnh đạo đã tìm cách giúp kinh phí cho nhà trường, cấm ơn ông giám đốc công ty xây dựng quận nhà và đội ngũ công nhân đã khắc phục khó khăn hoàn thành công trình tốt nhất và nhanh gọn nhất. Rồi thay mặt toàn trường, cô hứa sẽ giữ gìn vệ sinh công trình này sạch như bệnh viện.

Lời cô hiệu trưởng chưa dưt hẳn thì hai bàn tay to đầy của ông Đại đã vỗ vang làm dậy lên tràng pháo tay ròn rã của mọi người. Nhưng thằng Minh như không nghe thấy  gì. Nó đang hồi hộp chờ đợi giây phút nó sắp được lên lễ đài. Trống ngực đã thình thịch, hai mắt nó nhớn nhác nhìn lên hành lang, khi thấy  hai cái đầu của cái Hằng và thằng Ninh ló ra với hai bàn tay khẽ vẫy vẫy, nó mới cảm thấy yên tâm. Vừa hay cô trưởng ban tổ chức nói “Tôi xin giới thiệu một em hoc sinh lớp 9 thay mặt học sinh của trường lên tặng hoa đôi xây dựng và phát biểu cảm nghĩ”

Thằng Minh như cái lò xo bật dậy, luống cuống rời khỏi chỗ ngồi, nhưng nó trấn tĩnh ngay khi thấy theo sau nó là cái Hằng, ôm một bó hoa phong kín trong tờ giấy bóng tím từ hành lang thoắt xuống. Cả hai đinh đạc bước lên bục nói chuyện. Thằng Minh khoan thai bẻ cái micrô ngang tầm miệng rồi đảo nhanh mắt sang cái Hằng đứng bên cạnh, lê phép cất giọng. Sau vài câu kính thưa, giong nó trôi chảy hẳn lên:

- Gần một năm qua, học sinh chúng em ai cũng mong từng ngày có đươc một khu nhà vệ sinh sạch sẽ. Chúng em xin tỏ lòng biết ơn tới các bác lãnh đạo, các thầy cô giáo, các cô các chú công nhân đã góp sức để niềm mong mỏi đó của chúng em hôm nay đã thành hiện thực”.

Thằng Minh bị ngắt lời bởi mấy tiếng vỗ tay của ông Đại. Nó thấy cái đầu đinh mập tròn của ông gật gù thích thú cùng nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt nhẫy bóng hồng hào. Chờ tràng vỗ tay của mọi người theo ông Đại ngớt hẳn, nó nói tiếp:

- Trước mỗi tiết học, chúng em thường hát bài “Em yêu trường em”. Vâng, chúng em rất yêu trường của chúng em, ngôi trường  có lich sử gần  một thế kỷ, rất đẹp và khang trang. Chúng em yêu từng gốc cây phượng vĩ, yêu từng khung cửa sổ sơn xanh, yêu từng dãy bàn ghế trong lớp học. Chúng em yêu cả khu nhà vệ sinh tuy đã cũ nhưng còn khá tiện ích. Nhưng gần một năm nay, cái nhà vệ sinh ấy bị phá đi, lòng yêu trường của chúng em bị sứt mẻ vì chúng em không thể yêu cái nhà vệ sinh tạm! Cứ nghĩ đến phải vào trong ấy, chúng em sợ hãi như  phải xuống địa ngục.Vì vây, không ai bảo ai, tất cả chúng em đều cố nhịn đi tiêu đi tiểu. Chúng em xin thành thật nhận khuyết điểm là để cái nhà vệ sinh tạm dơ bẩn đến thế, một phần  do ý thức giữ gìn vệ sinh chung của chúng em còn kém. Nhưng phần chính mà ai cũng biết, là do nó được dựng lên rất đúng với hai tiếng tạm bợ lại phải oằn mình làm nhiêm vụ dòng dã gần một năm trời, quá sức chịu đựng của nó và cũng quá sức chịu đựng của gần hai nghìn học sinh chúng em.

Thằng Minh vừa hào hứng nói vừa khẽ nhanh đưa mắt xuống lễ đài l Nó thấy các đại biểu đưa mắt nhìn nhau, có người chau mặt, có người mỉm cười. Riêng ông Đại thì khuôn mạt tròn ủng tái thần ra, gượng gạo đưa hai ngón tay lên nhổ râu mặc dù cằm ông nhẵn thín.

Thằng Minh lại say sưa nói tiếp:

- Sau khi cô lao công cũ bỏ làm vì không kham nổi việc quét dọn cái nhà vệ sinh tạm này, may thay có bác Mùi ứng cứu. Bác Mùi không chỉ dã khó nhọc hết mình mà còn dạy cho chúng em hiểu rằng, cái nhà vệ sinh là góc khuất ít ai để ý nhưng lại là chuyện cực kỳ quan trọng ảnh hưởng không nhỏ tới  sức khoẻ và học tập của chúng em. Chúng em đã hưởng ứng lời kêu gọi của bác lao công, coi việc vệ sinh là một tiêu chí văn hoá, văn minh học đường. Nhờ vậy mà mấy tháng gần đây, nhà vệ sinh tạm  đã có sự cải thiện rõ rệt.

Hôm nay, nhà vệ sinh tạm đã hết phận sự , trao lại nhiệm vụ cho nhà vệ sinh mới . Nhân dịp này, chúng em xin phép các vị đại biểu và các thầy cô giáo kính yêu được bày tỏ lòng biết ơn với bác Mùi, lao công bằng bó hoa tươi đẹp này!

