BỆNH THÀNH TÍCH, HƯ DANH VÀ THAM NHŨNG TỪ ĐÂU MÀ RA - Nhiều Tác Giả

Leave a Comment

 

BỆNH THÀNH TÍCH, HƯ DANH

VÀ THAM NHŨNG TỪ ĐÂU MÀ RA

*

Vũ Thị Hương Mai giới thiệu

(Cập nhật từ email: huongmai8081@yahoo.com.vn

Ảnh minh họa sưu tầm từ nguồn: internet

Bài viết là quan điểm riêng của các tác giả)

 

Tác giả: Trương Quang Đệ

THAM NHŨNG, BỆNH THÀNH TÍCH, HƯ DANH DO ĐÂU MÀ RA

Hiện nay những tật xấu nói trên đã thành mãn tính, làm xói mòn niềm tin của dân chúng về đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn. Hình như mọi nơi mọi cấp đều thấy tham nhũng, thành tích dỏm, tiến sĩ cầu lông, giáo sư nửa chữ không thông.

Về bề mặt, những tật xấu này xuất hiện ở những khâu yếu kém về cơ chế quản lý, giám sát, về công tác nhân sự; thiếu vắng dư luận xã hội. Về chiều sâu những tật xấu ấy sản sinh từ một nền giáo dục không đủ tầm nhân bản.

Có một thời, tuy sống dưới chế độ thực dân phong kiến, học sinh các cấp vẫn được học trong sách Quốc văn giáo khoa thư những bài về ứng xử cao đẹp của con người, rồi đọc thêm bên ngoài những sách như “Cổ học tinh hoa”, “Những tấm lòng cao cả”, v.v. Ngày nay nói chung tài liệu học tập các cấp không đủ tầm nhân bản mà thiên về kiến thức khoa học cao siêu, chẳng hạn dạy đánh vần theo âm vị, âm tiết trong sách Tiếng Việt. Không biết chuyện tôi sưu tầm sau đây có thầy cô nào quan tâm dạy cho trẻ không?

“Một cậu bé ngồi chơi bên đường bắt được một con bướm. Vừa lúc ấy một nhà sư đi ngang qua, mang nặng trên vai một bó củi thu lượm trong một khu rừng gần đó. Cậu bé ra hiệu cho nhà sư dừng lại, đặt bó củi xuống đất rồi nói:

- Trong tay cháu có một con bướm, đố sư ông biết nó sống hay chết? Nếu sư ông nói sai, bó củi thuộc về cháu đó.

Sư ông mỉm cười, không chút do dự, nói ngay:

- Nó chết rồi!

Cậu bé cười đắc thắng, xòe tay ra, con bướm sống bay vút lên không.

- Sư ông thua rồi!

Sư ông mỉm cười chấp nhận thua rồi lững thững đi tay không về chùa.

Về đến nhà, cậu bé thích thú kể cho cha nghe chuyện con bướm và bó củi. Nghe xong người cha hoảng hốt, vác bó củi và dắt cậu bé đi đến chùa gặp nhà sư. Người cha trả lại củi cho nhà sư, nói ngắn gọn lời xin lỗi thay cho con. Nhà sư chỉ mỉm cười xoa đầu cậu bé rồi trao đổi vài lời với người cha về thời tiết, về công việc đồng áng. Hai cha con từ biệt nhà sư ra về. Dọc đường cậu bé thắc mắc hỏi cha:

- Nhà sư thua con mà, sao cha lại trả bó củi?

Người cha giải thích:

- Nhà sư biết con bướm còn sống, nhưng sợ rằng nếu ông nói đúng, con sẽ bóp chết con bướm. Vì vậy nhà sư cố nói sai để cứu sinh mạng con bướm. Con biết không? Đó là lòng từ bi của nhà sư. Con nhớ lấy chuyện này để tâm niệm cả đời làm việc thiện, tránh làm điều ác”.

Muốn có một nền giáo dục nhân bản phải có một tầng lớp tinh hoa trong xã hội làm nền tảng. Tiếc thay hiện nay tầng lớp đó bị xóa bỏ. Ngày trước “Đã là con nhà thì không làm điều sai trái”, đã là nhà giáo, sinh viên thì dân chúng tin tưởng tuyệt đối về phẩm hạnh.

Ngoài nhà trường ra, dư luận xã hội cũng là môi trường giáo dục. Một thứ “chế tài” hiệu quả đối với những kẻ xấu là bạn bè xa lánh.

Nhưng trong xã hội vẫn có thể lưu truyền những điều tai hại ẩn náu dưới dạng những kinh nghiệm sống. Tôi ngán nhất là thường nghe ai đó nói một cách chắc nịch:

- Tham nhũng là chuyện phổ biến không riêng gì ở nước ta mà khắp mọi quốc gia trên thế giới.

- Không ai làm việc tốt một cách vô tư cả, ai cũng có động cơ về lợi ích cá nhân.

- Thương trường là chiến trường.

...

Đó là những điều ngụy biện nhằm thanh minh cho nạn tham nhũng, những cách làm ăn chụp giựt, những lối cạnh tranh không lành mạnh, những việc thiếu trách nhiệm trong quản lý.

