VỀ MỘT QUÃNG ĐỜI
TRỊNH CÔNG SƠN (9-10)
*
9.
Vẫn Ông Già Thống:(Tác giả Nguyễn Thanh Ty)
Nếu cứ trưa thứ sáu
Sơn "dọt", sáng thứ hai về thì cuộc đời rất phẳng lặng không có gì để
nói. Đằng này Sơn không có thói quen đều đặn về giờ giấc. Thời gian của Sơn
chậm lại, có khi trễ từ 24 tiếng đến 48 tiếng đồng hồ mỗi tuần là thường. Cứ
mỗi lần trễ như vậy, tôi lại nghe tiếng xe gắn máy cũ kỹ của ông già Thống chạy
xành xạch vô ngõ. Những bận như thế, sau khi ca cẩm, than thở một lúc, ông lại
nhờ tôi nói hộ với thầy Sơn, đừng đi lâu quá, khổ cho thân già ông. Có lần tôi
phát cáu, gắt lại ông:
- Bác Thống này! Bác
nhờ tôi nói hộ. Tôi đã nói với ông Sơn y như lời bác. Cớ sao khi gặp ông Sơn
bác lại bảo không có gì, chuyện nhỏ mà! Thầy có công việc cứ đi, để lớp tôi
trông cho. Ông Sơn lại cự nự tôi cho tôi đặt chuyện.
Đang lúc bực, tôi
tuôn một hơi dài. Nhưng khi nhìn cái miệng méo xệch bị trúng phong từ lâu thành
tật của ông cố phân bua:
- Thầy nghĩ xem! Ông
ấy là "sếp" của tôi mà! Khó cho tôi nói quá!
Lòng tôi lại chùng
xuống, bất nhẫn với mình, và cảm thông cho ông.
Dạo gần nghỉ hè niên
khóa 1965, Sơn ở luôn trên Đà Lạt hơn một tháng. Ông Thống kham hết nổi. Con
ngựa già "đã mỏi vó trên đồi quê hương" buộc lòng ông phải đến Ty báo
cáo sự vắng mặt cuả ông sếp mình. Ông Lê Cao Lợi phải điện một công văn khẩn
nhờ đài phát thanh Đà Lạt thông báo cho Sơn về nhiệm sở gấp. Hạn cho một tuần,
kể từ ngày loan báo, nếu không trình diện coi như đào nhiệm.
Hôm sau đã thấy Sơn
lò dò về trình diện. Chắc chắn kỳ này Sơn sẽ lãnh cái búa tạ của ông Lợi giáng
xuống do hai vụ cộng lại. Vụ trước làm ông mất mặt với tòa Tỉnh. Nặng ký thì
thuyên chuyển vô trong núi xa như Tân Rai hay Tân Lú tha hồ nghe chim kêu vượn
hú. Nhẹ thì chế tài hành chánh, ngưng thăng trật một năm. Nhẹ nữa thì thư khiển
trách lưu hồ sơ. Nhưng ông Lợi chỉ khiển trách sơ sơ rồi bỏ qua, chỉ bằng miệng
chớ không ghi hồ sơ cá nhân.
Khi nghe tin Trưởng
giáo về, ông Thống vội đến ngay để "thăm" ông sếp của mình. Cố tạo
một khuôn mặt thật tươi, ông Thống cười nói, hỏi thăm rất sốt sắng, nhiệt tình.
Sơn tỏ vẻ biết lỗi nên nhỏ nhẹ:
- Chắc trong thời
gian tôi vắng mặt khá lâu, bác vất vả lắm phải không?
Tôi nhìn ông Thống
chờ xem phản ứng của ông. Nhưng tôi nhầm. Ông Thống vần cười nói thản nhiên:
- Ối giời! Tôi
thì tôi lo cho thầy đi đường có bất trắc gì không, bởi thầy đi lâu quá. Chứ cái
đám học trò thì có gì mà mệt. Thầy đừng có quan tâm. Tôi đã từng mấy chục năm
giời trong nghề này rồi. Như ăn cơm bữa ấy mà!
Tôi trố mắt nhìn ông,
kinh ngạc. Thì mới hôm qua, ông đến đây, vò đầu bứt tai than vãn làm như sắp
chết đến nơi. Ông cứ rền rĩ cái điệp khúc quen thuộc: - Ối giời ơi! Tôi chết
mất! Tôi chết mất! Thế mà bây giờ lại hoàn toàn trái ngược, coi như chuyện hôm
qua, chuyện bữa trước, chuyện tháng trước ông nói với tôi không có gì xảy ra
hết. Sơn lại dò dẫm:
- Này bác Thống! Bây
giờ tôi còn nhiều việc phải làm trên Đà Lạt, vài hôm nữa, nếu tôi về không kịp,
bác trông hộ lớp cho tôi nhé!
- Vâng! Vâng! Thầy cứ
đi. Thầy cứ lo cho xong công việc của thầy. Thầy cứ để mặc đấy cho tôi. Mấy cái
đứa học trò ranh ấy mà. Chả có gì phải lo sốt.
Ông Thống sốt sắng
đáp. Sơn kín đáo quay sang tôi, nháy mắt. Thế là xong. Ông Thống lại vào tròng.
Sơn tiễn khách:
- Thôi bác về nghỉ
nhé. Cám ơn bác đã đến thăm.
Ông Thống cầm nón
đứng lên toan ra cửa, nhưng làm như sực nhớ ra điều gì. Ông lục cặp, lôi ra một
xấp giấy tờ, lật qua, lật lại vài trang rồi đưa cho Sơn và nói:
- A! còn cái này nữa
chứ, xuýt nữa là tôi quên khuấy mất. May quá lại nhớ. Nhờ thầy xem qua một tị.
Sơn cầm xấp giấy xem
qua một lượt rồi nói với ông Thống:
- À! Phiếu phê điểm
hằng năm của bác đây mà.
- Vâng! Phải ạ. Nhờ
thầy phê cho mấy chữ và cho điểm bên cạnh.
Ông giải thích thêm:
- Trước kia, trường
mỗi mình tôi. Hàng năm ông thanh tra đến khám xét và phê điểm. Năm nay có thầy
về thì cái việc này do thầy quyết định ạ.
Sơn tần ngần một lúc
rồi nói:
- Bác Thống này! Bác
muốn tôi phê như thế nào?
- Vâng! Thầy cứ xét
xem năng lực và cách làm việc của tôi suốt niên khóa có chăm chỉ, đều đặn
không, có bê trễ trong việc dạy dỗ học trò không thì thầy phê vào.
Ông cố ý kéo dài
những chữ chăm chỉ, bê trễ như để nhấn mạnh thêm trọng lượng của từng chữ. Sơn
cảm thấy quá khó trong công việc này. Có lẽ Sơn tự thấy mình quá bê bối trong
việc dạy dỗ học trò, lại còn trút gánh nặng cho đồng nghiệp, dù người ấy đã
già, đáng bậc cha, chú của mình, thì lấy tư cách gì để xuống bút một lời phê.
