THẤY GÌ TRONG *BẦU TRỜI VUÔNG* CỦA NGUYỄN DUY - Tác giả: Trần Thanh Phương (Bình Định)

Leave a Comment
(Nhà thơ Nguyễn Duy - Nguồn ảnh: Internet)
Thấy gì trong BẦU TRỜI VUÔNG
của Nguyễn Duy
*
Bầu trời vuông

Thắng rồi - trận đánh thọc sâu
Lại về với mái tăng - bầu trời vuông
Sục sôi bom lửa chiến trường
Tâm tư yên tĩnh vẫn vuông một vùng

Khoái nào bằng phút ngả lưng
Mở trang thư dưới bóng rừng đung đưa
Trời tròn còn lúc rơi mưa
Trời vuông vuông suốt bốn mùa nắng xanh
Mặt trời là trái tim anh
Mặt trăng vành vạnh là tình của em
Thức là ngày, ngủ là đêm
Nghiêng nghiêng hai mái - hai miền quê xa
Ở đây là tấm lòng ta
Sông dài núi rộng cũng là ở đây

Vuông vuông chỉ một chút này
Mà che tròn vẹn ngàn ngày quân đi
*.
Ái Tử, 5-1971
NGUYỄN DUY
LỜI BÀN:
(Tác giả Trần Thanh Phương và phu nhân)
Bài thơ Bâu trời vuông của Nguyễn Duy trong chùm thơ đoạt giải nhất cuộc thi thơ 1972-1973 của Tuần báo Văn Nghệ. Ngay tên bài thơ đã thấy lạ: làm gì có bầu trời vuông? Thế mà có đấy. Ai từng mang ba lô con cóc ra chiến trường những năm đánh Mỹ đều biết đến tấm tăng: một tấm ni-lon dày, hình chữ nhật, có bốn khuy ở bốn góc dùng để móc vào cành cây. Tăng gắn liền với võng. Quân giải phóng đều ngủ võng: “Cong cong võng bạt anh nằm” (Võng trăng) nên thường chọc đùa nhau là ngủ cong! Khi mắc võng, tăng được sử dụng làm mái che mưa nắng. Lỡ hy sinh, tấm tăng còn được dùng để khâm liệm thay chiếu đưa anh về đất như cách nói của Quang Dũng. Ấy là hòan cảnh phải như thế - Đã mang thân ra chiến trường ai có sá gì tăng võng bọc thây. Vì thế, cũng giống như cây súng, chiếc ba lô, bi đông nước… tăng võng gắn liền với cuộc đời người lính. Nhưng như đã nói: chiếc tăng có hình chữ nhật. Khi mắc lên hai mái, nó cũng tạo ra một không gian chữ nhật chứ làm gì có hình vuông? Vậy tại sao Nguyễn Duy viết: “Thắng rồi trận đánh thọc sâu / Lại về với mái tăng - bầu trời vuông”? Muốn hiểu điều này thiết nghĩ cần trở về với cảm thức văn hóa dân tộc. Bởi là người Việt Nam ai lại không biết “Sự tích bánh chưng bánh dầy’’ mà Hoàng tử Lang Liêu đã chế tác ra bằng những nguyên liệu có sẵn như gạo nếp, thịt lợn, đậu xanh… nhưng lại là những thứ quý báu nhất (nuôi sống con người) để dâng lên cúng gia tiên. Bánh Chưng tượng trưng cho Đất: “Đất có cây cỏ, ruộng đồng thì phải màu xanh, hình phải vuông. Trong bánh phải có thịt, cho đỗ để lấy ý nghĩa đất có cầm thú, cỏ cây”. Bánh Dầy tượng trưng cho Trời: “Đem nếp đồ lên cho dẻo, giã ra, nặn hình tròn và khum khum giống vòm trời”. Nhà vua phán rằng: “Hai thứ bánh này bày tỏ được lòng hiếu thảo của con cháu, tôn ông bà tổ tiên như Trời-Đất. Nó chứa đầy tâm tình quê hương, ruộng đồng, bởi nó được làm bằng những hạt ngọc quý nhất của Trời-Đất, và những hạt ngọc ấy mọi người đều làm ra được. Chẳng phải đó là những món ăn ngon nhất,quý nhất để ta dâng cúng tổ tiên hay sao?”. Từ đó mà thành mỹ tục: hàng năm đến ngày Tết mọi người lại làm bánh chưng bánh dầy bày lên bàn thờ tiên tổ: “Cũ như thể tấm bánh chưng/ Mỗi năm mỗi Tết lại bưng lên thờ” (Phạm Công Trứ). Vậy có gì liên quan đến bầu trời vuông? Xin thưa: Trời-Đất cũng như Cha-Mẹ là các cặp Âm-Dương nguồn gốc của Vũ trụ, muôn loài và Con Người. Biểu tượng của Âm là hình vuông mang bản chất tĩnh. Biểu tượng của Dương là hình tròn mang bản chất động. Âm-Dương hài hòa thì vạn vật sinh sôi, mùa màng tươi tốt, sức khỏe tràn trề, con đàn cháu đống… cho nên tục cúng bánh chưng bánh dầy còn thể hiện khát vọng hướng về sự thịnh vượng, yên bình, hạnh phúc. Nguyễn Duy viết tiếp: “Sục sôi bom lửa chiến trường / Tâm tư yên tĩnh vẫn vuông một vùng”. Phải là “Tâm tư yên tĩnh” hoàn toàn thư