MỜI ĐỌC:

Thứ Sáu, 16 tháng 2, 2024

VỊ XUYÊN ƠI! NỖI ĐAU KHÔNG QUÊN! - Nhiều Tác Giả

 

VỊ XUYÊN ƠI!

NỖI ĐAU KHÔNG QUÊN!

*

Mời nhấp chuột đọc thêm:

Mặt trận Vị Xuyên - Chiến tranh Biên giới Việt Trung 1984-1985l

 

TRẬN ĐÁNH VỊ XUYÊN QUA HỒI ỨC CỰU BINH

Tác giả: Hoàng Phương

 

Tháng 7/1984, cuộc chiến chống Trung Quốc xâm lược tại mặt trận Hà Giang diễn ra khốc liệt. Người lính Sư đoàn 356 đã viết nên khúc tráng ca nơi biên giới với những trận đánh trên 'đồi thịt băm', 'thung lũng gọi hồn', 'lò vôi thế kỷ'… hằn sâu trong ký ức.

Cao điểm 772, 685 (thuộc xã Thanh Thủy, Vị Xuyên) xanh mướt màu cây cối, nhưng trong tâm trí những cựu binh Sư đoàn 356 thì nó vẫn đặc quánh màu khói pháo, thuốc súng của trận đánh năm xưa.

Cựu binh Nguyễn Văn Kim (48 tuổi) nhập ngũ khi mới 18 tuổi. Nay tóc ông đã rụng gần hết vì sốt rét rừng của những ngày dầm dề trên chốt giữ đất biên cương.

"Cuối tháng 4/1984, chúng tôi mới qua hơn một tháng tân binh. Nhiệm vụ chiến trường cấp bách, sư đoàn được lệnh từ Lào Cai sang phối hợp với nhiều đơn vị khác chiếm lại các điểm cao quân Trung Quốc đóng trái phép trước đó. Sau ba ngày hành quân liên tục, đoàn quân tập kết ở Vị Xuyên, chuẩn bị bước vào trận đánh đầu tiên", người cựu binh bồi hồi nhớ lại.

Nhiệm vụ trinh sát được giao cho các đơn vị của sư đoàn. Ông Võ Trọng Canh (quê Nghĩa Đàn, Nghệ An), đội trưởng đội trinh sát C20 của Trung đoàn 876 cho hay: "Cao điểm 772 là nơi trung đoàn đánh mũi chủ công. Khống chế được cao điểm này coi như nắm được toàn tuyến, tạo nên thế trận phòng ngự tiến công liên hoàn vững chắc. Phía Trung Quốc muốn dùng 772 làm bàn đạp tràn xuống Vị Xuyên, uy hiếp thị xã Hà Giang. Ta hiểu rõ điều đó nên quyết tâm giành lại. Địch ở trên cao phòng ngự, ta ở dưới tiến công nên vô cùng bất lợi. Nhiệm vụ trinh sát trở nên nặng nề và nguy hiểm hơn".

Ròng rã hai tháng trời, trinh sát Canh cùng đồng đội luồn sâu thăm dò trận địa. Núi cao, rừng thẳm, chỉ có con đường độc đạo từ Nậm Ngặt đến chân cao điểm 772, họ vừa dò mìn, tránh thám báo Trung Quốc, chờ đêm xuống mới hoạt động. Tại đây, Trung Quốc bố trí một trung đoàn bộ binh với sự yểm trợ của tiểu đoàn pháo và hệ thống mìn dày đặc.

Các loại pháo 105, cối 160 ly, BM 14, cao xạ 37 ly, pháo Quân khu tăng cường chuẩn bị đưa vào trận địa, đối chọi với pháo 122 ly, 152 ly, D74 ở phía bên kia chiến tuyến. Ngày 12/7 là ngày mở màn chiến dịch. Ba tiểu đoàn bộ binh của Trung đoàn 876 đánh điểm cao 772. Lực lượng của các sư đoàn khác chiếm các điểm cao còn lại.

Trận đánh trên 'đồi thịt băm'

Trước giờ nổ súng, ta tiếp tục ém quân tiến sát phía Trung Quốc, dần chiếm lĩnh trận địa. Đại úy Nguyễn Hữu Thanh, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3 dẫn đội đặc công thọc thẳng vào sở chỉ huy địch, làm nhiệm vụ "mở cửa" điểm D3 trên cao điểm 772. Bộ phận luồn vào sau 772 đánh phá trận địa pháo, kho tàng, hậu cần của địch, tạo điều kiện cho Tiểu đoàn 1, Tiểu đoàn 2 đánh điểm D1, D2 chiếm toàn bộ cao điểm.

Vượt đỉnh Cốc Nghè trong mưa lạnh, những người lính chia nhau từng hơi thuốc, ăn gạo sấy trộn nước mưa, lặng lẽ chờ màn đêm xuống là xuất kích. "Chiến sĩ xin ăn hết phần cơm sấy, thịt hộp dự phòng. Thanh im lặng, rồi nói cứ để cho anh em ăn, biết ngày mai có còn sống mà được ăn nữa không", ông Đặng Việt Châu, chính trị viên Tiểu đoàn 3 năm xưa xót xa mỗi lần nhớ lại câu nói của đồng đội.

Tháng 7, rừng biên cương lạnh lẽo, chỉ nghe tiếng mưa lộp độp trên lá và thác nước ầm ào phía xa. Ông Châu nín thở dõi theo bước chân đồng đội mất hút trong màn đêm.

