THƠ VỚI NGƯỜI ĐỌC
TRONG QUAN NIỆM CỦA
CHẾ LAN VIÊN
*
Nói đến thơ là nói
đến mối quan hệ giữa Nhà thơ – Tác phẩm – Người đọc. Trong đó, mối quan hệ giữa
nhà thơ và người đọc là mối quan hệ đặc biệt. Theo Chế Lan Viên, “giữa tác giả
và độc giả có mối quan hệ tri âm tri kỷ, nghe một chữ cũng hiểu nhau, có khi
chỉ cần hiểu ngầm”.
1. Nhà thơ - Người đọc: Niềm khắc khoải
tri âm
Khi nói về mối quan hệ giữa nhà thơ và độc giả, Edward Hirsch đã viết:
“Nhiều nhà thơ đã nắm lấy ý Kinh Thánh Tân Ước “Khởi thuỷ là lời”, nhưng tôi
thích ý kiến của Martin Buber trong “Tôi và bạn” hơn rằng: “Khởi thuỷ là những
mối quan hệ”.
Thật vậy, “khởi thuỷ các mối quan hệ” vì có mối quan hệ mới tạo ra lời.
Trong thơ, điều ấy lại càng có nghĩa. Nói đến thơ là nói đến mối quan hệ giữa
Nhà thơ – Tác phẩm – Người đọc. Trong đó, mối quan hệ giữa nhà thơ và người đọc
là mối quan hệ đặc biệt. Theo Chế Lan Viên, “giữa tác giả và độc giả có mối
quan hệ tri âm tri kỷ, nghe một chữ cũng hiểu nhau, có khi chỉ cần hiểu ngầm”.
Ông còn chỉ rõ: đây là mối quan hệ biện chứng. Người đọc là niềm khắc khoải tri
âm của nhà thơ: “Tuổi tên là phù vân/ Ông chỉ mong ta bền một chữ tâm/ Nhỏ
một giọt sương người trên khoé mắt/ Cái Nguyễn chờ là giọt lệ hồi âm”. (Lệ
hồi âm). Và ngược lại, nhà thơ cũng chính là niềm khắc khoải tri âm của người
đọc:
Bạn đọc cần những bài thơ như tâm hồn thứ hai của họ.
Ngoài tâm hồn họ ra, họ cần thêm một tâm hồn.
Sao anh tả cảnh, tả nhà, tả ao, tả phố…
Để thêm anh vào họ rồi, cho họ trăm thứ rồi, họ vẫn
cô đơn.
(Thơ và bạn đọc)
Riêng về mối quan hệ giữa người đọc với nhà thơ, Chế Lan Viên còn chỉ
rõ: “Người đọc tìm đến nhà thơ, là để đòi hỏi một cách sống, không phải chỉ
hỏi lý tưởng như với một nhà triết học, mà hỏi cách cảm xúc, cách thương, cách
nhớ, cách giận, cách ghét như với một người yêu”. Bởi lẽ nói đến sáng tạo
và tiếp nhận là nói đến cuộc đối thoại giữa tác giả và người đọc thông qua tác
phẩm. Cuộc đối thoại ấy là cuộc đối thoại của những kẻ tri âm, của những tâm
hồn đồng điệu tìm đến những tâm hồn đồng điệu. Quan niệm này của Chế Lan Viên
cũng tương đồng với quan niệm của Tố Hữu: “Thơ là chuyện đồng điệu. Nó là
tiếng nói của người nào đó đến với những người nào đó có sự cảm thông chung dựa
trên cơ sở đồng ý, đồng tình” và rất gần với quan niệm: “bài thơ là sợi
dây truyền tình cảm cho người đọc” của Nguyễn Đình Thi. Thật ra quan niệm
về mối quan hệ tri âm của Chế Lan Viên cũng như của Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi đều
bắt nguồn từ quan niệm tri âm của lý luận tiếp nhận truyền thống phương đông:
“Tri âm thực là khó thay, cái âm thực là khó biết, người biết thực là khó gặp.
