GỬI NHÀ VĂN TRẺ: TÔI CŨNG THẤT VỌNG! - Nhiều Tác Giả

Leave a Comment

 

GỬI NHÀ VĂN TRẺ:

TÔI CŨNG THẤT VỌNG!

*

 

Tác giả: Lê Thiếu Nhơn

KHÔNG THỂ HỜ HỮNG VỚI NHÀ VĂN TRẺ!

Tại họp báo về sự kiện Hội nghị viết văn trẻ tổ chức tại Đà Nẵng hai ngày 18-19/6, lãnh đạo Hội Nhà văn VN đã tỏ ra "thất vọng" vì Hà Nội không (hoặc... chưa) hỗ trợ chi phi đi lại cho 27 đại biểu.

Theo tôi, đó là một phản ứng cần thiết. Bởi lẽ, Hội Nhà văn VN đã gửi hai công văn, nhưng chính quyền thủ đô vẫn... im lặng.

Vấn đề ở đây không phải là "xin - cho", mà là thái độ ứng xử. Ông A thỉnh cầu gì với ông B, thì ông B có thể phớt, đó là quan hệ cá nhân. Còn một chính quyền địa phương phải có trách nhiệm hồi đáp công văn của một đoàn thể được chế độ công nhận, đó là nguyên tắc.

Nếu Hà Nội đang bận rộn vì nhân sự nháo nhào, thì cứ trả lời là không thể giải quyết, để Hội Nhà văn VN và 27 đại biểu kia tự lo liệu. Thế nhưng, cứ lờ lớ lơ thì hơi khiếm nhã.

Hà Nội biết linh động hợp thức hóa cả những con đường "cong mềm mại", thì chả lẽ "bó tay" với đề nghị tiếp sức cho một hoạt động văn hóa?

Hội nghị viết văn trẻ, theo tôi, còn quan trọng hơn Đại hội Nhà văn. Vì hội viên Hội Nhà văn VN đều là những người đã chấp nhận bước vào con đường vui buồn của văn chương. Còn các cây bút trẻ đang bỡ ngỡ trước sự chọn lựa nghề nghiệp, họ đang cần một lời chia sẻ, họ đang cần một cánh tay vẫy gọi, để tự tin hơn, để mạnh mẽ hơn trên hành trình sáng tạo.

Lĩnh vực tư tưởng ở Việt Nam vẫn đang được quản lý chặt chẽ và khôn khéo. Cho nên, Hội nghị viết văn trẻ là một cơ hội để điểm danh lực lượng, xốc lại đội ngũ cho tương lai.

Tôi được dự Hội nghị viết văn trẻ lần 5, 6 và 7 vào các năm 1998, 2001 và 2006. Tôi vẫn giữ cái huy hiệu Hội nghị viết văn trẻ để làm kỷ niệm. Đã nhiều năm trôi qua rồi, mỗi lần nhìn thấy cái huy hiệu ấy, tôi lại nhắc nhở mình phải tiếp tục viết.

Thế hệ cùng dự Hội nghị viết văn trẻ với tôi, đã có nhiều người rời xa chữ nghĩa, nhưng cũng đã có nhiều tác giả thành danh như Vũ Hồng, Nguyễn Một, Đoàn Ngọc Thu, Nguyễn Hiệp, Phong Điệp, Nguyễn Vĩnh Tiến, Bình Nguyên Trang, Vi Thùy Linh, Trần Nhã Thụy...

Mỗi thời có một nhu cầu khác nhau. Việt Nam hiện tại có thể xem "công nghệ lõi là phân lô bán nền" trong điều hành kinh tế, nhưng chính quyền hờ hững với nhà văn trẻ thì chẳng khác gì khẳng định xã hội không cần "lương tâm" nữa.

 

Nguồn: https://www.facebook.com/lethieunhon/posts/pfbid02BpbKLSndzVKfpmm6fWpabDABfAxNsKvjdVV8Hfp3WrJifca94uhrQkGyFRacaSaol

 

 

 

Tác giả: Thiên Điểu

HỘI NHÀ VĂN “THẤT VỌNG” VÌ HÀ NỘI

NGÓ LƠ ĐỀ NGHỊ HỖ TRỢ VÉ MÁY BAY

CHO NHÀ VĂN TRẺ DỰ HỘI NGHỊ

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều thất vọng cho biết Hà Nội không phản hồi công văn hội đề nghị hỗ trợ vé máy bay cho các nhà văn trẻ của thành phố dự Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc diễn ra cuối tuần này tại Đà Nẵng.

