ĐỌC ‘MÂY TRẮNG ĐẦU NON’ THƠ NGUYỄN ANH BÌNH - Tác giả: Châu Thạch (Đà Nẵng)

Leave a Comment

 

ĐỌC ‘MÂY TRẮNG ĐẦU NON’

THƠ NGUYỄN ANH BÌNH

*

(Tác giả Châu Thạch)

 Mây Trắng Đầu Non” là bài thơ mà tác giả Nguyễn An Bình sẽ dùng làm tựa đề cho cả tập thơ ông sắp xuất bản. Tôi chưa đọc được tập thơ nhưng có  hân hạnh đọc được  bài thơ nầy.  

 “Mây Trắng Đầu Non” là một trường thi đài 12 khổ, mỗi khổ 4 câu mang nổi niềm của người đi ngàn dặm quay về. Bài thơ mang âm hưởng của mọi thời đại, chứa đọng tâm  hồn người nay, hòa nhập với tâm hồn ngàn xưa, từ đó tiếng thơ chuyển âm như nước chảy, thay đổi  như mây trôi, vang vọng  như trống trường thành và se buồn như tiếng thở thời gian, thẩm thấu vào tâm can tôi và làm xao động lòng người.  

Mây trắng thường nằm trên nền trời xanh thắm, tượng trưng cho một cõi bình an. Mây trắng còn tượng trưng cho chân lý được biểu lộ, từ đó thiền sư Thích Nhất Hạnh viết về cuộc đời  Phật Thích Ca với tựa đề “Đường Xưa Mây Trắng”.  

 Mây Trắng Đầu Non” là hình ảnh những đám mây tựa vào đỉnh núi, cho ta liên nghĩ đến các vị chân tu, các hiền sĩ thoát tục. các tráng sĩ mõi mệt buông cương,  quay về cõi tịnh, hòa nhập vào vô vi trời đất.  

Đọc “Mây Trắng Đầu Non” ở khổ thơ đầu tiên, ta bước ngay vào đêm của một thời điển tích, nhớ ngay câu thơ của “Chinh Phụ Ngâm”, nhưng không phải câu thơ “Nửa dêm truyền hịch định ngày xuất chinh” của người xưa, mà là câu thơ của người ngày nay: “Khi về trú dưới hiên mưa”:  

1.  

Khi về trú dưới hiên mưa  

Soi đèn bạch lạp đêm vừa sang canh  

Dưới trăng nghe trống trường thành  

Dặm xa ngựa mỏi cũng đành buông cương.  

Nếu những câu thơ “Trống trường thành lung lay bóng nguyệt/ Khói cam tuyền mờ mịt thức mây/ Chín tầng gươm báu trao tay/ Nửa đêm truyền hịch định ngày xuất chinh” trong Chinh Phụ Ngâm hay những câu thơ “Nhưng đêm kia đến một chàng kỵ mã / Nhúng đầy trăng màu áo ngọc lưu ly. / Chàng gọi đò, gọi đò như hối hả / Sợ trăng vàng rơi khuất lối chưa đi.” của Bến My Lăng làm cho tâm hồn ta phấn chấn bởi sự ra đi của người kỵ sĩ thì bốn câu thơ trên của “Mây Trắng Đầu Non” đối nghịch, đem đến cho ta một nỗi buồn se lạnh của hiên mưa, của ánh đèn bạch lạp và của tiếng trống trường thành.  

 Người kỵ sĩ trong “Mây Trắng Đầu Non” buông cương quay về vì “Dặm xa ngựa mõi” chớ không phải hăng hái lên đường như hai kỵ sĩ trong thơ kia. Tuy thế, mười hai câu thơ của ba tác giả mang tâm trạng khác nhau, hoàn cảnh khác nhau, nhưng tiếng thơ đồng vọng giữa thiên nhiên, soi thấu vào lòng người cảnh và tình, gây cảm xúc thăng hoa ở tầng số như nhau, đều là những câu thơ trác tuyệt!  

Rồi thì nhà thơ nghĩ đến một sự quay về bi quan hơn, một sự quay về có tử sinh ẩn hiện trong thơ và có linh hồn nương theo gió để vượt qua cửa phù trầm:  

2. 

Khi về hồn gió muôn phương

Kèn vang lỗi nhịp loạn phường bát âm

Tử sinh vượt cửa phù trầm

Đời sau còn nợ kiếp tằm sầu riêng.

