NGUYỄN DU CÓ ĐẾN LÂM AN KHÔNG? - Tác giả: Phạm Trọng Chánh (Pháp)

Leave a Comment

NGUYỄN DU CÓ ĐẾN
LÂM AN KHÔNG?
*
(Giáo sư Phạm Trọng Chánh)
Nguyễn Du có đến Lâm An (Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang) không? các nhà nghiên cứu Đào Duy Anh, Trương Chính, Lê Thước, Nguyễn Văn Hoàn, Mai Quốc Liên.. đều cho là có, Phó Giáo sư Tiến sĩ Nohira Munehiro trong bài viết: “Một giả thiết khác về hành trình đi sứ của Nguyễn Du năm 1813-1814” đăng trên site tạp chí Nghiên cứu Lịch Sử, Tạp chí Văn Hoá Nghệ An và Việt Nam Học dựa vào câu thứ bảy: “Trướng  vọng Lâm An cựu lăng miếu (Hướng vọng Lâm An lăng miếu cũ), để xác định rằng chữ vọng là từ xa mà nhìn và ông cho rằng bài này Nguyễn Du làm bài thơ tại quê hương Nhạc Phi ở Thang Âm, tỉnh Hà Nam.
Tôi rất ngạc nhiên Phó Giáo sư Tiến sĩ Nohira Nurehio trích câu 7, tại sao không đọc tiếp câu thứ 8: “Sơn Hà sơn tại mộ yên trung” (Thê Hà chìm đắm khói sương dâng). Tại Thang Âm, tỉnh Hà Nam có núi Thê Hà như tại Hàng Châu chăng? Núi Thê Hà phía trên mộ Nhạc Phi bên bờ Tây Hồ, nhìn qua bên kia hồ là lăng miếu cung đình cũ các triều vua Nam Tống, có con đê Tô do Tô Đông Pha khi làm Thứ sử Hàng Châu đã cho đã nạo vét Tây Hồ mà đắp thành con đường, nối liền mộ Nhạc Phi với chùa Hổ Pháo, nơi Từ Hải tức Minh Sơn hòa thượng từng tu hành trước khi thành cướp biển. Vị trí tương tự như đường Cổ Ngư nối liền chùa Trấn Quốc và Quán Trấn Vũ, Hà Nội. Nguyễn Du có thể dạo chơi trên núi Thê Hà núi đá vôi không cao lắm trên mộ Nhạc Phi, hay đứng trước mộ Nhạc Phi nhìn lên núi, buổi chiều sương lên từ Tây Hồ chìm đắm khung cảnh trong mơ, nhìn khung cảnh quanh hồ: bên kia hồ là lăng miếu triều Nam Tống, bờ hồ, đê Bạch (Cư Dị) là các thanh lâu các nàng Kiều bên Tây Hồ, gần đó còn có mộ nàng Tiểu Thanh với rừng mai bát ngát. Thê Hà không phải là một địa danh quan trọng trong đời Nhạc Phi, nếu không đến Lâm An làm sao Nguyễn Du biết đến núi Thê Hà trên mộ Nhạc Phi, Nguyễn Du tả cảnh sống trực tiếp, tức cảnh sinh tình mà làm thơ, chứ không tưởng nhớ đến Lâm An, nếu chưa bao giờ đến Lâm An. Lâm An cũng không phải quê quán, làm sao Nguyễn Du nhớ đến Lâm An như vọng về cố hương. Bài thơ Nhạc Vũ Mục Mộ tôi cho rằng Nguyễn Du đã đứng trước tượng Nhạc Phi có thương thần trượng tám, cung nặng sáu thạch, có câu “Hoàn ngã giang sơn” chung quanh có hàng tùng hàng bách mà làm thơ tức cảnh chứ không ở nơi khác mà tưởng nhớ.
Do đó tôi bác bỏ giả thuyết cuả Phó Giáo sư Tiến sĩ Munehiro cho rằng Nguyễn Du không đến Lâm An. Có lẽ vì định kiến có sẵn Nguyễn Du đi sứ không đi qua Hàng Châu nên ông bỏ qua những chi tiết ngược lại sự suy nghĩ chủ tâm trước. Điều này thường thấy trong việc dịch thơ Nguyễn Du, ví dụ bài Biệt Nguyễn Đại Lang có câu “Ngã diệt phù Giang Hán”, sông Hán là con sông  nối liền từ Vũ Hán, Hán Dương đến Trường An, tôi đi sông Hán đây còn có ý nghĩa là tôi đi Trường An đây, nhưng vì không nghĩ đến việc Nguyễn Du đi Trường An nên cụ Ngô Linh Ngọc dịch thành: “Tôi cũng vượt sông lớn”, Giáo sư Nguyễn Huệ Chi cũng dịch thành: “Tôi sẽ sang sông đây”. Ai cũng bỏ qua địa danh sông Giang Hán. Trung Châu trong bài Biệt Nguyễn Đại Lang là vùng tròng đỏ trứng gà các kinh đô cũ Hoa Hạ, Trung Quốc các cụ  Trương Chính, Lê Thước, Đào Duy Anh.. đều chú thích Trung Châu là  vùng Hà Nội. Địa danh Giang Bắc, Giang Nam  bài Mạn hứng II  các cụ cũng lơ là không nói đến. Nam Đài, Long Giang bài Xuân Dạ ở Long Châu, Trung Quốc thành một thôn làng Tiên Điền, một khúc sông Lam.