Gặp được người tri âm nghìn năm mới có một lần” (Lưu Hiệp). Song điều đặc
biệt của Chế Lan Viên ở đây là ông đã tiếp nhận nó một cách linh hoạt trên cơ
sở kết hợp với quan niệm tiếp nhận hiện đại. Với Chế Lan Viên, tri âm là chuyện
để suy tư, để suy tưởng, để đối thoại giữa nhà thơ và người đọc. Và mỗi độc giả
có một cách đọc khác nhau tuỳ vào tuổi tác, tâm lý, vị thế xã hội,… của mình: “Đọc
thơ, có người như nhà thực vật/ Đọc mùa quả, hoa chói mắt/ Có người như nhà địa
chất/ Đọc ngầm cái gì ở sâu trong đất,/Cái mạch ngầm văn bản phía sau văn./ Kẻ
đọc dương, người lại nghe cái âm âm./Cái nhạc trưởng chỉ huy trong tiềm thức”
(Đọc thơ mạch ngầm văn bản). Tuy không đề cập đến “tầm đón đợi của người đọc”,
một phát hiện có tính chất hạt nhân của mỹ học tiếp nhận, nhưng quan niệm của
Chế Lan Viên rất gần với quan điểm của lý luận tiếp nhận hiện đại phương Tây.
Và cũng xuất phát từ quan niệm mới về người đọc, mà quan niệm về mối
quan hệ tri âm giữa nhà thơ với người đọc của Chế Lan Viên là quan niệm mở, chứ
không khép như quan niệm truyền thống. Với Chế Lan Viên, muốn có tri âm nhà thơ
phải chủ động hướng đến các loại người đọc:
Làm thơ có lúc như lấy người điếc lác ù tai làm bạn
tri âm,
Cứ phải hét vào tai những tiếng nói thầm.
Làm thơ có lúc là thi sĩ câm
Ra hiệu bằng tay, bằng mắt, bằng toàn thân,
Đóng kịch để nói điều rất thật
(Tri âm)
Và cái gốc của tri âm theo ông chính là ở tấm lòng, là sự cảm thông, độ
lượng, đồng cảm: “Người đọc người, thương nhau/ Ta cần chi giữ kẽ/Ai tri âm
tri kỷ/ Xin mở lòng trời bể/ Gặp mỗi dòng mỗi ý/ Tìm lòng ta phía sau” (Đề
từ).
Chế Lan Viên đã viết hàng loạt bài thơ về đọc Kiều, đối thoại với
Nguyễn Du, Nguyễn Trãi như: Đọc Kiều; Nghĩ thêm về Nguyễn; Lệ hồi âm, Kỷ
niệm Nguyễn Du; Đọc Kiều một ngày kia; Thơ Nguyễn Trãi… Dù là cách biểu
đạt khác nhau nhưng tất cả những bài thơ ấy đều thể hiện quan niệm vừa truyền
thống vừa hiện đại về mối quan hệ giữa nhà thơ và người đọc-một vấn đề của lý
thuyết tiếp nhận. Tuy nhiên, người đọc trong quan niệm của Chế Lan Viên xét
trong quan hệ với nhà thơ không chỉ là tri âm mà còn là người đồng hành trong
sáng tạo thơ ca.
