NHÀ NGUYỄN DẸP LOẠN VÙNG BIÊN - Tác giả: Trịnh Sinh ; Trần Chí Cường giới thiệu

Leave a Comment

 

NHÀ NGUYỄN DẸP LOẠN VÙNG BIÊN

*

Những thập niên giữa thế kỷ XIX là một quãng thời gian đầy biến động trong lịch sử Việt Nam nói riêng và lịch sử Đông Á nói chung. Nhờ cách mạng khoa học - kỹ thuật vượt bậc, phương Tây đã có những bước tiến lớn về kinh tế và quân sự. Có một làn gió mới bấy giờ từ châu Âu tràn sang phương Đông. Các tàu buôn sang châu Á để mở rộng thị trường, các nhà truyền giáo cũng bắt đầu công cuộc truyền đạo vào các vùng đất hứa. Cùng với đó là tàu to và súng lớn được cải tiến vượt bậc phục vụ cho chế độ thực dân, chinh phục các thuộc địa.

Năm 1858 là cái mốc đáng nhớ đối với mỗi người Việt, thực dân Pháp đã chính thức xâm lược nước ta, đẩy triều đình nhà Nguyễn dần dần vào thế phụ thuộc và mất nước. Vua Nguyễn bấy giờ là Tự Đức, giỏi thơ văn nhưng kém tài thao lược, đứng trước trận cuồng phong từ phương Tây đã không chịu cải cách kinh tế, chính trị để thích ứng thời cuộc như vua Minh Trị ở Nhật Bản cùng thời (cuộc cải cách Minh Trị Duy Tân đã làm xứ Phù Tang đi lên như diều gặp gió). Tự Đức đã “bịt tai nghe chuông”, coi như không có sự tồn tại của bọn “man di” đến từ phương Tây.

Triều đình bấy giờ cũng bị phân hóa thành 2 phe: Cải cách và bảo thủ và 2 phái: Chủ chiến và chủ hòa. Tiếc thay, Tự Đức lại nghe theo ý của lão thần (Phan Thanh Giản) mà từng bước cắt đất cầu hòa với thực dân Pháp để tránh... họa binh đao. Vì thế, dân gian đã có câu “Phan, Lâm mãi quốc, triều đình khí dân”, tức chê trách họ Phan bán nước.

Thực ra, do tầm nhìn hạn chế mà Phan Thanh Giản đã chủ hòa với thực dân Pháp, chứ ông vẫn là người tiết tháo. Chẳng thế mà, khi biết không giữ nổi 3 tỉnh Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên, ông đã bảo các quan nộp thành trì cho Pháp để bớt đổ máu rồi quay vào phòng uống thuộc độc tự vẫn. Xem ra, cái tiết tháo của họ Phan cũng chẳng giúp gì cho đất nước mà cái hại do sự nhận thức sai về kẻ thù để lại vết nhơ chẳng thể nào rửa sạch.

Tự Đức cũng là vị Hoàng đế yêu nước, nhưng ông cũng đánh giá sai dã tâm của quân Pháp, sau đó, ông đã phải tự trách mình trong đạo dụ “tự biếm” năm 1875: “Miễn cưỡng theo mưu kế của bậc lão thần, bỏ đất đai và dân chúng 6 tỉnh Nam Kỳ, để cầu khỏi nạn chiến tranh và yên xã tắc”. Xem ra, thơ văn giỏi giang của Hoàng đế Tự Đức cũng chẳng thể nào thay cho binh thư và mưu lược chống giặc. Nam kỳ vì thế mà mất hoàn toàn vào tay giặc.

Lịch sử Việt Nam dưới thời vua Tự Đức đã bước vào khúc quanh nhiều gam màu tối. Tuy vậy, vẫn còn le lói những điểm sáng, đó là công cuộc dẹp loạn vùng biên giới Việt - Trung thành công, giữ được giang sơn xã tắc.

Triều đình Mãn Thanh khi đó cũng bị cơn gió phương Tây thổi mạnh, vua Thanh cũng có chính sách “bế quan tỏa cảng” giống nhà Nguyễn. Kinh tế xuống dốc, các phong trào khởi nghĩa chống triều đình nổi lên và bị đàn áp tàn bạo. Nhiều quân khởi nghĩa cùng đường, phải chạy sang Việt Nam vì bị truy bắt và thiếu lương thực, thực phẩm phải biến thành... cướp! Một số thì muốn chiếm luôn vùng biên giới nước ta để lập giang sơn riêng.

Chống triều đình Mãn Thanh mạnh mẽ là tổ chức Thiên Địa Hội của Trung Quốc, sau đó trở thành nhóm Tam Đường (gồm 3 hội: Quảng Nghĩa Đường, Đức Thắng Đường, Lục Thắng Đường) đã tràn sang nước ta. Chúng quấy nhiễu Thất Khê (Lạng Sơn) vào năm 1858, chiếm các châu Thạch An, Thượng Hạ Pha, Bình Quân của Cao Bằng. Hoàng đế Tự Đức đã kiên quyết sai các lãnh binh truy quét, phải mất 7 năm sau mới loại được chúng ra khỏi tỉnh Cao Bằng. Ông cũng cho xây dựng nhiều “ải” và “bảo” (đồn binh) lớn ở vùng biên, bổ nhiệm các quan từ Kinh thành xuống làm Tổng đốc ở các tỉnh Hưng Hóa (tương đương Tây Bắc ngày nay), Lạng Sơn, Tuyên Quang, Cao Bằng.