Tiếng “này “chưa dứt hẳn thì cái Hằng đã tươi tắn nhanh nhẹn nâng bó hoa đã mở hết giấy bọc lên hết tầm tay Một bó hoa sen hơn chục bông, gồm cả hoa  trắng hoa hồng tuyệt đẹp buộc bởi dải nơ  bằng lụa vàng óng ánh bật ra trước mắt mọi người. Hàng loạt tiếng trầm trồ cùng lúc ngân lê: “Bó hoa đẹp quá!”, “Bó hoa đẹp quá!”...Cái Hằng hạ tay chuyển bó hoa cho thằng Minh, lại gần chiếc micrô, cất giọng trong trẻo:

- Lớp 9A chúng em xin kính tặng bó hoa sen này với ý nghĩa, sen sống trong bùn lầy nhưng luôn vươn lên trên bùn lầy, toả hương thơm ngát; “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Bác Mùi lao công tuy không tham gia xây dựng nhà vệ sinh mới nhưng bác đã dũng cảm cần mẫn dọn dẹp cái nhà vệ sinh tạm khủng khiếp trong ba tháng qua, không chỉ cho chúng em học tập tốt  mà còn để đội thi công yên tâm xây nhà vệ sinh mới. Bác đúng là một đoá sen giàu tính thân thiện và độ lượng  yêu thương.

Cái Hằng ngừng lời, đưa mắt  về một góc sân trường, lễ phép nói vang lên từng tiếng: Chúng cháu kính mời bác lao công lên nhận bó hoa tươi đẹp này!

Hàng trăm cặp mắt cùng ngoái dồn theo hướng nhìn của cái Hằng. Trước khung cửa gỗ sơn xanh của nhà bếp, thằng Ninh  đang nắm  cánh tay phải bác Mùi như một đứa con ân cần  chuẩn bị đẫn mẹ đi chơi. Sau lưng bác là hai đứa con gái cũng như theo chân để dìu đỡ me. Nhưng bác lao công, mặt rạng ngời vui sướng chỉ lắc đầu nguây nguẩy nhất quyết không chịu dời chân. Thấy thế, cái Hằng đưa mắt ra hiệu cho thằng Minh chuyển lại bó hoa cho mình rồi kéo tay nó cùng chạy ào về phía bếp.

Vừa giáp mặt bác lao công, cái Hằng tươi cười đặt bó hoa sen vào ngực bác khiến bác luống cuống phải đưa vội hai tay ra đỡ lấy bó hoa. Mười bàn tay của năm đứa trẻ vỗ vang lên một nhịp như  tiếng gọi đàn làm cho gần nghìn bàn tay của bè bạn đang ngồi trong sân cất lên theo. Rồi không ai bảo ai, cả bọn trẻ đồng loạt  đứng lên, ùa cả về phía nhà bếp khiến các thầy cô và các vị đại biểu cũng nhốn nháo  theo, kẻ đứng, người ngồi, người nọ nhìn người kia không biết xử trí ra sao.

*               *

*

Sau lê khánh thành, thằng Minh và cái Hằng cùng cả Đội đi dự phải ở lại gặp cô giáo chủ nhiệm.

- Các cô các cậu giỏi thật - Cô giáo Nhi nghiêm giọng mở đầu - Tôi không còn biết nói với Ban giám hiệu ra sao nữa!

Thằng Minh lễ phép đứng dây:

- Thưa cô! Chúng em xin cô tha lỗi và xin nhận kỷ luật của nhà trường. Chúng em mong  các thầy cô hiểu cho, chúng em làm việc này vì thực lòng quý trọng bác lao công.

- Các thầy cô  cũng biết điều đó. - Giọng cô Nhi đã dịu lại  - Nhưng giá các em cho cô biết trước ý định thì tốt hơn. Ai lại làm cho buổi mừng công mất đi phần cắt băng khánh thành và nhất là làm ông Đại mất mặt trước mọi người. Sau này, trường  muốn xin xây sửa gì cũng khó đấy!

Cô giáo Nhi khẽ lắc đầu, lũ trẻ nhìn nhau im lặng. Nhưng cô lại nói ngay:

- Thôi về cả đi! Đẻ cô lên gặp Ban giám hiệu nhân lỗi cho!

Cái Hằng sung sướng nhanh nhảu reo:

- Hoan ô Cô! 

Cả mười một đứa còn lại cùng bật đứng lên hưởng ứng:

- Hoan hô Cô!

 

 Mời nhấp chuột đọc thêm:

- Các bài viết của (về) tác giả Nguyễn Bàng0

- Các bài viết của (về) tác giả Dương Ninh Ninh0

- Các bài viết của (về) tác giả Nguyễn Khôi0

- Các bài viết của (về) tác giả Vũ Thị Hương Mai0

- Các bài viết của (về) tác giả Châu Thạch0

 


Mời nghe đọc truyện ngắn CHUYỆN CU TỐ LÀNG TÔI

của Đặng Xuân Xuyến, do Khề Khà Truyện diễn đọc:

*

NGUYỄN BÀNG

Địa chỉ: 79A, ngõ 311, đường Đằng Hải,

quận Hải An, thành phố Hải Phòng.

Email: bnguyen37@gmail.com

 

 

 

 

 

.............................................................................................................

- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 07.04.2022.

- Ảnh dùng minh họa cho bài viết được sưu tầm từ nguồn: internet.

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

.

0 comments:

Đăng nhận xét