Thơ chữ Hán Nguyễn Du là những trang nhật ký, nhiều nhà nghiên cứu không đọc kỷ từng chi tiết để tìm ra cuộc đời, hành trình Nguyễn Du, mà đi ngược lại căn cứ vào gia phả do Nguyễn Y con Nguyễn Nhưng viết từ làng Tiên Điền và ép các bài thơ vào cái khung định sẵn, chi tiết nào không hợp thì bỏ qua, hay chú thích thành sai lạc. Gia phả chép đầy lầm lẫn như: Lê Quý Kỷ Sự của Nguyễn Thu chép thành tác phẩm của Nguyễn Du. Đoàn Nguyễn Tuấn ra làm quan Tây Sơn chép thành Đoàn Nguyễn Tuấn cùng Nguyễn Du khởi binh chống Tây Sơn, Nguyển Nể được vua Gia Long vời đến cùng Nguyễn Thiếp khi chiếm Phú Xuân, nhà vua cho Nguyễn Thiếp về quê quán, và cho Nguyễn Nể đi theo ra Bắc Hà thì chép thành Nguyễn Du theo vua Gia Long từ Hà Tỉnh ra Bắc. Nguyễn Y cũng không biết  Nguyễn Nghi một ông chú khác ở Chu Kiều, Bắc Ninh viết truyện thơ Quân Trung Đối.
Bài thơ Nguyễn Hành viết về chú Nguyễn Du có hai câu: “Giang hồ, long miếu hai điều đủ, Thi họa cầm thư bốn nghệ tinh”.  Hai bài Mạn Hứng, Nguyễn Du cũng cho biết mình ở ăn nhờ biển đến sông và ở xa quê hương ngàn dậm. Nguyễn Du có một cuộc đời đi giang hồ, như cuộc đời 18 năm làm quan triều đình, giang hồ ngày xưa có nghĩa là đi chơi như Phạm Lãi, Lý Bạch các con sông Giang Bắc, Giang Nam và năm hồ trong đó có Tây Hồ là hồ đẹp nhất ở Hàng Châu. Nguyễn Y hoàn toàn không hay biết gì về cuộc đời giang hồ Nguyễn Du. Mười năm gió bụi, gia phả chép thành mười năm ông về quê vợ Quỳnh Hải. Nếu về quê vợ yên ổn hạnh phúc với vợ, dạy học thì có gì gọi là gió bụi?
Tại Hàng Châu, mộ Nhạc Phi, Nguyễn Du làm 5 bài thơ có thêm hai bài Tần Cối tượng và Vương Thi tượng, các nơi khác khi đi sứ Nguyễn Du chỉ làm một bài thơ khi đi ngang, chứng tỏ Nguyễn Du dừng chân lâu nơi này. Nguyễn Du chờ đợi ai, hẹn hò ai  chớ không phải đi sứ. Bài Biệt Nguyễn Đại Lang đã giải đáp thắc mắc này: “Tương kiến tại Trung Châu”, (Sẽ gặp lại  nhau tại Trung Châu). Họ hẹn gặp nhau tại Mộ Nhạc Phi ở Hàng Châu. Xưa nay Mộ Nhạc Phi là một địa điểm danh tiếng, ai đến Hàng Châu cũng phải thăm nơi này.
