CÂU
CHUYỆN CHUNG QUANH BÀI THƠ
‘CỔ THÀNH QUẢNG TRỊ’
*
(Tác giả Đặng Văn Sinh) |
Ngày ấy, cách đây
khá lâu rồi, vào một buổi chiều cuối thu, heo may xào xạc, tôi với Nguyễn Ngọc
San lặng lẽ tản bộ phía hữu ngạn sông Hương gần Phu Văn Lâu.
Nguyễn Ngọc San
tuổi Giáp Thân, cung số chẳng lấy gì làm nhàn nhã, nhưng ông an nhiên tự tại
với cái trời phú cho mình, đó là phẩm chất của một người làm thơ không bẻ cong
ngòi bút. Ở bất cứ hoàn cảnh nào ông cũng vẫn giữ được hồn thơ lục bát sắc sảo,
lãng đãng chút hoài niệm, khép lại trong một không gian hướng nội, cày xới tiềm
thức, truy vấn lịch sử để tìm câu trả lời cho tương lai. "Sông Bầu tầm tã" là thi phẩm
được xem như đỉnh cao trong sự nghiệp sáng tác của ông, bởi nó đã vượt qua được
khuôn khổ chật hẹp của lục bát truyền thống, bứt phá một cách ngoạn mục, đem
đến cho người đọc những cảm nhận mới về thân phận con người.
Đã một thời tôi
chưa hiểu Nguyễn Ngọc San, cho rằng thơ ông vẫn có một cái gì chừng mực, chưa
dám đẩy đến tận cùng cảm xúc, nhất là đối với những đề tài xã hội có tính nhạy
cảm. Nhưng tôi đã lầm. Bản lĩnh và thi tài Nguyễn Ngọc San chẳng những đã ghi
đậm dấu ấn trong "Sông Bầu tầm tã",
"Những đồng tiền xu",
"Gia Long"... mà còn
hiện diện ở hàng loạt tác phẩm sau chuyến đi thực tế miền Trung.
Chúng tôi ghé thăm
hầu hết các địa danh được coi là "đất thiêng" ở thời kỳ trước năm
1975, từng là chiến trường đẫm máu của những xung đột ý thức hệ. Từ thị xã Đông
Hà chúng tôi lần lượt viếng thăm chiến địa cũ Khe Sanh, sân bay Tà Cơn, cửa
khẩu Lao Bảo, nghĩa trang Trường Sơn, nghĩa trang Đường 9, nghĩa trang Gio
Linh, nghĩa trang Cam Lộ... Mấy chục vạn linh hồn có tên và không tên đã ngã
xuống trong cuộc chiến huynh đệ tương tàn giờ này đang phiêu lãng nơi đâu ở một
vùng hoang địa đầy tử khí? Tất cả chỉ còn là ký ức, một ký ức đau buồn hằn vào
lịch sử kéo theo nỗi trầm luân của cả một dân tộc khi chưa học thuộc lời dạy
của cha ông về lòng khoan dung và nghĩa đồng bào "bầu ơi thương lấy bí
cùng"...
Nơi dừng chân lâu
nhất là Thành Cổ. Tại đây người ta đã xây một đài tưởng niệm những chiến sĩ
trận vong (tất nhiên chỉ là chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam). Thắp hương
xong, đoàn sang viếng thăm nhà lưu niệm. Đây là ngôi nhà hai tầng, giống như
một viện bảo tàng quân sự thu nhỏ, trưng bày những chiến tích, chiến cụ cùng sa
bàn trận địa của cuộc chiến khốc liệt 81 ngày đêm giữa hai bên Giải phóng và
Quốc gia năm 1972. Nhìn toàn cảnh chiến trường xưa, lòng tôi chợt nhói lên nỗi
kinh hoàng về một thời đẫm máu và nước mắt. Cánh cổng phụ phía tây thành còn
lại như một chứng tích khủng khiếp bởi hàng trăm vết đạn xuyên qua như mắt sàng
mặc dù nó được làm bằng thép tấm dày 7 ly.
Trên trời mây trắng
vẫn lững thững bay ra biển. Cỏ non Thành Cổ vẫn tươi xanh như lời ca của một
bài hát mới sáng tác gần đây, khiến tôi nhớ đến mấy câu thơ rất cảm động của
tác giả Lê Bá Dương, vốn là một người lính Cổ Thành năm xưa:
"Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi đôi mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm"
Chỉ riêng nghĩa
trang Đường 9 đã có gần mười vạn ngôi mộ. Đám người nhỏ nhoi trước một bãi tha
ma khổng lồ bất giác làm tôi thấy cô đơn. Rừng Trường Sơn hoang sơ, gió ngàn vi
vu tạo nên một không gian rờn rợn lúc chiều tà. Hỡi những linh hồn trận vong!
Các anh các chị hãy yên giấc ngàn thu, dù biết rằng đây đó không ít người ngã
xuống mảnh đất quê hương nhưng vẫn còn vương hận...
Nhớ lại lúc ở nhà
lưu niệm trong khuôn viên Thành Cổ, một thành viên trong đoàn hỏi người lính
thuyết minh rằng, quân số thương vong của chúng ta là bao nhiêu sau khi công bố
26 ngàn lính Việt Nam cộng hòa tử trận. Anh bộ đội trẻ lặng đi một lúc rồi từ
tốn nói: "Thưa các bác, số thương
vong của quân ta Bộ Quốc phòng chưa thống kê được"(!?). Nghe xong, nhà
thơ Nguyễn Ngọc San, một trong những cựu chiến binh Trường Sơn ghé tai tôi nói
nhỏ:
- Mỗi ngày đêm ít
nhất "nướng" một đại đội, cứ tính sơ sơ mỗi đại đội một trăm người,
nhân với 81 ngày thì sẽ ra việc gì phải hỏi. Mà đó mới chỉ là số hy sinh trong
thành, còn những đơn vị "bị" ở bên kia sông Thạch Hãn cũng không ít
đâu...
Ông nói đúng. Khỏi
phải bình luận gì thêm để đỡ làm đau thêm các linh hồn trẻ đang yên nghỉ dưới
những thảm cỏ non Cổ Thành .
Ngay đêm hôm ấy,
trong nhà nghỉ thị xã Đông Hà, cách Thành Cổ không xa, Nguyễn Ngọc San đọc cho
tôi nghe bài "Cổ thành QuảngTrị"
mới sáng tác:
"Cổ Thành nào thấy thành đâu
Một vuông đất hẹp vùi sâu vạn người
Bát hương cháy đỏ giữa gìời
Khôn thiêng một nén cho nguôi ngoai lòng
Cổ Thành máu chảy thành sông
Xương gom thành núi thành không còn gì
Bên ni, ừ cả bên tê
Thành hoang, gạch vụn gửi về mai sau...".
Bài thơ chỉ có 8
câu, nhưng nghe xong tôi chợt bàng hoàng bởi sức nặng của những vần lục bát. Nó
chẳng những tuyệt vời về mặt cấu tứ mà còn bộc lộ một cái nhìn mới, một cách
cảm nhận mới về chiến tranh sau khi đã có độ lùi mấy chục năm. Ý thức phản tỉnh
về một sự kiện lịch sử dường như đã được định hình cùng với những hồi ức bất
chợt của người lính lái xe vận tải về cuộc chiến tương tàn đã khơi gợi cảm xúc
tạo nên những dòng tự sự giầu chất suy tưởng. Về một mặt nào đó, ta còn có thể
xem bài thơ là lời sám hối muộn mằn nhưng cần thiết cho những thế hệ sinh ra
sau khi đất nước đã yên hàn để chọn con đường đến tương lai mà không cần phải
nổ súng vào nhau. Ngoài những câu chữ đọc lên nghe xót xa đến tê tái lòng, bài
thơ còn thấp thoáng bóng dáng của Thiền. Bên cạnh cái "hữu" và cái
"vô" cùng với những biến đổi của vạn vật trong cõi vô thường là nỗi khổ
chúng sinh ba vạn sáu ngàn ngày. Đời người chỉ trong chớp mắt, lịch sử mới là
vô cùng. Ai ngộ được ra điều đó mới là chính đạo, bởi lẽ Phật từng dạy:
"vạn pháp quy tâm".
Tôi mừng cho Nguyễn
Ngọc San và góp ý, ngoài việc sau này đưa vào tập, trước mắt nên gửi đến một
vài tờ báo xem phản ứng ra sao. Nhưng đã hơn một năm qua đi, tất cả đều im lặng
cho dù ông là cây bút có tên tuổi trên văn đàn, đã từng được giải thưởng của
báo Giáo dục và thời đại trong cuộc thi thơ lục bát toàn quốc cách đây mấy năm.
Tiếc bài thơ, sau
nhiều ngày trăn trở, Nguyễn Ngọc San đành chịu hy sinh bằng cách chữa hai câu
cuối cho nhẹ bớt "gam màu" để đưa vào tập sắp xuất bản, tuy biết rằng
làm như thế là mình tự "giết" thơ mình:
"Bên tê, ừ, cả bên ni
Hai bờ Thạch Hãn xanh rì cỏ non...".
Công bằng mà nói, hai
câu kết mới này cũng rất đáng nể vì nó là hình ảnh ẩn dụ lịch sử nhưng là kiểu
ẩn dụ "bắc cầu", đọc rồi phải ngẫm nghĩ mới hiểu, nhưng còn xa mới
đạt được tầm khái quát của hai câu cũ. Có điều ông không ngờ, ngay cả chấp nhận
"xuống thang" như thế mà vẫn không thoát khỏi cặp mắt nhà biên tập
mẫn cán. "Cổ Thành..." vẫn bị loại.
Thôi thì, đành phải
chờ... vậy.
Bốn năm sau, cuối
cùng niềm vui cũng đến. Người thẩm định bản thảo lần này của nhà xuất xuất bản
Hội Nhà văn có con mắt liên tài. Anh nhìn ra những ý tưởng mà nhà thơ xứ vải
thiều ký thác như một thông điệp nghệ thuật. Và "Cổ thành Quảng Trị"
sống lại...
*
ĐẶNG VĂN SINH
Quê quán: xã An Bình, huyện
Nam Sách, Hải Dương.
Trú quán: thành phố Chí
Linh, Hải Dương.
........................................................................................
-
Cập nhật từ email: huongmai8081@yahoo.com.vn ngày 05.11.2021.
- Ảnh dùng
minh họa cho bài viết được sưu tầm từ nguồn: internet.
-
Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại..
0 comments:
Đăng nhận xét