DÀI DÒNG NGỤY BIỆN: TUẤN TIM LÀ CHÍ PHÈO HAY BÁ KIẾN? - Tác giả: Chu Mộng Long (Bình Định)

Leave a Comment

 


DÀI DÒNG NGỤY BIỆN:

TUẤN TIM LÀ CHÍ PHÈO HAY BÁ KIẾN?

 

(Tác giả Chu Mộng Long)

Thái Hạo lại dài dòng đông tây kim cổ biện minh cho Tuấn Tim. Tuấn Tim xét đến cùng là nạn nhân của thể chế.

Nhiều người cứ khuyên tôi không nên "cãi" với Thái Hạo. Anh ta là bố đời, có quyền xỏ mũi dư luận, không ai được cãi? Tôi chúa ghét cái thứ dân chủ cuội ấy!

Tôi vẫn khen Thái Hạo có trí. Tôi thích "cãi" với kẻ có trí, không rỗi hơi cãi với đứa ngu.

Câu "Ai cho tao làm người lương thiện" của Chí Phèo ai chẳng biết là mang chiều kích phổ quát nhân sinh? Và ai chẳng biết những trí thức cùng khổ như Thứ, Hộ, kể cả hàng tá các nhân vật văn chương Đông Tây mà Thái Hạo khoe ra, cũng tha hóa do môi trường xã hội phi nhân tính? Thái Hạo giả vờ nước đôi nhưng vẫn không giấu được sự biện minh Tuấn Tim là nạn nhân của thể chế:

"Không ai biện minh cho Chí Phèo cả, Chí Phèo đáng chết. Nhưng Bá Kiến còn đáng chết hơn. Và quan trọng là điều này: nếu không có Bá Kiến thì rất có thể sẽ không có Chí Phèo; nhưng một khi đã có Bá Kiến thì chắc chắn Chí Phèo được sinh ra, không chỗ này thì chỗ khác, không kẻ này thì kẻ kia".

Cứ cho lập luận trên là đúng đi. Nhưng với cách lập luận ấy thì Bá Kiến mới đáng chết chứ Chí Phèo không đáng chết, thậm chí đáng thương. Chỉ hỏi Thái Hạo và những người ủng hộ anh ta mấy câu:

1) Hàng loạt quan chức tham nhũng khác, từ Trịnh Xuân Thanh, Đinh La Thăng, Trương Minh Tuấn... cho đến các nhân vật cộm cán trong vụ Kittest Việt Á, chuyến bay giải cứu như Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long, Tô Anh Dũng... có được biện minh bằng câu: "Ai cho tao lương thiện" không?

2) Tuấn Tim có bị Bá Kiến nào đó đẩy vào thân phận "cố cùng liều thân" như Chí Phèo, bị đời sống xã hội biến thành "trí thức cùng khổ" như Thứ, Hộ... không? Kể cả có Bá Kiến hay cơ chế nào đã đẩy anh ta vào Đảng, lên làm lãnh đạo, rồi móc ngoặc tham ô gây thiệt hại hàng chục tỉ đồng xương máu của dân không?

3) Tuấn Tim có cả mớ bất động sản bị kê biên, hưởng lợi 47 tỉ đồng trong móc ngoặc thầu, nộp khắc phục 6,5 tỉ đồng, chắc chắn nằm trong cơ chế tham nhũng như các quan trong các vụ án trên. Tuấn Tim không thể thuộc cố cùng liều thân hay trí thức cùng khổ. Anh ta nằm hẳn trong cơ chế, góp phần tạo ra cơ chế (đại biểu Quốc hội), vậy anh ta là Chí Phèo hay Bá Kiến?

Ba câu, nhưng chỉ cần trả lời câu 3. Trả lời không thông thì đừng lên giọng: "Trong tiếng thét của các nhà tư tưởng và tiếng khóc của các nhà văn, chúng ta sẽ luôn nghe thấy giọng phê phán xã hội một cách dữ dội và tiếng kêu hãy cứu lấy con người bằng cách thay đổi cái xã hội tàn bạo đã ăn thịt con người. Chỉ có những kẻ điếc mới không nghe thấy những thanh âm ấy".