Nói tham nhũng là tật chung cho mọi quốc gia thì coi như bỏ cùng một rọ nhà nước dân chủ với nhà nước chuyên chế. Trong một nhà nước dân chủ, hệ thống luật pháp và việc tự do ngôn luận luôn nhanh chóng phát hiện các hiện tượng tham nhũng và xử lý kịp thời. Trong một nhà nước chuyên chế, việc chống tham những rất khó vì không ai dám nói gì, do đó nó chỉ được bó hẹp vào nhóm nắm quyền lực cao nhất, mọi việc vì vậy mà thường chậm trễ và hiệu quả thấp.

Nói không ai làm việc tốt mà không có động cơ cá nhân là phủ nhận biết bao người vô tư, trung thực, thiện chí; coi ai cũng xấu, xấu nhiều xấu ít mà thôi. Quả là một nhận định thê thảm cho loài người. Còn câu “thương trường là chiến trường” chỉ đúng cho các nền kinh tế thị trường sơ khai, hoang dã, chưa có thói quen làm ăn chính đáng, chưa biết cách hợp tác trong kinh doanh.

Bệnh thành tích và thói hư danh là sản phẩm của các xã hội không lấy thực chất con ngườì làm trọng mà chỉ dựa vào các con số thống kê, dựa vào những nhãn mác hình thức như bằng cấp, chức danh, học hàm học vị. Ở các nước tiên tiến người ta tuyển dụng nhân sự bằng các cuộc phỏng vấn, những ngày thử việc, chứ không dựa vào một mớ giấy tờ hỗn độn như các cấp quản lý ở các nước chậm tiến.

 

 

Tác giả: Nguyễn Duy Khang

GIÁO VIÊN DẠY GIỎI - CÁI NGHIỆP, HƯ DANH VÀ BỆNH THÀNH TÍCH

Danh hiệu giáo viên giỏi đang dần trở thành cái nghiệp hay nỗi sợ hãi. Nhóm cấp tiến nhận định các cuộc thi giáo viên dạy giỏi sẽ giúp giáo viên trao đổi được kinh nghiệm giảng dạy và vượt qua giới hạn của bản thân để thực hiện nhiệm vụ giáo dục thành công hơn. 

Nhóm phê phán cũng có không ít lý do hợp lý như thời gian để tham gia cuộc thi để đạt một danh hiệu quá ngắn, giỏi là một quá trình, là năng lực, thứ mà không thể dễ dàng đánh giá một cách đầy đủ. 

Bởi, việc có danh hiệu hay không có danh hiệu thì cũng không thực sự giúp người giáo viên phát triển vượt bậc trong nghề nghiệp khi việc tham gia kỳ thi là thiếu tự nguyện, đối phó, và vì một bảng thành tích nào đó.

Tôi cũng có không ít trăn trở khi tham gia và khi góp ý về vấn đề tổ chức hội thi giáo viên dạy giỏi tại nơi tôi công tác. 

Tôi chỉ nhận ra điều duy nhất giúp giáo viên phát triển đó là khi họ có quyền tự do học thuật.

Qua đó, họ có thể tự nguyện chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy của mình vì mục đích học hỏi lẫn nhau, được đồng nghiệp chuyên môn góp ý để phát triển chứ không vì thành tích của một cuộc thi nào đó. 

Giáo viên phải có quyền quyết định khi nào và việc gì nên làm cho nghề nghiệp của họ với quyền được tiếp cận thông tin minh bạch. 

Giáo viên nên có các sự lựa chọn đa dạng về con đường phát triển nghề nghiệp phù hợp với chính khả năng, điều kiện và đam mê của họ.

Bên cạnh nhóm cấp tiến, nhóm phê phán, nhóm quản lý và nhóm luôn lo lắng chưa tìm được tiếng nói chung, tôi xin phép thông qua bài viết này giới thiệu một quan điểm về người giáo viên với các định hướng mà nếu được thực hiện tốt đồng nghĩa giáo viên đó giỏi và trở thành khuôn mẫu cho ngành giáo dục. 

Quan điểm tôi cho là phù hợp với tôi với tư cách là một người giáo viên có thể được tóm tắt như sau:

Một người giáo viên phải biết rõ về người học của mình, tạo điều kiện cho quá trình học thành công, cung cấp các trợ giúp cần thiết và hiệu quả trong và sau bài giảng với lòng yêu nghề, kỹ năng giảng dạy, sự truyền cảm hứng, và kiến thức. 

Người giáo viên phải có khả năng tự học và thay đổi vì sự nghiệp và mục tiêu giáo dục. Để đạt các mục tiêu học tập quan trọng và có nghĩa cho người học, người giáo viên phải sở hữu các định hướng sau: 

(1) Định hướng giao tiếp/ phương pháp trao đổi thông tin, (2) định hướng chuyên môn, (3) định hướng theo đối tượng người học, (4) định hướng giảng dạy, (5) định hướng chuyên nghiệp và (6) định hướng nhân phẩm. 

Các định hướng này này được rút ra từ một nghiên cứu thiết lập lý thuyết nền tảng (grounded theory) sau khi thực hiện một nghiên cứu case study về các định hướng giảng dạy hiệu quả của một người giáo viên (the teacher’s orientations). 