Nhân vật Nguyễn Đại Lang và Nguyễn Sĩ Hữu trong Thanh Hiên thi tập  là ai ? tìm ra được hai nhân vật này là chìa khóa mở ra cánh cửa cuộc đời giang hồ của Nguyễn Du. Cuối đời Lê Trịnh, khi Trịnh Tông lên ngôi chúa, Nguyễn Khản, thầy dạy Trịnh Tông,  anh Nguyễn Du từ Trấn thủ Sơn Tây lên làm Thượng Thư Bộ Lại hành Tham Tụng kiêm trấn thủ Thái Nguyên, Hưng Hóa. Nguyễn Khản đã bố trí các em, con rể, thuộc hạ mình làm vây cánh tại các trấn. Tại Tây Sơn ông giao lại chức  Trấn Thủ cho em là Nguyễn Điều thay thế, Nguyễn Nể phụ tá. Tại Hưng Hoá quyền trấn thủ là con rể Nguyễn Huy Tự (tác giả truyện Hoa Tiên), có Nguyễn Trứ (con cụ Nguyễn Nghiễm và bà Nguyễn Thị Xuân, anh Nguyễn Nghi) làm tri phủ. Tại Thái Nguyên nơi có nhiều tay giang hồ tứ chiến người Hoa sang khai thác mỏ bạc, Ngô Thì Nhiệm từng có báo cáo về triều đình về tình hình phức tạp tại Thái Nguyên. Nguyễn Khản cử một thuộc hạ Nguyễn Đăng Tiến, gốc người Quế Lâm, vùng cao sơn lưu thủy Trung Quốc, người Việt Đông, nước Việt cổ thời Việt Vương Câu Tiễn và thời Triệu Đà. Nguyễn Đăng Tiến tước Quản Vũ Hầu. Nguyễn Du đã đổi quê Từ Hải, ở Hấp Huyện, An Huy bằng quê Nguyễn Đăng Tiến. “Họ Từ tên Hải vốn người Việt Đông”. Tiến giỏi võ Thiếu Lâm, thuộc hạ Nguyễn Khản dạy võ cho các em, các con trong nhà Nguyễn Khản còn có một tay kiếm khách người Hoa khác, đã trấn  dinh Kim Âu cho Nguyễn Khản chạy thoát lúc bọn kiêu binh đến phá dinh, và bị giết chết .(Hoàng Lê nhất thống chí). Tại Thái Nguyên, Nguyễn Du vừa đỗ Tam Trường trường thi Sơn Nam, được anh giao nhiệm vụ làm Chánh Thủ Hiệu quân Hùng Hậu Hiệu, chỉ huy đội quân hùng mạnh nhất Thái Nguyên, Nguyễn Quýnh làm Trấn Tả Đội, đội quân hùng mạnh khác, Quýnh lấy danh hiệu Sĩ Hữu, để chứng tỏ mình văn võ song toàn.
Hoàng Lê Nhất Thống Chí gọi Tiến là Cai Gia, chức Cai phù hợp với tước Quản Vũ Hầu. Lịch Triều tạp kỷ của Ngô Cao Lãng gọi là Cai Già, Lê Quý kỷ sự chép rõ việc: Khi Vũ Văn Nhậm, Tây Sơn ra giữ Bắc Hà, Tiến họp bọn người Hoa khởi nghĩa tại Tư Nông, bị chỉ huy Giáo đánh bắt, giải về cho Vũ Văn Nhậm. Nhậm trân trọng khí khái, sau những lời đối thoại, đã tha bổng cả bọn cho muốn đi đâu thì đi, họ từ Thái Nguyên đi Vân Nam.
 Lê Quý Kỷ Sự - Viện Hán Nôm, nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội Hà Nội trang  91,92 chép: “Vũ Văn Nhậm cười nói: Ta đi cướp nước người, phá nhà người đó là lỗi ta. Vậy thì người đánh lại ta là chính đáng, chứ người có tội gì. Chỉ giận vì sức mọn thế yếu, nên mới bị ta bắt được đó thôi. Nay ta thả Tiến ra, nếu Tiến chịu hàng thì đi với ta, bằng kông thì cho tùy ý muốn đi đâu cũng được. Ví bằng lại dấy quân quyết chiến với ta mà ta bắt được lần nữa thì cũng không giết đâu.”
Nguyễn Du cũng bị bắt trong trận này nên bài Biệt Nguyễn Đại Lang có câu: Sinh tử giao tình tại, tồn vong cùng khổ khi.” Nguyễn Du kết nghĩa sinh tử với Cai Già, cùng bị bắt  suýt bị giết và cùng được tha, vì ông lớn tuổi hơn cả Nguyễn Khản hơn Nguyễn Du 31 tuổi, nên Nguyễn Du gọi ông là Nguyễn Đại Lang. Gia phả chép lầm là cha nuôi họ Hà truyền tập ấm cho Nguyễn Du.
Tìm ra nhân vật này tôi có liên lạc với Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn đang sống những ngày cuối đời ở Moscou, (tôi từng tiếp tân ông lúc ông và phu nhân sang dạy Việt Học tại Viện Đại Học Paris VII), ông rất vui mừng, ông ráng đánh điện thư cho tôi chữ nhảy lung tung, cho biết ông đã bị phong thấp nặng bại liệt nửa người, ông đọc quyển Nguyễn Du mười năm gió bụi của tôi gửi tặng. Ông viết điện thư bảo  học trò ông từ Hà Nội gửi gấp Hoàng Lê Nhất Thống Chí sang cho ông, cầm trong tay hỏi tôi trang mấy. Ông rất vui vì sau bao nhiêu năm nghiên cứu đọc hơn 30 ngàn câu thơ Kiều những bản Nôm cổ nhất, những chữ húy, ông chứng minh Truyện Kiều Nguyễn Du viết trước khi ra làm quan thời nhà Nguyễn, Giáo sư Hoàng Xuân Hãn cũng cho rằng Nguyễn Nể khi đi sứ năm 1790 đã mang Kim Vân Kiều truyện về cho em. Nay tôi chứng minh Nguyễn Du có bản Kim Vân Kiều truyện khi đến Lâm An thời đi giang hồ năm 1790. Thật cảm động, ông  gần chết đến nơi mà vẫn đùa vui  như ngày nào “khám phá này anh sẽ làm mưa làm gió”.