Sơn đưa mắt nhìn tôi, thầm hỏi ý kiến. Tôi đề nghị:
- Theo tôi, cứ để cho
bác ấy tự phê mình thế nào thì tùy, ông chỉ cho điểm thôi. Thế là ổn.
Sơn thoát nạn, quay
sang ông Thống, Sơn nói:
- Thế nhé! bác nhé!
Bác về nhà muốn phê như thế nào thì tùy bác. Bây giờ bác muốn bao nhiêu điểm?
Ông Thống rụt rè:
- Tùy thầy cho bao
nhiêu tôi nhờ bấy nhiêu!
Sơn xởi lởi, rộng
rãi:
- Tôi cho bác 100/100
điểm nhé!
Ông Thống giật nẫy
mình kêu lên:
- Chớ! Không được đâu
thầy! Từ xưa đến giờ chưa có ai đạt được 99/100 điểm cả. Thầy cho như thế tôi
lại chết.
Sơn cười cười:
- Thế thì bao nhiêu
là hợp lý là hở bác?
Ông Thống thở dài:
- Thôi thì thầy cho
tôi 98 điểm cũng được!
Sơn đồng tình:
- Ừ! Thì 98 điểm nhé!
Bác nhé!
Sơn ngoáy con số 98
trên 100 rồi ký tên mình dài ngoằng ở dưới. Xong, đưa trả phiếu điểm lại cho
ông Thống. Ông run run đưa tay đỡ và nhét xấp giấy vào cặp, miệng cám ơn Sơn
mấy lần nữa mới ra khỏi cửa, dắt chiếc xe cà tàng ra ngõ. Nét mặt rạng rỡ chưa
từng thấy từ trước đến giờ. Tôi tiễn ông ra cửa:
- Hôm nay bác Thống
thích nhé! Từ giờ về sau đừng nhờ gì tôi nữa nhé!
Ông quay lại giơ tay
khoát khoát ra hiệu ngụ ý đừng nói gì. Khi ông khuất sau hàng lau, tôi ôm bụng
cười sặc sụa. Sơn cũng cười, hỏi tôi:
- Ông thấy sao?
- Thì trăng với sao
gì nữa! Ngày nào ổng cũng đến đây nhăn nhó, cáu bực, ca bài ca con cá. Hôm nay
lại nhũn như con chi chi. Hóa ra là vì cái phiếu phê điểm. Mà ông lại cho cái
điểm "ác ôn côn đồ" làm ổng xuýt đứng tim.
Sơn cười khoái chí:
- Ối điểm trên
trời mà. Quyền của mình, mình cứ cho thoải mái, mất gì cho cam!
Bài Ca Dao Bên Cồn Đá:
Một hôm Sơn bỗng hỏi
tôi:
- Này ông! Không hiểu
ông Phạm Duy suy nghĩ bằng cách nào mà ổng đặt được những lời ca hay quá chừng.
Tôi không ngờ được !
Tôi tán đồng và phụ
họa:
- Dĩ nhiên là như vậy
rồi. Từ xưa tới giờ Phạm Duy là số một. Có ai hơn được ổng đâu!
Tôi nghe Sơn nhâm
nhẩm hát vài câu rồi lại hỏi:
- Như cái
câu "Đêm qua ra đứng bờ ao. Trông cá, cá lặn. Trông sao, sao mờ. Buồn
trông con nhện giăng tơ. Nhện ơi, nhện hỡi, nhện chờ mối ai?" Ông
thấy có tuyệt không?
Tôi bật cười:
- Tưởng ông đơn cử
bài gì, chớ bài này thì ổng lấy ca dao ra phổ thành nhạc. Ổng đâu có đặt lời.
Ổng còn lấy thơ của người khác phổ nhạc cũng tuyệt lắm. Tôi mê hai bài thơ của
Phạm Thiên Thư "Đưa em tìm động hoa vàng" và "Ngày xưa Hoàng
Thị" ổng cũng phổ nhạc thật tuyệt vời.
Sơn rất ngạc nhiên,
hỏi lại:
- Mình có ca dao hay
như vậy sao ?
Tôi đọc một mạch hết
bài "Nhớ ai"- "Buồn trông chênh chếch sao
mai..." Thuận miệng, tôi đọc luôn bài "Nụ tầm xuân"-
"Trèo lên cây bưởi hái hoa..."
Sơn nói:
- Đó! đó bài nữa đó!
Sao lâu nay tôi không biết cà?
Đến phiên tôi ngạc
nhiên:
- Từ đệ ngũ đến đệ
tam, học sinh nào chẳng học môn văn chương bình dân, trong đó có ca dao, tục
ngữ, hát đố, truyện cổ... Chẳng lẽ ông không biết chút gì à?
Sơn thú thật:
- Từ nhỏ tới giờ, tôi
học chương trình Pháp, nên không biết gì về ca dao, tục ngữ hết.
Tôi đùa:
- Thôi rồi! Thế nào
ông cũng có học câu "Tổ tiên ta là người Gaulois(*) phải không?
Sơn cười, gật đầu:
- Đó là bài học đầu
tiên!
Sơn đậu Bac I chương
trình Pháp, bỏ ngang việc học khi cha bị tai nạn chết. Khi lên Bảo Lộc, Sơn
cùng chúng tôi cố gắng học hàm thụ để có thể tiến thân thêm trong nghề nghiệp.
Năm nào đầu niên khóa, Sơn cũng hăm hở mang một lô sách về đọc. Một thời gian
ngắn sau khi đi đi, về về Sài Gòn -Đà Lạt, Sơn lại vất sách vào xó cho bụi bám.
Năm 1966, Hảo Tâm đã xong cử nhân văn chương. Cuối năm, anh bị động viên vào
Thủ Đức trước bọn tôi.
Sau cuộc nói chuyện
về ca dao, tục ngữ, đêm nào Sơn cũng yêu cầu tôi đọc cho nghe vài bài. Lần nào
Sơn cũng xuýt xoa khen hay. Từ đó Sơn mê ca dao, tục ngữ và sưu tầm tài liệu về
đọc. Sau này có dịp, Sơn đưa chữ ca dao vào nhạc như bài "Ca Dao Mẹ"
có câu "Bài ca dao bên cồn đá" chẳng hạn. Đến lượt tôi chịu thua.
Không hiểu nổi- "Ca dao bên cồn đá" là ý nghĩa gì!