Thông tin được chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ trong cuộc họp sáng 13-6 tại Hà Nội để thông tin về Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X diễn ra ngày 18 và 19-6 tại thành phố Đà Nẵng, do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức 5 năm một lần.

Hà Nội là địa phương có số đại biểu được mời dự Hội nghị Những người viết văn trẻ đông nhất với 27 người.

Trả lời Tuổi Trẻ Online, đại diện Hội Nhà văn cho biết kinh phí tổ chức hội nghị là kinh phí của Nhà nước kết hợp với xã hội hóa. Nguồn kinh phí từ Nhà nước khá thấp vì gần đây có yêu cầu giảm chi phí tổ chức các hội nghị, hội thảo tối đa.

Vì vậy Hội Nhà văn Việt Nam đã có công văn gửi các tỉnh, thành phố đề nghị hỗ trợ mua vé máy bay, vé xe đi lại cho các đại biểu tỉnh, thành về dự hội nghị.

Đến nay hội đã nhận được sự hỗ trợ của hầu hết tỉnh, thành, ngoại từ Lạng Sơn đã có trả lời từ chối cấp kinh phí, còn Hà Nội không trả lời sau hai công văn của hội vào ngày 28-3 và 1-6.

Trả lời Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Quang Thiều cho biết rất thông cảm vì "Hà Nội đang nước sôi lửa bỏng, nhưng việc nào ra việc ấy". Ông cho rằng hành xử của Hà Nội "làm thất vọng những nhà văn trẻ".

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nói đây là một phép thử với các địa phương. Bởi cả nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng cũng như Hội nghị văn hóa toàn quốc vừa diễn ra năm ngoái tại Hà Nội đều khẳng định văn hóa có vai trò ngang bằng kinh tế, chính trị, và "văn hóa soi đường cho quốc dân đi", nhưng thực chất các địa phương đang thực hiện chủ trương đó ra sao?

Trước đó, Sở Tài chính Cần Thơ cũng trả lời từ chối cấp kinh phí cho 2 đại biểu đi dự hội nghị, vụ việc được ông Hữu Việt - trưởng ban văn học trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam - đưa lên mạng xã hội.

Ông Hữu Việt trả lời Tuổi Trẻ Online cho biết sau ý kiến của ông, chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ lập tức liên hệ với lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam khẳng định sở tài chính chưa nắm được tinh thần của Ủy ban Nhân dân thành phố mới trả lời như vậy. Ngay sau đó, Cần Thơ đã mời hai đại biểu đến để cung cấp kinh phí nhiều hơn cả giá vé máy bay cho họ.

 

Đại biểu trẻ nhất là cây bút 15 tuổi ở thành phố Hồ Chí Minh

Với chủ đề "Vì sao chúng ta viết?", Hội nghị Những người viết văn trẻ lần thứ 10 có tổng số đại biểu tham dự là 138 người, trong đó có 119 đại biểu là các cây bút trẻ tiêu biểu đến từ tất cả các vùng miền trong cả nước, 19 đại biểu là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam tuổi đời từ 35 tuổi trở xuống.

Các đại biểu có tuổi đời khoảng 20-30 tuổi chiếm đại đa số, tập trung đông ở mảng văn xuôi, thơ, còn mảng lý luận phê bình và văn học dịch khá ít ỏi.

Các đại biểu đa dạng ngành nghề, khá đông người viết tự do, trong đó có những cây viết trong các câu lạc bộ thơ Facebook, nhiều nhà văn đến từ các diễn đàn văn chương.

Cây bút trẻ nhất tham dự hội nghị là em Trần Phú Minh Anh, sinh năm 2007, hiện đang là học sinh trung học phổ thông tại TP.HCM.

Ông Thiều là người mời Minh Anh vì cô bé 15 tuổi đã làm những bài thơ khiến ông "vô cùng xúc động, tôn trọng", ông nhìn thấy ở cô bé "phẩm chất thi sĩ thực sự".

 

Nguồn: https://tuoitre.vn/hoi-nha-van-that-vong-vi-ha-noi-ngo-lo-de-nghi-ho-tro-ve-may-bay-cho-nha-van-tre-du-hoi-nghi-20220613142505604.htm?fbclid=IwAR2GfnfvuaXYMMD648-jG2iOvD176_LE96wcB_DnykMnNngiw5EKsY0aeQo

 

 

 

Tác giả: Tạ Duy Anh

NGHỆ SĨ - (Gửi một nhà văn trẻ)

Thời còn là sinh viên của trường Viết văn tôi hay thức đêm. Ban ngày học trên lớp, tối quây quần bù khú, tán gẫu những chuyện trên trời dưới biển, nói xấu hạ bệ đồng nghiệp như căn bệnh cố hữu của giới cầm bút nước nhà và hôm nào cũng đến tận khuya mới ai về phòng người ấy.