Yên tâm, người của Đảng không ai "ăn thịt" được đâu. Cũng không ai bị "điếc" khi biết tòa vì nghe tiếng kêu thương của các trí thức giả cầy, đã xử thấp hơn khung hình phạt, chỉ 4/10 năm tù, ưu đãi gấp bao nhiêu lần đứa dân quê cố cùng trộm vịt hay đứa sinh viên đói ăn cắp bánh mì đấy!

Hỏi ngu thêm câu nữa. Các nhân vật tha hóa trong văn chương mà Thái Hạo dẫn từ đông tây kim cổ có biết lẻo mép giữa nghị trường như Tuấn Tim không:

"Cho dù thời cuộc có thay đổi, cơ chế thị trường, đồng tiền len lỏi vào từng người, từng nhà, từng cơ quan, nhưng chúng tôi, những nhân sĩ trí thức, nhà khoa học, cán bộ viên chức đang làm việc trong nhà nước không phải vì tiền mà vì lòng tự tôn dân tộc, vì lòng yêu nước giống hệt các nhân sĩ cách đây 70 năm”.

Phát ngôn ấy là bẻm mép của Cuội hay "minh triết"của Chí Phèo? Cao hay thấp hơn Bá Kiến khi khuyên Chí Phèo: "Tôi cũng muốn anh lương thiện cho thiên hạ nhờ"?

Trong tác phẩm của Nam Cao có chi tiết Bá Kiến bóp cổ dân lấy từng đồng rồi ném trả cho dân một xu "vì thương anh túng quá". Tuấn Tim vừa lên lãnh đạo đã lệnh công khai bãi bỏ phí bán nước sôi (miếng cơm của người phục vụ bệnh viện) để rồi lén lút ăn tiền tỉ xương máu của dân và người bệnh. Cách làm ấy giống Bá Kiến hay Chí Phèo?

Có khi nào với tài ngụy biện đầy hoả mù chữ nghĩa để đánh bùn sang ao như trong bài viết, Thái Hạo sẽ nói: Ừ thì Tuấn Tim là một trong những Bá Kiến của thời đại, nhưng chính người dân lao động đã đẻ ra Tuấn Tim, nuôi Tuấn Tim, đẩy Tuấn Tim vào chỗ tha hóa không lối thoát? Hết cách thì đổ lỗi cho dân vậy!

Kết thúc bài này, tôi dùng tam đoạn luận để kết luận nhé. Tuấn Tim là Bá Kiến, tức người tạo ra cơ chế bất lương. Cơ chế không cho Tuấn Tim lương thiện. Vậy chính Tuấn Tim không cho Tuấn Tim lương thiện! Câu "Ai cho tao lương thiện" mang ra bào chữa cho Tuấn Tim, nếu để Tuấn Tim tự nói thì là: "Tao không cho tao lương thiện!" có minh triết hơn không?

Dẫu sao cũng phải khen Thái Hạo xỏ mũi được nhiều người bằng một đống chữ nghĩa uyên bác! Xỏ mũi bằng cách đánh tráo vai chủ mưu Bá Kiến thành nạn nhân Chí Phèo mà nhiều người vẫn tin và hùa theo. Khổ cho dân tôi, hết bị bên này bịp thì đến bên kia bịp!

-----

 

Link bài mới nhất của Thái Hạo bào chữa cho Tuấn Tim:

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=961704631502661&id=100029894003033


LẠI NÓI CHUYỆN THIẾT CHẾ VÀ CÁ NHÂN

(Tác giả Thái Hạo)

[Sau khi tôi đăng cái tus nói về ông Nguyễn Quang Tuấn và cơ chế, có một số bạn vào tranh luận, lại vẫn luẩn quẩn câu chuyện con gà - quả trứng. Ở đây nói thêm cho rõ]

Ông Montesquieu – một nhà triết học chính trị khai sáng lỗi lạc, nói: dân sống lâu dưới quyền chuyên chế thì không biết đến đạo đức là gì nữa. Từ nhận thức này, những người như ông mới đề xướng lên cái thuyết tam quyền phân lập, để phá vỡ chuyên chế, xây nên nền dân trị mà cải tạo mọi mặt của đời sống, trong đó có con người.