(*) Nos ancêtres sont
des Gaulois
Sinh Tử Phù:
Sau vụ rao tìm trên
Đài phát thanh Đà Lạt và bị quở trách tại Ty, Sơn trở nên cần mẫn hơn, khuôn
phép hơn. Ít đi lại Sài Gòn, Đà Lạt hơn. Thỉnh thoảng có đi cũng về kịp sáng
thứ hai để đi dạy. Trong thời gian này, Sơn nhận được rất nhiều thư từ. Phong
nào cũng dày cộm. Sơn dạy buổi sáng, nên người nhận thư là tôi. Nhìn con dấu
bưu điện, tôi biết được là thư gửi đi từ Huế. Đó là thư của bạn Sơn. Cái tên
người gửi ở góc trái phong bì lần đầu tôi được nghe, được thấy, lạ lắm. Đó
là Hoàng Phủ Ngọc Tường.
Từ lúc nhận được
những thư đó, Sơn bỗng nhiên thay đổi hẳn tâm tính. Lúc nào cũng có vẻ bồn
chồn, lo lắng. Ít đi lang thang những buổi chiều nữa. Có lúc ngồi thẩn thờ, mắt
đăm chiêu nhìn qua cửa sổ hằng giờ, yên lặng với khói thuốc. Có khi điếu thuốc
từ lúc châm đến lúc tàn, Sơn chỉ rít một hai hơi, rồi quên bẵng đi để nó cháy
trên hai ngón tay đến lúc rụi đi. Chiếc gạt tàn chưa hết ngày đã đầy ứ lên,
tràn ra cả bên ngoài. Sơn đi mua khóa về khóa chặt vali để cất kỹ những bức thư
ấy. Có thư vừa đọc xong, Sơn đem đốt ngay. Không ngăn nổi tò mò, một hôm tôi
hỏi Sơn:
- Dạo này tôi thấy
ông không được vui. Có chuyện gì vậy?
Sơn lãng tránh:
- Đâu có gì! Chuyện
nhà mà.
- Sao dạo này ông có
quá nhiều thư của ông Phủ, ông Tường gì đó, mà mỗi lần nhận thư, đọc thư xong,
tôi thấy ông có vẻ lo lắng thế?
- À! Bạn tôi đó. Ảnh
báo cho tôi biết những chuyện không vui của gia đình tôi.
Thấy nói chuyện gia
đình, tôi không tiện hỏi thêm.
Trước kia Sơn hay kể
cho tôi nghe về gia đình anh, về hai đứa em. Em trai là Trịnh Quang Hà, em gái
là Trịnh Vĩnh Thúy. Sơn mấy lần rũ tôi về Huế chơi để biết thú ngủ đò trên sông
Hương, bánh bèo Âm phủ, cơm hến Vĩ Dạ... Tôi cũng muốn biết cố đô Huế một lần.
Hẹn mãi. Nhưng lần nào về Nha Trang, mê sóng nước và thú săn bắn dưới biển tôi
lại quên mất chuyện ngủ đò trên sông Hương. Đến nay tôi cũng chưa biết cầu
Trường Tiền "sáu vài, mười hai nhịp" ra sao. Bây giờ, đọc báo thấy
nói Sơn có bảy anh em. Cô ca sĩ Vĩnh Trinh là út. Nếu cứ tính sinh năm một, năm
1957 ba Sơn mất, thì Vĩnh Trinh phải năm mươi tuổi hoặc hơn.
Sau đó, Sơn lại thường
xuyên đi Đà Lạt hơn. Nhưng không phải đến Đà Lạt. Sơn kể cho tôi nghe về một
trang trại nào đó ở Phim Nôm, gần Đức Trọng, một quận của tỉnh Tuyên Đức. Sơn ở
đó có khi hai, ba ngày với vài người bạn để bàn chuyện làm ăn. (Sơn không nói
tên những người đó). Có lần Sơn rủ tôi làm ăn chung. Lương mỗi tháng mười ngàn.
Tối trố mắt kinh ngạc:
- Công chuyện gì mà
lương mỗi tháng mười ngàn? Họa là làm cho Việt Cộng ?
Sơn xua tay, gạt
ngang:
- Nhảm! Ông không làm
thì thôi. Nói bậy chết có ngày!
Tôi cười hì hì rồi quên
đi. Một lần, Sơn về sau hai ngày bàn chuyện làm ăn, khoe với tôi mọi việc đều
tốt đẹp và được đãi một chầu "Cà phê cứt chồn" nhớ đời. Sơn vui vẽ
kể:
- Hồi giờ nghe nói cà
phê chồn, mấy tiệm đều quảng cáo cà phê cứt chồn, giờ mới biết là láo hết. Làm
gì có mà bán. Một đồn điền cà phê mênh mông, cho người đi nhặt cả tuần lễ, chưa
chắc có được một ký. Chồn nó lựa những trái cà phê chín đỏ để ăn, rồi ỉa ra hột
lẫn trong phân. Chủ đồn điền biệt phái một hay hai người đi lượm những hột đó,
đem về phơi khô, rang, tẩm. Sau nhiều giai đoạn chế biến mới thành cà phê uống
được. Không đủ biếu quan đầu tỉnh, đầu quận thì làm gì có mà bán ra thị
trường.
Tôi vẫn thắc mắc:
- Cả một rừng cà phê
bạt ngàn mà ông nói lượm không được một ký?
- Đúng vậy! Người ta
không đợi cà phê chín mới hái. Nó sẽ rụng xuống đất hết. Trái vừa già có màu
xanh đen là người ta đã hái rồi. Nói là hái chứ thật ra tuốt hay suốt. Trái cà
phê mọc thành từng chùm dài như tiêu hay chùm ruột.
- Ông uống thấy mùi
vị nó ra sao? Có bay mùi chồn không?
- Không! Nó có mùi
thơm đặc biệt lắm. Cái mùi nó quyện trong hơi nóng bốc khói là là trên miệng
chén, tỏa hương chầm chậm, thơm lâu lắm. Tôi nhâm nhi từng chút một để cho cái
lưỡi và cái lổ mũi tôi thưởng thức hết cái ngon của nửa tách cà phê. Chỉ có nửa
tách thôi, suốt một đêm hai con mắt tôi thao láo, không nhắm được. Đến bây giờ,
(lúc Sơn về kể) tôi vẫn tỉnh táo mà không cảm thấy mệt.
Nghe nói, tôi đâm
thèm và ao ước:
- Ông có xin họ một
ít không? Đem ra pha thử cho tôi uống một chút?
- Ở đó mà ham! Tôi lên
xuống cả tháng nay, giờ mới được đãi có nửa tách. Một tách còn chưa có thì làm
gì họ cho một ít mang về. Vả lại, ai mở mồm xin, "ốt dột" chết!
Hè năm 1965, tôi mãi
mê vui đùa với nắng gió, sóng nước ở bãi biển Nha trang nên quên lời hẹn với
Sơn ra Huế để Sơn dẫn tôi đi thăm thú các nơi. Hết hè, tuy vẫn còn luyến tiếc
những ngày vui trôi qua quá mau, tôi cũng phải trở về Bảo Lộc để kịp ngày khai
giảng niên học mới.
