NHÂN ĐỌC ‘BÓNG CHỮ’ BÀN VỀ CHỮ VÀ NGHĨA TRONG THƠ - Tác giả: Trần Mạnh Hảo (Sài Gòn)

Leave a Comment

 

NHÂN ĐỌC ‘BÓNG CHỮ’ BÀN VỀ

CHỮ VÀ NGHĨA TRONG THƠ

*

(Tác giả Trần Mạnh Hảo)

Bạch Cư Dị, một trong ba gương mặt lớn nhất Đường Thi, nhân một buổi đẹp trời đã nói về thơ: “Thơ, tình là gốc, chữ là ngọn, âm thanh là hoa, nghĩa là quả”. Chừng như tất cả cây thơ kia đều dồn cho quả ý nghĩa. Các nhà thi pháp học từ Đông sang Tây, từ xưa đến nay, hầu như đều đánh giá thơ Đường vào bậc nhất thế giới, là đỉnh cao nhất của thi ca nhân loại. Xem ra thơ phương Đông từ độ Ly Tao đến giờ, hầu hết đều coi trọng cả chữ và nghĩa. Thơ Tây cũng thế, P. Valéry từng nói: “Thơ là sự giao động giữa âm thanh và ý nghĩa”. Cũng như trong cuộc sống, đã là con người đều phải tự đi tìm ý nghĩa cuộc sống của đời mình.

Nhưng hiện nay, để hiện đại hóa thi ca, có những nhà thơ đang làm hết sức mình để vô ngôn lời nói, vô nghĩa tất cả những con chữ của mình. Nghĩa, với nhiều chiều, nhiều tầng, nhiều bề của nó, từ xưa đến nay, vốn được coi là cái hồn của chữ. Không có nghĩa, chữ, nhìn chung chỉ là cái xác vô hồn. Nhưng, các nhà thơ hiện đại hóa lại có quan niệm ngược lại. Họ bảo chính các con chữ chay, chữ thuần túy kia mới là cái hồn mang mang vô tận, còn cái nghĩa của chữ kia, nghĩa “tiêu dùng” kia, chẳng qua chỉ là cái xác mà thôi.

Vâng, để làm rõ phần nào những điều trên, xin quý vị hãy cùng chúng tôi khảo sát tập thơ “Bóng Chữ” của nhà thơ Lê Đạt, do nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành trong tháng tư năm 1994. Tập thơ gồm một trăm linh tám bài, một trăm bốn mươi ba trang, in đẹp và trang trọng. Lê Đạt đã để ra gần bốn mươi năm nghiền ngẫm, kiếm tìm, thể nghiệm và sáng tạo nên “Bóng Chữ”. Hẳn là với ông, thơ này là trận cuối cùng, được ăn cả, ngã về không. Riêng bản thân chúng tôi, vốn ái mộ Lê Đạt từ khi ông viết bài thơ “Cha Tôi” và một số bài thơ leo thang chống tham ô lãng phí. Nay cầm được tập thơ của một nhà thơ đàn anh tiền phong chủ nghĩa trên tay, bảo người viết bài này không mừng sao được.

Theo ông Vân Long trên báo “Người Hà Nội” số 20 ngày 15/5/1994, trong bài “Lặng lẽ Lê Đạt”, nhà thơ “Bóng chữ” tự gọi mình là phu chữ, đủ biết lao động nghệ thuật của ông cực nhọc và truân chuyên như thế nào. Tuồng như mồ hôi của tác giả qua chữ đã truyền sang người đọc, đến nỗi, có cảm tưởng vừa chứng kiến một trận giác-đấu-chữ rùng rợn, hay trận chiến giữa chàng Don Quichotte – thơ với cối-xay-gió-chữ rất ngoạn mục. Lê Đạt đã im lặng như thóc suốt gần bốn mươi năm, giờ ông mới lên tiếng : “… Nhà thơ làm chữ chủ yếu không phải ở nghĩa “tiêu dùng”, nghĩa tự vị của nó”… “Con chữ trong câu thơ dắt dẫn trên con đường tâm thức ra khỏi lối đi chữ nghĩa…”.

