CẦN VINH DANH NHỮNG NGƯỜI
ĐÃ HY
SINH KHI BẢO VỆ HOÀNG SA
*
Đặng Xuân Xuyến giới thiệu
Ảnh minh họa sưu tầm
từ nguồn: internet
Bài viết là quan điểm
riêng của các tác giả.
Tiến sĩ Nguyễn Nhã, tác giả
của nhiều công trình khoa học nghiên cứu về lịch sử xác lập chủ quyền của Việt
Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cho rằng nhân dịp 40 năm trận
Hải chiến Hoàng Sa, việc vinh danh những con người đã từng ngã xuống bảo vệ
Hoàng Sa là cần thiết, để từ đó đoàn kết dân tộc nhằm đòi lại chủ quyền vùng
đảo thiêng liêng này.
“Nếu phải chờ đến ngàn năm
để giành lấy Hoàng Sa, chúng ta vẫn sẵn sàng”, ông Nhã khẳng định.
‘Khóc khi nhắc đến Hoàng Sa’
Sắp tới là dịp 40 năm xảy ra
trận Hải chiến Hoàng Sa. Suốt cuộc đời nghiên cứu về Hoàng Sa, Trường Sa, ông
nhìn nhận như thế nào về trận hải chiến này?
Trận chiến xảy ra vào ngày
19.1.1974, lúc đó tôi đang là chủ biên Tập san Sử Địa. Khi đó tôi đã quyết định
ra số đặc khảo nghiên cứu về sự thật chủ quyền ở Hoàng Sa. Ngay lúc đó, tôi ý
thức việc Trung Quốc dùng vũ lực để chiếm đóng toàn bộ quần đảo Hoàng Sa là sai
trái. Một năm sau trận chiến Hoàng Sa, tôi cùng với một số tổ chức khác trưng
bày sử liệu minh chứng chủ quyền Việt Nam ở Hoàng Sa.
Mới đây khi sang Úc, nói
chuyện ở Đại học Melbourne, tôi thấy ban tổ chức chiếu phim tư liệu của Đài
truyền hình Đồng Nai về Hải chiến Hoàng Sa. Điều này khiến tôi và những người
có mặt ở đó rất xúc động. Có người đã ôm chầm lấy tôi mà khóc.
Với những gì đang diễn ra,
tôi cho rằng đây là điềm lành cho Việt Nam. Khi tôi nói chuyện tại thư viện ở
San Jose ở Mỹ, tôi nói rằng người Việt Nam cần phải bừng tỉnh.
Nhớ có lần ông Phó tổng lãnh
sự Mỹ mời tôi và một số chuyên gia đến nói chuyện. Ông có hỏi tôi về sự kiện
Hoàng Sa năm 1974. Với góc độ người làm lịch sử, đi tìm kiếm sự thực, tôi trả
lời bắt đầu từ năm 1909, chính quyền Quảng Đông cho rằng quần đảo Hoàng Sa là
đất vô chủ rồi tranh chấp. Đến năm 1956, Trung Quốc chiếm đảo lớn nhất của quần
đảo Hoàng Sa là Phú Lâm, rồi đến sự kiện ngày 19.1.1974. Tôi cho rằng trong sự
kiện này có một phần trách nhiệm của người Mỹ.
Từ năm 1974 đến nay, tôi là
người đi tìm sự thật lịch sử của biến cố này. Sự thực lịch sử đã rõ như vậy rồi
nhưng không phải ai cũng biết. Mới đây tôi có ghé vào mấy đại học ở Úc, mới
thấy rằng các tài liệu của Việt Nam liên quan Hoàng Sa ít quá, mà hầu như là
tài liệu của Trung Quốc.
Như tôi từng nói Hoàng Sa,
Trường Sa như chất men yêu nước. Tôi có khởi xướng chương trình Ngàn thanh niên
thế kỷ 21. Tức là mỗi người muốn giữ Trường Sa và lấy lại Hoàng Sa thì phải có
cho mình một kế hoạch nhỏ, xây dựng năng lực quốc cường. Chỉ khi nào Việt Nam
trở nên hùng cường mới không sợ và phụ thuộc đến ai.
