XÓM CŨ NỘI THÀNH - Truyện ngắn Tràm Cà Mau ; Hạ Thái Trần Quốc Phiệt giới thiệu

Leave a Comment

 

XÓM CŨ NỘI THÀNH

*

Bóng đêm pha lẫn ánh ngày

Thuyền qua sông vắng chở đầy tiếc thương

 

Chiếc xe lửa nghiến bánh ken két trên đường sắt, nghe như tiếng rên than đau đớn, rồi rùng mình, chầm chậm và dừng lại ở ga Huế. Đám hành khách xơ xác, lôi thôi như lũ ăn mày, nhốn nháo, hốt hoảng tranh nhau đổ ào xuống sân ga. Hoàng nhảy xuống theo, hành lý trên tay chỉ có một cái bao nhỏ đựng bộ áo quần đã sờn rách tả tơi.

Anh vừa được ‘cách mạng khoan hồng’ cho về đoàn tụ với gia đình, sau bốn năm ‘học tập tốt, lao động tốt’. Hoàng cười, trong tù, anh là thằng chậm chạp, trễ nải nhất thì được về trước, mấy anh chăm chỉ tích cực lao động, triệt để tuân thủ kỷ luật tù, thì còn mãi nằm lại trong đó. Thế mới biết, bạn anh nói không sai: ‘cách mạng’ thường làm ngược với lời nói.

Được tự do sau bốn năm giam cầm, lao động khổ sai nơi rừng thiêng nước độc, đói, lạnh và bệnh hoạn. Trong lòng Hoàng rộn ràng nôn nao khó tả. Ừ, còn sống mà trở về là phước đức và may mắn lắm. Bước chân của anh nhẹ tênh, như đang bay bổng, không dính đất.

Nhà ga không có gì thay đổi, chỉ tiêu điều, mốc meo cũ kỷ hơn. Người người hốc hác, ốm o và lôi thôi rách rưới. Vừa bước ra cửa ga, một người đàn bà chạy theo níu Hoàng và hòi:

“Có cái chi bán không?”

Hoàng cười, lắc đầu trả lời: “Mới đi tù về, có cái con khỉ! À, mà có bộ áo quần đã sờn rách, có mua không?”

Người đàn bà mau mắn: “Mô? Đưa coi!” Hoàng mở bao đưa bộ áo quần cho người đàn bà. Chị rũ rũ cái quần ra xem, rồi dài giọng:

“Cấy ni là giẻ rách, ai mà mua mần chi hè!”

Chị nhìn cái quần Hoàng đang mặc, còn tốt, lành lặn, vì mỗi tù nhân thường để dành một ‘bộ đồ viá’ chỉ dám mặc vào những khi có ‘sự cố’ trọng đại. Chị nói:

“Hay là anh bán cái quần đang mặc này đi!”

Hoàng đưa tay mở thắt lưng, định cởi cái quần ra, nhưng hơi ngượng trước mặt người đàn bà. Hoàng nhìn vào ánh mắt chị, bỗng la lên:

“Ủa! Có phải Tâm đây không?”

Người đàn bà sửng sốt, và chộp lấy hai tay Hoàng mà reo vui:

“Anh Hoàng. Em đây! Trời ơi, mới có mấy năm mà không nhìn ra nhau. Ngày trước, anh hồng hào mập mạp, bây chừ, chỉ còn da bọc xương, đen điu như thằng mọi. Phần em cũng thay đổi nhiều, tàn tạ, mần răng mà anh nhìn ra được em hè?”.

Hoàng cười: “Nếu không ngó kỹ vô đôi mắt của mi, thì tau cũng không nhìn ra. Ngày xưa, bạn bè tau thường đặt cho mi cái biệt danh là ‘Mắt huyền bí’. Đôi mắt mi, đã làm xao xuyến không biết bao nhiêu con tim đó!”