"4h10 phút, có lệnh nổ súng, pháo binh trung đoàn bắt đầu bắn phá các mục tiêu đã định, yểm trợ cho bộ binh tiến công. Cả thung lũng Nậm Ngặt sáng rực trong màn đạn pháo.Quân ta từ các vị trí bật dậy hô xung phong vang dậy núi rừng. Thông tin báo về ta chiếm được mục tiêu, tôi dẫn đầu Tiểu đoàn 3 xuất kích, yểm trợ cho đội của Thanh chiếm gọn D3", ông Châu kể.

Sau loạt bắn đầu tiên, một số trận địa của ta bị địch phản pháo. Suốt buổi sáng, quân Trung Quốc từ những điểm cao chiếm được trước đó nã pháo cày nát từng mét đất dưới chân cao điểm.Từ sáng đến trưa, sương mù vẫn dày đặc, quân ta tổ chức hàng chục đợt tiến công lên cao điểm nhưng không thành.

11h trưa, sương tan dần, công sự, chiến hào bị đạn pháo cày xới dần rõ nét. Địch phản kích dữ dội hơn. Các tiểu đoàn khác bị địch dùng pháo, súng cỡ lớn đánh bạt hết xuống chân cao điểm. Tiểu đoàn 3 tiến đến cách lô cốt địch vài chục mét, giành giật với quân Trung Quốc từng đoạn chiến hào. Lúc này sương tan hẳn, địch ở các điểm xung quanh trùm hỏa lực, hợp sức phản kích quyết liệt ở D3 nên ta đành phải rút quân.

Đạn pháo Trung Quốc bắn dồn dập, đất đá bay vèo vèo. Pháo ngừng giây lát, quân ta lại lao lên, tìm đồng đội bị vùi lấp trong đất. Đồng chí Thìn quân lực tiểu đoàn bị bay mất một mảng đầu vẫn hô xung phong. Đại đội trưởng Minh bị lạc 6 ngày trong rừng, người đầy thương tích, lên bàn phẫu thuật còn nhắn anh em sẽ nhanh chóng trở lại chiến đấu, tìm anh Thanh và trả nợ trận này. Tiểu đoàn trưởng Thanh bị thương hai chân vẫn cố tiến đến gần lô cốt, dùng súng AK bắn hai loạt đạn và kích nổ toàn bộ lựu đạn trên người khiến quân Trung Quốc khiếp vía. Những người lính nghẹn ngào nhắc lại tên từng đồng đội.

Trận chiến ở các cao điểm còn lại ác liệt không kém. Cao điểm 685 liền kề 772 địa hình núi cao, dốc đứng, đá tai mèo lởm chởm, đạn pháo của ta và địch thi nhau cày xới suốt ngày đêm.

Ngày 14/7, Sư đoàn 356 được lệnh rút khỏi trận địa. Sau trận đánh, ta không lấy lại được các cao điểm đã mất nhưng chặn được Trung Quốc thực hiện mưu đồ vượt qua ngã ba Thanh Thủy để tiến xuống thị xã Hà Giang. Sau ngày 12/7, Trung đoàn 149 nhận lệnh ở lại phòng ngự, riêng Trung đoàn 876 được lui về củng cố lực lượng.

Sống bám đá, chết hóa đá, thành bất tử

Sau trận chiến là những ngày mưa dai dẳng. Vách núi cao dựng đứng, chiến hào nham nhở đạn pháo, lính trinh sát, công binh phải mang theo dây võng đưa đồng đội về. Nước mắt người sống chan hòa máu người nằm xuống. Họ chỉ đưa được những tử sĩ dưới chân cao điểm về, còn những đồng đội ở gần chiến hào quân Trung Quốc thì vĩnh viễn nằm lại.

"Sau trận chiến, phía Trung Quốc bắn truyền đơn cho quân ta, nội dung cho đi lấy xác tử sĩ, yêu cầu ta đi vào ban ngày, khi đi không quá 50 người, không đem theo súng và mang theo cờ chữ thập. Dù thương anh em còn nằm đó, nhưng không ai đi vì không tin quân Trung Quốc, chẳng may rơi vào ổ phục kích của chúng. Sau đó, trinh sát các điểm cao báo về, họ rải hóa chất rồi thiêu xác anh em", ông Kim ngậm ngùi cho biết.

"Khi có lệnh tấn công, tất cả chúng tôi đều bật dậy xông lên. Địa hình bất lợi, hỏa lực địch quá dày nên đoàn quân không thể chiếm lại các điểm cao như kế hoạch đặt ra. Gần 600 người lính Sư đoàn 356  hy sinh trong trận đánh", ông Châu tiếp lời. Nhiều năm trôi qua, người cựu binh hễ nghe tiếng sấm rền là nhớ đến tiếng pháo trận.

"Chính vì những đau thương đó, chúng tôi chịu được nhiều gian khổ hơn để tháng 10 năm ấy tiếp tục giành lại cao điểm 685. Suốt 6 tháng, nơi đây bị đạn pháo hai bên băm vằm trở thành lò vôi thế kỷ. Chúng tôi không bao giờ quên được đồng đội Nguyễn Viết Ninh khắc vào báng súng lời thề Sống bám đá, chết hóa đá, thành bất tử. Y tá Lê Trần Mãn xông lên giật cờ, quyết không cho quân Trung Quốc cắm cờ trên đỉnh 685", ông Châu nói.

Ngày 12/7 hàng năm được coi là ngày giỗ trận của sư đoàn. Các cựu binh tụ họp về Vị Xuyên thắp hương tưởng nhớ đồng đội, đọc to bài văn tế Những chiến sĩ con dân đất Việt/ Khi Tổ quốc cần tuổi xuân đâu tiếc/ Lưng trần, cắp súng xung phong/ Đạn xé nát vai đạn cày rách mặt/ Súng trên tay rực rửa/ Xung phong giữ đất biên thùy.

