Chuyện về Sếp hay LẠM DỤNG & LỢI DỤNG NHÂN VIÊN - Tác giả: Nguyễn Thị Hồng (Hà Nội)

Leave a Comment
(Nguồn ảnh: Internet)
Chuyện về sếp hay
LẠM DỤNG & LỢI DỤNG NHÂN VIÊN
*
Cứ mỗi lần chúng tôi nhắc đến Sếp cũ của Vinh là cậu ấy lại lắc đầu, lè lưỡi ngao ngán. Vinh trúng tuyển vào công ty Du lịch Tuấn Linh hồi đầu năm với cương vị là trợ lý Giám đốc. Suốt ngày được ở bên cạnh Sếp nghe chỉ thị và truyền đạt lại với nhân viên, cậu ấy thấy rất thú vị và lại còn “oai” nữa! Thế nhưng, làm chưa đầy một tháng, Vinh thấy vỡ lẽ ra nhiều điều. Sếp lúc nào cũng ngọt ngào: “Mới làm việc với nhau được ít thời gian mà tớ thấy quý mến cậu rồi đấy! Cứ coi anh như anh trai cậu nhé” và rồi, “anh trai” đã nhờ đến “em trai” những việc rất riêng tư.
Sáng đúng 6h30 Vinh phải có mặt ở nhà Sếp để đưa con Sếp tới trường, cho dù giờ làm việc là 7h30. Khi nào vợ Sếp đi vắng thì Vinh khiêm luôn nhiệm vụ đi chợ buổi sáng và quay lại nhà Sếp để các thứ vào tủ lạnh rồi mới đến công ty. Chiều đúng 5h30 Vinh lại có nhiệm vụ đón con Sếp từ trường về nhà và trông cu cậu đến 6h30 vợ Sếp về thì mới có thể về nhà. Trong khi đó, giờ nghỉ ở công ty là 5h chiều. Hôm nào Vinh bận việc không làm đầy đủ những công việc ấy là y như rằng Sếp “mặt nặng mày nhẹ” ngay. Đấy là còn may vì các việc khác như dọn nhà, rửa chén bát… ở nhà Sếp đã có một vài chị trong công ty lo trong giờ hành chính rồi, nếu không thì…
Lúc thì Sếp sai đi mua hộ cái quạt gió, khi lại là cái tủ để bát khiến cho Vinh thấy rất khó chịu! Dù cậu đang bận việc gì thì cũng phải gác lại để làm vì “gia đình thân yêu của Sếp” Tính ra thời gian làm việc chuyên môn của Vinh thì ít mà vẫn cứ phải đi sớm về muộn hơn người khác. Đã mấy lần Sếp dỗ Vinh: “Cứ cố gắng làm việc giúp anh rồi anh tăng lương cho cậu”, nhưng với Vinh, lương cao để mà làm gì khi mình chẳng có cơ hội để cọ xát với công việc thực tế? Cậu ấy muốn mình chỉ làm việc trong giờ hành chính và không bị Sếp lạm dụng như thế này. Vậy nên, chỉ sau 3 tháng Vinh đã chính thức xin thôi việc trong sự ngỡ ngàng của Sếp.
(Tác giả Nguyễn Thị Hồng)
- Lời bàn
Sếp của Vinh đã lợi dụng nhân viên để làm việc nhà cho mình là không đúng. Khi ký kết hợp đồng lao động, người nhân viên chỉ có nghĩa vụ làm các công việc liên quan đến công ty và trong giờ hành chính. Vậy mà Vinh và một số đồng nghiệp trong công ty đã bị Sếp biến thành người giúp việc trong gia đình Sếp cả trong và ngoài giờ hành chính. Sáng 6h30 có mặt ở nhà Sếp và chiều cũng 6h30 mới có thể từ đấy về, chưa kể các việc lặt vặt khác thì quả thực là khó chịu đối với không chỉ Vinh mà tất cả chúng ta nữa. Suy cho cùng, Sếp dù dỗ dành khéo léo đến đâu, dù cố tình rằng buộc Vinh trong mối quan hệ “anh trai- em trai” thì cũng không thể giữ chân cậu ấy lâu dài được. Vinh quyết tâm từ bỏ chỗ làm ấy cho dù được hứa hẹn tăng lương bởi cậu ấy muốn mình được làm việc thực sự, được phát huy năng lực bản thân thực sự vào những công việc thực sự chứ không phải theo kiểu “nửa người hầu, nửa đầy tớ” như vậy. Và điều ấy đã khiến cho ông chủ của Vinh ngạc nhiên bởi tại sao cậu ấy lại dám từ bỏ một mức lương cao như vậy mà ra đi? Nhưng có một điều mà ông ta không hiểu, đó là: Tuổi trẻ luôn khát khao được cống hiến và thể hiện bản thân mình trong công việc chứ không phải là làm những công việc nhà chỉ để lấy lòng Sếp.
- Lời khuyên
+ Đối với nhân viên