Cô Tâm nầy là bạn của Nga, người em gái kế, thua Hoàng hai tuổi. Quen biết thân thiết nhau từ nhỏ, Hoàng vẫn thường quen xưng hô ‘mi, tau’ thân mật với các bạn của cô em gái. Hoàng chăm chú nhìn Tâm và nói: “Răng mà mi khổ dữ ri Tâm?”

Tâm cười như không biết cô đang khổ: ‘Thời buổi ni, ai mà không khổ, không đói? Còn sức mà chạy gạo cho con là may mắn lắm rồi. Anh không biết, chứ con Hải còn khổ hơn nữa, phải đi xin nước vo gạo uống đỡ đói. Anh đi tù, còn khổ hơn tụi em chứ?”

Hoàng ngần ngại hỏi: “Răng mà tụi bây bỏ dạy học, chạy lang bang đầu đường xó chợ kiếm cơm như ri?”

Tâm nói lớn: “Ai mà dám bỏ việc trong thời buổi ni? Bọn em bị đuổi việc, không cho dạy nữa, vì gia đình ngụy quân, ngụy quyền. Nhà cửa cũng bị tịch thu, không nơi trú ngụ.”

Mấy người xe đạp thồ hăm hở tiến đến gần Hoàng mời mọc. Hoàng chọn người già nhất, ốm o, đội nón lá rách và hỏi:

“Về cửa Đông Ba bác lấy mấy đồng?”

Người đàn ông nói nho nhỏ: “Anh cho mấy cũng được. Ngồi lên xe đi!”

Hoàng dạng chân, leo lên khung sắt chở hành lý phía sau yên xe. Người đạp xe thồ thở phì phò mệt nhọc khi lên dốc cầu Ga. Hoàng nhảy xuống, phụ đẩy xe qua khỏi dốc, rồi leo lên lại. Người xe thồ cám ơn, và hỏi:

“Anh đi mô về rứa?”

Hoàng đáp: “Mới đi tù về!”.

Ông nói: ‘‘Khổ chưa!”

Hoàng cười vui vẻ: “Được ra khỏi tù là sướng, chớ răng mà bác kêu là khổ?”

Ông già đạp xe chép miệng: “Đi tù thì khổ là cái chắc. Nhưng ra khỏi tù rồi cũng chưa hết khổ mô! Không chừng lại còn nhiều mối lo hơn khi đang ở tù. Tin tui đi!”

Nghe giọng nói eo éo khàn khàn như vịt xiêm của ông xe thồ, và thoáng nhớ nét mặt quen quen của ông, Hoàng chợt nhận ra ông cụ là ai. Anh la lớn:

“Dừng lại, dừng lại bác ơi!”

Ông già ngơ ngác. Hoàng nói:

“Bác đưa xe cho cháu đạp, bác ngồi, cháu chở đi.”

Ồng cụ bối rối: “Bậy nờ! Mần chi mà lạ rứa?”.

Hoàng thúc dục: “Bác cứ leo lên đi! Cháu còn sức đạp xe mà!”

Hoàng đạp xe chở ông cụ mà lòng tan nát tơi bời nhớ đến kỷ niệm xa xưa. Ông này là bố của Hồng, người yêu đầu đời. Hai đứa yêu nhau tha thiết, tưởng có thể chết cho nhau được, thế mà cuộc tình không thành. Ông cụ đã nghiêm cấm. Ông nói với con gái:

“Mần răng thì mần, Ba nhứt thiết không sui gia, không nói chuyện với ông Thụ. Không ngồi ngang hàng với ông nớ!”

Ông khinh khi gia thế của Hoàng thuộc giai cấp lao động. Ngày xưa, lúc ra đường, khi nào ông cũng áo quần phẳng phiu, mang áo vét, thắt cà-vạt, giày da láng bóng, như sắp đi dự hội nghị quốc tế quan trọng, ông lái chiếc xe hơi cũ. Thời đó, xứ Huế rất ít người có xe bốn bánh. Ông tránh giao thiệp với hàng xóm, có lẽ ông nghĩ rằng, họ không cùng giai cấp. Ông cụ chưa nhận ra thằng rể hụt đang còng lưng thở phì phò đạp xe chờ ông.