Kết quả nghiên cứu được kiểm chứng từ một loạt các nghiên cứu sư phạm tại Ba Lan trong thời gian 3 năm với các phương pháp định tính bao gồm nghiên cứu kinh nghiệm (empirical study) và sáng kiến kinh nghiệm (action research). 

Nghiên cứu nhằm tìm ra cách thức giáo viên giỏi ở Ba Lan tạo điều kiện để sinh viên thực học như thế nào. 

Các nghiên cứu này tiếp cận thông tin đánh giá chung về các định hướng của một giáo viên từ nhiều nguồn thông tin và dữ liệu khác nhau thông qua 102 tiết dự giờ, phỏng vấn sâu 3 giáo viên và 8 sinh viên quốc tế, thu thập mẫu với 45 ý kiến về mong muốn đối với việc học và 96 phản hồi từ người học. 

Cụ thể các định hướng như sau:

Định hướng giao tiếp/ phương pháp trao đổi thông tin

Đây là một định hướng quan trọng vì nó phản ánh tác phong và năng lực giao tiếp, trao đổi thông tin của giáo viên với người học. 

Định hướng này được thực hiện nếu người giáo viên tin rằng giáo dục cần sự trao đổi giữa người dạy và người học vì mục tiêu tạo ra các hoạt động học tập, rèn luyện, suy nghĩ, phân tích, phản biện và đánh giá những gì được học và thực hành trong cả quá trình. 

Giáo viên cần làm tốt vai trò của người nghe chứ không phải người truyền đạt như mỗi giáo viên điều được học và cố gắng làm tốt. 

Các đối tượng nghiên cứu là sinh viên chỉ ra rằng giáo viên họ giỏi vì người học được lắng nghe.

Giáo viên chú ý đến vấn đề giao tiếp với người học để tăng cơ hội nghe, hiểu, hành động và thay đổi để đáp ứng nhiều hơn nhu cầu đa dạng của cá nhân người học. 

Khi giáo viên quan tâm nhiều hơn đến người học với từng nhu cầu cá nhân riêng biệt tùy điều kiện, năng lực, sở thích, phong cách học tập khác nhau, so với nội dung truyền đạt, thành tích… thì người giáo viên chắc chắn sẽ thực hiện được định hướng này một cách hiệu quả khi quan tâm đúng đắn đến thông tin mà người học phản hồi hoặc cung cấp.

Việc sở hữu định hướng giao tiếp được xem là lý do chính các giáo viên trong nghiên cứu này thành công với mô hình tương tác của họ. 

Trong các mô hình tương tác, giáo viên cũng tận dụng mọi phương tiện giao tiếp kể cả ngôn ngữ ký hiệu và các ký tín hiệu phổ biến trong giảng dạy để tăng cường trao đổi thông tin với người học. 

Tóm lại, sở hữu định hướng này sẽ giúp giáo viên dễ dàng tạo điều kiện cho người học được học tập thực sự. 

Người giáo viên vì người học và việc học sẽ luôn lắng nghe và học hỏi, và ngược lại điều này giúp họ phát triển nghề nghiệp một cách thực chất hơn so với việc bị đánh giá năng lực giảng dạy qua các cuộc thi và thói quen quan tâm đến nội dung truyền đạt theo khu chương trình và thành tích trong giảng dạy. 

Định hướng chuyên môn

Đây là định hướng bắt buộc cho chất lượng của người làm công tác giảng dạy. Định hướng này liên quan đến gốc rễ, động lực và con đường chuyên môn của từng giáo viên bởi vì nó liên quan đến quá trình hoàn thiện chuyên môn không bao giờ đến đích. 

Khi bạn cảm thấy hài lòng với kỹ năng và kiến thức của mình, điều này đồng nghĩa bạn không phải là một giáo viên thực sự với chất lượng chưa kiểm chứng, thiếu trách nhiệm và vô tâm. 

Định hướng này bao hàm không chỉ các trình độ chuyên môn một người giáo viên có được do có bằng cấp theo qui định hay kỹ năng mà người giáo viên tích lũy được từ quá trình học, kiến tập và thực tập;

Mà còn là quá trình phát triển chuyên môn không ngừng kể từ khi bước chân vào môi trường học thuật của giới sư phạm. 

Điều đặc biệt từ các giáo viên trong nghiên cứu này chính là họ chưa từng ngừng thay đổi, suy luận và cập nhật kỹ năng nhận thức, kỹ năng sư phạm, kỹ năng nghiên cứu và kỹ năng chia sẻ để học hỏi được nhiều hơn từ cộng đồng sư phạm một cách tự do (không có nghĩa như ở nước ta là chia sẻ tự do để sao chép, nhân bản công trình của người khác hoặc để nhầm thành tên của mình). 

Tự do học thuật ở đây là giáo viên nào cũng có quyền phát triển chuyên môn, được lắng nghe khi họ có khó khăn, và được giúp đỡ khi họ cần. 

Họ đặt sự thay đổi để phát triển chuyên môn là ưu tiên của người giáo viên vì xã hội phát triển không ngừng, công nghệ luôn được nâng cấp và đổi mới và người học có trình độ nhận thức ngày càng tiến bộ hơn. 

Chính thái độ và mong muốn thay đổi làm cho giáo viên trong bối cảnh nghiên cứu luôn không ngừng sáng tạo trong tổ chức lớp học các hoạt động giảng dạy ngày càng phù hợp hơn với nhu cầu của người học. 