Nguyễn Du, Nguyễn Đăng Tiến đến Vân Nam, nơi cảnh: Tuyết xuống làng xa não tiếng tù. (Tuyết ám cùng thôn hiểu giác ai), bài Sơn Thôn. Áo khăn trưởng giả còn theo Hán, Ngày tháng sơn lâm khác lịch Tần. (Trưởng giả y quan do thị Hán,  Sơn trung giáp tý quýnh phi Tần.) bài Sơn Thôn. Nguyễn Du bị bệnh ba tháng vì không quen khí hậu lạnh, chữa bệnh nơi nhà một thầy thuốc, vườn có trồng nhiều cây thuốc, phải bán con ngựa dùng đi đường để chữa bệnh và ước mơ: Ước gì thoát khỏi vòng trần tục. (Ná đắc khiêu ly phù thế ngoại, bài Sơn Thôn), Nguyễn Du đã thực hiện ước mơ thoát vòng trần tục này như thần tượng lý tưởng của Nguyễn Du là Thanh Liên Lý Bạch, 21 tuổi mặc áo trắng đạo sĩ, vác trường kiếm đi giang hồ khắp các sông Giang Nam, Giang Bắc và Ngũ Hồ. Lý Bạch không cần có công ty du lịch,  vì nơi nào cũng có đạo quán Đạo Lão để dừng chân ăn ở miễn phí. Nguyễn Du 21 tuổi mặc áo vàng nhà sư, trong túi vải có quyển Kinh Kim Cương chú giải của Lê Quý Đôn, vai mang trường kiếm, cũng không cần công ty du lịch như ngày nay, đi nhờ thuyền buôn, tụng kinh làm phép hàng hóa cho nhà buôn mua may bán đắt, nhà buôn cúng dường cho sư (khác với Việt Nam phong tục này thông thường ớ Trung Quốc ngày xưa). Khi gặp thắng cảnh thì dừng lại rong chơi, đêm ngủ tại các chùa trên đường đi, tụng kinh Kim Cương, chùa cũng mời cho bữa ăn rau đậu. Nguyễn Du tụng ngàn lần Kinh Kim Cương này trong ba năm giang hồ (365 ngày x 3), người thường không ai đọc Kinh Kim Cương đến ngàn lần. Nguyễn Du đội mũ vàng nhà sư đi vạn dậm. tức khoảng 5000 km Vạn lý hoàng quan tương mộ cảnh, (Vạn dậm mũ vàng chiều nắng xế. Bài Mạn hứng II). Ngày xưa các cụ thường rong chơi, ngụ tại các chùa trên đường đi, cụ Nguyễn Thông người đi thám hiểm khắp nơi đã  viết nửa đời mình trú ngụ trong cảnh chùa. Nguyễn Du lấy danh hiệu Thanh Liên Chí Hiên, Chí Hiên rồi về sau thành Thanh Hiên. Chí là danh hiệu Chí Thiện Thiền Sư chưởng môn phái Thiếu Lâm thời nhà Thanh cả Trung Quốc kính nể, nhiều bộ tiểu thuyết viết về môn phái Thiếu Lâm. Bọn đạo tặc, giặc cỏ nghe đến nhà sư có vai vế chữ Chí cũng lánh xa giúp cho thuyền buôn được yên ổn. Danh hiệu này Hồ Xuân Hương chép  hai bài thơ Chí Hiên tặng trong Lưu Hương Ký. Nguyễn Du học Tứ Thư Ngũ Kinh và hàng nghìn bài thơ phú đều bằng chữ Hán, Trung Quốc chữ viết thống nhất, giọng đọc mỗi vùng có khác nhau. Từ cách đọc Hán Việt thay đổi theo âm mỗi vùng không phải là điều khó. Nhất là có thầy dạy bên cạnh là Cai Gia. Tôi cho rằng nhờ việc giỏi tiếng Hoa nên Nguyễn Du năm 1803 làm tri phủ Thường Tín, Nguyễn Du đã được đặc cách đi tiếp sứ bộ Tề Bồ Sâm sang phong vương vua Gia Long.