Phường bát âm” là đội nhạc cổ, thường gồm có tám người, biểu diễn những nhạc khí khác nhau trong các dịp ma chay, đình đám. “Phù trầm” là sự chìm nổi. Khổ thơ viết về hồn bay trong gió, bay qua biến động tử sinh, vượt qua cửa phù trầm,  nhìn  thấy đám tang của mình, ân hận về những món nợ đời mà kiếp nầy mình chưa trả được.

Đọc khổ thơ nầy, ta nghe hơi rờn rợn bởi sự truân chuyên của một linh hồn khuất nẽo thế gian, ở bên kia cõi thực mà lòng vẫn chưa được bình an.

 Bước qua khổ thơ thứ 3, khổ thơ nhắc lại sự nghiệt ngả của đời người, sự thăng trầm của công danh sự nhiệp và sự vô thường của cuộc sống trần gian:

3.

Khi về khai ấn đền thiêng

Bánh xe lịch sử cuốn nghiền nát thân

Đi qua gió lốc bụi trần

Áo phơi dấu cỏ ngại ngần biển dâu.

 Khai ấn là một nghi thức đầu tiên của một cuộc tế lễ. Người quay về “khai ấn đền thiêng”. Đền thiêng ở đây là đền thiêng nào? Có thể hiểu đó chính là nơi trú ngụ mới tại chốn cũ của linh hồn người quay về.  Bởi vì thân thể người quay về đã bị “Bánh xe lịch sử cuốn nghiền nát thân”, chỉ còn phần tâm linh sót lại, phải “đi qua gió lốc bụi trần” để về. Khi về,  thể xác ấy chỉ còn “áo phơi dấu cỏ”, tâm linh ấy “Ngại ngần biển dâu”, không còn muốn lênh đênh phiêu bạc phương trời. Từ đó hồn phách quay về quê hương lập một nơi trú ngụ cho linh hồn mình nương náu. Ở đó. linh hồn đã khai ấn đền thiêng là am, là miếu, là cây cao bóng mát mà mình trú ngụ.

Khổ thơ thứ 3 phản phất sự linh hiển, âm hưởng của sự trang nghiêm và nỗi đau, và niềm thương vọng trầm trong tiếng bánh xe lịch sử  đời người đi qua gió lốc, bụi trần. Khổ thơ biến đời người như một cổ xe nặng nề đi qua trủng bóng chết, như con thuyền buồm xơ xác, mệt nhọc băng qua đại dương.

Khổ thơ thứ tư người quay về như đi trong mơ, trong mơ vì cảnh xưa không phải là dấu tích của sự huy hoàng “xe ngựa hồn thu thảo/ Lâu đài bóng tịch dương” mà cảnh xưa là sự tàn phai của một quê hương mang đầy kỷ niêm thân thương:

4. 

Khi về trôi giấc chiêm bao

Bướm xưa vườn cũ cỏ nhàu vết đau

Chiều tàn bóng ngả ca dao

Nhớ ai cởi áo qua cầu nước xuôi.

Hai câu thơ “Chiều tàn bóng ngã  ca dao/ Nhớ ai cởi áo qua cầu nước xuôi” nhà thơ dùng hình ảnh trong ca dao Việt Nam nói về một tình yêu thắm thiết, hy sinh và thơ mộng: “Thương nhau cởi áo cho nhau/ Về nhà mẹ hỏi qua cầu gió bay”.  

Khổ thơ thứ 5 thổ lộ những nỗi đau. Nỗi đau thấy hình hài biến dạng, nỗi đau suy niệm điển tích giống mình, nỗi đau dang dỡ cuộc tình khắc cốt ghi tâm. Tất cả đã từng đẹp như câu thơ lục bát mà nhà thơ đã từng gieo trong ước vọng, nhưng lục bát đã khựng lại, bài thơ “lỡ thì” không gieo vần tiếp được, như cuộc đời  mãi bước chân trên sỏi đá:

5.

Khi về biến dạng mặt người

Soi gương chợt nhớ mấy lời cổ thi

Gieo câu lục bát lỡ thì

Bước chân sỏi đá khắc ghi lời nguyền.

Khổ thơ thứ 6 nhà thơ tưởng mình như Từ Thức về trần, cảnh vật xa lạ đến trăm năm, muốn quay về cõi tiên nhưng cửa động đào nguyên lạc dấu, xe hạc đưa mình về  cũng đã rời xa đi vào tiên giới:

6.