Trở lại ngôi nhà trọ,
tôi hết sức ngạc nhiên khi thấy Sơn đã có mặt ở đây rồi. Căn phòng bừa bộn, bẩn
thỉu. Toàn là tàn thuốc lá. Chổ nào cũng đầy tro tàn. Bao thuốc lá Bastos xanh
trống không xếp đầy chung quanh tường, cao gần tới đầu gối. Sơn nằm dài trên đi
văng. Mùng vẫn buông, ám khói vàng khè. Dưới gầm bàn giỏ rác đầy ứ. Giấy loại
quay ronéo vàng xỉn, vo tròn, xé nát vất đầy mặt đất. Xác cà phê khô đóng mốc
xanh, trắng vươn vãi chỗ này một nhúm, chỗ kia một tụm. Tôi la lên:
- Ông không về Huế
nghỉ hè sao?
- Không! Tôi ở lại
đây luôn. Cũng không về Sài Gòn. Sơn uể oải vừa chui ra khỏi mùng vừa nói.
- Còn lại một mình bà
Phi có nấu cơm cho ông không? Tôi hỏi thêm.
- Không! Sơn lắc đầu.
Tôi ăn cơm bữa ở Ngọc Sơn. Tám đồng một bữa. Siêng thì đi ăn, làm biếng thì ở
nhà gặm bánh mì. Bà Phi về Sài Gòn cả tháng nay rồi. Cô người làm cũng về quê
luôn. Tôi nhìn Sơn ái ngại. Sơn xanh hẳn. Mặt hốc hác. Tóc râu bờm xờm. Người
đã ốm o sẵn, nay lại càng gầy thêm. Gầy rạc. Bộ đồ pijama trở nên rộng thùng
thình, nhàu nát, đen xỉn. Có lẽ ba tháng nay không giặt. Nhưng đặc biệt nét mặt
Sơn rất vui và rạng rỡ. Vừa xếp dọn lại chỗ nằm của mình, tôi vừa trò chuyện:
- Ông làm gì mà nằm
ép rệp ở đây tới ba tháng lận! Không buồn à?
Sơn phấn khích chìa
tập nhạc ra khoe với tôi:
- Công trình ba tháng
đó!
Tôi cầm xấp bản thảo,
liếc qua trang đầu có nhan đề "CA KHÚC DA VÀNG". Lật thêm
mấy tờ bên dưới thấy những bản nhạc có tựa đề rất lạ như "Gia tài của
Mẹ"- "Đàn bò vào thành phố"- "Người già và em bé"-
"Người con gái Việt Nam da vàng"... với những lời ca lạ lẫm, khác hẳn
với những lời trong tình ca đến 180 độ. Tôi ngờ vực có một cái gì đó đã thay
đổi con người Sơn. Sơn đã lột xác. Tôi chăm chú nhìn Sơn để tìm xem cái gì khác
trên khuôn mặt xương xương kia. Nhưng tôi không nhìn thấy gì cả. Chỉ trong đôi
mắt, sau lần kính cận, ánh lên vẻ khác thường. Tôi chưa xác định được rõ ràng
là cái gì. Có một cái gì đó mơ hồ lấp ló trong trí tôi rồi vụt biến mất. Cái mơ
hồ đó tôi chưa kịp đặt tên cho nó, và cũng chưa nghĩ ra được một chữ thích hợp
cho trạng thái đó trong lúc này. Thấy tôi im lặng lật hết tờ này qua tờ khác,
Sơn hỏi:
- Ông thấy sao? Được
chứ?
- Tôi mới đọc lời
thôi! Chưa biết nhạc ra sao! Chưa có ý kiến được. Thôi bây giờ ta đi ăn cơm.
Tối nay ông hát cho tôi nghe thử vài bài được không?
Sơn đồng ý. Chúng tôi
ra Ngọc Sơn ăn cơm chiều. Cơm nước xong, chúng tôi lững thững đi ngược về hướng
bờ hồ để lên Câu lạc bộ uống cà phê, ngắm lại cảnh sương chiều bốc dần lên từ
chân cầu nhà Thủy Tạ hình bát giác sơn màu đỏ chói và cái cây chết khô giữa hồ.
đứng một mình, cô độc.
Tối đó Sơn hát cho
tôi nghe một vài bài tiêu biểu trong tập "Ca khúc da vàng". Đến những
đoạn như "Gia tài của Mẹ: một bọn lai căng... một lũ bội tình" hay
như "Đại bác đêm đêm dội về thành phố! Người phu quét đường dừng chỗi lắng
nghe" hoặc như "Tôi có người yêu chết trận đêm qua, chết thật tình
cờ..." tôi bỗng nổi da gà. Lời ca thật xúc động. Nó xoáy sâu vào tim người
nghe rồi chuyền lên óc làm cho rúng động tâm can, tỏa lan dần cơ thể làm cho tứ
chi bãi hoải. Sơn ngừng hát, đưa mắt hỏi tôi. Đột nhiên trong óc tôi lóe lên
một tia chớp: tôi đã thấy rõ hình dáng của nó và tìm ra được cái tên của nó mà
buổi chiều tôi chỉ cảm biết mà không nghỉ ra được. Tôi buột miệng la
lên: Sinh tử phù.
Sơn ngạc nhiên trố
mắt nhìn tôi, chặp lâu mới hỏi:
- Ông nói "sinh
tử phù" là ý nghĩa gì?
Thời gian đó Sơn chỉ
đọc sách Pháp. Hình như đang đọc "Cánh cửa hẹp" và "Buồn
nôn". Tôi thì mê luyện chưởng Kim Dung. Tôi giảng giải sơ lược về môn pháp
cấy sinh tử phù cho Sơn nghe. Sơn càng thắc mắc:
- Vậy thì cái chuyện
cấy sinh tử phù của ông ăn nhập gì đến tôi?
Tôi chậm rãi, buồn
rầu trả lời Sơn:
- Ông đã bị cái ông
Hoàng Phủ Ngọc Tường nào đó cấy "sinh tử phù" vào người rồi.
Ông còn nhớ có lần
ông rủ tôi làm việc với nhóm của ông ở Phim Nôm, trả lương tháng mười ngàn
không? Tôi nói đùa: họa may làm cho Việt Cộng, ông giãy nãy la oai oái. Và
những lần ông đốt những xấp thư của ông Tường không? Bây giờ trong vòng ba
tháng, ông đã sáng tác một đống nhạc, chẳng bù với hai bài "Chiều một mình
qua phố" và "Lời buồn thánh" phải mất hơn sáu tháng? Bây
giờ trong nhạc ông không còn những sợi nắng thủy tinh, những lá me bay, những
tay gầy guộc nhỏ, những sõi đá biết nhớ biết đau mà toàn những xác chết, những
bom đạn, mìn chông, bội phản... Những loại từ này không hợp với con người ông.