Không chấp nhận lối đi chữ nghĩa trong thơ mà Bạch Cư Dị từng đề cao, phủ nhận ý nghĩa thông thường của chữ, hẳn là Lê Đạt toan thách thức thi pháp truyền thống, đưa thơ vào con đường cùng, vào thế chân tường. Ở chỗ khó khăn và nguy hiểm này, ông gan góc dùng phép vô thức của chữ để đưa thi ca đi xuyên tường, quyết không đi theo kiểu không danh chính ngôn thuận khoan đất của con tê tê. Biến cái không thể thành cái có thể, nếu bùa phép của Lê Đạt làm cho con lạc đà thơ ca chui được qua thiên đàng của lỗ kim tâm thức, chắc chắn ông sẽ trở thành nhà cách tân số một của thơ Việt Nam. Chúng ta thử đọc một số câu thơ khác thường của ông, xem liệu nhà thơ có đạt được ý định:

“… Trắng vỗ ô hồ trúc bạch

Bước động ngày thon róc rách…

(tr. 28)

… “Mấy may thu mắt thủy mặc hồ

(tr. 30)

“Tìm nhà quên mất số lớn khôn

(tr. 6)

“Dắt ông cháu tiểu lích chích trái đồng (tr. 66)

Dù có trích ra đây cả trăm câu, đều từa tựa như vậy. Có nghĩa là Lê Đạt đã viết đúng như ông nói: loại bỏ nghĩa ra khỏi chữ, loại sự hiểu ra khỏi câu thơ, để vô thức chơi trò bịt mắt bắt dê giữa tác giả và người đọc, ngõ hầu lần mò, dắt díu nhau về phía sau của mặt trăng, phía toàn bản năng và những cơn hôn mê ứ ớ. Kể ra, cuộc chơi thơ cầu kỳ và rắc rối này cũng mệt thật, nguy hiểm thật. Lỡ bạn đọc cao hứng, chịu chơi hết mình, thả hết hồn vía cho ma thức, quỉ thức của nhà thơ dắt đi trong hang hốc của cơn thiền, vô phúc tẩu hỏa nhập ma, không thu nổi hồn vía lại thì sao? Nói dại chứ lúc đó, người chơi thơ bị chính thơ bắt mất hồn, như con chữ bị tác giả bắt hết ý nghĩa.

Ở trang 49 của “Bóng Chữ”, Lê Đạt tiếp tục định nghĩa thơ: “Thơ không phải văn xuôi được nâng cấp, mông má tại một mỹ viện. Văn xuôi chủ yếu dựa vào “ý tại ngôn tại”. Thơ khác hẳn, thơ dựa vào “ý tại ngôn ngoại !”.

Không có gì mới trong định nghĩa này, tác giả lầy nguyên châm ngôn của thơ Đường : “thi tại ngôn ngoại”. Mà khi đã chấp nhận câu này, tác giả hẳn phải chấp nhận câu đã trích trên của Bạch Cư Dị bàn về thơ. Nghĩa là, tác giả lại phải đi chung đường với thơ ca truyền thống: tìm thật nhiều nghĩa cho mỗi chữ. Ở đoạn trên, tác giả vừa chia uyên rẽ thúy giữa CHỮ và NGHĨA, sao đột nhiên lại tự mâu thuẫn, thay đổi nhanh thế? Đề cao thơ, vô tình tác giả đã làm phật lòng người anh em văn xuôi, khi vu cho họ đi mỹ viện làm mông má. Lại còn bảo họ: “ý tại ngôn tại” nữa. Họ sẽ bảo : thơ các ông cứ đọc Lão, Trang, văn xuôi của Kinh Thánh, của Đottoiepxki, của Kapla, của gần đây như Marquez xem ý tại ngôn gì?