Bấy giờ mới là lúc giở đồ nghề ra nghí ngoáy. Có hôm viết được một lèo. Có hôm ngồi cắn bút đến gần sáng, đầu óc tắc tị.

Trong màn đêm tịch mịch thể nào cũng vang lên tiếng rao của những người bán bánh mỳ. Không hiểu sao tôi cứ muốn tin rằng những người bán hàng rong với đám viết lách vốn là cùng một hạng. Mà này, chưa biết ai sang trọng hơn ai đâu nhé nếu như bạn cũng ngồi trong đêm nghe tiếng họ rao. Khi đó bạn không nghĩ họ là những người bán hàng kiếm tiền lẻ mà là những nghệ sỹ thực sự. Những tiếng rao đồng loạt cất lên. Nó khiến tôi liên tưởng đến bản hoà tấu sau mỗi trận mưa rào. Thôi thì đủ kiểu trầm bổng, dài ngắn, âm cổ, âm mũi, giọng trong, giọng đục của nhiều vùng miền...

Thế là có đêm tôi chẳng làm gì ngoài việc ngồi nghe tiếng rao bán hàng. Có tiếng rao đúng nghĩa như một lời thông báo, mời chào, lời rao vang xa vào đêm. Có tiếng rao như bị nhúng nước trước khi bật qua môi. Có tiếng rao chất chứa hy vọng, lời rao như đùa cợt với mọi nỗi khổ đang vây bọc. Có tiếng rao bị tắc nghẽn ở đâu đó trong cổ họng. Có tiếng rao nở hậu. Có tiếng rao thắt lại, lời rao bị kéo dài mãi ra ở đoạn cuối. Mỗi lời rao là dấu hiệu nhận dạng một số kiếp qua âm thanh. Không hiểu sao khi đó tôi cứ muốn được thấy tận mặt từng người bán bánh mỳ đêm. Tôi muốn chiêm ngưỡng họ như chiêm ngưỡng những biểu tượng của sự can trường. Bạn tin hay không thì tuỳ nhưng tôi không thể nói khác rằng đêm nào ước muốn đó cũng cồn cào trong tôi. Nhưng từng đêm cứ lần lượt trôi qua và cái ước muốn ấy mỗi ngày một bị đẩy ra xa tít tắp.

Đêm nào ghé cửa phòng tôi cũng vẫn chỉ là cậu bé 12, 13 tuổi từ quê bỏ học ra Hà Nội bán bánh mỳ. Cậu ủ bánh mỳ trong những chiếc bao tải, nhét gọn trong chiếc thúng rồi đội trên đầu. Tiếng rao của cậu thuộc loại lanh lảnh. Cậu đi theo một hành trình rất có trật tự, của riêng cậu và đương nhiên là tuân thủ quy định phân chia khu vực bán hàng, rất nghiêm ngặt. Miếng ăn kiếm được chẳng dễ dàng gì nên không thể chấp nhận sự tranh cướp, dù vô tình hay cố ý. Làm trái điều đó lập tức cậu phải bán sới đi nơi khác và ở đấy cuộc tranh giành luôn luôn khốc liệt hơn.

Lần theo tiếng rao của cậu bé tôi có thể đoán được cậu là người biết giữ kỷ luật. Nếu phùng thời được làm quan chắc chắn cậu không hứa hão huyền như đa số những ông quan hiện thời. Chắc chắn nhân cách cậu cao hơn ối kẻ ăn trên ngồi trốc. Cậu biết giữ chữ tín với đồng nghiệp và với khách hàng. Chẳng hạn không phải đêm nào tôi cũng mua bánh mỳ ăn đêm nhưng chưa bao giờ cậu bé không ghé qua. Cậu biết tôi thích loại bánh mềm trong, giòn ngoài nên luôn luôn để dành. Những đêm đông rét thấu xương, cậu tùm hụp trong chiếc áo bông to quá khổ chỉ hở ra độc đôi mắt. Cậu chờ tôi ngẩng lên để tin chắc tôi đã nhìn thấy cậu. Chỉ khi tôi mỉm cười lắc đầu cậu mới bỏ đi để rồi đêm sau lại hy vọng với cái nháy mắt tinh nghịch thay cho lời mời. Cũng có hôm cậu nán lại, tò mò hay có thể là thèm thuồng nhìn những cuốn sách bày trên mặt bàn. Giá mà tôi biết khi đó cậu bé bán bánh mỳ đêm nghĩ gì, có thể tôi đã không tiếp tục nghề cầm bút chỉ sểnh ra là biến mình thành kẻ tráo trở, hèn kém hoặc thậm chí bán rẻ lương tâm?