Dọc theo đường Lê Lợi, ngang qua trường Quốc Học cũ, nơi tràn đầy kỷ niệm của một thời xa xưa. Hồi đó, có nghèo khổ, có thiếu thốn, nhưng tràn đầy hy vọng cho tương lai. Đời tươi như hoa nở.

Ông cụ ngồi sau xe, cứ lẩm bẩm hoài: “Răng mà lạ ri hè! Lạ quá đi chớ!”. Hoàng đạp xe và đưa tâm trí miên man về miền quá khứ. Đang mệt thở hổn hển, Hoàng tần ngần, không dám hỏi trực tiếp tin tức về người yêu cũ, mà né tránh, hỏi về ông chồng của nàng:

“Anh Dũng, chồng cô Hồng đã được ‘cách mạng khoan hồng’ tha về chưa bác?”

Ông cụ xe thồ ngạc nhiên hỏi: “Ủa, anh cũng biết thằng Dũng, rể tui? Hắn cũng chưa được về. Mà răng anh biết tui hè?”

Hoàng hơi bối rối, không trực tiếp trả lời câu hỏi của ông, từ tốn nói: “Tụi cháu gặp nhau trong trại cải tạo Bình Điền một thời gian. Sau đó, chuyển trại, mất tin tức nhau. Có thời Dũng bệnh nặng, nằm liệt cả tháng, tưởng không qua khỏi. Bây chừ cô Hồng mần việc chi bác? Có còn đi dạy không?”

Hoàng cố tránh, không muốn để ông cụ biết anh là ai, để đỡ ngỡ ngàng, ông cụ ho khan mấy tiếng, rồi trả lời:

“Có chồng đi cải tạo, ai mà cho dạy nữa! Hắn bị đuổi lên kinh tế mới Nam Đông, ôm theo ba đứa con dại. Nhà cửa bị tịch thu. Chân yếu tay mềm, không biết mần răng mà phá núi, bạt rừng, cuốc đất trồng khoai sắn. E rồi cũng chết đói cả lũ mà thôi.”

Hoàng ngậm ngùi: “Trời đất gió bụi, thì ra ngoài đời, cũng đói khổ không thua chi trong tù!”

Ông cụ nói nho nhỏ:

“Trong tù, mấy anh khỏi lo miếng ăn, tuy đói, nhưng mỗi ngày cũng còn có chút chi cho vào miệng. Ngoài tù, mỗi sáng thức dậy, hoang mang lo lắng lắm, không biết hôm nay có củ khoai, khúc sắn dằn bụng hay không. Nhiều hôm đạp xe thồ, cả ngày chưa có chi ăn, bụng đói, chân rã rời, đạp không nổi, mồ hôi vã ướt toàn thân. Nhiều gia đình, có khi một ngày chỉ ăn một bữa, cũng có lúc, một ngày không có chi ăn. Khổ lắm anh ơi. Người ta nói trời sinh voi, trời sinh cỏ, sai bét. Họ ‘quản lý’ hết cỏ rồi, thì voi cũng nhăn răng.”

Hoàng hỏi: “Rứa thì hôm ni bác đã ăn chi chưa?”

Ông cụ đáp yếu xìu: “Có. Hai củ khoai, cũng tạm dằn bụng, uống nước vô nữa thì cũng tạm no.”

Nghe ông cụ nói, Hoàng cũng hoang mang lo lắng. Không biết rồi mai đây, làm gì để sinh sống. Bỗng nhiên, đôi chân Hoàng rã rời, như không còn sức lực. Khi đi ngang qua chợ Đông Ba, Hoàng dừng xe lại, và nói:

“Mình vô đây uống miếng nước đã bác! Mệt và khát lắm rồi.”