Kể ra, một con người làm việc quá cỡ như Lê Đạt, thì cái sự tự mâu thuẫn đôi khi trong định nghĩa thơ, âu cũng là lẽ thường. Nhưng ở ngay trang đầu của tập thơ, phần tự mình xưng danh, kể quá trình công tác, rồi nêu khuyết điểm và tự kết luận theo kiểu các vai tuồng khi ra sân khấu phải xưng danh: như ta đây, tác giả đã tự mâu thuẫn, thì quả là có sơ suất.

Bài đầu tiên, tác giả rất khiêm tốn:

“Thành tích

mấy trang giấy sờn

mấy câu thơ bụi…”

(Xưng danh, tr.5.)

Ngay sau đó, trong bài thơ “Quá trình công tác”, cũng ở trang 5, tác giả chợt quên mình vừa đóng vai khiêm tốn :

“… Vậy chữ thăng hoa”

Với sự tự tin vào cái thần chữ của mình, tác giả liệu có trở thành tiên ông của thi ca như câu thơ trên được chăng? Vì vậy, chúng ta cần coi tác giả vảy chữ như thế nào:

“Ai xui em đẹp em xinh

Ba lần con thiến gáy”

(Mới tuổi tr. 25)

Có lẽ, cái chữ đắc địa nhất của hai câu thơ trên là động từ thiến. Câu trên, chỉ có sáu chữ, mà đã hai lần tác giả gọi em, lại còn khen em hai lần vừa đẹp, vừa xinh, đột nhiên câu dưới phang ngay một chữ thiến hết hồn. Mà lại là con thiến, con nào vậy? Ngôn ngữ đầy vẻ dao búa giải phẩu này, ai nỡ đem ra mà thỏ thẻ với người liễu yếu đào tơ? Nhưng không, đây là chuyện con thiến gáy góp vui cho người đẹp. Chỉ có ba con biết gáy là chim, gà và dế. Vậy tác giả định thiến con nào ? Chịu. Đã bảo thơ Lê Đạt không dùng sự hiểu, sự phân tích mà tới được. Nhưng vẫn theo ông Vân Long bài đã trích, Lê Đạt coi câu nói của nhà phân tâm học Pháp Lacan làm câu thần chú: “Vô thức được cấu trúc như một ngôn ngữ”.

Con người tư duy bằng ngôn ngữ. Mà vô thức gần như là âm bản, phiên bản, phó bản của ý thức, của tư duy hay ngược lại? Mặc dù theo Freud vô thức là cơ sở của ý thức ; nhưng muốn vào cõi âm u vô thức, con người phải đi theo ánh sáng của ý thức! Và vì vậy, trong vòm trời của vô thức, cái tinh thần của ngôn ngữ vẫn cứ là phấp phới như cờ. Mà đã nói đến ngôn ngữ là phải nói đến nhận thức, đến sự hiểu, nói đến ý nghĩa. Tóm lại, cái lý luận chối bỏ nghĩa của chữ, rốt ráo, bước vào vô thức, hụt hẫng quá, lại phải vịn tạm vào cấu trúc của ngôn ngữ, tức là vịn vào sự hiểu, vịn vào cái có nghĩa rồi. Trò chơi này giống như logíc: kỳ nhông là ông kỳ đà… Quả thực, cuộc thập tự chinh chống lại cái nghĩa của chữ, nếu không cẩn thận dễ thành tử vì đạo lắm.

Trong một bài in trên tuần báo Văn Nghệ gần đây, chúng tôi cho rằng ý thức chính là con đường độc đạo đến vô thức. Vẫn theo ông Vân Long bài đã dẫn, chính tác giả Lê Đạt cũng phải đọc, phải mầy mò, tìm hiểu mãi, mới phát hiện được vô thức. Nhưng sau khi ngỡ thơ mình đã đạt tới cõi phi giới hạn của vô thức, sao ông nỡ rút ván đắm đò, cắt cầu khi đã qua sông, không cho phép ý thức, kẻ đã cúc cung tận tụy đưa ông đến vườn Eđen này không được phép bén bảng tới chốn phiêu diêu? Xua đuổi cái lý ra khỏi cái phi, cái thực ra khỏi cái siêu, cái thức ra khỏi cái vô, cái nghĩa ra khỏi cái chữ, có khác gì anh xua đuổi cái hồn ra khỏi cái xác, thì thơ ơi, mi tìm đâu ra địa chỉ để đăng ký cái hộ khẩu vốn ma ma phật phật của mình ?