Khi về lạc dấu đào nguyên

Đầu non cửa động lụy phiền thế gian

Non cao suối biếc thông ngàn

Tìm đâu dã hạc bay ngang bụi lầm.

Khổ thơ nầy diễn đạt sự bơ vơ lạc lỏng và tâm trạng nuối tiếc khi về. Như vậy người về không phải là người kỵ sĩ mõi gối chồn chân, không phải là linh hồn vất vưởng quay lại, mà có thể là một con người sa cơ thất thế, mất địa vị nơi chốn vàng son, quay lại chốn của một thời thơ ấu, một thời hàn vi từng sinh sống.

 Qua khổ thơ thứ 7 nhẹ nhàng hơn, người quay về có thể là một tu sĩ với linh hồn thoát tục, tâm trạng không ưu phiền, nhưng con mắt trần vẫn thấy những thay đổi của luật vô thương diễn ra trước mắt:

7.

Khi về gieo hạt từ tâm

Hoa vô ưu nở hương trầm quẩn quanh

Tóc người thuở ấy còn xanh

Sông dài biển rộng thôi đành phai hương.

 “Hạt từ tâm” là hạt giống yêu thương luôn có trong tâm hồn mỗi người để từ bi, tha thứ, kết nối bằng trái tim thân ái với tha nhân. Hạt từ tâm cũng có thể  là hạt bụi hóa kiếp thành thân ta như Trịnh Công Sơn “Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi…” hay như Thích Nhất Hạnh “Hạt bụi len qua thân người, sống cuộc đời trần thế, rồi trở về cát bụi”. Vậy người quay về phải là người giác ngộ lẽ đạo cao siêu mới “Gieo hạt từ tâm” cho “Hoa vô ưu nở hương trầm quẩn quanh” được.

 Người trở về trong khổ thơ thứ 8 vẫn như người trở về trong khổ thơ thứ 7, đó là người tuổi đã cao, hiểu luật vô  thường, trải qua sóng gió cuộc đời và am tường triết lý vô ngôn nhà Phật:

8.

Khi về tóc nhuộm tà dương

Vàng câu kinh tự vô thường quán không

Sóng xô gò nổi bận lòng

Vô ngôn còn chút bụi hồng trong mơ.

Vô ngôn” là triết lý nhà Phật, bắt đầu từ hội Linh Sơn, khi đức Phật cầm cánh hoa sen đưa lên có ý khai thị, và Ngài dĩ tâm truyền tâm cho Ca Diếp. Triết lý vô ngôn tức triết lý không lời, triết lý về sự im lặng, giống như một con thuyền trống không vượt biển dưới ánh trăng huyền ảo trong bài thơ của thiền sư Huệ Sinh: “Tịch tịch Lăng Giả nguyệt/ Không không độ hải chu”, dịch là “Trăng Lăng Giả vắng lặng/Thuyền vượt biển trống không”. Trăng vắng lặng thuyền trống không nhưng chứa chấp biết bao điều cao siêu mà ai vắng lặng tâm hồn sẽ đạt đạo.

Qua khổ thơ thứ 9 người trở về không phải để định cư trên quê hương. Người trở về thăm quê hương lần chót để ra đi vĩnh viễn

9.

Khi về khuấy nước ngũ hồ

Mái chèo khua động bãi bờ trường giang

Từ đây hạc nội mây ngàn

Ngày sau bến nước lụa vàng ai giăng.

 “Ngũ hồ” nầm trong thành ngữ “Năm hồ bốn biển” có ý nghĩa là khắp nơi. “Hạc nội mây ngàn” có nghĩa biệt tăm biệt tích không biết ở nơi nào.  Khổ thơ mang nỗi buồn ra đi không có ngày trở lại. Người thăm quê hương lần cuối rồi ra đi sẽ lưu lạc bốn phương trời, tung tích như bèo dạt mây trôi, không biết nữa trên dòng sông quê hương “Ngày sau bến nước lụa vàng ai giăng”?

Nguyên một khổ thơ thứ 10, tác giả viết,  người về chỉ để thắp một nén nhang trên mộ bạn. rót rượu trên mộ bạn. Vậy chữ bạn ở đây có ý nghĩa rộng, hoặc là người tri kỷ, hoặc là người yêu năm xưa đã chết:

10.  

