CƠN BÃO CẢI CÁCH RUỘNG ĐẤT
QUYÉT QUA LÀNG
*
(Tác giả Lê Thanh Long) |
Cơn bão Cải cách ruộng đất năm 1956 đã quét qua làng tôi và các làng lân cận xung quanh. Một làng quê, một vùng quê tương đối giầu có vừa làm nông, vừa buôn bán, ở vùng đất ven biển Tiền Hải, Thái Bình; nơi vẫn được mênh danh là “rừng vàng biển bạc”.
Làng
tôi, cũng như mọi ngôi làng khác đã đi vào thơ ca “Làng tôi sau lũy tre mờ xa,
tình quê yêu thương những nếp nhà”. Làng tôi không nghèo, nhưng cũng không thật
giầu có. Làng tôi ngày xưa gọi là làng Thư Điền, cái tên thật đẹp, mang đậm
chất văn chương, chữ nghĩa. Làng có bốn thôn: Thôn Đoài, thôn Đông, thôn Nam và
thôn Bắc. Nhà tôi ở thôn Đoài, tức là thôn phía Tây, giáp với phố cổ Rồng. Chợ
Huyện là chợ nổi tiếng nhất vùng Tiền Hải, nằm ở thôn Bắc. Chợ đã có từ rất lâu
rồi, nó có đủ các mặt hàng từ vải vóc, đồ hàng xén xa xỉ, chiếu cói, đến lợn gà
tôm cá nước ngọt, nước mặn đều có cả… Chợ họp theo phiên.
Làng tôi có nhiều
nhà ngói, sân gạch. Thôn tôi là thôn có phố Nứa, giáp với phố Cổ Rồng sầm uất,
nên nhà cứ xây từng căn vài ba gian nhà ngói một, giáp nhau, tường gạch như dãy
phố ven đường.
Nhà ông anh rể Tô
Xuân An tôi ở thôn Đông có nhà gác hai tầng, bao quanh một cái sân gạch rộng là
những dãy nhà ngói và bếp. Có cổng xây, ao và cầu ao xây gạch, cây cảnh rải rác
xung quanh sân. Ngày xưa chơi cây cảnh chủ yếu là trồng hoa mẫu đơn ta màu đỏ
và màu vàng, 4 cánh nhỏ, hoa chùm. Anh rể tôi đi tham gia kháng chiến, lúc Cải
cách ruộng đất đang đi công tác, ở nhà chỉ có bà mẹ đã già và vợ con.
Ở thôn Đoài có nhà
ông Thơ Mậu là giầu nhất, lúc trước Cải cách ruộng đất đã trên 80 tuổi rồi. Ông
có nhà gác hai tầng, xây theo kiểu Pháp. Có lẽ do ông làm thơ lại cho Pháp, nên
nhờ các kiến trúc sư thiết kế và xây cho. Xung quanh là tường bao, sân gạch
rộng, có cổng xây lối cổ. Phía ngoài đường giáp với sân là một dãy nhà ngói
tường xây, cho họ hàng con cháu ở. Vườn nhà ông rộng mênh mông, giáp với vườn
nhà tôi, nhưng trong vườn chẳng thấy trồng cây ăn quả gì giá trị cả.
Cách làng tôi
khoảng sáu bảy cây số là một khu biệt thự của một gia đình nào đó đã đi cư vào
Nam. Có nhiều ngôi nhà lớn hai tầng xây theo kiểu kiến trúc Pháp. Có cây cảnh,
sập bằng đá, ghế đá để ngồi chơi ngoài vườn hoa, đường ô tô rải đá dăm vào tận
trong dinh thự, có đường ô tô chạy từ quốc lộ 39 nối từ Thị xã Thái Bình vào
tới biệt thự. Khi huyện chưa xây trường học, chúng tôi học cấp hai ở đây.
Nhà anh rể Tô Duy
Hân tôi ở Trình Nhì, con bà huyện Nhì. Gọi như vậy vì bà là vợ hai của ông quan
huyện. Lúc tôi biết thì ông đã mất lâu rồi. Nhà anh rể tôi cũng thuộc loại có
nhà ngói có vườn đất, thuộc loại không giầu có lắm, có tiếng là vợ ông quan
huyện vậy thôi. Bà mẹ anh là người gia giáo, biết ăn nói nhỏ nhẹ.