Tiếng rao bán hàng đêm đã trở thành một phần của những gì gắn tôi với Hà Nội.

Rời Trường Viết văn, tôi vay tiền bạn bè mua một căn hộ dột nát ở tít vùng ven đô. Cách đó không xa là cánh đồng rau của những người lao động nghèo. Đêm đêm vẳng lên từ đó tiếng ếch nhái kêu đến sốt ruột. Những ngày đầu dọn về nhà mới, tôi không sao ngủ được. Có cái gì vừa lạnh lẽo, vừa bất an. Tiếng gió thổi lồng lộn ngoài cửa sổ càng khiến tôi như bị vây bọc bởi nỗi cô đơn.

Tám năm sau (2002) tôi lại gặp tâm trạng này trong một đêm thức trắng nhìn tuyết rơi ở cái thành phố miền trung nước Mỹ giầu có. Thành phố sáng rực các loại đèn mầu, yên lặng gần như tuyệt đối. Giống tám năm trước tôi bỗng thèm nghe một tiếng rao của cô, cậu bé bán hàng đêm mặc dù hồi đó khi nó vang lên, lẫn vào tiếng ếch nhái, tôi đã ứa nước mắt. Kiếp người sao mà nhỏ nhoi, bất trắc, trôi dạt thật vô lường.

Tôi chuyển chỗ ở thêm một lần nữa. Sống trong căn nhà chắc chắn, nhiều tiện nghi hơn, tôi bắt đầu mắc bệnh nói dai như đỉa về thời nghèo khổ, như bất cứ gã công thần mạt hạng nào. Một đêm mưa rét sập sùi, nằm trong chăn nệm tôi không khỏi cảm thấy khoái trá một cách tầm thường vì biết chắc còn có bao kẻ ước được như mình! Nửa đêm tôi bỗng giật mình thức giấc. Tôi mong mình nghe nhầm. Lần đầu tiên tôi không chờ bất cứ một tiếng rao đêm nào. Nhưng khi tôi vừa ngả mình xuống định ngủ tiếp thì cái giai điệu ấy vang lên, có cảm giác xa xôi như từ một thế giới khác vọng về. Cái giai điệu đích thực của bần hàn ấy, từng gắn với chốn đô thành nghìn tuổi như một phần của đời sống văn hoá cổ kính, từng là thứ giai điệu của đêm đối với tôi, giờ đây giống như một lời tố cáo nghiêm khắc. Tôi hướng tất cả các giác quan ra phía cửa mặc dù biết chắc chẳng có cậu bé nào chờ ở phía bên ngoài, đôi khi chỉ để nháy mắt một cái.

Tôi bỗng ngộ ra thứ quà tặng và đòn trừng phạt lớn nhất, với một người cầm bút.

 

Nguồn: 

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid02ieueCNDFtD2yQ6nfNqmZm6DmZwQ53LyF75Y8vFWGAfebCa3UUaSYB3LEcvvw7NJxl&id=1160946631

 

 

 

Tác giả: Chu Mộng Long

TÔI CŨNG THẤT VỌNG!

Theo Tuổi trẻ, "Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều thất vọng cho biết Hà Nội không phản hồi công văn hội đề nghị hỗ trợ vé máy bay cho các nhà văn trẻ của thành phố dự Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc diễn ra cuối tuần này tại Đà Nẵng"

"Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nói đây là một phép thử với các địa phương. Bởi cả nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng cũng như Hội nghị văn hóa toàn quốc vừa diễn ra năm ngoái tại Hà Nội đều khẳng định văn hóa có vai trò ngang bằng kinh tế, chính trị, và "văn hóa soi đường cho quốc dân đi".

Số người đi dự là 27 hạt giống trẻ cho thủ đô ngàn năm văn hiến.

Đọc xong bài báo, tôi cũng thất vọng!

