NGHỆ
SĨ HARMAONICA TÒNG SƠN
MỘT
THỜI VÀNG SON, CUỐI ĐỜI LẬN ĐẬN
*
Tác
giả: Tuấn Khanh
NGHỆ SĨ HARMAONICA
TÒNG SƠN:
“XÓM ĐÊM NHƯ CUỘC
ĐỜI TÔI”
Nghệ
sĩ Tòng Sơn tạ thế chiều 12 Tháng Sáu 2022. Theo người thân, sau nhiều năm
tháng đau yếu, cuối cùng thì cơn xuất huyết dạ dày đã khiến ông nhập viện. Được
hai tuần, bác sĩ lắc đầu và cho gia đình mang về nhà chuẩn bị hậu sự. Tang
lễ của ông diễn ra tại giáo xứ Tân Hòa, quận Phú Nhuận. Ông được đưa đi an táng
ở Hoa viên nghĩa trang Bình Dương, nơi có những người bạn cùng thời cũng có mộ
phần ở đó.
Sau
hai năm đại dịch, không dạy học được, cũng không có nơi nào để biểu diễn, người
nghệ sĩ có cuộc đời phong trần này buồn bã và cô độc hơn bao giờ hết. Ông mang
nhiều chứng bệnh như loét dạ dày nặng, suy tim, suy thận.
Hồi
Tháng Tám 2020, Tòng Sơn từng nhập viện vì
ngã và cao huyết áp. Cũng may là lúc đó, dù trong đại dịch như ông không bị
nhiễm covid-19. Mấy đứa học trò chỉ có thể nhắn tin hỏi thăm.
Năm
2013, Nghê sĩ Tòng Sơn ra CD độc tấu thứ sáu của mình. Hấp háy đôi mắt
cười, ông nói rằng giờ đây cũng đã hoàn thành tâm nguyện của mình, những
điều ông để lại, ghi dấu cuộc phiêu lưu hơn nửa thế kỷ trên đất Việt cùng tiếng
kèn có một không hai.
Trong
những cuộc trò chuyện về đời mình, nghệ sĩ Tòng Sơn thường nói rằng ông đã đi
qua nhiều cuộc tình, nhưng chung thủy và không thể rời xa được, vẫn là mối tình
với chiếc khẩu cầm – harmonica. Cuộc gặp gỡ chớp nhoáng giữa những ngày tháng
loạn lạc chạy giặc Pháp ở Vĩnh Long năm 1946, cậu trai trẻ Dương Ngô Tòng lượm
được cây harmonica của một người lính lê dương đánh rơi. Sững sờ với âm thanh
của cây kèn này như một tiếng sét ái tình chớp nhoáng, nên chàng trai đó quyết
không bán lại cho bất kỳ ai, dù được trả giá cao.
Năm
1948, tức năm 18 tuổi, Tòng lên Sài Gòn học làm thợ sửa máy đánh chữ. Thuở đó,
sửa máy đánh chữ, đặc biệt là chế máy đánh chữ có dấu tiếng Việt, là một nghề
dễ sống. Tòng cũng nghĩ rằng mình sẽ sống hết cuộc đời như một anh thợ. Đêm
đêm, đô thị đèn vàng nhắc nhớ đến quê nhà hay nỗi cô đơn của một chàng trai từ
tỉnh lên thành thị, Tòng chỉ biết mượn cây harmonica làm âm thanh để bớt trống
trải tâm hồn chứ chưa bao giờ nghĩ rằng mình có thể thành nghệ sĩ.
Học
thêm chút nhạc lý cơ bản từ anh trai của mình, nghệ sĩ Tòng Sơn mày mò bắt
chước chơi lại các bài hát được phát trên đài phát thanh. Nhiều bạn bè, người
quen đã bất ngờ trầm trồ thích thú khi nghe Tòng chơi nhạc một cách điệu nghệ,
chỉ với nhạc cụ bé xíu trong lòng bàn tay.