Hoàng cho tay vào túi, mân mê đếm tiền. Nhờ có vợ bí mật tiếp tế cho một ít tiền từ tháng trước. Bên gia đình vợ, chạy hết được ra khỏi xứ từ năm 1975. Chỉ có vợ Hoàng kẹt lại, vì Hoàng không chịu đi.

Hoàng ngồi xuống bên gánh chè, mời ông cụ xe thồ ăn một chén. Ông cụ lắc đầu, bảo ông không có tiền, mà dù có tiền, cũng không phí phạm, chè là thứ xa xỉ trong thời buổi này. Hoàng nói bác đừng lo, cháu đãi bác mà. Ông cụ ngần ngại, rồi cũng ăn. Hoàng thấy mặt ông rạng rỡ, nhai nuốt ngon lành, liếm mép, vét đáy chén, như cả đời chưa bao giờ nếm đến món này. Trong lòng Hoàng, dấy lên niềm thương cảm. Ngày xưa, ông ngăn cản cuộc tình giữa Hoàng và con gái ông, nhưng Hoàng không hề oán giận hay ghét bỏ ông. Hoàng chỉ không ưa cái phách lối phân biệt giai cấp, nghề nghiệp, giàu nghèo. Các con ông đều là bạn của Hoàng. Thằng Quý, con trai đầu của ông là bạn học thời thơ ấu, Hồng là người yêu của Hoàng, các em Hồng là Đạo, Huy, Bê Chị, Bê út. Ngày đó, ông cấm con ông giao thiệp, chơi đùa với trẻ con trong xóm, vì sợ lây nhiễm cái bần của con cái gia đình nghèo. Nhưng rồi mười mấy năm sau, đám con cái nhà nghèo này, có đứa thành giáo sư trung học, đại học, bác sĩ, luật sư, kỹ sư, sĩ quan, hoặc giữ các chức vụ hành chánh trong xã hội. Các con ông, chỉ có Hồng lết lên đến đại học, làm giáo sư. Nhớ các con ông, Hoàng tần ngần hỏi:

“Quý bây giờ làm chi? ở mô hở bác? Có còn làm thơ viết văn không?”

Ông nói với giọng buồn: “Hắn tự tử chết rồi. Ngày xưa hắn chống chiến tranh, trốn quân dịch, bị bắt đi làm lao công chiến trường, rồi bị thương tật. Sau 1975, vì không lao động được, chỉ ăn bám vợ. Thấy vợ vất vả, hộc tốc ngày đêm tối mắt tắt máy chạy kiếm gạo, mà cả nhà cha con đều đói. Hắn tự tử chết cho bớt gánh nặng đè trên vai con vợ khốn khổ. Hắn có viết mấy bài thơ cảm động lắm, ai đọc cũng chảy nước mắt dầm dề.”

Mắt ông cụ đỏ ngầu và ướt. Hoàng thở dài, thầm nghĩ, nếu trong hoàn cảnh của Quý, thì Hoàng cũng chọn cái chết, cất bớt gánh nặng cho gia đình. Hoàng hỏi tiếp:

“Còn Đạo và Huy chừ mần chi? Hình như Đạo có thời đi vô bưng theo ‘mặt trận’ phải không?”

Ông cụ thở một tiếng rất dài: “Đúng, thằng Đạo có thời vô bưng. Sáng con mắt ra. Vỡ mộng, rồi trốn về thành, theo chương trình chiêu hồi. Hắn bặt tăm từ tháng 3 năm 1975, có lẽ mai danh ẩn tích ở một nơi mô đó. Hoặc không chừng đã bị thanh toán gọn rồi. Còn thằng Huy thì bị bắt đi ‘nghĩa vụ quân sự’ đã gởi xác bên Campuchia.”