Vô thức trong “Bóng Chữ” đôi khi là những con chữ gợi tình bằng son phấn phân tâm học:

“Chương trình yêu

phiếu đục thừa lỗ nhớ

(tre. 129)

“Yếm trúc mẩy măng đôi núm sừng bò” (tr. 60)

“Đùi bãi ngô non, ngo ngó sông đầy

Mình Lưỡng hà

thoai thoải

vú Đông Sơn”

Cái sự yêu, được tác giả đặt sát sàn sạt cái sự đục và cái sự lỗ, mà nhấn mạnh là lỗ nhớ, hẳn là cái sự siêu thực của ngôn từ đã đạt tới mức cao trào của vũ điệu thoát - y - chữ. Xem ra, cái sự thoát xác của thơ cũng không đến nỗi khó khăn lắm.

Có lẽ, bài thơ “Ông phó ngựa cả” dài đúng 108 câu, ứng với 108 bài trong tập, là bài thơ quan trọng nhất của Lê Đạt. Đến nỗi, ông đã dành cho nó cả một bài thuyết trình, giảng giải có tính nguyên lý, ngõ hầu giúp người đọc biết cách tiếp cận thi pháp vô hình của ông. Tác giả viết: “Và câu chuyện về ông phó cả ngựa biết đâu chẳng là một ngụ ngôn về thi pháp, về truyền thống, về đổi mới… Bạn đọc trước khi bước vào bài thơ xin tạm để lại cách đọc tuyến tính thuần duy lý ở ngưỡng cửa, như người khách bỏ giầy trước khi vào một trà thất Nhật Bản…!”.

Nếu người đọc chỉ học phép tháo giầy kia trước khi vào tiệc trà-thất-thơ, trong khi ông ta vẫn mang theo cái đầu thì thật khó có thể đọc nổi bài thơ Ông phó cả ngựa. Người đọc vào thơ Lê Đạt không phải chỉ tự tháo giầy, mà cần phải tháo bỏ ý thức để thành kẻ mộng du. Bản thân tôi, kẻ tìm hết cách chưa thể vào được bài thơ này, thậm chí tập thơ này, bởi tôi luôn luôn phải mang theo trên mặt hai con mắt. Tôi có thể tháo giầy bất cứ lúc nào, nhưng đừng bắt tôi phải tháo cái nghiệp của mình là óc duy lý, lá thái độ phân tích và phê phán dù là trước cả thơ Lê Đạt đi nữa.

Ông phó cả ngựa”, đúng như quan niệm của tác giả, hầu hết là những câu vô nghĩa ghép vào với nhau, linh tinh, lảm nhảm, như một người bị lú lẫn đã lâu từ bỏ xã hội loài người. Từ bỏ ý nghĩa của từ ngữ, xua đuổi lý trí, không chấp nhận sự tồn tại của nhận thức trong quá trình tạo ra thi ca, tác giả toan đưa người đọc vào một thế giới phi nhân tính. Bởi con người chỉ có thể là chính con người khi nó tự nhận thức được nó và xung quanh.

“Cô trẻ thư người yêu tối qua

Sớm khăng khăng ngựa chim hát

Hỏi ông già đâu

Chừng như ông cũng đương chim hát”

Đoạn thơ này mặc dù hơi lăng nhăng, nhưng nó còn giúp người đọc bật cười vì cái sự ấm ớ rất chim hát của ông già và cô gái. Bởi cô gái trẻ mê ngựa của bác phó quá, tối mới thư cho người yêu, sớm đã khăng khăng ngựa chim hát(!). Đây, chúng ta thưởng thức tiếng vó ngựa gỗ của bác phó, hay chính là ngựa thi pháp của tác giả vì cái sự độc vận quá quắt và cái sự ngựa biết mặc quần:

“Lũ vật lớn bốc

Một đàn lốc nhốc

Guốc khua cốc cốc

Sớm bốn chân thò mộc

Lộc ngộc

Ngựa quần cộc”

Đây là cái phổ biến, cái đặc trưng của thi pháp mới rất hư vô của Ông phó cả ngựa.