Từ 28/4 đến 16/5/1984, quân Trung Quốc lần lượt chiếm đóng trái phép nhiều vị trí trên lãnh thổ Việt Nam, gồm các cao điểm 226, 233, 685, 772, 1030, 1250, 1509 thuộc tỉnh Hà Giang. Sư đoàn 356 được điều từ Lào Cai sang cùng các lực lượng của Sư đoàn 312, 313, 314, 316 thực hiện Chiến dịch MB 84 nhằm chiếm lại các điểm cao đã mất.

Mặt trận Vị Xuyên từ sau ngày 12/7/1984 không lúc nào ngơi tiếng súng. Cuối năm 1984, đầu năm 1985, hai bên giành nhau quyết liệt cao điểm 685 và bình độ 300-400. Tháng 10/1984, dưới sự chỉ đạo của Thiếu tướng Hoàng Đan, tư lệnh mặt trận Vị Xuyên, Trung đoàn 153 đánh lấn dũi trong vòng hơn 3 tháng, tái chiếm và giữ vững được cao điểm 685. Ngày 14/1-19/1/1985, Trung đoàn 149 đánh bình độ 300-400. Các trận đánh của Sư đoàn 356 khiến cho Quân đoàn 14 của quân Trung Quốc liên tục thay bằng quân của các quân đoàn 11 và 67.

 

HÀNG NGHÌN CHIẾN SĨ THƯƠNG VONG

NGÀY CAO ĐIỂM TRẬN CHIẾN VỊ XUYÊN

Tác giả: Hoàng Thùy

 

Ngày 12/7/1984, quân đội Việt Nam phản công giành lại những điểm cao bị Trung Quốc chiếm giữ ở Vị Xuyên (Hà Giang), 820 chiến sĩ đã bị thương, sư đoàn 356 có  khoảng 600 người hy sinh.

Tháng 2/1979, Trung Quốc đồng loạt tấn công vào biên giới sáu tỉnh phía Bắc của Việt Nam. Trải qua 30 ngày chiến đấu ác liệt, các lực lượng vũ trang tại chỗ và đồng bào dân tộc 6 tỉnh biên giới Việt Nam đã dựa vào thế trận chiến tranh nhân dân, lấy ít địch nhiều, đánh bại "chiến thuật biển người, thọc sâu phá hoại" của quân Trung Quốc, buộc họ phải rút khỏi Việt Nam vào ngày 18/3.

Dù Trung Quốc rút quân, nhưng trong thư gửi chiến sĩ, đồng bào các tỉnh biên giới quân khu 2, chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng lúc bấy giờ nhấn mạnh: "chiến sĩ đồng bào cần nêu cao cảnh giác, vì kẻ địch còn ngoan cố và tiếp tục gây thêm nhiều tội ác mới. Cần tăng cường đoàn kết các dân tộc anh em, đoàn kết quân dân, đoàn kết phía trước và phía sau, thực hiện tốt hơn nữa cuộc vận động “phát huy bản chất tốt đẹp, nâng cao sức mạnh chiến đấu” của các lực lượng vũ trang nhân dân".

Đúng như lời dự đoán, Trung Quốc không hoàn toàn rút quân mà vẫn duy trì lực lượng ở biên giới và lãnh thổ Việt Nam khiến cho chiến sự tiếp diễn suốt 10 năm sau đó.

Thị xã Hà Giang đầu năm 1984, đường phố hối hả với đủ loại xe vận chuyển lương thực, thực phẩm, đạn dược… lên trận địa. Thanh niên các phường, xã hăng say luyện tập bên sườn núi. Hầm trú ẩn được xây dựng khắp nơi, từ trường học đến xí nghiệp, khu chợ. Học sinh nườm nượp đến đơn vị dân quân tự vệ đăng ký lên đường chiến đấu, phục vụ chiến trường biên giới.

Từ tháng 4/1984, súng nổ không ngừng ở biên giới Hà Tuyên (Hà Giang, Tuyên Quang). Trung Quốc dùng cả bộ binh và pháo binh, tấn công chiếm một số điểm cao ở vùng núi Hà Tuyên. Lúc này, Hà Tuyên chia làm hai tuyến, tuyến trước là vùng chiến sự trong phạm vi tấn công lấn chiếm của Trung Quốc, trong tầm phá hoại của pháo binh, còn tuyến sau là những vùng tương đối ổn định phục vụ tuyến trước.

Lấn chiếm biên giới tại mặt trận Thanh Thuỷ, Vị Xuyên là một phần cuộc chiến tranh phá hoại mà Trung Quốc tiến hành từ sau thất bại của cuộc chiến xâm lược quy mô lớn trên các tỉnh biên giới phía Bắc tháng 2/1979. Đây là một dạng chiến tranh đặc biệt về phương thức tác chiến, vũ khí sử dụng, thời gian và không gian.

Trên hướng quân khu 2 mà trọng tâm là Vị Xuyên, Thanh Thuỷ, Trung Quốc tập trung một lực lượng binh, hoả lực lớn gồm 4 tập đoàn quân, 4 quân đoàn độc lập thuộc 8 đại quân khu: Côn Minh, Thành Đô, Nam Kinh, để lần lượt thay phiên tiến công lấn chiếm vùng biên.

Trung Quốc vừa dùng máy bay, thám báo, biệt kích luồn sâu sang đất Việt Nam nắm tình hình, vừa kết hợp bắn cấp tập pháo cối, chế áp các điểm cao, trục đường giao thông và lực lượng bộ binh tấn công lấn chiếm đất ta. Cách đánh của chúng không theo quy luật, không kể ngày đêm, tập trung mật độ lớn với mức độ huỷ diệt vào những khu vực trọng điểm như đồi Đài, Cô Ích, cao điểm 685, Cót Ép, khu 4 hầm. Số lượng đạn, pháo cối địch sử dụng trung bình mỗi ngày từ 10.000 đến 20.000 quả. Có ngày tới trên 65.000 quả (7/1/1987).