Im lặng một lúc cho bớt xúc động. Hoàng hỏi tiếp: “Còn Bê Chị, Bê Út chừ ở mô? Đã có chồng con chi chưa?”

Ông cụ nhìn ra xa, và nói như trong mơ: ‘‘Bê Chị bây chừ lang thang, theo đoàn văn công đi lưu diễn đây đó. Có lẽ cũng vất vả, khổ cực, nhưng cũng đỡ đói khát. Hai năm trước, vào dịp Tết, có người gặp nó ở trại Tống Lê Chân, giữa rừng già gần biên giới Miên Việt, trình diễn văn nghệ giúp vui cho bộ đội. Còn con Bê Út thì đi vượt biển không có tin về. Có lẽ cũng xong một đời rồi”.

Hoàng bụm hai tay vuốt mặt. Ông cụ nhìn kỹ Hoàng, rồi chộp vai anh mà lắc, hỏi: “Hoàng! Anh là Hoàng phải không? Trời ơi, thay đổi như ri, thi ai mà nhìn cho ra?”

Hoàng nói nho nhỏ: “Phải, cháu là Hoàng đây. Hàng xóm của bác, và là bạn của Hồng ngày xưa. Cuộc đời đổi thay nhiều quá, không biết mô mà lường!”

Ông cụ thở dài, nói như phân bua: “Anh có tin vợ chồng là duyên số không? Không duyên nợ, thì có vùng vẫy mấy cũng không thành. Này, mà con Thu vợ anh, là một người đàn bà đảm lược và gan lì có hạng, cả xóm ai cũng phục hắn. Bị đuổi đi kinh tế mới, nhất định cố thủ, không đi. Bị cắt sổ hộ khẩu, cũng không sợ. Hắn còn dọa, la toáng lên cho bà con biết, sẽ đốt nhà tự thiêu cùng ba đứa con, nếu bị ép quá. Có lẽ chính quyền cũng sợ nó làm ẩu, mang tiếng.”

Về đến nhà, Hoàng móc tiền ra trả, ông cụ không lấy. Hoàng dúi vào túi ông rồi đẩy đi. Ông quay lại: “Coi như tui nợ anh số tiền ni.”

Cuộc đoàn viên của Hoàng với gia đình sau bốn năm tù tội xa cách đầy cả niềm vui và nước mắt.

Xóm cũ, bây giờ cán bộ miền Bắc vào, tịch thu nhà, ở xen kẽ đó đây. Họ lạnh lùng, ánh mắt nhìn xoi mói như muốn dò xét, kiểm soát xóm giềng. Thu, vợ của Hoàng, trước đây cũng đi dạy học, bị sa thải, vì có chồng đi tù cải tạo, nàng nói với Hoàng:

“Không cho dạy học nữa, cũng không tiếc. Nhờ vậy nên mình mới có thì giờ kiếm được chút cơm cháo, nuôi con sống qua ngày. Mấy đứa còn đi dạy, suốt ngày bận rộn, nào là ‘giáo trình’, nào là ‘đứng lớp’, liên miên học tập chính trị, đêm về còn họp hành đến khuya khoắt. Lại đi làm chiến dịch xóa nạn mù chữ, xuống tận các thuyền đò trên sông, lên tận các miền núi non. Học viên thì bị bắt buộc, cả ngày đã lao động quá mệt, đêm về uể oải, buồn ngủ không muốn học, không muốn nghe. Mình ‘mất dạy’ nên có thì giờ, chạy đến nhà quen, vét mua áo quần cũ bán ra miền Bắc. Mua một, lời hai ba. Người ta nhát gan, không dám ra chợ trời bán, sợ bị bắt, mình đến tận nhà, dù chúng nó biết là mua bán, cũng không tịch thu hoặc kết tội được. Cái xứ gì mà mua bán là ‘mất đạo đức cách mạng’. Đi ăn cướp, thì là có đạo đức cách mạng chắc?”