“E đường vân tâm cây

khi không phải thớ gỗ

biết đâu chẳng những ghi âm con trống

ơi tình

sớm xuân nào

cứ ai…”

Chợt tác giả kêu lên long, ly, sư, hổ, hươu ra, rồi xuống hàng liên tù tì bằng hai chữ thì long, thì ly… rồi đùng đùng hạ một câu rất vè, rất nôm na: “thì anh cán bộ bảo tàng một hai”.

Luôn luôn có một bầy, lúc chim lúc ngựa gỗ, lúc ngựa thật, lúc lại cô trẻ và ông cụ phó, rồi cứ rối cả lên như một thế giới bị lên cơn, một thế giới bị ma ám cùng ngựa ám:

“nghé nghiêng cô trẻ tay bỗng vỗ

giống cụ phó…”

Chừng như một mình bài thơ Ông phó cả ngựa chưa đủ để tác giả tuyên ngôn thi pháp mới, ông còn chơi tiếp hai ông cụ nữa : ông cụ nguồn dài 102 câu và ông cụ chăn dê dài những 141 câu. Đúng là quá tam ba bận, ba ông cụ này họp thành thế chân kiềng của bếp thơ Lê Đạt, thành tam vị nhất thể của thi pháp mới có tên là ú ớ. Bài “Ông cụ chăn dê” siêu dài này cững được viết bởi phép vô nghĩa như bài trên, mối quan hệ giữa các câu thơ là mối quan hệ của ông nói gà, bà nói thóc lép, họa may mới có câu ra vè dễ hiểu, nhưng nó lại lẩm cẩm, nó không còn một tẹo chất thơ nào:

“Anh kế bổ túc về

biết phép tam suất

đếm đi đếm lại

một con dê trắng… hai con trắng dê

ba con dê trắng…”

May quá, người đọc bỗng lớ ngớ vớ được câu thơ hay: “mấy con dê buồn sừng húc gió”. Nhưng rất tiếc cho công phát hiện của người đọc tội nghiệp, câu thơ này của Lê Đạt đã lấy đến chín mươi phần trăm câu thơ của Hồ Xuân Hương: “Dê cỏn buồn sừng húc giậu thưa” mà người Việt Nam, hầu như ai đi học là đều có thuộc. Vâng, còn đây mới chính hiệu là thơ của tác giả:

“Tay hơi ai một chiếc lông đuôi

Nhịp nửa cầu vồng

Ngã tư áo giải nàng công chúa

Be he Be he”

Quả đúng là tác giả tả dê. Nhà thơ theo chủ nghĩa siêu thực của bậc thầy Apollinaire, nhờ tả tiếng dê đúng đến trăm phần trăm, chợt biến thành đệ tử của chủ nghĩa hiện thực. Tác giả còn phát huy chủ nghĩa hiện thực nhiều lần nữa khi ông be he xuân, be he em. Thậm chí, nhà thơ vô thức đôi lúc lại tỉnh táo đến nguy hiểm khi ông sao chép hiện thực một cách chụp ảnh; như thể ông vừa photocopie cái hồi âm trời xanh:

“Giang cánh cửa trời xanh ông

Chào bác

Tức có hồi âm

Chà… ào… oác”