Trong
ca khúc Cây đàn bỏ quên của nhạc sĩ Phạm Duy, có câu hát tự vấn rằng
“yêu tôi hay yêu đàn…?” cũng là sự mô tả những hoàn cảnh xã hội như vậy
ở thời đầu thế kỷ 20. Thuở ấy, nét phong lưu thời mới ở các nghệ sĩ
trẻ xuất hiện, luôn cuốn hút các thiếu nữ. Là một thanh niên điển trai, ăn
nói thu hút cộng thêm tài biểu diễn harmonica rất độc đáo,
Tòng Sơn được không ít cô gái mới lớn thầm yêu trộm nhớ. Nhớ đến ngày
tháng đó, nghệ sĩ Tòng Sơn cũng bật cười sảng khoái: “Thật ra cũng không
biết là mấy cô gái đó thích tui hay là thích tiếng kèn harmonica của tui nữa”.
Do
giỏi nghề làm dấu máy đánh chữ, cậu trai Dương Ngô Tòng được một nhà in mướn về
làm thợ sắp chữ typo. Cũng từ công việc này, ông được hội kín chống Pháp
nhờ làm để đánh truyền đơn.Thế nhưng không lâu sau đó, truyền đơn xuất hiện, bị
truy nguyên nguồn gốc, mật thám Pháp tìm biết người chế bộ chữ Việt này chẳng
ai khác hơn là cậu Tòng. Thế là mất việc, bị giải qua nhiều phòng giam thẩm tra
như bót Đakao, Gia Định, Catinat… ông vẫn lén giấu theo mình cây
harmonica làm bạn.
Nhờ
tài thổi kèn và nụ cười hiền lành của ông Tòng Sơn mà lính gác luôn châm
chước. Nghệ sĩ Tòng Sơn kể rằng nhiều khi lính gác buồn, gọi ông nói chơi
cho nghe một bản harmonica. Ông thổi những bài nhạc Pháp mà khiến nhiều anh
lính nhớ nhà đến sụt sùi. Người sẽ là nghệ sĩ harmonica đầu tiên của Việt
Nam, lúc bấy giờ cảm nhận được rằng với cây harmonica, anh đã có một uy
lực kỳ lạ với cuộc đời mà tạo hóa dành tặng, không phải ai cũng có được.
Điều
tra chán, nhưng thấy ông Tòng Sơn chẳng có hội nhóm, hoạt động gì ngoài việc
chế máy chữ tiếng Việt kiếm tiền nên người Pháp thả ông ra. Bước khỏi trại
giam, chàng trai trẻ lại bước vào cuộc đời đầy gió bụi khó đoán phía trước,
nhưng hành trang lại cũng chẳng có gì ngoài cây khẩu cầm định mệnh.
Năm
1950, trong cuộc tuyển lựa tài năng của Đài Pháp Á, chàng trai Dương Ngô Tòng
thử ghi danh dự thi môn harmonica. Chưa tự tin, anh lấy thêm tên của ba mình
ghép vào, để lỡ như có rớt thì còn lấy tên thiệt ráng thi thêm lần nữa. Nhưng
ông được chấm hạng nhứt. Nghệ danh Tòng Sơn từ đó ra đời. Chỉ một lần xuất
hiện, tài năng trình diễn của con người trẻ và rất mới Tòng Sơn hoàn toàn chinh
phục khán thính giả. Cây kèn harmonica trước đó vốn chỉ được coi là một nhạc cụ
hạng thứ, nhằm giải trí chứ không được so với những nhạc cụ khác như piano, violon…
nhưng qua phần trình diễn có duyên của Tòng Sơn, từ năm 1955, đặc biệt từ album
đầu tay bản băng magné Thần tượng, thì harmonica đã hoàn toàn có một chỗ đứng
đáng nể trên sân khấu biểu diễn của Việt Nam.
Tìm
hiểu và tự học, nâng cấp khả năng của mình về harmonica, Tòng Sơn lại càng biến
cây kèn nhỏ trở nên độc đáo khác thường. Đặc biệt, từ khi nhuần nhuyễn kỹ thuật
biểu diễn trên các loại harmonica chromatic – cây kèn mà nghệ sĩ Tòng Sơn vẫn
nói đùa là “ông kèn sư phụ của harmonica”, tiếng kèn harmonica của ông không
chỉ đem lại những giai điệu vui tươi mà còn sâu thẳm trong những bài tình ca có
những lời hát không hạnh phúc.