Hoàng lo lắng: “Em ăn nói nên giữ lời một chút, kẻo mang họạ vô thân.”

Thu đáp: “Em biết chứ, bà Long ở cạnh nhà mình đó, bị tịch thu nhà, và bắt đi tù cải tạo, chỉ vì nói câu: “Đói rách vĩ đại”. Chúng nó kiêng, cho rằng chữ ‘vĩ đại’’ chỉ để dùng riêng cho ông Bác của chúng thôi. Hai năm trước người ta đồn rằng, có thằng học sinh 15 tuổi, bị bắn chết, vì hắn dám kêu là ‘lão Hồ’. Chúng nó là một lũ điên, mù quáng, thờ phượng quỷ sứ.”

Hoàng can: “Thôi thôi em ơi. Nói cho đã miệng, rồi mang họa vào thân, khổ lắm.”

Mắt Thu long lên: “Nếu tất cả mọi người đều đủ can đảm nói lên đúng sự thật, không nói dối, và biết xấu hổ khi nói lời hoang tưởng về xã hội chủ nghĩa, lại không nghĩ một đường, nói một nẻo, thì bọn chúng hết đất sống. Anh xem, xưa nay trong lịch sử Việt Nam, từ thời bị Tàu cai trị, bị Tây đô hộ, có bao giờ dân tình bị khốn khổ, áp bức, hăm dọa, khủng bố, kềm kẹp như bây giờ không?”

Nghe vợ nói, mà Hoàng sợ lạnh cả xương sống. Anh biết mình hèn nhát. Đã không dám làm, mà cũng không dám nói. Anh thầm phục vợ. Đúng, nếu tất cả mọi người đều không sợ, thì chúng nó hố to.

Cái xóm cũ ngày xưa vui vẻ sống động, bây giờ tiêu điều buồn bã. Bọn con trai ngày trước, chỉ còn lác đác vài mạng. Gặp nhau cũng không dám chuyện trò nhiều, chào nhau lạt lẽo, không dám tin, và e dè nhau. Phần bọn con gái thì vẫn còn khá đông, đứa nào cũng xất bất xang bang, đói vàng mắt, chạy gạo nuôi con, nuôi chồng trong tù.

Con Hiền thì ôm con từ cao nguyên về, chồng đi tù, che tấm ni-lông trước hiên nhà bố mẹ chồng, mấy mẹ con chui rúc trong đó. Những đêm đông mưa dầm gió tạt, rét mướt, mấy mẹ con ngồi ôm nhau cho đến sáng. Cả đám rách rưới như tổ đỉa. Mùa đông, lâu lâu thấy Hiền mặc quần ướt, vì chỉ còn một cái, giặt ban đêm phơi chưa khô. Ba đứa con còn nhỏ, Hiền ngược xuôi tất tả, nó như con chim tha mồi về cho đàn con đói. Hiền kể rẳng, nhiều đêm chưa kiếm gì được cho con ăn, nó về rất khuya, con nằm đói lả, nó cũng chưa có chút gì vào miệng, bụng cũng đói meo, nằm ôm con mà nước mắt dầm dề. Hiền có hiềm khích với gia đình chồng, và tự ái, không muốn van xin. Ông bà nhạc gia giận hắn hỗn láo, và có lẽ ông bà cũng đang đói, không giúp đỡ được gì cho lũ cháu nội. Có khi đói quá, nửa đêm, nó gào lớn, kêu tên ông bà nhạc gia ra mà bêu rếu: “ông bà Trang ơi, cháu nội ông bà đang chết đói đây. Ông bà ăn lấy một mình, lòng dạ nào mà nhìn lũ cháu nội chết đói đây!” Bên trong, ông Trang ghé miệng qua song cửa “Suỵt! suỵt! Mi có câm cái miệng lại không? Tau ra đánh cho chết cả đám bây chừ!” Nó thách đố ông, gào to thêm giữa đêm khuya vắng, ông bà xẩu hổ với xóm làng, im lặng chịu thua.

