NGUYỄN THỊ LỘ VÀ NỖI OAN CỦA VỊ LỄ NGHI HỌC SĨ TÀI ĐỨC - Tác giả: Nguyễn Xuân (Hưng Yên)

Leave a Comment
(Tượng thờ bà Nguyễn Thị Lộ và Nguyễn Trãi)
NGUYỄN THỊ LỘ
- Và nỗi oan của vị Lễ Nghi Học Sĩ tài đức
*
Theo sự ghi chép của nhiều tư liệu cổ thì Nguyễn Thị Lộ quê ở làng Hải Trào, huyện Ngự Thiện (thuộc tỉnh Thái Bình). Người ta biết đến bà lần đầu tiên từ cuộc gặp gỡ giữa bà và Nguyễn Trãi. Thủơ ấy, sau khi thắng giặc, một lần Nguyễn Trãi du ngoạn ra hồ Tây ngắm cảnh nước non thì gặp một cô gái bán chiếu rất xinh đẹp. Xúc động trước trang tuyệt sắc, Nguyễn Trãi bước đến gần rồi buông lời chọc ghẹo. Cuộc đối đáp giữa tài tử giai nhân đã là mối dây nối họ lại với nhau. Nguyễn Trãi đã tìm người mối lái rồi cưới cô gái đó về làm vợ. Cô gái đó tên là Nguyễn Thị Lộ. Tiếng tăm về Nguyễn Thị Lộ đã dần dần được truyền đến tai vua Lê Thái Tông. Nhà vua mời bà làm Lễ nghi học sỹ dạy dỗ các phụ nữ trong cung. Bà đã đưa ra chủ trương chấn chỉnh phong tục và khuyếch trương việc học tập. Chủ trương tập hợp một số phụ nữ để giáo dục của bà đã được ghi rõ trong Đại Việt sử ký toàn thư. Năm 1442, Lê Thái Tông đi tuần du miền Đông, khi về có ghé qua Côn Sơn thăm Nguyễn Trãi. Trên đường về kinh, nhà vua nghỉ chân tại Lệ Chi Viên (thuộc huyện Gia Lương, tỉnh Bắc Ninh). Đêm đó nhà vua đột ngột qua đời, cũng vào đêm đó Nguyễn Thị Lộ lại ở bên cạnh vua. Vì vậy triều đình đã khép hai vợ chồng vào tội giết vua và kết án tru di tam tộc. Mãi đến khi Lê Thánh Tông lên ngôi, nỗi oan của bà mới được gột rửa.
Rất nhiều người nghi ngờ về tư cách là một nhà giáo của Nguyễn Thị Lộ và cũng có rất lắm ý kiến băn khoăn khi xếp bà vào hạng những nhà giáo dục xuất sắc. Những băn khoăn đặt ra không phải là không có cơ sở, thế nhưng trên thực tế, Nguyễn Thị Lộ đúng là một nhà giáo thực sự. Bà được mời làm Lễ nghi học sỹ, tức là làm thầy giáo dạy lễ nghi chốn cung đình. Dạy lễ nghi không chỉ bó hẹp trong việc dạy phép tắc, nói năng, múa hát mà còn dạy cả chữ nghĩa, cách ứng xử văn hoá... Bà đã đưa ra chủ trương chấn chỉnh phong tục và mở rộng việc học tập. Những việc bà làm bước đầu đã có kết quả và gây được tiếng vang lúc bấy giờ. Rất nhiều học giả thời bấy giờ tuy học vị và địa vị cao hơn nhưng rốt cuộc cũng chẳng làm được như bà. Người đời nay không rõ bà được đào tạo như thế nào nhưng những gì mà sử sách còn ghi chép được chứng tỏ bà là một người có học vấn cao, có tài văn chương. Và tất cả những việc bà làm cũng là một minh chứng cho điều đó. Cuộc đời của Nguyễn Thị Lộ còn là một bí ẩn và xung quanh bà còn có nhiều giai thoại. Nhưng dù thế nào đi nữa thì tên tuổi của bà vẫn xứng đáng được ghi vào danh sách những nhà giáo tiêu biểu ở Việt Nam.
* Cuộc gặp gỡ định mệnh
Sau nhiều phen nghiêng ngả trước những cơn sóng gió chốn triều đình, Nguyễn Trãi rơi vào tâm trạng chán nản của một nhân tài không có đất dụng võ. Ông chỉ là một viên quan hữu danh vô thực, vì vậy ông làm quan mà như người đi ở ẩn. Việc quan không vướng bận nên ông thường dạo chơi để khuây khoả nỗi lòng. Một hôm, khi đang tha thẩn ngắm cảnh bên bờ Hồ Tây thì ông gặp một cô gái bán chiếu xinh đẹp. Trai tài gặp gái sắc, nổi hứng tài tử Nguyễn Trãi liền buông lời chọc ghẹo.
Ả ở đâu mà bán chiếu gon?
Chẳng hay chiếu ấy hết hay còn?
Xuân xanh chừng độ bao nhiêu tuổi?
Đã có chồng chưa? Được mấy con?
Cô gái nghe lời chọc ghẹo, không những không bối rối mà lại ngẩng đầu ứng khẩu trả lời:
Thiếp ở Tây Hồ bán chiếu gon
Cớ chi ông hỏi hết hay còn
Xuân xanh vừa độ trăng tròn lẻ
Chồng còn chưa có nói chi con.
Tưởng chỉ trêu đùa cho vui nhưng ai ngờ gặp cô gái vừa xinh đẹp lại vừa sắc sảo thông minh, Nguyễn Trãi cảm thấy mến mộ bèn hỏi tên, địa chỉ để có dịp tới chơi. Cô gái trả lời:
- Thiếp là Nguyễn Thị Lộ, quê ở Hưng Nhân làm nghề dệt chiếu. Cha mẹ chuyển lên sống ở ngoài thành và vẫn theo nghề cũ. Khi nào có dịp rỗi rãi, kính mời tiên sinh ghé chơi.
Được lời như cởi tấm lòng, ít hôm sau Nguyễn Trãi đã tìm đến nhà cô gái. Thế rồi tơ duyên đưa đẩy, trai anh hùng gặp gái thuyền quyên, hai người cảm thấy tâm đồng ý hợp và dự tính chuyện trăm năm mà không kể đến sự đơn sơ được tổ chức. Nguyễn Thị Lộ đã trở thành người thiếp yêu, người bạn văn chương tri âm tri kỷ của Nguyễn Trãi và cùng ông chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống. Như vậy, chỉ từ cuộc gặp gỡ vô tình bên bờ Hồ Tây thơ mộng, duyên trời đã tác hợp đôi trai tài gái sắc thành một cặp tuy có phần "cọc cạch" nhưng lại rất lãng mạn.
* Nguyễn Thị Lộ và việc giáo dục trong cung qua cuộc đối thoại với Lê Thái Tông.
Một hôm, nhân khi rảnh rỗi, vua Lê Thái Tông cho mời Nguyễn Thị Lộ vào đàm đạo. Bỏ qua những nghi thức vua tôi rườm rà, Lê Thái Tông tươi cười nói với Nguyễn Thị Lộ.
- Những điều ái khanh làm khiến ta rất hợp ý. Từ ngày khanh vào cung ta thấy chốn cung cấm đã có phép tắc hẳn lên, các quý phi cung nữ đều chăm đọc sách. Không hiểu khanh đã làm gì khiến họ say mê như thế? Những bộ sách kinh điển đó ngồn ngộn chữ nghĩa thế mà khanh dạy được cho họ, thực là đáng nể.
Thị Lộ nghe lời bèn quỳ xuống cung kính thưa:
- Xin tạ ơn thánh thượng đã ban khen. Nhưng việc gì cũng phải có căn nguyên. Từ ngày còn tiên đế (chỉ Lê Thái tổ) người đã cho sỹ tử theo đường nho học, đó là cách làm cho con người biết đạo vua tôi, biết sửa mình để phục vụ đất nước. Những lời dạy bảo của thánh hiền, trong hoàn cảnh bây giờ, là rất cần thiết để quy mọi thứ vào một mối.
Lê Thái Tông nhíu mày rồi nói:
- Ta hiểu điều đó nhưng vẫn còn có băn khoăn. Sách vở sao toàn chữ Hán?
Thị Lộ vòng tay rồi đáp:
- Thưa bệ hạ, theo nho thì phải đọc sách Nho. Các bậc hiền giả xưa nay vẫn vậy. Nhưng sở dĩ các cung nữ có phần say mê học hành. Thần giảng chữ Nho rất ít mà chủ yếu là đem những lời Nôm ra giảng giải. Họ thấy dễ hiểu, dễ thuộc nên tỏ ra ham thích.
Thái Tông lại hỏi:
- Chữ Nôm ư? Thứ chữ ấy ta đã nghe nói đến. Mà đã có chữ Nôm để giảng giải sách kinh điển Tứ thư rồi à?
- Dạ thưa chưa. Chưa ai diễn giải sách kinh điển ấy ra chữ Nôm cả nhưng nếu diễn Nôm những tinh thần cơ bản của sách vở thì đã có. Vả lại những tinh thần đó cũng không xa rời đạo lý của tổ tiên ta nên cũng dễ hiểu và mọi người cũng dễ tiếp thu.
- Khanh hãy lấy một ví dụ cụ thể xem sao?
- Tâu bệ hạ, chẳng hạn, khi dạy chuyện nhân, nghĩa, thần thiếp đã nói với các cung nhân rằng: "Cơm của kẻ bất nhân chớ nên ăn; Áo người bất nghĩa, không nên mặc". Nói như thế khiến cho các cung nữ thấy dễ hiểu và họ có vẻ rất thích thú.
Thái Tông nghe nói thì hồ hởi:
- Cách dạy dỗ của khanh như thế là có hiệu quả đấy. Khanh giúp ta học được theo cách đó thì hay, ta chán cảnh phải ngồi một chỗ để nghe các văn thần giảng giải về kinh điển lắm rồi, ta chỉ muốn dọc ngang đây đó cho thoả chí.
Thị Lộ cũng không giấu được sự cao hứng nên cất giọng:
- Bệ hạ có chí vẫy vùng như thế thật là đáng mừng, rất xứng với người nối ngôi tiên đế. Nhưng việc đọc sách cũng có điều tốt, thơ Nôm có nói: "Trừ độc trừ tham, trừ bạo nghịch. Có nhân, có trí, có anh hùng".
- Khanh quả là người uyên bác.
Thị Lộ nói khẽ:
- Thánh thượng rộng lượng, những câu đó là của Ức Trai tiên sinh - phu quân của thần thiếp làm ra.
Thái Tông ngạc nhiên:
- Như vậy cũng tốt chứ sao. Thế ra quan Hành khiển cũng rành thơ Nôm lắm.
Thị Lộ cúi đầu thưa:
- Phu quân thiếp có làm thơ Nôm và định gộp thành tập "Quốc âm thi tập". Thần thiếp mạo muội đưa một vài bài vào đọc cho các cung nữ chứ không hề có ý biến chúng thành sách giáo khoa.
Thái Tông trầm ngâm nói:
- Vừa rồi ta có đọc bản Dư địa chí của quan Hành khiển và lấy làm vui mừng lắm. Đọc sách mới thấy đất nước mình giàu có tươi đẹp lắm. Nhớ công ơn khai phá của tổ tiên lại thấy cảm phục quan Hành khiển, nay lại biết ông cũng giỏi thơ Nôm thì lại càng đáng trân trọng hơn. Có lẽ ở nước ta chỉ có ông làm thơ Nôm?
Nguyễn Thị Lộ đáp:
- Dạ thưa, không phải thế. Thơ Nôm nước ta có lịch sử từ lâu. Đời Trần có Hàn Thuyên dùng thơ Nôm để đuổi cá sấu. Đời Hồ, Hồ Quý Ly cũng có tài làm thơ Nôm... nhưng thật đáng tiếc là những tác phẩm đó ngày nay còn tản mát chưa thu thập được...
Vua tôi đang vui vẻ đàm đạo thì có một đoàn cung nữ tiến vào. Người cung nữ trưởng nhóm quỳ xuống tâu rằng đã đến giờ tiến nhạc. Thái Tông không hiểu gì cả bèn đưa mắt nhìn Thị Lộ dò hỏi. Nguyễn Thị Lộ cung kính thưa rằng:
- Tâu thánh thượng, từ ngày được Người cho phụ trách việc lễ nghi, thần thiếp thấy việc tiến nhạc trong cung còn lộn xộn. Nhạc dùng cho việc triều nghi cũng được dùng trong cung nội những lúc cần nhạc để an dưỡng tinh thần cho thánh thượng lại lẫn lộn với nhau dùng cho Hoàng tộc giải trí... Vì vậy thần thiếp đã mạo muội lập lại nội quy để trình lên thánh thượng. Xin thánh thượng thứ lỗi cho thần thiếp.
Thái Tông mỉm cười:
- Trẫm không trách cứ gì khanh cả, khanh làm như vậy là đúng phép. Quả thực, lâu nay ta được xem múa hát cũng nhiều. Lúc đầu thì thấy hào hứng nhưng sau đó lại thấy nhàm chán. Liệu ái khanh có tạo được cái mới mẻ nào không?
Thị Lộ vâng lời rồi gọi một người Thị nữ thổi sáo. Người cung nữ bước ra đưa sáo lên thổi. Tiếng sáo khoan thai dìu dặt, thanh âm điêu luyện khiến cho Thái tông mê mẩn. Tiếng sáo vừa dứt, Thái Tông cất lời khen.
- Tiếng sáo thật tuyệt vời, người thổi sáo cũng thật điêu luyện. Hay lắm, đẹp lắm. Khanh quả thật là người thầy có tài. Tự thấy mình còn cần phải học hỏi nhiều.
Nguyễn Thị Lộ vội đáp:
- Muôn tâu Thánh thượng. Việc thổi sáo hay chơi nhạc đều phải có luật lệ. Ở nước ta chưa tìm được lịch sử âm nhạc nên phải căn cứ vào âm nhạc của Trung Quốc. Ở Trung Quốc âm nhạc có từ thời cổ đại và hoàn thiện vào đời Đường. Ở bên đó âm nhạc có ngũ âm là: Cung, thương, giốc, chảy, vũ. Chuyển sang nước ta thì có đủ bát âm.
Thái Tông ngắt lời:
- Bát âm là gì? Ái khanh giảng giải cho ta xem!
- Tâu bệ hạ - Nguyễn Thị Lộ đáp - Bát âm ở đây là tám thứ âm: Tiếng sênh, tiếng trống đá, tiếng động đất, tiếng mõ gõ, tiếng khánh đá, tiếng chuông đồng, tiếng đàn dây, tiếng sáo tre. Tám âm thanh đó hoà hợp với nhau tạo thành rất nhiều âm thanh khác và dùng được vào rất nhiều hoàn cảnh.
Thái Tông mỉm cười:
- Khanh giảng giải làm cho ta thấy sáng tỏ nhiều điều. Nhìn lại lễ nhạc triều đình thấy còn nhiều khiếm khuyết khanh hãy giúp ta cải biến tình hình có được không?
Thị Lộ vội vàng quỳ xuống rồi nói:
- Tâu thánh thượng, thần thiếp cũng chỉ biết qua loa chỉ có thể tạm coi sóc lễ nghi trong cung, còn việc chế tạo cờ biển, luyện tập vũ nhạc cho cả triều đình thì thần thiếp không thể nào cáng đáng được.
- Nhưng Triều đình lại đang cần người như khanh.
Nguyễn Thị Lộ trầm ngâm một lúc rồi mạnh dạn nói:
- Thần thiếp có nhiều điều bất tiện, song không dám để hoàng thượng phải nhọc lòng. Thần thiếp thấy rằng phu quân của Thần có thể đảm đương được nhiệm vụ khó khăn này.
- Khanh quả là người vợ hiền. Ta cứ tưởng quan Hành khiển chỉ giỏi về văn chương mệnh từ mà thôi, không ngờ ông ấy cùng giỏi về nghệ thuật.
Thị Lộ đáp:
- Tâu thánh thượng "Sĩ khả bách vi", đó là công sức tu dưỡng của các bậc thực học thiên tài. Thần thiếp thấy được điều đó ở phu quân nên lạm phép tiến cử.
Thái Tông nghe xong rồi trầm ngâm nói:
- Cao quý thay, đáng kính thay quan Hành khiển. Ông ấy quả xứng đáng là kẻ sỹ thời nay. Thế mới biết tiên đế quả có con mắt tinh đời, dùng người quả không sai. Nhưng quan Hành khiến vừa trải qua nạn tứ hung chắc còn nhiều điều không vừa ý. Nhưng khanh hãy cứ yên tâm. Ngay ngày mai ta sẽ xuống chiếu bổ dụng ông ấy.
Thị Lộ vội vàng quỳ xuống rồi cung kính:
- Thần thiếp xin thay mặt phu quân tạ ơn tri ngộ. Kính mong hoàng thượng vạn thọ vô cương.
*
NGUYỄN XUÂN
Địa chỉ: Thôn Lạc Cầu, xã Giai Phạm
huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên.
Email: phamchienthang1980@yahoo.com.vn
.






  ........................................................................................
- © Tác giả giữ bản quyền.
- Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gửi qua email ngày 31.07.2015
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại. .  

0 comments:

Đăng nhận xét