Càng thay đổi, họ càng làm giàu thêm cho kinh nghiệm giảng dạy và qua đó trình độ chuyên môn phát triển như một điều tất yếu. 

Định hướng này cũng chỉ ra là giáo viên rất tự tin với khả năng tạo môi trường học tập năng động cho người học, ứng biến, sáng tạo và xử lý được mọi tình huống chuyên môn đặt ra trong quá trình trình giảng. 

Nói chung, người giáo viên ngoài kỹ năng được học với bằng cấp thật thì kinh nghiệm, con đường vào nghề, khả năng nhận thức, tư duy thay đổi, quá trình rèn luyện và phát triển chuyên môn chính là tất yếu của chất lượng và tiêu chuẩn theo định hướng này. 

Định hướng theo đối tượng người học 

Nếu người học là đối tượng quan trọng nhất mà cả xã hội đã phải cùng ngành giáo dục, nhà trường rồi đến giáo viên phải quan tâm, tại sao người học không được đa dạng quyền của mình và được quyết định sẽ học điều gì là cần thiết thực sự. 

Họ phải có sự lựa chọn với khả năng lý luận và nhận thức được những gì phải học là cần thiết thực sự. 

Người học không chỉ học (theo nghĩa đi đến lớp, ngồi nghe…) mà phải được tạo điều kiện để rèn luyện kỹ năng phản biện, tư duy phản biện, phải biết những gì phải học có lỗi thời, phải có quyền trao đổi và ý kiến của người học phải được tôn trọng như là ưu tiên số một của ngành giáo dục.

Nghiên cứu này đã tìm ra vai trò quan trọng của việc hiểu người học nhằm mục đích giúp cho quá trình học tập diễn ra hiệu quả hơn. 

Tuy nhiên, định hướng này đòi hỏi người giáo viên phải quan tâm đến nhu cầu của người học, mục tiêu học tập và các yếu tố khác, kể cả tính hợp lý và bất hợp lý của môn học mình đang dạy để kích hoạt, truyền cảm hứng và hướng tới tự do trong tư tưởng để học tập thực sự. 

Điều đặc biệt ở các giáo viên trong nghiên cứu là họ có định hướng người học nhằm nhận ra nhận thức, kỹ năng và kiến thức đã có của người học để điều chỉnh bài giảng và hoạt động cho phù hợp với quá trình học tập. 

Khi người học muốn được chú ý và tầm quan trọng của họ trong bất kỳ môi trường giáo dục nào ở các nước tiên tiến, định hướng theo đối tượng người học rất cần cho người giáo viên để rèn luyện để đáp ứng nhu cần học tập của đối tượng người học có thể có trình độ nhận thức rất cao. 

Bởi vì, khi người học nhận ra rằng họ bị chèn ép, đè nén cảm xúc, áp đặt tư duy, quyền tự do trong học tập bị kiểm soát quá lâu, đó chính là thời điểm khủng hoảng giáo dục và xã hội của chúng ta đạt mức trầm trọng nhất. 

Ngoài ra, nhu cầu có mối quan hệ gần gũi trong học tập giữa người học với người dạy được đề cập rất nhiều nhưng có lẽ sẽ rất khó cho bối cảnh chúng ta với cái bóng quyền lực quá lớn của hình ảnh người thầy theo quan niệm Nho giáo ngày xưa. 

Tóm lại, mỗi cá nhân người học luôn có giá trị riêng của mình. Định hướng này dù chưa thật quan trọng ở nước ta, việc người giáo viên có thêm tư duy và sự hiểu biết về người học nhằm phục vụ tốt hơn quá trình giúp họ học tập thực sự và phát triển trí tuệ, logic và mọi kỹ năng xã hội và học thuật cần thiết hoặc chí ít phải liên quan đến môn mình dạy. 

Định hướng giảng dạy 

Định hướng này thực ra tồn tại trong năng lực của từng giáo viên nhưng tôi đề cập ở đây với mong muốn kêu gọi giáo viên quan tâm hơn đến sự cân bằng giữa lý thuyết và thực hành, nhận thức, niềm tin về giảng dạy, nhu cầu thực sự của người học từ chính bài giảng và những hoạt động giảng dạy. 

Khi giảng dạy bất kỳ môn gì, điều cần thiết là giáo viên phải trả lời được các câu hỏi đơn giản như:

- Những gì bạn sắp dạy có mới không, nếu không thì giá trị có bị thay đổi không? Bạn có thể làm mới nó không? Hoạt động học tập có khác hơn được không?

- Những gì bạn sắp dạy có quá nhiều lý thuyết hay thực hành không và có thể làm gì cho nó gắn với thực tế, ứng dụng?

Dù là môn học chỉ thiên về lý thuyết thì người học cũng cần phải được rèn luyện tư duy phản biện từ những gì phải học. 

- Những gì bạn sắp dạy có thật sự cần thiết cho quá trình học tập, suy luận, rèn luyện, tư duy, và phản biện của người học không?