Anh Phú ngày xưa ghét và chống Mỹ, chạy vô bưng. Bây giờ về lại Huế, miệng thì vẫn ca ngợi cách mạng, hoan hô Bác Đảng, nhưng mặt thì buồn tênh, tái mét. Anh cũng đói. ‘Cách mạng’ cũng chỉ phong cho anh cái chức vụ quèn, chạy cờ, vô thưởng vô phạt. Họ còn nghi ngờ anh được Mỹ Ngụy gài vào bưng nữa.

Một buổi sáng Hoàng gặp Lê là bạn cũ, Lê cho biết mấy năm nay không cho lũ con đến trường nữa, vì không muốn chúng học những điều gian dối, láo khoét, học căm thù, học nhỏ nhen ti tiện. Không đi học, thì chúng khỏi tiêm nhiễm những hư hỏng, xấu xa của bọn người rừng thượng cổ đó. Phần Lê, thì giả vờ nửa tỉnh nửa điên, ngày ngày đứng trước cửa nhà chửi đổng, kêu ‘chú’ ông Trời ra mà thoá mạ, cũng còn kiêng kỵ, chưa dám kêu ‘bác’ ông trời, sợ chúng quy chụp phạm húy.

Hoàng hỏi thăm anh Thiên, người anh lớn của Lê, trước đây là thiếu tá Thủy Quân Lục Chiến, mới biết anh đã cùng đồng đội ngồi quanh, rút chốt lựu đạn tự sát tập thể trong cuộc lui quân hỗn loạn vì lệnh lạc bất nhất ngày đó.

Thằng Tiến, bạn cùng lớp với Hoàng ngày xưa, nó hiền như con gái, có ông bố vợ đi tập kết ra Bắc từ 1954 trở về. Ông nắm giữ một chức vụ quan trọng gì đó trong ‘thành ủy’ Bình Trị Thiên, ông đã nhờ đồng chí ngụy tạo cho anh con rể một giấy chứng nhận, là ‘cơ sở’ tức ‘cách mạng’ nằm vùng. Tiến được cất nhắc lên làm giám đốc một công ty sản xuất. Nhờ đó, mà Tiến ôm hết tiền bạc của công ty nhà nước, mua thuyền vượt biên cùng với gia đình hai cô em vợ. Ông bố vợ bị kiểm điểm, mất chức, nhưng ông không buồn. Khi nào người ta cũng thấy ông cười cười như đang có chuyện gì vui. Thiên hạ xì xào ông đã ‘hy sinh đời bố, củng cố đời con’.

Một hôm, vợ Hoàng thầm thì: “Không lẽ mình chịu sống mãi cuộc đời áp bức đen tối không thấy ánh tương lai này sao? Phải làm cái gì chứ! Anh biết không, chị Hương có gặp anh Phong trên xe lửa. Anh ấy bảo là đang cùng bạn bè chiến đấu ‘phục quốc’ ở rừng Tây nguyên. Anh đang đi chiêu mộ bạn bè đồng chí hướng. Trước đây, bằng lòng buông súng đầu hàng, vì nghĩ mấy mươi năm chiến tranh, dân chúng đã khổ lắm rồi, hy vọng thanh bình, dù cho chế độ nào, nhân dân cũng sẽ đỡ khổ hơn. Nhưng không ngờ, hết chiến tranh, còn đói khổ hơn gấp nhiều lần.

Chúng cai trị hà khắc, xía vào từng đời sống riêng tư, muốn kiểm soát chặt chẽ cả tư tưởng, ý nghĩ, sinh hoạt thường ngày. Chính họ đã bắt buộc chúng ta cầm súng đứng dậy, để cởi ách nô lệ nầy. Anh có muốn tham gia không, em bằng lòng để anh đi.”