Tôi e rằng ông đã bị tiêm nhiễm sinh tử phù Việt Cộng của ông Tường cấy vào
người ông quá lậm rồi!
Sơn phản đối kịch
liệt:
- Thôi đừng giỡn cha
nội! Cha giỡn kiểu đó chết tôi nghe!
Từ đó, chúng tôi im
lặng không ai nói với ai lời nào nữa cho đến lúc tắt đèn đi ngủ.
Dần dà trong bọn
chúng tôi ai cũng biết Sơn vừa sáng tác một tập nhạc mới. Lại chia làm hai phe.
Lúc đó đâu đã có từ "phản chiến" để chỉ loại nhạc này. Chúng tôi cứ
ngâm nga mỗi bài vài câu. Phe thích thì cứ khoái... "Một ngàn năm nô lệ
giặc Tàu, một trăm đô hộ giặc Tây, hai mươi năm nội chiến từng
ngày..." ca cẩm suốt ngày. Phe chê thì:
- Xí! nhạc Việt Cộng!
Cha nội Sơn theo Việt Cộng rồi!
Tuy nhiên, sau đó lại
quên lãng đi. Chúng tôi vẫn lại bù khú cà phê, bi da, xập xám, vui vẻ ồn ào như
trước. Nhưng không ai để ý thấy rằng khi đám nhà binh như Vĩnh, Ngự, Tinh,
Thành nhập bọn là Sơn tìm cách lãng tránh. Nhất là lúc có mặt hai chàng Thành,
chi khu phó và Tinh, an ninh quân đội. Có lần trong bữa nhậu vui vẻ, không biết
vô tình hay hữu ý, Trung úy Thành vừa cười vừa nói:
- Này mấy ông giáo!
Tôi xin nói trước, bạn thì bạn, chơi thì chơi, nhưng ông nào theo Việt Cộng thì
chúng tôi vẫn cứ bắt như thường đó!
Nói xong, anh ta cười
hì hì, rồi giơ cao ly lên:
- Nào dô! Dô!
Lúc về, Sơn nói riêng
với tôi:
- Chơi với mấy cha
nhà binh, ghê thấy mẹ!
Thời gian sau, Sơn
rất bận rộn. Đi đi, về về, Sài Gòn, Đà Lạt liên tục. Thường xuyên bỏ trường,
lớp hơn trước. Nhưng thời gian đi không lâu. Có khi hai ngày. Có lúc ba ngày.
Ông già Thống từ ngày được ông trưởng giáo hào phóng cho 100 điểm, há miệng mắc
quai, không còn biết than thở với ai, đành ngậm bồ hòn làm ngọt. Sơn cho tôi
biết là đang chuẩn bị in tập "Ca khúc da vàng" và khoe với tôi là
giới sinh viên thích lắm. Họ đang yêu cầu có những buổi hát ngoài trời gọi là
"du ca". Và Sơn cũng hé cho tôi biết một vài sinh viên có nhiệt tâm
đấu tranh như Huỳnh Tấn Mẫm, Nguyễn Văn Toại...sẵn sàng giúp Sơn thực hiện
những buổi trình diễn ấy.
Những điều Sơn kể và
những cái tên xa lạ không ăn nhập gì đến đời sống đang tươi đẹp của tôi nên nó
từ tai này qua tai kia trôi tuột đi, chốc lát tôi quên hết. Khi Sơn đi vắng,
tôi còn vô khối bạn bè để vui chơi. Nào Tín, nào Bạch, Đạo, Lãng, Tâm mập, Tâm
lùn, Hinh, Sang, Hiện, Thao, Rầm, Nhượng... Tuần này xuống Tân Hà, đến nhà ông
Hiệu trưởng Ngọc hạ cờ tây. Tuần sau kéo nhau vào ấp Lam Sơn. Hai bên đường vào
ấp trồng toàn hoa anh đào, nên còn có tên gọi rất thơ mộng là Đào Hoa thôn.
Chúng tôi vào đây để đến nhà ông Tề ngắm phong lan. Ông Tề tuy là nhà nông
nhưng có tâm hồn nghệ sĩ. Trên gác Nghinh Phong của ông có đủ loại phong lan mà
ông sưu tầm được. Trăm màu, trăm vẻ. Tuần khác lại cùng các cô giáo trẻ Nghiên,
Châu, Hải, Trang...đi dạo suối Đại Bình, cách Bảo Lộc chừng vài cây số.
Cứ thế, ngoài việc
dạy dỗ các em học sinh, tuổi trẻ của tôi đã trải qua những ngày tháng tươi vui,
đáng sống trong cái quận lỵ bé nhỏ, mà mới ngày nào tôi gặp Sơn ở bến xe đò một
buổi chiều cuối tuần đìu hiu có mưa rả rích. Buồn thúi ruột.
10.
Tháng sáu năm 1966,
Tâm nhập ngũ. Sơn chuyển qua phòng Tâm. Hai chúng tôi ở hai phòng riêng biệt.
Trừ những lúc đi ăn cơm, uống cà phê, chơi bi da chung với nhau, Sơn ở lì trong
phòng. Sơn không còn thú ngồi trước hiên nhà, chờ ngắm cô Ngà đi lễ mỗi buổi chiều
với chiếc áo dài lụa màu mỡ gà sáng lóa trong ánh nắng xiên khoai sắp tắt. Bây
giờ chỉ còn tiếng chuông nhà thờ quyện bước chân đi và gió chiều nhẹ đuổi theo,
khẽ rung tà áo. Hai bên đường, đám lau trắng đã nở hết bông chỉ còn lại những
thân xương khô quắt chỉa lên trời.
Giáng sinh năm đó tôi cưới vợ và thuê
căn lầu của nhà may Tân Việt để ở. Sơn vẫn ở một mình trong căn nhà bà Phi. Mỗi
buổi sáng đi dạy, đi ngang nhà chúng tôi, thỉnh thoảng Sơn tạt vào xin vợ tôi
ly sữa dằn bụng. Nhất là những ngày cuối tháng. Bây giờ Sơn không còn tươi vui
như xưa. Sơn mệt nhọc trong dáng đi và nhiều suy tư, âu lo hằn trên vầng trán.
Chia Tay:
Hè 1967. Chúng tôi đang mỗi người mỗi
nơi nghỉ hè, bỗng đồng loạt nhận được điện khẩn của Ty, nhắn lên gấp để nhận
lệnh nhập ngũ. Phía dưới bức điện chua thêm hàng chữ: "Nếu trình diện trễ
hạn sẽ bị đưa ra trường Hạ Sĩ quan Đồng Đế". Thế là không hẹn mà chúng tôi
gặp nhau một ngày tại Ty. Tay trái nhận lệnh tổng động viên, tay phải nhận
phong bì lương, Ty ứng trước một tháng để ăn đi đường. Không thấy Sơn đâu. Hỏi
anh Thành, phát ngân viên, anh cho biết:
- Sơn đã đến đây hôm
qua nhận lệnh và lương đi rồi.