Khi về thắp một nén nhang

Rót trên mộ bạn rượu tràn lạnh môi

Hắt hiu vài hạt nắng rơi

Chim bên khóm trúc lẻ loi gọi người.

Qua khổ thơ thứ 11, người về đã đạt đến một trình độ uyên thâm trong giác ngộ chân lý:

11.  

Khi về nhìn ánh trăng soi

Bước chân vô định buông lời vô tâm

Áo xưa còn thoảng hương trầm

Ngựa qua quan ải lặng thầm đêm bon.

Khi về nhìn ánh trăng soi” không chỉ là nhìn thứ ánh trăng của đêm rằm mà câu thơ còn chứa ẩn dụ một thứ ánh trăng khác nữa. Đó là thứ ành sáng hào quang dịu vợi của chân lý vô biên tỏa soi  khắp bản thể, làm tan biến sự tối tăm trong tâm hồn người quay về, để từ đó người quay về có “Bước chân vô định buông lời vô tâm”.  

Bước chân vô định” không chỉ có nghĩa là bước chân đi không định hướng mà còn có ý nghĩa ẩn dụ trong thơ. Đó là bước chân đi giữa 8 vạn 4 ngàn pháp môn để tu thành đạo, tùy theo căn cơ  trí tuệ của chúng sinh mà lựa chọn một chánh pháp thích hợp cho mình.  

Buông lời vô tâm” cũng không có nghĩa là buông lời nói thờ ơ biểu hiện cảm xúc không yêu không ghét, mà đó là buông lời phù hợp với vô vi trời đất, trung dung trung tính, như một viên kim cương trong veo, hoàn mỹ, không tì không vết, chỉ tùy theo ánh sáng chiếu vào mà màu sắc hiện ra. Con người ai cung có viên ngọc vô tâm hoàn mỹ đó, khi nào quay về được với bản thể Thượng Đế tạo ra từ thuở ban đầu thì có tâm vắng lặng, và đó chính là vô tâm.  

Hai câu thơ “Áo xưa còn thoảng hương trầm/ Ngựa qua quan ải lặng thầm đêm bon” nhắc ta một quá khứ có linh hồn thanh tao, thơm mùi trầm xạ của thánh hiền, nhưng đã qua quan ải, lụy vào cõi trần gian trong đêm bon tẩu vượt cõi thánh thiện, sa chân vào cõi trần gian tăm tối.

Qua khổ thơ cuối cùng của tường thi “Mây Trắng Đầu Non”:  

12.  

Khi về mây trắng đầu non

Tóc xanh lấm tấm gối mòn đã xiêu

Gót giầy gõ bóng tịch liêu

Trăm năm thơm mãi ít nhiều cỏ hoa.

Khổ thơ thứ 12, khổ thơ cuối của trường thi diễn đạt một sự quay về viên mãn, sự quay về như mây trắng một đời trôi nổi, nay dừng lại ở đầu non. Người về tóc xanh đã điểm bạc, gối mòn đã xiêu, nhưng gót giầy từ nay thiền hành dưới bóng tịch liêu và linh hồn ngày nay trăm năm thơm mùi cỏ hoa là mùi bình dị thanh cao và tinh khiết.

 Trường thi “Mây Trắng Đầu Non” là một bài thơ dài, bài thơ như chiếu 12 cuốn phim, tả những con người quay về với những thân phận khác nhau. Mỗi khổ thơ ẩn chứa trong đó những điều suy nghiệm sâu xa, để kết luận chỉ cho người đọc một con đường quay về như mây trắng quay về tụ ở đầu non, là con đường tốt đẹp nhất, là con đường thoát khổ đế để về với chân như, hòa nhập vào vô vi đất trời hay đến với Thiên Đàng vinh hiển.

 Mây trước tiên đi vào thi ca như một vẻ đẹp tự nhiên của đất trời ban tặng ở quanh ta. Mây tượng trưng cho sự sáng tạo vì nó có thể mang bất cứ một hình thù gì. Mây trắng còn tượng trưng cho đám mây pháp hiển lộ chân lý giữa đời. Khi Đức Phật Thích Ca sắp viên tịch, ngài trả lời sự chết của ngài như “Đám mây trắng biến đi”. 