Sân
khấu miền Nam thập niên 1960 không dễ được xưng danh là quái kiệt. Những ai có
danh hiệu đó chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ngay như danh hài Tùng Lâm ở giai đoạn
lừng lẫy nhất cũng chỉ mới được gọi là “tiểu quái kiệt” mà thôi. Nhưng ngoài 20
tuổi, Tòng Sơn đã được gọi là “quái kiệt” cùng với các nghệ sĩ tài danh khác
như Trần Văn Trạch, Ba Vân, Bảy Xê… Sân khấu của hai nền Cộng hòa miền Nam
luôn réo rắt tiếng kèn của ông, từ thành thị đến thôn quê với hàng trăm cuộc
lưu diễn, mà chưa bao giờ gặp đối thủ.
Năm
1966, khi bộ phim cao bồi lừng danh The good, the bad and the
ugly của đạo diễn Sergio Leone đến Sài Gòn, giai điệu bất hủ của cây
harmonica do nhạc sư Ennio Morricone tạo ra đã làm giới trẻ trở nên mê đắm âm
thanh của nhạc cụ này. Liên tục nhiều năm sau đó, các loại phim cao bồi luôn
được đánh dấu bằng âm thanh harmonica đã trở thành một phương tiện quảng bá độc
đáo cho tài năng của nghệ sĩ Tòng Sơn. Gần như suốt cả một thập niên, đi đâu
người ta cũng yêu cầu ông chơi lại bài nhạc cao bồi này, và cũng khi nhắc tới
bài nhạc này, người ta lại cứ phải nhớ đến Tòng Sơn. Cũng vì bị ám ảnh bởi các
ký ức này mà năm 2010, khi nghệ sĩ Tòng Sơn đi Mỹ lưu diễn, một nhà nhiếp ảnh
đã mời ông đến khung cảnh Mễ Tây Cơ rất ư quen thuộc cao bồi để làm một loạt
ảnh cho thỏa ước mong.
Nói về
những điều thú vị mà người ta vẫn hay nhắc đến như việc ông có thể vừa chơi
harmonica vừa ăn chuối hay uống bia, nghệ sĩ Tòng Sơn chỉ cười xòa: “Đó chỉ là
tạp kỹ sân khấu qua ngày. Quan trọng là nghệ thuật chứ không phải điều đó”. Ấy
vậy mà đâu phải chuyện chơi. Đã có những người chơi harmonica thử vượt qua kỹ
năng đó suýt nghẹt thở vì chuối.
Dắt
kèn vào túi, nghệ sĩ Tòng Sơn rong ruổi khắp mọi nơi và chưa bao giờ nghĩ mình
là một “bậc thầy”. Cho đến khi từng người một tìm đến nơi ông biểu diễn, bái sư
và xin theo học harmonica, nghệ sĩ Tòng Sơn mới biết rằng mình đã có một “triều
đại” harmonica xung quanh. Hồi năm 2015, Hoàng Hòa, một trong những “đệ tử”
chân truyền từng theo ông gần 10 năm, đã đến làm lễ xin ông chứng nhận việc
hình thành một lớp dạy harmonica đời sau, để gọi là nối tiếp sự nghiệp của quái
kiệt Tòng Sơn.
Cho
đến gần 80 tuổi, nghệ sĩ Tòng Sơn vẫn rong ruỗi một mình trên xe gắn máy, đi
khắp nơi thăm bạn bè, dáng vẻ phong trần nhìn như chỉ mới 50 tuổi. Tháng Sáu
2013, Bộ Văn hóa Thông tin đòi ra luật, bắt người sống bằng nghề biểu diễn phải
thi lấy chứng chỉ hành nghề, nếu không thì cấm lên sân khấu. “Tao nghe nói nó
hỏi toàn chính trị gì không, chứ đâu có hỏi nghề, kiểu này tiêu”, ông Tòng Sơn
kể, lúc đó mặt ông rầu thấy rõ. Dân ca nhạc sĩ ở Sài Gòn cũ đau đầu, vì nghe
nói thuộc bài âm nhạc cách mạng. Ngày ông Tòng Sơn đi thi tuyển lấy giấy phép
hành nghề. Ban giám khảo toàn trẻ ranh với ông, người già nhất lúc đó, cũng nhỏ
hơn ông gần 15 tuổi. Do nhuộm tóc đen, dáng vẻ khỏe mạnh nên ông bị hỏi “hành
nghề bao lâu rồi?”. Ông đáp “dạ cũng khoảng 50 năm rồi”. Toàn ban giám khảo im
lặng nhìn nhau, giở hồ sơ thấy nghệ sĩ Tòng Sơn – một cái tên lớn trên sân khấu
của cả hai chế độ, rồi im lặng cho ông qua.
