GÓP THÊM VÀO SỰ TÌM HIỂU THỜ CÚNG TỔ TIÊN CỦA NGƯỜI VIỆT - Tác giả: Nguyễn Văn Kiệm ; Vũ Quế Lâm giới thiệu

Leave a Comment

 


GÓP THÊM VÀO SỰ TÌM HIỂU

THỜ CÚNG TỔ TIÊN CỦA NGƯỜI VIỆT

 

Tôi rất tán thưởng bài viết của tác giả Nguyễn Kiến Giang, đăng trên Xưa và Nay (số 23 tháng 1/1996) nhan đề:"Thờ cúng tổ tiên trong đời sống tâm linh người Việt". Bài viết đã đề cập đến những nội dung cơ bản của hiện tượng này và đã có những lý giải khá nghiêm túc. Để đóng góp thêm vào sự thành công của bài viết, tôi xin đưa thêm một số ý kiến vừa là để trao đổi với tác giả về một vài ý kiến mà tác giả đã nêu trong bài viết, vừa là để minh hoạ thêm cho những ý kiến đó.

1. Trước hết, xin có đôi điều bàn về xuất xứ của sự thờ cúng tổ tiên của người Việt. Về vấn đề này, tác giả đưa ra giả thuyết: "Sự thờ cúng tổ tiên lúc đầu phải chăng được cử hành trong người Hán rồi lan dần ra người Việt và đến một thời điểm nào đó, trở thành một phong tục phổ biến trong người Việt? Đó cũng là một giả thuyết để tiếp tục nghiên cứu (Xưa & Nay số 23 - 1/1996 tr. 16).

Tôi nghĩ rằng, với những thành tựu đang còn khiêm tốn của ngành khảo cổ học, dân tộc học, phong tục học v.v... của Việt Nam, chúng ta chưa có đủ những dữ kiện, tư liệu đáng tin cậy để có thể có được những kết luận chính xác về xuất xứ của sự thờ cúng tổ tiên của người Việt. Mọi cách lý giải hiện nay, nếu có, chỉ có thể là những giả thuyết.

Đã thế, thì ngoài giả thuyết mà tác giả đã nêu, nên chăng cần tham khảo thêm những giả thuyết khác để mở rộng thêm tầm hiểu biết?

Theo R.Thurnwald (1869 - 1954) và A.E.Jensen (1899 - 1965), hai nhà dân tộc học và tôn giáo học nổi tiếng người Đức, thì sự thờ cúng thần linh, ma quỷ và kể cả tổ tiên, thuộc "tip" Aema (có nghĩa là tổ tiên) là dạng thức tôn giáo sớm và đặc trưng cho các tộc người ở thời kỳ trồng cấy sơ khai (1). Có lẽ đây là giả thuyết mà chúng ta cần nghiên cứu và có thể vận dụng kết hợp với các bộ môn khoa học khác để tìm hiểu xuất xứ sự thờ cúng tổ tiên của người Việt; nếu tôi không nhàm thì theo kết luận của các nhà khảo cổ và dân tộc học Việt Nam, tổ tiên của người Việt là những tộc người sinh sống bằng nghề trồng cấy ở ven các con sông lớn ở trung du và đồng bằng Bắc Bộ. Tư liệu sản xuất chủ yếu của họ là ruộng đất khai phá rồi được cha truyền, con nối, tổ chức xã hội là gia đình, thích ứng với nghề trồng cây? Phải chăng, đó là những cơ sở chủ yếu cho sự ra đời của thờ cúng tổ tiên của người Việt, giống như nhiều tộc người cổ sống bằng nghề trồng cấy ở nhiều nơi khác trên thế giới, trong đó có trường hợp của những bộ phận người Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ v.v... Với giả thuyết như đã nêu ở trên, liệu có thể cho rằng thờ cúng tổ tiên của người Việt có nguồn gốc từ những cơ sở kinh tế và xã hội của các tộc người cổ sinh sống bằng nghề trồng cấy ở Bắc Bộ đã xuất hiện từ rất sớm, trước khi có sự xâm nhập của người Hán. Khi người Hán, vốn cũng có tục thờ cúng tổ tiên, xâm nhập và đô hộ người Việt. Người Việt đã dung nạp thêm những nghi thức cúng lễ phong phú của người Hán khiến cho thờ cúng tổ tiên của người Việt vốn đã có từ trước đó và có thể còn thô sơ, thì nay ngày càng được cải biên gần giống với sự thờ cúng tổ tiên của người Hán! Theo tôi có lẽ nên hiểu về xuất xứ thờ cúng tổ tiên của người Việt như vậy là gần với sự thật hơn.