Một số nhóm tàn quân của tổ chức Thiên Địa Hội cũng vượt biên sang ta. Mỗi nhóm lại có biểu tượng của màu cờ khác nhau. Đó là quân Cờ Đen, Cờ Vàng và Cờ Trắng. Ba nhóm “Cờ” không thống nhất được với nhau, tranh giành ảnh hưởng và xung đột thôn tính lẫn nhau. Năm 1868, quân Cờ Trắng cướp được châu Lục Yên, tỉnh Tuyên Quang. Sau đó, đội quân này bị quân Cờ Đen loại bỏ.

Quân Cờ Vàng hoạt động mạnh ở Tuyên Quang, sau đó lại cùng quân Cờ Đen tấn công Lào Cai, Cao Bằng, Hưng Hóa. Năm 1875, triều Nguyễn đã đưa quân đội và người Thổ ở địa phương tiêu diệt hoàn toàn quân Cờ Vàng.

Quân Cờ Đen có thủ lĩnh là Lưu Vĩnh Phúc là nhóm tàn quân mạnh nhất trong số các loại “Cờ”. Chính sách của Hoàng đế Tự Đức là phân hóa các loại tàn quân từ bên kia biên giới sang “Dĩ di, trị di” (dùng nhóm tàn quân nọ trị nhóm tàn quân kia. Tự Đức dùng chữ di để chỉ chúng, hàm ý chỉ là một lũ man di, mọi rợ). Và thực tế, các nhóm Cờ Trắng, Cờ Vàng đã bị tiêu diệt. Sau đó, nhà Nguyễn đã dụ hàng Lưu Vĩnh Phúc, phong cho làm Đề đốc. Tự Đức có chính sách mềm mỏng sử dụng thủ lĩnh Lưu Vĩnh Phúc, một lực lượng có thực lực quân sự để thanh toán hai nhóm tàn quân khác. Khéo thu phục quân Cờ Đen nên vùng biên giới nước ta lúc này tạm yên ổn.

Tự Đức cũng cử Đại học sĩ lãnh Tổng Thống Tam Tuyên Hoàng Kế Viêm là Phò mã lang, lấy con gái vua Minh Mạng, thuyết phục Lưu Vĩnh Phúc cùng dẹp loạn vùng biên. Chính Hoàng Kế Viêm đã cùng Lưu Vĩnh Phúc mai phục và giết chết Ph. Gác-ni-ơ tại Cầu Giấy vào năm 1873 và H. Ri-vi-ơ năm 1883, làm chậm quá trình xâm lược của quân Pháp vào Bắc kỳ. Một số tàn quân khác như giặc Ngô Côn cướp bóc ở tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, giặc Tô Tứ hoạt động ở vùng Tiên Yên, Quảng Yên cũng bị quân triều đình thẳng tay tiêu diệt.

Nhờ sự khôn khéo của triều đình Huế mà đứng đầu là vua Tự Đức, một vùng biên dậy sóng do phải đón tiếp bất đắc dĩ... tàn quân các loại tràn qua từ biên giới Việt-Trung đã yên bình trở lại, nước ta giữ vững được cương giới, bảo vệ được nhân dân khỏi nạn thổ phỉ, cướp bóc.

Tự Đức thực sự có công bảo vệ biên giới phía Bắc. Chỉ tiếc rằng do cả tin người Pháp, lại thêm sự nhu nhược đã làm vua Tự Đức sớm đánh mất giang sơn của cả 6 tỉnh Nam kỳ bằng những “Hòa ước” vô cùng bất bình đẳng với quân giặc. Lịch sử sẽ công bằng khi đánh giá về Tự Đức, rất giỏi văn chương, có hiếu với mẹ, tận tâm với nước, nhưng bất tài trong việc trị quốc.n

 

Mời nhấp chuột đọc thêm:

- Các bài viết về Biên khảo0

- Các bài viết về chăm sóc sức khỏe0

- Các bài viết về Kiến thức cuộc sống0

- Các bài viết về Chuyện làng văn0

 

Mời nghe Đặng Xuân Xuyến đọc bài thơ QUÊ NGHÈO:

 

Mời nghe Đại biểu Quốc hội Lê Văn Lai

nói lời tâm huyết về biển Đông:


Mời nghe Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa nói về biển Đông:

Trần Chí Cường giới thiệu

Tác giả: Giáo sư Trịnh Sinh - nguồn: báo Biên phòng

Ảnh minh họa sưu tầm từ nguồn: internet

Bài viết là quan điểm riêng của các tác giả.

0 comments:

Đăng nhận xét