Định hướng này cần người giáo viên phải có khả năng nhận thức về người học, những gì sẽ dạy, các hoạt động, các giá trị của bài học, khả năng vận dụng, sự cân đối giữa lý thuyết và thực tế, thực hành… 

Theo nghiên cứu, điều làm cho định hướng này quan trọng vì giáo viên trong bối cảnh nghiên cứu cho rằng người học không cần đến lớp để nghe thông tin hoặc thu nhận thông tin từ người giáo viên bởi vì có quá nhiều nguồn thông tin lớn hơn trong thực tế cuộc sống mà người học có thể dễ dàng tiếp cận mà không cần giáo viên nói cho họ biết. 

Do đó, định hướng giảng dạy đề nghị người dạy phải thực sự quan tâm kỹ năng giảng dạy để người học có thể học thực sự theo ý nghĩa là được tạo môi trường để rèn luyện tư duy, suy nghĩ, phản biện, sáng tạo và duy trì sự phát triển đam mê khám phá kiến thức mới. 

Điều quan trọng là giáo viên nên luôn xem giảng dạy như là thách thức và cũng là nghệ thuật. Người giáo viên cần luôn sẳn sàng cập nhật cái mới dù có “được” cấp trên yêu cầu hay không. 

Một thực tế trái ngược là khi việc giảng dạy quá tải, lương thấp và các điều kiện nghiên cứu thực sự, tham gia các diễn đàn, hội thảo để phát triển chuyên môn đều hạn chế, chính là nguyên nhân giáo dục ngày càng đi chệch hướng so với mong muốn của xã hội. 

Nếu ai đó nghĩ giảng dạy chỉ đơn giản là mang kiến thức bạn biết rồi đến lớp giảng bài là giảng dạy thì xin hãy thay đổi hoặc dừng lại. 

Có rất nhiều phương pháp, triết lý giảng dạy đã ra đời và được chứng minh là phản giáo dục, do đó nếu giảng dạy chỉ là kỹ năng mà không kèm đam mê, sự thách thức, sự tò mò khám phá kiến thức kinh nghiệm mới, và rèn luyện chuyên môn để sở hữu hết sáu định hướng thuộc nghề giáo thì đó có thể chưa là người giáo viên thực thụ. 

Ngoài ra, khi giảng dạy cũng không nên quá đề cao vẻ tôn nghiêm của người giáo viên cũng như sự hiểu biết của họ hoặc áp đặt suy nghĩ của người dạy lên người học; 

Điều này ngăn chặn hoặc làm giảm tư duy phản biện của người học đặc biệt khi người giáo viên chưa đủ kỹ năng truyền cảm hứng và thiếu tư duy cởi mở đối với các quan niệm đúng sai trong nhận thức của người học. 

Giáo viên rất cần tính linh hoạt khi giảng dạy, kỹ năng nghiên cứu thông qua quan sát, nhận diện vấn đề giảng dạy và thay đổi cho phù hợp hơn với việc học. 

Định hướng chuyên nghiệp

Định hướng này của giáo viên chính là khả năng chuyên nghiệp trong công việc khi giảng dạy và khi đưa ra các yêu cầu chuyên môn cho người học. 

Tính chuyên nghiệp tập trung vào cách thức người giáo viên trở nên chuyên nghiệp và kích thích người học để họ học và trở thành người học giỏi. 

Nghiên cứu đã tìm ra đặc điểm này từ các giáo viên tham gia nghiên cứu. Thật vậy, họ luôn có tác phong làm việc chuyên nghiệp trong trách nhiệm thường ngày và các hoạt động ở trường học. 

Họ chú ý đến môi trường làm việc và nhận diện bản thân họ ở nơi làm việc để đảm bảo các mức cư xử phù hợp kể cả khi sự vụ cần xử lý nằm ngoài trách nhiệm của người giáo viên. 

Nghiên cứu tìm ra các khuôn mẫu chung cho định hướng này của giáo viên thuộc về (1) các giao thức giải quyết vấn đề chuyên nghiệp, (2) linh động trong sử dụng thời gian miễn có lợi cho người học và chuyên môn bản thân, (3) nhận thức về khoảng cách công việc phù hợp giữa người dạy và người học. 

Ngoài ra, tính chuyên nghiệp cũng tồn tại từ chính quyền tự chủ của người giáo viên, điều này cho phép họ có quyền quyết định sẽ trở thành một giáo viên như thế nào, suy nghĩ thế nào, khi nào thì đến trường nếu không có lớp dạy, thái độ làm việc và cả quyền tự quyết về những gì họ muốn đề xuất và sẽ giảng dạy. 

Điểm đặc biệt là giáo viên trong nghiên cứu đề cập đến yếu tố tự do học thuật có sự liên hệ mật thiết với mức độ hài lòng về công việc cũng như sự không hài lòng về những cản trở đối với khả năng phát triển của giáo viên. 

Dù điều kiện giảng dạy, quyền tự do học thuật, quyền tự quyết của giáo viên tồn tại rõ ràng trong môi trường nơi nghiên cứu diễn ra nhưng các giáo viên này chưa hoàn toàn hài lòng với những gì họ được cung cấp. 

Họ cần sự đảm bảo cao hơn để trở nên chuyên nghiệp hơn nữa với các phong các làm việc đa dạng, quan niệm về nghề nghiệp và sự hài lòng trong môi trường học thuật. 