Tối hôm đó, chúng tôi gồm: Đạo, Hinh,
Sang, Nghị, Bạch, Tâm lùn, Ngọc (Lãng sốt rét và Thao què được miễn dịch) tụ
tại nhà Nghị uống một bữa thật say để chia tay. Ai cũng ví mình như Kinh Kha
đang ở bờ sông Dịch, một đi không trở lại. Chỉ tiếc không có ai là Cao Tiệm Ly
thổi đưa khúc sáo lên đường. Chúng tôi đang lúc ngà ngà, ôm nhau hát bài "Những
ngày xưa thân ái" của Phạm thế Mỹ. Cứ lặp đi, lặp lại điệp khúc..."Chỉ
còn tay súng nhỏ, giữa rừng sâu giết thù. Những ngày xưa thân ái xin gửi lại
cho nhau..." Hát xong rồi cùng nhau khóc. Khóc như trẻ thơ. Khóc tự nhiên
không một chút xấu hổ.
Sáng hôm sau tỉnh dậy, chỉ còn lại vài
mạng, say quá chưa tỉnh nổi. Còn bao nhiêu thì đã đi rồi. Tôi ra bến xe. Nhìn
lại quang cảnh vẫn y như cũ. Không có gì thay đổi. Nhưng hôm nay sao thấy buồn
quá đổi. Cái gì cũng có vẻ xa vắng, bơ thờ. Khi xe chạy ngang bờ hồ, tôi thì
thầm:
- Giã từ Bảo Lộc mến yêu!
Biết bao giờ mới gặp lại nhau!
Xe khuất dần, tôi cố ngoái đầu lại lần
chót. Chỉ còn thấy ngọn cây khô chết giữa hồ. Nước mắt tôi lại ứa ra.
Cuộc Tái Ngộ Không Ngờ:
Năm một ngàn chín trăm bảy mươi, quân
lực Việt Nam Cộng Hòa, với kế hoạch "Bình Định và Xây dựng nông
thôn" lấy nông thôn bao vây rừng núi, Việt Cộng bị triệt đường tiếp
tế. Cán binh đói, đành lui về thế thủ. Cuộc chiến lắng dịu. Bộ Giáo Dục cùng
các bộ khác như Y tế, Công Chánh, Kinh Tế... đồng thanh kêu gào thiếu nhân viên
và xin Bộ Quốc Phòng trả lại người cho mình. Phó Tổng thống Trần văn Hương phải
can thiệp với chính phủ để trả lại nhân viên cho các Bộ. Nhưng bộ Quốc phòng
chỉ đồng ý với điều kiện tạm thời "biệt phái". Hễ quân đội cần là
"lôi" đầu trở lại cầm súng. (Vì hai chữ "biệt phái", sau
tháng tư, bảy lăm chúng tôi bị đày đi lao cải mút mùa lệ thủy. Có lẽ trong từ
điển của Hà Nội hai chữ "biệt phái" định nghĩa là làm mật vụ cho Mỹ
chăng? Chúng tôi đều bị khép tội làm C.I.A.).
Sau sự can thiệp, chúng tôi lần lượt trở
về nhiệm sở cũ với áo mũ, cân đai. Anh nào bây giờ cũng có trên cổ áo một bông
mai vàng thắm. Đi đứng chững chạc kiểu nhà binh, trông oai ra phết. Chúng tôi
không ngờ lại có ngày gặp được nhau đông đủ thế này. Từ khắp bốn vùng chiến
thuật, hằng ngày đùa với tử thần và súng đạn, chúng tôi vẫn còn nguyên vẹn,
không một ai sứt mẻ. Vậy mà năm xưa ra đi, ai cũng khẳng khái ngâm câu:
Túy ngoạ sa trường
quân mạc tiếu Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi.
Những cuộc vui lại nối tiếp. Đậm đà hơn
xưa. Chỉ thiếu mỗi một Trịnh Công Sơn. Anh Thành cho biết:
- Mấy tuần sau ngày
hạn trình diện, Nha Động viên có điện lên Ty hỏi mấy lần về Sơn. Ty có điện trả
lời cho Nha là Sơn đã ký nhận lệnh nhập ngũ và chính thức rời nhiệm sở
ngày...tháng...Như vậy Sơn đã thật sự trốn lính.
Ông Thống đã về hưu.
Ngôi trường Bảo An trên đồi ngày xưa, giờ đây có một giáo viên Thượng tên K’Brí
làm trưởng giáo.
Trong Ty Tiểu Học chỉ có một thay đổi
nhỏ. Nhỏ mà lớn. Còn lại mọi việc vẫn như cũ. Ông Lợi vẫn Ty trưởng. Ông Lương
vẫn thanh tra. Ông vẫn ngồi xếp hồ sơ ngay ngắn, từng tờ, từng tờ cho hết giờ
hành chánh. Anh Thành vẫn cùng ông Đạt phát lương. Cô Lan, "người vợ không
bao giờ cưới" của Nguyễn Văn Ba, buồn, chịu không nổi với những kỷ niệm
tình đầu ngày nào cũng chạm mặt, nên đã xin thuyên chuyển về Sài Gòn.
Cái thay đổi nhỏ mà
lớn là chuyện một giáo viên người Thượng, hiệu trưởng trường Cộng Đồng Thượng
Bảo Lộc, bỗng chốc nhảy lên chức Phó Tỉnh Trưởng. Số là, để chiêu dụ người Thượng
Tây nguyên chống lại bọn FULRO đang quấy phá miền cao nguyên, chính phủ lúc bấy
giờ đặt thêm một bộ nữa chuyên trách về vấn đề này gọi là Bộ Sắc Tộc. Mỗi tỉnh
thuộc vùng cao phải có thêm một ông Phó tỉnh người Sắc Tộc. Nhưng đào đâu ra
người Thượng biết chút ít chữ nghĩa? Nếu không là một trong những giáo viên
Thượng? Thế là anh giáo viên K"Breo nghiễm nhiên trở thành nhân vật quan
trọng. Ngày xưa, mỗi lần đến Ty để lãnh lương hay tiếp nhận công văn, khúm na,
khúm núm. Ông Lợi thì cứ réo:
- Này K"Breo! Vào
đây bảo!
Bây giờ thì K"Breo lúc nào cũng áo
vest, cà vạt, đi xe Jeep có tài xế lái. Bây giờ mỗi lần K"Breo đến Ty thì
ông Lợi phải một điều: - Dạ vâng! Hai điều: - Dạ vâng! Thưa ông Phó phải ạ!
Khi K"Breo vừa
ra khỏi cửa Ty, anh Thành rít một hơi dài thuốc lào, móp sâu hai má, ngữa mặt
nhả khói lên trần nhà xong, buông một câu gọn lõn:
- Đéo mẹ đời!
Ông Lợi ngồi trong
văn phòng cười nhếch mép, tay gõ gõ ống vố vào gạt tàn.
