Kỷ niệm với NHỮNG BÀI CA TÔI YÊU - Tạp bút: Dương Quốc Việt (Hà Nội)

Leave a Comment
(Chùa Nôm ; Hưng Yên - Nguồn ảnh: Thảo Chi)
Kỷ niệm với 
NHỮNG BÀI CA TÔI YÊU
*
Tưởng nhớ hương hồn một người anh của tôi!
*
Ngày đó vào năm 1964, một anh trai họ của tôi (ông nội tôi và ông nội của anh là hai anh em ruột), là một thợ đường sắt, không biết vì lý do gì anh rời bỏ cơ quan về nhà. Những buổi tối mùa hè, cùng với cây guitar, anh vừa đệm vừa hát. Nhà anh ở cạnh nhà tôi, nên tôi đều nghe thấy cả. Thế rồi đến lúc, tôi mê những ca khúc qua giọng hát của anh. Và mỗi lần anh đàn hát, tôi lại sang nghe. Chắc thấy tôi thích tiếng đàn và giọng hát của anh, nên anh đã dạy tôi học nhạc và đánh đàn. Quả thật lúc ấy tôi mê lắm và chỉ mong có ngày tôi đàn hát được như anh.
Thao tác đầu tiên mà anh bắt tôi tập, là kẻ khuông nhạc. “Khuông nhạc gồm có 5 dòng, kẻ đếm từ dưới lên trên”-anh nói và yêu cầu tôi làm như vậy đến khi thành thạo. Lúc đầu tôi cãi anh, vì như thế thì kẻ dòng sau mà không nhìn thấy dòng trước, nhưng anh bảo học bài bản thì phải như vậy. Rồi để phục vụ cho học đàn, thì anh yêu cầu tôi, tay nào chân ấy trước hết đấm xuống gối phải đồng thời với xoa vào gối trái nhịp nhàng, rồi anh hô chuyển thì phải lập tức đổi thao tác thành: xoa vào gối phải cùng lúc là đấm vào gối trái, tập cho đến khi nào thành thục.
Nhưng rồi bao sự kiện ập đến, rồi anh trở lại cơ quan, nên việc anh dạy tôi đành bỏ dở. Tuy vậy nhiều bài tôi đã nghe và hát theo tiếng đàn, tiếng hát của anh, nên cũng đã khá ngấm, nhưng chỉ hát thầm cho mình mình nghe. Có lẽ bản tình ca đầu tiên đi vào ký ức tuổi thơ của tôi khi đó, chính là bản tình ca Đôi bờ. Hình như bản tình ca này dễ dàng đi vào tuổi thơ của tôi không chỉ vì tôi thấy hay, mà còn vì lời bình của anh, và cả những điều anh kể về nguyên tác và hình ảnh ẩn dụ của nó.
Đêm dài qua, dưới mưa rơi, em mong chờ anh tới
Cây cỏ hoa như nói nên lời em hạnh phúc nhất đời
Lòng em riêng biết có yêu anh, giữa tình đôi lứa ta
Một dòng sông sóng nước long lanh, đôi bờ đâu cách xa…

Trên dòng sông, sóng đôi nhau, thiên nga đùa trên sóng
Bên bờ sông vai sánh vai nhau, đôi đôi bước theo dòng
Mình em riêng đứng ngóng trông anh, với tình yêu thiết tha
Một dòng sông sóng nước long lanh, đôi bờ đâu cách xa…

Đêm dần qua ánh ban mai đang lan tràn dâng tới
Trên bờ sông soi bóng em dài, xa xa phía chân trời
Mình em riêng thắm thiết yêu anh, với niềm tin thiết tha
Một dòng sông sóng nước long lanh, đôi bờ đâu cách xa…