Một ông anh rể nữa
của tôi là Nguyễn Ngọc Kính ở thôn Quân Bắc, xã Vân Trường, lấy chị tôi lúc 15
tuổi, 16 tuổi có con. Ông anh cũng đi tham gia kháng chiến, công tác ở vùng bên
Nam Định. Bố anh bị Pháp bắn chết, lúc mẹ anh mới 26 tuổi, bà ở vậy nuôi con.
Bà là người buôn thúng bán mẹt, đi khắp các chợ quê. Bà có nhà ngói 5 gian,
loại nhà gỗ lim cổ, sân gạch rộng mênh mông. Bà buôn thúng mán mẹt, thế mà có
tiền mua được cả 5 gian nhà ngói khung gỗ lim nhà tôi.
Tôi kể sơ qua nhà
mấy ông anh rể tôi, để thấy cơn lốc Cải cách ruộng đất đã càn quét qua nhà anh
chị tôi và làng tôi như thế nào.
Chị Thuần vợ anh rể
tên An tôi, bị cơn bão Cải cách ruộng đất quét sạch bách không còn bất cứ thứ
gì, bị tịch thu hết gia sản, nhà cửa, đất đai, ruộng vườn. Nhà chị bị quy là
địa chủ kháng chiến (vì anh An đang tham gia cách mạng). Chị và hai đứa con
không được chia một tấc đất nào, bị đuổi ra khỏi nhà. Ba mẹ con bồng bế nhau
đến nhà bố mẹ tôi ở, trong khi chồng chị công tác ở Ty Y tế Thái Bình. Lúc đó
chắc các cán bộ tham gia kháng chiến không dám ho he gì, không cẩn thận là bị
liên lụy. Sau đó ba mẹ con chị Thuần cũng làm được ngôi nhà lá ba gian trên đất
cha mẹ tôi để ở.
Đến như một số
tướng quê Thái Bình còn suýt nữa bị đội Cải cách ruộng đất bắt. Gia đình các vị
tướng Trần Độ tức Tạ Ngọc Phách ở thôn Bắc, nhà Đô đốc Hải quân Tạ Xuân Thu ở
thôn Nam, cũng bị cuốn vào cơn lốc Cải cách ruộng đất.
Bố mẹ tôi, trong
thời gian làng tôi bị Pháp chiếm đóng, lúc đó làng là vùng tranh chấp giữa vùng
tề và vùng du kích, các thuyền buôn không đến buôn bán được nữa. Cha mẹ tôi
không làm ăn buôn bán được, nên kinh tế sa sút dần, phải bán đi mấy gian nhà
ngói để ăn dần, chỉ còn lại ba gian nhà ngói và vườn tược. Đó cũng là cái may,
vì vậy bố mẹ tôi được Đội quy là trung nông.
Gia đình chị Thuận
vợ anh rể tên Kính tôi, bà mẹ chuyên buôn thúng mát mẹt, bị quy là địa chủ
kháng chiến, nên cũng bị tịch thu hết nhà cửa, ruộng vườn. Chị người bé nhỏ, có
lẽ vì sinh con sớm, nên chưa đủ sức lớn, cứ be bé vậy. Chị kể lại, trong thời
gian khó khăn đó, chị phải đi bán phân kiếm tiền nuôi con. Rồi ba mẹ con nheo
nhóc dắt díu nhau sang Nam Định kiếm sống. Sau này định cư ở thành phố Nam Định.
Chị Hoạt vợ anh Hân
tôi, ở Trình Nhì, bị quy là đia chủ, bị tịch thu hết nhà cửa, gia sản, ruộng
vườn. Anh phải lang bạt lên tân Vĩnh Yên làm thợ ảnh kiếm sống.
Tất cả những nhà
kiến trúc theo kiểu Pháp, nhà gác hai tầng, nhà ngói, sân gạch, tường bao, cổng
cổ… của các nhà trong làng bị quy là địa chủ, bị tịch thu, đập hết, lấy gạch
chia nhau, cũng chẳng thấy xây được cái nhà nào.
