TÂM LÝ CON NGƯỜI VÀ NGHỆ THUẬT GIAO TIẾP - Tác giả: Trần Tiến (Hà Nội)

Leave a Comment
(Nguồn ảnh: Internet)
TÂM LÝ CON NGƯỜI
VÀ NGHỆ THUẬT GIAO TIẾP
*
Sự biến đổi tâm lý có ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng giao tiếp, đó là một kết luận được khoa học tâm lý chỉ ra từ hơn một thế kỷ nay. Tâm lý con người thường diễn biến rất phức tạp, nó bao gồm mọi biểu hiện, trạng thái và hành động mà người đó thực hiện. Tâm lý vừa mang đặc điểm tự nhiên, bản năng của con người vừa thể hiện mức độ tác động của xã hội tới người đó.
Đặc điểm tự nhiên, bản năng thể hiện ở nhu cầu đòi hỏi giao tiếp, nó vừa là các nhu cầu ăn, ngủ thường ngày của mọi người. Tính chịu tác động của xã hội trong giao tiếp biểu hiện dưới khả năng, tri thức hiểu biết, vốn sống... của con người. Những người có bản năng giao tiếp tốt (cái mà chúng ta gọi là năng khiếu) cộng với một sự hiểu biết rộng, vốn sống phong phú, độ cọ xát trong cuộc sống nhiều thì họ luôn là người giành được nhiều thành công trong giao tiếp.
(Tác giả Trần Tiến)
Nếu bạn hiểu được rằng giao tiếp của con người thuộc một bản năng thì cũng chưa đủ. Bởi bản năng này của loài người không dừng lại ở dạng đơn phương một chiều, mà nó là đa phương, đa chiều. Nhu cầu của nó là đòi hỏi được cho và được nhận. Có thể thấy điều này trong thực tế, nếu bạn chỉ chăm chăm nói về mình mà không để ý lắng nghe người khác, hoặc không được người khác đáp lại, bạn sẽ thấy vô nghĩa cho những lời nói của mình. Điều này, nó thuộc tâm lý thích cho, ưa nhận của con người.
Tâm lý thích cho, ưa nhận lại dựa trên cơ sở bình đẳng. Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng, bình đẳng là điều cần thiết tất yếu để giao tiếp thành công. Mối quan hệ bình đẳng, giao tiếp bình đẳng nhắc nhở chúng ta rằng đừng nên tự ti hay ngạo mạn kiêu căng đối với vị trí xã hội của mình và cũng đừng bao giờ tạo nên một mối quan hệ mang áp lực, ví như áp lực trong quan hệ cha, con, lãnh đạo với nhân viên... Thường thì dạng quan hệ và giao tiếp này sẽ gây ảnh hưởng lớn đến tâm lý của một trong số hai người đó. Giao tiếp bất bình đẳng có thể dẫn tới sự sai lệch về thông tin trao đổi, nói dối, lừa đảo... đều xuất phát từ sự áp bức này cả. Đối xử bình đẳng là nguyên tắc làm người. Sự giao thiệp bình đẳng, tự trọng mà không tự kiêu, tôn trọng người khác nhưng không xu nịnh, giúp đỡ không xem là ban ơn, được giúp đỡ không nên ỷ lại. Phê bình phải chân thành, được phê bình phải tiếp thu, dù chưa thật khách quan, song cũng không nên hờn giận.
Vì giao tiếp chịu ảnh hưởng của tâm lý, vậy nên chúng ta có thể điều chỉnh được tâm lý để tránh sự bất bình đẳng  trong quan hệ và giao tiếp. Người ta đã chỉ ra rằng, nếu mọi người ý thức được vai trò, vị trí xã hội của mình và biết vượt qua những ảnh hưởng của nó thì có thể tạo ra được sự bình đẳng. Chẳng hạn như trong quan hệ nhân viên và lãnh đạo, nếu cả hai người biết cách bỏ qua khoảng cách để nói chuyện thẳng thắn , gần gũi trong mọi lúc, mọi nơi thì hiệu quả của câu chuyện đó rất đáng được ghi nhận. Dĩ nhiên, vai trò, vị trí của người lãnh đạo lúc nào cũng cao hơn nhân viên, nhưng nó chỉ thuộc phạm vi công việc. Còn ở đời thường thì ai cũng như ai. Hãy biết kết hợp cái đời thường với công việc sẽ tìm được điểm chung để cùng nhau giải quyết một cách hiệu quả nhất, có lợi nhất cho cả đôi bên.
Trên lý thuyết cũng như trong thực tế việc vứt bỏ khoảng cách phải được chủ động từ những người có vai trò, vị trí xã hội cao hơn. Họ nên tìm ra những mặt tương đồng, tương đối để tạo bình đẳng cho đôi bên, từ đó làm tăng cảm giác bình đẳng cho đối phương khiến việc giao tiếp thành công.
Thông thường trong tâm lý con người hay có tâm trạng mặc cảm, tự ty hay ganh đua, ghen tỵ đối với những người ưu việt hơn mình. Khi ấy, mối giao du đôi bên sẽ thất bại cho dù đối phương có tỏ ra hoan nghênh thì cũng chỉ là giả tạo mà thôi. Trong thực tế người mang tâm lý này rất khó tạo ra được sự bình đẳng.