Mình em riêng thắm thiết yêu anh, với niềm tin thiết tha
Một dòng sông sóng nước long lanh, đôi bờ đâu cách xa…
                       (Có thể nghe qua Đôi bờ-Lê Dung hay Đôi bờ- nhạc Nga).
Nhạc điệu của “Đôi bờ” nhẹ nhàng, sâu lắng, phản ảnh nội tâm của một người thiếu nữ Nga. Tuy nhiên nó lại ẩn dụ về một nỗi tuyệt vọng!? Đôi bờ là một bản tình ca Nga, lời của nhà thơ Grigory Mikhailovich Pozhenyan (1922-2005), phần nhạc do Andrey Yakovlevich Eshpai (1925-2015) viết cho phim “Khát” vào năm 1960 với tên gọi nguyên thủy: Em và anh-đôi bờ.
Theo nguyên tác, thì “Đôi bờ” kể về một mối tình vô vọng của một cô gái Nga, chung thủy với một người lính hy sinh ngoài mặt trận. Điều đặc biệt là, chính bản thân cô gái này cũng đã biết người yêu mình không còn, nhưng trong sâu thẳm tận đáy lòng, cô lại không muốn tin và vẫn hy vọng, đợi chờ. Hình ảnh những con thiên nga và những người bạn gái của cô đều đã có đôi, trong khi đó cô và người yêu, chẳng khác gì hai bờ của một dòng sông, khiến cô càng thêm chạnh lòng. Và dù cô có cố tự an ủi “đôi bờ đâu cách xa“, thì hai bờ cũng chẳng thể nào gặp được nhau.
Cùng với “Đôi bờ”, còn là một bản dân ca, một bản dân ca của Ucraina, cũng đã đi vào tuổi thơ của tôi, trong bối cảnh đó. Tôi vẫn còn nhớ nguyên cảm xúc và những tưởng tượng của tôi khi nghe anh trình bày bài hát này:
Đồng xanh bát ngát mênh mông Ucraina,
Dòng sông lướt trôi trong xanh êm đềm.
Bạch dương tươi tốt, lá xanh cành vươn bên bờ,
Là nơi cố hương thân yêu mong chờ.

Giặc kia hung ác lấn xâm nơi quê hương,
Đồng xanh mến yêu biến thành chiến trường.
Làng quê yêu dấu tan hoang vì quân hung bạo,
Bạch dương xác xơ lá rụng tiêu điều.

Đồng xanh bát ngát mênh mông Ucraina,
Dòng sông lướt trôi trong xanh êm đềm.
Bạch dương tươi tốt, lá xanh cành vươn bên bờ,
Là nơi cố hương thân yêu mong chờ.

Luyện trong gian khó, chúng ta bao thanh niên
Vượt qua khó khăn gian nguy không sờn.
Dù ta có chết quyết không chịu thân nô lệ,
Tự do tiến lên vinh quang muôn đời.

Đồng xanh bát ngát mênh mông Ucraina,
Dòng sông lướt trôi trong xanh êm đềm.
Bạch dương tươi tốt, lá xanh cành vươn bên bờ,
Là nơi cố hương thân yêu mong chờ.