Nghe mà Hoàng sợ lạnh cả người, và thấy xấu hổ với vợ. Hoàng ấp úng: “Anh sợ quá! Trước đây, chúng ta có cả triệu tinh binh, mà chỉ vì Mỹ thôi viện trợ, hết đạn dược, nên đành chịu thua. Bọn chúng, có cả mấy chục nước trong khối cộng sản tiếp tế, viện trợ không ngừng nghỉ. Chúng ta lấy gì mà chống lại?”

Thu nghiêm mặt: “Lấy gì để chống lại? Chúng ta lấy lòng dân để giành lại đời sống tự do. Trước đây, nhân dân cả hai miền Nam Bắc đều bị chúng lừa bịp ngon ơ. Dân Nam thì chưa hiểu rõ cộng sản là cái quái gì, dân Bắc thì bị nhồi nhét tuyên truyền dối trá. Nay mọi người đều hiểu biết, biết rõ. Lòng dân là ý trời. Nếu có kẻ anh hùng dựng cờ lên tiếng, thì muôn người sẽ về theo như sóng dậy. Lịch sử đã chứng minh từ xưa đến nay, khắp Âu, Á, khi bị bạo quyền cai trị, thì ban đầu, cũng chỉ năm ba người dựng cờ khởi nghĩa, mà đi đến thành công.”

Buổi nói chuyện với vợ hôm đó, làm Hoàng vừa lo nghĩ, vừa sợ hãi, vừa phấn khởi, vừa xấu hổ cho bản thân, những tình cảm đối nghịch này làm anh phát bệnh, sụm luôn mấy ngày.

Thu biết chồng không đủ can đảm và dũng khí để làm đại sự. Cô thúc giục Hoàng: “Nếu không làm được gì cho đất nước, thì phải làm cho riêng mình, cho gia đình, sống trong chế độ này, con người trở thành hèn nhát, nhỏ nhen, ti tiện, dối trá. Phải tìm đường thoát. Không còn lối nào khác.”

Sáu tháng sau, Hoàng xin giấy phép của công an, đưa vợ con về vùng kinh tế mới Cà Mau. Rồi leo lên thuyền ra khơi đi tìm tự do. Khi thuyền bị chết máy, lênh đênh trên biển nhiều ngày. Đói, khát, hết hy vọng sống sót, nhưng Thu vẫn cương quyết nói: “Thà chết trên đường đi tìm tự do, còn hơn là sống với bọn gian ác khốn cùng đó.”

Khi được định cư trên quê người, trong hai mươi mấy năm liên tiếp, Thu đã chắt chiu từng đồng, mua quà gởi về, chia sẻ cho các bạn bè cũ trong xóm, mua gạo cho con cái họ đỡ đói trong thời buổi điên khùng đó.

Tháng 5 năm 2015, kỷ niệm bốn mươi năm đau buồn ‘mất nước’, các cô bạn ngày xưa trong xóm cũ nội thành, nay đều đã thành ‘mệ’, họp nhau tại quận Cam để chung vui hàn huyên. Các bà này đa số đi theo chồng qua Mỹ theo chương trinh tù nhân chiến tranh, một số khác đã vượt biển, một số nhỏ, được gia đình bảo lãnh. Bà nào cũng con cháu đầy đàn. Nhắc lại thời xưa, mà bà nào cũng nước mắt còn rưng rưng. /.

 

Mời nhấp chuột đọc thêm:

- Chuyện làng văn0

- Kho sách0

- Các bài Biên khảo0

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 1l

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 2l

 

Mời nghe Khề Khà Truyện đọc truyện ngắn

"CÔ" SƯỚNG CƯỚI VỢ của Đặng Xuân Xuyến:

Hạ Thái Trần Quốc Phiệt giới thiệu

Cập nhật từ email hathaius@yahoo.com ngày 8/5/2022

Ảnh minh họa sưu tầm từ nguồn: internet

Bài viết là quan điểm riêng của các tác giả.

0 comments:

Đăng nhận xét