Một đặc điểm nữa có thể làm mất bình đẳng trong giao tiếp đó là sự lợi dụng vị trí của mình để gây áp lực trong khi giao tiếp. Nó sẽ làm cho mối quan hệ trở nên cứng nhắc, nặng nề, làm cho tâm lý giao tiếp bị ức chế, có thể dẫn tới sự đối kháng, phản nghịch, trả thù... Vậy nên, muốn có thành công nên tránh lợi dụng áp lực để đạt được mục đích. Mặt khác, cũng cần phải có tâm lý tự nguyện và biến nó thành quy tắc hành vi cá nhân trong giao tiếp. Tâm lý tự nguyện thuộc về những người có vai trò vị trí xã hội thấp hơn, họ nên chủ động thấy được "phận của mình" để định cái "danh của mình", đúng như thuyết danh chính của Khổng Tử : "Danh nào thì phận ấy. Cái phận mình thế thì nên hãy tự nguyện với cái danh đang có của mình". Danh phận ở đây không mang tính duy tâm mà nó mang tính tiến bộ, duy vật. Bởi những người có vai trò, vị trí (phận) xã hội thấp nên biết tự giác chấp nhận sẽ có nhiều cơ hội để thăng tiến làm thay đổi cái phận của mình và cũng đồng thời biến chuyển cái danh. Thực hiện được điều này sẽ tạo ra được sự bình đẳng giúp cho giao tiếp thành công.
Tâm lý trong giao tiếp của con người cần phải để ý tới sự tôn trọng lẫn nhau. Tâm lý tôn trọng và được tôn trọng luôn có ở mỗi con người. Không ai muốn người khác coi khinh mình và ngược lại cũng không phải ai đều muốn coi khinh người khác. Đây là một thực tế phổ biến. Vậy nên, trong các mối quan hệ và giao tiếp sự tôn trọng lẫn nhau sẽ là nền tảng cho sự thành công. Bạn hãy chịu khó thông qua sự đánh giá của đối tượng giao tiếp (ý kiến khách quan) để nhận biết chính mình và từ đó cũng nên có đánh giá lại họ thông qua những gì mà bạn biết về họ. Điều khá quan trọng ở đây nếu đối tượng giao tiếp có nói về thành tích, khả năng của họ thì bạn nên lấy đó làm một niềm vui. Bởi khi tâm trạng của mình vui vẻ, hưng phấn, bạn sẽ có thiện cảm với những người xung quanh. Mà đầu tiên là người đối thoại với bạn. Khi nắm được những thông tin về điểm tốt của đối tượng giao tiếp thì không nên tiếc một lời khen có tính chất ủng hộ, khẳng định điểm tốt của họ. Trong thực tế, điều này cũng rất đa dạng, vậy nên tuỳ thuộc vào hoàn cảnh để có những lời khen phù hợp. Chẳng hạn như bạn muốn khen một người mẹ, bạn hãy nên khen đứa con của chị ta ngoan, học giỏi... vì đứa con là kết quả giáo dục của chị.
Khen khác với xu nịnh, khen là đánh giá thực tế của người được khen. Vậy nên, cần phải chân thành với những lời khen đó, có như vậy người được khen mới có cảm giác hạnh phúc, vui vẻ. Trường hợp này cần phải trừ những người xu nịnh và thích xu nịnh. Họ chỉ là thiểu số trong nghệ thuật giao tiếp.
Bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau là những biểu hiện cụ thể của tâm lý khi giao tiếp. Nó quyết định tới sự thành bại của giao tiếp. Ngoài ra trong giao tiếp cần lưu ý một hình thức khác trong tâm lý con người đó là tính chân thành. Tâm lý sẽ cảm thấy vững vàng, an toàn khi người đối thoại với mình tỏ ra chân thành. Lòng chân thành yêu cầu loại trừ hết những kỹ xảo xã giao. Ngoài xã giao công việc, trao đổi với nhau những thông tin của công việc thì những hình thức giao tiếp khác, đặc biệt là giao tiếp mang tính thâm giao (tâm sự về đời tư, suy nghĩ, ước mơ...) đều cần tính chân thành. Nó như là men xúc tác làm rung động con tim của hai người. Chân thành luôn đi song song cùng với tâm lý bình đẳng cho nên có chân thành thì trước hết phải có bình đẳng. Tạo được sự bình đẳng, sẽ gạt bỏ được sự dối trá, thực hiện thành công mối quan hệ tốt đẹp của mình.
Yếu tố tâm trạng cũng rất đáng được chú ý trong tâm lý giao tiếp. Tâm trạng là sự thể nghiệm nội tâm về thái độ đối với sự vật khách quan, là hoạt động tâm lý không thể thiếu trong đời sống xã hội và quan hệ xã hội. Dưới góc độ tâm lý học, tác dụng của tâm trạng không kém hơn ngôn ngữ trong sự tồn tạo và duy trì những quan hệ qua lại của xã hội loài người. Tâm trạng liên quan đến tâm lý và trình độ văn hoá của con người, được khống chế bởi tiềm thức. Nó vừa là động lực, vừa là kết quả của hanh vi, khi ta nảy sinh mong đợi về giao tiếp, sẽ tỏ ra nôn nóng, nếu có tâm trạng mạnh mẽ, trị số mong đợi sẽ tăng lên thúc đẩy nhu cầu giao tiếp. Khi giao tiếp sẽ cảm thấy vui mừng, kết quả giao tiếp cực kỳ tốt đẹp. Những người có tâm trạng lạnh nhạt, sẽ có phản ứng và kết quả ngược lại.
Nói tóm lại, những biểu hiện của tâm lý được đánh giá qua kết quả của giao tiếp. Nhưng điều quan trọng hơn tâm lý lại quyết định tới kết quả đó. Nó là cơ sở để tiến hành giao tiếp.
*
TRẦN TIẾN
Địa chỉ: Nhà 6, ngách 20, ngõ 107, phố Hồng Mai,
quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội.
Email: trantienkv20@gmail.com








 .............................................................................................................
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 22.08.2016.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến. 
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
.

0 comments:

Đăng nhận xét