Khi
còn khỏe, hàng tuần, trên căn gác mà ông thuê nhiều năm nay trên đường nhà thờ
Đa Minh vẫn vang lên tiếng kèn của nhiều đời học trò đến thụ
giáo. Thỉnh thoảng trong các buổi dạy, nghệ sĩ Tòng Sơn được học trò xin
ông mang ra giới thiệu bộ sưu tập của mình, là những cây harmonica lớn nhỏ đã
cùng ông theo năm tháng. Học trò có đứa nhìn xanh mắt. Có cây đã từng vang lên
vào lúc ông chỉ mới là một chàng thanh niên đầy nhiệt huyết, có cây vừa mới
theo chân ông ở một điểm diễn lúc xế chiều hôm nọ. Ở lúc đầy đủ nhất, nghệ sĩ
Tòng Sơn từng có bộ sưu tập harmonica vô giá với hơn 100 cây kèn đủ
loại. Về sau, do khó khăn và được nài mua, nên ông cũng bán bớt để chi
dùng ngày thường. Nghệ sĩ Tòng Sơn kể, mấy cái kèn thì có nghĩa gì đâu, nhưng
mỗi lần bán đi ông tiếc đứt ruột. Điều duy nhất lưu luyến và níu chặt ông với
cuộc đời này là tiếng kèn hư ảo mà ông chưa bao giờ muốn rời xa, dù năm nay lúc
ra đi ông đã 92 tuổi và có 70 năm phiêu lưu cùng harmonica qua cõi
nhân gian này.
Một
trong những bản nhạc mà nghệ sĩ Tòng Sơn hay nhắc tới, và cũng hay chơi cho học
trò và bạn bè nghe là bài Xóm đêm của Phạm Đình Chương. Giai điệu của
bài hát này cứ dìu dặt và cô đơn, lại được lối biểu diễn nhấn, thả điệu nghệ
kiểu blues của Tòng Sơn, dễ làm người nghe chìm đắm vào một không gian khác.
Một căn gác nhỏ, một lối đi hiu hắt cho mình, phía sau sân khấu rực rỡ ánh đèn
màu nhộn nhịp, cũng chính là cuộc sống của ông.
“Xóm
đêm như cuộc đời tôi, đêm về lặng lẽ như vậy đó”, nghệ sĩ Tòng
Sơn nói. Đời ông là một chuỗi dài những câu chuyện diễm tình, nhưng lưu
lại đáng nhớ vẫn là đời vợ đầu với 10 đứa con. Sau đó khi chia tay thì vợ ông
đi nước ngoài, con cái thì lưu lạc. Và rồi ông sống một mình với cây
harmonica. Theo tự ông lý giải thì dường như chính cái nghiệp sân khấu buộc ông
phải chọn phần tự do nhất để theo nghề. Nhưng giữ được nghề mà không giữ được
sự sum vầy lẽ thường. “Cuộc đời khó đoán, biết đâu mình chọn sống như một người
bình thường thì lại không giữ được Tòng Sơn” – ông nheo mắt cười, nói.
Nguồn: https://nhacsituankhanh.com/2022/06/12/nghe-si-harmonica-tong-son-xom-dem-nhu-cuoc-doi-toi/
Tác
giả: Đông Kha
“QUÁI KIỆT” TÒNG
SƠN - MỘT THỜI
VÀNG SON, CUỐI ĐỜI
LẬN ĐẬN
Từ
những năm thập niên 1950 trở đi, làng văn nghệ Sài Gòn xuất hiện một nghệ sĩ
được gọi là “quái kiệt”, khi ông có biệt tài vừa thổi harmonica vừa uống bia hay
ăn chuối, hoặc thổi cùng lúc 2 chiếc kèn bằng mũi. Đó là nghệ sĩ Tòng Sơn – “đệ
nhất khẩu cầm” của Việt Nam.