Cần phải chú trọng đến vấn
đề giáo dục. Một người Nhật bạn của tôi cho biết ông rất ngưỡng mộ Việt Nam.
Ông đã có nhiều lần đặt chân đến Việt Nam. Nhưng hiện nay khi đến Việt Nam ông
cảm thấy thất vọng vì thấy giới trẻ, thanh niên Việt Nam cứ chăm chăm kiếm tiền
mà không biết giá trị văn hóa của đất nước mình có thể sinh ra nhiều tiền.
Ông từng nói chuyện về vấn
đề Hoàng Sa, Trường Sa ở nhiều nước. Vậy thế giới đánh giá ra sao về trận chiến
Hoàng Sa?
Tôi có dịp trao đổi với một
số học giả ở Harvard (Mỹ) và mới đây là các học giả của Đại học New South
Wales (Úc). Ông Carl Thayer có nói người ta chỉ quan tâm tới biển Đông thôi chứ
không quan tâm tranh chấp chủ quyền giữa các nước. Nhưng theo luật quốc tế,
nhất là luật biển thì đường lưỡi bò Trung Quốc đã đăng ký, tuyên bố sẽ không
được chấp nhận.
Trong một buổi nói chuyện
của tôi ở Sydney mới đây, nhiều người có nói tuy ông Carl Thayer nói vấn đề chủ
quyền, lịch sử không giải quyết được vấn đề biển Đông (chỉ có luật biển mới
giải quyết được - PV) nhưng đó chính là cơ sở để sự thật lịch sử, chủ quyền
thuộc về ai.
Khi tòa án giải quyết tranh
chấp về chủ quyền, cả hai bên phải đồng ý ra tòa mới được nhưng từ thời Pháp
thuộc đến nay Trung Quốc không bao giờ đồng ý ra tòa về vấn đề Hoàng Sa.
Tôi có đọc được luận án tiến
sĩ ở Đại học Sorbonne do một người Đài Loan viết rằng Trung Quốc không bao giờ
chấp nhận ra tòa giải quyết tranh chấp chủ quyền về vấn đề Hoàng Sa vì họ có cơ
sở gì đâu. Thậm chí có sự kiện xảy ra năm 1894 - 1895, Trung Quốc tuyên bố
Paracel (quần đảo Hoàng Sa) không thuộc chủ quyền của họ mà. Họ đã nói rõ như
thế rồi.
Cho nên Hoàng Sa nếu giải
quyết vấn đề tranh chấp chủ quyền qua pháp lý sẽ không đi đến đâu cả. Nhưng nếu
mình làm tốt vấn đề này để cho thế giới thấy rõ ràng sự thật và lẽ phải đang
thuộc về ai.
Còn giải quyết vấn đề biển
Đông cần phải dựa vào luật biển. Bởi luật biển cho phép đơn phương đưa ra tòa
chứ không cần hai bên phải đồng ý. Bên cạnh đó, tôi nghĩ rằng nếu giới trẻ Việt
Nam ai cũng biết chủ quyền Việt Nam ở Hoàng Sa sẽ tạo ra thời cơ cho đất nước.
Nếu giới trẻ nhận thức được Hoàng Sa của Việt Nam thì họ sẽ sẵn sàng xây dựng
đất nước hùng cường.
Hãnh diện vì được bảo vệ
Hoàng Sa
Có ý kiến cho rằng nhà nước
phải thay đổi cách nhìn nhận, thậm chí cần vinh danh những người Việt Nam đã
ngã xuống trong trận Hải chiến Hoàng Sa 1974, từ đó kết nối toàn dân tộc đòi
lại chủ quyền ở Hoàng Sa. Ông nghĩ sao về ý kiến này?
Từ khi có tranh chấp vấn đề
Hoàng Sa vào đầu thế kỷ 20, tức là năm 1909, quốc tế quy định một nước có chủ
quyền với một vùng đất là phải có tính chiếm hữu mang tính nhà nước và hòa bình
liên tục ở trên vùng đất đó. Phía Việt Nam có rất nhiều bằng chứng về sự chiếm
hữu thật sự và hòa bình ở quần đảo Hoàng Sa rồi. Nhưng Trung Quốc cố tình không
hiểu về tính liên tục. Ví dụ như họ cho rằng công hàm của Thủ tướng Phạm Văn
Đồng năm 1958 ủng hộ tuyên bố 12 hải lý Trung Quốc chẳng hạn.