Từ Vân Nam, Nguyễn Du lại sang vùng Liễu cao lâm, Liễu Châu, nơi đây Nguyễn Du từ biệt Nguyễn Đại Lang về thăm quê cũ vùng cao sơn lưu thủy Quế Lâm.  Từ biệt Nguyễn Sĩ Hữu, tức Nguyễn Quýnh về làm chủ Hồng Lĩnh khởi nghĩa chống Tây Sơn. Nguyễn Du theo đường sông Tiêu Tương, qua Trường Sa, Mịch Giang đến Hoàng Hạc Lâu, Hồ Động Đình, rồi theo sông  Hán đi Trường An. Tại Trường An Nguyễn Du viết bài Dương Phi cố lý và Bùi Tấn Công mộ. Nguyễn Du còn đi cựu kinh đô Lạc Dương, Tô Tần quê ở Lạc Dương, đình Tô Tần ở quê ông, Nguyễn Du làm hai bài thơ về Tô Tần tại nơi này. Nhà Tùy đóng đô cũng tại Lạc Dương, chùa Bạch Mã là ngôi chùa đầu tiên và to lớn của Trung Quốc, tụ tập các cao tăng Trung Quốc lại để  phân định, bàn luận cuộc tranh cãi giữa các phái theo kinh Kim Cương ảnh hưởng Phật giáo Tây Tạng, Kinh Pháp Hoa đức Phật thuyết pháp cuối đời núi Linh Thứu phái Tịnh độ và phái Thiền Ngài Bồ Đề Lạt Ma du nhập đương thời, Phật ngồi dưới cội bồ đề thiền định mà thành Phật do đó chỉ cần thiền định không cần kinh điển, Thái tử Lương Chiêu Minh chắc chẳng đi xa kinh đô làm gì, đài phân kinh theo tôi cũng ở gần đó, bài thơ có nhắc chuyện Bạch Mã. Sau đó Nguyễn Du lại xuôi sông Hán  theo kênh Đại Vận Hà đi Lâm An tức Hàng Châu. Nơi đầu mối của con đường tơ lụa từ Trung Quốc. Lâm An còn là một trung tâm Phật Giáo lớn với  hơn 600 ngôi chùa. Nơi hai nhà thơ lớn Bạch Cư Dị và Tô Đông Pha từng bị triều đình biếm trích ra đây.
Sau khi gặp lại tại miếu Nhạc Phi, Nguyễn Đại Lang cùng Nguyễn Du đi Yên Kinh. Lý do gì mà Lê Chiêu Thống cùng tùy tùng bàn chuyện xin nhà Thanh một tỉnh Thái Nguyên như nhà Mạc từng xin tỉnh Cao Bằng phải chăng họ đã gặp cựu quyền  trấn thủ Thái Nguyên Nguyễn Đăng Tiến?. Sau đó đoàn tùy tùng vua Lê bị đày mỗi người một nơi,  giấc mơ tan rã. Nguyễn Du đi về đến Hoàng Châu thì gặp Đoàn Nguyễn Tuấn trong sứ đoàn Tây Sơn do Phan Huy Ích làm Chánh sứ năm 1790. Đoàn Nguyễn Tuấn làm hai bài thơ: Chí Hoàng Châu thích Nguyễn khế văn tự Yên Kinh hồi tẩu bút tặng chi. Đến Hoàng Châu vừa vặn gặp người bạn văn họ Nguyễn từ Yên Kinh trở về bèn phóng bút làm thơ tặng. Thơ chép trong Hải Ông thi tập. Người bạn văn chương ấy là ai mà Đoàn Nguyễn Tuấn viết: “Hứng thú văn chương mãi luận bàn, Bạn hữu văn chương say gặp gỡ.” (Giải cấu văn nhân sách chỉ đàm, Lan xú tảo văn như kiến văn). Họ bàn chuyện gì? Đoàn Nguyễn Tuấn trên  đường đi tiếp, trong buổi tiếp tân gặp một giai nhân ca hát đã cảm hứng viết bài thơ Vô Đề có câu “Hồng nhan đa truân”. Tôi suy đoán từ Hàng Châu, ở chùa Hổ Pháo nơi Từ Hải tu hành, lúc đó quyển Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân đã in ấn được tiếng vang, Nguyễn Du đã mua đọc say mê. Chuyện Hồng nhan đa truân ám ảnh nhà thơ nên khi gặp Đoàn Nguyễn Tuấn đã bàn luận sôi nổi việc này và ảnh hưởng đến Đoàn Nguyễn Tuấn trong bài thơ Vô Đề.
Đoàn Nguyễn Tuấn và sứ đoàn phải đi Nhiệt Hà nơi nghỉ mát vua Càn Long, hẹn gặp lại Nguyễn Du mùa xuân năm tới: Cố quốc trùng phùng tuế hựu tân. Nước nhà hẹn gặp lại xuân sang.
Nguyễn Du trở về, đến Long Châu xóm Nam Đài bên sông Long Giang viết bài thơ Xuân Dạ. Sau đó trở về Thăng Long ở với anh Nguyễn Nể đang làm quan Tây Sơn tại Bắc Hà, nhưng dinh Kim Âu nhà cha anh Nguyễn Du thường là nơi hội họp, ca hát các  quan tướng Tây Sơn. Nguyễn Du gặp gỡ Cô Cầm nơi này.  Nguyễn Du ra ở nơi nhà câu cá cũ anh Nguyễn Khản cạnh đền Khán Xuân và Cổ Nguyệt Đường tại đây Nguyễn Du yêu cô hàng xóm Xuân Hương Hồ Phi Mai và thường đi hái sen cùng nàng. “Chữ tình chốc đã ba năm vẹn”. Bài Cảm cựu kiêm trình Cần Chánh học sĩ Nguyễn Hầu. trong Lưu Hương Ký của Hồ Xuân Hương. Những chứng minh của tôi không chỉ căn cứ trên tựa bài thơ rồi lên internet tìm kiếm địa danh, mà căn cứ theo tình tiết từng câu thơ và đi Trung Quốc đến tận nơi, đọc lại từng bài thơ cảm nhận những xúc động của Nguyễn Du trước cảnh sắc.