Trong hơn 5 năm (1984-1989), số lượng pháo Trung Quốc bắn vào Hà Tuyên là trên 2 triệu quả, trong đó 60% là đạn cối. Phạm vi địch bắn phá tập trung vào hai xã Thanh Đức, Thanh Thuỷ trong khoảng diện tích 20 km2. Thị xã Hà Giang cách biên giới Thanh Thuỷ 20 km không bị bắn phá nên sinh hoạt vẫn diễn ra trong không khí thời bình.

Với cách đánh có chuẩn bị, Trung Quốc kết hợp tấn công chính diện với bao vây vu hồi, tiến công liên tục bằng nhiều thế đội, trung bình 3-5 lần mỗi ngày, thay phiên chiến đấu, thực hành chiến thuật lấn đẩy với lực lượng từ cấp đại đội đến sư đoàn trên các điểm tựa ở Thanh Thuỷ và Tây Sông Lô.

Từ ngày 2/4 đến 27/4/1984, Trung Quốc bắn pháo liên tục vào các trận địa phòng ngự của ta trên toàn tuyến biên giới. Ngày 28/4, Trung Quốc dùng lực lượng bộ binh đánh chiếm điểm cao 1509, 1030, 772. Năm 1984 ngoài 23 vụ khiêu khích trên toàn tuyến, địch tổ chức 3 đợt tấn công quy mô từ cấp đại đội, tiểu đoàn đến trung đoàn, lấn sâu vào đất ta 500-2.000 m.

Năm 1985 với 7 đợt tiến công lớn, Trung Quốc chiếm các cao điểm có vị trí quan trọng ở Thanh Thuỷ, Vị Xuyên như 1509, 685, 1100, 900, bình độ 300, 400, đồi Chuối, đồi Đài, Cô Ích, A6. 

Bên cạnh tấn công bằng bộ binh, Trung Quốc sử dụng pháo cối bắn phá các điểm tựa và trục đường vận chuyển của Việt Nam.

Giành lại cao điểm

Để đối phó với âm mưu của Trung Quốc, Việt Nam tập hợp một lực lượng lớn gồm bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân tự vệ. Lực lượng vũ trang đóng ở 6 tỉnh biên giới phía Bắc khoảng 30 vạn người. Riêng Vị Xuyên - hướng trọng điểm thường xuyên có 3 trung đoàn bộ binh và 2-3 sư đoàn.

Cuối tháng 6/1984, Việt Nam quyết định phản công. Trong trận chiến giành lại cao điểm 772, sư đoàn 356 đã tổ chức hàng chục đợt tấn công dưới sức ép hỏa lực địch từ trên xuống. 

Trong năm năm, tỷ lệ thương vong hỏa tuyến cao nhất là sư đoàn 313. Ở sư đoàn này, trung bình mỗi ngày có 3 thương binh, ngày cao nhất là 23 thương binh. Trên toàn mặt trận Vị Xuyên, ngày cao nhất có 820 người bị thương (12/7/1984), trong đó chỉ riêng sư đoàn 356 đã có khoảng 600 người hy sinh. Năm 1989, sư 356 giải thể.

Do Trung Quốc khống chế các tuyến đường bộ nên quá trình vận chuyển thương binh ở hỏa tuyến rất khó khăn. Bộ đội vận tải phải qua vách đá, đèo dốc, nhiều chỗ phải trườn bò, dùng tời đưa thương binh xuống từng vách đá. Tỷ lệ thương vong của bộ đội vận tải tải thương chiếm 30% tổng số thương binh. 

Việt Nam cũng 7 lần thay phiên chiến đấu cấp trung đoàn, sư đoàn. Thời gian mỗi đơn vị chiến đấu phòng ngự tại mặt trận Thanh Thuỷ, Vị Xuyên trung bình là 6-9 tháng (trước đó, cuộc chiến phòng ngự ở Thành cổ Quảng trị chỉ 82 ngày đêm, chiến dịch phòng ngự Cánh Đồng Chum 179 ngày). Hình thức chiến đấu của sư đoàn chủ yếu là phòng ngự, giữ từng mỏm đá, ngọn đồi và các điểm cao.

Mặt trận Vị Xuyên - Thanh Thuỷ được xác định là vùng chiến sự ác liệt nhất trong cuộc chiến tranh chống lấn chiếm biên giới phía Bắc 1984-1989. Trong vòng 4 tháng (4/1984 - 8/1984), Việt Nam đã loại khỏi vòng chiến đấu khoảng 7.500 quân Trung Quốc. Tuy vậy, đến nay chưa có tài liệu chính thức nào công bố tổng số người thương vong của hai phía. Cuộc chiến dù quy mô không lớn nhưng rất quyết liệt, căng thẳng và đau thương, như nhà thơ Lê Vân từng khắc khoải: Giặc Trung Quốc đánh Hà Tuyên/ Sông Nho Quế gầm lên bão sóng/ Súng trả lời với súng/ Xác quân thù chồng chất biên cương.

 

KÝ ỨC CỦA NHỮNG NGƯỜI LÍNH SƯ 356

VỀ TRẬN CHIẾN VỊ XUYÊN ÁC LIỆT

Tác giả: Gia Tưởng

 

Ngày 12.7.1984, chỉ một trận đánh mà có tới 593 cán bộ, chiến sĩ của Sư đoàn 356 hy sinh, bị thương hơn 800 người. Ngày đó được coi là ngày giỗ trận mà những người may mắn sống sót không bao giờ quên. Hàng năm, họ cùng nhau tụ họp về Vị Xuyên (Hà Giang) để thắp nén nhang tưởng nhớ những người đồng đội, nhiều người trong số đó ngã xuống khi còn thanh xuân.