Bạch dương tươi tốt, lá xanh cành vươn bên bờ,
Là nơi cố hương thân yêu mong chờ.
Rồi anh còn kể cho tôi nghe về một vị anh hùng nào đó của đất nước Ucraina xa xưa, bị sa vào tay kẻ thù, tay chân bị xiềng xích, nhưng đã không chịu khuất phục đầu hàng, và đã cất cao lời ca “Dù ta có chết quyết không làm thân trâu ngựa”, trước khi bị hành hình. Anh bảo đó là sự tích ra đời bản dân ca này! Những làn điệu du dương, trầm bổng, phảng phất nỗi buồn, gắn với hình ảnh người anh hùng trong câu chuyện anh kể, là những âm hưởng, hình ảnh đã ngấm vào tuổi thơ của tôi.
Nói đúng ra, lời của bản dân ca ngày ấy anh em tôi hát, không hoàn toàn giống như bản chép trên. Lời của nó đúng là lời của dân ca, chứ không phải là những ngôn từ cập nhật như “Luyện trong gian khó, chúng ta bao thanh niên“. Có phải do dịch chăng? E  rằng lời trong bản chép trên, đã được cải biên, cho phù hợp với thời kỳ chiến tranh thế giới thứ II thì phải !?
Cũng cần nhìn nhận thêm rằng, ngày ấy cũng như mãi sau này, những ấn phẩm văn học, âm nhạc… thịnh hành, dường như là những gói “mỳ ăn liền”, chỉ để nhằm cổ xúy trực tiếp cho khí thế chiến tranh, sản xuất, chiến đấu, hay tụng ca… Nói thế để tôi tự bằng lòng, rằng tôi đã may mắn như thế nào, khi được anh trai họ của mình, cho ăn một món ăn nhiều dưỡng chất, có lẽ lại vào đúng lúc cơ thể đang cần. Tuy nhiên có thể có người bảo, cái đó là điều chưa hẳn, nếu nhìn qua lăng kính của nhiều con người thành đạt trong thời đại này.
Một điều lạ, là có khá nhiều bản tình ca tôi biết trong hoàn cảnh đó và một vài hoàn cảnh khác sau đó, cùng với mấy người anh em trong đại gia đình của ông bà nội, âm hưởng vẫn còn mồn một trong ký ức của tôi, thậm chí tôi vẫn thầm ngân nga mỗi khi làm việc trong tĩnh mịch một mình, hay gặp những hoàn cảnh gợi mở… gây xúc động trong tôi (chẳng hạn những câu, những đoạn như: “Nay ta ra đi nơi xa vời, vì ta không quen ở nơi này“; “Chim ơi nàng ở nơi nao, biết bao giờ ta lại gặp nhau“; “Hoàng hôn buông quá nhanh, bóng đêm u buồn vây quanh“; “Phải chăng em sống nơi đâu, đường đi chưa quen lối về, vì ta chung câu ước thề, lòng anh buồn tái tê” hay “Dù cho gió mưa buồn thương, dù đời vấn vương sầu thương, thì anh vẫn không quên được người em“…), nhưng sau này và cả đến bây giờ, tôi không sao tìm lại được nữa. Tôi phỏng đoán có thể là nhạc phim nước ngoài thời đó !?
Còn những bài như hai bài ở trên, mặc dù đã nghe cả những danh ca trong và ngoài nước biểu diễn, nhưng tôi vẫn không thể có được cái cảm xúc năm xưa khi nghe anh hát. Những thần thái đầy cảm xúc, giọng hát quyện với tiếng đàn, với cái nhìn như bao bọc lấy tôi, anh cất lên “Mình anh riêng biết có yêu em, với niềm tin thiết tha” khi hát “Đôi bờ”, hay khi anh và tôi cùng hát câu “Dù ta có chết quyết không làm thân trâu ngựa” trong bài dân ca Ucraina…, đều là những cảnh tượng không bao giờ phai trong tôi. Quả thật với tôi, thì không ai có thể biểu diễn hay hơn anh, với miệng hát tay đệm guitar, dưới những đêm trăng sáng nơi quê nhà năm ấy!