giãn, thanh thản mới có thể đối trọng với không khí chiến trường sục sôi, căng thẳng và nóng bỏng. Đó là hai trạng thái tĩnh và động, chiến đấu và nghỉ ngơi, vuông và tròn vận động chuyển hóa, bù trừ và thay thế cho nhau rất linh diệu tạo ra sự cân bằng, hòa hợp. Tứ thơ được hình thành từ khổ thơ đầu đã mở ra một bầu trời vuông mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc mà cũng rất…Nguyễn Duy! Dưới  bầu trời vuông ấy anh chiến sỹ sẽ ngả lưng khoan khoái sau trận đánh tận vào sào huyệt kẻ thù - Trận thọc sâu rất nguy hiểm nhưng đã thắng rồi, về nghỉ lại sức để còn đánh tiếp nữa. Bây giờ anh mới có thì giờ giành cho cõi riêng tư: “Mở trang thư dưới bóng rừng đung đưa”.Bóng rừng chở che, tin cậy. Hai chữ đung đưa tạo hình cánh võng chao qua chao lại như con lắc đồng hồ hòa cùng nhịp thơ lục bát đều đặn, êm ái, như vẳng tới lời hát ru mơ hồ từ chốn xa xăm. Rồi tứ thơ bỗng đột ngột phát triển thành hai câu thơ khá bất ngờ: “Trời tròn còn lúc rơi mưa / Trời vuông vuông suốt bốn mùa nắng xanh”. Trời tròn luôn biến động lúc mưa lúc nắng theo quy luật vận hành của âm dương thời tiết khí hậu. Còn trời vuông đã có mái tăng che nên vẫn suốt bốn mùa nắng xanh. Hình ảnh nắng xanh rất đẹp: vừa nói được màu của lá rừng (hiện thực),  lại vừa nói được màu của niềm tin, hy vọng (ước mơ). Cách hiệp vần tròn/còn và sự lặp lại từ vuông hàm ý nhấn mạnh, lại có nét riêng cho thấy sự tìm tòi của nhà thơ. Những câu thơ tiếp theo như những định nghĩa các khái niệm mới nói về sự vận hành màu nhiệm của đời sống bên trong tâm hồn:
                             “Mặt trời là trái tim anh
                     Mặt trăng vành vạnh là tình của em
                            Thức là ngày, ngủ là đêm
                     Nghiêng nghiêng hai mái - hai miền quê xa
    Một loạt cặp Âm-Dương: Mặt trời và Mặt trăng; Anh và Em; Ngày và Đêm; Thức và Ngủ…đối lập, hài hòa, biện chứng, sóng đôi. Câu thơ cuối như bay lên thanh thoát nhờ hai chữ nghiêng nghiêng lấp láy, ảo mờ thao thức những miền quê xa ngái trong tâm tưởng. Nhà thơ đi tới khẳng định:
                              “Ở đây là tấm lòng ta                                                    
                        Sông dài núi rộng cũng là ở đây
    Hai chữ ở đây được đặt ở đầu và chốt lại cuối câu thơ lục bát xác định và nhấn mạnh tấm lòng rộng lớn mênh mông của người chiến sĩ: tấm lòng đối với đất nước, quê hương, cha mẹ, với người yêu xa cách và những khát vọng ẩn kín trong cõi riêng tư không dễ gì thấy được. Hai câu kết khép lại tứ thơ, cũng là một cách khái quát của tác giả: “Vuông vuông chỉ một khoảng này / Mà che tròn vẹn ngàn ngày quân đi”. Sau này nhà thơ có chữa lại, thay chữ khoảng bằng chữ chút - chút này có gì đáng kể đâu! Nhưng tôi tin cuộc trường chinh của dân tộc “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” (Tố Hữu) sẽ khó khăn hơn rất nhiều nếu không có những mái tăng - những khoảng trời tâm tư mơ mộng ấy. Giống như ai đó đã từng nói: Cái Đẹp chính là cuộc sống! Chất liệu có khi chẳng có gì đáng kể, nhưng nếu chịu khó tìm tòi khám phá, kết hợp với một cái vốn văn hóa nào đó, vẫn có thể sáng tạo ra được những tứ thơ độc đáo chứ sao?
                        *.
TRẦN THANH PHƯƠNG
Giảng viên Khoa Ngữ Văn Trường Đại học Quy Nhơn
Địa chỉ: 170 An Dương Vương, Tp Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.      
Email: rolanphuongnd@gmail.com           
            






…………………………………………………………………………
- © Tác giả giữ bản quyền.
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 22.05.2016
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

0 comments:

Đăng nhận xét