Cuộc hành quân giữa đêm mưa

Với mong muốn hiểu tường tận về cuộc chiến Vị Xuyên 33 năm trước, chúng tôi đã tìm tới mảnh đất Hà Giang để gặp lại những chứng nhân, những người từng chiến đấu và đổ máu để bảo vệ Tổ quốc nơi đây.

Tại bệnh viện đa khoa Vị Xuyên, người chúng tôi gặp đầu tiên là cựu chiến binh Lê Tú Liêu - nguyên là sĩ quan thông tin của Sư đoàn 356, người trực tiếp tham gia trận chiến ngày 12.7. Năm nay ông Liêu 59 tuổi, đang phải điều trị bệnh phổi. Khi nói về Sư đoàn 356 và trận đánh ngày 12.7, ông như lặng người đi, tất cả kỷ niệm xưa như ùa về trong ký ức của người lính già.

Ông Liêu kể, vì là lính thông tin nên bao giờ ông cũng phải đi trước về sau trong mỗi trận đánh. Sư đoàn khi ấy được lệnh ém quân ở những điểm cao đợi giờ nổ súng. Vì vậy, các mũi tiến công đều được lệnh hành quân đêm.

"Đó là một đêm trời mưa tầm tã. Lính chúng tôi khi đó đa phần đều trẻ, chưa có kinh nghiệm nên nhiều người chọn đường dễ để đi. Đến sáng ra những đường mòn đã bị lộ vì cây cỏ bị dẫm nát. Trên đài quan sát tại điểm cao 1509, quân Trung Quốc phát hiện thấy những dấu hiệu bất thường trên đường mòn. Chúng đã lệnh cho pháo bắn dữ dội vào đội hình của ta. Do địa hình núi đá dốc, chỗ trú quân hẹp nên phần lớn các cánh quân của chúng ta bị trùm gọn trong tọa độ pháo kích của kẻ địch" - ông Liêu đau xót nhớ lại.

Trầm ngâm một lúc, ông Liêu kể tiếp: Khoảng 8h sáng, trước lệnh nổ súng 2h, chúng tôi bị pháo kích trùm kín nên một số đơn vị bị mất liên lạc hữu tuyến với Sở chỉ huy sư đoàn. Pháo binh của ta cũng đã nhanh chóng phản kích, áp chế hỏa lực địch để bộ binh cảm tử xông lên đánh chiếm các điểm cao. Những cuộc đọ súng giữa quân ta và quân Trung Quốc vô cùng khốc liệt. Ở nhiều nơi hai bên chỉ cách nhau từ 6 đến 8m, nghe rõ cả tiếng gọi nhau và cả những tiếng kêu cứu, rên la của người bị thương.

"Tuy bị thương vong và tổn thất vô cùng lớn, nhưng chúng ta vẫn cương quyết bám trụ từng vách đá, từng gốc cây. Để đối chọi với quân Trung Quốc trú trong hầm có công sự bao bọc, những mũi xung phong cảm tử của quân ta phải liên tục thọc sâu và dùng hỏa lực bộ binh loại mạnh như B40, B41 để tấn công áp chế địch một cách dữ dội. Lính Trung Quốc lúc đó thấy quân ta tinh thần quyết tử như vậy tỏ ra hết sức hoảng loạn, nhiều tên đã tháo chạy khỏi công sự" - người cựu binh già cười giòn khi nhớ lại khoảnh khắc đó.

Sau 4 giờ giao tranh, cả 2 bên đều bị tổn thất nặng nề. Chỉ huy mặt trận 2 bên đã phải ra lệnh tạm ngừng bắn để thu dọn chiến trường. Ôn Liêu nhớ, bộ phận chính sách của Sư đoàn 356 vừa làm việc vừa đầm đìa nước mắt khi thống kê có tất thảy 593 cán bộ, chiến sĩ hy sinh. Trong số đó, nhiều người không thể đưa được thi thể về. Hơn 800 người khác bị thương. Sau trận đánh 12.7, Sư đoàn 356 đã phải rút về tuyến sau để củng cố lực lượng, chuẩn bị cho cuộc chiến mới.

Tâm nguyện những người đang sống

Khi hết chiến tranh biên giới, Sư đoàn 356 đã được giải thể vào ngày 31.12.1989. Nhưng những người lính và thân nhân liệt sĩ của sư đoàn vẫn liên lạc với nhau hàng năm để cứ đến ngày 12.7, tất cả họ lại tụ họp về nghĩa trang Vị Xuyên, Hà Giang để tưởng nhớ, tri ân những đồng đội đã anh dũng hy sinh trên mảnh đất này.

Có mặt trong đoàn thân nhân lên Hà Giang mùa mưa lũ này, bà Đinh Thị Linh (60 tuổi, ở số 2 đường Phú Diễn, Hà Nội, chị gái của liệt sĩ Đinh Văn Trung) mang một tâm trạng bồn chồn khi nhìn cơn mưa đang trút xuống điểm cao 900. Bà Linh cho biết, gia đình bà có 3 chị em, 2 người em trai đều tham gia chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc.