Bắc Hành tạp lục có 132 bài thơ, các sứ thần khác trong thời gian đi sứ chỉ viết khoảng phân nửa số thơ đó. Nguyễn Du không gọi tập thơ là thơ đi sứ, như Tinh Sà Kỷ Hành của Phan Huy Ích hay Hoàng Hoa đồ phả của Ngô Thì Nhiệm mà chỉ gọi là ghi chép, sao tạp lộn xộn những bài thơ đi về phương Bắc. Thơ thời đi giang hồ Trung Quốc năm 1787 đến 1790 và thơ đi sứ năm 1813 đến 1814. Tôi đã dịch lại và phân tích từng bài trong loạt bài Bắc Hành tạp lục, hành trình thời đi sứ và thời đi giang hồ của Nguyễn Du. Có thể tìm thấy đầy đủ trên các site chimvietcanhnam, khoahocnet, saimonthidan,vanhoanghean, nghiêncuulichsư, đông tác.. Những bài thơ Nguyễn Du tiếp sứ thần Tề Bồ Sâm, thơ xướng họa với các quan lại Trung Quốc  trong một triều đình vị vua thi sĩ Càn Long không thể không có. Phải chăng có một tập thơ Nguyễn Du chép riêng đã thất lạc ?.
Thơ Bắc Hành tạp lục có nhiều nghi vấn, ví dụ:
 Nguyễn Du đi sứ với sứ đoàn 27 người. Có một tướng nhà Thanh được triều đình  cử tiếp tân đưa đi từ Mạc Phủ, Bằng Tường chỉ huy hành trình từ Nam Quang tới Bắc Kinh, rồi đưa về với hàng trăm quân hộ tống, chuyển vận khiên hòm cống phẩm, hành trang, dọc đường các quan địa phương tiếp rước, quân lính canh phòng nghiêm ngặt đề phòng thảo khấu cướp đồ cống phẩm, tiệc tùng, ca hát, đêm đèn đuốc sáng choang át cả trăng sao, đi thuyền có thuyền quan quân mở đường. Nguyễn Du không thể tả mình đi cô đơn trên một chiếc thuyền con, hay một mình một ngựa làm thơ tức cảnh.
Đến một thắng cảnh, các quan lại Trung Quốc thử tài làm thơ các quan Chánh sứ, Phó sứ, xin thơ viết trên vách, khắc trên đá, Nguyễn Du không thể tả mình ngắm cảnh cô đơn một mình.
Quan Chánh sứ không thể hẹn một bác hàng xóm nào để bỏ sứ đoàn đi thắp hương gác Thiên Phi như bài Thương Ngô. Các quan nhà Thanh cũng không thể nào dẫn quan Chánh sứ đi thăm di tích Quế Vương kẻ thù nhà Minh chống lại triều đại mình như bài Quế Lâm Cù Các Bộ.
Nhiều bài thơ ta có thể xác định được thời gian, năm tháng như bài Tín Dương tức sự có câu “Tây phong biến dị hương”. Ngọn gió Tây làm rung động cả đất khách, Tây phong trong thơ Nguyễn Du ám chỉ Tây Sơn. Nguyễn Du có mặt tại thành Tín Dương lúc Quang Trung đại phá Tôn Sĩ Nghị tại Thăng Long, năm 1789 cả Trung Hoa rung động vì việc này. Sự việc còn thê thảm hơn khi dân ăn cám trộn nửa, hy sinh  lương thực cho đoàn quân viễn chinh. Bài thơ tả hội đua thuyền  mùng năm tháng năm tưởng nhớ đến Khuất Nguyên, so sánh với thời gian đi sứ.
Đoạn đường đi trên sông Tiêu Tương, Nguyễn Du đi cả thời đi giang hồ và thời đi sứ nên ông viết. Bài Tây Hà Dịch: Y nhiên tiểu lý tư (Xóm nhỏ vẫn y nguyên). bài Chu Phát: Giang đồng khứ nhật thu (Sông vẫn cảnh thu như ngày cũ), bài Tương Giang dạ bạc: Biệt phố phai tân sắc (Bến cũ nay đã khác) Nguyễn Du đi sứ có thấy lại cảnh cũ mới viết như thế.