2. Tôi cũng nhất trí với tác giả về nhận định cho rằng sự thờ cúng tổ tiên của người Việt đã trở thành sâu sắc tới mức hình thành trong người Việt cái gọi là "cái vô thức tập thể" (l'inconscient collectif) mà nội dung của nó được biểu hiện thành những "archétypes" (những "mô hình ứng xử": modèles de comportement) nói theo thuật ngữ của Carl Gustav Jung, mà cái "mô hình ứng xử" ấy ở người Việt Nam, có lẽ là cái "đạo lý sống" như tác giả đã trình bày trong bài viết. Cái "đạo lý sống" hay "mô hình ứng xử" ấy vì có nguồn gốc trong "cái vô thức tập thể" nên là cái hết sức bền vững, là cơ sở căn bản của bản sắc văn hoá dân tộc, tới mức không một sức mạnh đột xuất hay ngoại lai nào có thể xoá bỏ được nó. Và tờ Christian Science monitor đã tỏ ra khá sâu sắc khi nhận định rằng "Sự thờ cúng tổ tiên ở nước Việt Nam rất có thể là một chỗ dựa để chống lại những làn sóng xâm nhập văn hoá ồ ạt từ bên ngoài đe doạ làm mất bản sắc văn hoá dân tộc" (2).

Để minh hoạ thêm cho ý kiến trên đây, xin dẫn một số nhận xét của một giáo sĩ Thừa sai Thiên chúa giáo đến truyền giáo ở Việt Nam trong các thế kỷ trước về sức mạnh, sự bền vững của thờ cúng tổ tiên của người Việt và vì thế, luôn luôn là trở ngại chính của sự truyền bá đạo Thiên chúa.

Giáo sĩ Masson trong thư gửi về Pháp đề ngày 12 tháng 12 năm 1829, viết:

"... Ở đây có một hình thức thờ cúng mà tất cả mọi người, kể cả các nhà nho đều thực hiện, đó là sự thờ cúng tổ tiên đã tồn tại từ thời rất xa xưa. .. Sự thờ cúng này được nối tiếp từ đời cha đến đời con kéo dài trong 6 thế hệ ; do đó chỉ một gia đình thôi cũng đã có khá nhiều ngày giỗ trong năm mà không ai được miễn trừ nếu không được gia đình chấp thuận. Tập tục này đôi khi gây những phiền hà lớn cho những giáo dân mà gia đình còn ở bên lương. Chúng tôi cũng đã từng cho phép giáo dân được ăn cỗ, miễn là họ không tự tay dâng lễ và tránh mặt khi những người không có đạo dâng đồ cúng, một hành động vừa đủ để tỏ thái độ không tin vào những điều mê tín dị đoan ; nhưng những người bên lương không chấp nhận như thế và buộc các giáo dân phải tự dâng đồ cúng giống như họ". Giáo sĩ nói trên viết tiếp : "Tất cả những điều tôi nói về các giáo dân trong các làng mà phần lớn là dân bên lương, đều là những giáo dân có cha mẹ còn chưa theo đạo, những người này bắt buộc họ phải tham dự các buổi cúng giỗ tổ tiên và đó là một trong những lý do đã ngăn cản một số rất đông người bên lương theo đạo" (3). Cuối cùng, trong bức thư đề ngày 20 tháng 8 năm 1832, giáo sĩ này viết :"Phải thừa nhận rằng rất nhiều người Việt Nam theo đạo cũng tỏ ra rất khó chịu khi thấy đạo Thiên chúa cấm đoán việc thờ cúng tổ tiên, một tập tục mà họ đặc biệt gắn bó" (4).