Nghệ
sĩ harmonica Tòng Sơn tên thật là Dương Ngô Tòng, sinh ra năm Canh Ngọ 1930 ở
miền Tây Nam Bộ. Tuổi thơ của ông là những chuỗi ngày chạy giặc và sống trong
hoàn cảnh nghèo khổ.
Cơ
duyên đến với bộ môn thổi kèn harmonica của Tòng Sơn là từ năm 16 tuổi, trong
lúc chạy loạn, ông đã vô tình lượm được cây kèn harmonica của một lính Pháp
đánh rơi trong đống đổ nát. Từ thời điểm đó, ông cũng như là đã “lượm” được
chính cuộc đời mình, vì đó là một bước ngoặt rất lớn.
Bị tò
mò, thu hút bởi những âm thanh phát ra từ cái harmonica, cứ rảnh rỗi ông lại
lôi kèn ra thổi, từ những âm ngắt quãng, hụt hơi cho đến những đoạn ngân dài
hơn… Ông phát hiện ra mình có sự nhạy cảm với âm thanh và hợp với loại kèn này,
từ đó trở đi đã trở thành vật bất ly thân của mình. Thời điểm thập niên 1940,
hầu như không có người dạy thổi harmonica nên ông chủ yếu tự mày mò sau khi học
vỡ lòng với ông cậu biết sơ sơ về kèn.
Vì lận
đận mưu sinh cơm áo nên nghệ sĩ Tòng Sơn đến với nghệ thuật khá muộn. Năm 1950,
rời quê miền Tây để lên Sài Gòn làm thợ sắp chữ trong một nhà in, ông không
quên mang theo cây kèn “lượm mót”. Ngày đi làm, đêm về chàng thanh niên 20 tuổi
lại trút nỗi buồn xa nhà vào chiếc kèn. Ông nói rằng chỉ thổi vì yêu thích chứ
chưa bao giờ có ý nghĩ trở thành một nghệ sĩ. Nhưng với sự động viên khích lệ
của bạn bè, ông vẫn chuyên tâm luyện tập.
Vài
năm sau đó thì may mắn mỉm cười, ông được trúng tuyển cuộc thi “Tuyển lựa tài
tử” do Đài Phát thanh Pháp Á tổ chức, chính thức bắt đầu con đường nghệ thuật
đang mở rộng thênh thang trong bối cảnh đời sống văn nghệ tự do cởi mở và rất
sôi động ở Sài Gòn thời đó.
Tên
tuổi Tòng Sơn bắt đầu nổi tiếng, ông nghĩ ra nhiều cách biểu diễn để thu hút
khán giả, kết hợp giữa âm nhạc và tạp kỹ.
Trong
một lần được đi xem nghệ sĩ harmonica người Mỹ đến Sài Gòn biểu diễn rất điêu
luyện và được khán giả tán thưởng rất nhiệt liệt, ông có quyết tâm làm một cái
gì đó để chứng tỏ người Việt không thua kém. Ông tập vừa ăn chuối vừa thổi kèn,
nhưng ban đầu không dám đem ra biểu diễn. Trong một lần về biểu diễn ở Cần Thơ,
ông đánh bạo giở ngón nghề đã khổ luyện trong thời gian dài ra, không ngờ được
khán giả đón nhận. Ông có tự tin hơn và mang về Sài Gòn biểu diễn, đạt được
thành công ngoài mong đợi.
Nhân
đà đó, nghệ sĩ Tòng Sơn mày mò tìm chiêu mới, đó là vừa uống nước ngọt vừa
thổi. Năm 1957, trong tiệc cưới của ca sĩ Duy Mỹ trong ban Tam Ca Sao Băng,
nhóm bạn của Tòng Sơn là nhạc sĩ Khánh Băng, Phùng Trọng đề nghị ông “nâng cấp”
màn biểu diễn: thay nước ngọt bằng bia. Sau đó, những tiết mục của ông đã được
công chúng xếp vào danh mục biểu diễn của các nghệ sĩ tôn xưng là “quái kiệt”
như Ba Vân, Trần Văn Trạch. Đó là một vinh dự rất lớn, vì danh hài Tùng Lâm
trong thời đỉnh cao cũng chỉ được gọi là “tiểu quái kiệt” mà thôi.