"Trung là em út trong gia đình. Chú ấy hy sinh khi mới 23 tuổi, chưa kịp lập gia đình. Từ ngày em tôi hy sinh, năm nào gia đình tôi cũng lên Hà Giang vào dịp 12.7, bỏ công đi tìm khắp nơi nhưng vẫn chưa thấy được phần mộ của chú ấy. Năm nay, gia đình tôi được đồng đội của chú ấy cho biết, chú đang nằm lại ở điểm cao 900. Cả gia đình mừng không để đâu cho hết khi biết được tin" - bà Linh không giấu được sự xúc động đang dâng trào.

Đoàn của gia đình bà lên đây tất cả có 13 người con cháu, chỉ đợi trời tạnh mưa là lên chỗ liệt sĩ Trung đang nằm. Bà Linh gạt nước mắt, tâm sự thêm: Cả gia đình tuy ở Hà Nội nhưng đều coi mảnh đất Hà Giang - nơi liệt sĩ Trung ngã xuống - là quê hương thứ 2 của mình. 

"Mảnh đất này đã đón nhận và che chở em tôi bao lâu nay, chính vì vậy, năm nào gia đình chúng tôi cũng lên Hà Giang ít nhất là 2 lần, coi như là một chuyến hành hương để thăm chú Trung và những đồng đội của chú ấy. Cũng là cách để chú Trung và các chú khác đang nằm dưới đất này thấy ấm áp hơn", bà Linh nghèn nghẹn nói.

Những ngày tháng 7 đối với ông Hoàng Thế Cương (60 tuổi, ở thị trấn Việt Lâm, huyện Vị Xuyên, Trưởng ban liên lạc Sư đoàn 356 Hà Giang) luôn bận rộn.

Với tâm trạng trái ngược, ông Cương chia sẻ: "Tôi vui vì được đón những đồng đội cũ, có người hơn 30 năm rồi mới gặp lại. Nhưng lại buồn và thương tiếc những người đã ngã xuống. Lúc đó có người còn trẻ lắm, mới mười tám, đôi mươi, chỉ lần đầu vào trận đã hy sinh và thậm chí tới giờ còn không tìm thấy xác".

Ông Cương nói: Chúng tôi cũng đã bắt đầu đến tuổi xế bóng rồi, anh anh em bảo nhau, lập ban liên lạc để giữ mãi ngọn lửa bất khuất của người lính 356 anh hùng năm nào.

"Ngày giỗ trận hôm nay, chúng tôi tổ chức làm lễ cầu siêu cho các vong hồn liệt sĩ, tại điểm cao điểm 468, thôn Nậm Ngặt, xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang, nơi đây là vị trí trung tâm để tới những điểm cao ác liệt. Sau đó mọi người sẽ về nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên thắp nến tri ân nơi có 1.700 liệt sĩ đang an nghỉ" - ông Cương khẳng định.

Mặc dù công việc làm ăn rất bận rộn, nhưng ông Minh (57 tuổi, nhà ở Phú Diễn Hà Nội, một cựu binh trong đội cảm tử của Sư 356) cho biết, năm nào ông và các đồng đội cũng lên Hà Giang, ngoài thắp hương cho các đồng đội,  anh em vẫn bảo nhau góp tiền lại để làm công tác từ thiện giúp đỡ bà con nhưng bản làng đã giúp đỡ che chở cho sư đoàn những năm chiến đấu.

"Năm nay chúng tôi cũng quyên góp được hơn 20 triệu đồng để tặng đồng bào Hà Giang mua dê giống. Đối với người lính chúng tôi, tuy chưa làm được những điều to tát nhưng chúng tôi sẽ làm bằng tất cả tấm lòng mình. Kể cả trong cuộc sống và trong chiến đấu, nếu cần sẽ sẵn sàng hy sinh đến hơi thở cuối cùng" - vị cựu binh khẳng định.

Sáng 12.7, trời Vị Xuyên mùa này vẫn còn những cơn mưa rừng, gió núi ào ạt, nhưng tất cả không ngăn được những làn khói mỏng bay lên từ những nén hương của đồng đội. Những nén hương thành kính tưởng nhớ những người đã khuất như thêm chút hơi ấm cho những người đang nằm trong lòng đất mẹ.

Từ gác chuông trên đài tưởng niệm vang vọng những âm thanh trầm đục, lúc da diết, lúc êm dịu, khi thì ngạo nghễ lạ thường làm cho những người có mặt trong buổi giỗ trận đều lặng đi.

 

VỊ XUYÊN …ĐỒNG ĐỘI ƠI…DẬY ĐI

Tác giả: Nguyễn Quân Hà Nam

 

Chúng mày thức mấy đêm đánh giặc
Mà ngủ bù bốn mươi năm chưa dậy là sao?

 

Vị Xuyên ơi….Vị Xuyên
mười năm núi đá
Hoá lò vôi
Xương đồng đội tôi
Hoá thành nham thạch mới
Máu đồng đội tôi
Hoá mạch nước ngầm

 

Nghiêng núi
Nát trời
Đất rung
Nát bấy

 

Xương trộn đất hay đất ôm xương nhức nhối
Nước đỏ ngầu nhưng đâu phải phù sa?
Thân ngã xuống thành đất đai Tổ Quốc
Hồn bay lên thành linh khí quốc gia

 

Dậy đi đồng đội ơi!
Bốn mươi năm
Như thể hôm nay
Như thể hôm qua
Đồng đội tôi trẻ mãi không già

 

Dậy đi đồng đội ơi !
Dậy đi đồng đội ơi !
Mẹ già hai mắt teo khô
Cha ngồi lặng, nhìn nóc nhà trăn trở
Tiếng bi bô con gọi bố , gió cuốn đi
Và vợ hiền gim băng đen nơi trái tim
Lặng lẽ…
Dậy đi, đồng đội nhé
Dậy đi……

 

HÀ GIANG - NGÀY GIỖ TRẬN

Tác giả: Ngọc Bái

 

Tôi đã đến Hà Giang đúng ngày Giỗ trận

Đặt chân đâu cũng dấu ấn bạn bè

Ngả lên Làng Pinh rẽ qua cầu Thanh Thủy

Ngả tới Bắc Sum ngược lên phía Yên Minh...