Nếu không có cái hiểu biết căn bản mà nay đã trở nên thường thức ấy, có lẽ ông và Âu - Mỹ nói chung đến giờ vẫn còn mở lớp dạy đạo đức cho cán bộ... Và rồi cả thế giới vẫn đang chìm đắm trong các giáo điều vô ích, mà xã hội thì cứ băng hoại vô phương cứu vãn.

Như thế, Chí Phèo khi nói “Ai cho tao lương thiện” là đã gần như đạt đến độ minh triết xuất thần trong một khắc, đến mức chẳng có mấy cách biệt với nhà triết học lỗi lạc kia! Nhiều người sẽ nói rằng, nhưng Chí Phèo là một thằng bần cố nông say rượu, còn ông Tuấn là một giáo sư, sao có thể mang ra mà so sánh! Không, ở đây chúng ta phải nhìn con người và xã hội trong tất cả chiều kích của nó: sự tha hóa, chứ không phải chỉ chuyện tham nhũng.

Chí ban đầu vốn không phải là một thằng nát rượu, Chí hiền như đất, Chí có ước mơ bình dị mà lương thiện, Chí chăm chỉ làm việc, Chí không phải kẻ lưu manh. Lúc còn trai tráng, trước sự quyến rũ của bà Ba, Chí chỉ thấy nhục nhã chứ không sung sướng gì. Nhưng rồi Chí tha hóa, từ một người lương thiện, Chí trở nên lưu manh, rồi thành quỷ dữ, sau 7 - 8 năm bị quyền lực của Bá Kiến (kẻ đại diện cho nền cai trị) đẩy vào tù.

Ừ thì đấy là nông dân thất học, nhưng còn Hộ, còn Thứ, cũng của Nam Cao, thì sao? Tất cả đều tha hóa. Một kẻ nhân hậu có tài và có khát vọng cao đẹp chỉ muốn tạo lập một sự nghiệp để đời, nhưng rồi miếng ăn và sự tàn nhẫn của xã hội đã đẩy Hộ trượt dài. Hắn đã viết những thứ văn chương nhạt nhẽo bất lương để kiếm tiền nuôi miệng và cứu vợ con. Rồi từ một người lấy tình thương làm lẽ sống, hắn trở nên vũ phu, hắn đánh vợ đuổi con, hắn thành một con thú dữ. Nam Cao cảnh cáo chúng ta cách đây gần 1 thế kỷ về sự hủy hoại con người bởi một chế độ/xã hội bất công và vô luân. Và Chí Phèo trở thành cái loa phát ngôn cho ông. Những người có đầu óc lành mạnh đều hiểu được cái chân lý ấy. Hãy đọc Nguyễn Huy Thiệp những năm 80 thì rõ thêm, sự tha hóa đã ăn vào tận sâu vào bọn tiến sĩ và tầng lớp có học nói chung. Trong Tướng về hưu, một cô vợ bác sĩ khoa sản mang thai nhi về nuôi chó becgie kinh doanh trước mặt một ông chồng ươn hèn là nhà vật lý nổi tiếng. Trong cái thế giới “không có vua” ấy, người ta chỉ thấy một bầy người gồm đủ cả đồ tể đến trí thức, nhưng sống như súc vật, “Ai đồng ý bố chết thì giơ tay”.

Hãy nhìn vào lịch sử Việt Nam suốt gần một thế kỷ qua. Những Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường có phải là những trí tuệ sáng chói của dân tộc ta? Những Nguyễn Hữu Đang, Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm..., có phải là những tài năng lớn của dân tộc ta? Một Nhân văn - Giai phẩm đủ giết chết cả một thế hệ tài hoa và khí phách bậc nhất. Ai đã đánh họ? Chính những cây bút lừng lẫy như Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Đình Thi, v.v., đã hạ thủ dưới sự chỉ đạo của bề trên. Cả 2 thế hệ ưu tú ấy đã bị hủy hoại theo những cách không giống nhau, một là con mồi và một là đồ tể.