Có lẽ anh là một trong những người đã góp phần đưa vào ký ức tuổi thơ của tôi những bản tình ca, theo tôi đi suốt cuộc đời! Không biết có phải những món ăn đầu đời ấy đã tạo nên “khẩu vị” của tôi hay không? Chỉ biết rằng, mặc dù những năm tháng của tuổi trẻ sau này, trải qua nhiều cung bậc của cuộc sống, tôi đã nghe đã thuộc nhiều bản tình ca khác (thậm chí tôi tự cho là sẽ hát được chúng với cảm xúc nhất, mặc dù tôi chưa hát cho ai nghe bao giờ cả) với nhiều sắc thái cảm xúc, nhưng tôi vẫn cảm thấy thiếu hụt những trạng thái cảm xúc gì đó, trong “bộ sưu tập” tình ca của mình, mà không sao gọi tên ra được.
Thế rồi vào một buổi sáng cuối thu, khi đang ngủ trở lại, sau một đêm thức quá đà do mải mê công việc, trong mơ màng, tiếng du dương xa xa đâu đó như lướt nhẹ qua tai tôi:“Trên ghế đá kia phai màu/ Người yêu dấu không thấy đâu”. Tỉnh dậy trong cái tiết se lạnh của thu tàn, khiến tôi càng cảm thấu thêm cái tê tái từ tiếng vọng kia mang đến. Và tôi nhận ra nó chính là cái mà trong “bộ sưu tập” của tôi còn đang thiếu vắng. Tôi đã gặp “Người yêu dấu ơi” như thế đó.
Cho đến nay, Koibito Yo (1980) là một trong những bản tình ca mà tôi yêu thích nhất! Và tôi ưa bản đã được phóng tác và biểu diễn bởi Ngọc Tân (1948-2004) hơn cả, không biết có phải vì nó đã đến với tôi từ tiếng vọng do người nghệ sĩ tài hoa này tái tạo ra không !?
Chiều hoàng hôn rơi lá
Bao lá cây thu vàng
Trời mùa đông từng cơn
Gió tuyết trắng lạnh về
Ôi tháng năm với những thời gian buồn
Trôi đi mãi và trên ghế đá kia phai màu
Người yêu dấu không thấy đâu
Người yêu dấu ơi, người về với tôi
Với bao thời gian với bao kỷ niệm
Ngồi ngắm sao rơi trời đêm
Bầu trời lóe sáng chói đêm đen
Và từng ký ức mãi không quên
Giấc mơ tình yêu vô tình
Chợt tắt trong đêm đông về.
Koibito Yo kể về câu chuyện tình buồn của một thiếu nữ đang ngồi thu mình trên ghế đá công viên, dưới cơn mưa tuyết, chờ người yêu trở lại. Mặc dù người yêu của cô đã nói lời giã từ, nhưng người thiếu nữ ấy vẫn hy vọng lời giã từ kia chỉ là lời nói đùa, và người yêu cô sẽ trở lại với những nụ cười như ngày nào. Koibito Yo là một trong số rất ít những tình ca do nữ ca sỹ nổi tiếng người Nhật Mayumi Itsuwa tự sáng tác, và biểu diễn rất thành công (có thể nghe qua Itsuwa Mayumi – Koibito yo).
Bi kịch tình yêu, có lẽ luôn là nỗi đau muôn thuở của con người!? Nhưng kể lại một câu chuyện tình đơn phương đã nêu ở trên như “Người yêu dấu ơi” thì quả là đặc sắc! Tôi cảm như phóng tác của Ngọc Tân đã lột tả được cái thần thái của câu chuyện mà Itsuwa Mayumi  đã kể bằng âm nhạc thông qua Koibito Yo.
Suy ngẫm về những bản tình ca tôi yêu, trong khi viết lại những kỷ niệm này, tôi mới chợt nhận ra rằng: ngoài biết bao cảnh đợi chờ đằng đẵng “hóa đá”, mang tính kinh điển trong thi ca của nhiều dân tộc như “Khúc hát nàng Solveig” huyền thoại của đất nước Na Uy (gắn với những kỷ niệm thời sinh viên của tôi), thì “Đôi bờ” và “Người yêu dấu ơi” là một cặp khác biệt. Rằng đó là một cặp tương phản, phản ánh hai kiểu tuyệt vọng của hai thiếu nữ Nga và Nhật trong cảnh đợi chờ. Nếu như ở “Đôi bờ” cái tuyệt vọng là cái cảnh “tình còn người mất”, thì ở “Người yêu dấu ơi” lại là cái cảnh “tình mất người còn”.
Nhạc: Edvard Hagerup Grieg (1843-1907). Lời: Henrik Johan Ibsen (1828-1906). 
Mùa đông dù trôi qua,
nhưng bóng dáng xuân tươi phai dần
và lá trút không vương trên cành.