 Nhà thơ Nguyễn An Bình sáng tác trường thi “Mây Trắng Đầu Non” như dựng lên cho đời thấy một bức tranh tuyệt đẹp, dùng bài thơ làm ngón tay chỉ nơi lý tưởng mà ờ đó, con người không khi về với “Ngựa mõi, buông cương”,  không khi về với “Vượt cõi phù trầm”, không khi về với “Cỏ nhàu vết đau”, không khi về với “Lục bát lỡ thì”, không khi về với “Lụy phiền thế gian”..., mà khi ấy, về với “Gieo hạt từ tâm”, mà khi ấy về với “Vô thường quán không”, mà khi ấy về với “Vô định, vô tâm, hương trầm còn trên áo”, để cuối cùng, khi về hóa thân thành “Mây Trắng Đầu Non”, đi đến chốn giải thoát, chôn vô ưu, chốn vĩnh hằng ở đâu đó trong mây trắng đầu non ./.

------------

MÂY TRẮNG ĐẦU NÓN

 

1.

Khi về trú dưới hiên mưa

Soi đèn bạch lạp đêm vừa sang canh

Dưới trăng nghe trống trường thành

Dặm xa ngựa mỏi cũng đành buông cương.

 

2.

Khi về hồn gió muôn phương

Kèn vang lỗi nhịp loạn phường bát âm

Tử sinh vượt cửa phù trầm

Đời sau còn nợ kiếp tằm sầu riêng.

 

3.

Khi về khai ấn đền thiêng

Bánh xe lịch sử cuốn nghiền nát thân

Đi qua gió lốc bụi trần

Áo phơi dấu cỏ ngại ngần biển dâu.

 

4.

Khi về trôi giấc chiêm bao

Bướm xưa vườn cũ cỏ nhàu vết đau

Chiều tàn bóng ngả ca dao

Nhớ ai cởi áo qua cầu nước xuôi.

 

5.

Khi về biến dạng mặt người

Soi gương chợt nhớ mấy lời cổ thi

Gieo câu lục bát lỡ thì

Bước chân sỏi đá khắc ghi lời nguyền.

 

6.

Khi về lạc dấu đào nguyên

Đầu non cửa động lụy phiền thế gian

Non cao suối biếc thông ngàn

Tìm đâu dã hạc bay ngang bụi lầm.

 

7.

Khi về gieo hạt từ tâm

Hoa vô ưu nở hương trầm quẩn quanh

Tóc người thuở ấy còn xanh

Sông dài biển rộng thôi đành phai hương.

 

8.

Khi về tóc nhuộm tà dương

Vàng câu kinh tự vô thường quán không

Sóng xô gò nổi bận lòng

Vô ngôn còn chút bụi hồng trong mơ.

 

9.

Khi về khuấy nước ngũ hồ

Mái chèo khua động bãi bờ trường giang

Từ đây hạc nội mây ngàn

Ngày sau bến nước lụa vàng ai giăng.

 

10.

Khi về thắp một nén nhang

Rót trên mộ bạn rượu tràn lạnh môi

Hắt hiu vài hạt nắng rơi

Chim bên khóm trúc lẻ loi gọi người.

 

11.

Khi về nhìn ánh trăng soi

Bước chân vô định buông lời vô tâm

Áo xưa còn thoảng hương trầm

Ngựa qua quan ải lặng thầm đêm bon.

 

12.

Khi về mây trắng đầu non

Tóc xanh lấm tấm gối mòn đã xiêu

Gót giầy gõ bóng tịch liêu

Trăm năm thơm mãi ít nhiều cỏ hoa.

*.

NGUYỄN AN BÌNH


Mời nhấp chuột đọc thêm:

- Chuyện làng văn0

- Kho sách0

- Các bài bình thơ0

- Các bài bình văn0

 

Mời nghe Đặng Xuân Xuyến đọc bài thơ TÌNH BÁN MUA:

*.

CHÂU THẠCH (Trương Văn Trạn) 

Địa chỉ: 75 Phan Kế Bính, Đà Nẵng.

ĐT: 0929128967 - 05113894610

Email: truongvantran@hotmail.com

.

 

 

 

…………………………………………………………………………

- Cập nhật theo nguyên bản từ email tác giả gửi ngày 16.09.2022.

- Ảnh dùng minh họa cho bài viết được sưu tầm từ nguồn: internet.

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

0 comments:

Đăng nhận xét