Chúng tôi nghĩ những dẫn chứng trên cũng đã tạm đủ để chứng minh sự bền vững của sự thờ cúng tổ tiên của người Việt cũng như khả năng đề kháng rất mạnh của nó đối với những tác nhân muốn phủ định nó. Có thể nghĩ rằng, do không thừa nhận tín ngưỡng truyền thống này của người Việt mà Thiên chúa giáo vốn đã du nhập Việt Nam từ thế kỷ XVII và đã có cả một thời kỳ dài rất thuận lợi để truyền bá với những cố gắng rất cao của các giáo sĩ phương Tây cũng như bản xứ, đã không thể trở thành một tôn giáo phổ biến trong người Việt.

Sự bền vững đó của thờ cúng tổ tiên cũng còn được thể hiện ở chỗ, có thời kỳ do không hiểu biết đầy đủ về vị trí quan trọng của các hình thức sinh hoạt tâm linh của dân tộc, chúng ta đã xem nhẹ, nếu không nói là bài xích chúng. Hình thức sinh hoạt tâm linh này, sự thờ cúng tổ tiên, có lúc như bị nhoà nhạt, song vẫn nghiễm nhiên tồn tại, để đến ngày nay, trong không khí hiểu biết và cởi mở của đường lối văn hoá dân tộc, lại phục hồi và có phần nhuận sắc hơn. Đó là hiện tượng đáng mừng và cùng với sự phục hồi của thờ cúng tổ tiên là sự phục hồi của một đạo lý sống truyền thống giàu tính nhân văn, một nét đẹp và mạnh của văn hoá dân tộc, có thể có vai trò rất tích cực trong việc củng cố, nâng cao đạo lý xã hội, tăng cường khả năng miễn dịch cho nền văn hoá dân tộc trước sự tiến công, thâm nhập của những tác nhân độc hại.

Hãy tìm hiểu kỹ hơn tập tục này, củng cố, nâng cao vị thế của nó cũng như tìm cách phát huy tác dụng của nó đối với đạo lý xã hội. Đồng thời cũng nên có ý thức và dè chừng sự quá trớn, lạm dụng có thể có đối với tập tục này để bảo vệ sự trong sáng và bền vững như nó vốn có khi nó trở thành nét văn hoá đặc trưng của dân tộc ta từ những thuở ban đầu.

------------

Tham khảo:

(1). Xem Les Religions. Trích trong cuốn L'interdiciplinarité, ce qu' elle pourra être, ce qu' elle pourra donner. UNESCO. 1979. tr. 263.

(2). Dẫn theo Nguyễn Kiến Giang. Xưa & Nay 23 - 1/1996, tr. 18.

(3). Annales de la propagation de la foi, tập 5 trang 331.

(4). Sđd, tập 6, tr. 408.

 

Mời nhấp chuột đọc thêm:

- Các bài viết về khoa Tử Vi0

- Các bài viết về Tín ngưỡng0

- Các bài viết về khoa Phong Thủy0

- Các bài viết về khoa Tướng thuật0

- Hôn quân Lưu Tử Nghiệp và vai diễn của Trương Dật Kiệtl

- Vài cảm nhận khi xem phim BỐ GIÀ (web drama) của Trấn Thànhl

- Giải phẫu thẩm mỹ và kỳ vọng cải sốl

 

Mời tham khảo 

NHỮNG TIÊN TRI CHÍNH XÁC CỦA DANH NHÂN VIỆT NAM:


Mời tham khảo 

NGƯỜI VIỆT NAM LẬP LÀNG Ở QUẢNG TÂY, TRUNG QUỐC:

Vũ Quế Lâm giới thiệu

Tác giả: Nguyễn Văn Kiệm - nguồn: tapchixua&nay

Ảnh minh họa sưu tầm từ nguồn: internet

Bài viết là quan điểm riêng của các tác giả.

0 comments:

Đăng nhận xét