2. Nhà thơ – Người
đọc: Sự đồng hành trong sáng tạo thơ ca
Lý thuyết tiếp nhận hiện đại đã chỉ ra rằng: người đọc không chỉ là
người tiếp nhận tác phẩm một cách thụ động mà là người lấp đầy khoảng trống
trong tác phẩm, là người đồng sáng tạo với nhà thơ bởi “Mỗi tác phẩm văn học
là một tiếng gọi” (J.P. Sartre). Đây chính là tính chất mở của văn bản nghệ
thuật, là “điều kiện của mọi sự thưởng thức thẩm mỹ, và tất cả mọi hình thức
thưởng thức, nếu mang giá trị thẩm mỹ đều mở” (Umberto Eco). Không biết Chế
Lan Viên đã tiếp cận lý thuyết tiếp nhận hiện đại ở thời điểm nào hay là sự gặp
gỡ của những tư tưởng lớn? Chỉ biết rằng những câu thơ ông viết về người đọc
như là sự chuyển hoá ngôn ngữ lý luận sang ngôn ngữ hình tượng và biểu cảm của
thơ: “Rồi tác phẩm rời anh như con thuyền rời bến/ Sống cuộc đời riêng anh
không dự kiến/ Nó trôi đến các thời gian xa, những năm tháng mơ hồ/ Với ngọn
gió anh thổi vào buồm trang giấy lúc xa bờ./ (…) / Nhưng từ đấy bổ sung anh,
đối lập anh, tác phẩm sống riêng mình/ May ra người ta tìm ở đáy thuyền, hạt
gạo, đó là anh” (Con thuyền).
Như vậy, trong quan niệm của Chế Lan Viên, người đọc hiển nhiên trở
thành người đồng sáng tạo với nhà thơ. Và sự sáng tạo của người đọc nhiều khi
tạo ra cho tác phẩm những ý nghĩa mới mà chính tác giả, người sáng tạo ra tác
phẩm cũng không ngờ đến. Điều này cũng rất gần với quan niệm của nhóm Xuân Thu
Nhã Tập: “Làm xong một bài thơ, người thi sĩ chưa thể gọi đã hoàn tất sáng
tác của mình mà phải chờ đợi một tác giả thứ hai, tức là độc giả”. Việc
đồng sáng tạo của người đọc cũng là một quy luật tất yếu trong tiếp nhận thơ
ca. Bởi vì “không nên quan niệm tác phẩm như một cái gì đó cố định, bất
biến, trái lại về hình thức cũng như về nội dung, nó mang ý nghĩa của một cuộc
đối thoại” (Huỳnh Như Phương). Và cuộc đối thoại trong tác phẩm thơ chính
là cuộc đối thoại giữa tác giả và người đọc mà trong đó người đọc là người đồng
sáng tạo, là người viết tiếp những trang thơ, là đối tượng mà nhà thơ luôn
hướng đến. Điều này đối với Chế Lan Viên không chỉ là quan niệm mà còn là một
tâm niệm, một ý thức trách nhiệm của người cầm bút: “Tôi viết cho ai? Cho cả
mọi người” (Nghĩ về thơ).
Chế Lan Viên trong quan niệm của mình đã tự nguyện lấy người đọc làm
động lực sáng tạo. Vì thế đối với ông, nhà thơ cần phải quan tâm đến người đọc,
phải xem những nhu cầu của người đọc là mục đích sáng tạo của thơ ca: “Tả
một môi son, có khi anh chỉ nói sắc sen hồ/ Phải giấu tình cảm của anh đi như
ém quân trong rừng vắng/ Chỉ vì anh nghĩ đến người độc giả mai sau có cái thú
đi tìm vàng trên trang giấy /Đang bơi thuyền giữa sen hồ bỗng bắt gặp môi son”
(Tín hiệu).
Văn Cao khi bàn đến vai trò của người đọc đã viết: “họ không muốn
nghe lại những lời đã cũ như không muốn mua lại những đồ cũ mà họ thải đi từ
lâu rồi”. Như vậy, cả Văn Cao và Chế Lan Viên cũng đều nhận ra rằng: những
đòi hỏi của người đọc chính là động lực để nhà thơ phát huy cá tính sáng tạo
của mình. Và bởi người đọc là người đồng hành trong sáng tạo, là động lực sáng
tạo của nhà thơ nên chính người đọc cũng là người quyết định số phận của thơ
ca.