Trịnh Công Sơn
và Tình Bè Bạn....
Sau một tuần, anh em lục tục lên đủ mặt.
Bữa tiệc tẩy trần
thật tưng bừng. Chúng tôi thầu hết tầng lầu trên của Câu Lạc bộ. Bây giờ thì ăn
nói thoải mái, không còn phải e dè mấy tên du đãng tép riu. Sau vài ly máy
nóng, chúng tôi tha hồ kể "chuyện nhà binh". Chuyện khói lửa bốn vùng
chiến thuật nguội dần. Có anh sực nhớ tới Trịnh công Sơn, hỏi trống không:
- Có ai biết anh
chàng Sơn nhà mình bây giờ ở đâu, làm gì không hè?
Hiện đáp:
- Tôi biết. Sơn bây
giờ nổi tiếng lắm. Không những trong nước mà cả thế giới cũng biết.
Bạch không tin:
- Thôi cha! Xạo vừa
vừa thôi! Thằng chả trốn lính, làm ăn gì được mà nổi tiếng!
Hiện vẫn bằng cái
giọng rề rà bỡn cợt, nửa đùa nửa thật:
- Tôi làm việc ở cơ
quan ninh quân đội, địa bàn Sài Gòn - Chợ Lớn, nên biết một ít về ông Sơn nhà
mình. Đầu tiên ông ta được một tay có cở trong không quân che chở, cấp cho một
cái thẻ "Chứng chỉ tại ngũ" chức vụ binh nhì lèo.
Có tiếng lao nhao:
- Ai vậy? Ai vậy? Ông
biết không?
- Sao lại không! Đại
Tá Lưu Kim Cương chớ ai vào đây nữa! Cảnh sát biết thừa đi chứ. Nhưng không
dám đụng vào ổ kiến lửa.
Hiện cười cười, tợp
thêm một ngụm bia rồi tiếp:
- Sau tay này tịch. Cụ Sơn nhà mình bèn
làm một bản nhạc để tạ ơn người che chở mình. Bản nhạc có tên là "Cho
một người nằm xuống".
Tín nhảy vô vòng
chiến:
- Ông rề rà bỏ mẹ!
Thế thì tôi hỏi ông nhé! Bao nhiêu năm ông già Thống còng lưng dạy thế cho ông
ấy, để ông ấy lo việc công danh của mình, ông ấy có làm bản nhạc nào tên là
"Cho một người dạy thế" để tạ ơn ông Thống không?
Hiện vẫn đũng đỉnh:
- Ấy! Cái này thì tôi
không biết. Nhưng ông Thống chưa tịch thì làm gì có nhạc để tặng? Còn ông Sơn
sẽ làm hay không thì có dịp gặp mặt tôi sẽ hỏi lại rồi cho ông biết sau.
Tín thở hắt ra:
- Nói như ông chán bỏ
mẹ!
Đạo sốt ruột:
- Sau khi Lưu Kim
Cương chết rồi thì ai là cái ô dù của ông Sơn?
- Cái ô dù hãy còn bé
lắm. Phải nói là cây đa cổ thụ mới đúng.
Nói tới đây, Hiện
dừng lại, thong thả rót bia vào ly mình một cách chậm rãi để bọt khỏi tràn
miệng ly rồi nâng ly lên làm mấy tợp, mặc cho bao nhiêu con mắt đang hau háu
chờ đợi.
Nghị nóng nảy văng
tục:
- Mẹ! Cứ vờ vịt! Ông
đấm buồi vào!
Hiện khà một tiếng
sảng khoái, đưa tay chùi mép rồi mới tiếp:
- Cây đa cổ thụ là tướng
Nguyễn Cao Kỳ, Chủ tịch Ủy ban Hành pháp Trung ương đấy.
- À ra thế đấy! Nhiều
tiếng xì xào.
Lãng từ đầu đến giờ
vẫn ngồi im lặng nhâm nhi ly bia lắng nghe anh em kể chuyện "đường xa xứ
lạ" thích lắm vì không được cái "hân hạnh", "Tòng quân giết
giặc" để "Dong vó ngựa trên đường chinh chiến", bây giờ mới lên
tiếng:
- Moa...moa thì
"mo phú" tay nào che chở cho ông Sơn. Việc bắt ông Sơn là việc của
mấy ông "cớm". Moa... moa thì moa bực cái ông Sơn nhà mình. Bực lắm
cơ. Moa có mua mấy tập nhạc của ông ấy khi mới xuất bản. Tập nào cũng ghi tiểu
sử có đủ thứ trên đời mà không thấy tập nào ghi lấy một dòng như "dạy học
tại Bảo Lộc từ năm 1964 đến 1967" họặc "Học Sư phạm Qui Nhơn"
chẳng hạn.
Moa bực là nghĩ:
Chẳng lẽ ông ta có mặc cảm xấu hổ với nghề dạy học chăng?
Võ Đôn Thao cười hề
hề, rút cây Paker trong túi áo ra, lấy một tờ giấy lau tay, tính toán một lúc
rồi nói:
- Nè! Mấy ông nín hết
đi. Nghe tôi công bố một con số kinh khủng về ông Sơn.
Mọi người nghe Thao
nói, lấy làm tò mò. Tất cả đều im lặng chờ. Thao hắng giọng:
- Này nhé! Cứ lấy đổ
đồng lương ổng là 5.200 đồng một tháng, nhân lên ba năm. Tức là ba mươi sáu
tháng. Vị chi là 187.200 đồng. Gạo ba đồng một ký. Ổng đã ăn hết 62.400 ký lô
gạo Quốc Gia trong ba năm. Ghê chưa!
Nghị cà khịa:
- Ăn gạo được rồi!
Bày đặt văn vẻ thêm hai chữ Quốc Gia sau đuôi! Khéo vẽ!
Thao phản đối:
- Tôi chưa nói hết ý,
sao ông lại kê tủ đứng trong họng tôi?
Nghị cười há há:
- Chứ không phải sao?
- Phải làm sao được!
Thao cương quyết.
Lãng chen vô can:
- Thì... thì để ông
Thao nói hết đã, hẳn hay.
- Ừ, thì nói hết đi
xem nào! Nghị đấu dịu.
Bây giờ Thao mới tủm
tỉm cười:
- Sỡ dĩ tôi phải nói
ăn cơm Quốc Gia là vì ông ấy thờ ma Cộng Sản. Ổng lãnh lương Quốc Gia, dùng thì
giờ dạy học để làm nhạc có lợi cho Việt Cộng.
Lãng có vẽ không tán
thành quan điểm đó:
- Cái đó thì chưa có
gì rõ rệt để kết luận ông Sơn theo Cộng Sản. Nhưng tôi cứ bực ông Sơn. Bao
nhiêu năm nhờ ông Lợi khoan dung mà không một lời ơn nghĩa.