Loạt bài về Bắc Hành tạp lục này của tôi giải quyết toàn bộ các nghi vấn trong thơ chữ Hán Nguyễn Du và những bí ẩn trong cuộc đời Nguyễn Du, từ mười năm gió bụi đến Bắc Hành tạp lục. Giáo sư Nguyễn Văn Hoàn tôi có dịp tiếp tân tại nhà cách đây hơn 30 năm trong dịp anh sang Paris trên đường đi Ý. Lâu ngày không gặp lại, tôi gửi tặng bộ Odyssée, Iliade tôi dịch bằng thơ lục bát và các sách Hồ Xuân Hương nàng là ai?, Nguyễn Du mười năm gió bụi. Anh cũng gửi tặng tôi quyển Thần Khúc anh dịch của Dante, chị Đặng Thanh Lê cũng gửi tặng tôi quyển sách chị in chung với bài của cha và ông nội vì  tôi cho biết, ông nội tôi là học trò Tiến sĩ Đặng Nguyên Cẩn, khi cụ làm Đốc học Bình Thuận trước năm 1905. Anh Hoàn mừng vì tôi cùng anh cùng làm công việc “đội đá vá trời”, dịch các sử thi danh tiếng, tôi viết bài giới thiệu quyển Thần Khúc cho anh. Giáo sư Nguyễn Văn Hoàn đã mời tôi tham gia Hội Kiều Học và tôi thường xuyên gửi bài về những kết quả nghiên cứu. Giáo sư Nguyễn Văn Hoàn rất vui mừng khi biết tôi có đi Trung Quốc và nghiên cứu bản đồ Trung Quốc theo dấu những bài thơ chữ Hán của Nguyễn Du như anh. Hội Nghị Bắc Hành tạp lục do Hội Kiều Học tổ chức tại Hà Nội, anh có gửi cho tôi bài xuất sắc của Tiến sĩ Nguyễn Thị Nương, cô viết Nguyễn Du viết thơ đi sứ như đi chơi làm thơ một mình một ngựa. Tôi nhận xét cô nói đúng, lý do đơn giản là các bài thơ đó được làm từ thời Nguyễn Du đi giang hồ lúc 21, 24 tuổi. Trước khi mất anh Hoàn còn giới thiệu tôi với anh Nguyễn Tuấn Cường và dặn dò làm việc chung với Viện Hán Nôm, tôi vẫn giúp anh Cường và các em nghiên cứu sinh dịch thơ Đường Luật ra thơ, công việc hoàn toàn tự nguyện và miễn phí.
Trong bài viết Phó Giáo sư Tiến sĩ Munehiro đăng trên mạng Việt Nam Học có đoạn giới thiệu ông Đoàn Lê Giang có nói đến tôi. Ông viết:
Cái họa của học thuât tay ngang
Gần đây có loạt bài của tác giả tên là Phạm Trọng Chánh về việc Nguyễn Du từng đi sứ Trung Quốc chuyến đi sứ 1813-1814. Ông ấy cho rằng Nguyễn Du đã vân du đến nhiều nơi khác nhau ngoài con đường đi sứ ra, cứ làm như ngày xưa muốn đi đâu thì đi dễ dàng, cụ Nguyễn Du không thèm biết tiếng Hoa, đường đi Trung Quốc xa xôi dặm thẳm, tiền không có mà chẳng có công ty du lịch nào biết đến để đưa cụ đi chơi miễn phí, thì cụ đi làm sao? Câu chuyện hoang đường của Phạm Trọng Chánh thế mà được khối người tin, nhất là nghiên cứu sinh học viên cao học. Có cả tờ báo giấy báo mạng đăng nữa, làm cái tai hại càng thêm hại. Tìm thông tin tác giả Phạm Trọng Chánh trên mạng, tôi thấy ông ấy chẳng liên quan gì đến nghề nghiên cứu văn sử, ông làm nghề khác, có lẽ giờ về hưu rãnh rỗi, nghiên cứu ngang văn bản Bắc Hành Tạp Lục, ông không tìm hiểu kỷ hàng chục luận văn luận án, bài nghiên cứu của học giả Trung Quốc về con đường đi sứ của sứ bộ Việt Nam, ông không tham khảo. Chữ Nôm chữ Hán  ông không rành không biết, không biết ông có tự học và tự học đến cỡ nào. Tôi đang lo cho các nhà xuất bản thích sách giật gân sẽ in sách ông thì cái hại còn nhân lên ghê gớm không xóa được nữa...”
Đây là đoạn văn viết bởi một vị Phó Giáo Sư Tiến Sĩ dạy văn học tại Thành phố Hồ Chí Minh. Tôi xin trích để độc giả bình luận.
Trước nhất ông quá khinh thường  mọi người từ nghiên cứu sinh, học viên cao học đến các chủ bút các báo giấy, báo mạng, khối người tin chuyện hoang đường, làm như mọi người là một đàn cừu, tin bậy tin càn, không có trí óc sáng suốt để nhận định.
