CÁCH TỪ CHỐI MÀ KHÔNG BỊ MẤT LÒNG - Tác giả: Trần Tiến (Hà Nội)

Leave a Comment
(Nguồn ảnh: Internet)
CÁCH TỪ CHỐI MÀ KHÔNG BỊ
MẤT LÒNG
*
Từ chối một vấn đề gì đó cũng là một nghệ thuật. Nếu thẳng thừng từ chối, bạn sẽ thấy ái ngại, mà đối phương cũng thấy ngượng ngùng, không vui. Vì vậy, bạn nên học cách từ chối làm sao vừa diễn đạt được ý định của bạn, lại vừa làm cho sự buồn bã, thất vọng của đối phương giảm đến mức thấp nhất. Điều quan trọng hơn cả là mối quan hệ của đôi bên không bị căng thẳng.

(Tác giả Trần Tiến)
- Từ chối ẩn ý:
Từ chối ẩn ý không phải là dùng lời nói để cự tuyệt những mong muốn của đối phương, mà dùng điệu bộ, dáng vẻ, cử chỉ… để ám chỉ.
Để đối phương hiểu mình từ chối tiếp tục câu chuyện thì hãy lấy tay ấn vào huyệt thái dương, lấy khăn chùi mắt, nhìn trước ngó sau, ánh mắt lơ đãng nhìn xa xăm, xem đồng hồ, điệu bộ mệt mỏi uể oải, nụ cười gượng gạo, im lặng hồi lâu khi nói chuyện…
Hoặc khi đã đoán trước được đối tượng đang chuẩn bị nhờ vả mình điều gì thì ngay lập tức hãy nói lên dự định xắp tới của mình trước khi họ kịp nói ra: - “Mình đang chuẩn bị để về quê có việc đây, hôm nay cậu có đi đâu không?”; “chán quá, chắc hôm nay lại không đi đá bóng được rồi, chiếc xe của mình lại dở chứng, mình phải mang ra hiệu xem sao”…

- Trả lời lấp lửng để từ chối:
Không phải là không trả lời, nhưng trả lời lửng lơ, từ chối khéo. Xem ra như đáp ứng đối tượng, nhưng thực tế lại chẳng đáp ứng điều gì cả, hiệu quả bằng không, khiến đối tượng cũng phải suy nghĩ nhưng lại không trách móc gì được mình.
Có thể ví dụ như: Sau khi Mỹ ném hai quả bom nguyên tử xuống Nhật Bản năm 1945, báo chí bỗng rộ lên việc đoán Liên Xô có bom nguyên tử hay không và nếu có thì số lượng là bao nhiêu.
Khi bộ trưởng Bộ ngoại giao Liên Xô - Môlôtôp dẫn đầu đoàn đại biểu đến Mỹ thăm, các phóng viên đã quây lại hỏi: - “Thưa ngài, hiện Liên Xô có bao nhiêu bom nguyên tử” Môlôtôp bình tĩnh, thản nhiên trả lời: - “Cũng đủ dùng!”
Câu trả lời bằng Anh ngữ “cũng đủ” là một từ lửng lơ không rõ nghĩa. Thoạt tiên, xem đó như là một câu trả lời thực sự, nhưng thực chất thì các phóng viên cũng vẫn chưa thâu tóm được gì, không hiểu cụ thể câu trả lời là sao nữa.
“Cũng đủ” các loại vũ khí hiện đại, hay “cũng đủ” các loại bom nguyên tử? “Cũng đủ” lại chưa thể nói lên số lượng là bao nhiêu.
Sự từ chối câu hỏi ấy của các phóng viên, ông Môlôtôp đã bắn mũi tên chúng được hai đích. Vừa tránh trả lời có bao nhiêu bom nguyên tử - một bí mật quốc gia, mặt khác lại chứng tỏ được sức mạnh tiềm ẩn của nhân dân Liên Xô với Mỹ và thế giới.

- Từ chối theo kiểu hoãn binh:
Không từ chối ngay yêu cầu của đối tượng, mà tìm cách kéo dài thời gian đáp ứng yêu cầu - đó là kế “hoãn binh”: - “Để cho tôi suy nghĩ đã nhé, ngay mai trả lời anh được không?”; “Việc này có lẽ phải để từ từ để nghiên cứu, chuyện này mình không thể quyết định một cách vội vàng được, trả lời cậu sau nhé”. Làm như vậy, bạn vừa có thời gian để suy nghĩ đầy đủ mà đối tượng vẫn cảm thấy bạn đang nhiệt tình với họ.

- Từ chối chân thành nhưng thẳng thắn:
Giả sử bạn không thích hay không thể yêu một người nhưng lại không muốn làm mất lòng họ, khiến họ đau khổ khi từ chối thì bạn phải làm sao? Để từ chối quan hệ tình cảm với một người có nhiều lý do và có rất nhiều cách. Nhưng với từng đối tượng bạn lại phải sử dụng cách từ chối nào cho hợp lý nhất để không làm tổn thương đến họ. Bởi nếu bạn không nói rõ hoặc không biết cách từ chối tình yêu của người khác dành cho bạn thì chính bạn đang là người phạm phải sai lầm lớn.
Bạn có thể nói cho họ biết cảm nhận của bạn và tình cảm bạn có được đối với họ, rằng hai người chỉ nên duy trì mối quan hệ tình bạn, anh em gì đó thôi.
Bạn có thể nói: - “Anh thấy đấy, tính cách của chúng ta khác nhau quá nhiều, chúng ta đã thường xuyên tranh luận những chuyện không đâu, e rằng mình không hợp nhau đâu”; “Em là một cô gái tốt, xinh xắn, anh thấy rất nhiều người quý mến, để ý đến em, anh sẽ luôn coi em như một người em gái. Anh sẵn sàng giúp em chú tâm vào học hành, chưa muốn em yêu sớm lúc này. Với lại trước mắt em cũng còn rất nhiều dự định, chúng ta khác nhau nhiều quá…”
Ngoài ra, cách biểu thị thái độ ngầm định trong những trường hợp này cũng rất hiệu quả. Thái độ lạnh nhạt, hờ hững, giữ khoảng cách xa đúng mực, cũng là một hình thức từ chối.
*
TRẦN TIẾN
Địa chỉ: Nhà 6, ngách 20, ngõ 107, phố Hồng Mai,
quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội.
Email: trantienkv20@gmail.com












...................................................................................................................
- © Tác giả giữ bản quyền.
- Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gửi qua email ngày 27.06.2016
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

.

0 comments:

Đăng nhận xét