Tuy nhiên, Hiệp định Genève
quy định rất rõ. Sau năm 1954, lãnh thổ phía nam vĩ tuyến 17 thuộc về chính
quyền Việt Nam Cộng Hòa, trước đó là chính quyền Quốc gia Việt Nam, sau đó là
chính quyền Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam. Mà khi các chính quyền đó có
trách nhiệm quản lý thì họ có trách nhiệm bảo vệ. Do đó khi bị xâm lược, chiếm
đóng mà chính quyền đó phản đối dù không giành lại được nhưng đã thể hiện ý chí
kiên quyết tại thời điểm đó rồi.
Tôi nghĩ rằng điều đó rất
quan trọng cho thấy sự liên tục về vấn đề thực thi chủ quyền của Việt Nam trên
quần đảo Hoàng Sa. Có thể nói việc Trung Quốc sử dụng vũ lực để tranh chấp quần
đảo Hoàng Sa đi trái với Hiến chương Liên Hiệp Quốc. Điều này không thể chấp
nhận được.
Tôi đã nói chuyện về Hoàng
Sa rất nhiều nơi trong đó có cả hội nghị ở Hội Kỹ thuật biển thành phố Hồ Chí
Minh do chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm tổ chức. Ông Lâm có nói sau khi chiếm đóng Hoàng
Sa năm 1974, Trung Quốc có về Hải Nam tổ chức liên hoan chào mừng chiến thắng.
Họ có mời đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đang ở đó tham dự nhưng đoàn
Việt Nam từ chối. Nghe được câu chuyện này thực sự tôi rất xúc động. Người Việt
Nam có thể khác nhau về yếu tố chính trị, ngoại giao nhưng tấm lòng yêu nước
luôn nồng nàn.
Một năm sau thời điểm Hoàng
Sa bị mất, tôi có tổ chức triển lãm minh chứng chủ quyền Việt Nam ở Hoàng Sa.
Khi tôi phát biểu xong, nhiều người đã xúc động ôm nhau khóc. Điều này cho thấy
dù ở Nam hay Bắc, là người dân hay là trong quân đội, chính quyền thì tinh thần
yêu nước đều giống nhau. Mình cần phải nhìn ra sự thật đó.
Đã bao giờ ông tiếp xúc hay
trò chuyện với những sỹ quan hay người lính của nước Việt Nam Cộng Hòa tham gia
trận hải chiến Hoàng Sa 1974 hay chưa? Tâm tư của họ về trận chiến đó như thế
nào?
Ở trong nước tôi gặp anh Lữ
Công Bảy - thượng sĩ giám lộ trên tàu HQ4, người vẽ bản đồ hải hành trong
trận chiến Hoàng Sa - nhiều lần và anh có kể về trận chiến đó. Khi tôi
sang California (Mỹ), tôi có gặp anh Vũ Hữu San - hạm trưởng tàu HQ-4. Anh San
vừa là người tham gia trực tiếp trận chiến và sau này anh cũng viết rất nhiều
sách kể về trận chiến này.
Khi kể về trận chiến, hai
người này rất hãnh diện khi được tham gia trận chiến bảo vệ Hoàng Sa. Họ bảo
không có gì hối tiếc về những quyết định táo bạo mà họ đưa ra trong trận chiến
đó.
Có một chi tiết mà tôi nghĩ
rất thú vị. Đó là phi công Nguyễn Thành Trung từng kể với tôi rằng anh là một
trong những người đăng ký trong trận chiến quyết tử để chiếm lại Hoàng Sa bằng
không quân nhưng sau đó bị hủy bỏ vì không được Mỹ ủng hộ.
Cần xây dựng nội lực
Trở lại vấn đề vinh danh
những người Việt Nam ngã xuống trong trận hải chiến Hoàng Sa 1974 để đoàn kết
dân tộc đòi lại chủ quyền quần đảo này, theo ông nhà nước mình đã làm tốt điều
này hay chưa?