 Là một trí thức, một người dạy văn học  ông có thể phản biện bài viết của tôi, sai đúng hay dỡ thế nào, ông không nên “đi đèo” một bài viết giáo sư người Nhật  rồi quay sang đi tìm tên tôi trên mạng, hạ nhục một người mà ông không biết là ai? và có lẽ ông cũng chưa từng đọc bài viết của tôi. Cái tôi là cái đáng ghét, không phải ai cũng lòe đời, xưng danh trên mạng bằng cấp, mình học đến đâu, mình tự học chữ Hán, chữ Nôm đến đâu như ông. Tại Paris, từ Trường Viễn Đông Bác Cổ thời thuộc địa đã sao chép lưu trử các văn bản Hán Nôm Việt Nam, nhiều tài liệu không tìm thấy tại Việt Nam, có thể tìm tại Paris như Nam Trung Tạp Ngâm của Nguyễn Du, thơ Hồ Xuân Hương vịnh cảnh Hạ Long, Giáo sư Hoàng Xuân Hãn tìm lại từ Paris. Tại Paris ngành Việt Học, Hán học đã có từ lâu đời, từ trường Ngôn Ngữ Đông Phương, Khoa Đông Phương học tại Viện Đại Học Paris VII, Trường Viễn Đông Bác Cổ, Trường Cao Đẳng thực hành tại Sorbonne.. đến các trường trung học học sinh có thể chọn Trung Văn hay Việt Văn làm sinh ngữ để thi Tú Tài, tốt nghiệp Phổ Thông, việc học chữ Hán không phải là điều khó. Có nhiều giáo sư người Pháp thông thạo chữ Hán, chữ Nôm viết sách về thơ chữ Nôm của Hồ Xuân Hương, không phải là điều lạ.
 Ông cho rằng cụ Nguyễn Du không biết tiếng Hoa, thế thì cụ học hành thi cử, làm thơ bằng tiếng gì, cả một nền giáo dục thời quân chủ bằng tiếng gì?
Việc trao đổi nghiên cứu giữa trong nước và hải ngoại nhất là từ Paris đã có từ lâu đời. Các giáo sư Hoàng Xuân Nhị, giáo sư Phạm Huy Thông là những Việt Kiều từ Pháp về thành lập các ngành văn sử. Liên hệ trao đổi giữa Giáo sư Hoàng Xuân Hãn và Giáo sư Hoàng Xuân Nhị còn là tình anh em. Có một thời Paris còn có Hội Khoa Học Xã Hội tại Pháp do Giáo sư Lê Thành Khôi làm chủ tịch với hàng trăm nhà nghiên cứu tại Pháp trao đổi giao lưu với trong nước. Tôi là người gần gủi và nối tiếp các công trình nghiên cứu của Giáo sư Hoàng Xuân Hãn, tôi cũng là môn sinh  soạn luận án tiến sĩ với Giáo sư Lê Thành Khôi tại Đại học Paris Sorbonne. Ông Đoàn Lê Giang là kẻ hậu bối không biết đến mà thôi. Việc phân biệt nghiên cứu chuyên nghiệp với nghiên cứu tay ngang thật là buồn cười. Người viết nghiên cứu là bởi tấm lòng yêu văn học Việt Nam, yêu quê hương mình chứ không phải vì cơm áo mỗi năm phải rặn ra vài bài viết để trả nợ áo cơm. Dù có xa quê hương ngàn dậm, không ai trả lương cho các bài viết, ban ngày sinh sống bằng tiếng người, ban đêm trở về với lòng mình viết bằng tiếng Việt. Gần 50 năm sống xa quê hương tôi vẫn làm việc này, chuyện Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Phan Huy Ích.. tôi nghiên cứu từ mấy chục năm nay lấy gì phân biệt chuyên nghiệp với tay ngang. Ông cho rằng tôi là cái hại của học thuật tay ngang? Cái hại ấy là hại  thế nào?
Việc ông sùng bái các nhà nghiên cứu Trung Quốc, nếu các bài viết ấy là khuôn vàng, thước ngọc sao ông không dịch ra cho mọi người xem và bình luận. Việc nghiên cứu thơ chữ Hán Nguyễn Du đã có ít nhất 5 bản dịch chữ quốc ngữ, các em nghiên cứu sinh, học viên cao học không cần giỏi chữ Hán cũng dò các bản dịch, nghiên cứu các sự kiện, tình tiết Nguyễn Du viết trong thơ. Nghiên cứu cuộc đời Nguyễn Du, đường đi sứ, thời đi giang hồ  khác với nghiên cứu so sánh các văn bản, dị bản nguyên tác. Chữ Nôm không cần trong các nghiên cứu này.

             
Mời thư giãn với nhạc phẩm NGÀY TẾT QUÊ EM
của Từ Huy, qua tiếng hát Hồ Ngọc Hà:
            
*
Paris, ngày 31 tháng 12.2018
PHẠM TRỌNG CHÁNH
Tiến sĩ Khoa Học Giáo Dục
Địa chỉ:, Viện Đại Học Paris V.
Email: phamtrongchanh@free.fr
.

…………………………………………………………………………
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 02.01.2019.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại. 

.

0 comments:

Đăng nhận xét