3. Người đọc, “vị
quan toà” quyết định số phận của thơ ca
Khi bàn đến vai trò của người đọc trong việc thẩm định giá trị của thơ,
Chế Lan Viên đã chỉ ra rằng: “Và những giọt lệ rưng rưng trên mi người đọc/ Ngọc
của người còn trong gấp mấy/ Ngọc thơ anh”(Lệ ngọc). Và khi người đọc trở
thành nhân tố quyết định sự sáng tạo của nhà thơ, thì theo ông, họ có quyền
tiếp nhận hoặc không tiếp nhận thơ nếu thơ ấy không phải là thứ tinh hoa được
kết tinh từ tài năng và lao động nghệ thuật của nhà thơ, nghĩa là họ có quyền quyết
định sự tồn tại của nhà thơ và xác quyết giá trị của thơ:
Ôi! chỉ cần một độc giả dù vô tâm đến mấy
Là cũng đủ cho nhà thơ thoát khỏi vạc dầu
Và bay lên chín tầng cao.
(Sợ nhất)
Chính vì nhận thức sâu sắc điều này nên Chế Lan Viên luôn trăn trở khi
nghĩ về mối quan hệ giữa nhà thơ và người đọc: “Nghìn lẻ một câu thơ viết
ra, người ta quên cả một nghìn/ May lẻ một có người còn nhớ đời nhớ mãi/ Nếu lẻ
hai, lẻ ba, lẻ tư nữa thì hay quá/ Ấy thế mà đã được nghìn câu đâu, mong lẻ nỗi
gì?” (Nghìn lẻ). Không những thế, trong quan niệm về mối quan hệ Nhà thơ - Người
đọc, Chế Lan Viên còn đề cập đến một loại người đọc đặc biệt đó là nhà phê
bình. Ông cho rằng quan hệ giữa nhà thơ với nhà phê bình như quan hệ vợ chồng:
“Nàng yêu chồng, hẳn thế rồi, nhưng đôi khi thường e ngại ông ta và nàng
thích đi dạo một mình… Nhưng làm sao nàng ta có thể sống không có anh ta được
chứ, anh ta với tất cả khuyết điểm đáng yêu đáng ghét của mình” (Thơ và phê
bình), như là quan hệ bè bạn: “Thơ và phê bình, phê bình và thơ, chỉ có hai
bạn trên đường ấy thôi mà. Trái tim và khối óc, cái cá nhân và cái xã hội, ý
thức và vô thức, thơ và phê bình, đấy chỉ là hồng cầu và bạch cầu của một sức
khoẻ chung”. Chế Lan Viên cũng đã phân định rõ các loại nhà phê bình: “Nhà
phê bình đại diện cho lý trí, không phải thứ lý trí hách dịch, ba hoa, thứ lý
giết chết cả thơ lẫn lý “càng luận vào càng đuối lý ra” mà đó là “một thứ lý
biết điều, có lý có tình, nhân hậu, nó là người tâm sự của chính tác giả”.
Ông cho rằng nhà phê bình thơ vừa phải có “tâm” nhưng cũng cần phải có “tầm”,
phải có năng lực cảm thụ thơ để “phê bình có thể thấy xa, chỉ vì nó đã được
hứng cảm bởi hồn thơ không có thơ trong hồn, anh chỉ có thể thốt lên những lời
càu nhàu, chửi rủa, chứ đâu có phải phê bình”. Chính vì thế, điều ông sợ
nhất là kiểu phê bình xoi mói, thiếu thiện chí, sẵn sàng ném nhà thơ vào vạc
dầu của quỉ: “Sợ nhất khi xuống địa phủ, bên vạc dầu của quỷ/ Lại thi nhân
cùng thi nhân chạm trán, va đầu./ Nếu bên vạc dầu có nhà phê bình cầm roi càng
nguy hơn nữa/ Dẫu nhà thơ có chạy trốn đi thì phê bình gia cũng tóm cổ ném vào!”
(Sợ nhất). Quan niệm về nhà phê bình như một đối tượng tiếp nhận của Chế Lan
Viên cũng là một điểm nhìn rất gần với lý thuyết tiếp nhận hiện đại. Và đây
chính là những nét độc đáo trong quan niệm của Chế Lan Viên về quan hệ giữa thơ
với người đọc.