Nghệ
sĩ Tòng Sơn ước tính rằng trong cuộc đời biểu diễn hơn 70 năm của mình, ông đã
ăn hơn 10 tấn chuối, hàng chục nghìn chai bia qua các màn diễn.
Tòng
Sơn trở thành sao hạng A trong làng giải trí miền Nam, được mời đi lưu diễn
khắp nơi trên thế giới qua các nước như: Lào, Campuchia, Mỹ, Nhật, Pháp, Ý,
Đức, Úc… Thời đỉnh cao của mình, mỗi ngày ông nhận đến 5 show diễn, tiền cát-sê
mỗi tháng ít nhất là 200.000 đồng, tính theo giá vàng thời đó thì ông có thể
mua được cả trăm cây vàng trong vài năm sự nghiệp. Nhưng tất cả những vinh
quang rực rỡ đó chấm dứt vào năm 1975.
Tâm sự
trên một bài báo, ông cho biết: “Nếu tui biết tiết kiệm thì đã không phải sống
cảnh “nay đây mai đó” như bây giờ. Thời vàng son với nghề, tiền tui kiếm được
dư mua nhà to nhà lớn ở đất Sài Gòn này. Nhưng mà lúc đó cứ nghĩ mình còn trẻ,
sức lực, tài nghệ và cả khán giả ủng hộ nên tui chẳng tính đến đường lui lúc
cuối đời”.
Năm
2020, nghệ sĩ Tòng Sơn tròn 90 tuổi, sống một mình trong phòng trọ khoảng 13
mét vuông tại con hẻm ở quận 3. Tuổi già bệnh tật, ông không đủ sức đi diễn
nhiều để trang trải cuộc sống như trước. Ông từng lập gia đình nhưng đã ly hôn.
Hiện vợ cũ ông sống ở nước ngoài. Ông có 10 người con, nhưng đều nghèo túng,
không giúp nhiều cho cha.
Năm
2018, ông từng phải nhập viện vì nhiều bệnh tuổi già: huyết áp, suy nhược cơ,
tim mạch… và phải nhờ tới sự giúp đỡ của các bạn bè đồng nghiệp và người hâm
mộ.
Đến
ngày 3/8/2020, ông một lần nữa phải nhập viện vì bị ngã và cao huyết áp. Thời
gian sau đó cho đến nay, sức khỏe ông được ổn định hơn với sự giúp đỡ của bạn
bè đồng nghiệp.
Nguồn: https://nhacxua.vn/nghe-si-harmonica-quai-kiet-tong-son-mot-thoi-vang-son-va-cuoi-doi-lan-dan/
Tác
giả: Lê Liên
CUỘC SỐNG CỦA “QUÁI
KIỆT”
TÒNG SƠN Ở TUỔI 92
Những
chia sẻ của “quái kiệt” Tòng Sơn về cuộc sống không nơi nương tựa ở tuổi 92 thu
hút sự quan tâm của nhiều người.
Mới
đây, chương trình Thương Đời Gạo Chợ Nước Sông của nhóm Ngũ Long Du Ký (Phi
Phụng, hoa hậu Diễm Hương, Phương Dung, Thụy Mười, Năm Chà) đến thăm phòng trọ
của “quái kiệt” Tòng Sơn. Có thể thấy trong video, mặc dù đã ở tuổi 92 nhưng
nghệ sĩ thổi kèn harmonica này vẫn vô cùng minh mẫn, nói năng lưu loát. Ông
tiết lộ sức khỏe mình khá ổn mặc dù bị hở van tim và huyết áp.
Nhưng
cuộc sống hiện tại của nghệ sĩ Tòng Sơn lại khá khó khăn khi phải ở nhờ nhà
người em gái đã hơn 70 tuổi. Ông tâm sự: "Hồi 75 tuổi tôi vẫn một mình
chạy xe Honda đi diễn, không cần ai chở. Giờ chân tôi yếu lắm rồi, không đi nổi
nữa. Mấy cái kèn đạo cụ gắn với tôi, tôi cũng cho hết rồi. Kể cả những tờ báo
viết về tôi, tôi cũng cho hết, không giữ lại cái gì cả.