Định hướng nhân phẩm

Nếu chúng ta tự kiểm lại xem những gì ta nhớ về những giáo viên dạy mình từ xưa đến giờ, chúng ta sẽ không nhớ nhiều về kiến thức được học, mà đó sẽ là những đặc điểm thuộc về nhân cách của người thầy.

Trong định hướng cuối cùng này, khi mỗi giáo viên đều là một cá nhân khác biệt, có những đặc điểm khác nhau, thì những người giáo viên dạy giỏi tại nơi nghiên cứu lại có rất nhiều điểm tương đồng mà trong đó họ không xem chính họ hoặc kỹ năng giảng dạy chính là tiêu chí của định hướng nhân phẩm. 

Những giáo viên này mô tả quan điểm giảng dạy, mô tả cách thay đổi để người học học tốt hơn… 

Đặc biệt khi được hỏi có phải là giáo viên giỏi không, các giáo viên này không mô tả chính họ với những đặc trưng mà người học mong muốn (như phải hiểu biết sâu rộng, đừng quá khó, cần gần gũi thân thiện hơn với người học…), mà mô tả những hiểu biết của họ về phương pháp để tiếp cận được mong muốn học tập và kiến thức người học thật sự cần và mang tính thực tế. 

Khi quan tâm đến người học, chất lượng giảng dạy, thay đổi để tốt hơn và lòng yêu nghề thì chính họ đã khẳng định được danh hiệu giáo viên dạy giỏi mà không cần phải chạy theo bất kỳ thành tích nào. 

Chính nhân phẩm của người dạy học mang lại giá trị cho người thầy trong mắt học trò chứ không phải điểm số, sự áp bức, sự cao ngạo của những ai nghĩ mình làm chủ kiến thức của nhân loại.

Thay lời kết, quan điểm của cá nhân tôi là nếu giáo viên làm tốt nhiệm vụ thực sự của người thầy cô giáo thì chúng ta không cần hư danh. 

Các kỳ thi giáo viên dạy giỏi là cần thiết nhưng khi thực hiện không qua áp lực chỉ tiêu, thành tích thì mới thực sự mang lại hiệu quả đột phá trong giáo dục. 

Trong nghiên cứu của tôi, những giáo viên được phỏng vấn và tham gia làm đối tượng nghiên cứu đều là giáo viên giỏi không phải từ bất kỳ thành tích hay cuộc thi nào mà qua các sản phẩm khoa học họ hợp tác trong giới sư phạm và đồng nghiệp trên toàn thế giới, các báo cáo và xuất bản của họ không những khẳng định vai trò giáo viên mà còn là nhà khoa học. 

Vai trò giáo viên giỏi của họ được đánh giá từ chính người học, những người được họ truyền cảm hứng để tìm đến tự do học thuật chân chính. 

Khi tôi tìm hiểu sâu hơn thì không ai trong họ hài lòng với danh hiệu mình là người giáo viên hoàn hảo vì họ nghĩ họ phải còn học tập rất nhiều để đảm bảo mục đích giáo dục thật sự do người học làm chủ. 

Tất cả các định hướng để phát triển chuyên môn của một người giáo viên là rất cần thiết, khi không ngừng học tập, nghiên cứu, sáng tạo và giữ vững lòng yêu nghề, và đừng nhận thức rằng mình đã hiểu biết đủ những thứ cần thiết cho nghề giáo thì bất kỳ người giáo viên nào cũng là giáo viên giỏi. 

Bí mật là đừng bao giờ dừng bước trên con đường phát triển và đừng bao giờ hài lòng với công việc chuyên môn cũng như kỹ năng giảng dạy vì xã hội và công nghệ đang thay đổi từng ngày. 

Nếu quan tâm thật sự đến sự thay đổi giáo dục tích cực cho chính con em chúng ta thì hãy giúp chúng tôi lên tiếng yêu cầu tăng lương cho giáo viên, giảm các cuộc thi mang tính hình thức từ các cấp các ngành và đề nghị giảm sĩ số lớp học ở các cấp thấp để giáo viên có thể chăm lo đầy đủ hơn cho học sinh. 

Hãy giúp ngành giáo dục xây dựng niềm tin từ việc thay đổi tư duy xã hội và của chính những người làm giáo dục để tiếng nói của người học và giáo viên được lắng nghe. 

Nói một cách khác, ý kiến người học và giáo viên phải được quan tâm đúng mức bởi họ là đối tượng trực tiếp nhất trong quá trình giáo dục đào tạo. 

Họ phải có quyền tự chủ trong việc hiện thực hóa việc dạy và học chứ không phải từ sự áp đặt đôi khi vô lý và thiếu khoa học từ các cấp quản lý giáo dục. 

Nên hãy nhớ rằng, trong thời đại ngày nay, khi vẫn còn đặt nặng việc truyền đạt kiến thức thì hoạt động giảng dạy chỉ giới hạn ở mức thầy dạy trò học và đôi khi trò có thể không biết tại sao mình lại cần học những kiến thức đấy, không có khả năng phản biện theo suy nghĩ của mình khi những gì được học trái với các nguồn thông tin rộng rãi khác ngoài xã hội. 

Môi trường chúng ta chưa thực sự khuyến khích học sinh phản biện với giáo viên, còn giáo viên thì chưa đạt hiệu quả trong phản biện đối với các cấp quản lý giáo dục và đào tạo. 