 

Bao đồng đội đã nằm im trong đất

Người có tên và người chẳng còn tên

Lính trận một thời lặng thầm nước mắt

Hàng mộc miên xưa khuất dạng chân đồi

 

Dòng sông Lô xanh biếc thản nhiên trôi!

Liệu có nhớ áo lính nhòe bùn đất?

Những ngày tháng Vị Xuyên cọng rau khao khát

Điếu thuốc lào trên chốt biết tìm đâu?

 

Thấu nỗi niềm lính tráng sống vì nhau

Không khóc nổi, nhưng tim thì buốt nhói

Có những chuyện vô cùng khó nói

Cuộc chiến tranh âm ỷ những dã tâm

 

Những chuyện bi thương đã vào quá khứ

Nhưng không thể quên dù trời đất xoay vần

Thắp nén tâm nhang khấn những chàng trai bất tử

Giữ biên cương, giữ cuộc sống thanh bình

 

THÁNG NĂM KHÔNG QUÊN

(Nhớ ngày giỗ trận Vị Xuyên 12/7/2020)

Tác giả: Lê Đức Nghinh

 

Giỗ này tôi lỡ hẹn không lên

Chắc Nà Cáy mây còn buồn ngơ ngác

Hồn liệt sỹ vẫn nằm quanh bãi đất

Đêm qua mưa lạnh, ướt cả rồi.

 

Vọng nơi ấy về, các bạn tôi

Ngợp phía bên kia giờ yên vắng

Sóng Lô giang ru hồn trầm lặng

Đỉnh 812, giông tố bớt ầm ào.

 

Gió vô tình đừng để... lạc hồn đau...

Chuyếnh choáng quá như bóng người ngã xuống

Thổn thức mãi đồng đội còn đang sống

Muốn đem sông cọ rửa đến Kỳ Cùng.

 

Kho hậu cần ngày ấy rỗng không

Muối gạo chia nhau hết lúc nào chẳng rõ

Quần áo lính chưa kịp khô đã bầm máu đỏ

Vết đạn dọc ngang chém nát mặt đường.

 

Sông suối oằn mình đỡ, kín vết thương...

Thung lũng còn sặc mùi khói đạn

Khát khô đến từng dòng suối cạn

Đỉnh 673 nham nhở trắng mây trời.

 

Giỗ trận lần này tôi ko kịp lên thôi!...

Đồng đội mất bát cơm đơm chẳng có...!

Pháo cày sỏi đá như xay đỗ

Hầm bạn nằm trúng đạn cũng tan hoang

 

Những nhà dân âm ỉ dưới tro tàn

Thấp thoáng bóng người trùm bóng núi

Mây điềm tĩnh bóng buồn len khe suối.        

Tay sần chai sau mỗi buổi khoét hầm.

 

La liệt thương binh nằm

Vết thương còn rỉ máu

Lòng hang nóng, sục sôi lời tháng sáu

Lo biên cương mảnh đất chửa bình yên.

 

Lại hiện về bao gương mặt tôi quen

Hốc hác cười sau bóng núi

Những người không tính tuổi

Vẫn trẻ trung đến tận bây giờ.

 

Gửi đồng đội nén tâm hương ngấm lệ

Sợ đêm tàn, gió lạnh mỗi cơn mơ...

 

GIỖ TRẬN

Tác giả: Lê Đức Nghinh

 

Nén hương vọng nhớ người không về nữa

Anh nằm đây đất đá hóa nâu trầm

Địa danh sớm thành miền cổ tích

Pháo rền về trong gió núi âm âm.

 

Đồng đội còn neo trên điểm tựa

Ngàn năm ai biết... đá lưu danh

Máu đổ nếu người quên chép sử

Đời sau con cháu chẳng yên lành.

 

Hỡi Sông Lô cồn lên lũ đỏ

Lèn đá xưa chân bỏng không chồn

Đỉnh một nghìn sẹo còn loang lổ

Vách tai mèo, giặc đến hóa mồ chôn.

 

Đất Vị Xuyên vùi mình trên lửa

Trập trùng điểm chốt đá lưu tên

Nơi nham thạch biến thành công sự

Ngày đêm tới tấp pháo giặc rền.

 

Dấu đạn cày sâu dày dấu cũ

Đã bao năm sẹo núi chưa liền

Cây cụt hóa chứng nhân lịch sử

Chấm than trời nghi ngút khói nhang len.

 

Bà mẹ còng lưng bên mộ khóc

Khắp đồi bia mộ trắng run lên

Đồng đội cũ ngẩn ngơ ngày giỗ trận

Khói nhang tìm phương bắc chẳng nguôi quên...