Trước đây tôi đi diễn cũng có
tiền nhưng không để dành vì nghĩ mình không sống được lâu, sẽ chết sớm. Đợt đó
tôi bệnh nặng, từ bệnh viện ra cầm kèn thổi không còn chút hơi nào. Tôi nằm
bệnh viện suốt hai tháng trời, về nhà một cái là cho hết đồ diễn vì nghĩ không
còn sức để đi diễn nữa. Tôi cho hết các loại kèn, quần áo…".
Đặc
biệt tại đây, nghệ sĩ Tòng Sơn gây bất ngờ khi cho biết mình có rất nhiều đời
vợ và con nhưng lại không thể ở với ai.
“Hồi
đó tôi đào hoa lắm, ai cũng mê nên có tới 8 người vợ và rất nhiều con. Riêng
với người vợ đầu tiên, tôi đã có tới 10 đứa con. Nhưng hiện tại tôi không ở với
người vợ nào hết, cũng không sống với con cái. Tôi ở riêng một mình cùng người
em gái thôi.
Bởi vì ngày trước tôi có lỗi với
người vợ đầu tiên, khi ấy còn trẻ tôi sống không đàng hoàng, không chịu lo cho
gia đình, vợ con mà bỏ đi ở với người khác. Một mình bà ấy phải làm vợ, làm
chồng, làm cha, làm mẹ nuôi 10 đứa con lớn khôn. Tôi sai ngay từ đầu nên giờ
không trách đứa con nào hết. Tôi biết đó là lỗi của mình.
Sau này, tôi ở với bao nhiêu
người vợ tiếp theo, vợ đầu của tôi đều biết hết. Thậm chí, có những lúc thấy
tôi khổ, bà ấy cũng mua đồ này nọ tới thăm. Tôi cũng có xin lỗi bà ấy và bà ấy
đã tha thứ cho tôi. Các con tôi thi thoảng cũng gọi điện hỏi thăm tôi chứ không
giận hờn gì hết. Với mấy người vợ sau, tôi chỉ ở cùng 8, 9 năm rồi chia tay vì
khổ quá. Sau này họ đi lấy chồng rồi nhưng vẫn hỏi thăm tôi”.
Tâm sự
về đam mê thổi kèn, nghệ sĩ Tòng Sơn cho biết ông mới nghỉ công việc này cách
đây mấy tháng vì lí do sức khỏe. “Tôi nghĩ là mình không còn sống được bao
lâu nữa nên nghỉ diễn về lo chỗ chôn cất, an táng của chính mình, còn hòm (quan
tài) thì có người khác lo rồi, nghĩa là tôi nằm xuống mọi thứ đã xong xuôi hết
rồi”, ông ngậm ngùi kể.
Quái
kiệt Tòng Sơn tên thật là Dương Ngô Tòng, ông nổi tiếng vì có biệt tài vừa thổi
kèn harmonica bằng mũi vừa… uống bia hay ăn chuối nổi tiếng Việt Nam. Ông từng
một thời tạo nên bộ ba: saxophone Huỳnh Hoa, trống Huỳnh Hiệp, kèn harmonica
Tòng Sơn.
Thậm
chí, năm 2005, Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam đã xác lập kỷ lục “Người có phong
cách biểu diễn khẩu cầm độc đáo nhất Việt Nam” cho Tòng Sơn. Tuy nhiên, năm
2016, ông bị bệnh nặng, phải làm đơn xin được vào ở những năm cuối đời tại khu
Dưỡng lão nghệ sỹ thành phốHồ Chí Minh nhưng bị từ chối bởi ông không phải là
hội viên Hội nghệ sỹ.
Nguồn: https://tienphong.vn/cuoc-song-cua-quai-kiet-tong-son-o-tuoi-92-post1344324.tpo
Tác
giả: Tân Cao
QUÁI KIỆT TÒNG SƠN
QUA ĐỜI
Nghệ
sĩ Tòng Sơn - nổi tiếng với biệt tài thổi harmonica bằng mũi - qua đời ở tuổi
92 do xuất huyết dạ dày, suy thận.
Bà
Xuân Hương, em út của Tòng Sơn, cho biết anh trai mất chiều 12/6. Nghệ sĩ nằm ở
bệnh viện Trưng Vương 15 ngày trước khi về nhà sáng cùng ngày do không còn khả
năng chữa trị. Tang lễ của ông diễn ra tại giáo xứ Tân Hòa, quận Phú Nhuận.