Dù cho bao nhiêu năm tháng
mang ánh nắng đông qua xuân về
và nỗi nhớ anh đi chưa về.

Ngàn trùng dù có cách xa
em vẫn chờ dù đến bao giờ.
Tình em không bao giờ phai.

Tình này em dâng hiến anh,
có bao giờ nhạt phai trong lòng.
Tình em yêu anh trọn đời…

A…a…a…

Cầu mong ở nơi xa,
anh vẫn sống yên vui thanh bình
nhờ những giấc mơ em bên mình.

Ở nơi xa xăm ấy
ôm chiếc bóng cô đơn trong lòng
và nỗi nhớ mênh mông vô cùng.

Trọn đời em thương nhớ anh,
em vẫn chờ dù đến bao giờ.
Tình em không bao giờ phai.

Tình này em dâng hiến anh,
sẽ giữ trọn hình anh trong lòng.
Thủy chung yêu anh trọn đời…

A…a…a…
Người ta còn cho rằng, “Khúc hát nàng Solveig” được lấy cảm hứng trực tiếp từ câu chuyện tình chung thủy giữa nàng Penelope với người anh hùng Odysseus trong cuộc chiến thành Troy, được kể trong hai sử thi Iliad và  Odyssey nổi tiếng của Homer (850-TCN-Hy Lạp). Điều này không rõ đúng sai đến đâu, nhưng thật có lý khi nói rằng: nó chịu ảnh hưởng của câu chuyện tình này, như thực tế Iliad đã ảnh hưởng rất sâu rộng đến nhiều tác phẩm thi ca của nhân loại trong suốt hàng nghìn năm qua.
Những đợi chờ có thể trong niềm tin, trong  hy vọng  hay trong  tuyệt vọng, thậm chí còn có thể mang đến bi kịch nữa… Nhưng nó đều hé lộ một điểm chung gì đó rất kỳ lạ, rất đáng yêu, rất đỗi tạo hóa, thậm chí còn rất vĩ đại, thuộc về một phần nửa của thế giới, mà nửa còn lại không dễ gì thấu cảm được. Đến đây, tôi cảm thấy như mình vừa có một khám phá mới về một nét rất đặc trưng của phái đẹp, cái mà tôi đã từng không hiểu hoặc vô tình. Vì thế rất có thể tôi đã làm tổn thương cho chính những người thương yêu mình. Nghĩ thế mà không khỏi giật mình, xót xa!
Nếu như “Quê hương Ucraina” đã được người anh họ gieo vào ký ức tuổi thơ, khiến nó không bao giờ phai trong tôi (thậm chí âm hưởng: “Làng quê yêu dấu tan hoang vì quân tham tàn” dường như luôn vọng về, mỗi khi chứng kiến hoặc nghe tin các làng quê nào đó bị tàn phá, với bất cứ lý do gì), thì trái lại tôi không sao nhớ rõ, đã được nghe từ khi nào bản hợp xướng: Tiếng hát người chiến sĩ biên thùy (viết năm 1958) của nhạc sĩ Tô Hải (sinh năm 1927).
Rồi một lần, có lẽ vào khoảng giữa năm 1980, không hiểu sao từ trong một giấc mơ của tôi khi đó, mồn một từ ký ức vọng về âm hưởng Chương III: Tiếng gọi của quê hương (chương mà tôi thích nhất) của hợp xướng gồm 4 chương này:
Chiều chiều dừng chân đỉnh non sườn núi
(Ai đi xa xôi nhưng lòng vẫn vui)
Ngó trông xa xa tận phía chân trời
(Có người thương yêu ngày đêm ngóng trông)
Quê hương yêu dấu bao người chờ trông
(Nơi quê hương xa xôi ai chờ mong)
Những đêm trăng rằm tiếng ca vang lừng cùng người xa vắng 
Đập lúa dưới trăng

Giờ này ở nơi xa xôi biên giới
Hát vang lời ca thiết tha yêu đời
Sông kia núi đó như giục lòng ta
Khó khăn mau vượt có chi ngăn được tình yêu quê hương

Ngàn đèo ngàn non ngàn sông ngàn suối
(Ai đi xa xôi nhưng lòng vẫn vui)
Bước đi muôn nơi càng yêu quê nhà
(Có người thương yêu ngày đêm ngóng trông)
Ai buông tay hái ngó nhìn trời xa
(Nơi quê hương xa xôi ai chờ mong)
Nón nghiêng nghiêng chào thắt lưng hoa đào vờn bay trong nắng
Chiều xuống bên ta 