Thực ra, trong thơ mình, phần lớn Lê Đạt còn sử dụng chủ nghĩa hiện thực không phải như sử dụng đường băng, sử dụng đôi cánh mà sử dụng hiện thực như là ông sử dụng cái thang, cố leo lên xem có tới trời xanh siêu thực. Cách đây bốn mươi năm, cùng với Trần Dần, Hữu Loan… Lê Đạt bắt chước Maiakopxki cũng sắm cho mình một cái thang. Các ông hầu như toàn có làm thơ leo thang, một chữ, hai chữ đã leo thang rồi. Maiakopxki là một tay chơi thang, còn các ông chỉ là những tay leo thang. Maia đã leo, đã chơi hết nấc thang hiện thực, nấc thang số phận của mình và ông không thích leo xuống mặt đất nữa. Lê Đạt mới chỉ leo đến nửa chừng cái thang hiện thực. Và ông đã nhẫn nại leo xuống cho hết mức thang định mệnh. Tất nhiên, ông đã có những thành công nhất định trong thể thơ leo thang của mình. Điển hình như bài thơ “Cha tôi” có in trong tập “Bóng Chữ”. Bài thơ viết năm 1956 này là bài thơ vào loại hay nhất của nhà thơ Lê Đạt. Chúng tôi đã chép tay được bài thơ này hơn ba mươi năm trước, đã thuộc lòng nó, đã đọc lại cho nhiều người nghe. Bài thơ viết tự nhiên như không, không uốn éo, không cố ý rặn ra trò chơi chữ, đẽo chữ, mạ chữ, phá chữ, cuồng chữ, ngộ chữ và mụ chữ. Thơ cũng như tình yêu, tình dục không chấp nhận sự cố gắng, sự gồng lên, sự tỏ ra hoặc biểu diễn.

Trở lại vấn đề chủ nghĩa hiện thực là cái thang của Lê Đạt. Trong tập “Bóng Chữ”, về hình thức, nhà thơ vẫn còn sử dụng thể thơ leo thang, nhưng không leo một cách quá quắt như bốn mươi năm trước. Trong tinh thần của tập thơ, người đọc có cảm tưởng như tác giả bị ngộp trước vô thức, trước siêu thực. Ông toan phủ nhận chủ nghĩa hiện thực nhưng lại vẫn cứ rơi vào vòng tay của hiện thực. Trên con đường tìm tòi cực nhọc và khổ ải của mình, Lê Đạt bắt chước con chim chạy trên mặt đất lấy đà, cố sức xòe đôi cánh bay lên trời vô thức. Nhưng ông vẫn vác cái thang cố hữu của mình, không phải để leo, mà để làm đôi cánh. Cái thang hiện thực xưa không còn để leo nữa, mà để bay. Nhưng cái thang nặng quá, nó không biết cách mọc lông. Và thật là cảm động, Lê Đạt vẫn vác chiếc thang để chạy bộ hầu suốt tập thơ của mình. Tôi cầu chúc bằng đôi cánh của cái thang kia, biết đâu, trong một tập thơ khác, ông lại chẳng bay vút lên trời siêu thực như con chim của P. Galuco.

Một đặc điểm kỳ khu của tập thơ này là mỗi câu thơ, mỗi bài thơ, ta có thể đọc xuôi từ trên xuống, rồi đọc ngược từ cuối câu, cuối bài lên, thậm chí có thể đọc từ giữa câu, giữa bài, hoặc bỏ các câu thơ, các bài thơ vào xóc như xóc đĩa, đoạn tha hồ, muốn đọc ngược xuôi ngang dọc gì cũng thế. Ví dụ câu: “Nó anh em gì chó đăm chiêu Kim Tự Tháp” (tr. 63). Ta thử đọc ngược câu thơ này xem có xuôi hơn đọc xuôi không : “Kim Tự Tháp đăm chiêu chó gì anh em nó”. Một ví dụ khác: “Líu lô em quái chiều” đọc ngược thành “quái chiều em líu lô” cũng chẳng sao. Ví dụ thứ ba: “đánh mới nước lần đôi xăng đá” nếu đọc ngược lại, tôi ngờ rằng còn thuận tai hơn: “Xăng đá đôi lần nước mới đánh”...