Hãy nhìn rộng ra, ở bất kỳ nơi đâu trên thế giới mà chuyên chế/độc tài ngự trị, ở đó lụi bại, đặc biệt là nhân tính. Sự lụi bại không chỉ thô thiển như việc tham nhũng, nó có muôn ngàn lối khác nhau: hoặc là trở nên lưu manh tha hóa, hoặc là trở nên độc ác tàn nhẫn, hoặc là hèn đi, hoặc vô cảm, zombie... Xã hội có một sức mạnh hủy diệt mà không một cá nhân đơn độc nào có thể chống lại được. Hữu Loan có thể coi là một nhân cách kiên cường bậc nhất trong thế kỷ 20 của Việt Nam, ông không bị hư hỏng về tư cách như những người cùng thời nhưng ông đau khổ và đầy lòng bi phẫn. Bản thân điều đó cũng đã là một sự phá hủy lương thức của con người rồi. Đó là chưa nói tới một tài năng như ông, nếu không rơi vào vũng bùn ấy thì có thể ông còn nhiều, nhiều nữa những “màu tím hoa sim” để để lại cho đời, chứ không đến nỗi ngày ngày vào núi thồ đá kiếm ăn và chết mòn nơi thôn cùng xóm vắng. Hãy đọc những “Người xa lạ”, “Huyền thoại Sisyphe” của A. Camus; “Hóa thân”, “Vụ án” của F.Kapka; “Buồn nôn” của J.P. Sartre… để thấy tình trạng này ở chiều kích nhân loại trong các hoàn cảnh lịch sử đặc biệt của nó.

Trong tiếng thét của các nhà tư tưởng và tiếng khóc của các nhà văn, chúng ta sẽ luôn nghe thấy giọng phê phán xã hội một cách dữ dội và tiếng kêu hãy cứu lấy con người bằng cách thay đổi cái xã hội tàn bạo đã ăn thịt con người. Chỉ có những kẻ điếc mới không nghe thấy những thanh âm ấy.

Xã hội cũng giống như một bàn cờ, ở đó giá trị của mỗi cá nhân luôn phụ thuộc vào cái cấu trúc (thế cờ) của cả bàn cờ ấy. Việc dịch chuyển bất kỳ một quân cờ nào cũng sẽ lập tức làm thay đổi giá trị của tất cả. Một thế cờ tốt nhất chính là một thiết chế xã hội mà tất cả những quân cờ đều phát huy được ý nghĩa và sức mạnh của mình. Trong hiểu biết cơ bản này, không kẻ ngu ngốc nào lại cố đi tìm cách thay một quân cờ gỗ bằng một quân cờ kim cương để hi vọng rằng mình sẽ chiến thắng trong cuộc đấu.

Tại sao nhân tài đổ về nước Mỹ còn chất xám thì chảy khỏi Việt Nam? Tại sao chúng ta không có phát minh sáng chế, tại sao chúng ta không có thành tựu khoa học kỹ thuật, tại sao chúng ta nghèo nàn lạc hậu, tại sao và tại sao? Ta hay nhắc câu của Tản Đà, “Nước bốn ngàn năm vẫn trẻ con”, là vì sao? Con người ở đâu trên thế giới thì cũng cơ bản giống nhau, không có chủng tộc nào ưu việt; những đất nước có một dân chúng khỏe khoắn, văn minh, trí tuệ và trưởng thành là bởi họ được sống trong các thiết chế tiến bộ. Cũng là một dân tộc đấy, tại sao Hàn Quốc và Triều tiên lại khác nhau đến thế, cả về mọi mặt của xã hội đến phẩm chất con người?