Thao vẫn thẳng thừng
khẳng định:
- Mấy ông sống ở Sài
Gòn làm gì biết Cộng Sản ra sao mà nói! Gia đình tôi nè! Nhiều đời sống ở Phú
Yên. Cái đất Phú Yên là cái ổ của Việt Cộng. Các ông đã từng nghe bốn chữ Nam,
Ngãi, Bình, Phú chưa? Đó là bốn cái "nôi" của "cách mạng"
tức bốn cái ổ của Việt Cộng đó.
Đạo thơ ngây hỏi lại:
- Ông nói bốn chữ
Nam, Ngãi, Bình, Phú nó là nghĩa gì vậy?
Thao cười ngất:
- Ông là giáo viên mà
không biết bốn chữ đó làm sao dạy địa lý, sử ký cho học trò?
Đạo đỏ mặt ngồi im.
Được thể, Thao hăng lên:
- Đó là bốn tỉnh miền
trung gồm Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên. Dân ở đó, phải nói là
nhà nào cũng có chồng hoặc con đi tập kết tức là theo Cộng Sản. Trừ một ít ở
thành phố mới không. Nên dân tụi tôi rành sáu câu. Anh nào mở miệng ra có mùi
Cộng Sản là biết liền.
Tâm mập bây giờ mới
lên tiếng:
- Tôi dạy ở trường
Chiến tranh Chính trị Đà Lạt cũng có lúc đem vấn đề này ra tranh cãi, chưa ngã
ngũ đâu vào đâu. Nhưng các đài phát thanh cứ phát nhạc của họ Trịnh, nhất là
đài quân đội mới chết chứ.
Thấy không khí càng
lúc càng căng, Bạch chuyển đề tài:
- Thôi! Dẹp ba cái vụ
cộng, trừ đó đi. Dô một cái "chăm phần chăm" đi. Nào dô!
Mọi người đồng loạt
giơ cao ly: Dô! Dô!
Tiếng cười nói lại
xôn xao, náo nhiệt. Sực nhớ ra điều gì, Tín vùng nói lớn giữa tiếng ồn ào:
- Này các cụ! Còn em
bé Đỗ thị Nghiên "cúng" cây đàn ghi ta cho ông Sơn ba năm có được xơ
múi gì không?
Đạo là người rời Bảo
Lộc sau cùng nên biết chuyện này, đáp ngay:
- Em Nghiên trước khi
theo chồng về Huế có đến đòi lại cây đàn. Cũng còn may! Nếu không thì ông Sơn
cũng đã quên.
Tín quay sang tôi móc
lò:
- Còn ông mãnh này!
Ăn cùng mâm, nằm cùng chiếu ba năm trời có được xơ múi gì không?
Tôi thật thà trả lời:
- Có! Hồi đầu tiên
Sơn có tặng cho tôi và ông Lợi, mỗi người một bản "Chiều Một Mình Qua
Phố".
Tín vặn:
- Bấy nhiêu thôi à!
Thế mấy tập Tình ca-Ca khúc da vàng không tặng sao?
- Sơn nói nhà xuất
bản cho ít quá nên không đủ tặng.
Hiện tiếp lời:
- Mấy ông đừng trách!
Ông Sơn bây giờ bạn đông lắm, đếm không hết. Ông ấy bây giờ đi đâu cũng có một
đám bu quanh như nhặng xanh bu c. ngựa vậy.
Anh chàng Sang ngồi
im từ đầu đến cuối, bây giờ như cóc mở miệng :
- Mấy cha cứ nói chuyện trên trời, dưới
đất. Hồi còn ở đây, ông Sơn đã dự đoán sau hai mươi năm nội chiến,
những người còn lại đều là một "lũ bội tình". Thì ông ấy có chút
bạc ơn với nghề dạy học và chút bạc nghĩa với những người bạn ở cái xứ Thượng
heo hút này cũng là chuyện nhỏ trong cuộc đời vĩ đại của ông ấy mà thôi. Có
đáng gì đâu mà nhắc tới !
Câu chuyện nhạt dần, không khí cũng lắng
dần. Có lẽ mọi người đã ngấm say. Lần đầu tiên trở lại Bảo Lộc, sau ba năm, tôi
thấy anh Lãng không còn đòi về trước để trùm mền và xoa dầu Nhị Thiên đường như
xưa. Có lẽ anh đã từ chức "ông Trùm" rồi chăng? Mừng cho anh.
Lại Chia Tay:
Cuối niên khóa 1970, chúng tôi đồng loạt
nộp đơn lên Bộ Giáo Dục xin thuyên chuyển về nguyên quán. Trừ những anh phải
lòng với ngươì đẹp xứ sương mù thì ở lại làm rễ như Nguyễn Văn Chất cưới cô học
trò năm xưa của mình, hoa khôi Di Linh. Lâm Văn Rầm làm rễ hiệu trà Bạch Tượng,
đối thủ của trà Đổ Hữu, nối nghiệp ướp, sấy, chế biến trà lài, trà sói...
Đầu niên học 1971, chúng tôi đều nhận
được lệnh thuyên chuyển theo đơn xin. Đó là nỗi vui mừng chung cho chúng tôi,
nhưng cũng là nỗi buồn riêng cho ông Ty Trưởng Lợi và bác Trạch, Hiệu trưởng
trường Nam Bảo Lộc. Hai ông buồn vì mất một lúc cả đám chúng tôi. Một đám trẻ
năng động, vui nhộn mà hai ông đã có một thời gian dài gắn bó như anh em, cha
con trong một gia đình. Hai ông sẽ không còn thời gian nữa để làm "một
cuộc tình mới". Tóc hai ông đã bạc nhiều lắm rồi.
Ngày chia tay, cũng lại một bữa linh
đình. Lần này không phải hát "Những ngày xưa thân ái" mà là những cái
xiết tay rất chặt, rất lâu.
Những ánh mắt long lanh, những nụ cười
rạng rỡ, những lời hứa hẹn thắm thiết sẽ gặp lại nhau tại Sài Gòn, Nha Trang,
Long An và tận Phú Yên xa tít mù của Võ Đôn Thao.
Mời
nhấp chuột đọc thêm:
- Các bài viết về
khoa Tướng thuật0
- Các bài viết của
(về) tác giả Trần Mạnh Hảo0
- Các bài viết của
(về) tác giả Nguyễn Hoàng Đức0
Mời nghe Đặng Xuân
Xuyến đọc bài thơ PHÍA KHÔNG EM:
*.
NGUYỄN
THANH TY
Địa chỉ: 69
Edwin St.N. Quincy, MA.02171. USA
Điện thoại: (617) 328- 9833
..........................................................................................................
-
Cập nhật từ email: phudoan56@gmail.com ngày 31.08.2022
- Ảnh minh họa cho bài viết được sưu tầm từ nguồn: internet.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng
Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
0 comments:
Đăng nhận xét