Nhưng tôi không thất vọng như các bạn Lê Thiếu Nhơn hay Hà Thanh Vân. Các bạn này thất vọng cùng Chủ tịch Thiều với lời bào chữa, rằng số người ăn lương trong Hội Nhà văn chỉ là nhóm người lãnh đạo trong Hội, còn lại đa số phải tự lực để in sách, để kiếm sống, rất khó khăn. Trong khi tôi thất vọng vì các bạn viết văn hay làm ăn kiểu gì mà không thể tự lực, đến mức... không mua nổi một vé máy bay? Mà không mua nổi vé máy bay thì đi tàu lửa hay xe khách không được sao? Mất sang chảnh chăng, hay lại bảo là không đủ tiền đi tàu lửa hay đi xe khách luôn?

Thế thì tôi khuyên, các bạn nên tự lực đi xe máy. Như bà con vừa rồi chạy dịch vậy! Những bà con nghèo khổ này có ai khóc nhè mà kêu van chính quyền hay nhà từ thiện cứu giúp đâu? Cho thì họ cảm ơn, không thì thôi. Không xin xỏ vì lòng tự trọng tối thiểu của một con người.

Có khi nào các nhà văn thấy người nghèo chạy dịch được chính quyền hay các nhà từ thiện hỗ trợ mà ganh tị không? Sao không lấy trái tim rỉ máu của mình viết văn... gửi đến thánh thần nguyền rủa những người nghèo này chết hết đi để mình được lãnh phần?

Với tôi, viết văn là để mua vui. Đi hội nghị cũng để mua vui. Không có tiền, không vui nổi thì ở nhà. Thất vọng hay có khóc nhè đi nữa cũng chẳng ai dỗ cho!

Như tôi chẳng hạn, có mấy Hội thảo khoa học thông báo tôi viết bài, tôi đã viết bài cống hiến miễn phí, Có Hội thảo lại đòi phải tự chi tàu xe, ăn ở, rồi đòi nộp tiền để in kỷ yếu, tôi ứ thèm. Vì chất xám của tôi không rẻ rúng như vậy. Kỷ yếu chẳng ma nào đọc. Thà ở nhà viết Facebook cho bạn đọc, vui hơn, có ý nghĩa hơn!

Xét cho cùng, các bạn văn còn trẻ thì còn cần sữa để bú, cũng không nên thất vọng về họ. Chỉ sợ họ bú lâu thành quen, đến già hói đầu vẫn không chịu bỏ bú. Tôi thật sự thất vọng đối với chính lãnh đạo Hội Nhà văn. Hội Nhà văn có một nhà xuất bản, có đến mấy ấn phẩm như Báo Văn nghệ, Văn nghệ Trẻ, Tạp chí Nhà văn và tác phẩm, Tạp chí Thơ,... Nhà xuất bản và các tờ báo, tạp chí này được bao cấp vốn, ngoài phát cho hội viên còn bán để kinh doanh. Vậy mà không đủ chi cái vé cho bạn văn trẻ để ươm mầm tương lai cho mình sao?

Hay là ông Chủ tịch Hội than rằng, sách, báo, tạp chí của hội đang lỗ to, vì không có người mua. Không có người mua, tức là không có người đọc. Vậy thì "soi đường cho quốc dân đi" là soi đến đâu? Sách, báo, tạp chí phát hành ra, bài của ai nấy đọc thì cũng có nghĩa là... chỉ soi xuống đáy quần của mình để tự sướng thôi sao?

Đúng là thất vọng thật!

------

Chú thêm: Tôi có đứa học trò, cùng hai đứa em khi đó đang đi học đại học. Cha đi biển mất tích, mẹ bị bệnh ung thư. Tôi quyên góp hỗ trợ cho một đứa và xin số tài khoản để hỗ trợ cho mấy đứa nữa, nhưng chúng kiên quyết không nhận. Chúng tự trọng đến mức tôi phải thán phục! Và không thất vọng khi chúng đã nỗ lực vượt khó khăn để thành người (không thành nhà văn!).

 

Nguồn: https://www.facebook.com/Chumonglong/posts/pfbid026MtCdwhKZS7TSSh7vCetqGkgxW5mQjKmcdXfDyXqfcKNUmfGZ4RLviaXmNH4qRt5l

 

 

Mời nghe Khề Khà Truyện đọc truyện ngắn

CHUYỆN CỦA GÃ KHỜ của Đặng Xuân Xuyến:



 

 

 

 

 

- ĐẶNG XUÂN XUYẾN giới thiệu -

(Ảnh sử dụng minh họa trong bài được sưu tầm từ nguồn: internet

Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến)

0 comments:

Đăng nhận xét