Bạn có muôn giúp đỡ việc nhà để lấy lòng Sếp không? Đương nhiên là có chứ! Thế nhưng làm 1- 2 ngày hoặc 1-2 tuần còn được chứ 1- 2 tháng hay 1- 2 năm thì làm sao có thể chịu được phải không bạn? Nếu đến công ty chỉ để làm những việc đó thì đâu cần đi làm, ở nhà chúng ta cũng đầy việc ra ấy chứ. Vậy nên, chẳng có nhân viên nào lại thích một ông chủ suốt ngày chỉ nhăm nhăm bắt nhân viên thu dọn nhà cửa, đi chợ, nấu nướng… cho gia đình ông ta như một người giúp việc cả! Nếu thấy ông chủ có biểu hiện của một người hay lạm dụng người khác thì bạn nên khéo léo từ chối bằng một vài cách như:
+ “Xin lỗi Sếp, tí nữa thư thả em sẽ vui vẻ đi ngay ạ! Nhưng giờ nếu không sửa xong bản hợp đồng này để gửi cho bên đối tác thì thiệt hại sẽ thuộc về bên ta đấy ạ! Nếu Sếp muốn thế em xin làm ngay” Đương nhiên, Sếp sẽ hoảng lên và thôi không nhờ bạn nữa, bởi chẳng ông chủ nào muốn công ty gặp phải rủi ro mà lỗi do mình gây ra cả. Nếu việc nhà cần gấp thì Sếp sẽ nhờ đến nhân viên khác và để yên cho bạn làm việc.
+ Sếp nhờ bạn đi chợ, nấu cơm… thì bạn cứ việc đi đâu đó cả buổi mới về công ty. Sếp sẽ cáu, hỏi tại sao lại mất cả buổi làm chỉ vì một công việc cỏn con thế thì hãy nghĩ ra một cái cớ thật khéo như: hỏng xe, tắc đường, chợ không có món đó phải qua chợ khác… Chỉ vài lần như vậy là Sếp sẽ thôi không dám nhờ bạn nữa vì sợ ảnh hưởng tới hiệu quả công việc.
+ Từ chối: “Sếp giao thêm cho em một ít công việc nữa cũng được ạ, chứ công việc nhà thì em lực bất tòng tâm, muốn đỡ dần Sếp lắm nhưng tính em vốn vụng vè từ bé. Mẹ em vẫn mắng em suốt đấy ạ. Chỉ sợ hỏng việc, Sếp lại trách em là không báo trước” Dù muốn nhờ bạn đến mấy nhưng nghĩ đến hậu quả, Sếp sẽ sợ mà thôi ngay. Còn giao thêm công việc ư? Đấy chỉ là cái cớ thôi.
Có bị Sếp sai vặt hay không đều phụ thuộc vào cách xử trí thông minh của bạn mà thôi. Đừng để mình biến thành người dễ sai bảo để cho các Sếp có cơ hội lạm dụng, bạn nhé!
+ Đối với Sếp
Bạn không bao giờ nên lạm dụng hay lợi dụng thời gian cũng như sức lực của cấp dưới vào những việc có lợi cho gia đình bạn. Bởi thứ nhất: Luật lao động không quy định thế, thứ hai là bạn sẽ giống như một ông chủ tư bản bóc lột lao động làm thuê đến khi vắt kiệt sức lực của họ. Là một nhà lãnh đạo cần phải rõ rằng, công tư phân minh. Việc nào là việc công ty thì bạn có quyền sai bảo, mắng mỏ nhân viên nhưng việc gia đình thì lại khác. Bạn phải nhờ đến sự giúp đỡ của họ và có làm giúp bạn hay không đó lại là quyết định của họ.
Chớ nên nghĩ rằng bạn trả tiền lương cho họ thì có quyền sai bảo gì là tùy ý bạn (!) Nhân viên cũng có tiếng nói riêng, có quyền lợi riêng của người lao động. Họ là người lao động mới của một xã hội hiện đại chư không phải là người lao động trong xã hội cũ để ông chủ muốn sao thì phải nghe vậy, không được có ý kiến gì.
Bạn nên nhớ: Các công ty hiện nay rất coi trọng nhân viên cấp dưới bởi có đối xử tốt với họ thì họ mới hết lòng, hết sức làm việc cho công ty được. Còn bạn, nếu cứ giữ cách lãnh đạo lạm dụng chức vụ và quyền hạn như vậy thì sẽ tự chuốc lấy hậu quả như: nhân viên coi thường Sếp, bỏ bê công việc, chán nản và rồi là…nghỉ việc.
Chắc chắn bạn không muốn có được kết quả như vậy phải không? Vậy thì hãy trở thành một ông chủ biết phân biệt rạch ròi đâu là việc công, đâu là việc tư. Đến lúc này, bạn không nhờ thì có khi nhân viên họ vẫn tự nguyện đến giúp để tỏ lòng kính trọng Sếp ấy chứ! Nhân viên thì vui vẻ, tự nguyện, còn Sếp thì được hài lòng mới đúng là “vẹn cả đôi đường” phải không bạn?
*. 
NGUYỄN THỊ HỒNG
…………………………………………………………………………
- © Công ty T.N.H.H Văn Hóa Bảo Thắng giữ bản quyền.
- Cập nhật theo bản lưu trữ tại Công ty T.N.H.H Văn Hóa Bảo Thắng. 
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

.                           

0 comments:

Đăng nhận xét