Nếu làm được cái này thì quá
tốt. Làm được cái này có hai tác dụng. Đầu tiên là tính pháp lý quốc tế. Dấu ấn
của chính quyền Việt Nam đối với Hoàng Sa đã được quốc tế công nhận từ trước và
thời Pháp thuộc cho đến trước 1954. Sau năm 1954, các chính quyền của Việt Nam
cũng luôn khẳng định chủ quyền và đấu tranh, hoạt động ở Hoàng Sa. Sự liên tục
về dấu ấn chủ quyền của chính quyền Việt Nam ở Hoàng Sa là một thực tế không
thể chối cãi.
Tác dụng thứ hai thì dù gì
chăng nữa muốn lấy lại Hoàng Sa, Việt Nam phải xây dựng nội lực. Hiện nay Việt
Nam có khoảng 4 triệu người sống ở nước ngoài, hơn nửa số đó là người trẻ, lại
rất tài giỏi. Tôi đã từng tiếp xúc với rất nhiều bạn trẻ ở nước ngoài, tất
nhiên cũng có người này người kia nhưng phần đông đều yêu nước.
Nếu nhà nước chính thức công
nhận sự nghiệp bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa của chính quyền Việt Nam
Cộng Hòa thì sẽ kết nối được tinh thần dân tộc Việt Nam. Con người Việt Nam dù
có chính kiến khác nhau nhưng tựu trung đều có tinh thần yêu nước. Chính kiến
chỉ là nhất thời, lúc thế này lúc thế kia còn tình yêu Đất nước, Tổ quốc, Quê
hương mình mới là mãi mãi.
Tôi đã từng đề nghị cần phải
vinh danh những ai hy sinh trong sự nghiệp bảo vệ Hoàng Sa, Trường Sa. Bản thân
tôi sẽ mãi mãi dõi theo Hoàng Sa. Hoàng Sa là một yết hầu, hệ trọng rất lớn đối
với Việt Nam. Hoàng Sa giống như chất men khơi lên lòng yêu nước.
Liệu chúng ta có đòi lại
được chủ quyền Hoàng Sa hay không?
Lịch sử cho thấy đã có lúc
chúng ta bị ngàn năm bắc thuộc nhưng rồi cũng đã giành được quyền tự chủ đó
thôi. Nếu phải chờ đến ngàn năm để giành lấy Hoàng Sa, chúng ta vẫn sẵn sàng.
Cái gì cũng có thời cơ và anh phải biết nắm bắt thời cơ đó.
Nhân dịp 40 năm hải chiến
Hoàng Sa, nếu nhà nước mình thừa nhận một chính quyền đã từng thể hiện trách
nhiệm bảo vệ chủ quyền của mình theo tôi sẽ rất tuyệt vời. Rồi từ đó người Việt
Nam sẽ cùng ngồi lại với nhau xây dựng nội lực cho đất nước.
--------------
Tiến sĩ Nguyễn Nhã sinh ngày 14.3.1939 tại Ninh Bình.
Năm 1966, ông là chủ nhiệm kiêm chủ bút Tập san Sử Địa, Đại học Sư phạm
Sài Gòn.
Năm 1975, ông xuất bản Tập San Sử Địa số 29, Đặc
khảo Hoàng Sa & Trường Sa và tổ chức triển lãm trưng bày sử liệu minh
chứng chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Đến năm 2003, ông bảo vệ thành công luận án tiến sĩ đề tài
“Quá trình xác lập chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”
(Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn thành phố Hồ Chí Minh).
Hiện nay ông là Trưởng Đề án Bếp Việt (tiền thân là Viện Nghiên cứu Ẩm thực Việt Nam) và Chủ nhiệm Câu lạc bộ Ca trù & hát thơ Lạc Việt.
*
Mời
nghe nhạc phẩm TRUYỀN THUYẾT HOÀNG SA, TRƯỜNG SA
của Công Quế,
qua tiếng hát Lê Anh Dũng:
Mời nhấp chuột đọc thêm:
0 comments:
Đăng nhận xét