Sáng 14/6, linh cữu nghệ sĩ sẽ được đưa đi an táng tại Hoa viên nghĩa trang
Bình Dương.
Cách
đây hai tuần, Tòng Sơn nôn ra máu, được người nhà đưa đi cấp cứu. Bác sĩ nội
soi thấy bao tử ông có vết loét to, gây xuất huyết. Do đề kháng của nghệ sĩ
yếu, cộng suy tim, suy thận độ ba, dẫn đến tình trạng nhiễm trùng máu, suy
thận. Bác sĩ cho điều trị kháng sinh, lọc máu nhưng cơ thể ông không thể đáp
ứng.
Vài
năm trở lại đây, Tòng Sơn sống chung cùng em gái út ở quận Phú Nhuận do sức
khỏe không tốt. Trước đó, nghệ sĩ sống một mình trong phòng trọ khoảng 13 mét
vuông tại con hẻm ở quận 3. Cuộc sống của ông nhiều năm qua khó khăn, không
không thể đi diễn như trước, không có thu nhập. Tòng Sơn đã ly hôn, hiện vợ cũ
của ông sống ở nước ngoài. Ông đông con nhưng các con đều nghèo túng, không
giúp nhiều cho cha.
Tháng
8/2020, Tòng Sơn từng nhập viện vì ngã và cao huyết áp. Nhiều năm
qua, ông còn chịu các chứng bệnh tuổi già, suy nhược cơ, tim mạch...
Trên
Facebook, nhạc sĩ kiêm nhiếp ảnh Ngọc Sơn viết: "Xin vĩnh biệt người
bạn thân yêu của tôi - nghệ sĩ harmonica huyền thoại Tòng Sơn - cả một đời cống
hiến cho nghệ thuật. Dẫu biết cuộc đời vô thường, sinh ly tử biệt, sáng nay
nghe tin anh không từ mà biệt, vô cùng thương tiếc... Thôi hãy yên nghĩ nhé bạn
già của tôi...".
Tòng
Sơn tên thật là Dương Ngô Tòng, sinh năm 1930, gắn bó với nghề thổi kèn
harmonica từ năm 20 tuổi.
Thuở
nhỏ sống ở Vĩnh Long, ông lượm được một chiếc harmonica, nhưng không biết đây
là một nhạc cụ, ngỡ là "cục sắt". Tòng Sơn giữ đồ vật bên mình, cứ
buồn đem ra thổi, sau này mày mò, học thêm à dần trở thành người thổi
harmonica. Khoảng năm 1950, ông lên Sài Gòn, làm việc trong một xưởng in. Khi
rảnh, ông tìm thầy để luyện thêm nhạc cụ. Tham gia các cuộc thi, biểu diễn, ông
dần được mọi người biết đến. Nghệ danh Tòng Sơn được ông ghép từ tên thật của
mình và cha ruột.
Hơn 70
năm đứng trên nhiều sân khấu biểu diễn, ông gây ấn tượng với biệt tài vừa uống
bia hay ăn chuối, vừa thổi cùng lúc hai chiếc kèn bằng mũi nên được nhiều người
gọi là "quái kiệt". Thập niên 50 của thế kỷ trước, tên tuổi nghệ sĩ
Tòng Sơn nổi tiếng khắp miền Nam. Ông được mời lưu diễn nhiều nơi trong và
ngoài nước.
Sinh
thời, Tòng Sơn ước tính ông đã ăn hơn 10 tấn chuối, hàng chục nghìn chai bia
trong suốt nhiều thập niên làm nghề. Niềm tự hào lớn nhất của nghệ sĩ già là bộ
sưu tập kèn harmonica và bằng xác lập kỷ lục Người có phong cách biểu diễn khẩu cầm độc đáo nhất
Việt Nam, được
Trung tâm sách Kỷ lục trao tặng năm 2012.
Nguồn: https://vnexpress.net/quai-kiet-tong-son-qua-doi-4475191.html
Mời nghe ALBUM HAMONICA TÒNG SƠN - NHỮNG TÌNH KHÚC KHÓ QUÊN
- ĐẶNG XUÂN XUYẾN giới thiệu -
(Ảnh sử dụng minh họa trong bài được sưu tầm
từ nguồn: internet
Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến)
0 comments:
Đăng nhận xét