Bất cứ kẻ nào cũng phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình, tất nhiên, điều ấy chẳng cần phí thời gian bàn cãi làm gì. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở đó và yên tâm rằng, bỏ tù hay rao giảng đạo đức là đủ, thì bao nhiêu cuộc cách mạng mà nhân loại đã đổ máu, tù đày, thống khổ, là vì cái gì? Các nước dân chủ Anh, Pháp, Mỹ v.v., đâu phải từ trên trời rơi xuống, đó là thành quả của những cuộc cách mạng gian nan và trường kỳ. Không ai biện minh cho Chí Phèo cả, Chí Phèo đáng chết. Nhưng Bá Kiến còn đáng chết hơn. Và quan trọng là điều này: nếu không có Bá Kiến thì rất có thể sẽ không có Chí Phèo; nhưng một khi đã có Bá Kiến thì chắc chắn Chí Phèo được sinh ra, không chỗ này thì chỗ khác, không kẻ này thì kẻ kia. Không gì có thể bào chữa cho Hộ cả, nhưng nếu không muốn có hàng triệu anh Hộ trong cuộc đời thì hãy thay đổi cái bàn cờ nơi Hộ chỉ là một quân cờ. Việc mang anh ta ra giáo huấn hay đấu tố, được thôi, nhưng chẳng có ý nghĩa gì hết cho những thằng Hộ khác trong hiện tại và cả tương lai.

Con người là một sản phẩm của hoàn cảnh, “ở bầu thì tròn ở ống thì dài”, đó là chân lý. Thức ngộ cái chân lý ấy để làm gì? Không phải để buông xuôi, cũng không phải để đi sửa từng trái trái dưa, mà là thay/phá cái khuôn. Không lựa bầu hay ống nữa, phải để mỗi loài cây trái được phát triển tự nhiên trong một môi trường rộng lớn, khoáng đạt và tự do để chúng phát huy hết vẻ đẹp và sự hữu ích của mình.

Việc phê phán mỗi cá nhân hay phê phán dân chúng nói chung chỉ có ý nghĩa chừng nào sự phê phán ấy nhằm đánh thức nơi mỗi người cái ý thức cải tạo môi trường, cải tạo xã hội. Phan Châu Trinh đã dành cả đời để làm công việc này. Ông không “chửi dân” một cách chung chung như chửi những những kẻ xấu xa tồi tệ, ông chỉ ra cho họ thấy rằng, họ tệ như vậy là vì xã hội, và muốn thay đổi cái xã hội ấy thì họ phải trở thành những công dân mang ý thức công lợi để rồi cùng nhau thiết lập một thế cờ mới. Chỉ có như thế, đời họ, đời con cháu họ mới được sống trong lẽ công bằng, tự do và tốt lành.

Nếu Phan Châu Trinh chỉ hô hào bỏ tù những kẻ làm sai hay thuyết giáo “độc thiện kỳ thân” thì ông đã chẳng đáng được hậu thế nhắc đến. Cái vĩ đại của ông là ở chỗ, không ngừng phê phán dân tộc mình, nhưng là để họ gắng gỏi mà đứng dậy tự gánh vác lấy một cuộc đổi thay. Thảm hại thay, ngày nay hậu duệ của ông đã không mấy ai còn nhớ đến điều ấy nữa, họ vẫn chỉ muốn đập chết những con ruồi bẩn thỉu chứ không muốn dọn đống rác, vì dọn đống rác thì vất vả và nguy hiểm, lại không có cơ hội nói đạo lý mà làm sang cho mình.

*.

Thái Hạo

 

Mời nhấp chuột đọc thêm:

- Các bài viết của (về) tác giả Chu Mộng Long0

- Các bài viết của (về) tác giả Thái Hạo0

- Các bài viết của (về) tác giả Kiều Mai Sơn0

- Các bài viết của (về) tác giả Xuân Diệu0

- Các bài viết của (về) tác giả Nguyễn Hoàng Đức0

- Các bài viết về Chuyện làng văn0

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 1l

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 2l

 

Mời nghe Kim Yến đọc truyện ngắn

"CÔ" VƯƠNG CƯỚI VỢ của Đặng Xuân Xuyến:

*

CHU MỘNG LONG (tên thật Châu Minh Hùng)

Địa chỉ: Khoa GD Tiểu học Mầm non, Đại học Quy Nhơn

170 An Dương Vương, phường Nguyễn Văn Cừ,

thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định

 

 

 

 

 

.............................................................................................................

- Cập nhật từ messenger facebook Ngô Thanh Tuấn ngày 23/02/2024.

- Ảnh dùng minh họa cho bài viết được sưu tầm từ nguồn: internet.

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến. 

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

0 comments:

Đăng nhận xét