Mặt khác, ở bình diện quan niệm của Chế Lan Viên về quan hệ Nhà thơ và
Người đọc cũng có sự vận động. Nếu trước kia trong Điêu tàn, người đọc
trong quan niệm của Chế Lan Viên cũng phải khác thường, nghĩa là: “Đọc
tập Điêu tàn này xong (…) mà cái Buồn, cái Chán, cái Hãi hùng cùng ùa
nhau đến bọc lấy hồn anh làm cho anh phải cười, phải gào, phải khóc, thì xin
anh chớ hẹp hòi gì mà cười cho mênh mang, gào cho vỡ cổ, khóc cho hả hê rồi gửi
cái cười, cái gào, cái khóc ấy cho không trung” thì về sau này, đặc biệt là
từ khi đi theo cách mạng và kháng chiến, quan niệm về Nhà thơ - Người đọc của
Chế Lan Viên đã có sự thay đổi. Nhà thơ bây giờ không còn là Tinh, là Ma…mà là
con người trần thế gắn số phận mình với số phận nhân dân, và người đọc trong
thơ ông lúc này là những người bình thường gần gũi, nhà thơ sáng tác là để
hướng về họ, dành cho họ:
Những phong thư anh gửi cho hư vô đều bị trả về
Dù tem vẽ các vĩ nhân, thần thánh.
Chi bằng anh đưa cho cô hàng xóm ở hàng rào bên cạnh
Viết cho người độc giả bình thường gần gụi đọc thơ anh.
(Thơ cao cả)
Tóm lại: Cũng như Xuân Diệu, Nguyễn Đình Thi, Tố Hữu, Văn Cao… Chế Lan
Viên đã thấy được vai trò của người đọc trong việc tiếp nhận thơ ca. Nhưng nếu
các nhà thơ khác chú trọng đến sự tác động của nhà thơ đối với người đọc: “Người
làm thơ biết thành lập cho mình một cá tính trong suy nghĩ, trong tình cảm,
trong cảm giác những điều mới lạ bao nhiêu là làm phong phú thêm cho người đọc
về mặt tư tưởng cảm xúc hay cảm giác. Người đọc bị cuốn sau cùng vào cái khuynh
hướng của nhà thơ” (Văn Cao) thì Chế Lan Viên lại chú trọng đến sự tác động
của người đọc đối với quá trình sáng tạo của nhà thơ. Người đọc trong quan niệm
của ông là người quyết định sự tồn tại của thơ ca và ảnh hưởng đến tư duy sáng
tạo của người nghệ sĩ. Và điều sợ nhất với ông là “không có độc giả”, không có
người đồng cảm với nhà thơ nghĩa là không có người nối dài cuộc sống cho những
câu thơ: “Chả có gì sủi tăm ở cái hồ lãng quên anh ném câu thơ vào đó/ May
ra thế kỷ sau, từ viên sỏi thơ anh sủi lên giọt máu như máu con bông bống/ ”Bống
bống bang bang!”… Sẽ có người đến bên hồ mà gọi thơ anh/ Câu thơ trồi lên, đáp
lại tiếng gọi mình” (Sủi tăm). Và chính điều này tạo nên sự độc đáo trong
quan niệm về thơ của Chế Lan Viên, chi phối mạnh mẽ đến quan niệm thơ của ông
không những ở bình diện thơ với người đọc mà còn ở nhiều bình diện khác của
thơ.
Mời nhấp chuột đọc thêm:
- Đặng Xuân Xuyến
- Cảm nhận thơ văn 1l
- Đặng Xuân Xuyến
- Cảm nhận thơ văn 2l
Mời nghe Audiobook đọc truyện ngắn
CHUYỆN CỦA GÃ KHỜ của Đặng Xuân Xuyến:
Nguyễn Toàn Thắng giới thiệu
Tác giả: Trần
Hoài Anh - nguồn: vanvn.vn
Ảnh minh họa sưu tầm từ nguồn: internet
Bài viết là quan điểm riêng của các tác giả.
0 comments:
Đăng nhận xét