Một đặc điểm kỳ khu thứ hai của nghệ thuật dùng chữ của “Bóng Chữ” là tác giả ưa chơi chữ ngược, chữ đảo. Ví dụ nghĩa trang thì ông dùng ngược thành trang nghĩa (tr. 99), ngoại ngữ thành ngữ ngoại (tr. 35), đời anh thành anh đời… Ông chuộng lạ tới mức lập dị khi dùng chữ: một chị mẹ, phố nhau đầu, Hít Níchsơn, mẫu tự suối, mót xoan, ruốc mộng, tín dụng xanh, tu ngủ, trời ghẹ xanh, ếp ếp, sự ngựa, trời mênh chim, vú mầm, xoan chơi, thuyết minh xanh… Có lẽ, tác giả nên làm thêm một cuốn tự điển riêng để người đọc tra cứu khi phải đánh vật với chữ nghĩa của ông để tìm ra phép đọc “Bóng chữ”!. Khi tìm ra cách nói khá lạ tai, ông thừa thắng xông lên, dùng nhiều lần quá hóa ra nhàm, hóa ra thiếu chữ phải lặp lại cái anh lạ đã hóa quen từ tám hoánh. Trong tập thơ, chúng ta đã đếm được 41 lần tác giả dùng từ xuân, 26 lần dùng từ mộng, chưa kể sáu lần điệp chữ Bích Câu cũng là một dạng mộng, bảy lần lặp lại chữ heo may và 13 lần lặp lại từ môi má… Lê Đạt rất mê chữ rất. Ông lặp đi lặp lại chữ rất : rất Đường, rất ô, rất hồ, rất em, rất cao, rất mực, rất sự mê… Đôi khi, ông cao hứng chơi âm chữ nước ngoài ra thành Việt ngữ một cách hơi dễ dãi, bình dân: như mimôza hóa thành mimôixa (tr. 75) và xôlô thành xe lô (tr. 76).

Theo ông Vân Long bài đã dẫn, từ năm 1967, về Hà Nội, Lê Đạt đã vùi mình trong thư viện với một loạt sách do hội Việt kiều bên Pháp gửi về, viết về những năm năm mươi của nước Pháp. Thuở đi học, nhà thơ đã trôi theo chủ nghĩa lãng mạn Pháp, rồi chủ nghĩa ấn tượng cũng Pháp nốt. Nay ông bắt đầu mê say với chủ nghĩa siêu thực, chủ nghĩa hiện sinh và chủ nghĩa cấu trúc. Đối với nước Pháp và phương Tây, các thứ chủ nghĩa đến và đi như thủy triều, như mốt quần áo. Khi họ đã chán, họ đã bỏ đi tìm mốt mới thì người mình mới biết và bắt chước một cách thành tâm. Việc đưa thơ ca Việt Nam vào cuộc thí nghiệm chạy maratông với thơ tây, hóa ra, lại là điều phiêu lưu và vô vọng. Bởi, ngay cả chủ nghĩa cấu trúc, giờ đây cũng thành thứ chủ nghĩa nghĩa địa rồi. Vâng, chúng ta đang mê xe honđa nghĩa địa của Nhật Bản, nhưng triết học nghĩa địa, thơ nghĩa địa của phương tây thì cần phải bàn cái đã.

Có lẽ, Lê Đạt và mấy người bạn ông muốn làm cuộc lai giống giữa thơ tây và thơ ta chăng ? Nhưng cách lai giống kiểu Mitxurin và Lưxencô chỉ có thể tạo ra một hình thức của giống mới, nhưng là một thứ mới què quặt và bệnh hoạn, dù rằng cái giống mới của thơ ca đi chăng nữa. Nhà thơ ơi, muốn có một loài thơ mới, chúng ta cần phải theo phương pháp di truyền và biến dị của Mangđen và Moọcgăng. Nhưng ông Trần Dần, người bạn cách tân thơ của ông Lê Đạt đòi chôn thơ mới thì lấy đâu ra di truyền để lại Gen-thi-pháp của các ông biến dị?