Xu thế ngày nay là cần chúng ta quan trọng việc học của người học, của chính giáo viên và tiếng nói của họ đối với ngành, với xã hội và các cấp quản lý chứ không phải là việc dạy như chúng ta từng hiểu được.

 

 

Tác giả: Anh Thảo

TRIỆT TIÊU BỆNH HƯ DANH TRONG GIÁO DỤC

Bệnh thành tích, hình thức, hư danh đáng ra không nên có trong môi trường giáo dục, bởi đây là cái nôi nuôi dưỡng, vun trồng, bồi đắp, xây dựng phẩm chất, nhân cách con người. Trên thực tế, những căn bệnh này đã nhiều lần được “vạch mặt chỉ tên”, song nó vẫn là một trong những vấn đề nhức nhối trong hoạt động giáo dục.

Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông, giáo dục đại học là một trong 3 nhóm vấn đề “nóng” được nhiều đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ tại Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIV.

Tại sao chất lượng giáo dục phổ thông được đưa ra chất vấn tại kỳ họp lần này? Bởi chất lượng giáo dục phổ thông không chỉ phản ánh bức tranh giáo dục của một đất nước, mà còn là cơ sở, tiền đề để nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Những năm qua, tuy giáo dục phổ thông đã có sự đổi mới đáng kể, song vẫn chưa đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu đặt ra. Chính lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thừa nhận, chất lượng giáo dục mới chỉ được quan tâm ở kết quả tiếp thu kiến thức, mà chưa chú trọng đến kết quả phát triển phẩm chất và năng lực học sinh; việc kiểm tra, đánh giá học sinh vẫn nặng về điểm số, làm cho bệnh thành tích trong giáo dục chưa được ngăn chặn triệt để.

Nhận định của lãnh đạo ngành giáo dục có vẻ nhẹ hơn so với cách đây 5 năm, khi Trung ương Đảng khóa XI ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW chỉ rõ một trong những nguyên nhân khiến chất lượng giáo dục phổ thông hạn chế là do “bệnh hình thức, hư danh… chậm được khắc phục, có mặt còn nghiêm trọng hơn”.

Bệnh thành tích, hình thức, hư danh đáng ra không nên có trong môi trường giáo dục, bởi đây là cái nôi nuôi dưỡng, vun trồng, bồi đắp, xây dựng phẩm chất, nhân cách con người. Trên thực tế, những căn bệnh này đã nhiều lần được “vạch mặt chỉ tên”, song nó vẫn là một trong những vấn nạn nhức nhối trong hoạt động giáo dục. Điều này thấy rõ nhất trong việc xếp loại học sinh giỏi cuối năm ở các trường. Thống kê gần đây của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, tỷ lệ học sinh giỏi cuối năm ở nhiều địa phương năm sau thường cao hơn năm trước. Ví như tại 5 thành phố trực thuộc Trung ương (Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ), số lượng học sinh giỏi toàn cấp có năm lên đến 400.000 em, chiếm tỷ lệ hơn 40%, thậm chí Hà Nội, Hải Phòng có năm có gần 50% học sinh xếp loại học lực giỏi trong toàn cấp. Được biết năm học 2017-2018 vừa qua, các trường Trung học Cơ sở ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) có hơn 66% học sinh Trung học Cơ sở có học lực giỏi, hơn 71% học sinh Trung học Cơ sở được công nhận tốt nghiệp loại giỏi...

Nhiều chuyên gia giáo dục từng trăn trở: Có phải bây giờ con em chúng ta giỏi hơn các thế hệ cha anh trước đây? Xét về xu hướng phát triển, thế hệ sau thông minh, giỏi giang hơn thế hệ trước là điều bình thường, hợp quy luật và đó cũng là cái may, cái phúc của nước nhà. Nhưng thực ra cái sự “giỏi” nhanh của một bộ phận học sinh chỉ được định lượng bằng những điểm số học tập cao bất thường do nhiều trường, nhiều lớp, nhiều giáo viên chạy theo thành tích để “đánh bóng” tên tuổi của mình. Cái sự “giỏi” đó không phản ánh thực chất khả năng, trình độ học sinh cũng như làm sai lệch bản chất của mục tiêu giáo dục toàn diện.

Mục tiêu lớn nhất, bao trùm nhất của đổi mới giáo dục hiện nay là chuyển mạnh quá trình giáo dục từ trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực người học. Do đó, mấu chốt của vấn đề là không chỉ đổi mới nội dung chương trình và phương pháp dạy học, mà còn phải đổi mới hình thức, cách thức kiểm tra, đánh giá kết quả của học sinh và đánh giá thực lực của các cơ sở giáo dục. Nếu còn quá coi trọng về điểm số của học sinh hay xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ của thầy, cô giáo và đánh giá năng lực trường, lớp chỉ đơn thuần bằng những kết quả học sinh giỏi, học sinh lên lớp… thì căn bệnh thành tích, hư danh trong giáo dục không được triệt tiêu tận gốc. Đây cũng là nguy cơ làm chậm lộ trình đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục nước nhà và vì thế, giáo dục Việt Nam khó có thể hội nhập, bắt nhịp với xu thế giáo dục quốc tế./.