Trẻ con thường hiếu
kỳ, tôi đã trực tiếp chứng kiến hai cuộc xử tử hình trong Cải cách ruộng đất.
Đó là cuộc xử Trưởng công an xã Tây Giang, nhà ở thôn Nam, bị quy là cường hào
gian ác, bị trói giật cánh khuỷu. Năm dân quân quỳ xếp hàng ngang cách ba mét,
giương súng bắn. Đạn nổ, anh vẫn đứng nguyên không ngã, không biết có trúng đạn
không, hai người chạy đến xốc nách, lôi anh xềnh xệch đến hố chôn đã đào sẵn.
Anh cán bộ đội dí sát khẩu súng lục vào mang tai bót cò, anh ngã xuống hố.
Vụ xử tử hình thứ
hai là ở làng bên. Đó là một ông đã già, trán hói, bị quy là địa chủ cường hào
gian ác. Phát đạn xuyên qua trán, vỡ toác vùng sau gáy, ông gục xuống chết ngay.
Ít lâu sau, trên
đường đi qua thôn Nam làng tôi, thấy mọc lên một cái bia xây hình tháp bút cao
vút, đề “Tổ quốc ghi công anh hùng lạc đạn”, ấy là nói về anh trưởng công an xã
tôi bị quy oan.
Cải cách ruộng đất
đã được sửa sai sau đó. Nhưng của cải, nhà cửa, đất đai, ruộng vườn đã chia hết
cho dân, thì làm sao lấy lại. Có chăng chỉ là lấy lại chút danh dự cho những
cán bộ đang công tác ở các cơ quan nhà nước vậy thôi.
Cơn bão Cải cách
ruộng đất đã cuốn phăng đi tất cả cái gì gọi là văn hóa làng xã cổ xưa ở làng
tôi, chỉ còn lại cái nghèo đồng hạng. Có khác hơn là trẻ con chúng tôi nhiều
đứa được học hành hơn trước. Nỗi buồn rồi cũng qua đi, vết thương lòng cũng dần
được hàn gắn, dù thế nào thì con người cũng cứ phải sống và tồn tại. Sau Sửa
sai, làng tôi hồi phục dần dần, một thế hệ trí thức mới dần được hình thành,
thay thế dần thế hệ cha ông.
Bây giờ một số
người trong cuộc đã thành người thiên cổ, một số cũng đã gần đất xa trời. Thời
gian đã xóa nhòa đi nhiều thứ, vết thương cũng đã lành, nhưng ký ức thì vẫn còn
nhắc nhớ chúng ta.
Lớp trẻ ngày nay và những người không tận mắt chứng kiến, nói về Cải cách ruộng đất, có lẽ họ không tài nào có thể hình dung ra được Đội cải cách làm sao lại có cái quyền sinh, quyền sát to đến thế và con người ta làm sao lại có thể đối xử với nhau như vậy. Đây không phải là văn hóa và cách đối xử truyền thống của người Việt Nam ta. Cái được và cái mất thường đi đôi với nhau. Người dân là người phải hứng chịu tất cả. Cái còn lại là lịch sử, kinh nghiệm và ký ức cuộc đời. Mong rằng sẽ không bao giờ xẩy ra một điều tương tự như vậy nữa.
Mời thư giãn với
nhạc phẩm TÔI CHƯA CÓ MÙA XUÂN
của Châu Kỳ, qua tiếng hát Đan Nguyên:
*
Hà Nội 24 tháng 11-2020
LÊ THANH LONG
Địa chỉ: Phòng 1132, nhà
HH03C, Khu đô thị Thanh Hà,
xã
Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội.
Email: lethanhlong321@gmail.com
Điện thoại: 0822.098.772
...........................................................................................................
- Cập nhật theo nguyên bản từ email tác giả gửi ngày
27.11.2020
- Ảnh dùng
minh họa cho bài viết được sưu tầm từ nguồn: internet.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng
Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ
nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
0 comments:
Đăng nhận xét