 

NĂM ẤY, VỊ XUYÊN

Tác giả: Nguyễn Việt Chiến

 

Năm ấy dọc sông Lô

Cả một rừng gỗ Mộc Miên được hạ xuống

Xẻ làm áo quan

 

Sau trận đánh cuối cùng, các anh nằm lại với Hà Giang

Mưa biên thùy đưa các anh từ Vị Xuyên xuống núi

Gió biên thùy tiễn các anh vào đất

 

Bên kia biên giới hoa Mộc Miên nở

Còn bên này biên giới gỗ Mộc Miên xẻ làm áo quan

Sông Lô bình thản trôi qua hai miền đất như không có chuyện gì…

 

HAI NGÀN TAY SÚNG CHỐT TRÊN ĐỒI NÀY

Tác giả: Nguyễn Việt Chiến

 

Các anh nằm lại Vị Xuyên

Hai ngàn liệt sĩ ở trên đồi này

Nén hương đầu gió khói lay

Khói hương chia khắp bia này mộ kia

 

Âm dương hai ngả cách chia

Hai ngàn tay súng đi về tận đâu

Mẹ ơi! Đất nước thương đau

Chúng con nằm lại núi sâu rừng già

 

Hai ngàn trái tim xót xa

Hai ngàn câu hát tình ca tắt rồi

Hai ngàn nỗi nhớ mồ côi

Hai ngàn ngọn lửa quên đời trong đêm

 

Các anh nằm lại Vị Xuyên

Hai ngàn tay súng chốt trên đồi này

Các anh vẫn mãi còn đây

Đội hình đánh giặc bao ngày không quên

Thưa mẹ, sớm nay bình yên

Hai ngàn gương mặt hồn nhiên hiện về.

 

MỘT SƯ ĐOÀN HÓA ĐÁ VỊ XUYÊN

Tác giả: Nguyễn Trọng Luân

 

Ba mươi mấy năm rồi ta mới gặp nhau
Sư đoàn cũ nay về vừa đại đội
Tóc hoa râm loá nắng hè Hà Nội
Cùng về đây nhớ núi đá Vị xuyên

Cùng về đây nhớ khói bếp Làng Lò
Cùng thờ thẫn nhớ những chiều hang suối Cụt
Meo méo nụ cười lính pháo
Đỏ mắt lính bộ binh
Những chuyến xe lên chưa tới làng Pinh
Pháo đạn bộn bề
Sân bay Phong Quang gầm chặn địch
Công binh gùi hầm lên phía trước
Gùi khói thuốc lào cho nhau
Rau khô và thư từ tuyến sau
Nhoè mồ hôi và máu

Những đêm đi qua hang đá
Tiếng bập bùng ghi ta theo mãi mấy chục năm
Ta uống rượu sau những thăng trầm
Chỉ những bạn đã chết chả bon chen gì nữa

Bạn ở trong lèn đá
Hay rêu phủ mộ nghĩa trang
Đã bao lần chúng tôi lên mây vẫn giăng hàng
Tìm xác bạn vẫn im lìm như đá
Mây vẫn thế – điệp trùng và người xưa như hoá đá
Đồng đội ơi mộ gác ở lưng trời

Sáng hè nay kể tên bao người bạn chúng tôi
Chúng tôi uống chén này chén thương chén nhớ
Nước mắt hoà vào rượu bập bùng lửa vẫn như hang đá thở
Rượu tràn trề mà hoá đá lặng im

Xác bạn để ở bên
Đá tạc hồn bạn tôi vào ruột đá
Ngàn năm sau đá vẫn thì thầm
Ngàn năm sau đá vẫn mang tên 685
Mang tên 722
Mang tên 1509
Đá mẹ đá con đá anh em và những sườn đá nhấp nhô đồng chí
Trong chập chùng tiếng đá ngóng về xuôi

Hà Giang ơi tuổi trẻ của chúng tôi
Mấy chục năm nghe biên cương thì thầm nhắc nhở
Mắt hoa râm nhìn nhau người quê người phố
Mỗi chén rượu ngô là qua một cung đường

Xin đừng quên tên một sư đoàn
Dù nay đã chỉ còn là kỉ niệm
Nơi tổ quốc ghi tên mình trong đó
Máu sư đoàn tôi hoá hồn đá Vị xuyên

Gọi tên sư đoàn gọi tên núi Hà Giang
Gọi nhau bằng tên bình độ
Ba mấy năm tìm về nhau hát những bài rất trẻ
Nhớ mùa này biên giới vẫn mù sương

 

 

-------------

MỜI NHẤP CHUỘT ĐỌC THÊM:

- Cuộc chiến tranh Biên giới 1979l

- Những bài thơ chống giặc Tàul

- Chiến tranh biên giới phía Bắc: những hình ảnh bi tráng không quênl

- 2014 Nhìn lại cuộc chiến tranh Biên giới 1979 chống quân Trung Quốc xâm lượcl

- Những tấm bản đồ do Trung Quốc và Nhật Bản phát hành không ăn cướp Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Naml

- Không được quên tội ác của bá quyền Trung Quốcl

- Trận chiến cầu Khánh Khê và giờ học lịch sửl

- Bàn thêm về nước Nam Việt của Triệu Đà và lịch sử nước Việt Naml

- Gạc Ma - Nỗi đau không được quênl

- Vạch trần dã tâm thâm đọc của Trung Quốc nhằm độc chiếm biển Đôngl

- Vai trò của Mao Trạch Đông trong chiến dịch tiến chiếm Hoàng Sa năm 1974l

- Cuộc chiến chống quân Trung Quốc xâm lược: Hoàng Sa năm 1974l

- Sự thật về quan hệ Việt Nam - Trung Quốc trong 30 năml

- “Đặc Khu 99 năm” - Tiếng nói của người dânl

- Đại nạn Trung Hoa thời Cổ sửl

- Đại nạn Trung Hoa thời Trung sửl

- Đại nạn Trung Hoa thời Cận đạil

Mời nghe nhạc phẩm TRUYỀN THUYẾT HOÀNG SA VÀ TRƯỜNG SA

của Công Quế, qua tiếng hát Lê Anh Dũng:


 

 

 

 



 

 

- ĐẶNG XUÂN XUYẾN giới thiệu -

(Ảnh sử dụng minh họa trong bài được sưu tầm từ nguồn: internet

Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến)

.


1 nhận xét: