KHÓC VÀ NHỮNG BÍ ẨN CỦA NƯỚC MẮT - Tác giả: Nguyễn Toàn Thắng (Thái Bình)

Leave a Comment

KHÓC VÀ NHỮNG BÍ ẨN
CỦA NƯỚC MẮT

*
(Tác giả Nguyễn Toàn Thắng)
Việc quả tim của mỗi người đập theo nhịp được bắt nguồn từ bản năng. Việc hít thở cũng là một việc tự nhiên. Khóc cũng vậy, cũng là một điều đơn giản và tự nhiên. Tuy nhiên, điều bí ẩn chính là ở chỗ khi khóc lại trào ra nước mắt. Cho đến nay, con người vẫn chưa giải thích được nước mắt có ý nghĩa tượng trưng gì, được sản sinh như thế nào và có tác dụng gì?

Hiện tại, các nhà khoa học đã nhận biết được sự khác nhau giữa nước mắt có tính phản xạ (dưới những tác động mang tính kích thích của mùi hành, tỏi, ớt) với nước mắt mang tính chất tình cảm (được sinh ra do đau buồn hoặc mừng vui hạnh phúc). William Freigh - nhà sinh hoá người Mỹ đã nghiên cứu về nước mắt và chỉ ra rằng trong nước mắt mang tính chất tình cảm có nhiều chất an-bu-min hơn so với nước mắt có tính phản xạ. Tuy nhiên tác dụng của chất này như thế nào thì vẫn chưa ai biết rõ. Song người ta có thể khẳng định rằng nước mắt trong nhiều truyện ngụ ngôn và thần thoại có một mối quan hệ khăng khít với nội tâm con người và với lịch sử của nhân loại. Trong nghi lễ tế thần của người Axô cổ đại, khóc được coi là tượng trưng cho việc trời đổ mưa, điều này sẽ giúp cho mùa màng tươi tốt. Còn trong kinh thánh có một mối quan hệ nhất định giữa khóc với lễ thánh. Nước mắt tượng trưng cho lòng tôn trọng, trong sáng và thành kính đối với chúa trời. Trong thần thoại của người Bắc Âu cổ đại, nước mắt được coi như một món lợi trực tiếp. Như nhân vật Pađô chẳng hạn, một con người hiền lành tốt bụng phải hy sinh tính mạng của mình để đổi lấy mạng sống của Pađô, điều kiện bắt buộc phải là tất cả mọi người trên trái đất đều khóc thương Pađô. Và như thế nước mắt chính là một món hàng trao đổi trực tiếp.

Từ thời cổ đại đến nay, con người đã tốn nhiều công sức và tâm huyết để nghiên cứu và tranh luận về vấn đề khóc và nước mắt nhưng vẫn chưa đi đến kết luận cuối cùng. Ưu điểm của nước mắt là thể hiện được nhân tính, xoa dịu đi cái dữ dội và mạnh mẽ trong cuộc sống của con người, làm cho nó tĩnh lặng hơn và giúp con người cảm thấy dễ chịu hơn. Tuy nhiên, nó cũng có nhược điểm là phá hoại sự khống chế về mặt tâm lý. Khi nhìn một người khóc, người đối diện thường có cảm xúc không mấy dễ chịu dù rằng đối với phụ nữ và trẻ em, việc khóc của họ có thể chấp nhận được nhưng nam giới khóc thì thường khiến người ta có thái độ coi thường. Trong những thế kỷ trước, nhiều nhà khoa học đã nghiên cứu và có nhiều đóng góp về vấn đề nước mắt. Nhà khoa học đầu tiên tìm hiểu về hệ tuần hoàn và buồng tim của con người là William Havi ở thế kỷ 17 đã từng đưa ra lời cảnh báo rằng khi khóc nhiều tình cảm thường rất mãnh liệt. Điều này không tốt cho hoạt động của quả tim, nó gây ra những tổn thất về mặt dinh dưỡng và nhiệt độ. Sau này, nhà bác học Đác-uyn cũng nhận định rằng: Lúc trẻ con khóc, sẽ xảy ra hiện tượng xung huyết cao độ ở huyết quản của mắt. Do đó, để bảo vệ con mắt những bắp thịt xung quanh đó thu hẹp lại dẫn đến việc nước mắt trào ra. Đác-uyn đã viết rằng: "Việc rơi nước mắt có tác dụng khắc phục nỗi đau khổ".

Asley Montyco, một nhà nhân chủng học thì lại nghiên cứu và kết luận rằng khóc là kết quả của sự vật ganh đua được sắp đặt bởi tự nhiên. Theo ông thì khi trẻ khóc dù là khóc nhiều hay ít, lâu hay mau cũng đều làm khô cổ họng và khô mũi làm cho vi khuẩn cùng nhiều chất độc hại khác dễ xâm nhập vào cơ thể. Một chất có khả năng ngăn ngừa sự nhiễm bệnh này ở trong mắt là chất dung nhân. Montyco khẳng định rằng khóc có nước mắt bao giờ cũng có lợi hơn so với khóc không có nước mắt.

Cho đến nay nhà khoa học duy nhất nghiên cứu về thứ nước mắt mang tính chất tình cảm vẫn là William Freigh. Ông cùng những cộng sự của mình đã thu thập được rất nhiều nước mắt do những người tình nguyện mang đến. Cách thành phần hoá học và sự biến đổi của chúng trong nước mắt mang tính chất tình cảm đã được nghiên cứu kỹ lưỡng. Những người nhiệt tình với khoa học được thí nghiệm bằng cách đeo một loại kính có thể chứa được nước mắt khi họ ngồi theo dõi những bộ phim tâm lý tình cảm với nhiều cảnh thương đau, gây xúc động mạnh nhằm thu gom những giọt nước mắt trước cảnh đau lòng đó. Freigh đã phân tích trong lượng nước mắt này các thành phần của chất an-bu-min. Ông đưa ra một số luận điểm chưa được chứng minh như: nước mắt cũng có chức năng bài tiết như những bộ phận khác. Nó có thể loại bỏ những chất độc sinh ra trong cơ thể do áp lực về tình cảm. "Nhưng những chất độc đó là chất gì thì Freigh vẫn chưa tìm ra".

Năm 1982, cùng với một nhóm các nhà khoa học, Freigh đã tiến hành nghiên cứu hành vi của người lớn. Số lượng những người tình nguyện làm đối tượng nghiên cứu gồm 331 người. Trong đó 286 là phụ nữ còn lại là nam giới. Các nhà khoa học đã khám phá ra rằng, thời gian kéo dài tiếng khóc của cả hai người có thể diễn ra trong 6 phút đồng hồ. Phụ nữ khóc nhiều gấp đôi nam giới khi họ xem các phim tình cảm đau thương bởi họ chịu sự tác động của những kích thích về mặt tình cảm dễ dàng hơn nam giới.

Có 40% phụ nữ khóc vì tranh chấp, đám cưới và chuyện yêu đương. Loại lý do này được Freigh coi là "quan hệ nhân tế".

Tỷ lệ này ở nam giới là 36%. Có một hiện tượng lạ là khi khóc mà không có lý do gì thì tỷ lệ ở đàn ông lại cao hơn ở phụ nữ tới 3%. Loại khóc vô cớ này được Freigh gọi là "tình cảm thương xót".

Ngày nay, dưới góc độ tâm lý để thương xót thì khi khóc có nước mắt, ít nhất cũng giải thoát được áp lực về mặt tình cảm. Freigh cho rằng nếu nước mắt có thể giải toát được áp lực về tình cảm thì khi khống chế nước mắt sẽ làm nảy sinh những vấn đề về sinh lý và tâm lý khác. Khi tinh thần căng thẳng mà không có cách gì khắc phục thì rất dễ dẫn đến tình trạng huyết áp tăng, rồi viêm dạ dày, viêm ruột đầu, thậm chí phát sinh chứng đau tim, đau thận. Nếu coi lập luận này của Freigh là đúng thì nó sẽ khiến chúng ta lo lắng, nhất là đối với nam giới vì họ thường phải khống chế những tình cảm dễ gây xúc động nhiều hơn nữ giới.

Nước mắt thường khiến người ta liên tưởng đến tính nhu nhược. Nước mắt của phụ nữ được coi như tượng trưng cho sự mềm yếu. Nước mắt của họ dường như có mối quan hệ chặt chẽ với bẩm sinh. Dưới cách nhìn của nam giới thì khóc là một vũ khí lợi hại của phụ nữ nhất là trong những tình huống hai bên tiếp xúc đối diện nhau.  Rất nhiều ví dụ cho thấy khóc là một giải pháp được nhiều người chọn để giải thoát tâm lý, căng thẳng đau buồn, chẳng hạn khi bị cuộc sống gây quá nhiều áp lực hoặc phải chịu đựng sự dằn vặt quá mức có thể đơn giản giải thoát bằng cách tìm xem một bộ phim thật bi thương rồi khóc oà lên. Một phụ nữ trẻ - mẹ của ba đứa con nhỏ cũng sử dụng biện pháp tương tự. Khi gia đình có chuyện cãi vã hoặc rơi vào tình trạng khó khăn, chị cho các con về nhà bà ngoại chơi. Còn mình ở nhà bật nhạc nghe, rồi khóc. Chỉ sau nửa giờ đồng hồ, mọi chuyện lại trở lại bình thường. Rõ ràng, khóc được coi như một phương thuốc khá hữu dụng cho việc giải toả những bực bội trong lòng con người.

Nước mắt đối với nhiều người là biểu hiện của những nỗi đau sâu đậm. Thực ra điều này không hoàn toàn đúng. Nhiều tình cảm thương tiếc, đau buồn, mỏi mệt... lâu ngày tích tụ lại đến lúc cần được giải phóng sẽ sinh ra tiếng khóc. Khóc vừa làm giảm bớt những áp lực về mặt tình cảm vừa giảm nhẹ áp lực đối với cơ thể.

Một người khi quá đau khổ mà lại không khóc được cũng có nghĩa là chưa được giải thoát, điều này sẽ làm nặng thêm những bệnh tật vốn sẵn có trong người anh ta. Theo quan điểm của một số chuyên gia nghiên cứu về tinh thần của con người thì bệnh suyễn là một bệnh có quan hệ khăng khít với sự nín khóc. Người mắc bệnh suyễn thường phải thở trong trạng thái khóc khi bệnh tái phát. Nó giống như khóc mà không có nước mắt hoặc như bệnh nhức đầu và một số bệnh khác như tức ngực, tắc khí quản, viêm màng não... đa số các bệnh này đều ít nhiều có liên quan đến việc ức chế khóc quá mức.

Có một điều lạ là mặc dù khóc là một việc rất tự nhiên nhưng nhiều người lại rất kỵ tiếng khóc nên tìm mọi cách để kiềm chế hoặc ức chế khóc. Ví dụ như đối với nam giới trừ phi gia đình có người thân qua đời thì có thể khóc vì tiếc thương, còn trong những trường hợp khác thì không nên khóc. Phụ nữ thì được chấp nhận trong nhiều hoàn cảnh hơn. Có thể là trong đám tang họ khóc như những người khác cùng có mặt lúc đó. Có thể họ khóc trong đám cưới khi nghĩ đến việc phải xa rời cha mẹ anh chị em ruột thịt. Cũng có thể khi chuyện tình yêu không được như ý muốn, họ cũng dễ dàng khóc... Tuy nhiên cũng có những trường hợp mà trong đó khóc lại bị coi như một hành vi thất lễ. Một đứa trẻ bình thường chỉ khóc khi trong người có cảm giác đau đớn hoặc khi chúng gặp chuyện sợ hãi. Khi thất vọng thay vì khóc chúng thường tỏ ra tức giận. Nếu khóc khi thất vọng thì thường kèm theo tiếng chửi rủa.

Trên thế giới có một số nước mà người dân ở đó lại coi khóc không phải là một điều gì cấm kỵ. Ví dụ như người Ý cả nam giới và nữ giới khi gặp bất cứ sự việc xúc động nào cũng đều có thể oà khóc rất ngon lành. Còn người ở Trung Âu và châu Mỹ La tinh thì cho rằng kể cả lãnh thụ yêu nước hoặc tướng lĩnh, anh hùng cũng đều có thể khóc.

Đa số nhân loại đều biết khóc đúng lúc dù rằng họ không thừa nhận điều này. Nhiều vị anh hùng khi gặp tình cảnh nguy nan hoặc sau khi đạt được những thành công to lớn họ đều khóc vì tuyệt vọng hay sung sướng. Nhiều vận động viên thể thao sau khi hoàn thành nhiệm vụ bất luận là thành công hay không cũng khóc. Hay một phi công sau lần bay thử liền ngồi trong khoang lái khóc oà lên.

Trong xã hội văn minh hiện nay, con người phải đối mặt với nhiều tình huống hoàn cảnh, nhiều mối quan hệ phức tạp cần đến sự sáng suốt và chủ động, bình tĩnh. Tuy nhiên, không phải vì thế mà lúc nào cũng lo lắng, cẩn trọng. Điều này không cần thiết. Để cân bằng trạng thái sức khoẻ và duy trì sự vui vẻ trong tâm hồn, điều quan trọng là chúng ta nên biết khóc đúng lúc, không nên thái quá.

Nếu chúng ta biết chọn đúng thời điểm để khóc thì khóc hoàn toàn có tác dụng làm giảm nhẹ áp lực đối với tinh thần khi căng thẳng.
*
NGUYỄN TOÀN THẮNG
Địa chỉ: thôn Tống Vũ, xã Vũ Chính,
thành phố Thái Bình
Email: nguyentoanthang77@gmail.com
.




…………………………………………………………………………
- © Tác giả giữ bản quyền.
- Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gửi qua email ngày 23.07.2015
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại. 
.

0 comments:

Đăng nhận xét