 

 

Tác giả: Thiều Trang - Tường Vân

NÊN BỎ NGAY KỲ THI HỌC SINH GIỎI

Nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay vẫn còn nhiều nơi chạy theo thành tích trong thi cử, trong đó chạy đua theo kỳ thi học sinh giỏi là minh chứng điển hình. Vì vậy, nên bỏ kỳ thi học sinh giỏi các cấp để tránh “di căn” sang chương trình giáo dục mới đang triển khai hiện nay.

Thi học sinh giỏi là tác nhân gây bệnh thành tích

Nhiều chuyên gia đã thẳng thắn chỉ ra một trong những bất cập của nền giáo dục nước nhà là học sinh bậc phổ thông vẫn còn tình trạng học nhồi nhét kiến thức, chạy theo thi cử, thành tích dẫn đến học lệch, học chuyên sâu một môn học khi còn quá sớm. Điển hình cho mặt trái đó chính là nỗ lực ôn luyện để tham gia kỳ thi học sinh giỏi các cấp.

Trao đổi với Lao Động về vấn đề này, Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tất Dong - nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam - cho rằng, cách thi đơn môn, học lệch, học tủ sẽ không đánh giá được con người toàn diện, trong khi đó mục tiêu giáo dục phổ thông mới là phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực người học. Theo Giáo sư Dong, học sinh phổ thông học thực chất giỏi là tốt, nhưng phải gắn giỏi với thực tiễn, gắn vào lao động sản xuất chứ không dừng lại học để thi.

“Việc thi cử đã thành nếp nên khó sửa. Báo cáo hằng năm có bao nhiêu học sinh giỏi cấp tỉnh, bao nhiêu cấp huyện nhưng thực chất những giải thưởng đó không giải quyết được vấn đề gì. Thi học sinh giỏi chính là một tác nhân gây bệnh thành tích, đang "gặm nhấm" giáo dục.

Vì muốn thi giải cao thì phải luyện gà nòi, muốn có học sinh giỏi thì phải chọn học sinh, tổ chức lớp, chọn giáo viên, luyện thi tốn rất nhiều thời gian và công sức. Chưa kể, khi mang về danh hiệu học sinh giỏi các cấp, học sinh có lao động giỏi, có thành chuyên gia thực thụ ở các lĩnh vực không hay chỉ học để phục vụ một kỳ thi?" - Giáo sư Dong nêu quan điểm.

Nên bỏ ngay kỳ thi học sinh giỏi

Nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Phạm Tất Dong cho rằng, muốn duy trì danh hiệu học sinh giỏi phải có tiêu chuẩn và tiêu chuẩn đó cần gắn liền với đời sống, không chỉ giỏi trên giấy tờ.

"Học phải đi đôi với hành. Học chỉ để đi thi lấy giải thì đó là hư danh, không giải quyết được vấn đề gì"- Giáo sư Dong nói.

Trước thực trạng nhiều giáo viên, học sinh không còn mặn mà với việc thi học sinh giỏi, thậm chí xem đó là gánh nặng và chuyển hóa thành áp lực dai dẳng, thầy Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng trường Marie Curie (Hà Nội) cho rằng, nên bỏ kỳ thi học sinh giỏi các cấp càng sớm càng tốt để khỏi “di căn” sang chương trình giáo dục mới đang triển khai hiện nay.

Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, học sinh học trực tuyến đến 2/3 năm học, việc thi học sinh giỏi chắc chắn không đạt chất lượng cao, gây áp lực cho giáo viên, học sinh và phụ huynh.

"Thời điểm này chỉ cần các trường tập trung cho hoạt động dạy và học chính khóa, nếu tiếp tục tổ chức kỳ thi học sinh giỏi rất áp lực, vất vả cho thầy và trò" - thầy Khang nói.

Có nhiều cách để khuyến khích, động viên học sinh

Trước ý kiến cho rằng, cuộc thi học sinh giỏi là động lực để học sinh phấn đấu, Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tất Dong - nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam - cho hay, có rất nhiều hình thức để cổ vũ, tạo động lực cho học sinh phấn đấu, gắn "học đi đôi với hành". Ví dụ, tài trợ các gói học bổng cho học sinh đạt kết quả xuất sắc, giải thưởng lớn cho học sinh có nhiều sáng kiến, đóng góp cho xã hội.

"Hội Khuyến học hiện nay cũng đang triển khai. Nếu học sinh học tập tốt, lao động tốt, được công nhận là học sinh tích cực trong các phong trào của học sinh, Hội Khuyến học sẽ có phần thưởng rất lớn. Đây có thể là hình thức thay thế cho danh hiệu giỏi cấp huyện, cấp tỉnh.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp có thể ưu tiên những học sinh có nhiều thành tích trong học tập và tu dưỡng đạo đức, sau khi tốt nghiệp lớp 12 sẽ được đưa vào đào tạo và giữ lại làm việc, đó cũng là chính sách thúc đẩy học sinh học tập và rèn luyện, gắn học với hành, xóa bỏ tư tưởng học để đi thi" - Giáo sư Dong nhấn mạnh.

 


Mời nghe Khề Khà Truyện đọc truyện ngắn

CHUYỆN CỦA GÃ KHỜ của Đặng Xuân Xuyến:

0 comments:

Đăng nhận xét