Mặc dù có tất cả những điều trên và nhiều điều chưa tiện nói ra, công cuộc lao động nghệ thuật tạo ra “Bóng Chữ” của ông Lê Đạt quả thực vẫn là một thí nghiệm đáng trân trọng. Chúng tôi rất vui mừng tìm thấy trong dòng chữ vô nghĩa xô dạt theo một thứ vô thức mà chỉ mình tác giả có, đã được một số câu thơ hay:

“Chiều gió cả

tiếng ngàn xưa khản lá”

(Cỏ lú - tr.125)

“Khi gió mùa anh đi

Sang sông tìm nắng khác

Mẹ già anh ngơ ngác

Lưng còng đau gậy tre”

(Gốc khế – tr. 17)

Hoặc trong bài “Hà Nội B52”, có hai câu thật thích:

“Nu nú ngồng non

chiều lú bú

Mắt chiến hào ai biếc ụ tầm xuân”…

Hoặc một câu thơ thật thi sĩ trong bài “Anh ở lại”:

“Chiều ngậm mãi một nỗi chim rời tổ…”

Khi tác giả viết: “đét đùi ông cụ nét hơ hớ” thì thô và bí hiểm nhưng khi ông nhìn cột điện thì tuyệt hay: “Cột đèn rớm điện”. Có lẽ, với độc một câu thơ này, tác giả đã tự họa chân dung của mình và gởi đến người đọc nỗi niềm của cả tập thơ “Bóng Chữ”. Những câu thơ hay như thế này trong tập thơ quả tình là hiếm lắm. Những câu thơ như thế bao giờ cũng biết cách chọn một lối đi khôn ngoan nhất, thần tình nhất đến lòng bạn đọc. Nó chảy len lỏi như vắt suối, như khói sương giữa siêu và thực, giữa vô và thức, giữa cảm và nhận, giữa linh và nghiệm và cái rốt ráo là nó phải len lỏi qua giữa CHỮ và NGHĨA. Vâng, tôi xin nhấn mạnh, nó – những câu thơ hay chính là những đứa con tuyệt đẹp trong cuộc hôn phối giữa chữ và nghĩa. Nếu loại nghĩa ra khỏi chữ như quan niệm ban đầu của Lê Đạt, thì thương thay cho con chữ kia sẽ phải sống đời góa bụa. Chữ, dù tuyệt mỹ đi nữa mà không biết sinh nở, chữ đó tuyệt nhiên không phải là chữ của thi ca.

Thơ chuộng lạ là thứ thơ chưa đích thực. Đã là đàn bà thì phải đẹp, đã là thơ thì phải hay. Hay, đó mới là cái đích đến của thi ca. Tại sao chúng ta cứ muốn đùn đẩy cho thơ ca vào hết cái rọ hiện thực rồi siêu thực, ý thức hoặc vô thức ? Trong cuộc đời, con người không thích bị đưa ra làm thí nghiệm hay bị làm rắc rối, đùn đẩy vào lu lọ để thử thách khảnăng sống còn và khả năng hồi sinh của mình. Thơ ca cũng thế, nó cũng muốn được sinh ra giản dị hồn nhiên như trời đất.

Bằng sự thể nghiệm gan góc và quyết liệt của mình, Lê Đạt đã dũng cảm đưa thơ vào thế chân tường để mong tìm một lối thoát hi hữu bằng khả năng xuyên tường của vô thức. Các con chữ của ông phải đánh bốc đến sứt đầu mẻ trán mà bức tường kia hình như vẫn cứ lù lù ra đấy. Có lẽ, ông phải đưa con bài cuối cùng là cái thang của chủ nghĩa hiện thực ra, nếu ông còn muốn vượt bức tường?

 

Mời nhấp chuột đọc thêm:

- Chuyện làng văn0

- Kho sách0

- Các bài bình thơ0

- Các bài bình văn0


Mời nghe Đặng Xuân Xuyến đọc bài thơ QUÊ NGHÈO:

*.

TRẦN MẠNH HẢO

Địa chỉ: 21/22 Xuân Thủy, phường Thảo Điền,  

quận 2, Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh.

Email: cokhicon@gmail.com

Điện thoại: 091 841 00 42

 

 

 

 

.............................................................................................................

- Cập nhật từ email: tahongtruong@yahoo.com.vn, ngày 13.10.2017.

- Ảnh dùng minh họa cho bài viết được sưu tầm từ nguồn: internet.

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại. 

0 comments:

Đăng nhận xét