VÀI LỜI BÀN VUI VỀ GIẢI THƯỞNG CỦA BÁC THỈNH, BÁC THIỀU HAY MƯU KẾ CỦA GÃ THỢ CẠO - Tác giả: Đỗ Trường (Đức)

Leave a Comment

 

VÀI LỜI BÀN VUI VỀ GIẢI THƯỞNG

CỦA BÁC THỈNH, BÁC THIỀU

HAY MƯU KẾ CỦA GÃ THỢ CẠO

*

(Tác giả Đỗ Trường)

Đọc cái bài chửi trộm gà, bắt lợn ẵm cái giải thưởng thơ của bác Thỉnh, bác Thiều chợt làm tôi nhớ đến hai câu chuyện xảy ra từ những chiến tranh (1972). Năm 2009 tôi đã viết thành truyện: Làm giàu không khó, và Những nhân vật điển hình. Hai truyện này, khi viết tôi giữ nguyên tên cúng cơm nhân vật, và địa danh:

 

* Câu chuyện thứ nhất, nói về sự chọc ngoáy đểu của ông thợ cắt tóc với ông chủ tịch huyện, bằng cái giọng trào phúng, diễu cợt. Tất nhiên, kế sách của ông thợ cạo đưa sự việc diễn theo chiều hướng y trang tư tưởng của tác giả bài trộm chó, trộm lợn, cũng như tư tưởng bác Thỉnh, bác Khoa (Trần Đăng Khoa). Tất nhiên, không như Bác Thỉnh, bác Khoa, dù muốn hay không, trước thanh thiên bạch nhật, ông chủ tịch này, cũng phải phẩy tay, bác bỏ cái tư tưởng nhân đạo đểu này. Cổ võ những kẻ bản chất trộm cắp, tham ô giàu lên như vậy, có mà bôi tro trát trấu vào chính quyền à! Cho nên, mưu kế đểu của ông thợ cạo bị bác bỏ, tức là không nhận được lời khen, giải thưởng như bài thơ trộm gà, trộm lợn:

“…Hồi đó (1972) cả huyện (Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định) này chỉ có mỗi Chủ tịch huyện Trần Xuân Quảng giầu nhất có xe bình bịch, nhiều bà con nông dân chẳng có dép mà đi. Tôi mới hơn chục tuổi, nhưng rất thích nghe chuyện của ông Đào Hoằng, lúc rỗi ông cũng hay kể cho tôi nghe. Cứ thứ bảy, nghe tiếng xe bình bịch của ông Quảng đến, tôi tót ra hàng cắt tóc của ông hóng chuyện. Chủ tịch Quảng và ông Đào Hoằng, hai con người, hai cách sống khác nhau, địa vị khác nhau, nhưng không hiểu sao, gặp nhau chuyện nổ như ngô rang. Chuyện trò đang vui, các ông chuyển sang đề tài làm giàu bằng vườn rau ao cá. Đột nhiên, ông Đào Hoằng nói:

– Này! Bác Chủ tịch. Tôi xin hiến cho bác cái kế này. Bảo đảm nông dân huyện ta, ai cũng được no ấm, giàu sang, không phải lo vườn rau ao cá làm quái gì cho mệt.

– Kế gì ông nói đi, úp mở làm gì!

– Nhưng bác không được giận đấy.

– Nói đi, ông trẻ con bỏ mẹ.

– Bác có thấy từ đội trưởng, thơ ký đội sản xuất, đến chủ nhiệm hợp tác, bí thư, chủ tich xã, cứ ông nào dính dáng đến cán bộ là giàu không?

– Ừ…ừ…cứ cho là như vậy, thì sao?..Nói tiếp.

– Bây giờ cho thật công bằng, bác cho mỗi hộ có một người làm cán bộ vài ba năm, thấy đủ giàu, thay người khác. Lần lượt như vậy, hộ nào cũng giàu cả. Bác có dám làm không?

Nghe ông Đào Hoằng hiến kế, mặt chủ tịch Quảng đỏ gay như ớt chín. Đứng dậy, đẩy vai ông Đào Hoằng như mấy bà, mấy cô bị thọc lét:

– Khỉ gió cái nhà ông này, thế cũng là hiến kế à!

Không để cho ông Đào Hoằng nói tiếp, chủ tịch Trần Xuân Quảng nhảy tót lên xe phóng vù đi…“ (Hết trích Làm giàu không khó)

 

* Câu chuyện thứ hai, về một bà bị mất cắp gà. Không chửi cái kiểu của Tòng Văn Hân, và bác Thỉnh, bác Khoa: “Cái đứa trộm gà ơi/ Ta cầu mong cho ngươi/ Nuôi được gà đầy đàn/ Lứa này tiếp lứa khác/ Có nhiều gà nhất bản“ mà bà này vén váy lên tới bẹn, ba mẹ con chia ba góc vườn chửi độc đến khi bọn trộm phải thả gà ra trả mới thôi. Tuy nhiên, chửi kiểu Tòng Văn Hân và bác Thỉnh, bác Khoa, cô con gái được: “Thế mà có hẳn bốn nhà/ Muốn được tôi làm con dâu của họ.“. Còn chửi kiểu bà nhà quê Nam Định, cô con gái được phong anh hùng:

“…Hồi mới sang Đức, tôi ở cùng phòng với một ông bạn nhà ven biển cạnh Nông trường Rạng Đông thuộc tỉnh Nam Định. Gã kể, có một chị hàng xóm tên Vũ Thị Thanh (?). Chị sống chung với một người chị gái và mẹ. Mẹ con chị ngoa ngoắt đến bọn mèo mả, cờ bạc, hút xách còn phải sợ. Ở nông thôn hầu như nhà nào cũng nuôi gà, buổi tối thường đếm gà trước khi chúng vào chuồng. Hôm nào đếm thấy thiếu, ba mẹ con chị chia nhau ra ba góc vườn réo chửi. Chửi độc đến mức bọn hút xách sợ quá phải thả gà ra trả lại mới thôi. Rồi chiến tranh lan ra miền Bắc, chị Vũ Thị Thanh được gọi vào dân quân du kích xã, tham gia trực chiến phòng không. Được mấy tháng có chiếc máy bay Mỹ rơi gần đơn vị chị. Lý do rơi không ai rõ vì chẳng có đơn vị bộ đội, hay phòng không không quân nào nhận. Đơn vị súng tầm thấp của chị có tham gia, thì hiển nhiên công lao bắn rơi máy bay Mỹ thuộc về đơn vị chị. Chị lại là khẩu đội trưởng, nên đại diện chị em lên báo công. Đài, báo phỏng vấn ầm ầm, người ta ngợi ca tinh thần dũng cảm, sáng tạo trong chiến đấu, với vũ khí vớ vỉn đã bắn rơi thần sấm con ma Mỹ của chị. Thế là nhân vật điển hình đã lộ diện. Mấy tháng sau chị được phong anh hùng lực lượng vũ trang. Thấy tôi nhếch mép cười, gã bạn tưởng tôi không tin, cất cao giọng, bản nhạc của ông nhạc sỹ nào đó. Đã mấy chục năm tôi chỉ còn nhớ được câu đầu, “Vũ Thị Thanh… đã đứng lên quê mẹ anh hùng…“. (Hết trích Những nhân vật điển hình)

Có thể nói, đây là những câu chuyện, ý tưởng và đề tài không mới. Qua câu chuyện trộm gà, bắt lợn này, tác giả Tòng Văn Hân, và bác Thỉnh, bác Khoa ước mong đất nước, con người sẽ giàu có hơn để không còn hình ảnh trộm cắp, lầm than nữa chăng? Vâng, một cầu mong rất đẹp, song không hiện thực. Bởi, hiện thực tương lai nào cho một bức màn tối như đêm ba mươi trước mặt này. Xét về tâm lý học, không phải cứ người nghèo, mà người giàu cũng trộm cắp. Nếu luật pháp không đi trước đạo đức. Bằng chứng cô Kiều Trinh chuyên giảng đạo đức, văn hóa trên Đài truyền hình Việt Nam giàu có chứ đói khát gì, vậy mà có bàn tay sáu ngón điêu luyện đến bọn mèo mả gà đồng cũng phải bái phục, đã nhiều lần bị cảnh sát Thụy Điển, Anh Quốc tóm được. Tuy nhiên, người châu Âu không chửi như “ Mẹ tôi chửi kẻ trộm“ của các bác, mà họ để pháp luật xử lý. Ấy mới là nhân đạo. Còn cái lòng nhân đạo kiểu bà mẹ chửi trộm của các bác chỉ dành cho đám trẻ trâu chọc ngoáy, bỡn cợt với nhau mà thôi. Về nghệ thuật “ Mẹ tôi chửi kẻ trộm“ không có gì đáng bàn, bởi cả bài dường như chưa (hay không) tìm được câu nào được gọi là thơ. Và bài này không liền mạch. Mấy câu kết tác giả muốn diễu cái lòng tham (tiền bạc) của con người, nhưng cũng không làm thay đổi về nội dung, và nghệ thuật của toàn bài.

Nhìn bác Chủ tịch Nguyễn Quang Thiều rất dõng dạc hiên ngang lên sân khấu trao giải thưởng cùng bác Thỉnh, song thật kỳ lạ, tôi đọc ở đâu đó, bác bảo không biết, và không có trách nhiệm gì. Dường như, đó là câu nói thiếu trách nhiệm. Trước khi khi công bố giải, lẽ nào bác Thiều không đọc. Tuy không trực tiếp chấm giải, nhưng toàn cái ban bộ chấm giải dưới quyền của bác có phải không nhỉ?

Thật không hiểu nổi. Ở Việt Nam hiện nay cái quái gì cũng lạ.

 

Mời nhấp chuột đọc thêm:

- Chuyện làng văn0

- Kho sách0

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 1l

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 2l

 

Mời nghe nhạc phẩm ĐÊM GIAO THỪA NGHE MỘT KHÚC CA DAO

 của Võ Đông Điền, qua tiếng hát Lưu Ánh Loan:

*.

Leipzig ngày 22-4-2021

ĐỖ TRƯỜNG

Địa chỉ: Thành phố Leipzig, tỉnh Leipzig,

Bang Sachsen, Cộng hòa Liên Bang Đức.

Email: dotruong07@yahoo.de

 

 

 

 

.............................................................................................................

- Cập nhật từ messenger facebook Vũ Thị Hương Mai ngày 21.10.2021.

- Ảnh dùng minh họa cho bài viết được sưu tầm từ nguồn: internet.

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

0 comments:

Đăng nhận xét