Giờ này ở nơi xa xôi biên giới
Hát vang lời ca thiết tha yêu đời
Sông kia núi đó như giục lòng ta
Giữ yên biên thùy cho lòng tổ quốc Việt Nam sáng  ngời. 
Sáng hôm sau, tôi lõm bõm hát câu được câu chăng “Tiếng gọi của quê hương” và nói với một anh bạn đồng nghiệp: anh có thể thuộc và hát đầy đủ bài này không? Không nói năng gì, anh hát! Trong không gian tĩnh lặng chỉ có tiếng hát mà tôi cảm như chất giọng “nhà thờ” của anh, chúng tôi nhìn nhau trong cảm xúc đến vô cùng.
Kể từ đó tôi dành cho anh những tình cảm đặc biệt. Đó là anh Trần Quốc Thư một giảng viên môn kỹ thuật nông nghiệp, con trai của một gia đình trí thức, bố anh là một bác sĩ, nhà ở phố Bát Đàn-Hà Nội, anh vẫn ở lại đó (Trường đại học Tây Bắc) cho đến hôm nay. Tôi đã đến thăm gia đình riêng của anh trên đó, nhân dịp thỉnh giảng cho lớp cao học toán tại trường anh vào năm 2009, và từ đó tôi luôn cầu mong cho anh chống đỡ được bệnh tật!
Năm tháng trôi qua, biết bao biến động cùng với những thăng trầm, những tình cảm vui buồn bao phủ, mặc dù vẫn thường xuyên tìm lại, nghe lại được những tác phẩm mà tôi ưa thích, trong đó có nhiều tác phẩm mà người ta rất ít nhắc đến, nhưng tôi đã quên bẵng “Tiếng hát người chiến sĩ biên thùy”.
Nhưng rồi một bất ngờ thú vị, đêm qua (đêm 15/6/2017) cái giấc mơ năm xưa một lần nữa trở lại, âm hưởng của “Tiếng gọi của quê hương” lại vọng về. Và ngay lập tức tôi đã tìm thấy nó, được cảm nhận về nó qua trình diễn của những dàn hợp xướng với những kích cỡ khác nhau, thậm chí còn có cả những dàn hợp xướng khổng lồ, chẳng hạn:
Nghe lại một mình “Tiếng gọi của quê hương”,  tôi như chết lặng với biết bao hoài niệm, liên tưởng xa xôi, như xua đi những “âm thanh” nhức nhối đang hiện hữu ở xứ sở này. Cùng với đó là những xót xa, nhất là khi biết thêm về số phận đưa đẩy, long đong của bản hợp xướng cùng với tác giả của nó. Có lẽ đây là bản hợp xướng mà tôi nghe không bao giờ thấy cũ.
Thiêng liêng-bổn phận-day dứt-bi tráng-da diết-dâng trào, pha chất thánh ca, lai láng bao la, còn có cả đâu đó nhạc điệu như tiếng tơ lòng réo rắt-vọng hồn xứ sở, cất lên từ những đau thương, mất mát, chịu đựng, khao khát cảnh đoàn tụ-yên ấm- thanh bình…, là những gì mà tôi cảm được sau những lần đã nghe “Tiếng gọi của quê hương”. Và sẽ còn những gì gì nữa, những cảm nhận xuất hiện qua những trình diễn khác nhau, những trạng thái và thời điểm khác nhau, nhất là ở dạng không lời, chắc không ai có thể biết trước.
Cũng cần nói thêm rằng những làng quê bắc Việt Nam vào thời điểm tổ khúc này ra đời (1958), tuy hết bóng ngoại xâm, nhưng lại vừa trải qua một kiếp nạn khủng khiếp, mà không sao có thể hàn gắn lại được. Có phải vì thế mà nhạc điệu “Tiếng gọi của quê hương” thiếu vắng những tiếng ca tụng reo vui, như ai đó mong đợi (!) Cũng vì thế mà tôi thêm thấu hiểu, vì sao nó đã từng là đối tượng của những gã đao phủ, trần trụi-sính bạo lực một thời.
Tôi như cảm thấy có lỗi vì đã rời xa “Tiếng gọi của quê hương” quá lâu, và quyết định viết lại kỷ niệm này, để  nó mãi thường xuyên ở bên tôi. Tôi hằng mong cho “Tiếng gọi của quê hương” sẽ đi vào tâm thức của triệu triệu người, và được trường tồn theo thời gian. Và dù bất luận như thế nào thì một ngàn lần, tôi cảm phục, mến yêu và biết ơn tác giả, đã để lại cho đời một bản hợp xướng như thế.
Người anh họ-người thầy dạy đàn nhạc đầu đời của tôi, đã mất năm 1997, tôi thương tiếc vô cùng! Tôi ân hận vì đã chưa một lần nói được với anh, rằng anh đã đưa vào ký ức tuổi thơ của tôi những ca khúc tuyệt vời, rằng đó là một trong những vật liệu nền móng, cho cái lọc, cái lá chắn, cái giá đỡ tinh thần…, đã và sẽ trợ giúp tôi trong cuộc đời này! Rằng cái điều mà tôi đã không sớm suy ngẫm để nhận ra, lúc anh còn sống! Mong anh thông cảm và tha thứ cho tôi! Tôi cảm thấy mình thật có lỗi, và dẫu có quá muộn mằn, thì tôi vẫn phải ngậm ngùi nói lời cảm tạ với anh!

Mời thư giãn với nhạc phẩm SAU CUỘC CHIẾN
của Randy, qua tiếng hát Randy:

*
Hà Nôi, ngày 30.06.2017
DƯƠNG QUỐC VIỆT
Địa chỉ:  Ngách 31/2 phố Phan Đình Giót,
quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội.
Email: duongquocviet@fmail.vnn.vn
.





....................................................................................................
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 30.06.2017.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
.    

0 comments:

Đăng nhận xét